Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 40947 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những phú hộ lừng danh Nam Kỳ
Hứa Hoành

“Đạo Tưởng” ông là ai?

Theo lài liệu trong quyển “Tân Châu” của tác giả Nguyễn Văn Kiềm thì “Ông Đạo Tưởng” có thế danh Lâm Văn Quốc, người quen thường gọi “Ba Quốc” sinh quán tại Cái Cùng, làng Long Điền, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu”.
Quốc có 2 em trai: Lâm Văn Út và Lâm Văn Bửu. Cả hai đều được phong chức và can dự vào cuộc bạo động năm 1939. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, kém may mắn, không được đi học dù là cấp tiểu học, nhưng Quốc thông minh, khỏe mạnh và có óc giang hồ. Giao du với các tay hảo hớn, các nhà sư Miên, Quốc học lỏm được nhiều thế võ hộ thân. Lại được các tay anh chị giang hồ dạy thêm, chẳng bao lâu, Ba Quốc được dân chúng trong làng lôn làm “võ sĩ”, mặc dầu anh chưa đăng đàn thi võ lần nào.
Có lẽ Quốc thích nghề đấm đá để tạo tên tuổi, nhưng Quốc chưa có hành động gì phi pháp, hoặc gây đau khổ cho ai. Có lẽ sự thành công đôi chút về võ nghệ, tạo cho Quốc nhiều ảo tưởng sau này. Được đàn anh đỡ đầu, Quốc bỏ nhà đi giang hồ một thời. Những thập niên đầu thế kỷ này, những người nào đã đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ, được thiên hạ coi như từng trải, già dặn kinh nghiệm, lịch lãm:
Cây trên rừng hoá kiểng,
Cá ngoài biển hoá long,
Anh đi lục tỉnh giáp vòng,
Đến đây trời khiên, đem lòng yêu em.
Hay:
Cần Thơ là cảnh,
Cao Lãnh là quê,
Anh đi lục tỉnh bốn bề...
Kể từ đầu năm 1901, các truyện Tàu dịch ra chữ Quốc ngữ được dân chúng Nam Kỳ đón nhận nồng nhiệt. Trong một thời gian dài, nhiều người chỉ cần đọc truyện Tàu mà có kiến thức sơ đẳng, có kinh nghiệm giao tiếp và hiểu được thế nào là trung, hiếu, tiết nghĩa ở đời. Có những người dốt, nhưng nhờ người khác chỉ các chữ của vần Quốc ngữ, rồi mò mẫm, đọc được truyện Tàu mới lạ. Chính nhờ truyện Tàu, chớ không phải kinh sách cổ điển Tứ thư, Ngũ Kinh, Tam Tự kinh... mà người miền Nam mê thích các nhân vật có hành động độc đáo, nghĩa khí, coi đồng liền rẻ hơn tư cách và khinh thường cái chết. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”, tức thấy chuyện bất bình mà không can thiệp, không phải là kẻ anh hùng, đã tạo ra những mẫu người như cậu Hai Miêng, thầy Thông Chánh, Ba Nhỏ, Sáu Trọng, Đơn Hùng Tín v.v... Truyện Tàu còn góp phần hình thành một phong cách riêng, một lối suy nghĩ và hành động của mọi từng lớp dân Nam Kỳ. Trước khi bộ “Quốc văn giáo khoa thư” ra đời khoảng thập niên 1930, truyện Tàu đã đóng vai trò của nó trong mấy mươi năm liền ở miền Nam. Các nhân vật trong Tam Quốc Chí, Phong Thần, Đông Châu Liệt Quốc, Thuyết Đường, Nhạc Phi... đã khuôn nắn hành động cho đa số quần chúng gốc lưu dân. Tính chất hoang đường, ma quái, thần tiên của truyện Phong Thần (Trần Phong Sắc dịch), Tây Du Diễn Nghĩa (Nguyễn Chánh Sắt dịch), Thuyết Đường... thích hợp với khung cảnh ban sơ của miền Nam mới khai phá. Tất cả những điều đó có ảnh hưởng mạnh đến yếu tố tinh thần của người dân Nam Kỳ buổi đầu.
Những nhân vật có hành động phi thường, khác thường trong xã hội thời đó, đều do hoàn cảnh văn hoá, lịch sử đặc thù của Nam Kỳ tạo nên. Ba Quốc sống trong môi trường đó, chịu ảnh hưởng hoàn cảnh và thời cuộc. Đó là chuyện dĩ nhiên. Được dàn anh đỡ dầu, Quốc đi giang hồ lục tỉnh một dạo. Có lúc Quốc lưu lạc qua Miên, Lào nữa. Nhưng lần ngao du ấy, Quốc học được phép “sình tả” tức học gồng của người Miên mà dao, búa chém không đứt. Điều đó nhiều người nghe Quốc kể lại, chớ chưa thấy tận mắt. Là nông dân, Quốc có thân hình chắc nịch của một lực điền, vai u thịt bắp nổi cuồn cuộn. Có một điều khác thường mặc dầu dốt, nhưng Quốc có tài ăn nói thu hút nhiều người nghe và tin theo. Năng khiếu đó, sau này được Quốc ứng dụng để thuyết pháp. Tín đồ ùn ùn theo “đạo Tưởng” và sẵn sàng “tuân phục tuyệt đối mệnh lệnh của thầy”.
Giữa năm 1925, giang hồ đã mỏi gối, Quốc tìm đến sống ở Tân Châu với người cậu là nhà văn kiêm dịch giả truyện Tàu Nguyễn Chánh Sắt. Ông Sắt giao cho Quốc trông nom việc nhà và ruộng rẫy như một quản gia. Người địa phương gọi Ba Quốc là “kẻ ở đợ” cho ông Nguyễn Chánh Sắt. Trong hoàn cảnh sống mới này, Quốc tỏ ra siêng năng và an phận. Người lối xóm ai cũng khen anh và có cảm tình một người ở đợ thật thà chất phác. Cuộc đời anh “ở đợ cục mịch” tưởng thế êm trôi. Nào ngờ, một hôm, Quốc thay đổi tánh tình. Xao lãng mọi chuyện thường ngày, Quốc biếng ăn, biếng nói. Ngồi đâu anh cũng nghĩ ngợi hàng giò, trầm tư mặc tưởng những chuyện đâu đâu... Có khi Quốc như người mất trí hò hét, đấm ngực, đụng đầu vô cột nhà, làm cho ai nấy đều ghê sợ. Mỗi lần Quốc lên cơn như vậy, cả xóm đến coi đông đảo... Trước hành động lạ lùng ấy, những người lớn tuổi trong làng giải thích “Quốc bị người khuất mặt hành hạ”... Có lúc Ba Quốc tự xưng mình là “Ông tướng Núi”, có lúc khác “Ông Lèo...”.
Mấy ngày kế tiếp, Quốc xin thôi “ở đợ” cho công Nguyên Chánh Sắt, đi lang thang chữa bịnh không lấy tiền. Quốc dùng tàn nhang, nước lạnh, hoặc bông hoa... cho bệnh nhân uống, nhưng lạ thay, hầu như bệnh nào cũng thuyên giảm hay bớt rất nhiều. Tiếng tăm “Ông thầy Núi” được lan truyền đi xa. Gặp những người bịnh tâm thần, la lối, phá phách lung tung, Quốc áp dụng hình thức bùa phép Miên: dùng dây chỉ cột chặt vào cườm tay gọi là “dây niệt”, để “trừ tà ma”... Trong số những người bịnh ấy có người lành mạnh hẳn. Vì thế, Quốc được coi như một “danh y”. Khắp trong vùng, nhiều người có thân nhân bịnh hoạn, đều chở tới am, nhờ Ba Quốc chữa trị. Lành bệnh, họ tình nguyện ở lại “làm công quả” để trả ơn thầy. Họ chung góp tiền bạc, vật liệu như cây lá cất một cái am nhỏ để “thầy Núi” có chỗ “trị bịnh làm phước”. Am ấy cất trên phần đất của ông Nguyễn Chánh Sắt, và lần lần trở thành chỗ hành đạo như một “tiểu triều đình”. Ban đầu, Quốc trang trí cái am như một ngôi chùa, thờ phượng lung tung: các vị thần linh (tướng Núi), các nhân vật trong truyện Tam Quốc đã hiển thánh như Quan Công (Quan Thánh đế quân và Chủ vị năm ông...) theo cách suy nghĩ của những người có trình độ hiểu biết thấp kém. Từ đó, nhiều đồng bào ở xa cũng tìm tới, tình nguyện xin “làm đệ tử” sau khi được “Ông thầy Núi” chữa bịnh. Nhiều đứa trẻ con được Ba Quốc chữa lành bịnh, cha mẹ chúng “ký gởi” cho thầy, làm kẻ hầu hạ, sai vặt và học đạo!
Theo sự mô tả của người địa phương, tuy cái am lợp lá, vách lá nhưng cao và khá rộng. Ở chính giữa, có gác để thầy Núi lên đó “tịnh” (trầm tư). Từ đó Ba Quốc trở thành giáo chủ “Đạo Tưởng”. “Đạo Tưởng” cũng có đọc kinh theo truyền khẩu vì có lúc ông ta đi núi Tượng (Thất Sơn) để học được... Vì thế, các người ủng hộ đều cho rằng “Đạo Tưởng” chính là một chi phái của Bửu Sơn Kỳ Hương (An Khê). Trong am, có đặt nhiều bàn thờ, cúng trái cây, bông hoa, nước lạnh và thấp nhang. Hằng ngày, ông “giáo chủ Đạo Tưởng” tịnh một thời ở trên gác, rồi ông ra trước bàn thông thiên, lạy đủ bốn hướng.
Thấy ông làm được việc thiện “có tâm đạo”, nhiều người đem con em đến xin “ký gởi, thọ giáo” càng ngày càng nhiều. Nửa thế kỷ trước, gia đình nào ở Nam Kỳ cũng có con đông. Họ nghèo, làm không đủ ăn, nên gởi con em cho “thầy”, cũng như một cách “ở đợ thí công”. Như vậy nhứt cử lưỡng tiện, một công hai việc. Có kẻ hầu hạ, cơm nước, sai vặt... bây giờ ông đạo Tưởng “được trọng vọng” khác thường. Cũng từ đó khiến ông có ảo tưởng. Chỉ có một điều lạ lùng khi gia nhập “Đạo Tưởng”, họ phải thề nguyền trước bàn thờ và trước mặt thầy:
- Đệ tử xin nguyện không phản Thầy và đạo!
Với niềm tin của người mê tín, mỗi lần ông đạo Tưởng trị bịnh, đốt vàng bạc (vàng mã) hoà với nước lạnh đưa cho họ, thì họ trịnh trọng bưng uống “bùa phép của thần linh”. Uống xong, tất cả bịnh nhân, người nhà, ngồi xung quanh ông, trầm tư bất động. Có người như bị thôi miên. Sau đó vài con bịnh cảm thấy trong người nhẹ nhàng, lồm cồm ngồi dậy, tới lạy “thầy”. Từ đó “Đạo Tưởng” được dân chúng vùng biên giới như Tịnh Biên, Nhà Bàng, Cho Vàm... cũng tìm tới xin trị bệnh.
Ông Nguyễn Văn Kiểm, nhà giáo, dạy trường Tiểu học Tân Châu, đã giải thích ý nghĩa Đạo Tưởng như sau: “Đạo Tưởng là nghĩ đến tổ quốc, chớ không phải mơ mộng viễn vông”. Cách giải thích ấy quá chủ quan. Không rõ hư thực thế nào, nhưng các đệ tử tin cậy và đang phục vụ cho Đạo Tưởng, có kể lại rằng: “Có lần ông Đạo Tưởng ngồi tham thiền giữa đêm khuya vắng vẻ, quanh mình ông có toả ra ánh hào quang”. Với thành kiến của người Á Đông, những người có hào quang toả ra phải là những bậc phi phàm, hoặc nhân mạng đế vương. Không rõ những điều ấy có thật hay chính ông đạo Tưởng thêu dệt để làm tăng thêm tính chất huyền bí. Hơn nữa, tín đồ của ông vì mắc lời thề, nên tin tưởng vào ông tuyệt đối.
Từ năm 1934-35, đạo Tưởng có nhiều tín đồ ở rải rác trong tỉnh Châu Đốc, vùng biên giới Thất Sơn qua tới Hà Tiên và ra đến hải đảo Phú Quốc nữa. Những năm 1937-1938... tại am ông Đạo Tưởng lúc nào cũng tấp nập khách thập phương. Để thu phục thêm những đệ tử trung thành, ông Đạo Tưởng cũng tỏ cho họ thấy những phép thuật của ông. Một lần, ông đụng đầu vào cây đinh một tấc đóng vào cột: cây định quẹo sang một bên, nhưng đầu ông không hề hấn gì. Người biết chuyện, cho rằng ông Đạo Tưởng học được phép “sình tả” tức học gồng. Cũng từ đó, nhiều người đồn rằng có lần thấy ông đạo Tưởng đứng để cho một người khác cầm dao chém, nhưng không hề hấn gì. Những tin lạ được lan truyền xa. Thậm chí, có người còn tin rằng “súng đạn cũng không bắn thủng da thịt của đức Thầy”.
Thật ra, sở dĩ có những hiện tượng như vậy một phần lớn do trình độ thấp kém của dân chúng, cũng như lòng mê tín. Học gồng là chuyện có thật. Các tay võ nghệ hồi trước ai cũng biết “học gồng”. Đó là sự chuyển vận nội công, được sự trợ giúp của vài món thuốc gia truyền kỳ diệu, khiến da thịt săn chất, trở thành chai đá, chống lại các thứ võ khí không làm thương tổn.
Nhờ cách gồng mà đạo Tưởng mê hoặc được các tín đồ. Khi tập họp được một số đệ tử trung thành, đạo Tưởng cũng đem võ nghệ, bùa phép hướng dẫn họ luyện tập. Vài đệ tử học võ với ông, lập được thành tích khi đấu sức, được lan truyền nhanh chóng: cú đá thôi sơn, cú đấm ngoạn mục làm cho đối phương tối tăm mặt mày! Hàng đêm, trước sân am của ông, có cảnh tập luyện tựa như thí võ dài rất nhộn nhịp. Họ tập đấu võ, múa gậy, côn quyền. Học trò đến học thường đem theo lễ vật: gà vịt, trái cây nhang đèn... Cũng có người đem tiền, chở lúa gạo đến cho Thầy. Mỗi lần đấu võ, ông đạo Tưởng dạy đệ tử đọc bùa chú, lâm râm khiến ai nấy đều tin rằng họ được phép thuật huyền bí nào đó trợ giúp. Hồi đó, các võ sĩ mỗi khi lên đài, thường lén ngậm ông Phật trong miệng, coi như được truyền sức mạnh! Thật ra đó chỉ là yếu tố tâm lý. Xin thuật lại một bài nói về trận đấu võ đài năm 1935, giữa võ sư Tư Cương (Chợ Lớn) và Tô Hùng Bính (Sóc Trăng):
“Hiệp chót xảy ra cãi cọ một lúc vì có người ngoài lén đưa ông Phật cho võ sĩ Tô Hùng Bính. Bính liền ngậm vào miệng. Khán giả thấy, la ó. Nhưng Tư Cương nói:
- Dầu ngậm mười ông Phật cũng đánh, chớ Tư Cương này không sợ đâu?”
Núp bóng người anh, hai em Lâm Văn út và Lâm Văn Bửu cùng học võ nghệ, được ông Đạo Tưởng huấn luyện, trở thành những cánh tay đắc lực của ông. Trong những buổi tập luyện, biểu diễn trước am, Bửu và Út từng hạ nhiều võ sĩ có hạng trong vùng, dân chúng rất nể phục.
Bước kế tiếp, ông đạo Tưởng lập riêng “tiểu triều đình”, căn cứ theo sự hiểu biết qua các truyện Tàu. Chuyện như giả ngộ, nhưng nhiều người ùn ùn tin theo: đạo Tưởng lúc cao hứng tự xưng “Hoàng Minh Quốc”, phảng phất câu chuyện “Thái Thượng Hoàng Minh” ở Đồng Tháp Mười vào năm 1929. Lợi dụng sự mê tín của dân quê, ông đạo này cho xâm hai chữ “Sơn hà” vào hai tai, “Xã tắc” vào hai chân của đứa trẻ, cháu ngoại ông mới sanh. Từ đó, ông rỉ tai cho lối xóm biết “điềm trời”. Ông còn cho biết đứa bé ấy chính là Thánh ra đời. Nó sẽ là Minh Vương và ông sẽ làm Thái Thượng Hoàng Minh.
Ông kêu gọi bá tánh hiến nạp của cải, tài sản. Họ cũng chung sức cất nhà cho ông, tình nguyện làm lính cho ông đánh Tây. Ông tổ chức đội ngũ dân quân với giáo, mác... kéo vào rừng thuộc quận Thủ Thừa, nhưng chưa xuất trận lần nào đã bị Pháp dẹp tan.
Ông Đạo Tưởng cũng bắt chước tương tự. Ông phong chức cho các thuộc cấp như một triều đình trong truyện Tàu mà dân chúng thường đọc:
- Quân sư: Nguyễn Văn Hương
- Đinh Phan Vương Lèo
- Đô đốc T.
- Tiền Phuông X.
- Ngự Đệ Út
- Nguyên Soái Năm...
Công việc tiến hành có vẻ bí mật, nhưng không thoát khỏi sự dò xét của thực dân. Lúc ấy tình hình chính trị thuộc địa rất găng, Pháp lo sợ những cuộc bạo động, khởi nghĩa của người bản xứ ở khắp Việt nam. Họ tìm đủ mọi biện pháp để đối phó: theo dõi, bắt bớ những kẻ tình nghi “phá rối trị an”... Khám đường Sài gòn, các trại giam mới được thiết lập ở Tà Lài (gần Định Quán) Bà Rá... đều chật nít “tù chính trị”. Ông đạo Tưởng cũng bị rình rập. Nhứt cử nhứt động của ông, đều được một tín đồ cũ, nhưng ông này có chức phận với Pháp, báo cáo công việc làm có vẻ nghi ngờ ấy lên Quận trưởng Tân Châu. Người đó là Hương tuần (giữ an ninh) Trương Văn Hiếm, nhà cách am chừng 100 mét. Ông Hiếm làm phụ tá cho ông Hương quản làng sở tại. Vì có trách nhiệm theo dõi ông đạo Tưởng, tín đồ của ông đạo Tưởng bắt gặp ông Hiếm ra vào dinh chủ quận Tân Châu nhiều lần. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Lễ ngồi ghế chủ quận.
Cũng từ đó, ông đạo Tưởng thấy ông Hiếm càng ngày càng lợt lạt với đạo không lui tới am nữa. Biết rõ thái độ và hành động của ông Hiếm, đạo Tưởng đã ngầm kết án ông “phản Thầy, phản đạo”. Điều đó trái với lời nguyền khi mới vô đạo. Mối hận thù nảy sinh từ đó, và các tín đồ thân tín của ông đạo Tưởng đều kết tội ông Hiếm làm chướng ngại “trên đường hành đạo”. Tiểu triều đình của ông đạo Tưởng đã mật nghị và ngầm kết án tử hình, chỉ chờ ngày ra tay hành động.
Đột ngột vào một buổi sáng sớm, dân chúng Tân Châu thấy ông đạo Tưởng dẫn một đám đệ tử trên 30 người thanh niên khỏe mạnh tới dinh chủ quận. Họ là những lực điền, biết chút ít võ nghệ, trong số đó có mấy thanh niên, búi tóc như đàn bà. Tò mò nhiều người nghe ngóng tin tức, thì được biết ông đạo Tưởng dẫn tín đồ tới tình nguyện đi lính cho Pháp, để đánh giặc Đức bên Âu Châu. Lúc ấy có phong trào “tuyển mộ” người thuộc địa, gởi sang mẫu quốc làm bia đỡ đạn, vì nước Pháp sắp lâm chiến với Đức Quốc xã. Cũng quỷ quyệt như cộng sản sau này, người Pháp gọi các cuộc bắt lính ấy là “tuyển mộ” chứ thật ra họ lùng bắt. Tại Tịnh Biên, dân chúng nghe tin, một bọn thợ gặt đang gặt lúa ở ngoài ruộng, bỏ trốn mất. Rồi trai tráng các làng gần biên giới bỏ trốn qua Miên hay vào Thất Sơn, núi Tượng, núi Cẩm ẩn mình. Giữa lúc tình hình xôn xao như vậy mà ông đạo Tưởng lại dẫn người đến tình nguyện đi lính cho Pháp qua bên Tây, làm cho ông quận Lễ rất ngạc nhiên. Đại diện cho 36 tín đồ trung thành, ông đạo Tưởng hăng hái nói:
- Đại bác, súng thần công cũng không thể sát hại được bần đạo mình đồng gan sắt!
Ông còn thách thức một cách quả quyết:
- Nếu không tin, ông quận cứ đem họ ra sân banh bắn thử!
Chừng đó, ông chủ quận mới biết rằng đám tín đồ này vì mê muội, quá tin vào phép thuật huyền bí mà hành động như vậy.
Do đó, đề nghị của ông đạo Tưởng bị bác.
Cũng ngày hôm ấy, khi vừa tới quận đường, ông đạo Tưởng và tín đồ thấy rõ ông Hương tuần Hiếm từ trong đó đi ra. Mối thâm thù gia tăng thêm. Có người quá hăng say, gọi ông Hiếm là “kỳ đà cản mũi”.
Diễn tiến cuộc bạo động:
Căn cứ vào bài vị thờ các nạn nhân sau này, người ta biết rõ ngày tháng xảy ra cuộc bạo loạn ấy. Đêm ác mộng hãi hùng xảy ra ngày 26-2-1939 tức ngày mùng 9 Tết năm Kỷ Mão. Theo lời tiết lộ của những tín đồ thân cận nhất ông đạo Tưởng, thì kế hoạch bạo động được ấn định vào ngày rằm tháng Giêng năm đó, nhưng bị bại lộ, nên lịnh “khởi nghĩa” được ban hành sớm hơn. Chọn ngày mùng 8 Tết, dân chúng ùn ùn đến am ông đạo Tưởng để nghe giảng đạo và thuyết pháp. Dịp này rảnh việc đồng áng, thôn dân kéo nhau đi chùa như trẩy hội. Trăng non thượng tuần, khí hậu mát mẻ, thanh niên thiếu nữ kéo nhau lên am chật nức cả đường đi.
Lần này ông đạo Tưởng xuất hiện rất khác lạ: sau phần nghi lễ trang nghiêm, trong bộ y phục giống hệt như tuồng soái hát bộ trên sân khấu, ông đạo Tưởng cao hứng, nói thao thao bất tuyệt:
- Hỡi đồng bào và đồng đạo! Nước ta bị người Phú Lang Sa (Pháp) bắt làm nô lệ gần 100 năm. Theo trời định, số bọn cướp nước sắp mãn. Đồng đạo, đồng bào hãy nghe lời ta, đoàn kết lại đánh đuổi bọn xâm lăng cướp nước.
Các tín đồ, mặt mày bừng bừng sát khí, như uống lấy những lời “vàng ngọc” của Thầy. Có lúc cao hứng, ông đạo Tưởng tuyên xưng:
- Ta là chính vì vương, thay mạng trời để lập quốc, đánh đuổi người Lang Sa cứu đời! Với phép thuật cao cường của ta, súng đạn trở nên đồ bỏ, vô dụng.
Trước những lời thậm xưng khích động về chính trị, nhiều vị cao niên có ý thức, bỏ ra về. Buổi thuyết pháp chấm dứt trong bầu không khí nặng nề, căng thẳng. Sau đó, am ông Đạo Tưởng được tín đồ canh gác cẩn mật. Không khí khác lạ hơn ngày thường.
Gà gáy báo canh tư. Khoảng 4 giờ khuya, có tiếng la thất thanh kêu cứu:
- Ông đạo Tưởng giết người!
- Cứu tôi với!
Nhiều gia đình thức sớm, chạy lại phía am đạo Tưởng xem việc gì xảy ra. Bên trong am, đèn đuốc sáng choang, nhưng cửa đóng kín mít. Có tiếng xô xát, vật lộn giữa nhiều người, bàn ghế ngã đổ rốn ràng. Có người thoái chạy ra ngoài, mình mẩy máu bê bết. Thấy vậy, những kẻ hiếu kỳ cũng hoảng sợ, bỏ chạy. Gần đó, có tiếng mõ hồi một liên hồi. (Thôn quê, tiếng mõ hồi một, tức là có biến động như trộm cướp, giết người, cháy nhà...)
Sau này, khi cuộc bạo động kết thúc, người ta đúc kết các sự kiện. Sách “Tân Châu” của tác giả Nguyễn Văn Kiềm viết về khúc phim bạo động ấy chúng tôi sẽ trích một đoạn ở phần sau.
Theo nhiều người kể lại thì “Khi cuộc thuyết pháp chấm dứt, ông đạo Tưởng, cùng tín đồ và những nhân vật chính trong tiểu triều đình ấy họp bàn kế hoạch. Một “tiên phong” được “chính vì vương” ban mật lịnh (ông đạo Tưởng rỉ tai) mời Hương tuần Trương Văn Hiếm tới am có việc cần. Ông đạo Tưởng nguỵ tạo đó là lịnh của Hương quản (Huỳnh Công Minh). Vì ông Hiếm là người dưới quyền của Hương quản Minh. Ông Hương quản cũng được mời, nhưng vì không tới, nên thoát chết.
Nghe lịnh ông Hương quản đòi tới am, ông Hiếm lật đật mặc áo vào rồi tới am. Trên đường đi, ông Hiếm ghé mời thêm hai ông bạn láng giềng là Mai Văn Du và Mai Văn Lang, lúc này cũng vừa thức sớm, đang uống trà đàm đạo thời cuộc, mùa màng...
Tò mò, cả ba cùng tới am ông đạo Tưởng. Vừa tới nơi, cả 3 ông được tín đồ sốt sắng “hộ tống” vào ngồi phía bên trong của bàn dài, sát phía vách. Không ai nói ra, nhưng cả hai ông Du và Lang, đều cảm thấy có điều gì bất trắc, đang lo lắng, bồn chồn. Ông đạo Tưởng và cái tiểu triều đình đùng đùng sát khí. Sau này ông Lang kể lại, chính ông cảm thấy sự nguy hiểm sắp xảy ra, nên bấm tay ông Hiếm. Ông Hiếm đứng dậy, định nói vài lời xin rút lui. Còn ông Du giả bộ mắc tiểu, muốn ra ngoài, thình lình có lịnh dõng dạc:
- Đảng ta đâu? Thộp cổ lũ chúng nó cho mau?
Khắp trong am có tiếng “dạ” lần như trong tuồng hát bộ. Cánh cửa am đóng xập lại. Đã toan tìm lối thoát trước, ông Du, dốc toàn lực, lách mình ra ngoài, chạy nhanh về nhà. Tuy vậy ông cũng bị một vết chém khá sâu, máu tuôn xối xả. Vừa chạy, ông Du vừa la làng cầu cứu. Người chém ông Du là “quân sư Hương”.
Lúc ấy, ông Hiếm bị tín đồ trong am ôm chặt, hết phương vùng vẫy. Oai phong lẫm liệt như một tướng soái trong tuồng hát, đạo Tưởng chỉ vào mặt ông Hiếm gằn từng tiếng:
- Mày nhớ lời thề “không phản Thầy, phản đạo” hay không? Cho mầy sống chật đất.
“Nguyên soái Năm” phụ thêm:
- Cho thằng này về chầu tiên tổ để làm gương cho kẻ khác. Liền đó, một võ sĩ tới vặn cổ ông Hiếm, và đồng bọn dùng dao chém mạnh, khiến đầu đứt lìa. Khắp mình mẩy ông Hiếm bị chém hàng chục nhát dao. Cảnh chém giết ghê rợn và hỗn loạn. Giữa lúc nguy cấp, ông Mai Văn Lang tìm cách thoái vòng vây. Nhờ có võ, ông tả xông hữu đột, bất thần đưa tay vét cán gươm của địch qua một bên, tống cho “Ngự đệ Út” một đạp, rồi bồi thêm cú thoi, khiến “Ngự đệ Út” ngã vô vách. Hăng say, ông dùng cùi chỏ thúc vào mặt các tín đồ bao vây té nhào. Vòng vây đã giãn ra. Cửa am còn khoá chặt. Ông Lang đạp mạnh vào vách am bằng lá chắm, cố hết sức bình sinh, nhảy vọt ra ngoài trong lúc khắp mình mẩy đều thọ thương tích. Thoát được khỏi am, ông Lang vừa chạy vừa la làng:
- Đạo Tưởng giết tôi.
Trên đường, ông ghé nhà ông Hiếm báo hung tin cho vợ ông này biết. Bà Hiếm xúc động đến ngất xỉu, nhưng rồi trấn tỉnh, lồng lộn, chưởi bới thậm tệ, kêu gào thảm thiết. Lối xóm cũng bu lại nhà xem. Ai cũng thương cảm cho người đàn bà đau khổ. Không dằn được lòng căm thù, bà Hiếm xăn tay áo, đi xâm xâm lại am để nhìn tại chỗ cái chết của chồng và chưởi bới cho đã cơn thịnh nộ. Bà vừa đi vừa nói:
- Sống đồng tịch, đồng sàng, chết đồng quan đồng quách.
Hấp tấp, tay không, bà Hiếm tới am để tìm cái chết thảm như chồng. Thi thể hai nạn nhân bị chém nát bấy, nằm ngổn ngang trên vũng máu, trong khi ông đạo Tưởng và đám tín đồ như say máu, liền chặt đầu bà Hiếm, rồi dùng hai cái đầu lâu làm lễ tế cờ, xuất quân kéo lên quận đường Tân Châu, quyết ăn thua đủ với binh lính trên đó.
Khúc phản ác chiến giữa ông đạo Tưởng và tín đồ với binh lính quận, được ông Nguyễn Văn Kiếm thuật lại đầy đủ chi tiết như sau:
“Sáng ngày mùng 9 Tết Kỹ Mão (27-2-1939), khi mặt trời vừa ló dạng, quang cảnh châu thành Tân Châu bao trùm một màu tử khí. Chợ búa ngưng hoạt động. Đồng bào lao nhao lố nhố, chuẩn bị đề phòng những việc bất trắc xảy ra.
Giờ này tại am đạo Tưởng hiện ra một quang cảnh tôn nghiêm: trước sân có bàn thờ, bày đồ lỗ bộ (khí giới chiến tranh thuở xưa), mượn từ trong đình Long Phú, cách đó 400 mét. Gươm giáo sắp song song với bàn Thông Thiên, xa trông uy vũ như của Nguyên soái. Bên cạnh thây của vợ chồng ông Hiếm, nằm trên vũng máu đặc kẹo, trông dễ sợ.
Đứng oai vệ trước am, ông đạo Tưởng mặc toàn màu vàng, áo tay rộng, đầu phủ bích cản (khăn xanh), lưng thắt dây, chân mang giầy bố vàng, có đeo lòng thòng xâu chuỗi bồ đề... cùng với 60 tín đồ, cũng chung kiểu đồng phục: đầu trọc áo vàng, sắp thành ba hàng, làm lễ “ra quân”.
Xung quanh đồng bào đứng coi đông nghẹt như một trận đá banh. Dọc theo kinh Vĩnh An, và bờ sông Tân Châu, thuyền ghe bổn đạo các nơi, giả buôn bán, chở đồ tiếp tế như khoai lang, bí rợ, bắp... cập bến chờ giờ hưởng ứng. Sau này được biết ngày đó, quận Tân Châu bị tín đồ đạo Tưởng bao vây. Sau khi đại cuộc thất bại, họ ùn ùn rút lui. Nếu họ thành công, Tân Châu sẽ phủ một màu tang tóc.
Lối 8 giờ sáng, ông Quận trưởng Nguyễn Văn Lễ, với cây súng “Mauser” hộ thân, đi kèm có thơ ký Phan Văn Thặng (võ sĩ kiêm trọng tài đá banh). Ngoài ra còn có tên Lafon, một số lính “gạc” (garde), độ 2 tiểu đội, với súng trường theo đội hình chữ nhứt, tiến dọc theo bờ kinh Vĩnh An, vào tận đường chùa. Cách am chừng 100 mét, ông Lễ cho dừng quân, bố trí và siết chặt vòng vây.
Ông đạo Tưởng không hề nao núng trước áp lực của nhà cầm quyền Tân Châu. Với võ khí thô sơ, các tín đồ cũng hiu hiu tự đắc. Họ quá tin tưởng ở phép mầu nhiệm, nên với mớ võ khí thờ cúng trong đình đem ra, tưởng rằng có thể hạ được quân Pháp dễ dàng. Khi hai bên còn cách nhau chừng 50 mét, ông quận Lễ bình tĩnh, dùng lời lẽ ôn hoà để xoa dịu tình thế và lòng hiếu chiến của phe đạo Tưởng.
Trước hết, ông Lễ mời Ba Quốc tới giảng hoà, lời lẽ khiêm tốn:
- Nếu ông có điều gì bất bình và cần thiết, thì truyền lịnh cho tín đồ hạ khí giới, giải tán, rồi cử người đại diện đến thiềm đường để dàn xếp ổn thoả. Khuyên bổn đạo chớ nên nóng nảy, bạo động, sẽ gây nhiều chuyện không hay...
Những lời lẽ ấy không xoa dịu tình thế mà còn làm cho họ tưởng rằng ông Lễ sợ, nên càng nung nấu sự căm phẫn của phe đạo Tưởng. Ông đạo Tưởng nói lớn:
- Người Lang-sa (Pháp) cướp nước chúng tôi đã lâu rồi. Vậy Tây nên thức thời, trả nước lại cho chúng tôi tự lèo lái, vì chúng tôi có một “triều đại” đủ sức đảm đương việc nước.
Lúc quá cao hứng, ông tự giới thiệu:
- Ta là Hoàng Minh Quốc, còn đây là văn võ bá quan.
Nói xong, ông còn đại ngôn:
- Võ khí của Pháp là đồ vô dụng, không thể phạm vào mình đồng da sắt của chúng tôi.
Rồi ông thách đố:
- Các ông cứ việc bắn đi! Chúng tôi không sợ đâu.
Đoạn ông ra lịnh cho tín đồ sẵn sàng tiêu diệt đối phương.
Thấy tình thế có vẻ nguy hiểm, ông quận Lễ hô to:
- Các người hãy buông khí giới đâu hàng, nếu không sẽ có hại...
Bất chấp lời kêu gọi ấy, đạo Tưởng còn khích động, kêu gọi binh sĩ Tân Châu:
- Hỡi binh sĩ! Trẫm nay vốn thiệt Minh Hoàng. Các khanh hãy cởi áo trả lại Lang Sa, và sát cánh theo “quả nhân” để tiêu diệt lũ thù chung.
Ông còn nói với ông quận Lễ và lính:
- Hãy mở vòng vây để phe ta chiếm Tân Châu và giết Tây!
Quân lính có vẻ nao núng. Nhiều nơi có vẻ khiếp đảm, vì họ bị ám ảnh nặng nề bởi bùa phép của đạo Tưởng. Thấy nguy biến, ông quận Lễ ra lịnh bắn chỉ thiên. Trớ trêu, phát đầu tiên bị lép, không nổ. Nhiều tín đồ vỗ tay la ó, khinh thường súng đạn hơn nữa. Họ cho rằng phép thuật của đạo Tưởng linh thiêng. Thấy nhiều người tràn tới, ông quận Lễ buộc lòng hô: “Bắn”. Đạn xẹt ra tua tủa cùng với tiếng nổ đinh tai, nhức óc.
Nhưng lịnh chỉ bắn rà sát đất. Vì tin súng đạn tránh mình, nên tín đồ đạo Tưởng nhảy cà bông, xem như trò chơi, reo hò vang dội cả một góc trời. Hơn nữa, bổn đạo Tưởng như quá hãnh diện về bùa phép của Thầy, nên họ hăng máu, lăn vào chiến trường. Kết cuộc, đạo Tưởng lãnh viên đạn của cò Tây Lafon ngã gục trên bãi chiến. Thấy Thầy chết thê thảm, tín đồ mất hết tinh thần. Như rắn không đầu, họ hoảng hết ùn ùn bỏ chạy tán loạn dọc theo hai bờ kinh Vĩnh An. Súng đạn vẫn cứ nã theo... Năm bảy mạng người ngã xuống, gây ra một thảm cảnh hỗn loạn thương tâm. Ông quận Lễ ra lịnh ngưng bắn. Quân lính cầm súng rượt theo nhóm nổi loạn, bắt được tất cả gần 30 người, trong đó có “Nguyên soái Năm, quân sư Hương...”. Sau ông bị ông Du trả thù nong ngọn tầm vông đâm vào mắt lòi tròng...
Những người bị bắt, sau đó bị Tây đánh bằng bá súng rất dã man. Tất cả những người bị bắt được giải về Châu Đốc, rồi sau đó, đưa ra toà. Một số bị tù Côn Đảo, vì lúc ấy thời cuộc chiến tranh dân thứ hai sắp khai diễn. Xác đạo Tưởng cùng tín đồ được chôn chung một hầm tại phía sau trường tiểu học Tân Châu..
Dư luận của nhiều phía:
Ông chủ quận Võ Văn Nhiều cho biết: “Đó là một cuộc bạo động của một nhóm người thất học, mê tín dị đoan. Ông đạo Tưởng có nhiều tín đồ sùng bái ông, tôn sùng ông càng khiến ông thêm có ảo tưởng về quyền uy, bùa phép. Khi đã cuồng tín, thường không nghĩ đến hậu quả của việc làm. Lúc đó, người dân thường tin vào bùa phép của các ông “Thầy Núi”. Ai nói gì cũng nghe, kính cẩn “uống những lời vàng ngọc”. Hành động của ông đạo Tưởng bất nhất, trước hành đạo, thuyết pháp, được tín đồ theo ùn ùn. Chữa bịnh bằng phép thuật, trừ tà ma, nhưng được nhiều người tin. Có khi lại xin đầu quân để qua Pháp đánh Đức mà họ hoàn toàn không có một ý niệm gì cụ thể. Họ chỉ tin rằng với bùa phép ấy, súng đạn, dao búa không làm hại được. Chỉ nhìn cái “triều đình kiểu hát bộ” cũng đủ biết trình độ của họ ra sao. Đó, chẳng qua là một cuộc nổi loạn của kẻ cuồng tín”.
Khen hành động ông đạo Tưởng, người ta nhận xét: “Phải nhìn một thực tế đạo Tưởng có nhiều tín đồ trung thành, tuân mệnh lệnh ông quyệt đối. Họ sẵn sàng góp công, của (khoai, bí, bắp)... và đó là một lực lượng quần chúng khá mạnh, nên ông dám làm liều. Hơn nữa, vì sự hiểu biết kém, họ không thể suy nghĩ gì khác hơn. Họ mê tín đến ngông cuồng. Chính cái ảo tưởng đó đã làm cho họ bỏ cả công ăn việc làm để theo phục vụ đạo Tưởng và sống chết vì đạo, vì Thầy... Cái triều đình của ông đạo Tưởng đặt trong am, là một căn nhà lá bên bờ kinh, biểu lộ quyền lực cao nhứt theo sự tin tưởng của dân quê. Chính họ tự tìm lấy cái chết”.
Chúng tôi dẫn thêm tài liệu nói về đạo Tưởng của cụ An Khê như sau:
Vào năm 1940 (khi vụ án đã dẹp xong) sau vụ trốn sang Tàu thất bại, tôi về miền Nam định trốn qua Xiêm (sau đổi Thái Lan) bằng ngả Phú Quốc. Nhưng khi ấy, chiến sự Pháp Xiêm bùng nổ, do Nhựt khích động Xiêm, tôi kẹt lại ở Phú Quốc. Tôi phải sống theo một gia đình nọ làm rẫy trên núi. Anh ấy thứ Tám, rất nghèo, có vợ và một đứa con chưa biết nói. Chỉ cất được một cái chòi đủ hai vợ chồng ở, có thêm tôi thì ngủ ngoài mưa. Anh theo đạo Tưởng. Hàng ngày anh và tôi vào rừng chặt lá mây để nối dài chái nhà, hoặc làm rẫy vần công. Ăn uống rất kham khổ còn hơn sư, sãi chùa nghèo. Thỉnh thoảng có người bịnh, lên núi rước anh xuống trị. Anh không ăn tiền và nhận thù lao gì cả. Chủ nhà mời ở lại dùng cơm, anh cũng từ chối, chỉ bẻ một trái chuối đem về cho con. Về vụ bùa phép của anh, tôi có chứng kiến hai vụ: bùa trị con vắt (một loại đỉa đeo trên lá cây) và bùa trị đau bụng. Anh Tám vẽ bùa trị con vắt trên mình tôi và nói: “Bùa chỉ linh nghiệm ngày đầu, hôm sau “vắt giận”, bu lại còn nhiều hơn”. Quả nhiên hôm ấy, tôi đi rừng không bị vắt đeo, nhưng hôm sau, thì bị vô số, phải dùng cái que, có bọc vôi để chấm vào cho vắt rớt... Còn đau bụng thì anh Tám vẽ bùa hoặc đốt một lá bùa cho con bịnh uống. Nhiều người khỏi bịnh. Cách trị bịnh ấy giống các thầy pháp... Người theo đạo Tưởng tin về phần hồn nhiều hơn, theo tôi hiểu”.
Còn về hoạt động chính trị của tín đồ đạo Tưởng, cụ An Khê cũng nhắc tới:
Ở núi Tượng, tôi có người cậu làm thủ lĩnh đạo Tưởng, một hệ phái của Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông đã chuẩn bị sẵn sàng để “khởi nghĩa” (năm 1942) vì có đầu óc quá khích. Tôi đã đưa cho ông bản điều lệ gia nhập đảng của tôi (Việt nam thanh niên ái quốc) để ông hiểu biết thêm về chính trị và nhận định thời cuộc ông bằng lòng, tuyên thệ gia nhập và tuân theo mệnh lệnh của đảng. Tháng rồi, ông gởi liên lạc về báo cáo “phái đạo Tưởng đã luyện bùa xong, súng bắn không lủng”. Tôi cấp tốc về Châu Đốc, rồi lên núi Tượng, nơi cậu tôi cư ngụ. Lúc ấy cậu đang làm lễ “tế cờ trước ba quân”. Gươm giáo lấp lánh, xôn xao khí thế quật khởi. Tôi hỏi cậu:
- Mèn ơi, cậu làm gì vậy?
- Tao dựng cờ khởi nghĩa, mấy không thấy sao?
Tôi đã nói với cậu “thời cơ chưa tới”. Không súng đạn lấy gì khởi nghĩa? Cậu xua mấy trăm dân quê vào họng súng của kẻ thù à?
Người cậu chất phác nọ mình mặc áo gấm, chân mang ủng, đầu chít khăn đóng y như võ quan thời đàng Cựu, cương quyết:
- Bọn tao luyện xong bùa, súng bắn không lủng, còn sợ gì không nổi dậy chống áp bức?
- Cậu không nghe tôi khuyên mà làm càn. Cậu cho tôi xin lại bản điều lệ và tổ chức của đảng tôi.
- Tao chôn giữa đống rơm ngoài ruộng, mấy ra đó lấy!”.

<< Cuộc bạo động của ông “Đạo Tưởng” | Lễ quốc táng nhà cách mạng Phan Chu Trinh >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 757

Return to top