Ngày ông Phạm Trinh Cán mới về Bộ, ông đã tả lại nơi làm việc của cha tôi hồi kháng chiến cho chúng tôi nghe. “Khi tới Bộ thấy cha cháu ở nhà lá ba gian. Gian giữa vừa là để ăn để hội nghị nhỏ. Gian đầu lồi một bên là để làm phòng nghỉ của cha cháu còn bên kia là phòng của ông Phạm Trọng Đang và ông Tụng”.
Những năm đầu kháng chiến, Văn phòng Bộ trưởng ở gần nhà, tôi còn nhớ ngoài ông Đang, ông Tụng còn có ông Tiếp. Thỉnh thoảng nhà thu hoạch rau, cà chua, cải bẹ Lạng Sơn… cha tôi lại nhắc mẹ tôi đem sang biếu các ông. Ông Cán nói: “Riêng điều đó tôi đã thấy mến phục vị thủ trưởng giản dị như vậy”.
Ông Cán nhắc lại câu chuyện ông Lê Văn Chung (nguyên trưởng phòng Pháp chế của Bộ) thường kể lại: “Một hôm anh Thanh cấp dưỡng, một tay xách một con vịt một tay xách quả núc nác (đắng như mướp đắng). Ông Chung hỏi: “Hôm nay thủ trưởng ăn vịt à?” thì Thanh bảo: “Không, vịt là của em, còn thủ trưởng ăn núc nác”. Ông Chung nói thủ trưởng thích ăn núc nác trộn với muối trưng…”
Nhân ngày 20 tháng 11 năm 1998, tôi có đọc một bài báo của Giáo sư Hoàng Như Mai “Người thầy không chỉ dạy tôi lên lớp” đã nhắc tới kỷ niệm trong chuyến đi công tác cùng cha tôi hồi năm 1950, ông thì ăn cơm nắm giữa độ đường, còn cha tôi chỉ có hai bắp ngô.
Nghĩ mà thương cha đã vất vả công tác kháng chiến lại xa vợ con. Những bữa lỡ độ đường thiếu bàn tay vợ thật đau lòng. Tôi chắc không chỉ một lần như vậy!…
Ông Đang nhớ về những chuyến đi công tác của cha tôi như sau: “Anh đem theo gạo, muối và một ít mỡ. Đến chỗ nghỉ chân không có hàng cơn, anh cùng đồng chí liên lạc kiếm củi thổi cơm, ăn cùng anh em một cách ngon lành. Khi ăn anh hay trộn cơm nóng với ít mỡ và muối. Anh còn nói với chúng tôi: “Mình ăn thế này tiêu chuẩn còn cao hơn bà con nông dân nhiều!”. Câu nói ấy thật thấm thía, nó chứng tỏ một mặt anh vui vẻ chịu đựng về phần mình mọi thiếu thốn, nó cũng còn chứng tỏ anh rất thông cảm với những khó khăn khổ cực của người khác”.
Khi kể đến đoạn này tôi chợt nghĩ tới những trang cha tôi viết vào năm 1939 về bữa cơm của gia đình nông dân trong tác phẩm “Vấn đề nông dân Việt Nam ở Bắc Kỳ”. Sau khi đưa ra những cứ liệu điển hình về thu nhập của một hộ nông dân, ngoài nghĩa vụ xã hội như đóng thuế, góp giỗ, tết, tuần canh, tương tế… thì chẳng còn là bao để nuôi sống một gia đình. “Bình thường bữa ăn của một bần nông là 500g gạo giá 5 xu, 1 xu rau, 1 xu muối và tương. Người vợ và người chồng ít khi được hai bữa một ngày từ tháng giêng đến tháng 3 người ta chỉ ăn một bữa cháo thay cơm bỏ muối”.
Ông Cán nhắc cho tôi biết những chuyến đi công tác địa phương “So với thời buổi này càng thấy ông Huyên thật là liêm khiết. Đến địa phương lần đầu họ thường hỏi: “Ông Huyên là người như thế nào đồng chí nhỉ?”. Tôi đáp: “Ông Huyên là người không thích bày vẽ. Tốn kém là không thích đâu. Đối với ông Huyên chỉ cần chỗ làm việc, chỗ nghỉ gọn gàng, sạch sẽ thế thôi”.
Đến địa phương hay được Tỉnh uỷ và Uỷ ban mời cơm theo phép bình thường của xã hội. Những ngày đi công tác bao giờ ông cũng dặn tôi: “Nếu họ mời cơm mà từ chối không tiện nhưng anh phải nói với họ thực tình, thật thực tình đừng bày vẽ cho tốn kém”.
Ở các hội nghị cũng vậy đều mời ăn cơm, vì có lời dặn trước của ông nên khi tôi làm việc với địa phương để chuẩn bị chương trình trong mấy ngày tôi đều nói: “Ông Huyên không bao giờ yêu sách cái gì, không bao giờ gợi ý dù là rất nhỏ” Trừ trường hợp Uỷ ban, ty giáo dục có dừa quả trên cây, anh em chặt xuống mời uống và nói là “cây nhà lá vườn thì ông sẽ cùng uống nước dừa với anh em”.
Bà Tống Lệ Dung (vợ của ông Nguyễn Mạnh Tường) nhớ lại lần gặp cha tôi đi công tác vào Thanh hoá năm 1951, đã đến nhà bạn nghỉ chân: “Từ lúc kháng chiến trường kỳ gian khổ, anh giản dị trong cả sự ăn mặc. Em còn nhớ khi anh lên cơn sốt rét thật thường anh không thể tả được. Ăn cơm, anh hỏi: “Còn nước rau muống không hở chị?”.
Ông Đang kể về nếp sống của cha tôi ở Việt Bắc rồi tiếp: “Nếp sống giản dị của anh làm cho anh không xa rời quần chúng và quần chúng cũng thấy dễ gần anh. Vắng Bộ lâu ngày như đi thăm các tỉnh hay đi sang nước bạn, trước khi lên đường anh thường đến chào hỏi mọi người và khi về cũng vậy”. Điều này làm tôi nhớ là đã đọc lại nhiều trang nhật ký mẹ tôi đã nhắc về việc cha tôi trước khi lên đường sang Cộng hoà Dân chủ Đức chữa bệnh đã đi thăm các trường Mẫu giáo, Phổ thông ở Hà Nội nhân dịp lễ khai giảng đầu tiên khi đất nước hoàn toàn giải phóng ngày 5 tháng 9 năm 1975.
Ông Đang kể: “Anh chú ý đến những gia đình neo đơn hoàn cảnh khó khăn. Những tặng phẩm người ta gửi tặng anh đề nghị hoặc đưa lên Trung ương hoặc để ở Bộ làm vật kỷ niệm. Nếu là các loại thực phẩm, hoa quả bánh kẹo thì anh đề nghị chia cho anh chị em làm việc ở Bộ, trước hết là chia cho các chị cán bộ hoàn cảnh khó khăn và có nhiều cháu nhỏ…”.
Trong tác phẩm “Bác Hồ viết di chúc” (hồi ký của Vũ Kỳ) đã nhắc đến một ngày làm việc của Bác về các cháu thiếu nhi: “17-5-1968 - 161130 anh Nguyễn Văn Huyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào báo cáo về kế hoạch nghỉ hè của học sinh và việc khen thưởng cho các học sinh giỏi”.
Về sau này, Bộ Giáo dục vẫn giữ nền nếp làm việc như hồi còn Bác, cho đến hè năm 1985-86, cháu Huyền Chi (con gái Bích Hà) là học sinh thi văn nhất toàn quốc đã được dự lễ khen thưởng. Lúc này chỉ còn bác Phạm Văn Đồng đến dự và trao giải thưởng. Mẹ tôi nhiều lần tâm sự với chúng tôi về việc: Cha tôi đã có dự định khi về nghỉ hưu sẽ viết một cuốn sách về Bác đối với trí thức Việt Nam và ngành giáo dục. Tiếc rằng chưa thực hiện được…
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật Bác ngày 19 tháng 5 năm 1975, trước khi ông qua đời đúng 5 tháng, ông đã nói chuyện về Bác Hồ tại Câu lạc bộ Đảng Xã hội, trong đó có anh chị Nguyễn Văn Chiển, giáo sư địa chất, đến dự. Anh chị còn nhớ rất rõ buổi sinh hoạt câu lạc bộ hôm đó: “Tôi cũng là một thính giả buổi tối hôm đó, giữa nhiều thính giả khác, đa phần là cán bộ trong ngành Giáo dục đã cùng công tác với anh Huyên và chấp hành sự phân công của anh trong những ngày gian khổ nhất ở khu căn cứ địa (1947 - 1954). “Giọng nói của anh buổi tối đó vẫn là giọng nói ôn hoà, chậm rãi của một cán bộ ngành giáo dục. Bài nói của anh để lộ rõ anh Huyên đã theo dõi Bác trong từng công việc, từng cử chỉ, từng lời nói. Giữa những ngày vinh quang của cách mạng thành công anh Huyên đã tìm đường theo Bác…”.
Ông Đang còn viết: “Cũng với phong cách chăm lo chú ý đến người khác như thê, nên anh rất gần gũi giáo viên và học sinh mỗi khi anh đến thăm trường”. Trong tác phẩm “Văn minh Việt Nam” bàn về Văn hoá và Giáo dục Phương Đông cha tôi viết: “Mục đích của nho giáo là trị dân tốt”. Cha tôi có nhắc tới lời Khổng Tử: “Vua đến gần dân mà trang nghiêm, thì dân sẽ kính cẩn, vua hiếu thảo và thương người thì dân sẽ trung thành, vua nâng đỡ người tốt và dạy dỗ người kém cỏi thì dân sẽ gắng sức”. Bàn về đạo đức chỉ hoàn chỉnh ở người quân tử, cha tôi viết: “Điều đầu tiên phải làm là học văn chương, học những sách mà các bậc thánh thời cổ đại để lại, học lễ và học nhạc. Hơn nữa, phải biết áp đặt cho mình sự hoàn thiện về đạo đức mà mục đích là nắm được cái đức hàng đầu của đạo Nho, chữ nhân, tức là yêu thương kẻ khác…”.
Học văn chương để nâng tầm dạo đức đồng thời học lễ để tự kiềm chế mình và ông cho rằng: “Không nên nhìn cái gì, nghĩ cái gì, làm cái gì trái lễ”. Cũng từ đó lễ không còn là sự gò bó, ép buộc mà trở thành có hồn bên trong khi ta đã học văn chương để nâng lầm đạo đức. Khi cha tôi viết về vai trò người dạy văn: “… Có đồng chí hỏi tôi dạy Kiều thì làm thế nào gắn với đời sống, làm thế nào phục vụ sản xuất? Tôi nghĩ nếu hiểu sâu sắc quá khứ đau thương và anh dũng của dân tộc và nắm được cái cơ bản của cuộc cách mạng vĩ đại của chúng ta hiện nay… thì bài giảng có thể làm cho học sinh nhận thức được nhiệm vụ của mình trước thời đại, trước lịch sử thì chính đồng chí đã gắn được với cuộc sống. Đối với Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm… và các tác phẩm cổ điển khác cũng thể (Những bài viết về Giáo dục. NVH).
Đúng thật, cha tôi trân trọng nền văn học cổ nước nhà. Hèn chi từ lúc ở trên núi rừng Việt Bắc, không có sách cha tôi vẫn cố truyền cho con dù chỉ chút ít hiểu biết về chuyện Lục Vân Tiên, Kiều… vào những lúc ông có mặt ở nhà trong thời gian quá ít ỏi!