Một hôm bác thợ may lại nhà, tôi nghe mẹ tôi dặn bác trước khi ra về: “Bác nhớ cắt một cái quần chân què”. Thế rồi hôm trả áo tôi tò mò sán lại xem. Khi mở bọc quần áo chỉ toàn màu đen, màu thẫm chẳng có hoa gì đẹp cả. Mẹ tôi có bao giờ may quần màu đen, mà chỉ toàn là quần trắng thôi. Sao lại chẳng thấy có quần chân què? Sao lại toàn quần đủ hai ống? Thấy tôi thắc mắc thì mẹ nhếch môi cười, nét mặt vẫn đượm vẻ đầy âu lo và giải thích cho tôi hiểu “cắt quần chân què”. Hình ảnh đó vẫn đậm nét trong tôi, vì mẹ tôi lúc nào cũng gần gũi vỗ về và hết sức vui vẻ truyền cho con nhựa sống lai láng. Chỉ riêng hôm ấy, lần đầu tiên nhận được tín hiệu về một nỗi bất an khó tả…
Tôi lờ mờ hiểu, phen này nhà mình lạt phải chạy loạn vào Hà Đông. Trong nhật ký, mẹ tôi viết trên Việt Bắc có đoạn: “Anh Đồng (Phạm Văn Đồng) đã đến nhà và nói: “Các chị nên đưa các cháu bé ra khỏi Hà Nội để chính phủ lo đối phó với bọn Pháp và Tầu. Ổn định rồi trở về…”.
Đó là lúc Bác Hồ đang dùng sách lược “Hoà để tiến”. Chúng tôi đã tiễn anh Vi Văn Phác “Nam tiến”. Chiến tranh nay đã gần Hà Nội. Có lần mẹ tôi viết cho Huy: “Gian nan lắm Huy ạ! Eo ơi mẹ phát khiếp bọn Tầu Tưởng. Sợ lắm, như lũ giặc”, cho nên kế sách của Bác Hồ đuổi êm Tầu Tưởng về nước là thượng sách.
Gia đình tôi rời Hà Nội trước ngày 19-12-1946, tức là trước khi có Lời kêu gọi Toàn quốc Kháng chiến của Bác Hồ. Không ngờ sau 9 năm gia đình mới trở lại Thủ đô. Còn riêng tôi phải 11 năm sau mới đặt chân đến Hồ Hoàn Kiếm. Lúc ra đi để sang Trung Quốc học là từ làng Ải, Chiêm Hoá, lúc trở về lại là Thủ đô Hà Nội. Nhật ký mẹ tôi viết: “… Bác Phạm Văn Đồng lại nhà nói vậy, thế là ba gia đình Huyên, Di, Tùng bỏ lại tất cả tài sản gia đình trí thức phong lưu ra Vân Đình với một số đồ dùng tối thiểu để sinh hoạt”.
Mẹ tôi một nách bốn con thơ, lớn là 8 tuổi, nhỏ là 8 tháng tuổi, cùng cô Quý, chị Huệ con nuôi của mẹ lên đường. Có cô giáo Kim và bác Học, là hai người đỡ đần cho cả chặng đường này (tổng cộng 9 người).
Cô Di tôi một nách hai con, lớn là 8 tuổi, nhỏ là 4 tuổi, cùng 3 mẹ con bác Liều, chị Thêm (tổng cộng là 7 người).
Còn chị Hồ chỉ có hai mẹ con cùng chị bế Bách (tổng cộng là 3 người).
Như vậy là gần 20 con người bắt đầu cuộc ra đi để rồi tập trung tất cả tại Vân Đình, Hà Đông.
Chúng tôi tạm biệt Hà Nội còn ngoái lại nhìn vườn khoai đầu nhà mà cha mẹ đã hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ “chống giặc đói, chống giặc dốt” gắn liền với “chống giặc ngoại xâm”.
Cạnh nhà có đơn vị Vệ quốc đoàn đóng ngay tại Thư viện Khoa học bây giờ. Bãi cỏ trước đây các đội “Si-cút” (Hướng đạo) vẫn vui chơi chạy nhảy, nay đã biến thành bãi ngô, khoai, đậu… Tôi ngoái nhìn mà nhớ. Sáng nào cũng từ phòng rửa mặt nhìn sang doanh trại được nghe bài “Tiến quân ca” vang lên. Chị em tôi và Bích Hà rất hãnh diện đứng nghiêm mỗi khi nghe thấy tiếng chào cờ: “Đoàn quân Việt Nam đi…” mọi người trên đường phố cũng đều dừng cả lại rồi mọi người cùng đồng loạt bước.
Tôi cảm nhận được ai cũng đều ngẩng cao đầu với niềm tự hào vì nền độc lập của đất nước. Bõ những ngày mặt tái xanh khi Nhật ập vào nhà mà cha tôi lại đi vắng. Hôm ấy tôi đang ngồi tập đàn. Chẳng biết là học từ lúc nào mà tôi đánh piano bài “Này thanh niên ơi! Quốc gia đến ngày giải phóng!…” Mẹ tôi sợ quá giả vờ lên giường kêu đau bụng (có mang em Huy). Chúng xì xồ gì đó cho mẹ vài viên nhân đơn rồi bỏ đi.
Từ đây chúng tôi ra đi mà nhớ Hà Nội thật sự. Nhớ từng ngày, Hà Nội đã dạy cho chúng tôi những bài học về lòng yêu nước. Cái ngày 13 vạn quân viễn chinh Pháp sang, có lệnh các nhà đóng tất cả cửa sổ. Tôi theo con trai bác Học (bác Học là người làm vườn của Trường Viễn Đông Bác cổ sau này theo gia đình tôi ra Kháng chiến) trốn ra vườn nấp sau bụi tre ngà nhìn ra đường. Đường vắng tanh. Tôi theo con trai bác Học mắng bọn Tây, đầm đi qua nhà để ra phía Tràng Tiền là “Tây lai ăn khoai cả vỏ”. Bị mẹ phát hiện gọi lên nhà. Trong lòng thấy hả hê! Nhưng một thoáng suy nghĩ lúc nhìn thấy cô bạn Rosé Marie cùng lớp khi còn học ở trường Chim non tại nhà thờ Liễu Giai và cả ở trường Tiểu học trong Hà Đông. Vẫn bộ quần áo đồng phục cũ, khi bạn lướt qua mặt tôi cùng với những tiếng “Tây lai ăn khoai cả vỏ” vừa chấm dứt thì tôi trông thấy gót tất rách lộ ra dưới chân, bạn thì đang cúi gằm rảo bước theo cha… Tự nhiên hình ảnh đó đã gợi lên trong lòng tôi một nỗi niềm thương cảm mà chưa được phân định rõ ràng.
Chẳng nhớ rõ là gia đình tôi rời Hà Nội bằng cách nào, nhưng chắc không đến nỗi căng thẳng như hồi bác Nguyễn Mạnh Tường ra đi. Bác kể rằng đến lúc chót thì bác lên tàu tản cư về Hà Nam. Lúc đó bầu không khí kinh khủng lắm… Trước khi theo chuyến tầu về Nam cuối cùng bác phải khoá cửa văn phòng rồi lên tầu. Tầu hôm đó chật ních người, ngồi cả trên nóc loa, bậc lên xuống. Trên Đường số 1, làn sóng người đi xe đạp, xe bò, xe kéo đủ hết tất cả… Trong giai đoạn đó bác mất tin tức với tất cả…
Ba gia đình chúng tôi theo dòng người đổ ra Vân Đình. Chúng tôi ở nhà bác Dương Thiệu Chinh, anh rể của mẹ tôi. Khi đó bác gái là bác Kim Thành vẫn ở trên Yên Thế, chỉ có chị Thịnh con gái thứ hai thay mặt bác chăm sóc các em. Nơi đây là khu nhà của họ Dương Thiệu. Một dòng họ lớn, cụ Dương Khuê đỗ tiến sĩ vào năm Tự Đức thứ 21 (1868), làm thượng thư, tham tán Nha kinh lược Bắc Kỳ. Tại đây rất nhiều nhà gạch 5 gian xây ngang xây dọc, lớp lớp xung quanh nhà thờ họ Dương Thiệu. Chiều nào chúng tôi cũng rủ nhau lên đê chơi. Dưới chân đê ven dòng sông Đáy phù sa màu đỏ là thảm lúa xanh rì sóng nhấp nhô như biển cả. Hơn chục anh chị em chơi đuổi bắt, chơi rồng rắn, chơi chiến trận như không hề hay biết cuộc chiến đang xảy ra ngay trong lòng Hà Nội. Tối tối theo người lớn xách đèn bão đi xem lên đồng. Sáng ra trẻ con trố mắt nhìn bà đồng cũng gánh nước như mọi người. Thế mà khi lên điện, bà đồng ăn mặc oai vệ múa dẻo, dùng lửa đốt giấy tẩm rượu xanh lè xoay quanh đôi mắt. Thỉnh thoảng lại vứt tiền xu ra khắp xung quanh cho các ông chầu văn…
Thỉnh thoảng thấy chú Di xuất hiện, còn anh Tùng và cha tôi hình như không thấy có mặt tại Vân Đình. Về sau đọc nhật ký của anh Tùng, tôi mới biết mọi người đang lo tản cư cơ quan. Tuyến mổ xẻ lúc đầu chạy từ Kim Lũ, Cự Đà rồi đến Vân Đình theo bờ sông chuyển thương binh dễ dàng bằng thuyền. Tuyến hai gồm Vân Đình, Hoà Xá và Đốc Tín theo Sông Đáy. Tất cả dụng cụ thuốc men dự trữ để ở Đốc Tín. Từ Đốc Tín có thể rút về Chùa Hương hoặc lên Việt Bắc. Tuyến hai do cụ Di phụ trách. Đây là hạt nhân để sau này xây dựng đoàn mổ xẻ lưu động và trường Đại học Y Khoa Kháng chiến. Các anh sinh viên thỉnh thoảng vào Vân Đình tìm chú Di. Ở đây chúng tôi bắt đầu quen biết anh Nguyễn Tăng Ấm, anh Bửu Triều, anh Phạm Văn Phúc, anh Nguyễn Huy Phan…
Về sau này anh Ấm lấy chị Thịnh con bác Chinh. Anh Bửu Triều theo 3 gia đình chúng tôi lên tận Chiêm Hoá học Trường Y. Còn anh Huy Phan sau là con nuôi của mẹ tôi. Các anh sinh viên sở dĩ qua lại Vân Đình, nơi gia đình chúng tôi tản cư đầu tiên, là do tại đây Trường Y vẫn mở lớp giảng dạy tại nhà dân. Chú Di tôi thường ra Hà Nội để mổ. Chiều ngày 17 tháng 12 năm 1946, chú tôi còn mổ ca cuối cùng…
Mẹ tôi thiếu sữa cho em Huy, trong hoàn cảnh tản cư còn vô định… tất cả điều đó tôi đâu đã biết. Chỉ thấy người Hà Nội ùn ùn kéo ra Vân Đình. Bác Kim Yến cũng chạy ra và ở gần nhà chúng tôi. Cơ sự khó khăn, tơ lụa không bán được, bác đành xoay ra làm bánh rán để kiếm kế sinh nhai cho 8-9 người trong gia đình. Chúng tôi được ăn cháo gà, cháo vịt và bánh rán của bác thật là ngon. Hàng ngày tiếng súng từ Hà Nội vọng ra, mẹ tôi không cho chúng tôi ra ngoài đê chơi. Suốt ngày ở trong nhà và chơi trên giường. Sáng ra chăn bông xếp tất cả vào một góc. Mẹ tôi dặn hễ có máy bay chui xuống gầm giường nơi có đặt chăn bông, rồi mẹ tôi giải thích làm thế đế tránh bom đạn!
Để khỏi buồn, chúng tôi được mẹ cấp cho giấy và bút chì xanh đỏ mẹ tôi dạy vẽ bông lúa, vẽ cô tiên, vẽ hoàng hậu mặc áo thụng đội khăn vành dây… Bông lúa mẹ tôi vẽ mềm mại làm sao. Những hạt lúa nặng chĩu làm cong cả nhành lúa. Về sau khi sang Trung Quốc học, nhìn thấy cây lúa mì “cứng đơ” tôi liền nghĩ tới ngay hình ảnh nhành lúa mẹ tôi vẽ, rồi sau mới liên tưởng tới lúa nước khác lúa mì. Một hôm đang vẽ thì nghe tiếng máy bay bay dọc con sông Đáy cạnh làng, ai nấy đều nhanh như cắt chui tọt vào gậm giường nơi đã xếp gọn chăn bông. Một lần máy bay rẹt qua lia một loạt đạn xuống ven sông Đáy, hôm ấy chị Thịnh kịp chui gầm bàn còn anh Ấm thì chạy nấp sau cánh cửa gỗ. Máy bay đi rồi mọi người mới hoàn hồn. Mỗi lần gặp nhau trên Việt Bắc thường nhắc lại ngày ở Vân Đình, anh Ấm “chơi ú tim với máy bay giặc Pháp” rồi ai nấy lại rũ cả ra mà cười vui vẻ. Ai ngờ được rằng sau này anh đã trở thành thứ trưởng Bộ Y tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nơi đây là chặng đường dừng chân đầu tiên của cuộc đời lưu động qua 9 năm kháng chiến. Đúng như Hồng Nguyên đã có thơ, chúng tôi đã “qua nhiều nơi không nhớ rõ tên làng” và chúng tôi “đã nghỉ chân rất nhiều nhà dân chúng”. Mỗi làng, mỗi xóm, mỗi nhà đều để lại trong tôi những kỷ niệm khác nhau, song duy có một dấu ấn còn in đậm nét trong tim tôi đó là tình nhân ái giữa con người với nhau trong cơn hoạn nạn.