Những năm đầu khi mới chiếm Gò Công, việc mộ lính bổ xung cho quân đội Pháp cũng gặp nhiễu sự chống đối tiêu cực của dân chúng. Thường, Pháp cho chặn các ngã đường, bắt thanh niên khỏe mạnh xung vào lính gọi là “nạn lính tản”. Khi cần bổ xung, Pháp ruồng bắt lung tung, làm dân chúng sợ hãi, nhứt là thanh niên trai tráng, mạnh ai nấy tìm đường chạy trốn. Hồi đó, đi lính cho Tây chỉ gồm những phần tử nghèo và bất hạnh trong xã hội cũ. Vào lính, sau một thời gian, sống trong không khí tự do, cởi mở, tánh tình và phong cách họ cũng thay đổi. Thái độ rụt rè, nhút nhát ban đầu đã nhường chỗ sự dạn dĩ, dám ăn dám nói. Nhiều đứa mới ngày nào là trẻ chăn trâu, giữ vịt, bây giờ lên mặt với đời, là những người trước kia coi rẻ, khinh thường chúng.
Một số may mắn, lập công trên đường binh nghiệp, lên chức ông Cai (Caporal), ông Đội (Sergent), ông Ách (Adjudant) tương đương chức chuẩn uý mà hồi đó chỉ gọi bằng “ông Quản”.
Những người ít học khi có chức, có quyền hay tự phụ, kiêu căng. Quân lính khi được trọng vọng thì sinh nạn “kiêu binh”. Lúc mới về làng, nhiều người nói chuyện chêm tiếng Tây, tỏ ra mình quan trọng. Bà con lối xóm tới thăm thán phục. Trước kia họ là “thằng Hai, thằng Ba”, bây giờ thành “Ông Cai, ông Đội”, tuy chưa oanh liệt nhưng cũng nở mặt mày. Nửa thế kỷ trước, ông bà chúng ta thường nhắc câu “Lính về làng như thần hoàng về miếu”, khiến cho mấy ông viên chức hội tề cũng phải kính nể. Không biết sự thật ra sao, nhưng theo một vài vị cố cựu ở Gò Công nói rằng “đình làng Tân Niên Tây, hồi trước cất trên một gò đất phát quan võ”, vì nó nằm ở đầu giồng Tháp cao ráo, nên dân ở đó đi lính đều lên quan cả. Vì lẽ đó, các ông trong ban hương chức hội tề bàn nhau dời đình làng về vị trí mới, tại xóm “Câu Đình” để phá cuộc đất “phát quan võ”, làm hại đất nước?
Bây giờ nói về việc “học chữ Tây buổi đầu”, cũng có nhiều điều khôi hài. Pháp cần người thừa hành làm việc trong các công sở nên ra lịnh bắt buộc phụ huynh phải đưa con em đi học. Hồi trước, trẻ em từ 12 tuổi trở lên đều học chữ Nho, nay có lịnh tạm nghỉ, để theo học chữ Pháp. Ban đầu, nhà cầm quyền Pháp tư giấy về các gia đình ra lịnh cưỡng bách, khiến các nhà giàu hoặc khá giả, có con em tới tuổi đi học rất lo lắng. Lúc ấy không ai muốn con em mình theo học chữ Tây hay chữ Quốc ngữ vì nghĩ rằng “khi học xong, họ bắt đưa về bên Tây, phải xa quê quán”. Nhiều nhà có con em đang theo học với mấy ông đồ Nho, đều hoang mang không khác gì nạn “bắt lính tản”. Họ lo lắng, tìm phương cứu gỡ cho con cái khỏi đi học bằng mọi giá. Lại có nguồn tin khác rỉ tai nói rằng “đất này của triều đình. Mai mốt nhà vua lấy đất lại, sẽ trả thù những người nào theo học chữ Tây”. Vì lẽ đó, nhiều gia đình làm tròng tréo, nhờ con người ở đợ chăn trâu, tôi tớ trong nhà đi học thay cho con mình. Những nhà không có tôi tớ, phải mướn con cháu các gia đình bần hèn một cách khó khăn. Gặp dịp này, các gia đình ấy làm eo làm xách để đòi tiền. Tuy nhiên, mấy ông nhà giàu cũng phải chịu họ, miễn có người đi học thay cho con mình, tốn kém bao nhiêu cũng chịu. Họ cam kết bao bọc, cấp đất ruộng cho gia đình ấy sinh sống, miễn lo xong công việc thì thôi.
Nhờ cơ hội ấy, con cháu các gia đình nghèo, bỗng nhiên gặp dịp may. Nhiều cậu học trò khó, nhờ chăm chỉ, siêng năng, chỉ sau 5, 7 năm đỗ đạt qua các kỳ thi rồi làm thơ ký, thăng dần lên thầy thông, ông phán, rồi huyện, phủ, mấy hồi. Tương truyền các ông phủ Nguyên, phủ Sử, phủ Bình ở Gò Công, và ông Diệp Văn Cương (Gò Vấp) là những người xuất thân trong hoàn cảnh kể trên.