Từ Bản Chu, ngày 23-1-1945, chú Dư gửi thư cho mẹ tôi và các cô, các bác ở Hà Nội: “Các chị ơi! Sống ngày nào thời biên ngày ấy thôi. Về quê thì lấy gì mà phong lưu nữa. Thóc gạo đủ ăn là tốt rồi, rau cháo cho qua bữa thời thôi… Các cháu nó đều chạy trốn nhà đi chiến khu cả rồi… Thằng Ái và thằng Mãn chỉ có chúng nó nhớn ở nhà giúp đỡ nhiều nay nó đi, sớm tối em và anh Cả lấy ai mà sai bảo công việc… Cháu Phác ở dưới ấy nhờ chị chỉ bảo nó, dạy nó cho em nhờ…”.
Thế là về sau anh Phác đã cùng thanh niên Hà Nội theo tiếng gọi của Cách mạng tham gia “Nam tiến”. Hôm tiễn đưa anh Phác thật là bịn rịn nhưng cũng đáng tự hào. Được tiễn người trong gia đình đi chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất thân yêu của Tổ quốc là lẽ sống và nghĩa vụ của mỗi người Việt nam yêu nước.
Trước khi anh Phác “Nam tiến” anh cùng sống với chúng tôi ở 45 Phố Cột Cờ. Một hôm tôi theo mẹ và cô Quý ra cổng chờ anh về ăn cơm mà mãi không thấy về. Đến khi trời gần tối, chúng tôi mới thấy anh từ xa trong bộ quần áo trắng. Mừng quá cả nhà chạy ra đón anh. Bởi vì tình hình bấy giờ rất căng thẳng. Bên cạnh nhà tôi ở là nhà của một sĩ quan Nhật. Ngày ngày lính Nhật tập hợp ngoài hè. Từ trên hiên nhà tôi thấy nhiều lần sĩ quan Nhật đeo gươm dài bên mình tát quân lính. Anh Phác làm cả nhà hoảng hốt vì trên người đầy vết máu Anh nói vừa đưa bạn về Bệnh viện Phủ Doãn…
Ngày ấy cô Quý được anh Phác dạy cho rất nhiều bài hát cách mạng như bài “Chiều nay trên chiến khu trong rừng chiều…” hay là bài “Diệt Phát xít”, “Tiên quân ca”…
Sau chiến dịch Thu Đông 1947, gia đình tôi gặp lại anh. Bấy giờ anh bị ốm rất nặng. Hình như anh cũng có bệnh tim như anh Phiên của anh. Mẹ tôi lo lắng ghi trong nhật ký như vậy.
Tuy anh Phiên mất đã lâu mà nhật ký mẹ viết ngày 2-4-1948, trên đường tản cư rẽ Quả Cảm - Đoan Hùng đã viết: “Phiên ơi, Phiên có biết các bác qua đây đi tìm nơi an nghỉ ngàn năm của Phiên không? Sống khôn thác thiêng hãy phù hộ cả họ nhà ta cháu nhé”.
Vào dịp tôi đang học ở Trung Quốc, tôi đã gặp anh Phác sang tu học hoá nghiệm tại Trung Quốc. Anh em gặp nhau mừng khôn tả… Khi tôi viết hồi tưởng về cha mẹ tôi thì anh đã nghỉ hưu. Tình cờ tôi đọc trên báo “Sức khỏe” (3-l-1996, số 657) nhắc tới anh. Họ viết: “Anh Vi Phác là một thầy thuốc thật thà, khiêm tốn, tin tưởng ở đồng nghiệp… Bản chất của dân tộc Tày sống giản dị chất phác như chính tên của anh…”.
Vì sao lại có bài báo này? Đó là nhờ sau khi tu học ở Trung Quốc anh đã sáng chế và bộ môn cùng góp công để làm ra thuốc chữa bệnh lậu, Rồi bẵng đi rất lâu, có người báo cáo thành công trình của riêng họ, rồi lại có người lên tiếng bênh vực chống lại… Vì đồng tiền và danh vọng nên có bài báo “Nguyên cáo trở thành bị cáo”. Khi đưa ra công luận người viết đến tìm anh (vì anh không lên tiếng), anh đã trả lời: “Trong thâm tâm tôi không thắc mắc gì vì nghĩ rằng tất cả việc mình làm chỉ vì cái chung, vì người bệnh cả thôi”.
Trong khí thế chung, thanh niên lúc bấy giờ đều có nhận thức: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”. Mọi tầng lớp thanh niên đều đã chọn con đường ấy.
Trước lúc đó bác Chinh tôi còn có hai anh Quế và Lục cũng đã từ Yên Thế ra nhập Đội Cứu quốc quân, ra nhập Mặt trận Việt Minh, tham gia vũ trang đánh đổ Pháp Nhật và tay sai của chúng, để cứu nước cứu dân khỏi vòng nước sôi lửa bỏng, để tuổi thanh niên được tự do vươn tới sự đổi mới.
Con đường bước theo Cách mạng của các tầng lớp thanh niên cũng khác nhau. Do đói nghèo, do căm thù và cũng do mong muốn được tự do, được đổi mới. Các anh Lục, Quế, Ái, Mãn lần lượt ra đi từ những năm 1945, 1946 cũng là do hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ đã làm cho các anh thấy khao khát được hưởng tự do và đổi mới, đồng thời cũng vì truyền thống gia lộc vốn làm nghĩa vụ trấn ải biên cương. Anh Quế hy sinh ngay đầu thời kỳ kháng chiến chống Pháp; mãi đến năm 2002 các anh chị gia đình bác Chinh mới tìm thấy mộ anh Quế và đưa về Bất Bạt gần hai bác.
Thư bác Cả gái đã viết:
“Bản Chu 4-4-1945…
Thầy lúc nào cũng muốn đè nén, lúc nào thầy cũng an chỉ là lũ con thầy vô dụng… Không có gì là lạ vì làm sao đời thầy sinh, ông bà lại hiếm hoi chiều quý thầy, đến năm 22 tuổi, thầy ra làm quan, 25 tuổi thì ông bà quy tiên. Thế là từ ấy thầy cầm đầu tất cả công việc đối với xã hội cũng như trong gia đình. Ai cũng sợ nể thầy…”.
Rồi bác kể rằng: “Dù sai trái phận làm dâu, Tết đến vẫn phải đứng lên xin tạ lỗi để cụ tha thứ vui vẻ ăn tết với con cháu”. Rồi bác bảo rằng bác đã dạy bảo các anh các chị không được cãi lại ông, ngay đến bác Cả trai đã lớn rồi, già rồi mà “không bao giờ dám cãi nữa là chúng mày con cháu. Thật thế em ạ, gia đình nhà ta chưa xảy ra cha mắng con cãi lại rầm rầm như thế đã là đại phúc rồi em ạ”.
Các anh thuộc thế hệ thứ ba sống bên cạnh người ông, như vậy thì hỏi làm sao mà cam chịu nổi trong lúc Mặt trận Việt Minh kêu gọi chống phong kiến, chống áp bức. Thế hệ thứ hai như mẹ tôi là điển hình mà còn quyết chí vượt ra khỏi vòng áp chế nữa là lớp trẻ - lớp con cháu.
Sống trên Yên Thế, Tuyên Quang, Lạng Sơn là nơi căn cứ địa cách mạng, rất may mắn cho các anh tôi, không khí cách mạng trên chiến khu đã rất nhanh chóng thổi đến và cuốn hút các anh vào cơn bão táp của cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc. Sau này trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Ái, anh Mãn, anh Lục và chúng tôi gặp lại nhau nhiều lần. Lúc ở Phú Thọ, lúc ở Chiêm Hoá. Mỗi lần gặp lại các anh là thay sự trưởng thành của Vệ Quốc đoàn, của anh bộ đội cụ Hồ. Các anh đã tham gia nhiều trận đánh. Cuối cùng là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những anh chị em sống tại Ha le đều trải qua thăng trầm của cuộc sống, gần như đều có chung một ý nghĩ như anh Chu Quang: “Có lúc tán thành phương pháp giáo dục của cụ Vi nếu pha thêm được những nét dân chủ…”.
Rồi anh nhắc tới tuổi thơ để lại cho chúng mình điều gì đáng quý? Về cuộc sống đại gia đình mà tôi kể trên, anh cho rằng: “Nó không cho phép mình ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình và anh em với nhau ai cũng có bổn phận, gần gũi yêu thương nhau, mong cho nhau tốt đẹp… Những thực tiễn xã hội đâu thế, còn có số phận của nó… Nhưng cái cơ bản nhất mà chúng mình đều có đó là lương thiện và có những đức tính thật sự con người”.
Ngày 18-9-1949, mẹ tôi gặp anh Ái ở Thanh Thuý, Phú Thọ đã viết: “Ái thay đổi nhiều. Ái đưa nhật ký cho cô xem. Thời gian Ái ở Cao Bằng cũng một thời đấy!… Mong cháu hãy phát huy lên để ông, cha mẹ chồng cả họ tự hào có người con ưu tú. Hiện giờ Ái học ở không quân…”.
Sau ngày chiến thắng trở về Hà Nội vì thành phần anh phải chuyển ngành và đã làm việc ở Bộ Đại học cho đến ngày nghỉ hưu. Anh Chu Quang cũng như anh Ái ở trong quân ngũ, các anh chiến đấu rất dũng cảm và có thành tích nên được đề bạt Đại đội trưởng. Mẹ tôi gửi cho tôi tấm ảnh anh Quang oai nghiêm trong bộ quân phục và chiếc huy hiệu: “Chiến sĩ Điện Biên”. Đó là niềm tự hào của mẹ tôi, của chúng tôi. Nhật ký trong Kháng chiến nhiều lần mẹ tôi viết “Bác yên tâm về Mãn”.
Cùng chung số phận như anh Ái, anh Quang giải ngũ và về phụ trách thể dục thể thao ở Hải Phòng. Ở cương vị nào anh cũng làm việc hết mình. Sau khi cha tôi qua đời anh Chu Quang đã nói lên tình cảm của con cháu đối với người bác như sau: “… Tin bác ra đi đột ngột và xúc động, nước mắt cháu tràn ra. Tổn thất và đau thương cho tất cả con cháu. Cháu vô cùng biết ơn bác đã dìu dắt từ những ngày chập chững vào đời (1937 -1945). Lớn lên theo Cách mạng, cháu vẫn luôn luôn noi gương bác, một người thực sự học được ở Bác Hồ kính mến đạo đức “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và suốt đời trung thành với sự nghiệp đại của Đảng và dân tộc”.
Thấy tôi có viết hồi ký và nhắc đến một thời cùng chung sống tại “Hale”. Anh Chu Quang nói với tôi: “Vừa qua mình có viết một bài về tiêu đề anh lính Điện Biên Phủ năm xưa trên mảnh đất cảng Hải Phòng rất được hoan nghênh. Chủ đề là anh lính Điện Biên Phỉ đồng nghĩa với anh lính cụ Hồ, hoàn thành nghĩa vụ, huân chương đầy ngực, cấp bậc thì cao, không lao vào công việc tiêu cực và không thể nào lại là viên đại uý Tênacđiê của Victo Hngô”.
Chị Hồ, sau năm 1944, có quay trở về Hà Nội và theo trường Fêlic Fô chuyển vào Hà Đông học. Chị Hồ cao lên, đẫy đà hơn, xinh đẹp hẳn lên. Đúng là một cô gái duyên dáng, dịu hiền, mạnh khỏe, nhanh nhẹn và rất hồn nhiên. Thế là anh Tôn Thất Tùng học trò của chú Hồ Đắc Di yêu say đắm, nhất nhất xin cưới ngay trong đầu năm 1945. Mới 15 tuổi tròn, chị đã đi lấy chồng. Chị thì quá trẻ, anh hơn chị 20 tuổi. Tôi từ Hà Đông cũng được đón về Hà Nội để dự đám cưới.
Đám cưới anh chị Tùng, Hồ được tổ chức tại nhà Hale (59 Trần Bình Trọng) nhộn nhịp như những lần ông tôi mời khách. Mâm bàn bày biện lịch sự tại phòng khách và phòng ăn. Nhà Hale mở rộng cửa đón khách. Tôi còn nhớ những món ăn có màu sắc rực rỡ: xôi gấc đỏ, chả quế thơm, các món ăn được bày biện rất cầu kỳ. Mọi người quay ra làm kem ngay trước bếp của bác Thuận. Nào đá, nào mùn cưa đầy ở sân, mọi người chạy lên chạy xuống nhộn nhịp. Trong đám cưới chị Hồ chỉ thiếu có đội múa xòe như mọi lần ông tôi tiếp khách.
Đôi vợ chồng anh chị Tùng, Hồ sống trọn cuộc đời đầu bạc răng long mà vẫn còn yêu nhau say đắm. Đôi Tùng, Hồ và đôi cha mẹ tôi là niềm hạnh phúc đôi lứa mà cả họ tôi ai cũng biết, cũng quý trọng và noi theo. Kể từ sau ngày cưới anh chị Tùng, Hồ tôi không bao giờ còn được đặt chân tới ngôi nhà thân thương và biết bao kỷ niệm trìu mến của tuổi thơ nữa. Sau đám cưới chị Hồ ít lâu sau thì Cách mạng thành công.
Những ngày huy hoàng
Trong Bản tự thuật lý lịch cha tôi đã viết: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi giải phóng cho dân tộc một cách kỳ diệu. Tôi vô cùng sung sướng, được thấy ánh sáng và tham gia cách mạng từ đấy…”.
Ngày 3 tháng 8 năm 1945, mẹ tôi sinh em Huy chưa được mấy ngày thì nạn lụt vỡ đê. Trong khi đó cha tôi vất vả ngày ngày đạp xe từ Hà Đông ra Hà Nội làm việc. Nơi ở của gia đình là nơi trũng thấp nên không thể nấn ná được. Không chờ ngày đầy tháng của em tôi, mẹ tôi đã phải thu dọn bồng bế chúng tôi trở về Hà Nội. Trên hiên nhà 45 Cột Cờ, tôi chứng kiến ngày đoàn biểu tình sục sôi diễu hành trên đường phố hô vang khẩu hiệu. Cả một rừng cờ đỏ sao vàng tung bay trên tay mọi người.
Nhật ký mẹ tôi viết: “Mẹ con bồng bế nhau từ Hà Đông ra Hà Nội để sống những ngày huy hoàng của Tổ quốc”. Cha mẹ chẳng có lúc nào kể cho chúng tôi nghe về thời bấy giờ.
Ngày 27 tháng 8 năm 1945, trên Báo Cứu Quốc số 32 có đăng bức điện: “Một chính phủ nhân dân lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”. Ký tên của bốn nhà trí thức, trong đó có cha tôi. Vì sao có bức điện này? Theo Giáo sư Nguyễn Xiên kể lại thì: “Chiều ngày 22 tháng 8 năm 1945, sau cuộc khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, sinh viên và thanh niên học sinh tổ chức mít tinh ở Đông Dương học xá có mời nhiều nhà trí thức trong đó có anh Nguyễn Văn Huyên, Nguỵ Như Kon Tum, Hồ Hữu Tường và tôi (Nguyễn Xiển) đến phát biểu ý kiến. Chúng tôi đều đồng thanh ủng hộ Việt Minh…”.
Do việc này ông Xiển cho biết nhà sử học Pháp khi viết về Cách mạng Tháng Tám đã gọi nhóm bốn người là “Nhóm người đánh điện”.
Vào năm 1968, cha tôi đã có bài phát biểu trên đài tiếng nói Việt Nam về trí thức trong giai đoạn bấy giờ ông đã nhắc tới xúc cảm của mình trong ngày đầu Cách mạng Tháng Tám: “Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc của mình khi đứng trên quảng trường Ba Đình lịch sử nghe Hồ chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Không phải đến lúc đó tôi mới nghe mấy tiếng “Độc lập, Tự do”, nhưng cũng chỉ từ phút đó và qua kháng chiến tôi mọi càng thấm thía nghĩa sâu sắc hai tiếng đó…”.
Kể từ năm 1938, ông Vương Kiêm Toàn đã cùng làm việc với cha tôi trong Ban trị sự truyền bá quốc ngữ. Bấy giờ ông đảm nhiệm chức Trưởng ban dạy học của Trung ương Hội. Đến ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập “Bình dân học vụ” thì ông Vương Kiêm Toàn cũng đã lại có mặt trên mặt trận này. Cha tôi và ông lại cùng sát vai phục vụ cho sự nghiệp nâng cao dân trí. Suốt 30 năm cùng làm việc với cha tôi, ông luôn ở cương vị Vụ trưởng Vụ bình dân học vụ.
Ngày 8 tháng 9 năm 1975, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Ngành Bình dân học vụ. Trong buổi họp mặt đông đủ anh chị em hoạt động Bình dân học vụ lâu năm cha tôi cũng đã có mặt. Sau lần gặp mặt đó cha tôi đã sang Cộng hoà Dân chủ Đức cũ chữa bệnh. Không ngờ đó là buổi gặp mặt cuối cùng với những người hoạt động Ngành Bình dân học vụ. Sau khi hoàn thành cuốn sách “Hội Truyền bá Quốc ngữ” Nhà xuất bản Giáo dục 1980, ông Vương Kiêm Toàn đã không quên gửi tặng gia đình cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên - thành viên Ban trị sự Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc Kỳ.
Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, cha tôi được cử giữ chức Tổng giám đốc Đại học vụ kiêm Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ. Thời gian này Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum làm Đổng lý văn phòng Bộ Giáo dục kiêm Phó giám đốc Đại học vụ. Bấy giờ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục là luật sư Vũ Đình Hòe.
Một thời gian sau ông Hòe về làm Bộ trưởng Bộ Tư Pháp thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục chuyển cho ông Đặng Thai Mai.
Khi ông Ca Văn Thỉnh từ Miền Nam ra Bắc thì ông Mai nhường lại chức đó cho ông Thỉnh. Từ tháng 11-1946 cha tôi mới chính thức thay ông Ca Văn Thỉnh làm Bộ trưởng.
Ông Vũ Đình Hoè viết trong Hồi ký về cha tôi như sau: “Tôi đến chơi Nguyễn Văn Huyên tại Học Viện Bác cổ để bàn với Anh về khung tổ chức Bộ Quốc gia Giáo dục và mấy việc phải làm ngay. Giúp Bộ quản lý việc học sẽ đặt ở Trung ương bốn Nha đứng đầu là bốn Tổng Giám đốc. Nha Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên phụ trách, hai Nha Trung học và Tiểu học sẽ giao cho hai anh Nguỵ Như Kon Tum và Nguyễn Hữu Tảo. Còn về Bình dân học vụ sẽ bàn thêm với Cụ Tố. Tôi khẩn khoản xin anh Huyên nhận thêm cho vai Cố vấn của Bộ, thì anh cười: “Tôi đâu dám, cố vấn vân cho Bộ phải là một Hội đồng: Hội đồng Giáo dục Quốc gia. Tôi sẽ tìm các vị cố vấn cho Anh. Cũng là những người Anh biết cả thôi…”.
Ông Vũ Đình Hoè viết tiếp: “Sắc lệnh ngày 10-10-1945 thiết lập “Hội đồng Cố vấn học chính” để xúc tiến việc nghiên cứu soạn thảo dự án Cải cách Giáo dục của Chính Phủ lâm thời nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà. phải nói ngay rằng ông “thợ cả” giúp đỡ cho Hội đồng dựng lên được bản dự án đứng đắn ấy chính là Nguyễn Văn Huyên, và trợ thủ đắc lực là Hồ Hữu Tường, có tham khảo bản “Chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn” đã bắt đầu áp dụng từ niên khoá 1945-1946 tại Trung Kỳ (và cả những năm tiếp theo ở Miền Nam)…
Trong tờ trình bản dự án, nêu rõ đường lối cải cách như sau “Nền giáo dục mới đặt trên ba Nguyễn tắc cơ bản: dân chủ, dân tộc, khoa học và theo tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia”.
Trong tạp chí “Tiên Phong” số 2, ngày 1-12-1945, có đăng một thông tin: “Trường Đại học khai giảng: Sáng 15-11-45 tại Hà Nội đã làm lễ khai giảng trường Đại học. Tới dự có Hồ chủ tịch, nhiều quan khách Trung Hoa và nhân viên Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Huyên, Giám đốc Đại học vụ, đọc diễn văn khai mạc. Ông Vũ Đình Hoè, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nói về các nhiệm vụ của trường Đại học lúc này. Sau cùng là cuộc phát bằng cho các bác sĩ tân khoa, nn bằng cấp đầu tiên của nước Việt nam độc lập”.
Bài diễn văn, được đọc trong buổi lễ khai giảng Trường Đại học đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà năm thứ nhất, cha tôi viết bằng bút chì được lưu giữ tại Pháp trong “Hồ sơ Nguyễn Văn Huyên”. Cô Nguyễn Phương Ngọc nghiên cứu sinh tại Pháp nghiên cứu về lớp trí thức Việt nam của đầu thế kỷ 20 đã sưu tầm được và gửi về cho gia đình chúng tôi. Tôi muốn ghi lại đây toàn bộ bài diễn văn này để con cháu mãi mãi phải gắng công học hành xứng đáng với niềm tin và hy vọng của ông Cha vào thế hệ tương hai của Tổ quốc:
“Thưa Cụ chủ tịch, Thưa các ngài, Thưa các bạn,
Tôi rất lấy làm vui mừng và cảm động, được thấy cử hành ở đây buổi lễ long trọng mở đầu một kỷ nguyên mới cho nền Đại học nước Việt nam ta. Vậy trước khi trình bày cùng các ngài những phương sách của trương Đại học tôi xin thay mặt toàn Ban Đại học cảm ơn cụ chủ tịch đã không quản thời giờ vàng ngọc tới chủ toạ ngày lễ của chúng tôi. Tôi lại không quên cảm tạ liệt quý vị đại diện cho các phái bộ cường quốc Đồng minh ở Hà Nội và các anh em đồng bào các giới tới chứng minh lễ khai giảng đại học này.
Các ngài tới đây làm tăng vẻ long trọng của một buổi lễ mà trường ra chỉ là một buổi họp thân mật của các Giáo sư và các bạn sinh viên.
Nhưng buổi lễ hôm nay anh em Giáo sư và sinh viên chúng tôi muốn là một dịp để tỏ cho thế giới biết trong giờ phút nghiêm trọng của tiền đồ Tổ quốc này, dân tộc Việt nam ngoài công cuộc đấu tranh bằng xương máu trên thiên địa cũng nỗ lực tham gia vào công cuộc tiến triển văn hoá của nhân loại. Chúng tôi muốn rằng nền đại học mới này là một lực lượng mạnh trong những lực lượng chiến đấu của dân tộc Việt nam. Chúng tôi muốn nó là một thành luỹ để trường kỳ kháng chiến phục hồi hoàn toàn lãnh thổ và giải phóng tinh thần cho dân tộc chúng tôi là một dân tộc văn hiếu có ngoài nghìn năm lịch sử độc lập và tự gây nên được một nền văn minh đặc sắc trên ven bể Thái Bình Dương này.
Thưa các ngài,
Vì cảm thấy sự quan trọng của nền đại học tôi muốn nhân cuộc hội họp hôm nay trình bày với các Ngài một đôi lời về công việc của chúng tôi.
Trường Đại học quốc gia này mở ra trong những trường hợp rất khó khăn. Thế giới vừa vùi được ngọn binh lửa mới có hơn một tháng thì cuộc binh đao sát hại lại bùng nổ lên trên cả một dải đất rộng và phì nhiêu nhất ở phương Nam nước này. Dựa vào những lý thuyết bất công và giả dối, thực dân Pháp đã đi ngược đường với sự chiến đấu chung cho tự do của nhân loại. Sự xâm lăng ấy còn đương tiếp tục một cách mãnh liệt mà chúng tôi được thượng lệnh xây đắp ngay nền tảng Đại học quốc gia.
Tuy khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đơ của tất cả mọi người, chúng tôi đã không sai hẹn.
Về các bạn sinh viên thì ai nấy đều lặng lẽ hiểu biết trách nhiệm của mình và đã tiếp tục ghi tên vào các ban, cùng dự các kỳ thi lên lớp hoặc tốt nghiệp, một cách sốt sắng và có hiệu quả tốt đẹp.
Thế là không kể những anh em sinh viên cùng thanh niên trí thức hiện nay còn ở trong hàng ngũ quân đội, hoặc ở những cơ quan chiến đấu khác, không kể những anh em Nam Bộ hoặc còn đang tranh đấu trên chiến trường, hoặc còn đương tham dự công việc hành chính, những anh em Trưng bộ còn bị đường sá cản trở, những anh em lân bang Cao Miên Ai Lao đương bị thực dân Pháp chia rẽ, chưa kịp tới giúp sức chúng anh em có mặt ở đây.
Dầu sao với số sinh viên đã ghi tên theo học các ban, chúng tôi cũng nhận thấy rằng Trường Đại học đã mở ra trên một cơ sở khả quan. Nhưng chúng tôi cũng mong rằng trước sự hoà bình mà vì công lý thiêng liêng sẽ trở lại đất nước này, số sinh viên ấy sẽ tăng thêm nhiều lên để xứng đáng với số quốc dân hiếu học và với địa vị của Việt nam trong nền văn minh Đông Á.
Về vấn đề Giáo sư, chúng tôi có trách nhiệm là lập hẳn một ngạch mới vì nền tảng của Pháp thuộc để lại đã quá mỏng yếu. Trong sự tựa chọn Giáo sư là những vị có nhiệm vụ tối cao dẫn đạo cho các bạn thanh niên trí thức tân tiến nước nhà trong thời gian lịch sử quan trọng này, chúng tôi đã căn cứ không những là chỉ về bằng cấp, mà cả vì kinh nghiệm. Chúng tôi đã chú trọng tới những nhà chuyên môn có trực tiếp thẳng với đời sống của dân tộc, tới tất cả các ngành hoạt động trong nước như bác sĩ, bác học, kỹ sư.
Tất cả mọi người đã giúp chúng tôi trong công việc khó khăn lựa chọn này. Ai nấy đều một lòng hy sinh để cho nền đại học được mau có kết quả. Ngoài những bực chuyên môn, chúng tôi đã được những nhân vật trong giới ngoại giao, trong giới chính trị, trong các giới văn hoá giúp. Vâng, trong đoàn Giáo sư mới này chúng tôi có những bực đã từng chiến đấu cho đất nước, có những vị nhiều kinh nghiệm trên đường đời, có những nhân sĩ đã từng du học lâu năm ở ngoại bang.
Vì thế mà trong các ban đại học chúng tôi có đủ nhân tài tham gia vào công cuộc kiến thiết: tân học có, cựu học có, lão thành có, tuổi trẻ có. Ai nấy đều một lòng hăng hái, không ngại nhiều công lắm việc, mà đem tài năng, kinh nghiệm xây đắp nền văn hoá mới cho quốc gia, cố tâm tìm những phương sách thích hợp với công việc đào tạo nhân tài, không câu nệ quá ở cổ tục, không nhắm mắt đi liều trên con đường mới xẻ.
Muốn cho công cuộc xây đắp đại học có một cơ sở vững vàng, chúng tôi đã được phép chính phủ cho lập mọt Hội đồng quản trị gồm các Giáo sư có kinh nghiệm mà những bậc có quan tâm tới đại học. Hội đồng ấy có nhiệm vụ là tìm một phương sách thích hợp để mở mang nền đại học và để quản trị một ngân sách tự trị giống như các quỹ tự trị ở các trường đại học các nước tân tiến Âu- Mỹ. Quỹ này được chính phủ trợ cấp hằng năm, mà chúng tôi mong rằng nhiều bậc hảo tâm trong nước sẽ giúp sức hoặc bằng tiền mặt, hoặc bằng nhà cửa ruộng đất để nền đại học được phát triển nhanh chóng.
Quỹ ấy phải có nhiều người giúp vì những phòng thí nghiệm và những thư viện của chúng tôi còn phải mở mang nhiều lắm, nhất là trong mấy năm chiến tranh những điều đã phát minh ra rất nhiều và rất quan trọng cho văn minh hiện đại.
Nói tóm lại, Trường Đại học Việt nam sau bao nhiêu năm bị kiềm chế cần phải cấp bách tiến một bước dài. Hiện thời Trường Đại học ngay niên khoá này có năm ban Y Khoa, Khoa học, Văn khoa, Chính trị xã hội và Mỹ thuật.
Ban Y Khoa thì có Y học, Dược học và Nha học; Ban Khoa học thì có đủ các khoa toán lý, hoá và thiên nhiên học; ban Mỹ thuật thì có hội hoạ và điêu khắc học. Cả ban này hiện thời còn theo quy tắc cũ. Nhưng nội trong niên khoá này sẽ triệu tập một hội đồng để tìm phương sách cải tổ lại cho hợp với những sự tiến bộ của nhân loại.
Trong hai ban mới là Chính trị xã hội và Văn khoa thì ban Chính trị xã hội dùng để thay cho ban Luật học cũ vì khuôn khổ ấy không thích hợp với nhu cầu của mọi ngành xã hội cách tân này. Niên khoá 1945- 46 ban Chính trị xã hội có hai lớp. Một lớp đặc biệt dành cho những sinh viên đã học hai năm Luật khoa rồi; một lớp thượng thì mở chung cho tất cả những thanh niên có bằng tốt nghiệp trung học muốn chuyển về mọi ngành chính trị và hành chính. Lớp này học làm hai năm. Năm đầu sẽ dạy những khái niệm đại quan về dân luật, hiến pháp, công pháp và kinh tế.
Những sinh viên tối nghiệp năm đầu sẽ được học một năm thứ hai chuyên môn hoặc về kinh tế và hành chính, hoặc về công pháp và ngoại giao, hoặc về tư pháp. Sau này sinh viên tốt nghiệp về chuyên khoa nào sẽ có thể tạm áp dụng được trong mọi ngành hoạt động của quốc gia như hành chính, ngoại giao, tư pháp, thương mại, luật sư…
Còn ban Văn khoa thì hoàn toàn mới. Mục đích ban này là phần thì để đào tạo lấy một số Giáo sư cho nền trung học, phần thì để gây lấy trong anh em thanh niên có một căn bản vững bền để có thể tham gia được vào những cuộc khảo cứu và phát minh trong mọi ngành triết lý, xã hội, văn chương, sử ký, địa dư là một phần những công cuộc lớn lao kiến thiết văn hoá của toàn thể nhân loại văn minh hiện đại.
Nên cần cấp trong một thời hạn hai năm chúng tôi sẽ mở mười khoa là hai khoa thiên lý, một khoa xã hội và nhân chủng, bốn khoa văn chương, hai khoa sử ký và một khoa địa dư. Những khoa ấy sẽ xếp làm bốn chuyên khoa để tiện hướng dấn sinh viên về những ngành hoạt động đặc biệt của tinh thần triết lý, sử ký, địa dư, văn học Việt nam và văn học Trung Hoa.
Thêm nữa, vì nhận xét rằng trong thế giới đại đồng ngày nay không một nước nào dầu lớn hay nhỏ, là có thể sống tách biệt được, nên Trường Đại học sẽ chú trọng đặc biệt ngay trong niên khoá 1945- 46 tới những sinh ngữ có quan trọng cho văn hoá, như tiếng Trung Hoa, tiếng Anh-Mỹ, tiếng Nga. Ngoài ra, nhờ sự tận tâm của các Bộ Kinh tế, Giao thông những trường Cao đẳng chuyên môn Thú y, Canh nông và Công chính đều cũng khai giảng ngày hôm nay.
Thưa Cụ Chủ tịch, Thưa các Ngài,
Đấy là tóm tắt những phương sách của Trường Đại học quốc gia Việt Nam ngay năm đầu của nền dân chủ cộng hoà. Trước sự hợp tác của các Giáo sư, trước sự sốt sắng của các bạn sinh viên, trước lòng ái quốc và sự hy sinh của tất cả mọi người, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thành công. Và cũng vì tin tưởng rằng nền Đại học là một trong những nền tảng của công cuộc kiến thiết quốc gia, anh em chúng tôi cùng hội họp ở đây hôm nay, trước sự khuyến khích long trọng của liệt vị quý khách, chúng tôi cảm thấy có cùng một trách nhiệm luyện tập tinh thần cho một số khả quan đại chúng chọn ở mọi tầng lớp dân chúng, không kỳ là trai hay gái, là quý hay tiện, là giầu hay nghèo để giúp vào công cuộc xây dựng nền văn hoá mới cho nước Việt nam.
Chúng tôi cảm thấy cũng có trách nhiệm đào tạo một số đông những người có đủ đức tính và khả năng để dẫn đạo cho quần chúng, những bực quân tử, nếu các ngài cho phép tôi dùng một chữ cổ, trong nghĩa cổ của một nền văn minh Đông phương, những người vừa biết trau dồi về kiến thức để có thể tự biết phẩm bình mọi lực lượng của văn minh, vừa biết xử sự về thực tế để có thể đem áp dụng ngay trong đời sống những điều hiểu biết của mình để cùng anh chị em đồng bào các giới nêu cao ngọn quốc kỳ trong mọi cơn giông tố, và trong mọi cuộc hội họp quốc tế về văn hoá trên nền hoà bình, công lý, tự do, hạnh phúc, bác ái xán lạn của nhân loại mai sau.
Vì thế chúng tôi sẽ hành lễ khai giảng đại học này một cách giản dị và trang nghiêm để tất cả anh chị em hiểu rõ nhiệm vụ cùng cố gắng”.
Ngay sau khi khai giảng Trường Đại học, ông Nguyễn Trọng Phấn kể, cha tôi nhờ ông đi tìm người biết tiếng Nga để mở lớp dạy tiếng Nga.
Ông Phấn kể hồi đó tìm được một người biết tiếng Nga ở Hà Nội thật là một điều khó khăn, nhưng cuối cùng, ông đã tìm được một người Nga Bạch vệ đang cư trú tại Hà Nội. Tạp chí “Tiên phong” số 3, ngày 16 tháng 12 năm 1945, đã đăng tin “Lớp dạy tiếng Nga - Bắt đầu từ ngày 17 tháng 12 năm 1945 sẽ mở tại trường Đại học một lớp dạy tiếng Nga dành riêng cho sinh viên các ban trong Đại học; người ngoài có bằng Trường học cao cấp; công chức do các ông giám đốc giới thiệu”.
Cùng đăng tin này có tin: “Lớp La tinh và Hy Lạp ban Văn khoa trường Đại học Việt nam sẽ mở vào trung tuần tháng 12 năm 1945 một lớp dạy văn chương La tinh và văn chương Hy Lạp, do Giáo sư Phạm Duy Khiêm đảm nhận”.
Theo những tư liệu lưu giữ trong gia đình, ngoài tham gia các công tác về giáo dục cha tôi đã tham gia các hoạt động văn hoá. Có một bức thư của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao số 214/VP gửi cha tôi, lúc ấy là Giám đốc Đại học, đề ngày 26-3-1946, có nhắc lại việc cha tôi “trong buổi họp Ban Văn hoá của Bộ Ngoại giao là uỷ viên Hội, ông đã vui lòng nhận tìm hộ cho các tài liệu về sách vở, tranh ảnh cũ, mới có liên quan đến nền văn hoá của dân tộc Việt nam. Vậy xin nhắc để ông cho sưu tầm những tài liệu đó và đến 30-3-46 hồi 9 giờ sáng, mời ông lại dự Hội đồng của toàn Ban Văn hoá (văn chương và mỹ thuật)…”.
Chỉ sau 6 tháng Cách mạng thành công “Ngày 9 tháng 2, hồi 9 giờ sáng, sau khi Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên chính phủ đã làm lễ khai mạc cuộc triển lãm do ông Giám đốc cùng nhân viên của Đông Phương Bác cổ viện tổ chức tại Quốc gia Bảo tàng viện, chúng tôi cũng vào xem, với cái lòng hăm hở sẽ được mục kích những tài liệu về văn hoá và lịch sử nước nhà mà bấy lâu chỉ được nghe nói đến hay thỉnh thoảng được xem hình ảnh trong các tạp chí bác học…”. (Tạp chí “Tiên phong” số 7, ngày 15 tháng 3 năm 1946. Bài của Thu Xan). Cha tôi vào thời gian đó giữ chức Giám đốc Trường Bác cổ.
Uỷ ban Vận động Hội nghị Văn hoá Toàn quốc đã gửi cho cha tôi một bức thư ngày 15 tháng 4 năm 1946:
“… Chúng tôi khẩn khoản yêu cầu ông, hết sức lưu tâm đến bài thuyết trình mà ông đã hứa làm giúp. Chúng tôi cũng biết ông bận nhiều công việc quan trọng khác, nhưng vì bài thuyết trình đó có một địa vị đặc biệt và một ảnh hưởng sâu rộng về văn hoá sau này, dám mong ông sẽ không bao giờ để Hội nghị Văn hoá đầu tiên của nước nhà thiếu một tài liệu cần thiết như vậy…”.
Trong hồ sơ gia đình không thấy có bài viết này. Sau tôi được đọc trên tạp chí “Tiên phong” số 24, ngày 1 tháng 12 năm 1946. Bài của Phóng viên, chúng tôi mới biết chắc bài đó không được đọc vì Hội nghị chỉ diễn ra trong ngày: “Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã sửa soạn trong gần một năm nay. Đã mấy lần giấy tờ vận động đã gửi đi khắp nước, đã mấy lần định họp hội nghị ở Thủ đô, nhưng vì tình thế phải hoãn lại mãi đến ngày 24 tháng 11 năm nay…
Hội nghị khai mạc lúc 9 giờ sáng tại Nhà Hát Lớn. Có mặt gần 200 đại biểu Bắc, Trung, Nam… Ngoài các đại biểu Văn nghệ… còn có đủ đại biểu các ngành văn hoá khác, khoa học, triết học như các ông Hồ Hữu Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên…
Thật là xứng đáng một cuộc Hội nghị Văn hoá toàn quốc, nhất là khi Hồ chủ tịch bước lên đọc diễn văn khai mạc…
Và sau đó Hội nghị được một cái tin bất ngờ: Hội nghị chỉ họp trong một ngày hôm nay thôi. Cái chương trình rộng lớn trong bảy ngày đành phải gác lại…”.
Ngày 9 tháng 5 năm 1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Ca Văn Thỉnh, đã gửi thư cho cha tôi lúc đó làm Giám đốc Đại học vụ: “Hội đồng sách giáo khoa họp ngày 18-4-1946, đã đề cử ông soạn cho một quyển Sử ký theo chương trình lớp Chuyên khoa Lịch sử thế giới hiện tại… Vậy tôi có lời trân trọng xin ông vui lòng đảm nhận cho việc soạn quyển sách giáo khoa nói trên. Vì nhu cầu của học sinh các trường, xin ông soạn gấp cho quyển ấy để có thể xuất bản kịp vào dịp khai trường của niên học 1946-1947 này thì hay. Nếu ông đã soạn xong quyển sách ấy - hoặc một quyển sách giáo khoa khác - xin ông gửi ngay bản thảo cho bản Bộ để đưa Hội đồng duyệt y và trù liệu việc xuất bản cuốn sách này. Sau này tôi được đọc đề cương bản thảo cha tôi chuẩn bị viết về Bác Hồ với sự nghiệp Giáo dục và Bác Hồ với trí thức, có mục: “Cử làm Bộ trưởng Giáo dục”. Trong phần này cha tôi đã ghi tóm tắt những nội dung Bác đã nói trong lần gặp cha tôi vào tháng 11 năm 1946: “Bác thấy chú chăm chỉ, có đạo đức nên giới thiệu đoàn thể mà được chấp nhận”. Bác bảo: “Khó Bác giúp, nghiên cứu cùng làm, quyết tâm là được. Bọn phản động bán nước đã gạt ra hết rồi. Pháp chúng rất ngoan cố mà hiếu chiến. Cả nước một lòng chúng không làm nổi gì. Ta nhất định thành công”.
Ngày 14 tháng 11 năm 1946, “Theo quyết nghị của Quốc hội, ngày 3 tháng 11 năm 1946, ông nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Ca Văn Thỉnh đã bàn giao công việc Bộ Quốc gia Giáo dục cho ông Bộ trưởng mới Nguyễn Văn Huyên”. Cha tôi đã đảm nhận nhiệm vụ này suốt từ ngày đó cho đến khi mất vào ngày 19 tháng 10 năm 1975.
Như một chuyện thần thoại, một dân tộc vừa phá xiềng gông nô lệ đã lao vào việc học hành. Ngay cả vùng nông thôn xa xôi, tối đến sau những buổi cày cấy, nông dân lại ngồi học bên những ngọn đèn dầu với biết bao say mê háo hức. Khi phong trào xoá nạn mù chữ đã ít nhiều thành công, ngành Giáo dục lại phải lao ngay vào việc tổ chức soạn chương trình học và soạn tài liệu giáo khoa, nghiên cứu và sửa đổi cho thích hợp nhu cầu mới. Học viên thoát nạn mù chữ được qua ngay lớp dự bị để học một số kiến thức phổ thông… Rõ ràng cha tôi thấm nhuần điều Bác Hồ nêu: “Muốn giữ nền độc lập muốn cho dân giầu nước mạnh, mỗi người Việt nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Và trước hết là phải biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ…”.
Kể từ niên khoá 1946-1947, đã mở tại tỉnh lỵ Thái Nguyên (Bắc Bộ) một trường Trung học Phổ thông, tại tỉnh lỵ Hải Dương một trường Trung học Phổ thông…
Sau 30 năm Cách mạng thành công, vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Bác Hồ, cha tôi đã viết bài trên báo Tổ quốc vào năm 1975 (Đó cũng là bài viết cuối cùng trước lúc ra đi gặp Bác Hồ). Trong đó cha tôi có nêu: “Trong gần 30 năm phục vụ sự nghiệp xây dựng ngành Giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, vinh dự lớn nhất cũng là hạnh phúc lớn nhất đối với tôi và đó cũng là vinh dự lớn nhấtn đối với tất cả những người làm công tác Giáo dục là được sự quan tâm của Bác Hồ, một sự quan tâm thường xuyên, liên tục, cụ thể, một sự quan tâm hết sức đặc biệt…”.
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ mà thành tựu giáo dục từ 1945 đến 1975 đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao và được coi là “Một trong hai Bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa”.