“Ôi Kháng chiến!
Mười lăm qua như ngọn lửa
Nghìn năm sau còn đủ sức soi đường”
Chế Lan ViênQuả đúng như Chế Lan Viên đã viết. Con đường kháng chiến đã khắc vào lòng con trẻ “Nghìn năm sau còn đlỉ sức soi đường”. Ở xã Trường Thành thấy có trâu đeo mõ. Mẹ tôi bảo là vì người ta thả trâu gần rừng sợ hổ ăn thịt. Đêm đến lại thấy trâu nằm dưới nhà sàn liếm cột nhà sàn. Mẹ tôi bảo đó là nước muối do người ta treo cao trên thân cột. Ở vùng này nhà sàn chỉ lác đác xen nhà tranh, nhà gạch ba gian. “Lạ thật suốt ngày nó nhai, cả đêm nó nhai, mẹ nhỉ?”. Mẹ tôi bảo thế mới là loài nhai lại, ngày ăn rồi nó để dành trong bụng lúc nghỉ nó mới nhai kỹ.
Không bao lâu chiến sự lan đến, chúng tôi lại xuống thuyền ngược theo dòng Lô lên Chiêm Hoá cách Tuyên Quang khoảng 70 km. Mỗi gia đình một thuyền, đoàn thuyền nối đuôi nhau, mấy ngày lênh đênh sông nước, may không ai bị say. Chúng tôi ngắm cảnh hai bên bờ, mỗi ngày một thay rừng rậm rạp thêm, mỗi ngày thấy núi rừng cao và áp sát bên sông. Hình như sông dần dần hẹp lại, hai bên bờ như xích lại gần thuyền chúng tôi hơn… Mỗi lần cất lên tiếng hát bài “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u…” là tôi lại nhớ những ngày lênh đênh trên dòng Sông Lô oai hùng này? Mỗi lần cô Quý hát trong những đêm lửa trại, cho đồng bào và sinh viên quanh vùng đến dự vui là cả hội lặng im. Không cần micrô, giọng cô Quý vang xa, vang vọng ngay trên đồi “Phong Lan”. Đồi Phong Lan là nơi ba gia đình chúng tôi dựng nhà ổn định cuộc sống để “trường kỳ kháng chiến”. Nơi đây có Phong Lan Đình là ngôi nhà làm việc đầu tiên của cha tôi và chú Hồ Đắc Di. Mẹ tôi và cô Di đã có bao nhiêu giò phong lan treo quanh các cột tre ở lan can phòng làm việc. Các anh sinh viên, bà con quanh vùng gặp giò phong lan nào đẹp lúc đi củi cũng mang về lặng.
Chuyến ngược dòng Lô đầu tiên để tới Chiêm Hoá chẳng mất mấy ngày. Nhưng chuyến ngược dòng Lô lần thứ hai thì các gia đình phải ngồi thuyền lênh đênh sông nước 9 ngày đêm. Đoàn thuyền chúng tôi đến ngã ba sông vào một buổi chiều. Đoàn thuyền cặp bến, cầu vồng bắc qua triền núi của bên bờ sông đối diện như thể rúc với xuống hút nước lên trời… Người lớn cũng mừng, trẻ con thì reo lên vì mình đứng gần cầu vồng quá đỗi. Lần này đứng gần cầu vồng làm cho tôi nhớ ngày xưa khi còn bé lắm, mẹ tôi cho ra Đồ Sơn nghỉ mát, khi được đoàn thuyền chài đánh cá đưa ra rất xa, tôi cũng được nhìn thấy cầu vồng thả vòi xuông biển hút nước lên trời”. Bà con không cho tôi chỉ tay lên cầu vồng vì sợ “chỉ sẽ bị cụt tay”. Do đó lần này thấy cầu vồng tôi lại nhắc các em “không được chỉ tay” như thể là mình đã có kinh nghiệm và hiểu biết lắm! Còn mẹ tôi bảo, trời mưa có cầu vồng là báo hiệu không mưa nữa. “Mẹ ơi! Rồi đây mình đi ngả nào?” Mẹ tôi chỉ cho tôi: ngả này là Sông Lô, mình đang trên Sông Lô. Thuyền ta sẽ ngược tiếp trên Sông Gâm. Theo tay mẹ tôi chỉ là dẫy nhà bè đỗ dọc con ngòi. Sau này học địa lý tôi được biết Sông Gâm và Sông Lô có núi Cao Quang gặp nhau ở kilômét 8 bắc Tuyên Quang. Chính nơi đây đoàn thuyền chúng tôi đã dừng lại trước ngã ba sông. Dãy núi đá vôi sừng sững giữa hai dòng. Đó là cửa ngòi Mục có lũng hẹp, đường hẹp vào thác Đại.
Từ đó tôi mới để ý xem cuộc sống trên nhà nổi. Gà vịt, lợn đều sống trên sông nước. Sinh hoạt con trẻ đều như trên đất liền. Hay thật, lạ thật, cuộc sống thật phong phú vô cùng.
Sau những ngày trên sông nước, tù túng trong khoang thuyền mới thấy giá trị của nhà bè. Tha hồ chạy nhảy mà vẫn cứ trôi nổi được! Mẹ tôi giải thích cho tôi hiểu ở miền ngược, trời đang khô ráo tự nhiên mưa nguồn đổ về ầm ầm cho nên ở nhà bè rất an toàn, nước lên thì nhà cửa cũng cứ thế mà dâng lên theo. Mẹ tôi rất sợ mưa nguồn nước lũ về gây nguy hiểm chết người, cho nên mỗi lần các con hay cháu Hiền đi bộ đội, đóng quân trên biên giới, mẹ tôi luôn dặn cặn kẽ việc đi lại trong mùa mưa. Nhưng tuổi trẻ chưa từng trải nên không thấm những lời người già nói. Chỉ khi mình gặp tai nạn mới nhớ đời!
Cháu Hiền suýt bị chết đuối trên sông Kỳ Cùng khi cháu đang làm nghĩa vụ quân sự trên quê bà ngoại. Còn tôi cũng có bài học tương tự. Trong lần thiết kế khảo sát tuyến đường dây thông tin phục vụ cơ quan sơ tán về Ba Vì. Đang lúc suối nguồn đổ về, chúng tôi gồng gánh đồ dùng bơi qua, tôi cũng trổ tài cùng mấy cậu thanh niên bơi qua suối. Nào ngờ nước dâng nhanh, con suối bỗng chốc mênh mông như con sông lớn. Thật là hú vía. Bấy giờ vừa thay quần áo vừa nghĩ tới lời mẹ tả về cơn lũ nguồn!