Anh Chính (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cháu đích tôn của ông nội tôi kể lại. “Chú mới từ Pháp về có mua một chiếc Renault màu xám nhạt. Ôtô có hai chỗ ngồi phía trước và ba chỗ ngồi phía sau. Anh nhớ là được chú cho ngồi ngay bên cạnh rồi chú lái thử. Bắt đầu từ Hàng Áo (phố Thuốc Bắc bây giờ) lái rẽ phải ra Hàng Phèn. Chú vừa lái vừa mắng ầm lên, chắc là vì vướng mắt lúc rẽ. Đền đúng chỗ rẽ Hàng Áo - Hàng Phèn thì chú Huyên cho luôn bánh xe sau bên phải leo lên bờ hè vài mét rồi mới xuống lòng đường và tiếp tục chạy!”. Anh kể về “tài lái xe” của cha tôi. Thế mà cha tôi đã thường xuyên hẹn bác Nguyễn Mạnh Tường: “Này, tôi hẹn cậu nhé, cứ chiều thứ bảy cậu không được đi đâu cả, cứ phải đi theo tôi”. Rồi bác Tường lại nói: “Thế là cứ thứ bảy dạy học xong, ông ấy lôi mình lên ôtô chạy một mạch xuống Thái Bình. Thỉnh thoảng có cuộc khiêu vũ các ông huyện, ông phủ kéo đến, hai ông tiến sĩ cũng nhảy nhót ở đấy”.
Khi cha tôi rủ lên Lạng Sơn thì bác Tường nói: “Lên Lộc Bình, Lạng Sơn thì thôi, tôi chỉ đi Thái Bình, lần nào ông ấy cũng xách cổ mình đi là mình phải đi thôi”.
Mẹ tôi ghi nhật ký. “Theo cha mẹ lên Hà Nội, em lại gặp anh. Anh còn nhớ không? Em đến Vân Loan (cô Vân Loan là con gái của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, người dịch thơ “La Phông-ten” rất nổi tiếng) cạnh trường Bưởí để gặp anh. Anh làm em bất ngờ. Đang ngồi trên ôtô cùng bạn Nguyễn Mạnh Tường bỗng bạn xuống xe và đi ngay. Thế là anh và em đôi ta phóng xe khắp chốn khắp nơi để kéo dài cuộc gặp đi đôi lần đầu tiên!
Về đến 95 Gambetta (Trần Hưng Đạo) đã là trưa, là cả nhà đi cơm.
Đám cưới của cha mẹ tôi được tổ chức vào ngày 12 tháng 4 năm 1936. Ảnh chụp ngày cưới cha mẹ tôi thật trang trọng. Bác Kim Yến nói rằng chỉ có cô Di và sau đến mẹ tôi mới có đám cưới cô dâu mặc áo thụng gấm và đội khăn vành dây như vậy. Trước đây cô dâu thường mặc nhiễu điều. Hai bên họ nội ngoại của tôi gần như có mặt đầy đủ. Bên cạnh cha tôi là cụ Huyện Khôi hay còn gọi là cụ Huyện Nam Đồng, anh ruột của bà nội tôi. Bên cạnh mẹ tôi là em gái ông ngoại tôi là vợ cụ Nghiêm Xuân Hoàng. Ngoài ra còn có gia đình bạn của ông như ông bà Hội Quang và các cô Vinh, Hiển là phù dâu, ông bà Nguyễn Đình Quỳ có cô Nga, Thái là phù dâu. Sau đó chúng ta đã có con gái đầu lòng. Ta nâng niu, ta yêu quý”.
Ngày 20 tháng 3 năm 1937, mẹ tôi sinh tôi ở nhà thương Đặng Vũ Lạc ngay trước cửa 95 Gambetta. Lật mở những trang nhật ký mà mẹ tôi đã chắt chiu từng việc rất nhỏ để vun đắp cho hạnh phúc lớn lao. Mẹ tôi viết cho các con nhớ: “… Khi mẹ có thai lần đầu, cha mẹ vừa mừng vừa lo. Cha chăm sóc mẹ từng ly từng lý,… mẹ ốm nghén liền 4 tháng, gầy sút từ 48kg - 49kg chỉ còn 41 kg. Bà ngoại của các con thương xót mẹ quá… Mẹ chỉ còn ăn quả hạnh đào hộp là dễ chịu hơn. Nhưng ăn xong lại nôn. Bà ngoại mang cho mẹ hàng chục hộp ăn hết bà lại cho. Đến tháng thứ năm mẹ mới khỏe dần… Cha mẹ mong con từng ngày!… Sau 10 ngày, hai mẹ con đã được cha chuẩn bị chu đáo ở nhà. Trên phòng ngủ đã có chiếc giường xinh xắn mắc màn tuyn mầu hồng. Chiếc giường đó là quà của bác Tú Cương và cô Di tặng cô cháu gái yêu ra đời… Suốt thời gian hai mẹ con ở trong viện cha con đã mua một cái xe đẩy rất mốt ở Gô-đa, một cửa hiệu to nhất Hà Nội. Sở dĩ mẹ nhắc đến Gô-đa, bói lẽ năm sinh con là năm đón đặc sứ Gô- đa có cuộc vận động đòi dân sinh, dân chủ, và là năm mà Đảng Cộng sản ra công khai, đại biểu Đảng đã thắng trong bầu cử. Cha đã mua sắm đầy đủ tiện nghi cho cô con gái rượu… những bữa ăn trong viện, cha tự tay làm cho mẹ. Cha yêu mẹ, yêu con vô cùng!
Từ đó tiếng yêu đương của cha mẹ đã có những lời líu lo, bập bẹ dần dần lớn lên…”.
Mẹ tôi còn giữ bức thư của bà ngoại gửi cho mẹ:
“Thái Bình, năm 1936.
Hôm qua Thầy đã về đến nhà, thấy Thầy nói con độ này nôn mửa nhiều. Me thấy Thầy nói con cũng mệt. Như dạo trước thôi con ạ. Ai nghén cũng nhiều khó chịu trong mình, vài tháng thì sẽ khỏi. Con chịu khó ít bữa nữa thì hết. Thầy đi Sài Gòn thứ hai. Đến thứ hai hay là thứ ba me sẽ lên thăm con, me gửi lên cho con 10 hộp sữa, 2 hộp quả, một phốt cao. Thầy nói cháu Ái sốt, đã khỏi chưa?… Đến mai lại làm cơm mời quan Sứ và Phủ Huyện, me cũng bận. À em Phú đã đi Huế chưa? Từ ngày Thầy xuống Hà Nội dưới này cũng chưa có sự gì lạ. Me chắc hai vợ chồng được mạnh. Me”.
Trong thư viết từ Hội nghị Fontainebleau (1946) gửi về cho mấy mẹ con cha tôi có viết về ý nghĩa của việc đặt tên cho từng con. Trên núi rừng Việt Bắc, thỉnh thoảng mẹ tôi lại mở những phong thư này ra đọc cho chúng tôi nghe. Tôi đã tâm niệm về vai trò và nghĩa vụ của mình qua những dòng ngắn ngủi đầy ý nghĩa đó. Mẹ tôi còn nhắc tôi nhớ tên tôi có vần của cha và của mẹ: N-H. Sau này tôi nhìn thấy cha mẹ có bộ cốc bằng bạc có khắc chữ N-H rất đẹp. Tôi cảm nhận được mối tình đằm thắm của cha mẹ nên càng cố gắng góp phần giữ gìn hạnh phúc.
Mẹ tôi sinh em Bích Hà vào ngày 19 tháng 7 năm 1940. Khi tôi chừng ba bốn tuổi, tối nào tôi cũng được cha ru ngủ trên cánh võng ngoài hiên nhà. Lúc này gia đình tôi không ở 95 Trần Hưng Đạo mà đã về ở 59 Trần Bình Trọng, trước chùa Thiền Quang. Chủ nhật nào cha tôi cũng cho mấy mẹ con đi chơi thăm chùa chiền danh lam thắng cảnh và về thăm bà nội ở Trại Minh Tâm phố Hàng Bột hay ở 30 phố Hàng Áo (nay là phố 30 Thuốc Bắc). Lúc này tôi đã 5 tuổi, em Bích Hà đã 2 tuổi, mẹ tôi gặp lúc cả hai con đều bị ốm nặng. Nhật ký mẹ tôi viết: “Bích Hà sinh ra lúc đó đang Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mọi việc có nhiều thay đổi. Con đã biết thiếu thốn rồi. Chị Hạnh và Cha con bị đau thương hàn. Ôi, ba tháng trời bao lo âu vất vả của Mẹ, con lại đau bụng, ho gà người chỉ còn da bọc xương. Bao bác sĩ Tây, ta giỏi đều chữa mà vô hiệu. Sau đành mời ông Lang ta chữa cho một tháng thì bệnh con lui. Mẹ Cha mới đỡ lo. Chữa chị Hạnh mấy tháng trời ở nhà không khỏi. Phải vào Bệnh viện “Đồn Thuỷ”, đưa cả hai bố con vào điều trị. Thế là Mẹ vừa trông nom hai Cha con ở Bệnh viện, lại chăm sóc con ở nhà. Sau vất vả quá mẹ phải mời bà dì là em gái của bà ngoại xuống trông nom cho Mẹ. Những lúc hai Cha con ở nhà, một buồng là hai Cha con chị Hạnh, một buồng Bích Hà. Mỗi lần sang với Bích Hà, mẹ cho bú Mẹ lại thay áo khác sang với con. Bao nhiêu cái khó khăn, con có biết nổi không?”.
Hồi ấy mẹ tôi phải nhờ bác Tú Cương mua một con dê chuyên vắt sữa cho Bích Hà uống. Riêng tôi thì ngày nào mẹ tôi cũng phải lấy nhiệt độ mấy lần. Tôi phải tiêm rất nhiều thuốc. Mẹ tôi nói: “Bác sĩ Chương “Lùn” tiêm nát cả tay con mà bệnh chẳng khỏi”. Trẻ 5 tuổi như tôi tiêm mà không khóc, lúc nào cũng nghe lời mẹ sẵn sàng đưa tay cho bác sĩ tiêm. Có lẽ tôi thấy mẹ quá tất bật từ phòng này sang phòng kia mà thương mẹ nên không quấy. Thỉnh thoảng nhớ lại ngày xưa, mẹ tôi khen tôi ngoan và nói: “Năm ấy tưởng Hạnh không sống nổi”. Cha tôi thương tôi. Ngày ngày đi làm về lại vặn “kèn hát” cho nghe. Có hôm tôi nhỡ đè tay làm vỡ tan một chiếc đĩa hát nhưng cha tôi không mắng. Bệnh thương hàn là bệnh đường ruột. Mẹ tôi bảo: “Không ăn được đồ cứng, nếu ăn sẽ thủng ruột”, vì thế thức ăn của tôi toàn nước. Hằng ngày mẹ tôi nấu ăn ngay bên phòng tắm, rồi ăn ngay cạnh giường tôi nằm. Tôi nhìn cha mẹ ăn, tự nói với mẹ: “Con không thèm đâu, cha mẹ cứ ăn đi, ăn ở cạnh con cho con nhìn thôi!”.
Về sau cha tôi cũng bị lây bệnh, phải nằm ngay trên giường đơn cùng phòng tôi. Thế là mẹ tôi vất vả chăm sóc cả ba người bệnh. Cuối cùng mẹ tôi phải đưa hai cha con tôi vào bệnh viện. Lúc này tôi đã ăn được khoai nghiền. Còn cha tôi nằm cùng phòng với tôi thì phải tiêm ống thuốc gì to lắm, treo trên đình màn rồi dòng dây xuống tay. Ngày nay thì tôi đã hiểu đây là truyền huyết thanh. Khỏi bệnh tôi không đi được. ông Phạm Đình Ái, bạn của bố tôi, quen nhau từ hồi ở Pháp, ở Huế ra có cho hai mẹ con tôi đôi hài đỏ rất xinh, thêu cườm óng ánh các màu. Tôi muốn đi, xỏ chân vào đứng lên không được. Cha một bên, mẹ một bên hai người dìu tôi đi từng bước… Mẹ chăm sóc ba người bệnh mà mẹ lại không bị ốm. Thật là phi thường!
Mẹ tôi sinh em Nữ Hiếu vào ngày 6 tháng 12 năm 1942. Trong Kháng chiến, nhớ về những ngày sinh và nuôi Nữ Hiếu mẹ tôi viết: “Đến ngày sinh Hiếu ở thời Nhật. Phải chạy bom Mỹ ném xuống Hà Nội. Mẹ con ta lại phải rời Hà Nội vào Hà Đông mua chiếc nhà để chúng ta ở. Từ bé con đã yếu, nhỏ nhắn không bao giờ bụ sữa. Con nghịch lắm và khóc dai. Có lần con sốt mẹ và con xông lá cảm. Con bị ngất đi mẹ lo quá. Từ lúc đó mẹ cũng không thích xông lá chông cảm nữa”.
Cha tôi được cả họ ca ngợi về lòng hiếu thảo với bà nội. Ba chị em tôi đều sống tại 59 Trần Bình Trọng cho đến năm 1943 - 1944. Gia đình chúng tôi phải dọn vào Hà Đông chạy bom Nhật. Lúc này cả nhà đã ở trên mảnh đất cha mẹ mới mua. Ngày rời Hà Nội, tôi thấy có người đến lái chiếc xe tô Renault đi mất. Đó là ngày cha tôi đã bán xe. Hẳn là để góp tiền mua nhà ở Hà Đông. Tôi còn nhớ từ ngày ấy cha tôi đã lọc cọc trên chiếc xe đạp hoặc đi tầu điện ra Hà Nội làm việc, chiều tối mới có mặt ở nhà. Em Huy sinh ra tại nơi đây ngày 3 tháng 8 năm 1945. Mẹ không đi bệnh viện sinh em như sinh Bích Hà, Nữ Hiếu. Ngày sinh Nữ Hiếu cha tôi còn dắt tôi vào Sanh Pôn thăm mẹ và đón em bé. Bác sĩ Mậu ở bệnh viện Hà Đông cùng bà đỡ của Nhà Hộ sinh của anh chị Chính đón em Huy ra đời… Bấy giờ chị em chúng tôi phải sang nhà bác Kim Yến ở ngay sát vách. Chiều về đã thấy em bé khóc rồi. Cô Kim Quý (em mẹ tôi) đã kể cho tôi hay là bà nội tôi vào nằm dài trên giường dang tay ra để cô tôi bế em Huy đặt lên cánh tay bà. Bà đón cháu đích tôn yêu quý của bà tại Hà Đông. Bà đã cho em một chiếc kiềng và đồng chinh bằng vàng vừa to vừa dày, có con rồng uốn quanh lỗ vuông. Nơi chôn rau cắt rốn em Huy chính tại ngôi nhà cha mẹ đã mua (trước cổng chợ Hà Đông, nay là nhà của một vị lãnh đạo Tỉnh) và tôi còn nhớ cả nơi chôn rau của em Huy ngay gần cổng sau.
Nhật ký mẹ tôi viết: “Những ngày tháng đó khí thế cách mạng hừng hực chống quân thù, chông Nhật, chống Pháp. Khẩu hiệu, truyền đơn nhất là sau ngày đảo chính Nhật 9 tháng 3. Khí thế ngày càng cao. Ngày nào Mẹ cũng xem truyền đơn. Cha con thì bận hơn trước nhiều, nhưng vẫn hằng ngày xong giờ làm ở Hà Nội lại vào với mẹ con ta buổí tối. Hôm nào về chậm thì Mẹ lo hết hơi, vì hồi ấy nam đi làm mà về chậm dễ mất lắm, bị Nhật bắt hoặc giết… Sợ lắm, sống trong hồi hộp. Giá Mẹ không bụng mang dạ chửa chắc Mẹ cũng lao vào tham gia Cách mạng. Nhìn lại đàn con nhỏ, lại sắp sinh nĩa nên bỏ ý nghĩ đó. Mẹ nhớ mãi đêm mùng 9 tháng 3, Cậu Mẹ nhìn nhau thầm hiểu rằng cuộc đời sẽ thay đổi, nắm chặt tay nhau như ước lệ. Ước mong của Cha Mẹ là Tổ quốc ta sẽ thoát vòng nô lệ. Bằng cách nào đó chưa biết nhưng biết chắc chắn sẽ có những sự việc thay đổi lớn. Cả nhà có thằng bé giai, mừng ơi là mừng, lúc sinh có cô Thái đỡ Huy trong tay bà đỡ…”.
Em Huy đã chào đời trong sự hân hoan vui mừng khôn xiết khi cả dân tộc thoát khỏi xiềng gông trở thành đất nước độc lập, tự do hạnh phúc. Nhưng lúc em tôi ra đời cũng là lúc để giữ lấy nền độc lập non trẻ, đất nước phải bước vào cuộc đấu tranh gian khó muôn trùng. Bởi lẽ đó mẹ đã nâng niu em tôi bằng những dòng sữa của mình trên chiến khu Việt Bắc cho đến lúc em được 3 tuổi mới cai sữa. Mỗi năm kỷ niệm Quốc Khánh lớp tuổi của Huy cùng đoàn người diễu qua lễ đài Ba Đình lịch sử của năm 15, 20, 25… đều có mặt em tôi trong lớp thanh thiếu niên sinh vào tháng 8 năm 1945. Sau nhiều năm công tác, em tôi đã trở thành Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (1983-1995), rồi Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên.
Ngày 5 tháng 6 năm 2000 tại Trung tâm Rockefeller, New York, Mỹ, Hội đồng Văn hoá châu Á đã tổ chức trao giải thưởng John D. Rockefeller III (1999-2000) cho em tôi vì những đóng góp cho việc xây dựng và phát triển Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và sự giao lưu giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nước trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc… Ngày 4 tháng 2 năm 2003 tại New York (Mỹ), Tổ chức hỗ trợ những người thợ thủ công (ATA) của Hoa Kỳ đã trao giải thưởg “Công hiến vì những người thợ thủ công” cho Nguyễn Văn Huy. Đây là sự ghi nhận những thành công tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và những cống hiến của Huy cho sự đa dạng, sự hiểu biết sâu sắc của các nền văn hoá Việt Nam, nâng cao nhận thức, truyền thống, kỹ năng của những người thợ thủ công và qua đó tạo ra những cơ hội kinh tế, xã hội và nghệ thuật của những người thợ thủ công Việt Nam (Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, 6-2-2003).
Chúng tôi đã không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ. Sau nhiều năm học tập vất vả xa nhà, em Hà đã là người đầu tiên trong số 4 chị em tôi được nhận bằng Phó Tiến sĩ Hoá học tại Liên Xô năm 1972. Sau Bích Hà là em Huy đã nhận bằng Phó Tiến sĩ Dân tộc học năm 1988. Còn em Hiếu nhận bằng Tiến sĩ Y học năm 1995. Cả ba em tôi đều là Phó giáo sư. Chỉ riêng tôi là kỹ sư Thông tin hữu tuyến đường sắt từ năm 1963 cho đến khi nghỉ hưu. Giữ gìn truyền thống.
Họ Nguyễn làng Lai ông nội tôi tên là Nguyễn Văn Vượng, hiệu là Minh Tâm. Sinh năm Ât Mão (1875), mất ngày 18 tháng 9 (1915). Thường gọi là cụ Bảy vì ông là con trai thứ bảy của cụ Nguyễn Văn Khoa. Cụ Khoa dân làng thường gọi là cụ Điều. Cụ Điều ở làng Lai Xá, tổng Kim Thừa, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây nay thuộc địa phận Hà Đông, xã Kim Chung.
Theo di chúc cụ Điều sinh năm 1828 (Quý Tỵ), mất năm 1904, thọ 72 tuổi, là cụ tổ đời thứ tám. Di chúc có ghi: “Cụ tằng tổ làm giám sinh Đôn Luân đường, triều Lê. Đỗ cử nhân xuất thân, thì càng sinh vẻ vang tổ tiên lưu truyền hậu thế. Một họ tộc văn chương nổi tiếng tiếng hơn trọng vọng…”.
Cho đến đời Cụ tổ Điều làm nghề chữa bệnh cứu người sau được phong cửu phẩm y sinh (do làm thầy lang chữa bệnh cho lính). Lật mở những trang gia phả thì vào đời thứ sáu có ghi rằng: “Cụ tổ khảo Lê Triều quan viên tử, kiêm tư vấn hội Nguyễn Quý công, tự Khắc Nhượng, liệu Pháp Nhân tiên sinh, nhờ công đức của đời trước mà được một bà trong họ làm giáo học nổi tiếng đất nước là nữ quốc sư Huyện Thanh Quan”.
Điều này tôi chưa có dịp nào tìm hiểu cho sáng rõ mối liên quan. Có lẽ phải có người tra cứu nhiều tư liệu lịch sử mới sáng tỏ được. Song, có một điều tôi rất tâm đắc chú ý là di chúc dời sau luôn nhắc nhở: “Lấy nghiệp giáo để giúp người” hoặc “lấy việc cứu sống người làm đức, lấy tuổi thọ tâm nguyện và siêng năng cần kiệm xây dựng gia nghiệp”.
Lần tìm tư liệu để hiểu thêm về cội nguồn, anh bạn tôi - Vũ Thế Khôi - nhà giáo ưu tú đã cho tôi một bài anh viết về “Danh Hương Hoa Đường xưa qua tư liệu Hán Nôm”. Theo gia phả họ Nguyễn thì gia tiên cụ tổ bên ngoại có hai địa danh ở xã Đan Loan và phường Nghi Tàm. Nghi Tàm là địa danh có quan hệ tới Bà Huyện Thanh Quan. Cụ tổ bà thứ sáu lại là người có công nuôi cụ Điều tức ông nội của cha tôi. Có đoạn gia phả viết: “Quê tổ ngoại ở phường Nghi Tàm. Cụ goá chồng lúc 27 tuổi. Cụ đã từ bi niệm Phật tại gia”. Cụ rất quý trọng kẻ sĩ, thường muốn các danh nho đi lại, trú ngụ tại nhà mình để cho các con được noi theo học tập. Địa danh Đan Loan là quê ngoại của bà nội cha tôi (bà chính thất Phạm Từ Cần). Trong bài viết của anh Vũ Thế Khôi thì “Có lẽ sách “Vũ trung tuỳ bút” của Phạm Đình Hổ (1768 -1830) là thư tịch cũ đầu tiên nói đến nguồn gốc Hoa Đường. Danh sĩ làng Đan Loan viên: còn nhi(làng Hoa Đường, nguyên tróc là thôn Bông thuộc xã Ngọc Cục, sau Lê Trung hưng mới phân ra làm xã riêng. Xem trong “Đăng Khoa lục” ghi chép quán chỉ các đấng tiên hiền thì rõ”.
Trong di chúc qua phần chia gia sản đã thấy ý thức đề cao việc học hành cho hậu thế: “Ta thường tâm niệm Tổ tông gây dựng, hậu thế tất hưng. Con cháu chớ nghĩ rằng khó khăn mà phải ra sức gắng chí… để lại 4 mẫu ruộng tại xã ngoài đầu cổng, con cháu luân lưu cày cấy. Hằng năm từ 1200 bát thóc lấy ra 300 bát thóc bán lấy tiền nộp thuế hai vụ chiêm mùa. Còn đư 900 bát thì hoặc cúng cho thầy hoặc để ăn học. Nếu ai muốn làm cái nghề tạp lấy số tiền đó để ăn thì không được. Nhất thiết phải tuân theo muôn đời và không được hoán cải, đổi chác, bán đi… Đặt một mẫu ruộng biểu, con cháu nào theo học, tựu trường, đi thi đỗ đạt thì sử dụng biểu dương. Nếu có con cháu đồng thời trúng cách thì lấy tiến sĩ trên hết, cử nhân tú tài là thứ…”.
Về cụ Điều thì trong họ thường kể lại câu chuyện như sau: “Bố mẹ chết sớm, cụ Điều ở với bà nội thất học nhưng là con nhà nho, vả lại cụ rất thông minh nên cũng biệt được ít chữ, rồi tự học đọc sách để chĩra bệnh. Thành lập gia đình cũng là nhờ bà nội, tức là cụ tổ bà thứ bảy. Nhà nghèo cụ cùng bà cả gánh thốc ra chợ bán thuốc sống, thuốc chín lấy ở kinh đô. Có nhà ông bà ở Phố Phúc Kiến vẫn thường bán thuốc cho cụ, thấy cụ chịu khó mới ngỏ lời gả cô út. Khi lấy cô út, cụ còn xoà tóc thề mai sau mà phụ bạc thì sẽ chết như mớ tóc này” rồi cụ đặt tóc trên bậc cửa mà chặt. Về sau cô út sinh được 9 người con, trong đó có ông nội tôi. Từ khi thành hai gia đình, cụ Điều lấy thuốc về cho cụ bà, một mình đem ra chợ bán. Còn cụ thì ở rể, ngày ngày mang thuốc ra hàng hiên trước cửa một nhà cũng ở phố Phúc Kiến nhưng đóng cửa không buôn bán, rồi cụ bày các ô thuốc chẩn bệnh, bán thuốc tại vỉa hè. Một hôm có anh lính hỏi thăm tới mời cụ vào thành chữa bệnh cho quan. Chữa khỏi bệnh, cụ Điền được phong chức và theo chữa bệnh cho các cánh quân ra Quảng Ninh đánh giặc. Đến năm sau, Tự Đức thứ 19 được phong cửu phẩm y sinh. Vua phê: “Giỏi thì bổ, không hề gì”.
Trong di chúc Cụ còn dặn con cháu: “Bậc thánh hiền dạy rằng: Thế bật khả ỷ tận, lộc bất khả hưởng tận, cùng bất khả khi… nghĩa là có thế lộc có quyền chớ nên ra sức ỷ vào đó, có lợi lộc chứ nên tận hưởng tất cả, thấy người cùng khổ chớ nên khinh thường. Điều đó đáng răn. Làm phận tôi con phải có hiếu với cha mẹ, có đức với anh em, có lòng nhân từ lúc trẻ nhỏ. Điều đó đáng thi hành…”.
Ngoài ra, trong di chúc còn cấm hút thuốc phiện, cấm đánh bạc. Nhờ Cụ tổ Điều mà con cháu các chi trong họ đều được lên kinh đô học hành và sinh cơ lập nghiệp ngoài Hà Nội. Vào đầu thế kỷ 20 Hà Nội đang có nhiều đổi mới như xây dựng Nhà máy xe điện, cầu Doumer (Long Biên), lập điện thoại Hà Nội, bắt đầu xây dựng Nhà máy xe điện, Trường Hậu bổ được thành lập. Do vậy mà ông nội tôi thời gian này đã vào làm thư ký kho bạc và dẫn dắt các con sau này đều đi học và có nghề nghiệp nuôi thân.
Mẹ tôi kể rằng hiện nay ở phố Hàng Áo cũ, tức là phố Thuốc Bắc bây giờ, còn 3 nhà thờ họ. Dãy phố này trước đây con cháu của cụ Điều ở và làm ăn, nên ngày xưa người ta còn gọi là phố cụ Điều. Theo tôi được biết hiện còn số nhà 29 phố Thuốc Bắc là nhà thờ họ, nay con cháu chi Sáu đang sinh sống. Số nhà 30 phố Thuốc Bắc là nhà đứng tên cha tôi. Ngày nay các cháu của cô Tư Đường (em liền cha tôi) vẫn đang sinh sống.
Bà nội của tôi tên là Phạm Thị Tý, sinh năm 1876, mất ngày 9 tháng 10 Mậu Tý.
Trong Bản tự thuật lý lịch cha tôi đã viết: “Bố là Nguyễn Văn Vượng, làm công chức nhỏ ở Sở kho bạc Hà Nội. Mẹ là Phạm Thị Tý, con một gia đình làm nghề thầy thuốc ở Hà Nội, có anh cả đỗ cử nhân cổ, làm tri huyện; Mẹ lấy chồng kế, làm nghề cắt quấn áo bán. Mẹ goá chồng sớm, cần cù khuya sớm làm ăn, dành dụm cho con đi học. Bản thân Mẹ hiếu học ghét mê tín và luôn cầu tiến; ít nói, không cãi cọ với ai bao giờ, nếp sinh hoạt phong kiến thờ chồng dạy con, chăm sóc mẹ già thay anh. Chị tôi sớm đi dạy học cũng góp phần cho chúng tôi đi học mấy năm, cho đến khi tôi vừa làm vừa học được. Gương cần cù ấy ảnh hưởng tôi nhiều. Sau này cảm mối tình mẹ cặm cụi từ thiếu thời tới khi mắt mờ tay không vắt khâu được nữa, chiều ý mẹ tôi dằn lòng đứng khai đời sống gương mẫul nếp xưa của mẹ để được tặng “Tiết lạnh khả phong”. Mẹ tôi rất vui mừng; đến khi Kháng chiến bùng nổ cũng hăng hái cùng lên Việt Bắc không chít băn khoăn.
Mẹ tôi có một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội, làm ăn ở đó và các con đều sinh trưởng ở đó. Sau có một khoảnh đất ở gần Giám trồng cây, chúng tôi có góp tiền để dựng một ngôi nhà làm nhà thờ chung. Khi Kháng chiến cả hai đều bị sập đổ cả; mọi người đều ra ngoài Kháng chiến… Hiện nay chỗ Giám thì bỏ, nơi nhà cũ mẹ cho tôi làm kỷ niệm, em gái tôi goá chồng ở với con gái độc nhất cho đến khi chết”.
Quê bà nội tôi ở Lương Ngọc, Hải Dương. Trước đây làng Lương Ngọc có tên là Hoa Đường, một thời lừng là danh hương: đầu thế kỷ này trong dân gian còn truyền tụng câu “nam Hành Thiện, đông Hoa Đường” để chỉ hai làng khoa bảng nổi tiếng đã tiếp nối được truyền thống đỗ đạt của “tiến sĩ sào” Mộ Trạch. Riêng Hoa Đường có 12 tiến sĩ cả văn lẫn võ. Trong hai thế kỷ (18 -19) trung bình cứ 5-6 năm, Hoa Đường lại có một đám khao vọng và vinh quy bái tổ.
Năm Kỷ Hợi 1779, một lúc phát cả văn (Tiến sĩ Phạm Quý Thích) lẫn võ (Đạo sĩ Vũ Tá Cảnh) (Trích “Lịch sử làng Hoa Đường” của Vũ Thế Khôi). Một số người họ Phạm di lên Thanh Trì cách Hà Nội 4-5 cây số, gần lò bát sứ của ông Tạ Hiển. Đình làng Lương Ngọc được đưa về phố Hàng Gai và đền làng đưa về phố Hàng Trống. Chuyện này chắc chỉ có các nhà nghiên cứu lịch sử đình chùa của Hà Nội mới biết rõ. Hiện nay ở Hà Nội có nhiều kiến trúc cổ của cộng đồng làng xã do dân “tứ chiếng” đưa về giống như làng Lương Ngọc.
Vào năm 1999, Nữ Hiếu mang về cho tôi một cuốn Gia phả họ Phạm Hữu. Gốc làng Lương Ngọc nay thuộc xã Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương. Tổ tiên họ Phạm Hữu là cụ tổ Phạm Hữu Dự, cách niên đại thấp nhất 8 đời. Cụ tổ sinh ra và trưởng thành cách năm 1999 khoảng 200 năm (1780 - 1800). Trong gia phả này, bà nội tôi có tên trong chi cụ Phạm Hữu Hanh. Tên chính của bà nội tôi là Phạm Thị Huệ.
Bà nội tôi sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước. Cụ Huyện Khôi (anh của bà nội) là người khẳng khái, không chịu khuất phục Tây. Có lần đi kiểm tra lục lộ với Tây, vì thái độ hống hách của thằng Tây mà cụ đẩy nó xuống sông. Cụ không chịu quị luỵ, đã bỏ về không làm quan nữa. Bà nội tôi đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục. Bà nội tôi thuộc nhiều bài thơ yêu nước của thời đó. “Bà là người yêu nước nên giáo dục các con là người có tinh thần yêu nước”- chú Hưởng (Nguyễn Văn Hưởng, em của cha tôi) nói vậy rồi tiếp: “Khi lấy chồng, thầy tướng còn bảo bà sẽ sinh con quý tử”. Nói rồi chú cười hỏi tôi: “Hạnh bảo thầy tướng nói có đúng không?”. Qua những mẩu chuyện chú Hưởng kể về bà nội đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc về niềm tự hào và lòng biết ơn của chú đối với Mẹ. Vào đầu thế kỷ 20, bà nội tôi nuôi dưỡng cha và các bác, cô, chú của tôi trong sự ảnh hưởng của các phong trào yêu nước. Bà tôi đã quyết định chuyển cha tôi đang học chữ Hán Nôm sang học chữ Quốc ngữ và học tiếng Pháp, rồi cho các con đi “du học”. Tôi trích ghi lại đây 3 bài thơ “Mẹ khuyên con”, “Khuyên học chữ quốc ngữ” và “Khuyên người đi học xa” để minh chứng cho tinh thần cách tân đó.
Khi lấy ông nội tôi thì ông đã có hai con trai là bác Cả Hiểu và bác Hai Vịnh. Sau này bà sinh thêm được hai bác gái là bác Sửu (Phúc) và bác Mão (Thiện vợ bác Phan Kế Toại), tiếp đó là cha tôi (là con thứ ba), cô Tư Đường rồi đến ba chú: Hưởng, Phú, Quý. Ông nội tôi đặt tên cho các con: Phúc, Thiện, Huyên, Đường, Hưởng, Phú, Quý có nghĩa là Phúc Thiện về nhà mẹ thì được hưởng phú quý. Sở dĩ ông bà nội đặt tên như vậy là do bà nội quê ở làng Hành Thiện, huyện Hoa Đường. Chú Quý tôi ra đời được 18 ngày thì ông tôi mất. Bấy giờ cha tôi mới 7 - 8 tuổi. Bà đã tần tảo nuôi cả thảy 15 con và cháu chồng. Trong lần ôn chuyện cũ, thím Hưởng tôi có nhắc: “Khi kiếm được tiền, bà lo liệu tậu nhà cho bác cả Hiểu, bác hai Vịnh là con chổng trước, rồi sau này mới tậu nhà 30 phố Thuốc Bắc cho Ba cháu”. Rồi thím nói: “Bà nội rất tốt, bao giờ ăn ở cũng rất có đức, có nhân. Không ai chê trách được. Khi bác cả Hiểu mất để lại anh Chính, chị Thu, chị Trang còn nhỏ, bà đã cáng đáng cả phần nuôi cháu. Khi ông Thông (chi thứ Sáu) mất bà đã nuôi bác cả Đắc thay chi thứ Sáu. Tiếp dó bà lại nuôi các con bác cả Đắc: chị Viên chị Thìn, anh Chi, hướng dẫn các anh chị buôn bán học hành để sau này nuôi thân”. Chú Hưởng nhớ lại: “Phố hàng Áo cũ mà Tây nó gọi là phố Thuốc Bắc còn là những mái nhà lụp xụp. Hồi đó bà nội còn ở nhà số 23 (nay vẫn còn biểu tượng tên hiệu ông nội “Minh Tâm”). Chú còn nhớ trước nhà có cây bàng toả bóng mát. Phố xưa còn lầy lội chưa thành đường đi và cống rãnh sạch sẽ như bây giờ đâu. Thời đó bà nội ngàỵ nggày khoác trên vai tay nải quần áo cũ ra chợ bán. Mãi sau bà mới tậu được cửa hàng. Từ khi kiếm được thì mới dành dụm cho các con ăn học”. Bác Toại gái kể về bà tôi: “Bà nội nhanh nhẹn, tháo vát và thông minh nữa. Quần áo bà may luôn thay đổi theo thị hiếu người dùng và thời trang ra đúng lúc nên bà bán được đắt hàng. Bà cho bác đi học rất sớm. Tuy là con gái mà vẫn gửi vào học trường Pháp. Còn ba cháu, mới đầu bà nội cho đi học chữ nho để nối nghiệp thuố. Nhưng rồi thấy nho học tàn tạ, bà đã chuyển ngay cho ba cháu sang học trường Pháp cùng chú Hưởng. Việc theo học vào trường Tây là cũng phải nhờ cụ Phán Trân là người đỡ đầu, chứ nhà mình không thể xin được. Bác Toại gái kể rằng: “Cha cháu học giỏi, năm nào cũng được thưởng, có giấy mời phụ huynh đến Nhà Hát Lớn dự lễ trao thưởng, bà nội không đến được, khi về cha cháu bê cả chồng sách thưởng trao lại cho bà nội. Bà nội rất là sung sướng. Bà luôn nhắc nhở con cháu nhớ về lòng hiếu học của cha cháu. Cha cháu học xong lớp bốn ở trường “Lít- sê, rồi xong tú tài phần I thì bà cho cả hai anh em Huyên, Hưởng đi Pháp học. Vào thời điểm đó mới chỉ có bằng Tú tài Đông Dương và dành cho con cái thực dân Pháp sống ở Đông Dương. Các bác, cô, chú tôi được bà nội tôi dạy dỗ cho nên ai cũng “học được nghề tài mới hay”. Vào thời kỳ các cô chú tôi đang ở độ tuổi đi học, ở Hà Nội đã có thêm những cơ hội, như mới mở trường Trường Thú Y, Trường Hậu bổ, Trường Đại học Y Khoa, Trường Sư phạm, Trường Thực hành Nông Lâm…
Bác Nguyễn Văn Hiểu (1894-1920) học ở Bưởi, đỗ thành chung, làm thư ký Sở Bưu điện ở Phả Lại, sau đổi đi Huế và mất lại đó.
Anh Nguyễn Văn Chính (1910-2001), cháu đích tôn, đỗ bác sĩ y khoa cùng thời với ông Trần Duy Hưng. Anh mở nhà thương ở 14 Hàng Đẫy nay là 14 Nguyễn Thái Học. Anh tham gia Kháng chiến, sau về Hà Nội. Sau Hoà bình, anh phụ trách Trạm Da liễu phố Sinh Từ, nay là Nguyễn Khuyến, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nhà ở 63 Hàm Long, Hà Nội.
Bác Nguyễn Văn Vịnh (1896-1956), đỗ thành chung, đã từng làm Thư ký Phủ Thống sứ cho đến khi về hưu. Bác tôi là người giao du rộng, lịch thiệp, thạo đời, đối với họ hàng rất tốt. Trước Cách mạng hằng tuần mỗi khi cha tôi đưa mẹ con tôi về thăm bà thì lần nào cũng vòng thăm qua nhà anh Chính và bác hai Vịnh.
Bác Nguyễn Thị Sửu (tự Phúc) (1901-1928) buôn bán thuốc bắc. Bác trai là Nguyễn Văn Bổng học nghề Canh nông.
Bác Nguyễn Thị Mão (tự Thiện) (1903- 1992), người con gái Hà Nội thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm và trở thành một trong những nữ giáo sư đầu tiên vào đầu thế kỷ 20. Bác Mão tham gia tích cực các hoạt động xã hội, do bác biết tiếng Anh, Pháp, Nga (học sau Hoà bình lập lại) nên thường tiếp các đại biểu quốc tế trong Uỷ ban hoà bình. Cô Tư Đường đã theo bà nội tôi làm nghề buôn bán, sau khi lấy chồng vẫn tiếp tục thay anh chị em chăm sóc bà nội tôi.
Chú Nguyễn Văn Hưởng (1909-2001), đỗ cử nhân luật tại Paris.
Chú Nguyễn Văn Phú (1912- 1947) theo học nghề làm ảnh của làng Lai. Chú đã mở cửa hiệu ảnh ở Cửa Nam Hà Nội, có một thời tham gia làm phim trước Cách mạng Tháng 8-1945.
Chú Nguyễn Văn Quý (1915-2001), trước Cách mạng Tháng 8 làm viên chức trong ngành hoả xa. Có thời kỳ được bổ nhiệm làm thư ký hoả xa ở Lạng Sơn và lấy con gái ông chủ hiệu thuốc. Thím tôi là học trò của bác Mão tại Hà Nội. Sau Cách mạng chú Quý học Trường Y Chiêm Hoá, làm bác sĩ ở Hà Nội, miền Nam rồi sống ở Paris.
Cô Canh lớn, năm 1975, chú Cầu nhân chuyến đi công tác vào Sài gòn đã gặp chú Bảo, con trai cô Canh. Vợ chồng Bảo, Trinh vẫn nhớ những kỷ niệm lần đầu tiên gặp người bà con sau bao năm xa Hà Nội. Cháu Quỳnh, con gái của cô chú Bảo, Trinh sau này đã làm việc với Nữ Hiếu.
Dâu hiền họ Nguyễn
Đối với phụ nữ thời bấy giờ việc ở vậy tần tảo nuôi con mà có sự chỉ đạo dẫn dắt hướng đi tuỳ theo từng người con đã chứng tỏ sự thông minh hiểu biết của bà nội tôi. Bà rõ ràng là một phụ nữ tân tiến. Chị Minh vợ anh Chính, kể rằng: “Cụ chiều các nàng dâu của cụ lắm và thông cảm với hai thím cháu (mẹ tôi và chị Chính). Rủ nhau đi hội chợ lo việc trang điểm phấn son cụ chỉ nhìn và cười”. Sau này thím Quý về làm dâu, ở ngay trên gác nhà của bà nội ở trại Minh Tâm, tôi thấy thím sống rất vui vẻ, trẻ trung và hết sức thoải mái. Điều còn để lại trong tôi là ấn tượng chú thím Quý sống rất hạnh phúc. Trái lại, bà nội tôi thường hay nghiêm khắc với con và cháu gái như cô Nghiêm, chị Chung, chị Thu… tuy các chị ấy đều chăm chỉ. Chị Chính kể rằng: sáng dậy sớm giặt quần áo cho cả nhà, rồi quét nhà mà bà vẫn không cho bật đèn, cụ sợ tốn điện. Có khi cụ còn thử vứt bã trầu vào xó nhà xem có soi móc ra không?” Rồi chị nói: “Bà lo huấn luyện các con cháu mồ côi nên người, nội trợ giỏi. Về sau các cô ấy làm việc gì cũng tháo vát. Chỉ tiếc một nỗi là cụ Bảy không cho được tất cả (con gái, cháu gái đi học đến nơi đến chốn. Chủ yếu chỉ dành tiền cho con trai và cháu trai đi học thôi”.
Một sự kiện rất đặc biệt, đó là anh Chính lấy chị Minh lại theo Đạo Thiên Chúa. Bà nội tôi thì lại sùng Đạo Phật, nhưng bà không vì thế mà cản đôi lứa. Hai anh chị Minh, Chính đã sống bên nhau rất hạnh phúc. Cả họ đều yêu quý hai anh chị. Tuy làm dâu không dự việc lễ bái nhưng bao giờ chị cũng tham gia cỗ bàn cùng các chị Thu, Chung, Viên, Thìn, Nga con bác hai Vịnh dưới sự chỉ đạo của cô Tư Đường. Trước 1945, mỗi lần thăm bà nội quay trở về bao giờ cha mẹ tôi cũng tạt vào thăm anh chị Chính tại nhà 16 phố Cửa Nam. Đây là Nhà hộ sinh do chị mở. Lúc nào tôi cũng thấy chị êm dịu trong nói năng, ân cần trong cử chỉ với tất cả mọi người. Sau 1954 chị nghỉ hẳn việc. Chị Chính nói với chúng tôi là chị có ấn tượng đẹp về cha tôi: “Chị nhớ nhất một đặc điểm của chú Huyên là rất hiếu thảo. Một việc làm của chú mà chị không tìm thấy ở ai nữa, đó là mỗi buổi sáng trước khi đi làm đều đến thăm bà nội. Chỉ mấy phút thôi…”.
Năm 1944, gia đình tôi chạy “bom Mỹ thời Nhật” vào ở Hà Đông. Ngày ngày cha tôi đạp xe từ Hà Đông ra Hà Nội hoặc đi tầu điện vẫn giữ thói quen sáng đến Trại Minh Tâm thăm bà. Có lần tôi bị đau răng cha phải đưa ra Hà Nội chữa, lần đó hai cha con đi tầu điện, thế mà cha tôi vẫn dẫn tôi đến thăm bà ở Trại, rồi sau mới đưa tôi cùng đến Viễn Đông Bác cổ. Trong những ngày xa Tổ quốc tham dự Hội nghị Fontainebleau ngày 7-7 âm lịch (1946) thư viết về cho mẹ tôi có đoạn: “Lúc ở nhà sáng dậy sớm xuống thăm mẹ, ngày đi làm rồi vội vàng về nhà với vợ con…”. Hoặc thư ngày 18-7-1946 có đoạn viết: “Mẹ nuôi con mười năm cho đi học lên người, nay con đi sứ mệnh phương xa, trong lúc tuổi cao mắt kém, tưởng không cảnh nào tốt đẹp hơn và thương tâm vậy…”.
Cha tôi thực sự đã sống đúng như người xưa dạy:
Thờ cha mẹ ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu ở trong luân thường.
Về sau này khi đọc lại những công trình nghiên cứu của cha, tôi thường thấy cha tôi nhắc nhiều đến chữ “hiếu”. Như “hiếu” trong việc Chử Đồng Tử nhường chiếc khố cuối cùng để chôn cất cha. Như chữ “hiếu” trong việc Tiên Dung không chống lại quân lính nhà vua nên đã được nhà Trời ban cho phép lạ: lâu đài biến mất và Tiên Dung cùng Chử Đồng Tử đều thành tiên. Như chữ “hiếu” khi ông viết về “Lễ hội Phù Đổng - Một trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam”, có đoạn kết biết bao hàm ý: “Đây thực sự là một lễ hội của Hoà bình và An lạc. Sau lễ hội thật tràn đầy biểu tượng đó là Trung-Hiếu, Thuuận, Nghịch”. Trong đó cha tôi đã miêu lả biểu tượng hiếu như sau: “Cúi mình trước Đền thờ Mẹ trước khi ra trận là đốt pháo mừng lúv khải hoàn, Thánh Gióng là có “Chí Hiếu”.
Phải có cách nhìn sâu sắc của người Việt Nam mới có thể miêu tả những hình tượng đó một cách thấu tình đạt lý. Hoặc trong “Văn minh Việt Nam” (1944) cha tôi nhắc về chữ “hiếu”: “Gia đình là cơ sở của xã hội Việt Nam. Sức mạnh của gia đình là ở chữ “Hiếu”. Bất hiếu được coi là một trong số tội nặng ghê gớm… Chữ “Hiếu” là một chất gắn kết ràng buộc chặt chẽ mọi người trong họ…”. Hàm ý đó cũng là cách sống của cha tôi trong suốt cả cuộc đời và từng ngày diễn ra trước mắt tôi…
Mẹ tôi không phải về ở nhà chồng, bà nội tôi cho phép như vậy. Tôi đọc nhật ký mẹ tôi viết về vấn đề này như sau: “Nay về Thanh Thuỷ ở nơi đại gia đình nhà chồng. Anh Huyên kết duyên đã 12 năm, chưa cùng sống cùng họ nội lâu. Lần này về Thanh Thuỷ có mẹ chồng, anh, chị, em, cháu… cả đại gia đình ở đó. Tôi là một phụ nữ trong một gia đình nền nếp ảnh hưởng cả Đông Tây nên biết cách đối xử. Tôi sẽ ăn ở hết bổn phận làm dâu con, làm em, làm chị. Tôi mong niềm vui hạnh plníc đó đẹp đẽ như tôi hằng mong ước. Nếu không như ý đó chắc chắn không phải tại tôi. Đối với mẹ chồng, tôi yêu chồng tất nhiên kính yêu mẹ. Anh Huyên có hiểu không? Em yêu anh, mẹ của anh em kính yêu… Cũng như mẹ em, anh rất yêu quý mẹ em, mẹ em yêu em nên anh là người con rất yêu của mẹ đó. Em rất hiểu anh nên em vô cùng cảm động trước tình cảm đẹp đó. Em nhớ những buổi mẹ con âu yếm chuyện trò trong phòng ngủ của đôi ta. Mẹ đã hết lòng yêu anh. Lần này chung sống, nỗi băn khoăn và lo về cô em chồng, vì nhiều lúc gặp gỡ em đã hiểu vì hai người hai lối sống, khó cư xử quá. Nghĩ thế thôi, tất cả là tâm lòng chân thực, ai ra sao sẽ có người hiểu ta lo trước làm chi cho mệt. Tôi có một mối tình chân thực, yêu quý chồng thì cả đại gia đình cũng nằm trong tình cảm tôi đẹp của tôi”. Đó là đoạn nhật ký mẹ tôi viết tại Chiêm Hoá trước ngày lên thuyền xuôi dòng Lô về Phú Thọ (2-9-1948 rời thôn Ải vào giữa trưa). Qua những ngày ở Thanh Thuý tôi biết là mẹ tôi đã sống với bà con họ nội rất thắm thiết. Những dòng nhật ký lo lắng bác Vịnh gái lại bị ốm, lo chú thím Hưởng lại phải về Vĩnh Yên… rồi 2-3-1949 rời Thanh Thuý: “Tạm biệt Thanh Thuý thân thương. Tạm biệt Mẹ già, họ hàng thân thích. Thật là buồn, giặc gần tới nơi rồi, dùng dằng mãi sao?!”. Tôi có thể tự hào mà viết rằng mẹ tôi sống với họ nội cũng như họ ngoại đều hết sức trọn vẹn. Rất nhiều thư, bài thơ của các anh chị tặng mợ, tặng thím đều là những dòng rất chân tình chan chứa yêu thương quý mến. Kể từ ngày tôi lớn lên lúc nào tôi cũng thấy mẹ tôi chăm chút cho chúng tôi thân quen gần gũi với các cô bác, anh chị trong họ - những năm tháng chị Thịnh, anh Sơn, anh Hải con bác hai Vịnh lên học và làm việc trên Chiêm Hoá mẹ tôi hết sức ân cần chăm sóc như các anh chị bên ngoại ở với mẹ tại Hà Nội. Mẹ tôi luôn chăm lo thắt chặt mối dây giữa chúng tôi với các anh chị em họ nội cũng như họ ngoại của tôi. Qua thư mẹ tôi thường thông báo: “Ngày 22 tháng 1 năm 1957. Thím Hưởng đi công tác tích cực lắm, bận đi làm cũng ít khi gặp nhau. Hôm chủ nhật vừa rồi đi dự đám cưới trong họ có gặp thím, thím cho biết tin Vinh đang tìm hiểu một cô, do hai gia đình quen biệt. Có tin sau mẹ sẽ cho biết thêm, thình thoảng anh Lộc cũng lại chơi. Anh Lộc ngoan lắm Hạnh ạ, còn anh Phúc mẹ ít gặp lắm, con có hay nhận được thư Lê không? Bác giai kỳ này mệt, không khoẻ lắm. Lộc cũng công tác ngay tại trường Đại học… Ngày 30-8-57… vừa thi xong, các thí sinh đều nóng lòng sốt ruột chờ kết quả. Ngày khai giảng vào trung tuần tháng 9. Chị Phương con bác Thanh đã thi đỗ vào đại học Dược chị học xuất sắc lắm, chỉ có 1 nữ đỗ trong 29 nữ… Năm 1956. Thư con gửi cho Vinh, Phúc, Lộc và mấy chị, mẹ đã đưa cả rồi, còn anh Khánh cũng với trường đi tham quan cải cách ruộng đất, chắc chưa có thư trả lời Hạnh…
Ngày 9-6-59.
Em Diện 11-6 tới Hà Nội, cả nhà chú thím dang chuẩn bị đón. Còn Lệ Thuỷ chưa có tin ngày về… Anh Lộc mới chụp một ít ảnh cho cậu mẹ và Huy, anh Lộc in lấy, mẹ sẽ gửi sang cho con…
Chủ nhật ngày 16 tháng 6 năm 1957. Sáng nay, Chu Quang và Linh (Linh là em Quang), hiện nay đang học lớp Sư phạm Trung cấp, đến tháng 7 thì ra) lại chơi, mẹ đã đưa thư Hạnh cho Quang. Quang dạo này có hơi gầy, cũng mệt được ra Đồ Sơn nghỉ. Chắc sẽ có thư cho Hạnh. Lộc có hay viết thư cho Hạnh không? Chủ nhật trước nhà có giỗ, lên anh Chính gặp tất cả các cô chú cả nam nữ thanh niên. Mỗi lần gia đình họp, nhìn thấy nam nữ thanh niên mẹ không khỏi nhớ tới Hạnh, Bích Hà và em Hiếu bây giờ cũng đều lớn cả rồi. Gia đình chí thím Hưởng, các em lớn bằng chú thím cả ríu rít trông vui lắm Hạnh ạ. Vợ chưa cưới của Vinh trông cũng đẹp đôi lắm, hơn em Hiếu có 1 tuổi thôi mà trông nhớn bằng 18, 19 tuổi. Hạnh bảo Vinh nó gửi ảnh cho mà xem. Hạnh đã nhận được thư của Thể Lan chưa? Lan cũng mong Hạnh về dịp hè này lắm đấy. Vì xa nhau mấy năm Hạnh Lan đều thay đổi nhiều Ngày 22 tháng 9 năm 1957. Anh Ái cũng về học chỉnh huấn, chỉ nhật nào cũng ra chơi. Linh đi dạy học ở Vĩnh Phúc rồi, chủ nhật thường về thăm nhà, dạo này chí Di yếu luôn nữa thành ra Linh cũng vẫn về thăm. Chu Quang về mấy hôm, nay đã về đơn vị rồi, chuyện đó chưa định cưới vào tháng nào. Anh Ái cũng đang tìm hiểu chị Lộc con bác hai Vịnh, Hạnh có ngạc nhiên không? Nếu có kết quả mẹ sẽ cho Hạnh biết tin… Ngày 22 tháng 1 năm 1956. Hôm vừa đây Phương, Lan, Khoan cũng lại nhà ăn com nhắc mãi đến Hạnh, tả Hạnh giản dị, ăn mặc lôi thôi… Ngày 13 tháng 10 năm 1957. Hồng Nhưng con chú Kỳ vừa ở Pháp về được tuần lễ nay. Nhung bằng tuổi Bích Hà nhưng cao và ra rẻ một thiếu nữ lắm, cao 1m60, trông dịu dàng, chưa nhận công tác ở đâu cả…
Tình cảm của mẹ tôi đối với nhà chồng được mẹ thể hiện qua những bức thư mà anh Chính trích lại cho chúng tôi ghi nhớ: “Nửa thế kỷ trôi qua, chúng ta sống đằm thắm, chân thật, dưới mái nhà họ Nguyễn. Chỉ có một mối tình duy nhất là thương yêu nhau, vun đắp cho dòng họ ngày càng tốt đẹp. Chỉ có thế cho nên tình yêu chân thành mới giữ mãi thuỷ chung. Tình thím cháu ta là thế đó… Mỗi lần ta nhớ nhau nếu không chịu đựng được hãy mượn bút giấy tâm sự cùng nhau…”.
Người chị gái cúa cha tôi
Ngày 18 tháng 9 năm 1987 mẹ tôi lại viết: “… Anh Chính ơi! thím cháu ta san sẻ nỗi niềm vui buồn, tâm sự trong lúc tuổi già. Chúng ta không viết thư ngoại giao mà cũng không là để an ủi. Ta trao đổi về nhân tình thế thái để mà hiểu nhau… thế là nửa thế kỷ nay thím cháu ta đã làm được, làm được bền bỉ chung thuỷ theo trái tim của ta…”. Chú Hưởng kể rằng ngày ấy Đông Kinh Nghĩa thục mở ngay lớp học ở Hàng Đào, gần Hàng Gai nơi có đình làng Lương (Đường) Ngọc. Người lớn đã học thông chữ Hán thì học tân học theo lối Trung Quốc và Nhật Bản. Còn đối với trẻ nhỏ thì nhà trường dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo sách mới Đông Kinh Nghĩa Thục soạn. Bà nội ngày xưa thường quản lý việc học của các em nhỏ cho nên biết chữ Hán. Bà hiểu biết nhiều và thông minh nên đã chịu ảnh hưởng của phong trào Đông Kinh Nghĩa thục. Vào những năm 1905 - 1910 khi mà Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ sang Nhật, mở đầu cho phong trào Đông du thì bà nội sinh cha tôi và chú Hưởng. Bấy giờ có hàng trăm học sinh được cử sang Nhật du học (1908). Tôi chắc điều này đã có nhiều ảnh hưởng tới việc sau này bà quyết tâm cho hai anh em cùng sang Pháp du học vào năm 1926. Hơn nữa năm 1914, mới đặt Tú tài Đông Dương và chỉ dành riêng cho con em người Pháp. Mãi tới năm 1927, Chính quyền Pháp mới đặt bằng Tú tài cho cả người bản xứ. Nhưng phải đến năm 1930 mới có sắc lệnh bằng Tú tài bản xứ có giá trị ngang bên Pháp. Bà nội tôi đã hướng cho các con đường đi lối bước tiến kịp xã hội. Chú Hưởng còn lấy bằng chứng: “Bà thường đọc kinh Phật bằng chữ nho trước bàn thờ”. Các cô, bác trong nhà luôn kể về những việc làm thông minh sáng suốt của bà nội. Đó là điều tôi không ngờ tới, bởi lẽ ngày bé tôi chỉ thấy bà ở Trại Minh Tâm luôn đi chân đất ngoài vườn hồng, mặc chiếc váy đen dài, ra đón chúng tôi vào nhà. Bà gọi hàng bánh cuốn và cho tôi ăn bằng cách cầm tay chấm nước mắm rồi bón vào mồm tôi. Chẳng như mẹ tôi, ăn phải ngồi bàn, có thìa, có bát hẳn hoi.
Người chân quê thế mà sáng trí thông minh, cho nên bác Toại gái đi học đến năm 1919, đã tự dạy học nuôi thân. Rồi vừa học tiếp lên để đỗ cao hơn đặng thực hiện di chúc tộc Nguyễn “lấy nghiệp Giáo dục để cứu người”.
Bác Toại gái vào học tại trưởng nữ sinh An be Xa rô. Tốt nghiệp khoá 1924-1927 Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, có bằng Tú tài và bằng Brevet Superier thì bác đi dạy toán tại trường Nam Định rồi về trường Hàng Cót, sau này là trường Cao đẳng Tiểu học nữ Đồng Khánh (Trưng Vương Hà Nội ngày nay). Anh Lê Vĩnh Chiếu, con trai ông Lê Thước, đã cho chúng tôi một tấm ảnh chụp ngày 10 tháng 8 năm 1958, nhân buổi liên hoan của cựu sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương cũ ở Hà Nội kèm theo danh sách 4 vị khách mời là cha tôi, các ông Hà Huy Giáp, Nguyễn Minh Trứ, Bùi Kỷ; và 61 cựu sinh viên. Cùng khoá với bác Toại gái có ông Tôn Quang Phiệt, Trần Văn Khang; trên bác một khoá có ông Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Minh Giám. Trên khoá bác Toại gái có các ông: Nguyễn Văn Hiếu, Lê Thước, Nguyễn Hữu Tảo, Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy; dưới khoá bác có các ông Đặng Thai Mai, Ca Văn Thỉnh, các bà: Nguyễn Thị Thục Viên, Nguyễn Thị Yến. Ông Nguyễn Lân tốt nghiệp khoá 1929-1932. Vào năm mừng thọ bác 80 tuổi, nữ sinh cũ ở nhiều lớp khác nhau đã tới chúc mừng bác. Các học trò của bác phải ngạc nhiên về cô giáo xưa vẫn còn nhớ tên trò mà nay các trò đã trên dưới 70 tuổi. Nhiều học trò của bác đã trở thành những nhà hoạt động xã hội, chính trị, chuyên môn có danh tiếng. Khi gặp lại cô giáo vẫn nhớ lời dạy bảo, uốn nắn của cô, từ cách ăn mặc, cách nói năng đến từng lỗi nhỏ của mỗi câu văn… Ngày bé tôi rất sợ bác vì thấy bác rất nghiêm. Bác đã dành phần lớn lương của mình góp phần cho hai anh em Huyên, Hưởng đi học. Bác qua đời chú Hưởng tôi đã gửi thư từ Sát Gòn ra vĩnh biệt bác. Trong thư có đoạn: “Về công ơn chị đối với anh Huyên và em, em đã ghi âm để cho các cháu thỉnh thoảng vặn lại để hiểu anh Huyên em và em đã có địa vị xã hội cao là hoàn toàn nhờ chị đã hy sinh bảy năm liền để cho các em học thành tài”.
Tấm gương của bà nội tôi đã được bác Mão kế tục. Bác tôi cũng là kế mẫu. Bác tôi lấy bác Phan Kế Toại và đã thay bạn nuôi con (vợ trước của bác Phan Kế Toại là bạn học của bác tôi), khuyến khích các con học tập, tự mình cùng học với các con chồng về một số môn ngoại ngữ để làm gương. Bác tôi cũng có một quyết tâm mãnh liệt như bà nội tôi để đào tạo con chồng, con mình nên người, học tập có bằng đại học, trên đại học. Anh Phan Kế An, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và đi học nghiên cứu sinh ở Trường Mỹ thuật Lê-nin-grát, Liên Xô cũ; anh Phan Kế Ninh làm nhân viên Hàng không, chị Phan Lệ Mỹ sau lấy anh Doãn, Bác sĩ, GS. TS, Anh Hùng Lao động, Viện trưởng Quân Y Viện 108; anh Phan Kế Bảo làm nghề điện ảnh, tốt nghiệp tại Cộng hoà Dân chủ Đức; anh Phan Kế Khoan và anh Phan Kế Hoành nối nghiệp mẹ làm nhà giáo; anh Phan Kế Phúc PGS. TS., cán bộ giảng dạy Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Phan Kế Lộc, GS. TS., cán bộ giảng dạy Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; chị Phan Lệ Thuỷ, PGS. TS., cán bộ giảng dạy Trường Đại học Dược khoa; anh Phan Kế Bình, cử nhân Sinh học, cán bộ Công ly Công viên Hà Nội. Chị Khanh, con gái bác hai Vịnh đã lấy anh Phan Kế An, như vậy thân càng thêm thân. Tuy biết anh khá lâu nhưng tôi thuộc hạng đàn em ít biết về anh. Mỗi khi tới thăm chị có ngắm tranh anh vẽ. Tôi thích nhất những bức tranh anh vẽ về đồi cọ. Mới đây nhất vào tháng 3 năm 1998, tôi đã được dự buổi khai mạc triển lãm hội hoạ Đồi Cọ của các hoạ sĩ, trong đó có anh Phan Kế An và Vi Văn Bích tức Ngọc Linh là hai người anh em họ nội ngoại của chúng tôi. Vào năm 1996, anh viết bài “Gia đình như một nền tảng tâm linh - mỹ học”, tôi rất tâm đắc khi anh nói “… chính vì nó gắn với những gì thiêng liêng nhất của con người. Cái thiêng liêng nằm trong dòng chảy nối tiếp từ đời này sang đời khác, mà mỗi cá nhân đều có thể soi bóng mình vào dòng chảy ấy để có thể tự trả lời một phần rất lớn của câu hỏi: Ta là ai? Từ đâu ra? Và sau ta sẽ còn lại cái gì?” và anh viết: “Cái thiêng liêng nằm ở chỗ đó. Nó nằm ở chỗ biết cá nhân mình thành một điểm trong dòng chảy vô tận của các thế hệ…”. Triết lý mà anh con rể họ Nguyễn làng Lai viết về tâm linh của gia đình “giữa hiện hình và siêu nhân đó là cái thiêng liêng”. Khi tiễn đưa người mẹ kế - bác Mão tôi, anh đã thay mặt họ Phan đọc điếu văn ngợi ca người kế mẫu đáng được người đời nhớ về một nhân cách.
Chú thích: - Rờ Nô: Hiệu xe hơi Renault