Lối làm việc màn trời chiếu đất
Rất ít khi cha tôi có mặt và làm việc ở nhà kể từ ngày chạy loạn vào Hà Đông cho đến những ngày tản cư lên Việt Bắc. Chúng tôi vẫn giữ nếp sáng sớm vào lán, chiều tối về nhà cụ Phong ngủ.
Lúc này tình hình có vẻ yên, nên sau khi đưa đồ đạc vào lán, mọi người kéo nhau ra lùm cơi bên suối làng Bình. Trẻ đang chạy chơi khi biết nhà có khách nên rủ nhau chạy về các lùm cơi của nhà mình. Sau này đọc hồi ký ngày 4 tháng 12 năm 1947 của ông Lê Văn Hiến, mới biết đoàn tới làng Bình có ông Lã Văn Minh, ông giáo Đông, bà Thục Viên và ông Hiến. Ông Hiến đã tả lại quang cảnh hết sức thực lúc đó tôi xin ghi lại đây để con cháu nhớ về một thời gian khổ Thu Đông năm 1947: “Sau một giờ đồng hồ đi ngựa, gặp các anh trên bãi cỏ rậm cây bên bờ sông. Trong túp lều tranh nhỏ (thực ra là lều ken bằng cây cơi) các bà đang ngồi thêu dệt và hơn 12 đứa trẻ chạy nhảy ngoài bãi cỏ xanh. Quang cảnh cũng an nhàn lắm. Ông Huyên đương ngồi bên bụi rậm với một đống sách vở, lối làm việc màn trời chiếu đất. Gặp nhau vui mừng quá! Từ ngày Pháp tấn công Việt Bắc, các anh mất liên lạc với Chính phủ phải ẩn nấp tại đây. Hôm nay bấy ngờ, câu chuyện kéo dài không bao giờ hết. Một lát sau, Tùng và Di cũng đến. Bác sĩ Tùng với bộ võ phục, đeo súng có vẻ “võ” lắm. Giới thiệu các vị trong đoàn Tỉnh, rồi câu chuyện kéo dài đến lúc mặt trời sắp lặn. Giữa câu chuyện các bà đem đãi một đĩa sắn mì rất hợp thời, rồi lại ăn mía, uống nước chè mạn. Một cuộc thù tiếp rất mặn mà trong chốn núi rừng.
Vì sợ trời tối chúng mình bắt tay ra đi với nhiều luyến tiếc quang cảnh rất đẹp rất ấm cúng. Ra đi ngồi trên lưng ngựa vẫn mơ màng cảnh đằm thắm của gia đình”.
Khi đọc đến đoạn nhật ký của ông Lê Văn Hiến tôi như hiểu ra vì sao ba gia đình lại nhiều khách phương xa tới thăm đến như thế. Ba gia đình giữ nếp sinh hoạt cuối tuần của trí thức Hà Nội để đón “sinh viên Quãng” sang chơi. Có khi là anh Sơn, anh Hải con bác Hai Vịnh, có khi là các anh thanh niên xung phong Hoán, Triều, Kỳ, Trác, có khi là khách của Trường Y, của Bộ Giáo dục… Rồi lại đón mấy anh sinh viên từ mặt trận trở về… cảnh đầm ấm của ba gia đình không phải chỉ cổ vũ riêng cho ba ông Huyên, Di, Tùng yên lòng lo công việc kháng chiến mà còn là nguồn vui cho mọi khách lại nhà. Tăng thêm lòng tin mà trụ lại với kháng chiến.
Phố Quãng sau khi bị tấn công bà con dọn vào quá làng Ải, sau thấy yên lại tấp nập xây dựng khang trang hơn phố cũ ở phố Quãng rồi kéo sang bên sông mở quán bán cho Trường Y và bệnh viện. Phải tới năm 1948, khi gia đình chúng tôi ổn định ở làng Ải thì chú Di và cha tôi, có một cái nhà sàn nho nhỏ bên sườn dốc để làm phòng làm việc. Đó là “Phong Lan Đình” của chúng tôi. Ở sâu trong khu rừng trước mặt ngôi nhà ba gian của cô Di và mẹ tôi có một nhà làm việc của cụ Tụng, ông Tiếp và ông Đang. Đó là Văn phòng Bộ trưởng. Kể từ đó chấm dứt cảnh “làm việc màn trời chiếu đất của một Bộ trưởng”
Cha hay vắng nhàMỗi lần tiễn cha đi công tác, mấy mẹ con đều theo cha ra tận đầu dốc làng Ải. Nơi đây có thể nhìn bao quát cả con sông và đoạn đường mòn uốn khúc để dõi theo cha cùng anh cần vụ mỗi người một xe cho đến khi khuất sau lùm cây mới quay vào. Trước khi đi, từ bé đến lớn đều được cha ôm hôn dặn dò, cuối cùng bao giờ cha cũng ôm hôn mẹ.
Mẹ tôi thích mấy câu thơ của Tố Hữu:
“Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá nguỵ trang reo với gió đèo…”.Mỗi lần chuẩn bị ba lô cho cha lên đường, bao giờ mẹ tôi cũng lo đầy đủ cà phê, muối vừng… Rồi sau này còn thêm thịt ướp săm-pết, lạp sườn do tự tay mẹ con chúng tôi tăng gia được.
Cha tôi quen uống cà phê từ hồi học bên Pháp, cho nên mẹ tôi viết nhiều lần trong nhật ký như “Với chiếc ba lô, một bộ quần áo và chăn màn, không quên túi bột cà phê và cái phin pha cà phê. Cưỡi lên chiếc xe đạp đi hàng trăm cây số… Vượt qua bao đèo, vượt qua bao suối để mang tình yêu tới với đồng nghiệp. Đến tận hàng ngũ giáo viên thân yêu của anh. Động viên anh em, bạn bè thế hệ trẻ…”.
Cha tôi đi công tác biền biệt. Chúng tôi chẳng biết cha làm việc ở đâu và như thế nào. Mãi về sau này khi tôi đã nghỉ hưu mới có nhiều thời giờ tìm hiểu những lúc cha tôi vắng nhà.