Bác Tú Cương (Kim Yến), người chị thứ hai của mẹ tôi đã theo lời bàn với cha tôi tản cư từ Vân Đình về ở Mông Phụ, Sơn Tây rồi từ đó vê ấp Thanh Thuý. Thời ấy bác Cương cũng phải đưa cả mẹ chồng và 8-9 con nhỏ chạy vào rừng cách Thanh Thuý 4 cây số. Bác tôi đã có lần biên thư cho mẹ tôi và cô Di như sau: “Hai em ơi, chị thấy hai cậu sinh viên Y Sơn, Hải (2 con trai bác Hai Vịnh) kể chuyện tất cả các em khi quân Pháp tới, cả nhà phải chạy thật vất vả khổ sở. Chị nghe mà thấy thương các em quá!… Trong mấy ngày ấy chị thật hết sức lo lắng cho các em, nghĩ đến lại càng thương nhớ cha già (ông ngoại tôi ở ATK), thương các cháu còn yếu đuối… Chẳng may quân địch phải rút ngay hồi đó chị mới mừng thì lại đến cả nhà chị ở đây. Khi chúng rút về gần đây thì bị ta mắc kè mắc cạn nên chúng đóng lại cách ấp có 3 - 4 cây số… (Ngày 27 tháng 11 năm Đinh Hợi)”.
Bác tôi làm nghề buôn bán, một mình làm lụng dể nuôi bà chồng, mẹ chồng, chồng và các con và cả các cháu chồng. Tiền ông tôi cho làm của hồi môn là gốc của cuộc sống tự lập, khi bước về nhà chồng. Mỗi ngày người trong gia đình một gia tăng, nhu cầu một lớn! Cả cuộc đời của bác Yến tôi chỉ những là trăm sự cùng lo. Cuộc đời của bác mỗi lần tôi nghe bác kể lại càng thấy rằng nỗi khổ của người phụ nữ không ai giống ai và không thế nào viết ra cho hết được. Bác tôi không những khổ vì vất vả làm ăn, hai bàn tay trắng dựng nên cơ nghiệp. Mẹ tôi bảo: “Xã hội cũ hầu hết phụ nữ là nội trợ thế mà bác Kim Yến lại phải là người chủ gia đình”.
Dứt bỏ nhà cửa tài sản rời Hà Nội. Hàng họ đọng lại cả một nơi, không bán được. Ra Vân Đình, bác phải làm bánh rán bán qua ngày đoạn tháng. Về Phú Thọ lại phải vay mượn bạn hàng tơ lụa quen biết. Cuối cùng vào năm Tây thua rút về thì bác đành phải kéo cả nhà trở về Hà Nội. Khi chúng tôi trở về Phú Thọ không gặp các bác và các anh chị. Cho đến ngày Hoà bình lập lại, tiếp quản Thủ đô, bác đã ra đón ba gia đình chúng tôi. Một nửa số con lấy chồng trong Nam. Còn lại một nửa đang ở độ tuổi đi học. Sau cải tạo công thương bác vốn không có tài sản riêng nay thôi nghề buôn bán. Bác lại xoay ra nấu cơm bình dân, có lúc cuốn thuốc lá, máy hàng chợ, làm kem, ướp chè sen… đủ thứ nghề để sống và nuôi các con đi học đại học và ai cũng có công ăn việc làm. Bác là người sùng đạo Phật, bác nói Trời Phật phù hộ bác, nên sau 1975, các chị Sâm, Thu, Quý từ Pháp, Anh đã đón các bác sang chơi Luân Đôn, Paris. Từ ngày mở cửa, với kinh nghiệm nghề nghiệp gia đình, các anh chị đều đã ăn nên làm ra và bác đã được hưởng tuổi già nhờ ở hiếu thảo của các con.