Sau khi trở về nước, cha tôi cùng bác Nguyễn Mạnh Tường đều xin vào dạy ở Trường Bưởi, một trong những cái nôi đào tạo trí thức lúc đó. Năm 1908, Trường Bưởi mới được thành lập gọi là Trường Trung học Bảo hộ Hà Nội (Lycée du Protectorat) là những năm bà nội tôi mới sinh cha tôi và chú Hưởng.
Sau 25 năm thì cha tôi đã trở lại làm giảng viên. Những tưởng đã chọn được nghề trong sạch và nối nghiệp ông cha như gia phả tộc Nguyễn đã ghi “Lấy nghiệp giáo để giúp người”. Trước sự kìm hãm mất tự do, nhất là cha tôi dạy về môn Sử, Địa, do vậy ông đã chuyển đi. Cha tôi chuyển sang công việc nghiên cứu khoa học và trở thành người Việt nam đầu tiên là uỷ viên thường trực của Trường Viễn Đông Bác cổ, một cơ quan nghiên cứu khoa học có uy tín lớn ở Việt nam và Đông Nam Á lúc bấy giờ. Trường Viễn Đông Bác cổ (Ecole Francaise d extrême Orient - EFEO) được thành lập từ năm 1900 tại Sài Gòn với nhiệm vụ khảo cứu lịch sử ngôn ngữ, khảo cổ các nước Đông Dương và Khu vực Viễn Đông. Đến năm 1901, mới chuyển ra Hà Nội. Tại đây cha tôi đã có cơ hội góp phần cùng với Trường triển khai những nghiên cứu về tín ngưỡng, thiết chế của nước nhà và đặc biệt đi sâu vào xã hội nông thôn Việt nam. Cha tôi đã có nhiều công trình đăng trên tập san của Trường (BEFEO), một tập san dưới sự chỉ đạo của Viện hàn lâm Khoa học Pháp.
Trong quá trình nghiên cứu khoa học, cha tôi vẫn tiếp tục dạy học, thuyết giảng tại Trường Bưởi, Trường Đại học Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác cổ. Năm 1906, trước sự đòi hỏi của các sĩ phu yêu nước, toàn quyền Pôn Bô đã ký Nghị định thành lập trường Đại học đầu tiên của Việt nam cũng là trường Đại học Đông Dương. Ngày 11 tháng 10 năm 1907, trường Đại học Đông Dương khai giảng nhưng chỉ được 1 năm thì phải đóng cửa vì không đủ điều kiện. Từ năm 1918 đến năm 1923, Toàn quyền Đông Dương có mở một số trường cao đẳng như Cao đẳng Luật và Pháp chính, Sư phạm, Công chính, Thương mại, Nông nghiệp, Y Dược… Khi cha tôi nhận giảng môn Lịch sử Văn minh Việt nam cho trường Luật thì Đại học Đông Dương có thêm nhiều trường mới như Cao đẳng Mỹ thuật…
Trong mười năm đầu đời ra làm việc xã hội, cha tôi đã để lại hơn 45 công trình nghiên cứu khoa học. Ở đấy ông dã gửi gắm biết bao tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc.
Vào năm 1938, ông đã tham gia hoạt động cùng các tầng lớp trí thức yêu nước. Trước yêu cầu khẩn thiết của Cách mạng và lòng mong mỏi của người dân Việt nam là muốn được học hành, gặp thời cơ phong trào dân chủ đang dâng lên, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã được thành lập. Năm 1938, khi thành lập Ban Trị sự Bắc Kỳ, cụ Nguyễn Văn Tố làm Chánh Hội trưởng, ông Đặng Thai Mai làm thủ quỹ, ông Võ Nguyên Giáp làm phó thủ quỹ. Cha tôi, ông Hoàng Xuân Hãn… cũng là thành viên trong Ban Trị sự của Hội Truyền bá Quốc ngữ. (Hội Truyền bá Quốc ngữ. Vương Kiêm Toàn. Nhà xuất bản Giáo dục. 1980). Theo lời kể của ông Đặng Thai Mai trong cuốn sách này thì Ban Trị sự được mời lên Phủ Thống sứ Bắc Kỳ để bàn bạc về việc cấp giấy phép cho Hội… Khi bắt tay Thống sứ người Pháp có nói: “Tôi rất cảm ơn các ngài đã đặt cho Hội cái tên rất hiền từ “Hội Truyền bá Quốc ngứ. Hay! Hay đấy! Nếu các ngài gọi nó là “chiến tuyến chống nạn thất học” hay “Trận tuyến bảo vệ và phát triển tiếng nói dân tộc” chẳng hạn, thì các ngài sẽ đặt tôi vào một tình thế thật khó xử, tuy rằng chính phỉ “Mẫu quốc” giờ đây là khuynh tả”.
Khi tiễn đưa cha tôi lần cuối, ông Đặng Thai Mai nhớ: “Một người bạn, một người đồng chí từ những ngày phong trào cách mạng nhen nhóm lên và rồi thời gian 30 năm qua anh đã công hiến cho Tổ quốc những gì một người trí thức yêu nước có thể đóng góp”.
Trong bài “Tưởng nhớ Nguyễn Văn Huyên: Trồng người - hoài bão suốt đời”, ông Vũ Đình Hoè, nguyên là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà, đã viết: “Hai người tình cờ gặp nhau trên ngã ba khởi hành của đường đời. Nơi gặp là hộn quán Hội khuyến học “Trí tri”, lâm thời làm trụ sở của “Hội Truyền bá Quốc ngữ”.
Tối hôm ấy, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên trong Ban Trị sự Hội đến nói chuyện với anh chị em sinh viên và hướng đạo sinh vừa đăng ký “nhập ngũ” chí nguyện trong đạo quân diệt dốt cho dân nghèo. Tôi theo chân một bạn “xì-cút” Nguyễn Trọng Phấn tới nghe nhà sư phạm ngôn ngữ học lỗi lạc trình bày phương pháp mới dậy vần quốc ngữ, với cách chắp vần tài tình i tờ- tờ i ti, đơn giản mà rất khoa học, vừa dễ nhớ, nhớ lâu nhanh biết đọc biết viết hơn lối dạy trước đây nhiều, mà lại vui nữa chứ. Rất thích hợp với bộ óc học viên là những người lớn tuổi suốt ngày lao động cực nhọc nên tối cần giải trí hơn là “đánh vật” với lối đánh vần oái oăm cổ xưa… Sẽ càng vui nhộn - theo Giáo sư Huyên gợi ý - nến giáo viên quốc ngữ khéo xen vào bài học vần quốc ngữ, những mẩu văn tập đọc phỏng theo các câu ca dao, tục ngữ quen thuộc mà có ý nghĩa:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương…”
“Bâu ơi thương lấy bí cùng…”
“Lạy trời cho cả gió lên,
Cho manh chiếu rách trùm lên tàn vàng”
Hoặc hóm hỉnh kiểu dân dã, gây cười, hồn nhiên:
“Chính chuyên” lấy được “chín chồng”
Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi,
Không ngờ quang đứt lọ rơi,
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng”.
Phương pháp i tờ xuất xứ từ sáng kiến của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, có sự chung sức của hai nhà sử học, ngôn ngữ Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Huyên ở Trường Viễn Đông Bác cổ. Tôi nghe Giáo sự Nguyễn Văn Huyên trình bày, “sướng cái lỗ tai” đã đành, nhưng còn thú vị lĩnh hội được phần nào thâm ý của vị diễn giả yêu nước Nguyễn Văn Huyên không nói điều gì xa lạ. Trước đó không lâu các cụ Đông Kinh nghĩa thục đã nói - Nói và Làm (tuy bị Tây chặn ngang lại là bỏ tù, đưa đi Côn Đảo, hoặc quản thúc). Và sau đó không lâu Bác Hồ kêu gọi toàn dân diệt ba thằng giặc, xếp theo thứ tự: giặc đói - giặc dốt - giặc ngoại xâm…
Thuở bé, tôi đã có sống ở nông thôn như Nguyễn Văn Huyên, có lẽ lonh cảm được như thế, nên chưa vội nghĩ chuyện gì cao xa, tôi tham gia phong trào Truyền bá Quốc ngữ (1939), nhận chân tuyên truyền viên, cổ động cho sự nghiệp của Hội. Nhờ có tài liệu do Giáo sư Nguyễn Văn Huyên chuyển cho mượn qua tay Nguyễn Trọng Phấn, tôi đi diễn thuyết ở nhiều nơi, nói về công cuộc giáo dục xã hội ở các nước ngoài và công cuộc chống mù chữ và nạn thất học ở nước ta, trình bày phương pháp chắp vần “tuyệt vời” mà tôi được Giáo sư “bồi dưỡng” cho mình dạo nọ. Thế là dầu mới được làm quen với Giáo sư tôi đã sớm trở thành bạn vong niên của Anh - một con người hiền hậu rất dễ đồng tình, đồng cảm với mình. Đúng vào lúc mà tôi cùng với mấy bạn mới ra trường hoặc mới đi du học về, có người chưa xong luận án tốt nghiệp (vì Đại chiến thế giới bùng nổ), anh em bàn với nhau ra báo Thanh Nghị (TN), chia nhau đi tìm gặp các bậc đàn anh mời cộng tác… Biết tôi đang chuẩn bị bài vở thuộc đề tài giáo dục, anh Huyên rất hoan nghênh ý định ấy (chắc là tôi đã gãi trúng chỗ ngứa của Anh), gợi cho tôi nhiều ý kiến quý báu, cung cấp cho tôi nhiều tài liệu mà kinh nghiệm giáo dục ở các nước khác nhau trên thế giới và hứa sẽ có bài đóng góp cho Thanh Nghị, mặc dầu Anh rất bận công tác nghiên cứu của Trường Bác cổ…
Vậy là chỉ ít lâu sau, Anh gửi luôn cho tôi 2 bài. “Lược khảo về khoa thi Hội Quý Sửu, Duy Tân thứ 7” và “Dấu cũ Loa Thành”. Đặc biệt bài thứ nhất hứa một nội dung sâu sắc. Nguyễn Văn Huyên sẽ phân tích những bài thi trúng cách ở kỳ thi Hội đó. Anh dự định dùng phương pháp sử học mà chiếu một tia sáng vào hồi năm 1913, sau khi “cuộc thái bình bảo hộ” (Pháp) thành lập một cách chắc chắn, sau cuộc Nhật - Nga chiến tranh bảy năm và trước cuộc Âu châu kinh chiến động địa năm ấy… (1914), ngụ ý không phải là dám phê bình gì chỉ mong giúp được muôn một trong việc lượm lặt tài liệu cho Pho sử tinh thần Việt nam… , ngõ hầu một ngày kia ta có xây đắp nên được cái nền tảng của lý tưởng nước nhà chăng? (trích lời Nguyễn Văn Huyên).
Bài dài, đăng vào hai số TN 14, 15 năm 1942, rồi bỏ dở, lý do là: “Tôi đã nông nổi quên hẳn mất vấn đề cá nhân rất quan hệ về pháp luật và luân lý. Khoa Quý Sửu tôi đương khảo cứu cách đây chưa được ba mươi năm… Đợi thời gian lấp lối lịch sử nước nhà thêm ít năm nữa vậy. Xin các bạn lượng thứ cho”.
Tác giả xin lỗi chúng ta như vậy, tôi cứ ngẩn ngơ tiếc mãi, và mạo muội nghĩ thầm. Cái ông Nghè tân học này e ngại xâm phạm quyền tác giả của các cụ Nghè cựu học tiền bối. Tôi thông cảm và hiểu rõ đức tính thận trọng và phong độ tế nhị của Anh Huyên mà càng mến phục Anh.
Cho nên cứ mỗi lần đến Thư viện Viễn Đông Bác cổ tìm sách báo tư liệu để tra cứu, tôi không ngần ngại vào phòng làm việc của Anh - ông bạn lớn tuổi mà xuề xoà, hổn nhiên, đôi mắt dịu dàng, nụ cười tươi mát. Tôi hỏi Anh về công cuộc cải cách giáo dục ở Pháp mà Anh am tường. Tôi dò ý Anh về cách tổ chức “nâng cao dân trí, bỗi dưỡng dân khí” cho quần chúng đông đảo nước ta. Đó là một vấn đề lớn. Anh cho biết tin là Ban trị sự Hội Truyền bá Quốc ngữ đang bàn về việc mở lớp cao đẳng cho các học viên người lớn đã qua lớp i tờ. Thấy tôi quan tâm vấn đề ấy, anh động viên tôi nên nhận tham gia Ban giáo khoa của Hội để nghiên cứu chương trình và bài học cho lớp “cao đẳng bình dân”. Chính nhờ ý kiến anh “gà” cho và dựa vào những buổi tiếp xúc với học viên mà tôi mạnh dạn soạn thảo thử “lấy bài “giảng” sử, vệ sinh thực hành kèm theo “lấy nét về chương trình và phương pháp “giảng”. Anh tán thành việc làm thử của tôi rồi bàn với Cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Tố nên giới thiệu tôi vào bổ sung cho Ban Trị sự Hội để hình thức làm việc trong Tiểu Ban Sư phạm mà Anh phụ trách.
Trong Bản tự thuật lý lịch cha tôi viết: “Nhật đảo chính Pháp” thì cục diện thế giới đã rõ. Thanh thế của Mặt trận Việt Minh ngày càng sáng tỏ. Thành lập Chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim, tôi không tán thành Hoàng Xuân Hãn đưa lực lượng trẻ và dân chủ vào, nếu không sẽ có thể chia rẽ lực lượng giải phóng dân tộc sau này. Tôi ủng hộ cụ Phan Kế Toại; nhưng chúng tôi lúc nào cũng chủ trương không để Nhật lợi dụng đàn áp Cách mạng; khi Cách mạng tới thì trao lại. Nhưng sau Nhật bức bách quá nên phải rút vội”.
Ông Hoè viết tiếp: “Năm 1945, thế giới đại chiến bước vào pha quyết liệt ở Đông Dương, quân đội Nhật làm đảo chính Pháp. Các tháp ngà rung chuyển”. Trong tâm trạng bồn chồn của đám “thân phu hữu trách”, chúng tôi trong nhóm Thanh Nghị tìm nhau trao đổi. Trao đổi không nhiều mà chủ yếu nhìn nhau, đoán ý thôi, phương châm đã thống nhất từ thuở ban đầu: độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng - lúc nào thấy cần thiết và có thể thì tự mình quyết lấy con đường đi, không bận tâm đến sự ràng buộc nào. Cho nên khi được tin mấy anh Hãn, Hiền, Phan anh nhận lời mời của vua Bảo Đại, cộng tác với chính phủ Trần Trọng Kim thì những anh em còn lại không băn khoăn gì. Sau đó thấy sự chọn đường đi của ba anh ấy là có lý lẽ, muốn bắc một tâm ván lên chỗ trống, làm cầu và tạm thời giữ vai trò gác cầu, không cho kẻ thù dân tộc hoặc kẻ bất lương nào khác hớt lay trên”, bất lợi cho tiền đồ đất nước thì chúng tôi yên tâm, hơn nữa còn đồng tình. Thế là Hội Tân Việt nam ra đòi (5-5-1945). Nhóm Thanh Nghị, tất cả sáng lập viên và biên tập viên chủ chốt, trong số đó, lẽ dĩ nhiên có Giáo sư học giả Nguyễn Văn Huyên, đều công khai tuyên bố gánh trách nhiệm là thành viên của Uỷ ban Trung ương Hội, cùng với mấy nhân sĩ yêu nước khác (tổng số là 34 vị).
Dứt khoát nhóm Thanh Nghị “nhập thế cục:, ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim. Ít nhất trong mấy tháng. Vì ủng hộ có điều kiện (Tuy không cần nói rõ hẳn như thế, nhưng ai cũng hiểu như thế). Kể cả Nguyễn Văn Huyên là một trong những người xưa nay vốn nổi tiếng là thận trọng, điềm đạm, kín đáo nhất”…
Ông Hoè kể tiếp: “Khoảng giữa tháng 7-1945, tôi cùng với Lê Huy Vân, Nguyễn Đình Thụ, thay mặt Uỷ ban Trung lương “Tân Việt nam hội” vào Huế gặp các anh Về Văn Hiến, Phan Anh, nhận định tình hình để xem có nên rút chân ra khỏi Chính phủ Trần Trọng Kim hay không. Hai anh cho biết trước đó đã có bàn với anh Hãn (đang ở Hà Nội) và các anh đồng sự khác cùng chí hướng, về khả năng ấy. Quay ra Hà Nội tôi tới tìm ngay anh Huyên, rồi nhất trí với nhau, hai chúng tôi kín đáo vào Bắc Bộ phủ gặp Khâm sai Phan Kế Toại là anh rể anh Huyên để vận động ông từ chức…
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, tôi từ chiến khu Tân Trào trở về tới Hà Nội rực cờ hoa, trong bộ quần áo nâu, cải trang từ ngày ra đi. Cả nhà sửng sốt, bố tôi vội kể rằng dăm ngày trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên đến tìm tôi tại nhà, không biết về việc gì. Sau này, tôi được anh bật mí cho mới được rõ các anh (4 người: Nguyễn Văn Huyên, Nghị Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hồ Hữu Tường), đã cùng ký tên vào bức điện gửi cho vua Bảo Đại yêu cầu thoái vị… đáng lẽ người thứ 5 là Vũ Đình Hoè đấy… Trong khi đó Hiền, Phan Anh và Hãn cũng đã nhận lời đề nghị của các bạn Việt Minh ở Huế và vận động được đa số trong Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và khuyên vua Bảo Đại thoái vị kịp thời!
Trong thời gian ngắn ngủi, mấy anh em đi “thoát ly” vắng mặt ở Thủ đô thì anh Huyên đã tích cực hoạt động… đóng góp đáng kể cho phong trào Việt Minh ở Thủ đô. Cũng dễ dàng và tự nhiên thôi, chủ yếu nhờ hoàn cảnh Cách mạng thắng lợi nhanh không ngờ. Một trăm dòng suối đều cùng chảy ra bể để rồi cùng vượt phong ba bão táp…”.