Chúng tôi đi chơi xa để ra một cù lao toàn sỏi trắng xoá, có cây cơi mọc lên từng búi. Sau này khi phải may quần áo (vì chúng tôi lớn lên nhanh quá), mẹ tôi thường mua vải diềm bâu trắng về nhuộm cơi thành màu “Ka cơi” như mầu “xanh cứt ngựa” để phòng tránh máy bay. Những người bà con dân bản “ruốc cá” vào mùa cạn (tháng 2, tháng 3) thường dùng lá cơi để đánh chắn các kè đá. Ra đến bãi tắm mùa ấy thì thấy mùi cơi nồng nồng. Sau này mỗi khi đạp xe qua phố Hà Nội vào ban đêm, bỗng thoáng thấy mùi hoa sữa thơm nồng thường gợi cho tôi nhớ về làng Ải năm xưa.
Nhớ những ngày hè được tắm trên dòng sông Chiêm Hoá. Có năm cô Di tôi cũng ra cù lao đá sỏi để tắm, không may vướng vào nứa chắn kè bị đứt chân chảy bao nhiêu máu. Chúng tôi phải dùng khăn bông cuốn chặt chân cô rồi chúng tôi như Lan và tôi 9 tuổi là lớn nhất thay nhau cõng cô về nhà, vì thương cô mà tự nhiên tôi đã khỏe đến như vậy, cô nặng ít nhất 50kg nhưng vẫn cứ chạy băng băng trên đường rừng làng Ải dài hơn 1 km còn các em thì lũ lượt chạy theo “vù… vù”. Rồi còn có kỷ niệm chạy Tây ra bờ suối làng Bình, chúng tôi buộc túm tụm những lùm cây cơi che nắng che mưa ban ngày, đêm tối mới trở về làng hoặc vào lán.
Quần áo mầu “ka cơi” nhiều quá, chúng tôi bắt đầu nhuộm nhúng bùn để may quần đen, rồi cà lõi pin ra để nhuộm áo thành mầu ghi xám. Hồi mới dọn về làng Ải, cha tôi đi họp Hội đồng Chính phủ mang quà Bác Hồ gửi về cho chú Di. Bác động viên chú tôi hết mực. Cả nhà cảm động mở gói áo ra xem, đó là chiếc áo cánh lụa toàn tơ mà đồng bào may tặng Bác Hồ. Cũng như bác Đặng Phúc Thông, Bộ trưởng Giao thông Công chính trong những năm kháng chiến đã được Bác Hồ tặng áo với những vần thơ giản dị đầy tình nghĩa:
“Tết nhất năm nay hoãn thịt xôi
Tết sau thắng lợi sẽ đến bồi
Áo bạn biếu tôi, tôi biếu chú
Chú mang cho ấm cũng như tôi”.Sau những ngày giặc Pháp càn quét vùng Chiêm Hoá năm 1947, nơi ở của gia đình chúng tôi và cả gia đình ông Kon Tum, Bác nghe tin gia đình ông Kon Tum bị mất đồ đạc, liền giao cho cha tôi chuyển cho gia đình ông một số tiền trích trong tiền lương của Bác. Khi kể lại những việc làm của Bác về sự quan tâm rất nhỏ đối với các gia đình trí thức, ông Kon Tum đã viết: “Có thể nào không kính trọng Bác, không nghe theo Bác được. Người mà trí cả cuộc đời, mỗi nhịp thở đều cống hiến cho hạnh phúc của mỗi người chúng ta, của tất cả dân tộc mà người coi như gia đình duy nhất của Người”. (Suốt đời học tập Bác - Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum. Cứu quốc - 19-10-69 số 3455 Tuần báo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).
Khi em Huy lên Chiêm Hoá công tác, bà con dân bản vẫn còn nhắc tới giá sách nhà ông Kon Tum cao ngất. Bác đối với nhân sĩ trí thức yêu nước lích cực tham gia kháng chiến là như vậy đó. Bác tìm mọi cách để động viên, để cổ vũ từng người một. Bác Hồ trăm công nghìn việc thế mà không quên một ai, già như chú tôi cũng có phần quà, Nữ Hiếu đau ốm, Bác cũng chăm nom chu đáo. Chỉ một lần Bác Hồ bế em Hiếu hôm tiễn Đoàn tại sân bay Gia Lâm mà sau này trong các lần gặp cha tôi ở Hội đồng Chính phủ Bác vẫn thường hỏi thăm em Hiếu. Khi biết Hiếu bị lao xương, Bác đã tìm thuốc và cao gửi cho Hiếu. Bác biết tin em Hiếu sắp lên đường sang Trung Quốc học còn gửi quà cho em: Hiếu kể rằng: “Cha đi họp Hội đồng Chính phỉ mang về cho một hộp sữa và một miếng vải ka ki màu vàng, rồi cha bảo với mẹ: Bác Hồ gửi cho Hiếu sữa, vải, Bác bảo: “Mẹ may áo cho Hiếu đi học Trong Quốc”.
Rồi em lại kể về Bác Hồ có trí nhớ rất kỹ. Việc lớn việc nhỏ Bác đều không quên: “Em chồng các bạn học sinh ngoan được chọn đến Chủ tịch phủ để gặp phái đoàn Chu Ân Lai, nhưng không biết vì lẽ gì chúng em đều không được gặp, cứ ngồi chờ lâu lắm. Bỗng nhiên Bác Hồ trong bộ quần áo cánh nâu từ trong nhà đến chỗ chúng em. Mừng quá tất cả reo lên: A! Bác Hồ! Rồi vùng chạy đến bên Bác. Bác hỏi thăm từng người một. Đến Tuyết con bác Trần Duy Hưng, rồi Bác quay sang hỏi em: “Cháu con ai?”. Em thưa với Bác: “Cháu con bố Huyên ạ”. Thế là Bác hỏi: “Có phải là Hiếu không?”. Ôi! Một vị Chủ tịch nước… mà tình cảm chan chứa làm vậy! Bác không bỏ sót một việc nhỏ nào.
Hồi ấy trẻ con theo nhau đi “thám hiểm quanh vùng”. Chúng tôi phát hiện gần làng có nơi tắm rất thích. Đó là con suối, nơi rẽ vào làng Hương, một bên là ruộng lúa, một bên là thảm cỏ xanh. Đoạn suối này có thác đó từ trên cao xuống bọt trắng xoá như thể bọt bia, 6 - 7 chị em chúng tôi xếp hàng ngang ngồi dưới tảng đá dưới chân tháp để nước dội bọt tung lên người. Chúng tôi đặt tên con suối đó là “Suối săm-panh”. Mẹ tôi kế rằng mỗi lần mở chai rượu “Săm-panh” cũng sủi bọt trắng xoá, mở không cẩn thận còn phụt lên trần nhà. Mỗi khi rủ nhau ra suối “Săm-panh” tắm tôi lại nghĩ đến bánh “Săm-pa” của Hà Nội. Không biết đến bao giờ mới được ăn cái bánh dài dài bèn bẹt một đầu to, một đầu nhỏ ở ngoài có nhiều hạt đường trắng…
Mẹ tôi yêu thích đoạn suối đó. Thường khi muốn cùng chúng tôi tắm suối cô Di và mẹ tôi đều dẫn lên tận đây để vừa ngắm cảnh đẹp của núi rừng bên suối nên thơ này. Sau này những bức tranh mẹ vẽ về cô giáo vùng cao, về bà mẹ chiến sĩ, về Bùi Thị Xuân, về giò phong lan… đều có thể hiện dòng suối uốn quanh ven rừng và những thác đổ trắng xoá…
Mỗi lần ở nhà có ai đi công tác xa lên rừng mang về hoa quả là mẹ lại vẽ. Có lần chú Cầu mang về hoa chuối rừng thế là một bức tranh hoa chuối đỏ chót được hình thành. Hoặc dứa rừng và rất nhiều những hoa rừng không tên đều được mẹ tôi ghi lại. Có khi các cháu thấy bà thích vẽ hoa rừng đã hái cả hoa phượng, hoặc xin về cả hoa đại, hoa gạo để bà vẽ. Chiều theo ý các cháu, vì thế trong tập tranh ngày nay có đầy đủ các thứ hoa người ta không bán, không dùng để cắm lọ.
Mùng 8 tháng 7 âm lịch Mậu Tý (1948), mẹ tôi đã ghi lại cảnh làng Ải như sau: “Sáng sớm nay đứng tựa lan can ở Phong Lan Đình”, nhìn núi, núi cao, nhìn mây, mây lững lờ trôi, nhìn rừng, rừng âm u, những xanh là xanh, nhìn nước, nước trong vắt xanh xanh mát dịu. Vẻ thiên nhiên của núi rừng Việt Bắc hùng vĩ. Làn mây trắng rủ trước màn lam xanh, óng ánh tia nắng chiếu xuống nước. Cảnh đẹp hữu tình làm cho ta nhớ bao người thân yêu! Sao tôi nặng tình làm vậy. Sống trong thời chiến mà đầy mơ mộng! Cảnh đẹp người buồn! Ta không tự trả lời, ta suy nghĩ gì? Trái tim ta hồi hộp nhưng cũng lặng thinh!…
Lúc này trong trái tim chan chứa tình yêu tha thiết với chồng con yêu quý. Muốn làm tất cả những gì mà ta làm được để chồng con ta được sung sướng nhất.
Tôi bé nhỏ quá đi thôi, làm gì được với sức cỏn con? Hãy có nghị lực, hãy nhìn về tương lai, gạt bỏ quá khứ, gạt bỏ mọi gian khổ…”.