Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40940 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ
Hứa Hoành

Mấy thiên tai lớn ở Gò Công

Những ai thuộc lớp tuổi trung niên trở lên, sinh trưởng ở miền Nam, chắc chắn rằng trong đời cũng từng nghe ông già bà cả nhắc tới câu: “Năm Thìn bão lụt”. Trận bão lụt kinh hồn, tàn phá hết hoa màu, nhà cửa, mùa màng tài sản và cuốn đi vô số sinh mạng đến nỗi hễ nhắc tới năm Thìn, người dân có ám ảnh “bão lụt nổi lên”. Hồi nhỏ, tôi và các bạn trong làng, tuy chưa hiểu biết, nhưng cũng bị ám ảnh bởi mấy tiếng “năm Thìn bão lụt” như một điệp khúc mà thỉnh thoảng chúng tôi thường nghe ông bà nhắc lại mỗi lần có đám tiệc.
Trận bão năm Giáp Thìn (1904) là trận bão lớn nhứt thế kỷ 20, gây kinh hoàng cho tất cả các tỉnh Nam Kỳ, không riêng gì ở Gò Công. Từ Biên Hoà cho đến Rạch Giá, Châu Đốc, nơi nào cũng bị tàn phá. Nước ngập mênh mông, cuốn trôi biết bao con người, gia súc. Mấy mươi năm sau, nhiều câu hát, câu vè, câu hò còn nhắc lại ảnh hưởng tàn phá của trận bão ấy. Chẳng hạn mấy câu:
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc(1)
Ngọn gió nào độc cho bằng ngọn gió Gò Công(2)
Một ngọn gió đưa lạc vợ xa chồng...

Trong quyển “Sài gòn năm xưa” trang 243, cụ Vương Hồng Sển có ghi lại:
“Năm trước, tại Sa Đéc, tôi có hầu chuyện với một bực lão thành, ông phủ Tân Hàm Ninh nay đã quá vãng. Ông từng ngồi chủ quận hạt Gò Công. Ông nói:
- Trận bão năm Giáp Thìn xảy ra vào ngày 1 tháng 5 Dương lịch. Gió thổi mạnh từ lúc 10 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nước lụt người trôi, đất Gò Công bỏ hoang vô số kể. Mặc tình ai đủ can đảm, chịu ra mặt đóng thuế, thì làm chủ chính thức.
Tuy vậy, ông Phủ tiếp:
- Nào ai có thèm đâu! Họ chi lo vớt thây ma, lột vàng vòng ăn sốt dẻo, còn hơn tham đất ruộng, rủi thời không tiền đóng thuế, mắc nợ khổ thân ích gì!”
Theo ông bà chúng tôi kể lại, cũng như vài vị cao niên, quê quán ở Gò Công mà chúng tôi có dịp hầu chuyện bên trại tỵ nạn ở Mã Lai (1984) thì: “Trận bão lụt năm Giáp Thìn xảy ra vào tháng 3 âm lịch, giữa mùa nắng. Vào lúc 10 giờ sáng, thình lình mây giăng mù mịt, gió bắt đầu thổi mạnh, càng lúc càng mãnh liệt. Đến 3 giờ chiều, gió giật từng cơn, cây cối gãy đổ, nhà cửa tróc nóc, bị gió cuốn bay như con trết. Hầu hết nhà lá bắt đầu xiêu đổ, cây cối gãy nằm la liệt trên đường.
Đến chiều, nước bắt đầu chảy vô cuồn cuộn. Những đợt sóng mãnh liệt như hùa với gió lớn, quét sạch những chướng ngại trên đường chúng vượt qua. Từng đợt, từng đợt sóng tràn vào bờ, cuồn cuộn như thác, cuốn theo những dế rác, củi mục, mái nhà, lu hũ... đều trôi theo dòng nước oan nghiệt. Bỗng có tiếng la thất thanh:
- Bão lụt! Bão tới!
Mạnh ai nấy chạy ra khỏi nhà, tìm chỗ cao ráo để trú thân.
Nước sông Cửa Tiểu, sông Vàm Cỏ càng lúc càng cao. Thơ “Năm Thìn bão lụt” truyền miệng kể lại rằng:
Đời ông chí những đời cha,
Mới thấy trận bão tháng ba lạ lùng.
Sông trong bể khổ hãi hùng,
Nhà cửa trôi hết, áo quần sạch trơn.
Rương xe thùng bộng, mái lơn(3),
Thuyền chài, cối giã chạy bon trên đồng.
Xác người, xác thú chập chồng,
Sóng dồi, rêu dập, vun giồng lấp khe.

Nước vẫn chảy cuồn cuộn. Chỉ trong một buổi, nước dâng cao 3 thước, chỉ còn thấy lè tè mấy ngọn cây sao, cây dừa. Gió vẫn thổi mãnh liệt. Các làng gần biển thuộc tỉnh Gò Công như Gia Thuận, Kiểng Phước, Bình An, Tân Bình Điền, Tăng Hoà, và Tân Thành bị nước cuốn trôi gần hết. Gia súc, mùa màng, người vật đều làm mồi cho cơn lũ càng lúc càng thịnh nộ. Mưa lớn, sấm sét liên hồi. Một số ít người còn sống sót nhờ níu được những vật nổi như cây chuối, thuyền chài, dế rác lớn, rồi leo lên cây nhịn đói, chịu khát, hy vọng có ghe xuồng nào đi ngang qua vớt họ.
Về “Bão lụt năm Thìn”, tác giả vô danh, mà một vị cao niên có tân thuật lại cho chúng tôi nghe:
Tiết tháng Ba gió lộng cuồng phong,
Đêm 16 (âm lịch) cây tan biển lở,
Vợ bồng con khóc ngược, khóc xuôi,
Chồng lạc vợ, hú kêu vang đất...

Suốt đêm rằm và 16 tháng Ba, gió mưa tầm tã. Nhiều người bị nước cuốn trôi, cố bám víu giấy bất cứ vật gì nổi như đống rơm, ngọn cây để sống sót. Những kẻ may mắn ấy vừa đói, vừa khát, kiệt sức... cuối cùng rồi chết chìm theo dòng nước oan nghiệt. Ông Việt Cúc, tác giả “Gò Công, cảnh cũ người xưa”, ghi lại lời tự thuật của một bà lão:
“ Năm ấy tôi 14 tuổi (sinh năm 1890), sống trong một gia đình gồm 6 người: bà nội, cha mẹ, tôi với 2 em, một đứa 6 tuổi và một đứa 8 tháng. Cha tôi thấy gió lớn từng chập đập vào vách, giựt sập mái nhà, nên lấy bộ ván ngựa tân cửa lại, ràng rịt rất kỹ, nhưng cũng bị luồng gió tộc bay hết nửa mái nhà. Còn nửa mái nhà sập đè lên vựa lúa. Từ bốn phía có tiếng la thất thanh:
- Nước tràn lên rồi! Trời ơi, chạy ngả nào?
Cha tôi chạy ra xem, rồi lật đật quay trở vào nhà. Trong chốc lát, nước ào ào tràn đến, xô đẩy mái nhà day động, sóng nước vùng lên đến cột cái. Vựa lúa của chúng tôi bị ngập đến đầu vựa. Cả nhà bỏ lên vựa lúa, nhờ mái nhà lá sập và đậy úp lên đầu vựa, che sóng nước. Một chập có dề rều rác (giề rác) từ xa trôi tới, tập lên mái nhà, thành cái bè rất to, can ngăn với sóng. Tôi ngồi xem thấy đồ vật trôi nổi ngổn ngang, đến cả thú vật như trâu, heo, nặn hụp và thuyền chài chạy tuông, băng qua trước mặt. Có thằng nhỏ chăn trâu, đứa ở đợ bên xóm, trôi tập vào cây tra. Nó kêu lên:
- Ông Năm ơi! Ba con trâu trôi đi mất rồi. Tôi bị trôi về đây ở trên hàng cây tra đây, ông ra vớt tôi!
Tiếng kêu hãi hùng cho đến tàn hơi rồi im bặt. Trời sắp tối nước dưng càng cao sóng bủa ào ào, đội lên hụp xuống ành ạch, đám bè rung rinh muốn rã. Cha tôi cõng bà nội lên vai, vớ được một ôm cây và rều khác, thả trôi theo dòng nước về hướng Bắc. Thấy cái rều trôi càng lúc càng xa, mấy chị em tôi điếng hồn. Trông theo xa xa chỉ còn thấy cái bóng đen là dấu cái khăn xanh của bà nội tôi bịt trùm đầu, tôi khóc nhưng không ra nước mắt. Chốc lát, sóng phủ rều trôi đi mật dạng. Cái mái nhà bị  rều nhận thêm, sóng nước đập vào quá mạnh rồi kéo ra, co giãn nhiều lần, đến lúc phải rời vựa lúa, lần lần trôi đi, đưa mẹ con tôi về cõi vô định.
Trong giờ phút kinh hoàng thì may mắn, rều của chúng tôi tập vào một hàng cây, rồi dừng lại, không trôi đi đâu nữa. Trời cứ mưa ầm ĩ. Màn trời đen sẫm, giữa đêm trăng mờ mờ, mẹ tôi nhìn dưới nước thấy nhiều rơm sóng tấp tả. Mẹ tôi tụt xuống mé rều, rút lên từng nắm rơm ướt, vắt nước, phủ lên đầu mình chúng tôi. Nhờ rơm phủ kín, chị em tôi ôm sát với nhau, ngồi trong lòng mẹ. Quá nửa đêm, gió đã dịu, sóng nhỏ và mực nước lưng chừng. Dưới bóng trăng mờ, mẹ tôi sực nhớ tới em nhỏ, từ hồi chiều đến giờ, không khóc mà cũng không đòi bú, chỉ nằm nhắm mắt chịu trận, thở thoi thóp nhờ manh áo và cái khăn của mẹ phủ lên nó vẫn nằm êm như ngủ. Vì hai em lạnh quá, cứng cả hai hàm răng không khóc la, đòi hỏi gì được. Tay chân tôi móp te, hàm răng cứng nghiến chặt, muốn há miệng nhưng nói không ra lời và đánh cầm cập... Bỗng thấy ánh sáng từ phía Đông vùng lên càng lúc càng to. Chúng tôi cố lắng nghe xung quanh, những cảnh vật lặng ngắt. Đến khi trời sáng tỏ, vài kẻ còn sống sót réo gọi nhau ơi ới, hỏi han từ xa vọng lại: “Ở đây là đâu? Xứ nào hở?...” Rồi bỗng có một chiếc thuyền chài lưới, bơi đi và kêu lên: - Nơi đây là xứ nào? Ai lên tiếng chúng tôi vớt cho!
Rồi có tiếng vang vang:
- Đây là Xóm Lá, ở dưới chợ Tổng Châu. Nhà cửa trôi hết, chúng tôi trôi dạt tập vào dặng cây này. Chiếc thuyền ấy bơi vào, vớt được 4 người. Anh ngồi trên thuyền nói:
- Nhà tôi ở Rạch Bún. Chúng tôi đang lưới cá ngoài biển, thuyền trôi từ chiều hôm qua cho tới đây, anh em chúng tôi vót được hai người ở Vàm Láng và Bên Vựa.
Nhờ nghe ngóng lời đối đáp trên chiếc thuyền chài ở cách đó không xa, và chỉ thấy bóng đen lờ mờ, chập chờn, nên mẹ chúng tôi biết rằng mình còn ở về địa phận chợ Tổng Châu, cũng vững bụng. Ngồi yên đợi đến sáng. Mực nước còn cao đến cỡ hai thước. Nơi nào cũng trắng xoá, rều rác còn trôi lềnh bềnh. Khoáng nửa giờ sau, có nhiều chiếc thuyền đi cứu nạn. Họ bơi vùn vụt, kêu gọi, tìm vớt những người bị nạn chở về chợ. Thuyền này chèo đi, có thuyền khác vừa tới, rao khắp nơi, tìm vớt nạn nhân. Mọi người đều đói lả người, lạnh run. Đến 10 giờ trưa ngày 16 (âm lịch), nước rút chỉ còn 1 thước. Đàn ông thì cõng cha mẹ già, kẻ cõng con, dắt vợ lặn lội, xin nước ngọt để uống và cơm vắt để ăn đỡ đói. Tại chợ Tổng Châu có ban cứu tế nâú cơm gạo lức và chở nước ngọt về phát cho mọi người một vắt cơm, một chén nước cho đỡ lòng. Những người già yếu đều ngất xỉu, phải nhờ ban cứu tế săn sóc”.
Bài thơ “Năm Thìn bão lụt” có những câu:
Sáng ngày quên tuổi quên tên,
Nhà cửa trôi hết đưa lên Bồ Đề (?)
Lội lên nước mắt dầm dề,
Ở truồng, ở lỗ, ê chề rán đi!
Ông Cả (Cả Binh) làm phước ân thi,
Gạo lức, nước mắm ăn đi đỡ lòng!
Ăn cơm nước mắt ròng ròng,
Đói thì ăn vậy, trong lòng xót xa.
Vì kẻ mất mẹ còn cha,
Người thì mất vợ, kẻ thì mất con
...
Chiều ngày 16, mức nước rút bớt, cạn còn đến đầu gối. Xác người, thú vật trôi kêu bều. Đồ đạc bừa bãi ngoài đồng. Những xóm đông nhà chỉ còn vài cây cột... Sáng ngày 17, nước cạn nhiều người ta đổ ra tìm thân nhân. Có gia đình chết sạch, không còn người nào. Thây nằm rải rác. Mãi đến ngày 19, người ta mới tổ chức cuộc đi chôn. Hễ gặp xác chết ở đâu thì chôn tại đó.
“Thơ Năm Thìn bão lụt” thuật lại:
Rủ nhau dập xác cho liền,
Gặp đâu chôn đó chớ hề ai khiên.
Thân chết chôn rồi đã yên,
Còn người sống sót: gạo tiền đâu ăn?
Lúa đổ, bòn đãi lăng xăng,
Kẻ năm ba giạ để dành hậu thân.
Quan trên chẩn tếch dân,
Phát gạo, quần áo đỡ đần lúc nguy!...

Rồi đàn ông đi mót cây ván nát vụn về cất cái chòi tạm trú. Đàn bà kiếm nồi niêu, chum, viêm, và đồ cần dùng, lúa đổ, bòn, đãi phơi khô để nấu ăn.
Nơi đồng ruộng, cá biển mắc cạn vô số. Thừa lúc này những tên trộm và đàng điếm lục xác chết đàn bà để gỡ bông tai, vòng vàng, hoặc chẻ rương lấy vàng bạc. Họ bắt cả trâu bò còn sống về làm thịt nhậu. Tội nghiệp những con trâu còn sống sót, vì quá đói và khát nước, chạy tới vũng này chúc mõm xuống, gặp nước mặn, không uống được, lại chạy tới vũng khác. Chúng nghênh ngáo chạy hoài, đói mệt lả đến năm ba ngày. Sau gặp lại chủ cũ, thân hình chỉ còn da bọc xương?
Rủ nhau đi cất chòi mồng,
Xóm đâu về đó cho quan lập làng.
Vàm Láng nhiều tay điếm đàng,
Đến ở: trâu vịt, bắt ngang ăn hoài.

Sau trận bão lụt, nước rút đi, nhiều ao vũng, trên đồng ruộng, cá biển mắc cạn vô số. Có chiếc tàu lục tỉnh khi vô Vàm Kỳ Hôn để qua kinh Chợ Gạo, nước ngập minh mông, lạc phương hướng, tài công lái sâu vô ruộng mấy ngàn thước, rồi mắc cạn. Trên một ngọn cây cao, có tử thi một người đàn ông, mặc đồ “Quan Công” đeo râu, đội mão nằm vắt ngang như treo võng. Hỏi ra mới biết đó là kép hát, đóng vai “Quan Vân Trường” đang hát trên sân khấu trong đình, đột ngột nước dâng cao, cả rạp túa ra, chạy tán loạn. Nhiều người bị nước cuốn trôi, chết mất xác. Riêng xác “Quan Công” được dân chúng đem xuống, rồi chôn tại chỗ. Cái mả ấy về sau dân chúng gọi là “mả Quan Công”.
Trận bão năm Thìn gây tác hại quá khủng khiếp. Mấy thế hệ sau, ông bà ta vẫn còn bị ám ảnh. Nhiều câu hát ru em ở miền Nam nhắc lại thiên tai đó với sự ngậm ngùi:
Năln Thìn, trời bão thình lình,
Kẻ trôi, người nổi, hai đứa mình còn đây.

Sau trận bão lụt, gia đình nào cũng ly tán: Có gia đình chết tất cả nhưng cũng có gia đình mất mát vài người, hoặc vợ chồng thất lạc, nhiều năm sau mới gặp lại:
Gặp anh đây mới biết anh còn
Hồi năm Thìn bão lụt, em khóc mòn con ngươi!

Trận bão năm Giáp Thìn riêng lại Gò Công, số người chết ước lượng đến phân nửa dân số hồi đó, tức khoảng 5.000 người. Hàng năm, đến ngày 16 tháng Ba âm lịch, dân chúng Gò Công, Mỹ Tho, Tân An đều nhớ đến ngày đại nạn của người thân và đồng bào. Khắp nơi trong các tỉnh đều có quyên góp tiền bạc để làm giỗ, cúng vong hồn các nạn nhân chết oan, gọi là “giỗ hội”:
Tháng Ba mùng sáu lai niên,
Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung.

Chú thích:
(1) Nhắc lại sự tích đào kinh Vĩnh Tế, ban đêm phải cắm mốc bằng sào phía trên có cây đuốc, để ở xa nhìn thấy rõ
(2) Tức trận bão năm Giáp Thìn (1904)
(3) Loại rương lớn, có bánh xe

<< Cậu Hai Miêng (1858- 1899) | Tháng năm “chết nhộn” >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 757

Return to top