Mười năm sau, Gò Công phải chịu thêm một thiên tai nữa: Cơn hạn hán kéo dài, làm mùa màng tiêu tan, dân trong xứ gọi là “nạn bạch đồng”. Hồi đầu thế kỷ 20, nông dân làm ruộng phải tuỳ thời tiết. Năm nào mưa thuận gió hoà, mùa màng trúng, đem ấm no, trái lại, dân tình đói khổ. Vì lẽ đó, mọi người đều tin tưởng ở trời đất và thần linh, là những kẻ có quyền ban phúc lợi hay trừng phạt bằng cách gây thiên tai. Theo ông bà kể lại năm ấy (1915), kể từ tháng 7 trở đi, trời nắng gắt không một trận mưa. Nhiều đám ruộng mạ gieo lên xanh, cháy khô, héo úa. Nếu chỗ nào cày cấy được nước ruộng nóng quá, chẳng bao lâu mạ, lúa cũng vàng, tháp, không trổ bông nổi. Khắp nơi ruộng nứt nẻ, mạ khô như rơm một màu trắng bạc, nên dân chúng gọi thiên tai đó là “nạn bạch đồng”
Nắng gay gắt tiếp tục từ ngày này qua ngày khác, làm cho ao, vũng, đìa... khô cạn nước. Thậm chí các sông rạch nước cũng không dâng cao được. Gió Đông Nam thổi hây hây suốt ngày. Đêm, trời cao lồng lộng, sao tỏ rạng như băng, là triệu chứng những ngày nắng gắt.
Dân ta vốn tin quỷ thần, trời đất, nên gặp thời tiết khắc nghiệt thường cho “trời, quỷ thần hành”. Họ đặt bàn hương án trước nhà, bày đồ cúng tế, vái lạy cầu mưa. Nhiều làng tổ chức các cuộc “cầu đảo” làm náo dộng trời đất, hy vọng mưa xuống. Họ tổ chức thành một đoàn vài trăm người như cuộc biểu tình ngày nay, đi khắp làng xóm: dẫn đầu là ông Địa và ông Rồng. Người làm ông Địa mặc áo rộng xanh, tay cầm quạt đi trước. Kế đến là ông Rồng mang đầu rồng, áo rằn ri xanh trắng. Tiếp theo là hai người khiêng trống, phèn la. Dẫn đầu là người thủ xướng cầm hai thanh trẻ vừa hái vừa nhịp “lắc cắc”, trong khi ấy, trống đánh “thùng! thùng!” “lùng tùng phèn”. Những người nối gót theo đoàn cầu đảo đều cầm cái dầm hay chèo, dẫn tới bờ sông hay đi dọc theo đường cái. Tất cả cùng hát:
- Câu trời mưa xuống “lắc cắc, tùng phèn”
Cho dân làm ruộng. Hò la hối! “Lắc cắc, lùng tùng phèn. Tùng phèn!”
Đoàn người lũ lượt đi qua cánh đồng này tới cánh đồng khác tạo ra một bầu không khí vui nhộn như một đám rước sắc thần. Họ đi từ sớm cho tới chiều tối. Xóm làng nào họ đi qua cũng có người đem cơm vắt, nước uống ra cung cấp. Đi một đỗi, người thủ xướng hỏi ông Địa:
- Chừng nào mưa?
Ông Địa trả lời:
- Chiều nay mưa (hoặc sáng mưa).
Đoàn người ấy cứ diễn hành cả tháng trời như vậy, hy vọng làm náo động cả bầu trời để có mưa. Hồi đó có những câu hát:
Cầu trời mưa xuống,
Cho dân làm ruộng,
Nước ngập bầu mương,
Tốt lúa tươi vườn,
Nhỏ phước ban ơn,
Dân chúng vui mừng,
Đêm ngày cầu khẩn,
Trời đất thánh thần,
Nắng dịu, mây vần,
Đổ mưa tràn sân,Nước ruộng ngập chân, nông nghiệp đội ân...
Đến tháng Mười, bao nhiêu sự mong đợi, cầu khẩn trở thành thất vọng. Nhiều dân đinh trai tráng Gò Công bỏ đi tha phương cầu thực: gặt lúa Đồng Môn (Biên Hoà), mua khoai Trà Bang Long Mỹ, bắp hột từ Nam Vang đem về cứu trợ. Tiền nhân ta có kinh nghiệm của nghề nông “Một năm mất mùa ba năm thiếu đói” (Gò Công, cảnh cũ người xưa” của Việt Cúc, trang 122) Suốt năm 1904, báo chí Nam Kỳ xuất hiện nhiều bài thơ, phú nói về cảnh khổ của dân chúng trong trận lụt năm Thìn: bài song thất lục bát “Gò Công Phong Vịnh Hồng Thuỷ Biến Sanh” của Trần Văn Quan và bài phú “Đám Ca Hồng Thuỷ Điếu Bỉ Sanh Linh”.