Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40933 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ
Hứa Hoành

Gò Công: quê vợ của hoàng đế Bảo Đại.

Miền Nam là nơi phát sinh 3 bà hoàng hậu triều Nguyễn: Bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng, được truy phong Thuận Đức Nhân Hoàng hậu, là người quê tại Thủ Đức.
- Bà Từ Dụ Phạm Thị Hoàng, vợ vua Thiệu Trị.
- Bà Nguyễn Thị Hữu Lan tức Nam Phương hoàng hậu (hương thơm từ phía Nam), vợ vua Bảo Đại.
Nam Phương Hoàng hậu là con gái thứ của ông bà Nguyễn Hữu Hào, người quê quán tại Gò Công. Ông Hào sinh trong một gia đình đại điền chủ, có đạo Công giáo, từng du học bên Pháp, đậu Tú tài toàn phần. Sinh thời, ruộng đất của gia đình ông Hào rải rác khắp các tỉnh Nam Kỳ. Tại quận Long Mỹ (1928) thuộc tỉnh Rạch Giá, sau sáp nhập vào tỉnh Cần Thơ, có 1000 mẫu ruộng thuộc gia đình Nguyễn Hữu Hào, vì thế ông chọn địa danh “Long Mỹ” làm tước phong cho mình: Long Mỹ Quận công. Bà Nguyễn Hữu Hào tên thật là Lê Thị Bính, con gái thứ của ông Huyện Sĩ Lê Phát Đạt và bà Huỳnh Thị Tài, chào đời tại Tân An, khi ông Huyện Sĩ làm thông ngôn tại đây. Bà Lê Thị Bính cũng là một đại điền chủ cùng với các anh như Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân... làm chủ nhiều đất đai thuộc quận Đức Hoà, Đức Huệ, và một phần lớn đất ruộng nay thuộc Đồng Tháp Mười. Ông Huyện Sĩ cũng là Hội đồng quản hạt Nam Kỳ từ năm 1880. Theo dư luận của người địa phương, ngôi nhà lầu đồ sộ của ông Huyện Sĩ tại Tân An (nằm gần ngã ba sông Tân An và Bảo Định) cất trên thế đất hàm rồng, do đó gia đình ông Huyện Sĩ giàu có lớn và danh vọng nhiều đời. Trưởng nam ông Huyện Sĩ là ông Lê Phái An, có tên Tây là Denis Lê Phát An, là một đại quý tộc đúng nghĩa. Lê Phát An được Hoàng đế Bảo Đại phong lược An Định Vương, tước hiệu cao quý nhứt của triều đình và chỉ phong cho một người duy nhứt ở Nam Kỳ thuộc hàng dân giã. Lê Phát An là cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu.
Năm 1934, nhân dịp gả cháu gái của mình về làm Hoàng hậu ở Huế, Lê Phái An có tặng cho cô Nguyễn Thị Hữu Lan một số tiền là một triệu đồng (tiền mặt) để làm của hồi môn. Gia đình Nguyễn Thị Hữu Lan giàu hơn cả Bảo Đại. Trong đời làm vua của Hoàng đế Bảo Đại, ông xài tiền của vợ nhiều hơn tiền của hoàng gia. Cô Mariette Jeannelte Nguyễn Thị Hữu Lan sinh ngày 4-12-1914 tại Cầu Kho, Sài gòn. Lúc nhỏ, cô Lan được gia đình gởi theo học trường nhà dòng dành riêng cho các gia đình Công giáo quý phái tại Sài gòn. Năm 17 tuổi (1926), cô Lan qua Pháp du học tại trường Couvent des Oiseaux. Năm 1932, cô Lan tốt nghiệp Tú tài toàn phần và có ý định trở về Việt nam nghỉ hè, trước khi trở qua học tiếp đại học Luật khoa. Trong dịp này, cô Lan gặp gỡ vị Hoàng đế trẻ tuổi, đẹp trai Bảo Đại.
Ngày 6-2-1934, năm Bảo Đại thứ 9, lễ cưới cô Nguyễn Thị Hữu Lan diễn ra tại điện Kiến Trung ở Huế, và lễ tấn phong Hoàng hậu diễn ra tại điện Dưỡng Tâm. “Nam Phương” mỹ danh hoàng hậu có nghĩa là “hương thơm từ phía Nam” do Phạm Quỳnh đặt ra. Bà Nam Phương là một phụ nữ xinh đẹp, có gương mặt phúc hậu, mắt phượng, nhỏ, nhưng thuộc hạng quý phái, tính tình bình dân. Trước khi nhận làm vợ của Hoàng đế Bảo Đại, bà có một yêu cầu “Khi về nhà chồng bà sẽ giúp chồng cai trị việc nước như một người cố vấn thân cận”.
Lần lượt Nam Phương Hoàng hậu đã hạ sinh:
- Ngày 10-12-1936 bà hạ sinh hoàng tử Bảo Long. Triều đình bắn mấy phát súng đại bác để chào mừng.
- Ngày 1-5-1937, công chúa Phương Mai chào đời.
- Ngày 3-11-1938, công chúa Phương Dung chào đời.
- Ngày 5-2-1942, công chúa Phương Liên chào đời.
Năm 1934, bà Nam Phương cùng 3 con (chưa sinh Phương Liên) tháp tùng Hoàng đế Bảo Đại qua thăm nước Pháp. Nhân dịp này bà có ghé La Mã và được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến (Lúc đó là Giáo Hoàng Le Pape). Hàng năm, triều đình đều có cử hành lễ sinh nhựt của bà Nam Phương gọi là “Lễ Trường Hỷ”. Hơn một thập niên sau ngày cưới, gia đình Hoàng đế Bảo Đại sống rất hạnh phúc.
Bà Lê Thị Bính là một người đàn bà đẹp phúc hậu, giàu có nhờ ruộng đất. thuở nhỏ cô Bính theo học trường đạo tại Sài gòn. Sau khi thành hôn với ông Nguyễn Hữu Hào, hai vợ chồng thường sống tại biệt điện ở đường Nguyễn Du, sau này là toà Đại sứ của Đại Hàn. Thỉnh thoảng hai ông bà lên nghỉ mái ở Đà Lạt vì ông Hào có nhiều đồn điền ở Cầu Đất. Hai ông bà Nguyễn Hữu Hào chỉ hạ sinh có hai người con gái:
- Trưởng nữ là cô Agnès Nguyễn Hữu Hào, kết hôn với Bá lược Didelol, Khâm mạng hoàng triều công thổ. Hồi năm 1995, tôi được nghe bà còn sống ở bên Pháp, nhưng già, điếc nên ít ai được tiếp xúc với bà.
- Thứ nữ là cô Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Hào tức Nguyễn Thị Hữu Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu.
Ông Hào là trong những đại điền chủ học thức, biết cách kinh doanh đồn điền. Sinh thời ông Hào có đồn điền cao su ở Biên Hoà, Bà Rịa, Đà Lạt, nhiều ruộng đất ở Gò Công, Tân An và Rạch Giá. Năm 1935, Hoàng đế Bảo Đại phong cho ông Nguyễn Hữu Hào “Long bội tinh” hạng nhứt, kèm lược “Long mỹ hầu” trong một buổi lễ tổ chức ở Đà Lại. Đồng thời nhà vua cũng phong cho nhạc mẫu Lê Thị Bính lược “Nhị phẩm phu nhân”. Ngày 28-6-1937, Hoàng đế Bảo Đại tặng mề đay “Kim khánh” hạng nhứt cùng mề đay “Kim tiền hạng nhứt” là huy hiệu cao nhứt của triều đình cho cha vợ là ông Nguyễn Hữu Hào. Bà Lê Thị Bính được phong “Nhứt phẩm phu nhân”.
Ngày 30-8-1937, Hoàng đế Bảo Đại sắc phong cho ông Nguyễn Hữu Hào lược “Long Mỹ Quận công”. Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào từ trần ngày 13-9-1937, được an táng theo nghi thức tước Quận công trong một ngôi nhà mồ tráng lệ, trên một ngọn đồi gần thác Cam Ly Đà Lạt. Lăng Nguyễn Hữu Hào là do chính gia đình bà Nguyễn Hữu Hào bỏ tiền ra xây cất. Lễ quy lăng được cử hành ngày 10-9-1941. Ngày đó là một biến cố lớn tại Đà Lạt khi Hoàng gia, gia quyến ông Nguyễn Hữu Hào, các quan lại cao cấp Pháp Việt, đều có mặt đông đủ trong một buổi lễ trang nghiêm tại nhà thờ Thánh Nicolas. Nhân dịp này, Nguyễn Tiến Lãng, bí thư của bà Nam Phương Hoàng hậu có viết một bài bằng tiếng Pháp đăng trên báo l”Indochine” số 58 với tựa đề: “Le Premier Monument Historique Annamité à Dalat” (Một đài kỷ niệm lịch sử đầu tiên của người Việt tại Đà Lạt).
Buổi lễ quy lăng được tổ chức dưới sự hiện diên của:
- Hoàng đế Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.
- Bà Bá tước Didelot, chị ruột Hoàng hậu cùng chồng là Bá tước Didelot, Khâm mạng Hoàng triều cương thổ. Ông bà Lê Phát An, tức An Định Vương, cậu ruột Hoàng hậu.
- Toàn quyền Decoux và vợ là Suzane.
- Giám mục Cassaigne, Drapier.
- Khâm sứ Trung Kỳ Grandjean.
- Một số đông quan khách Pháp Việt...
Bà Suzane là bạn thân của Hoàng hậu Nam Phương. Thỉnh thoảng từ Sài gòn, bà Suzane lên Đà Lạt và ở chơi với bà Nam Phương vài ba ngày. Bà Suzane là người Công giáo, ngoan đạo, đóng góp nhiều tiền bạc cho giáo đường Thánh Nicolas. Trong một chuyến lên Đà Lạt thăm bà Nam Phương, bà Suzane bị tai nạn (xe lật trên đèo Preun) và tử nạn. Thi hài bà được chôn phía sau nhà thờ kể trên.

<< Gò Công: đất khởi nghiệp các dòng học quý tộc | Vài nhân vật cận đại tiêu biểu của Gò Công >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 762

Return to top