Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26171 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Kim Hạnh

Tiễn cha lên đường

Trong gia đình chúng tôi còn lưu giữ tấm chứng minh thư: “Chủ tịch chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hoà chứng nhận ông Nguyễn Văn Huyên đã được cử làm Cố vấn đoàn phái bộ đàm phán trù bị tại Đà Lạt. Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 1946. Ký: Hồ chí Minh”.
“Từ ngày 19 tháng 4 đến 11 tháng 5 năm 1946, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt nam do Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn và đoàn đại biểu Pháp do Max André làm trưởng đoàn, đã họp Hội nghị trù bị ở Đà Lạt để trao đổi các vấn đề phải giải quyết trong cuộc đàm phán chính thức sẽ họp ở Pháp. Do phía Pháp cố bám lập trường thực dân của họ nên các vấn đề đặt ra tại Hội nghị không đạt được một thoả thuận nào” (Đại cương Lịch sử Việt nam, Tập III, NXB Giáo dục - 2000, chủ biên Lê Mậu Hãn).
Tạp chí “Tiên phong” số 9, ngày 16 tháng 4 năm 1946. Bài T.P. viết: “Sáng 16 tháng 4, hai phái đoàn của Quốc hội và chính phủ Việt nam lên đường đi Paris và Đà Lạt ở trường bay Gia lâm. Hai phái đoàn một hình ảnh: Nước Việt nam mới, nước Việt nam cách mạng và dân chủ. Nét mặt rắn rỏi, tia mắt nhìn thẳng, thành thực và tự tin của “những người con yêu của giống nòi” giờ ra đi, đượm lại không chí “chiếu khu”… Hai phái đoàn một ý chí: nước Việt nam thống nhất…
Đêm 15, giờ cuối cùng, Dương Bạch Mai người chiến sĩ miền Nam lặn hội ra đến Thủ đô… Nam Bộ là ruột, là thịt trong Việt nam”… Hai phái đoàn, một nhiệm vụ:… Nền độc lập hoàn toàn của Việt nam. Đích đã đến gần một bước, phải mang gánh nặng tiến gần nó thêrn nữa. Hai phái đoàn một sức mạnh. Sức mạnh của quần chúng Việt nam… Bền bỉ, nhẫn lại, kín đáoo nhưng mạnh mẽ như hơi thuốc súng, nó sẽ đập nốt những vòng xiềng xích cuối cùng”.
Bà Đỗ Hồng Chỉnh, vợ ông Phan Anh, có chuyển cho cha tôi “Cuốn Sổ tay Đà Lạt” và viết thư cho cha tôi: “Tôi có mượn anh Hãn một số sách giáo khoa để xem, trong số sách đó có lẫn một vài mài liệu có giá trị lịch sử của nó. Hôm nọ, đồng chí Thâu có sang mượn bên tôi một số bài viết và cũng muốn mượn quyển sổ của anh, tôi không dám cho mượn. Đồng chí Thâu khẩn khoản nhờ tôi nói hộ với anh cho đồng chí ấy mượn. Tôi không dám hứa hẹn gì. Nay xin trả lại anh cuốn sổ mà cũng mong anh có ý kiến trả lời cho đồng chí Thân biết (Đồng chí Thân, cán bộ Thành uỷ viết về sử Đảng). Xin cám ơn anh”.
Những năm tản cư ra Kháng chiến, mỗi lần mẹ tôi mở va ly thuốc mang theo phòng khi ốm đau còn cất giữ nhiều vật kỷ niệm. Lần nào cũng vậy, nắp va ly bật mở, chùm hoa bất tử cha tôi mang từ Đà Lạt năm ấy về làm kỷ niệm cho mẹ con tôi luôn nằm ngay trên cùng. Những bông hoa bé như những bông cúc mốc. Như giả mà lại là hoa thật, màu hoa còn nguyên vàng, đỏ tía nâu nâu. Chúng tôi lần lượt xin mẹ cho sờ vào và gẩy gẩy cánh hoa “cứng như nhựa”.
Thỉnh thoảng mẹ tôi lại mở những phong thư cha viết từ Fontainebleau và đọc cho chúng tôi nghe vài đoạn… Mỗi vật kỷ niệm mẹ tôi thường cùng chúng tôi ôn lại như mẹ tôi đang tâm sự với chính mình. Lúc nào tôi cũng thấy mẹ tôi nhắc đến Cách mạng, đến Bác Hồ. Sau này tôi thấy cuốn sổ tay Đà Lạt được cất cùng cuốn “Một vài ký vãng về Hội nghị Đà Lạt” của ông Hoàng Xuân Hãn gửi tặng cha tôi vào năm 1974, nhân dịp anh Tôn Thất Tùng công cán qua Paris.
Thấy tôi nhắc lại kỷ niệm xưa, mẹ tôi đã mời bác Nguyễn Mạnh Tường kể chuyện về cha cho con cháu cùng nghe. Có đoạn bác kể về những diễn biến tại Hội nghị Đà Lạt:
“Ông Vũ Đình Huỳnh có bảo tôi biết là Hồ chủ tịch muốn gặp riêng. Tôi hỏi ông Huỳnh tôi có thằng bé con nó muốn được gặp Hồ Chủ tịch. Ông Huỳnh bảo: “Được thôi, anh cứ cho cháu đi”.
Tôi và cháu Hưng cùng đi đến gặp Hồ Chủ tịch. Cụ Hổ ẵm thằng Hưng, để ngồi trên lòng và cho nó một ngôi sao vàng. lúc đó Cụ gọi tôi bằng “Ngài”. Cụ bảo: “Bây giờ chúng tôi phải ký hiệp định, nhờ ngài nghiên cứu hộ lập trường để cho Chính phủ bênh vực khi đi dự Hội nghị Đà Lạt”. Tôi thưa với Cụ ở trong nước nhiều người có đủ khả năng làm việc này hơn tôi. Không phải vì khiêm tốn nhưng tôi thấy việc đó quá sức mình. Cụ bảo: “Không, thưa Ngài, chúng tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều anh em. Anh em đều tán thành cái này thì phải nhờ luật sư Nguyễn Mạnh Tường”.
Tôi gặp anh Huyên nói chuyện, anh bảo: “Bây giờ thì cố gắng mà làm”. Tôi mới đình chỉ hết công việc ở Văn phòng Luật sư lại, trong vòng hai tháng để nghiên cứu đề án tham dự Hội nghị Đà Lạt.
Sau khi xong, lúc trình lên, Cụ Hồ thấy là được. Do đó mới cử tôi vào trong phái đoàn của chính phủ đi dự Hội nghị. Còn anh Huyên về bộ phận Văn hoá thì là cố vấn”.
Rồi bác Tường nhớ lại ngày lên đường như sau: “Trước khi đi, Phái đoàn họp nhau ở Bắc Bộ Phủ để cùng ra máy bay. Người Quốc Dân đảng cử đi cùng Nguyễn Tường Tam là Vũ Hồng Khanh. Bảy giờ chúng tôi lên ôtô đi sân bay, không thấy Vũ Hồng Khanh đâu. Vũ Hồng Khanh đã không đến…”.
Chúng tôi ngồi nghe bác Tường kể chuyện cứ như nghe cha tôi kể chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa về một thời oanh liệt của cha ông. Đó là những cứ liệu ở nhiều góc độ khác nhau để chúng tôi được biết thêm về những giây phút diễn biến của lịch sử mà cha tôi cùng nhiều trí thức yêu nước đã có mặt trong đó.
Khi xem lại “Ký vãng” của bác Hãn có đoạn nhắc đến giờ phút khởi hành đi Đà Lạt: “5h30 ngày 16-4-1946, Phái đoàn hội tụ ở Bắc Bộ phủ… Chính phủ phát cho nhân viên một món tiền 20 tờ bạc một trăm. Tuy ăn ở tại Đà Lạt đã được Cao uỷ Pháp mời. Nhưng số tiền ấy giữ đề phòng có sự bất trắc. Nếu không cần tới thì lúc về nộp lại Chính phủ. Không khí thật có vẻ gia đình, y như đàn con được cha chú tiễn chân khi sắp đi trẩy”.
Còn bác Tường nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn trước khi lên đường: “Găng nhưng không được gẫy. Đoàn kết. Đoàn kết”. Rồi Bác nói: “Tình hình bây giờ gay go lắm”. Anh Huyên bảo tôi: “Xâu xé nội bộ thì tương hai đất nước sẽ tối tăm”.
Hai máy bay cất cánh đi Đà Lạt. Bác Tương đi trên máy bay của các phái viên còn một máy bay của các cố vấn thì có cha tôi. Đến Pác-xế thì máy bay hạ cánh. Bác Tường kể: “Nó bảo hết xăng. Tôi hôm đó nó đưa Phái đoàn vào một cái nhà có lính canh gác. Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện kêu: “Chết rồi, thế này mình bị nó giam rồi! Không biết điều gì xảy ra ở Hà Nội! Điều gì xảy ra trên thế giới!”. Ông Giáp mới nói: “Các anh em cứ bình tĩnh”. Đêm đó không anh nào nghỉ được, anh nào cũng thức đợi… tới nay cũng vẫn không biết rõ lý do dừng ở Pác-xê. Phải đi khảo cứ liệu ở bên Pháp mới biết”.
Hôm sau bác Tường đi với ông Cù Huy Cận thăm tỉnh trưởng Pác-xê. Đi ngoài phố người nào trông thấy Phái đoàn Việt nam cũng tránh. Trong 48 giờ chờ đợi, phái đoàn vẫn họp bàn sửa soạn công việc. Trong Sổ tay của cha tôi ghi lại những phân công như sau: “Hòe coi bí thư, Khoa liên lạc. Cận điều tra. Tình và Thanh liên lạc xa bằng vô tuyến điện. Mạnh, Tường, Huyên là phát ngôn nhân, Tam, Giáp, Hãn, Hiền, Tường tiểu ban thảo những chuyên môn”. Riêng bác Hãn trong “Ký vãng” viết là “còn được giao công việc liên lạc thường trực”.
Khi báo “có xăng rồi”, lên máy bay đi Đà Lạt, thì bác Tường Kể: “Còn Huy Cận còn làm thơ. Còn Huyên, Hãn và Tường cả ba anh em cùng nhau trò chuyện. Trên máy bay tôi có nói chuyện với một ông sĩ quan. Ông ấy có đủ các thứ “lon”, anh em thấy làm lạ lắm. Ông ấy nói: “Phải xem ở dưới Pháp có “lon” gì thì chúng tôi cũng phát “lon” ấy. Lúc đến Đà Lạt ông ta thò cổ ra nhìn xuống thấy dưới có thằng sĩ quan Pháp đeo “lon” quan tư, ông ấy cũng đeo “lon” quan tư để xuống…
Không khí đón tiếp tại sân bay Đà Lạt làm cho anh em trong Phái đoàn hiểu ngay là chúng nó định dở trò. Thái độ của Chính phủ Pháp đã bộc lộ khá rõ… Chúng cố ý đánh đòn tâm lý đầu tiên để thử tinh thần chống cự của dân ta, hoặc để lấn át và ức chế lòng tin của ta, cho nên đã thay đổi Chủ tịch Phái đoàn mà không bàn bạc trước”.
Rồi bác Tường lại nói: “Lúc đầu nhìn hai tấm cờ chăng từ trên khách sạn to nhất và đẹp nhất. Một cái lá cờ Pháp, một cái lá cờ đỏ sao vàng. Hai lá cờ ngang nhau dài rộng như nhau. Riêng điều đó thôi, Hội nghị này tuy là trù bị, nhưng mà Hội nghị có tính quốc tế. Thấy hai lá cờ ngang nhau kéo dài đến mười thước từ trên khách sạn xuống làm anh em trong lòng có một giây phút phấn khởi đầu tiên…
Mặc dầu bị o ép cấm đoán không cho tiếp xúc với Phái đoàn nhưng đồng bào ta thấy hai lá cờ thì nói: “Nay “Anh Minh” đã về. Anh Minh là ai? Là Việt Minh. Đồng bào Đà Lạt phân khởi lắm. Như thế là cuộc Cách mạng của mình trước đánh giá chưa đúng mức thì bây giờ thấy lá cờ ngang nhau, như thế cuộc Cách mạng không thể coi rẻ được. Và lúc đó đồng bào của chúng ta gọi chúng tôi là “Anh Minh” hay “Cán bộ Minh”.
Bác Tường nhắc lại lối trịch thượng của D Argenlieu: “Lẽ ra là trưởng đoàn nhưng nó lại muốn là “Chóp bu” mời hai Phái đoàn gặp gỡ lại Dinh của D’ Argenlieu. Đáng lẽ 10 giờ họp, nó điều động các nhà báo, quay phim… tất cả có mặt đầy đủ định đợi hai Phái đoàn đến, nó ra bắt tay, rồi nâng cốc… tuyên truyền khắp thế giới là Hội nghị Đà Lạt đã thành công.
Phái đoàn chúng ta không chấp nhận, đặt lại vấn đề. Chúng tôi đến là ngang hàng với Phái đoàn Pháp do D Argenlieu là trưởng đoàn chứ không phải D’ Argenlieu là chủ. Công việc bàn bạc kéo dài đến 2 tiếng đồng hồ… Các phái viên nhiếp ảnh ngoại quốc và Pháp đứng đợi để chụp ảnh đã ngơ ngác không biết sự thể ra sao”.
Trong Sổ tay Đà Lạt của cha tôi ghi tóm tắt lại thời điểm này. Cha tôi cùng Nguyễn Tường Tam đến gặp D Argenlieu (cha tôi là phát ngôn nhân, ông Nguyễn Tường Tam tuy giỏi tiếng Pháp nhưng về phía ngoại giao vẫn nói bằng tiếng Việt. Có đoạn viết: “Mình theo Tam (hồi 12g 30). Cảm ơn đã cho thuận tiện đến Đà Lạt. Sẵn sàng cùng Phái bộ Pháp hợp tác. Lấy làm lạ nhưng cũng vui lòng chấp nhận Max André thay D’ Argenlieu làm trưởng đoàn Pháp: yêu cầu phải thoả thuận với nhau để định nghi lễ khai mạc và bàn chương trình làm việc”. Dịch lời D’ Argenlieu: “Tôi tin các ông nhưng các ông không tin tôi. Nhưng chúng ta phải thoả thuận trong bầu không khí thân thiện vì có Hiệp định 6-3. Vì Hội nghị Đà Lạt có quan trọng trong quốc tế, phải thoả thuận để thành hội nghị không có ngoại quốc bảo chúng ta ở Đông Dương không có đủ lực lượng tài cán thành lập một hội nghị. Đó là vấn đề danh dự của chúng ta”.
Bác Tường nhấn mạnh: “Sau hai giờ gặp gỡ thoả thuận, cuối cùng hai phái đoàn đi đến cùng một lúc, không có người đứng trên thềm đón. Có nghĩa là ngang lưng nhau. D’ Argenlieu cũng phải chấp nhận…”.
Thuật lại buổi hôm đó, cha tôi còn ghi lại tường tận: “Xong rồi D’ Argenlieu cho mời nhân viên phái bộ Pháp (chỉ mời được 6 người vì không đủ chỗ) vào giới thiệu. Có cả Bourgvin, Acsnez (không hiểu hai người này có ấn tượng gì với cha tôi mà ông đã ghi như vậy). Mình kịp lui ra ngoài để báo cáo cho phái bộ Việt nam biết kết quả vừa rồi (Nói với Hãn). Xong thì Brusson đưa về Đà Lạt ăn cơm trưa (13h30)”.
Bữa tiệc đầu tiên vào trưa hôm đó bác Hãn có nhắc đến bác Nguyễn Mạnh Tường như sau: “Trong bữa tiệc vẫn cứ đấu tranh. Phái đoàn đã dự định trưởng đoàn sẽ trả lời bằng tiếng Việt để tỏ ý chí độc lập của dân tộc. Những người Pháp trong tiệc bắt đầu khó chịu. Nhưng liền sau, Nguyễn Mạnh Tường đứng dậy ở cuối bàn, nét mặt tươi cười dịch lời trưởng đoàn ra tiếng Pháp một cách chải chuốt, thanh nhã, hùng hồn thì ai nấy cũng quay nhìn với vẻ ngạc nhiên và thích thú. Không khí khác hẳn. Một phái viên khen nức nở, quay lại tôi hỏi dịch giả là ai. Sau khi tôi cho biết đó là một tiến sĩ văn khoa và luật khoa, ông ta bảo đùa với tôi rằng “Ông ấy ngườí Pháp hơn cả người Pháp”, “như hầu hết các anh, chắc điều đình không khó”. Tôi đã trả lời “Với các ông thì không khó, nhưng với chính quyền Pháp thì không biết sẽ ra sao!”.
Qua những lời kể của bác Tường và “Ký vãng” của bác Hãn cũng như mốc thời gian và tóm tắt sự kiện trong Sổ tay của cha tôi chứng tỏ rằng những ngày ở Đà Lạt là cơ hội để trí thức gặp nhau và xích lại gần nhau cùng chung mục đích vì Độc lập và Thống nhất của Tổ quốc Việt nam.
Có một chi tiết ngoài Hội nghị được cha tôi ghi trong Sổ tay đó là kỷ niệm 1-5-1946.
“11h. Họp toàn Phái bộ làm lễ Premier Mai (l-5). Trần Đăng Khoa chủ tịch. Giáp nói rất lưu loát về ý nghĩa ngày lễ này: Lao động Mỹ, Lao động Quốc tế, Lao động Vinh, Trường Thi 1929, rồi Lao Nông. Nay lập trường thống nhất lãnh thổ, chính trị hành chính, quân đội và tinh thần. Phái bộ Đà Lạt là dịp các phái, các tầng lớp hiểu nhau hơn trước về sự tranh đấu với đế quốc Pháp. Hãn nói đến Thạch (Phạm Ngọc Thạch) và Nam Bộ và yêu cầu Mai nói (Dương Bạch Mai). Mai nói về vô sản trong đấu tranh giành lấy chính quyên trong nước, ở thế giới và ở Nam Bộ. Nhất là ở Sài Gòn. Quyền của vô sản. (Nhắc về ông Dương Bạch Mai, mẹ tôi có lần kể rằng hồi ở Pháp bác Lê cũng thân với ông Mai. Sau này ông Mai về nước hay qua lại nhà cô Di và rất quý cô Di). Luyện (Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện) cắt nghĩa địa vị trí thức và của ông trong Mặt trận Việt Minh. Trong giai đoạn tranh thu độc lập. Công ở quần chúng. Hãn và Giáp báo cáo về công việc của Phái bộ, những kết quả và những trở ngại còn phải đấu tranh. Hãn nói là lực lượng đấu tranh của chiến sĩ trong mấy tháng, sự bó buộc là Hiệp định Sơ bộ, đã có chỉ thị của Chính phủ trong cuộc đàm phán lúc ra đi. Trước khi Giáp nói thì có mặc niệm chiến sĩ anh hùng. Trước khi giải tán (12h30) có hô khẩu hiệu “Cương quyết chiến đấu và ủng hộ Chính phủ”. Mặc dầu chính kiến không hẳn như nhau nhưng tất cả trí thức tại bàn Hội nghị đều đồng tâm hiệp lực vì một mục đích kiên trì lập trường thống nhất lãnh thổ và giành độc lập toàn vẹn chủ quyền cho đất nước.
Về sự kiện ông Phạm Ngọc Thạch có trong danh sách Phái bộ đã được cha tôi ghi lại rất nhiều đoạn: “Ngày 21-4-1946. Vòng qua chợ Đà Lạt. Trở về gặp Nguyễn Văn Sâm. Nói mới lên tối qua. Cả Phạm Ngọc Thạch cùng lên với vợ chồng Tung (Bác sĩ Nguyễn Văn Tung). Ngày 23-4-1946. 8h30 họp Ban Chính trị có cả Phạm Ngọc Thạch. Thạch nói: “Ở Nam Bộ sẵn sàng kháng chiến để thống nhất. Pháp tiếp tục thiệt hại nhiều. Nay Pháp không thể lợi dụng được Nam Bộ chút nào cả Vậy phái Bộ phải cưong quyết, không thì Nam Bộ trách anh em ngoài Bắc”. Giáp bàn: “Việc Nam Bộ cùng sự găng hay gẫy là tuỳ việc tuỳ nơi tuỳ thời cơ có thể ở Đà Lạt hay ở Hà Nội hay ở Ba Lê. Chớ nên trước sự khiêu khích của một hay một bọn người mà gẫy. Vì nay gẫy họ sẽ bảo mình Intraisell, rồi chỉ lơi cho “địch”. Sợ phân chia Bắc Nam… Hãn trước có ý găng nay nghe phân trần vậy cũng dịu. Tam nhắc lại chỉ thị của Chính Phủ, rồi kết luận sự giải quyết vấn đề”. Buổi trưa 11h30 tan hội đi ăn cơm. Cảm tưởng Thạch bất mãn.
23-4-1946. Thạch bị Pháp bắt ở cửa Parc cùng đi với Mai. Vào lúc 12h15 trưa có một đại uý và 2 mật thám dẫn lên xe. Tam bảo Hòe điện hỏi gặp D’ Argenlieu. D’ Argenlieu không tiếp bảo hỏi Max André (thay trưởng đoàn). Tam viết thư cho Haussain phản kháng việc bắt Thạch và báo cho Max André.
18h các nhà báo xin phỏng vấn Tam. Mình và Hòe theo ra tiếp. Hỏi việc bắt Thạch và Sâm. Cùng ngày đánh điện về Chính phủ báo cáo việc Thạch và xin chỉ thị. Pháp cắt nghĩa: “Hôm 19-4 có người xin cho Thạch lên Đà Lạt nhưng Haussain đã báo cáo cho cụ Hồ biết là không được vì Thạch đã bạo động ở Nam Bộ, là đất mà chính phủ Việt Nam không có quyền gì. Cả vợ Thạch đã biết thế mà Thạch còn lên Đà Lạt giấu, nay nhà đương cục đã đưa trả về Sài gòn”.
Ngày 24-4-1946. Họp toàn thể. Max André chủ toạ. Tam đưa vấn đề Thạch: “Sự ấy trái với tục lệ quốc tế, là người phụ trách an toàn cho đại biểu Việt nam, tôi phản kháng”. Max André trả lời: “Không phải Thạch bị bắt mà là đưa về Sài gòn”.
Bác Tường kể cho chúng tôi biết thêm: “… Ta coi anh Thạch là uỷ viên trong Phái đoàn, cho nên ở khách sạn khi bữa ăn dọn ra trên bàn bao giờ chúng tôi cũng để dành chỗ trống gọi là để chỗ cho anh Phạm Ngọc Thạch. Ở Đà Lạt được vài hôm thì anh Thạch tới. Phái đoàn Việt Nam phải giấu anh. Ăn uống, bữa cơm phải để dành các món đem về cho anh. Thế rồi Cù Huy Cận và tôi còn phải đi ra chợ mua thêm thức ăn cho anh. Vì sợ lộ ra là nó tôm ngay. Quả thực lúc đưa anh ra công khai nó lập tức bắt anh ngay. Khi chúng bắt anh thì anh em rất phẫn uất, nhất định bỏ hội nghị để về. Lúc bấy giờ anh Giáp mới nói: “Các anh lại quên câu của cụ Hồ “găng mà không được gãy”.
Rồi bác Tường kể: “… Lần đầu tiên dự hội nghị quốc tế, kinh nghiệm chưa có, nói chuyện cứ bô bô, về sau phải coi chừng bọn chúng. Không cẩn thận nó có máy nghe… Lúc bấy giờ biết gì máy nghe. Kết quả ông Huyên với tôi hai người cứ đi ra ngoài vườn nói chuyện với nhau”.
Sổ tay của cha tôi ngày 23-4-1946 có viết về sự kiện thông tin liên lạc như sau: “Sáng nay đương bàn chuyện thì được thư Haussain về việc đặt radio. Phải xin phép Tư lệnh Đồng Minh lúc ấy có trách nhiệm, yêu cầu tạrn đình chỉ dùng máy và xin phép. Hứa trong khi chờ cho mượn máy của Pháp…”
Trong “Ký vãng” của bác Hãn cũng viết về những ngày 22 và 23 tháng 4 về việc Pháp gây khó dễ cho ta và ta đã kiên quyết không nghe. Bấy giờ người phụ trách đưa tin hàng ngày là ông Nguyễn Văn Tình và ông Thanh. Ông Tình sau này là một trong những người phụ trách Tổng cục Bưu điện của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà và là anh vợ của anh Chính (ông đã mất sau ngày thống nhất đất nước). Nhờ vậy Chính phủ đã theo dõi từng ngày không khó khăn mà Phái đoàn gặp và cho chỉ thị cấp tốc.
Diễn biến tại Hội nghị được cả nước theo dõi. Tạp chí “Tiên phong” số 10 ngày 1 tháng 5 năm 1946 trong phần “Tin Văn hoá” thông báo tóm tắt diễn biến tại Hội nghị: “Tại Hội nghị trù bị Đà Lạt… Hai bên đại biểu Pháp, Việt nam có chỗ đã thoả thuận với nhau, nhưng cũng có chỗ bất đồng ý kiến. 1) Tiếng Pháp trong chương trình giáo dục Việt nam. 2) Luật lệ mở trường học Pháp ở Việt nam. 3) Khoa học Pháp trong nền văn hoá Việt nam. 4) Việc tham dự của các Giáo sư Pháp trong chương trình giáo dục Việt nam. 5) Việc liên lạc về văn hoá giữa hai nước. Trong vấn đề thứ nhất và thứ hai, hai bên đã thoả thuận dùng tiếng Pháp trong văn hoá Việt nam và các học sinh Việt nam được hoàn toàn tự do vào học lrường Pháp. Trong vấn đề thứ ba, hai bên bất đồng ý kiến về các Trường Bác cổ, Bệnh viện Pat-tơ (Pasteur), nhà thư viện, trường Đại học. Trong vấn đề thư tư, đôi bên bằng lòng để Giáo sư Pháp tham gia vào việc giáo dục Việt nam nếu chính phủ Việt nam yêu cầu. Trong vấn đề thứ năm, còn nhiều chi tiết chuyên môn như việc cấp học bổng, tham gia các tài liệu văn học… Thế là Uỷ ban Văn hoá Pháp-viết đã giải quyết xong xuôi sau bao nhiêu ngày bàn cãi…
“Tiểu ban Văn hoá họp ngày 23 tháng 4 hồi 3 giờ chiều, dưới quyền chủ toạ của ông Nguyễn Mạnh Tường. Tiểu ban bắt đầu xét vấn đề thứ nhất ghi ở chương trình nghị sự. “Việc dạy tiếng Pháp trong các bậc học Việt nam” phái đoàn Pháp đề nghị: 1) Tiếng Pháp là thứ tiếng chính thức thứ hai ở Việt nam. 2) Việc dạy tiếng Pháp sẽ sớm hơn và bắt buộc ở một bậc học nào sẽ định sau. 3) Một cố vấn Pháp bậc đại học sẽ để tuỳ quyền sử dụng của Việt nam. Tiểu ban tuyên bố rằng đề nghị thứ nhất vượt phạm vi ban văn hoá. Đoàn Việt nam phát biểu ý kiến rằng: “Trong nền giáo hoá Việt nam, tiếng Pháp sẽ có một đia vị ưu đãi trong các thứ sinh ngữ. Về đề nghị thư hai, đại biểu Việt nam nói rằng tiếng Pháp sẽ được kể làm một trong những sinh ngữ bắt buộc từ bậc trung học Việt Nam. Về điểm thứ ba đoàn đại biểu Việt nam đề nghị sáp nhập vào điều thứ tư trong chương trình nghị sự, nói về: “Tiếng Pháp dự phần vào nền giáo dục Việt nam thế nào?” Hội đồng giải tán lúc 17g30”.
Trong cuốn Sổ tay Đà Lạt cha tôi viết tiếp diễn biến ngày 2-5-1946:
“Lúc 15h30 họp sự bộ ở buồng Tam. Giáp có đề nghị về trước để báo cáo. Chính phủ tìm đường mới cho Phái bộ và sửa soạn đi Paris… Chủ nhật ngày 2-5-1946 lúc 16 giờ, họp ở buồng Tam bàn về Ban Chính trị. Bàn về bài đáp từ của Max André hôm qua. Giáp nói ta không nên cho là việc mới. Đó chính là ý kiến của họ vẫn có. Trước Max André đã nhiều lần gặp cụ Hồ và ngỏ ý này. Trước bữa cơm Max André có nói với Giáp về vấn đề chính trị kinh tế hai bên có thể thoả thuận được, song về diplomatique (ngoại giao) và Nam Bộ thì khó giải quyết và phải cố gắng lắm.
Lúc này Max André qua muốn vào chào Tam và gặp Giáp.
Giáp ra thì kiếu cho Tam không tiếp được vì vẫn nằm giường (Tam cáo ốm vì Pháp thay trưởng đoàn, ta cũng gần như thay). Max André đưa cho ta một phong thư riêng nói là gửi cụ Hồ. Thư nói vắn tắt 5 điểm (Như trong “Ký vãng” của ông Hãn đã dịch nguyên văn)”. Sau đó những nhận xét riêng của cha tôi về bức thư: “Là một tờ giấy kỳ quặc tỏ rõ thái độ của Pháp. Trên không đề viết cho ai, dưới đề ngày 5-4 và ký tên không chức vụ (bấy giờ là 5-5). Tam kết luận: “Dầu thế nào ta ở Đà Lạt cũng phải giữ thái độ bình tĩnh để tiến hành cho xong rồi về sửa soạn đi Paris chứ không thay đổi trước khiêu khích nào của Pháp. Giáp tán thành rồi tất cả anh em tuân theo im lặng…”.
Cuốn Sổ tay của cha tôi được đánh dấu 155 trang. Từ trang 1 đến 136 ghi từ ngày 18-4-1946 đến ngày 12-5-1946 là ngày chủ nhật, ngày Đoàn lên máy bay trở về Hà Nội. Vẫn tác phong của nhà nghiên cứu khoa học, cha tôi không những ghi chép những diễn biến chủ yếu cả ngày giờ cụ thể và những ý kiến cụ thể của đôi bên, tính quyết liệt của từng buổi họp… những ý kiến đưa ra của hai phía rồi lại bàn lại mà đưa ra các điểm khác…
Lướt đọc những trang cuối cùng: “Chủ nhật 12 tháng 5 năm 1946. 7h45 đi Liên Khang. 8h 45 đến trường bay. Trời u ám điểm một vài giọt mưa, nhưng không có gió. Hai chiếc máy bay Juenker và Dakota chờ đó. Còn một chiếc nhỏ ở cạnh đương chữa. Tổng thư ký Batsson ra tiễn.
9h 45 chiếc Dakota cất cánh trước. Mình lên với Hãn, Tường, Tam, Giáp, Luyện, Hiền, Bửu, Hà Tường, Phác, Kiên, Công Cung, Cận, Hòe, Khoa, Đ. V. Hớn, Liên, Bính, Mai. Có hai người lạ là Melro người Pháp và một nhà báo Belp.
Bay qua miền núi ra Quảng Trị, Thanh Hoá rồi Phủ Lý, Hà Nội. Tới trường bay 13h20, hạ xuống sân bay 13h30 (tức là đồng hồ giờ độc lập Việt nam 12h30). Ra sân bay đón có các ông Phan Anh, Lê Văn Hiến, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng…”.
Đọc những dòng trên tôi nghĩ rằng nếu sau này có dựng phim lịch sử thì những đoạn tả cảnh trên cần được đưa vào bởi nó mang tính xác thực của lịch sử.
Tạp chí “Tiên Phong” số 11 ngày 15 tháng 5 năm 1946, đã thông báo trên trang nhất: Phái đoàn chính phủ đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt đã về tới Hà Nội. Phái đoàn đã đại diện một cách xứng đáng cho nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà chuộng hoà bình, nhưng cương quyết. Những nguyện vọng của một nước tranh đấu cho tự do, bao giờ cũng chính đáng. Nhưng để gây một không khí thân thiện cần thiết cho cuộc đàm phán, các đại biểu của ta đã giữ một thái độ mềm dẻo, cố sao cho dung hoà được quyền lợi hai nước. Một điểm đáng nêu lên nhất là khi bênh vực quyền lợi của Tổ quốc, các đại biểu ta đã tỏ rõ một tinh thần đoàn kết rất cao và cảm động. Sau cuộc Hội nghị này, chúng ta đã cho người Pháp biết rõ lập trường của chúng ta, và chúng ta cũng đã biết được lập trường của họ trong cuộc đàm phán chính thức sắp mở ở Paris nay mai, cuộc tranh luận chắc sẽ gay go và gặp nhiều bước khó khăn. Nhưng ta mong rằng bầu không khí chính trị ở Thủ đô nước Pháp đệ tứ cộng hoà, sẽ có lợi cho cuộc đàm phán hơn, và những chính khách của nước Pháp mới không phải chỉ là những người muốn đi ngược trào lưu tiến bộ thế giới, khăng khăng cưỡng lại một cách tuyệt vọng, những đợt sóng lụt trời của một dân tộc dâng lên. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng phải đoàn kết mạnh mẽ, để ủng hộ phái đoàn chính thức. Đoàn kết tức là thắng lợi T.P.”.
Tiễn cha trong bình minh
“Chủ tịch chính phủ Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận. Ra Sắc lệnh:
Điều thứ nhất. Nay cử những vị sau này vào Phái đoàn Việt nam sang Ba Lê: Đoàn trưởng - ô. Nguyễn Tường Tam, Phó Đoàn - Phạm Văn Đồng, uỷ viên thuyết trình - Phan Anh, Phái viên - Hoàng Minh Giám, Đặng Phúc Thông, Dương Bạch Mai, Huỳnh Thiên Lộc, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Tạ Quang Bửu, Bửu Hội, Nguyễn Mạnh Hà; Cố vấn - Phạm Khắc Hoè, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Văn Tình, Hồ Đắc Liên, Nguyễn Văn Luyện.
Điều thứ hai. Bộ trưởng bộ Ngoại giao chiểu sắc lệnh thi hành.
Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 1946. Hồ Chí Minh”
Ngày 31 tháng 5 năm 1946, theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường sang thăm Pháp. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ nước Việt nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng lên đường sang đám phán chính thức với Chính phủ Pháp. Hội nghị đàm phán họp tại Fontainebleau từ ngày 6 tháng 7 đến 10 tháng 9 năm 1946. Hội nghị đã bàn đến các vấn đề địa vị của Việt nam trong khối Liên hiệp Pháp và những mối quan hệ ngoại giao giữa Việt nam với các nước, tổ chức Liên bang Đông Dương, vấn đề thông nhất ba kỳ và việc trong cầu dân ý ở Nam Bộ, những vấn đề kinh tế, văn hoá và soạn thảo dự án Hiệp ước. Cuộc đàm phán ở Fontainebleau đã thất bại, do phía Pháp vẫn cố giữ lập trường thực dân và ngay trong thòi gian đang đàm phán họ đã ráo riết thực hiện âm mưu mở rộng xâm lược trên đây nước ta… Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Moutet - đại diện của Chính phủ Pháp, bản Tạm ước vào đêm 14 tháng 9 năm 1946. Bản Tạm ước gồm 14 khoản, trong đó quy định một số điều quan hệ tạm thời về kinh tế và văn hoá giữa hai nước, đình chỉ chiến sự ở miền Nam, quy định thời gian tiếp tục đàm phán Việt Pháp vào đầu năm 1947…” (Đại cương Lịch sử Việt nam, Tập III, NXB Giáo dục - 2000, chủ biên Lê Mậu Hãn).
Mỗi lần xem cuốn ảnh gia đình mẹ tôi lại chỉ vào tấm ảnh đã ngả vàng gẫy một góc: “Đây là ảnh chụp trước khi cha đi Hội nghị Fontainebleau. Huy lúc đó còn ẵm trên tay thế này đây!”. Tôi nói theo: “Hồi đó con, Bích Hà và Nữ Hiếu đều mặc áo dài bông đỏ màu mận chín mẹ nhỉ”.
Mẹ sung sướng thấy tôi còn nhớ và nhắc lại: “Hạnh còn nhớ đến thế kia à? Ba chị em ba chiếc áo dài bông với quần lụa trắng!”.
Ảnh mẹ tôi bện tóc rồi vấn trần như thể vấn khăn. Nét mặt của mẹ tôi dịu hiền, trang nghiêm có đượm nét buồn lo, không giống như tất cả mọi bức ảnh trước đấy và cả sau này, lúc nào mẹ tôi cũng có nụ cười tươi sáng trong ánh mắt và nơi khoé miệng. Tôi đâu có hiểu bấy giờ tiễn cha ra đi, để lại 5 mẹ con nhỏ dại trước cảnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc!
Sớm tinh mơ, tiễn cha lên đường rồi chúng tôi lại trở về giường. Bỗng nhiên mẹ tôi reo lên: “A! Anh Chính đến! Anh Chính mang ôtô đến đưa mẹ con mình sang sân bay tiễn cha!”.
Tôi và Bích Hà đứng ngay trên giường lò so trải đệm trắng tinh của mình mà nhún nhảy. Đến lúc mẹ tôi giục thay quần áo mới vội vàng nhảy xuống. Khi xuống gác, mẹ tôi vội lướt ánh mắt trìu mến nhìn hai chị em tôi Thấy mẹ mỉm cười vừa lòng chúng tôi chạy theo anh Chính vào xe. Bầu trời có vẻ ảm đạm hay là còn sớm quá, tôi cũng chẳng nhớ. Tôi chỉ còn nhớ chị em chúng tôi bước theo tà áo dài của mẹ đi trên sân băng. Có bác nào đó đen, gầy đón Nữ Hiếu trên tay mẹ tôi và dẫn chúng tôi đến chỗ Bác Hồ. Bác Hồ lần lượt bắt tay từng người. Bấy giờ có cả cô Quý cũng ra sân bay, rồi Bác Hồ bế em Hiếu chờ cha đến.
Sau này khi biên thư cho Hiếu báo tin mừng về Hội nghị Giơvenơ 1954, cha tôi đã viết: “Chắc các con hôm nay cũng vui mừng phấn khởi… tiếng súng đã im bặt ở Bắc Bộ và 10 ngày nữa sẽ không còn bắn nhau trên toàn cõi Việt, Miên, Lào… Hôm tới chào Bác, mừng Bác, tỏ lòng biết ơn Bác vừa rồi, cậu nhớ đến 9 năm về trước em Hiếu ra tiễn Bác ở sân bay Gia Lâm, Bác đã bế Hiếu và ước mong mang lại được hạnh phúc cho nhi đồng. Cậu nhớ các con cũng xao xuyến trong lòng…”.
Những ngày trên Việt Bắc, mẹ tôi thường kể chuyện ngày xưa mấy mẹ con đã nhắc tới kỷ niệm tiễn cha sáng hôm đó…
Cha tôi là người cuối cùng lên máy bay, cha tôi rút từ trong túi ra chiếc bút máy Pilot màu đen đưa cho tôi và dặn: “Chị Hạnh ở nhà ngoan, nghe lời mẹ và chăm học nhé!” Lúc nào trịnh trọng và âu yếm, cha tôi thường gọi tôi bằng “Chị Hạnh”. Mẹ tôi luôn nhắc lại: “Bác Phạm Văn Đồng bế Hiếu đến Bác Hồ”. Hai mươi năm về trước (1926), cha tôi lên đường sang Pháp học, mang nặng tâm trạng thanh niên của một nước nô lệ. Còn nay hẳn cha tôi tự hào là lên đường sang Pháp với cương vị là một trí thức yêu nước, đại diện cho một dân tộc độc lập đang đấu tranh giành chủ quyền thực sự cho đất nước.
Ra sân bay tiễn cha đi dự Hội nghị Fontainebleau trở về nhà, tôi và Bích Hà chạy vội lên gác vào phòng ngủ của cha nhảy lên giường lò so trải đệm trắng tinh, hôn lên gối, lên công tắc đèn. Tôi lại còn trèo lên tủ đầu giường để được hôn lên cả công tắc bật quạt trần… Cô Quý mắng yêu: “Việc gì lại phải hôn lên tận đấy? Điện giật nguy hiểm lắm! Nhớ cha hôn lên chuỗi hạt đây này?” Tay cô lại chỉ lên ngực tôi. Cúi xuống ngực, hai chị em tôi lại nhìn nhau, hai chuỗi hạt long lanh mà cha mới cho hồi đi họp Hội nghị trù bị Đà Lạt trở về. Chúng tôi rất yêu cha và nhớ cha vô cùng, vì cha tôi chiều con hết mực. Ngày nào cũng vậy, mỗi lần sau bữa cơm là mẹ tôi có sẵn chậu rửa tay ngay trong phòng ăn. Cơm xong, cha tôi chờ chị em tôi và gọi:
- Chị Hạnh ra đây lau “mõm”?
- Chú Bích Hà nữa nào đưa “mõm” đây!
Mẹ tôi còn giữ được 3 bức thư cha tôi viết cho mẹ tôi và các con trong những ngày tại Fontainebleau. Hẳn là Hội nghị khá căng thẳng nên mới có thư gửi về cho mẹ tôi như sau:
Thư ngày 13-8-1946 (ngày 7-7. âm lịch) Hôm kia trước những khó khăn quá độ, phái bộ la đã tuyên bố đình chỉ đàm phán đến khi nào chính phủ Pháp định rõ thái độ. Huyên thấy ngày về xa lắm!
Hôm qua Phái bộ mới ta ăn cơm. Ngồi ăn chung với người Pháp chán quá mở môi ra cũng ngại ngùng…”.
Thư ngày 20-8-1946 (14-7 âm lịch) có đoạn: Ngọc cứ yên lòng, công việc một là sắp xong, hai là hỏng. Mà hỏng thì Pháp cũng thiệt nhiều. Tình hình qquốc tế ngày nay có lợi cho ta. Chừng 10 ngày nữa cụ Hồ về nước. Phái đoàn sẽ về sau độ một tuần hay mười ngày… Thángtám này là tháng gió mùa lớn ở Ấn Độ nên đường hàng không có chiều khó khăn. Chưa rõ cụ Hồ đi tàu bay hay đi tàu chiến về…”.
Thư ngày 19-8-1946. Xem tình hình ngày về không còn xa mấy nữa. Bước khó khăn còn nhiều nhưng ai nấy đều nỗ lực. Dẫu thành hay bại phen này cũng đã trả nợ nam nhi đối với Tổ quốc, không thẹn lòng, đối với nhà. Không tủi công đi học và lòng yêu dấu gia đình. Không được hoàn toàn, anh em trong nước đều có trách nhiệm nặng cả, không nên đổ tội cho ai. Chỉ biết bình tĩnh và cố gắng trong công cuộc kiếu thiết chung sau này. Còn công hay tội vài chục năm sau đây lịch sử sẽ rõ.
Nước ta ở trong cái loạn thế giới, vừa qua có một hình ảnh đặc biệt, gỡ ra thực là khó, ngồi không mà nói thì có gì là dễ hơn nhỉ. Riêng mình biết sức mình, không ra mà chịu gánh một phần thì có tội. Những điều Huyên dự tính trước đây đều dần dần đúng cả, không thể nào cưỡng được. Xưa các cụ bảo là Trời thực ra là ỏ người…”.
Đó là những dòng chữ tâm huyết của cha tôi khi đang quay trở lại Paris lần thứ hai. Nhân dịp Phái đoàn Chính phủ sang Pháp, để mở cuộc đàm phán chính thức ở Paris, ông Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Văn hoá Cứu quốc Việt nam viết hai bức thư gửi “Cho đồng bào tại Pháp” và “Gửi các nhà trí thức Pháp” trên tạp chí “Tiên Phong” số 13, ngày 16 tháng 6 năm 1946. Trong đó đối với đồng bào thì kêu gọi góp sức xây dựng nước Việt Nam mới.
“Anh chị em hãy thâu thái lấy những tinh hoa nước ngoài để về cải tạo quốc gia. Điều cốt yếu là anh chị ern phải chuẩn bị cho đầy đủ để khi về nước có sẵn phương tiện làm việc. Một nhà bác học chẳng hạn, trước khi lên đường về nước, phải đã có sẵn một phòng thí nghiệm tối tân, đầy đủ đừng trông mong vào phòng thí nghiệm ở nước nhà, thường chỉ có tên không, nếu ta không muốn gọi là trò hề khoa học của chế độ thực dân…”.
Còn đối với các bạn trí thức Pháp: “Hỡi các bạn trí thức Pháp! Bênh vực nguyện vọng của dân tộc Việt nam đòi hỏi tự do và thống nhất, bằng sức mạnh tinh thần của các bạn mà bằng tình cảm thiết thực, các bạn sẽ phụng sự cho nền hoà bình thế giới, và hơn nữa, các bạn sẽ phụng sự quyền lợi thực của nước Pháp”.
Ông Phạm Huy Thông, tại Paris ngày 2 tháng 5 năm 1946, đã viết tặng Phái bộ Phạm Văn Đồng bài thơ “Chào sử giả của Tự do ánh sáng”
Trong quá trình diễn biến Hội nghị Fontainebleau ở trong nước đã bày tỏ thái độ: “Cuộc đàm phán chính thức giữa Pháp và chúng ta đã bắt đầu ở Paris. Lần đầu tiên chúng ta đường hoàng nói chuyện ngang hàng với nước Pháp… muốn cho cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng khó khăn ấy thắng lợi, chúng ta nhất định không thể chỉ thụ động, ỷ lại vào phái đoàn của chúng tôi, mặc dầu những nhân viên thành phần phái đoàn đều là những chiến sĩ cách mạng trung thực, những người yêu nước chân chính, mặc dầu bên cạnh phái đoàn còn có sự sáng suốt của người lãnh đạo thân mên của giống nòi. Chúng ta phải góp phần của chúng ta một cách tích cực, chúng ta phải tốn công sức để ủng hộ phái đoàn… Cuộc đấu tranh ngoại giao ở Paris thành công hay không một phần rất lớn là ở chúng ta, vì không phải phái đoàn đàm phán, mà chính toàn thể chúng ta, dân tộc Việt nam đàm phán”. (Trang đầu của tạp chí “Tiên Phong” số 1 4, ngày 1 tháng 7 năm 1946).
Vào cuối năm 1971, cha tôi có lãnh đạo đoàn Giáo dục sang thăm Algérie. Bạn có tổ chức một chuyến tham quan qua các tỉnh Sétif, Collslautine, Biskra, Malchik. Qua Biskra là vào địa đầu sa mạc Sahara. Khi đến Malchik, ông chủ tịch dẫn đoàn đến thăm thị trấn. Đến cạnh sa mạc ông chỉ ra phía sa mạc mênh mông và kể rằng: “Đằng kia cách đây chừng10 km kia là quân đội Pháp họ đóng một đồn to lắm. Trong đồn có cả sân bay. Tôi nhớ nărn 1946, Pháp có đưa một đoàn Việt nam trong đó có cụ Hồ chí Minh đến thăm đồn. Nhưng đến chiều lại thấy bay đi. Dân ở đây biết cả là vẫn nhớ lấy. Sau Hiệp định Evial 1962, Pháp phái rút khỏi Algérie đã phá bỏ vết tích đồn binh ấy”.
Trong đoàn cùng đi có chú Nguyễn Ngọc Chảo là cán bộ đối ngoại của Bộ Giáo dục có kể lại sự việc trên và nói rằng: “Khi ngồi lên xe, đi vào sa mạc Bộ trưởng thủng thỉnh nói: “Ông ta nói đúng đấy. Hồi ấy thế là cách đây hơn hai mươi năm rồi. Tháng 8 năm 1946 Pháp còn coi đất này là của Pháp. Họ bảo đưa Đoàn chính phủ ta đi thăm miền nam nước Pháp. Tối họ đưa đến, trưa hôm sau, tiệc tùng rồi họ đưa phái đoàn Fontainebleau đi nơi khác…”. Chú Chảo nhớ lại: “Bộ trưởng tựa lưng vào đệm xe, nhìn ra sa mạc, còn tôi, tôi ngồi nghĩ miên man đến chuyến đi gian nan và nguy hiểm năm 1946 của Bác Hồ và các vị trong Đoàn.
Sau chuyến thăm hữu nghị đất nước Mauritanie và quay trở về Pháp, Đoàn Giáo dục đã lại thăm Bộ trưởng Xuân Thuỷ có mặt trong Đoàn đàm phán của ta đang ở Paris. Vừa gặp, ông Xuân Thuỷ nói ngay: “Lần trước các anh đến, Mỹ tuyên truyền rùm beng đánh tan đường Hồ chí Minh. Lần này các anh quay về ta thắng lớn ở Đường 9 Nam Lào. Mấy bữa nay họ im giọng…”.
Tiếp đó ông Xuân Thuỷ nói: “Nhân dịp anh qua Paris, anh với tôi đi thăm Fontainebleau. Nhờ một Việt kiều chụp một số hình ảnh. Anh chỉ cho những phòng làm việc của Hội nghị mà Bác và các anh trong phái đoàn đã ở Fontainebleau năm 1946 để làm tư liệu kỷ niệm”.
Chú Chảo lắc đầu nói: “Tiếc rằng hôm ấy là thứ hai, bảo tàng họ nghỉ. Đoàn Giáo dục lại phải rời Paris vào thứ ba.!…”.
Không biết rồi sau đó Bộ trưởng Xuân Thuỷ có dịp nào đến thăm Fontainebleau nữa hay không? Riêng cha tôi thì đấy là lần cuối cùng đặt chân trên đất Pháp.

<< Tình hình trên quê | Đón ông ngoại về Hà Nội >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 623

Return to top