Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40946 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ
Hứa Hoành

Cách cưới vợ, gả chồng cho con:

Phú quý sinh lễ nghĩa, nhà giàu lúc nào cũng bày vẽ nhiều lễ nghi trong quan, hôn, tang tế, chứng tỏ mình là người hiếu thảo. Người bình dân thường chế nhạo: “Phú quý đa nhân hội, bần cùng bà nội cũng xa” cùng một ý nghĩa trên. Hồi trước, con trai lấy vợ gọi là “thú”. Con gái lấy chồng gọi là “giá” (vì thế mới có mấy chữ hôn nhân giá thú). Ông bà ta thường nhắc: “Thú thê bất thú đồng tính”, có nghĩa cưới vợ, không cưới người cùng họ, vì sợ có bà con huyết thống. Trong việc hôn nhân trước đây, quyền quyết định tối hậu thuộc về cha mẹ. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Áo mặc sao qua khỏi đầu. Ngày nay, sống ở Âu Mỹ, hai quan niệm trên đều trái ngược, vì áo thun, khi mặc phải luồn qua khỏi đầu. Muốn kết tình sui gia, các nhà giàu xưa thường tìm chỗ môn đăng hộ đối, có nghĩa là gia cảnh, địa vị của hai gia đình phải tương xứng. Vì lẽ, các cự phú không thể tìm người có địa vị tương xứng trong cùng một làng, một tổng, nên họ phải cưới vợ, gả chồng cho con ở xa. Do sự quen biết, môi giới, hay bạn quen, miễn gia cảnh tương tự, họ sẽ kết thông gia bất kể xa gần. Nửa thế kỷ, trong nam, chỉ những gia đình nghèo mới gả con ở gần:
Má ơi! Đừng gả con xa,
Chim kêu, vượn hú biết nhà má đâu?

Gia đình nghèo, có con gái gả chồng gần để còn nhờ cậy khi tuổi già:
Có con mà gả chồng gần,
Có tô canh cần, nó cũng đem cho.

Quan niệm hồi trước thường phảng phất trong câu hát ru em:
Chồng gần không lấy,
Để lấy chồng xa,
Mai sau cha yếu, mẹ già,
Chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dưng?

Nhắc chuyện các nhà giàu gả con đi xa, chúng tôi nhớ trường hợp ông Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, nhà giàu số 2 ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ 19. Ông Phương hứa hẹn kết tình thông gia với Tổng đốc Hoàng Cao Khải khi ông này vô thăm Sài gòn năm 1896. Dịp đó, ông Phương gả con gái cho con ông Hoàng Cao Khải là Hoàng Trọng Phu, sau cũng làm Tổng đốc Hà Đông. Gia đình ông Bùi Quang Chiêu, giàu lớn, thế gia vọng tộc ở Mỏ Cày cũng vậy. Ông Chiêu có người em gái tên Bùi Thị Lan, gả cho Trần Văn Thông Tổng đốc Nam Định, nhưng sinh quán tại Biên Hoà. Khi về với ông Thông, người địa phương thường gọi bà Lan bằng “bà lớn”.
Ông Thông sinh năm 1875, là một trong những người Việt nam đầu tiên đậu Tú tài Pháp năm 1894. Ban đầu ông làm trong ngành giáo dục, rồi được bổ làm Giám đốc trường thông ngôn từ năm 1907-1911. Sau đó, ông chuyển sang ngạch hành chánh, làm Tổng đốc Nam Định trong 17 năm liền. Lúc đó, gia đình ông Trần Văn Thông có đồn điền và tư dinh ở tại Phủ Lý. Thời gian này, các con ông chào đời:
- Trần Văn Chương (1898), đậu Tiến sĩ Luật năm 1922 tại Pháp, về nước làm luật sư Toà Thượng thẩm Hà Nội. Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông Chương làm Đại sứ tại Hoa Kỳ.
- Trần Văn Đỗ sinh năm 1904, du học Pháp, đậu Tiến sĩ Y khoa, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại Giao cho Tổng Thống Diệm. Ông Trần Văn Đỗ là con rể bác vật kỹ sư Lưu Văn Lang, quê tại Sa Đéc.
Ông Trần Văn Chương kết hôn với bà Thân Thị Nam Trân, con gái Tổng đốc Thân Trọng Huề với một bà công chúa. Ông bà Chương sinh được 2 gái: Trần Thị Lệ Chi và Trần Thị Lệ Xuân, và một trai Trần Văn Khiêm. Trần Thị Lệ Xuân sau này kết hôn với Ngô Đình Nhu.
Ông Bùi Quang Chiêu có một người con gái, đậu bác sĩ y khoa, tên Henrien Bùi, đính hôn với luật sư luật sư Vương Quang Nhường, người Gò Công. Về sau, tâm tình không hợp, hai người đồng huỷ hôn ước. Ông Nhường cưới công chúa thứ 16 của vua Thành Thái.
Ở Vĩnh Long cũng có một gia đình kết thông gia với hoàng tộc bên Miên. Đó là gia đình ông phán Trầm Lục Trước. Ông bà Phán Trước có hai người con gái: Trầm Nguyệt Kiềm (chị) và Trầm Nguyệt Kiểu (em). Khi đổi lên làm việc tại Nam Vang, ông Phán Trước giao du trong giới quý tộc ở đây, và hứa làm sui với một người của hoàng tộc. Cô chị Trầm Nguyệt Kiềm được gả cho Hoàng thân Sisawath. Đám cưới diễn ra vào năm 1936. Đàng trai bao nguyên một chuyến tàu chạy Sài gòn Nam Vang xuống Vĩnh Long rước dâu. Hai vợ chồng sống với nhau trên 36 năm, nhưng không con. Năm 1971, khi bên Miên có phong trào “cáp duồng”, bà Kiểm chạy về Vĩnh Long, nương náu với em, và mất trong sự lãnh đạm của mọi người.
Rõ ràng các gia đình giàu khi cưới vợ, gả chồng cho con, thường kén chọn sui gia môn đăng hộ đối. Vì lẽ dù phải gả con đi xa họ cũng không ngại. Tội nghiệp những người con gái thuộc gia đình nghèo, nếu gặp cảnh ấy thường than:
Cắc kè đẻ bộng cây cui,
Cúi đầu lạy mẹ, làm sui cho gần.

Nhiều gia đình ít con, thường trong cảnh già, các bậc cha mẹ thường lo lắng, nhớ con khi ở xa xôi:
Một mai bóng ngã cội tùng,
Mũ rơm ai đội, áo mùng ai mang?

Hồi trước, đám tang những gia đình giàu rất nhiều nghi lễ phức tạp. Tang cha 3 năm, con trai đội mũ rơm, áo sô gai chỉ to, bỏ trôn, tang mẹ 3 năm, áo tứ thôi, chỉ nhỏ, may trôn. Con trưởng để tang cha chống gậy trúc (hay tre), để tang mẹ chống gậy ngô đồng.

<< Cách đặt tên, cưới gả: | Ăn uống, giải trí (cờ bạc, đá gà, uống rượu, thuốc phiện... >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 757

Return to top