Trong những bài trước, chúng tôi ra lượt kể lại từ “Thiên Hạ Đệ Nhứt Gia” (ông Huyện Sĩ), ông Hội đồng Trạch, ông Phủ Kiểng... cho tới những gia đình giàu lớn vượt bực ở Nam Kỳ. Hầu hết những đại phú gia kể trên đều là các đại diện chủ. Gia sản của họ phát sinh từ những cánh đồng ruộng lúa minh mông, những lẫm lúa hàng mấy chục căn, nằm rải rác trong các tỉnh miền Hậu Giang.
Bài này, chúng tôi sẽ kể thêm một vài nhà giàu tiêu biểu, thuộc lớp quan lại, hay các thương gia. Họ làm giàu nhờ năng khiếu đầu óc thương mại phát triển sớm, nhìn xa thấy rộng. Thay vì có tiền bo bo cất giữ, mua vàng bạc, tạo thêm ruộng đất, thì họ đem vốn liếng đó vào công cuộc kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nước nhà. Gặp lúc kinh tế hàng hoá đang phát triển, họ lập hãng xưởng vừa tạo công ăn việc làm cho công nhân, vừa góp phần tranh thương với Hoa kiều, Pháp kiều, giành lại quyền lợi kinh tế cho người bản xứ. Nhiều vị sinh sống ở miền Nam, cũng như dân cố cựu đất Sài gòn thường gợi ý với chúng tôi rằng “Các đại phú gia ở Nam Kỳ hồi đầu thế kỷ này có đến hàng trăm người chớ không ít”. Chúng tôi cố gắng sưu tầm được phần nào hay phần nấy để viết lại, làm sống lại khung cảnh của miền Nam nửa thế kỷ trước. Bằng lòng với mớ tài liệu khiêm tốn hiện có, chúng tôi viết lại thành những bài kể chuyện, chỉ mua vui cho độc giả, đồng hương. Chúng tôi không có tham vọng gì cả. Nhiều người thuộc hạng giàu có lớn, làm chủ những đồn điền cao su, cà phê, rộng vài trăm mẫu trở lên ở các tỉnh Đông Nam Kỳ như Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Gia Định, nhưng có đời sống trầm lặng, ít khoe khoang, do đó dư luận ít biết tới. Chẳng hạn nói về các chủ đồn điền, ngoài những công ty đồn điền của người Pháp như “Công ty Đất Đỏ”, người Việt cũng từng xuất vốn kinh doanh bằng cách mở các đồn điền. Kể từ khi thế chiến thứ nhứt (1914-18) chấm dứt, giai cấp tư sản Việt nam đã hình thành và đang dò dẫm trên đường phát triển. Về lãnh vực trồng tỉa, có đồn điền cao su của Trần Văn Chương, Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Của... Ở Biên Hoà, Thủ Dầu Một. Thời gian này, ngân hàng của người Việt làm chủ đầu tiên mới ra đời do các ông Trần Trinh Trạch, Nguyễn Văn Sử, Nguyễn Tấn Lợi, Lê Quang Liêm, Nguyễn Thanh Điểm... góp vốn Năm 1932 hãng xà bông Trương Văn Bền ra đời, cạnh tranh với xà bông nhập cảng từ bên Pháp. Xê xít khoảng đó vài ba năm, nhiều người Việt cũng mạnh dạn đứng ra lập công ty, hãng buôn, nhà máy. Điển hình như “công ty Nguyễn Phú Khai” ở Nam Kỳ, chuyên môn nhập cảng xe đạp, xe hơi: công ty Tư Phú ở Chợ Lớn, làm đại lý xăng dầu, phụ lùng xe hơi, công ty Điện Lực của Lê Phát An và Phạm Tùng Long, có mặt khắp lục tỉnh cho tới Cao Miên. Đặc biệt là các nhà giàu Nam Kỳ biết lập hội để cạnh tranh như “Nam Kỳ Thương mại, kỹ nghệ”, với các cự phú như Trần Quang Nghiêm, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Hội, Trương Văn Bền...Bằng lòng với những tư liệu hiện có, cộng với những tài liệu mới do Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu tặng, cho phép sử dụng; tài liệu của nhà văn Hồ Trường An gởi cho, chúng tôi viết lại cuộc đòi của các nhà giàu tiêu biểu trong hàng quan lại, kỹ nghệ gia. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo các sách “Nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền” của Đặng Hữu Thụ, “Lịch sử báo chí Việt nam” của Huỳnh Văn Tòng... Chúng tôi viết loạt bài này như một sự tri ân đối với quý vị có phương danh nêu trên. Chúng tôi hy vọng rằng những con cháu của các vị có tên trong bài, nếu có dịp dọc bài, vui lòng chỉ bảo những chỗ sai sót, hay giúp tác giả thêm tài liệu mới, thì thật là vạn hạnh.