Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26156 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hồi ức về Nguyễn Văn Huyên
Nguyễn Kim Hạnh

Phần 3: Đi tản cư

Thất tộc và Huyên Di Tùng
Mẹ tôi thường kể quan hệ thất tộc đời trước rất nghiêm. Vì thế chẳng có quan hệ huyết thống nào lọt sang được biên giới. Chỉ đến đời mẹ tôi thì mới phá lệ này, các con trong thất tộc mới gả vợ chồng xuống dưới miền xuôi.
Ngay như ông ngoại tôi vẫn phải lấy chính thiếp là họ Hà, tức bà ngoại tôi, bà Hà Thị Bạch quê ở Điềm He. Chỉ các thê thiếp sau này mới thuộc dòng khác mà thôi. Trước tiên phải kể đến cô Kim Phú đã lấy chồng trước mẹ. Khi chú Hồ Đắc Di con cụ Hồ Đắc Trung, Thượng thư Bộ học xin hỏi thì cô nhận lời ngay.

Nhân đây tôi xin ghi vài nét về cụ Hồ Đắc Trung theo chuyện “Các ông Hoàng triều Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân viết như sau: “Ông Trung trước đây có mắc mớ với vua Duy Tân hai việc: Thứ nhất là lúc vua Duy Tân mới lên ngôi, Triều đình định cử ông Hồ Đắc Trung làm giáo đạo cho vua nhưng vua không chịu yêu cầu đưa ông Tuần vũ Quảng Trị là Mai Khắc Đôn vào dạy. Thứ hai là vua Duy Tân đến tuổi nạp Phi ông Hồ Đắc Thắng tiến cử một người con gái (chị ông Hồ Đắc Di), nhà vua ai từ chối, yêu cầu lấy con gái cụ Mai Khắc Đôn… tuy vậy ông Hồ Đắc Trung vẫn rất yêu kính vua Duy Tân. Khi được giao viết bản án ông đã tìm mọi cách cứu vua Duy Tân ra khỏi tội tử hình.
Cụ Trần Cao Vân và Thái Phiên lúc ấy đang ở trong ngục chờ ngày ra pháp trường, cụ Trần viết vào giấy vấn thuốc một cái thư nhờ người bí mật chuyển tận tay cụ Hồ Đắc Thắng. Cái thư ngắn ấy có một câu đối như sau:
“Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? thà để cô thần từ biệt!

Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho Thánh Thượng sinh toàn”.
Đôi câu đối nói rõ lời yêu cầu của hai nhà cách mạng Trần, Thái là họ sẽ chịu hết trách nhiệm và chịu chết. Chỉ cần ông Hồ Đắc Trung tìm mọi cách cứu cho được vua Duy Tân khỏi tội tử hình. Khi thi hành án, vua Duy Tân khỏi tội chết nhưng bị đi đày sang đảo Réunion trên Ấn Độ Dương. Như vậy là cô tôi đã “vượt rào thất tộc” lấy chồng tận miền Trung.

Cô Kim Phú làm dâu họ Hồ Đắc nhưng không về Huế ở. Cô chú tôi sống tại Hà Nội. Lúc này chú Di tôi đã là bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Đồn Thuỷ, là giáo sư trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Sau lễ cưới anh chị Tùng, Hồ thì đôi vợ chồng trẻ này cũng về ở sát vách nhà cô chú Di, hai thầy trò đều làm việc tại một nơi. Sau Cách mạng Tháng Tám, mẹ tôi vẫn giữ nếp quen hàng tuần tới thăm cô Di. Bác Kim Yến lúc đó ở phố Hàng Gai cũng thường sang chơi.
Ba chị em lại gặp nhau tại đấy. Nay lại thêm chị Hồ. Như vậy là bốn cô cháu vẫn đoàn tụ. Vì vậy tôi, Thể Lan và anh Phan Vi Long vẫn được vui chơi với nhau.
Tôi còn nhớ một hôm đến 75 Hàng Bông thấy trước cổng dọc đường vào sân nhà chú Di chăng đầy cờ sắc rực rỡ. Ngoài cờ đỏ sao vàng còn treo chi chít các cờ Anh, Pháp, Mỹ… để đón khách nước ngoài. Tôi muốn hỏi mẹ tôi: “Nước mình độc lập rồi vì sao lại vẫn phải treo cờ “tam tài” (tức là cờ Pháp)?” Nhưng vì bé quá chả biết hỏi thế nào nên chỉ theo mẹ vào nhà và nghe người lớn nói về đồng minh, phát xít thì tôi hiểu, bởi “Nhật lùn” ác, làm dân ta đói khổ, bài ca “Diệt phát xít” là khái niệm đầu hun đúc chí căm thù và lòng yêu nước trong tôi cũng như mọi người Việt Nam lúc bấy giờ ai cũng thuộc bài hát này. Sau này tôi mới hiểu tài ngoại giao khéo léo của Bác Hồ đã tìm cách thu hút các lực lượng Mỹ, Anh, Pháp ủng hộ Việt Minh đánh Nhật thông qua nhân sĩ trí thức có ảnh hưởng trong và ngoài nước để đạt mục đích có lợi nhất cho đất nước. Người trí thức cũng hiểu được điều đó nên đã cố hết sức mình. Lúc bấy giờ Chính phủ ta giao cho chú Di tiếp hai cố vấn Mỹ và Tầu Tưởng. Hôm đó chú và anh Tùng có mời họ bữa cơm. Hồi tưởng của chú có viết rằng, người Mỹ hỏi chú nghĩ thế nào khi quyết định theo một Chính phủ mà trong ngân quỹ của Chính phủ đó chỉ có một triệu bạc? Chú tôi đã trả lời: “Nhưng đó là Chính phủ của chúng tôi”. Do mẹ tôi thường qua lại thăm cô chú Di, nên thỉnh thoảng lúc chơi cùng Thể Lan và những bạn trạc tuổi như anh Hồ Đắc Hoài con ông Hồ Đắc Điềm (anh chú Di)… thì tôi lại được nghe về “Cụ Hồ bị ốm nặng” và anh Tùng mang thuốc tốt nhất lên điều trị cho Cụ Hồ. Mọi người nhắc đến tên “Cụ Hồ” với một lòng thành kính. Vào năm 1946, chị Hồ sinh cháu trai. Bác Hồ đã đặt tên cho cháu là Bách - Tôn Thất Bách vì “tên chú có bộ mộc”. Bọn trẻ chúng tôi chẳng thể nào quên được sự kiện này.
Vào năm 1948, anh Tùng được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Y tế, Bác đã biên thư cho anh “Chú cứ gắng sức, Kháng chiến nhất định thắng lợi Tổ quốc sẽ ghi công con hiền cháu thảo…”. Khi Bách có con gái đầu lòng, anh Tùng đã đặt tên cho cháu nội là Tôn Nữ Hiếu Thảo.

Chú Hồ Đắc Di là nhà phẫu thuật giỏi. Nhưng để có được vị trí như lúc ấy, chú tôi cũng phải vất vả lắm. Chú tôi sang Pháp học từ năm 1918 thì bà ngoại tôi đẻ con gái út - cô Kim Phú. Vì thế gần như cả họ ai cũng biết cô kém chú gần hai chục tuổi. Sau 13 năm học tập và làm việc tại Bệnh viện ở Pháp, năm 1931 chú tôi trở về những mong đem tài năng phục vụ ngay người bệnh. Nhưng sự thật trái ngược, một trí thức của một nước thuộc địa dù là bác sĩ hay thầy giáo như cha tôi cũng đều không phải dễ dàng kiếm được công việc như ý. Chú tôi cũng phải đi khắp các Bệnh viện từ Nam ra Bắc để tự khẳng định được mình là người thầy thuốc phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, được công nhận giáo sư đại học. Chú tôi là thầy dạy anh Tôn Thất Tùng. Thầy trò là hàng xóm của nhau. Thầy trò lại là chú cháu của nhau. Trong suốt chặng đường gian khổ của cuộc Kháng chiến hai thầy trò là hai đồng nghiệp đã lo toan mọi công việc tản cư di chuyển Bệnh viện, chuẩn bị phương tiện thuốc men và cứu chữa thương bệnh binh, đồng thời chăm lo cho nền Đại học Y Dược khoa được từng bước phát triển và củng cố.

Gia đình tôi luôn tản cư cùng hai gia đình chú Di và anh Tùng, nên hàng ngày mắt thấy tai nghe mà lấy làm cảm phục mối tình thầy trò, bằng hữu họ hàng ruột thịt của mấy gia đình.
Cách mạng mới thành công, cha tôi được Cách mạng giao trách nhiệm Tổng Giám đốc Đại học vụ. Khi Bác Hồ giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục thì Bác ký Sắc lệnh (Số 22, HSAQ4/A144 năm 1946) bổ nhiệm chú Di tôi giữ chức Tổng giám đốc Đại học vụ. Sự gặp gỡ của cha tôi và chú Di là sự gặp gỡ của hai nhà khoa học xã hội và tự nhiên, sự gặp gỡ của hai tâm hồn có chung lẽ sống vì hạnh phúc và hoà bình cho con người. Đối với chú tôi: “Người thầy thuốc cần có óc khách quan vô tư của nhà khoa học, nhưng không bàng quan lạnh nhạt mà biết xúc cảm trước đau khổ của người bệnh. Trong nghĩa cao cả của người thầy thuốc, chỗ dành cho trái tim cũng không kém gì trí tuệ thông minh”.
Trong “Văn minh Việt Nam” xuất bản năm 1944, cha tôi viết: “Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trau dồi trí thệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống”.

Thành ra “người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Nhà nho xưa kia ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chứa đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến trau dồi trí tuệ nữa. Họ già trước thổi. Hoặc là họ cam chịu nhẫn nhục để khỏi bị ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là họ sa vào một thú chói ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt đi ở nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học”. (Văn minh Việt Nam, 1944).
Thấu hiểu nhược điểm của nền giáo dục cũ khi bắt tay xây dựng nền giáo dục mới, cha tôi cùng chú tôi cộng lực xây nền đại học đầu tiên của đất nước sang trang sử mới thì có sự đồng nhất về quan điểm…
Cha tôi đã nói về thầy cô giáo: “… Nếu chỉ làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức khoa học kỹ thuật mà thôi thì chưa đủ, còn phải làm cho khoa học kỹ thuật không những ăn sâu vào trí tuệ mà còn thâm nhập vào cội rễ của tình cảm, tâm hồn của học sinh sinh viên” (Phát biểu tại Đại hội Nhà văn lần thứ ba).

Đối với cha tôi thì một nền giáo dục dân chủ mới phải làm cho học trò “thấm nhuần tinh thần yêu nước, yêu nhân dân, tin tưởng ở khoa học, tôn trọng sức lao động. Làm cho học sinh thấy ích lợi của nhân dân, tương lai của Tổ quốc là lợi ích là tương lai của bản thân mình” (trang 13 “Những bài viết về giáo dục của Nguyễn Văn Huyên”).
Còn chú tôi, trước sinh viên bàn về nhiệm vụ của trường Đại học dã nói: “Dạy khoa học chưa đủ, nhà trường đại học phải là nơi hình thành khoa học. Trường không phải là để nhồi nhét kiến thức mà người thầy phải biến dạy ít mà trò thì phải học được nhiều, hiểu được sâu, thấy được rộng”.
Trên núi rừng Chiêm Hoá những bài nói trước cuộc mít tinh đông đảo sinh viên, quần chúng, chú tôi luôn nhắc về nền giáo dục: “Thầy dạy cho học - hiểu - hành, còn ra trường làm việc trò phải hành - hiểu - học, phải tiến lên bằng sự lao động không vụ lợi, không nhờ cậy ai suy nghĩ hộ…”.

Với tư cách của một Bộ trưởng Giáo dục, cha tôi đã kêu gọi các nhà văn học nghệ thuật hãy cùng cộng tác với các nhà giáo để giúp học sinh dược học, được đọc những tác phẩm và nhận thấy cái đẹp quyến rũ của khoa học kỹ thuật do đó mà say mê tha thiết đi vào nguồn cảm xúc mới và những nguồn sống giầu có, đem lại lạnh phúc hoà bình cho con người”.
Tôi đã chứng kiến biết bao lớp sinh viên học năm thứ hai, thứ ba ra chiến trường phục vụ quân đội rồi lại trở về học, rồi thi, rồi lại lên đường với vốn kiến thức năm thứ tư, thứ năm rồi lại về học, thi, tốt nghiệp… Từ những bài diễn văn chú tôi đọc bằng tiếng Pháp cho đến sau này, chú đã cùng cha tôi và biết bao đồng nghiệp khắc phục để biến nhà trường thật sự trở thành trường dạy cho người Việt Nam bằng tiếng Việt.

Hai anh em đồng hao này một người sôi nổi nhiệt tình và nóng nảy, một người trầm tĩnh, kín đáo và ôn hoà lại hết sức gắn bó với nhau trong sự nghiệp trồng người. Hai anh em chung một suy nghĩ về nghề thầy thuốc và nghề dạy học là hai nghề cao thượng. Một mang lại nguồn sống cho con người, một mang lại trí tuệ cho con người, cả hai đều đòi hoi lương tâm trong sạch. Cả hai đều không bị ảnh hưởng của duy lý giầu chất ích dụng của Phương Tây mà đã khéo kết hợp triết học Phương Đông lấy nhân nghĩa để giúp thế hệ trẻ “thành nhân” trên cơ sở nền học vấn tiên tiến của Phương Tây mà không bị lối học vẹt sáo rỗng, từ chương làm tê liệt óc sáng tạo của con người. Còn anh Tôn Thất Tùng trong cuốn “Đường vào khoa học” của mình đã viết: “Tôi là một thanh niên học ở trong nước, chỉ có học vị trong nước, điều đó sẽ khuyến khích anh chị em trẻ tuổi đi vào nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của nước nhà đặt ra hơn là chỉ nghiên cứu qua sách hay lý luận phương Tây…”

Anh Tùng cũng như cha tôi lớn lên trong gia đình mẹ goá. Anh viết: “Cha tôi qua đời lúc tôi mới được ba tháng… Mẹ tôi muốn cho tôi đi học để làm quan, nhưng tôi chán ngấy cảnh tượng những quan lại ở Huế: một mặt thì sợ Tây hết vía, một mặt thì chà đạp nhân dân lao động của mình; vì thế tôi đã sớm rời nhà để ra Hà Nội vào khoảng năm 1931, theo học Trường Bưởi, rồi Trường Y, mong muốn mai sau sẽ làm một nghề “tự do” không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân… Lúc tôi vào năm thứ ba, thì cụ Hồ Đắc Di, bác sĩ mổ xẻ là người Việt Nam duy nhất lúc ấy được công nhận là chính thức, cũng đền làm việc tại Bệnh viện Phủ Doãn… Tôi suy nghĩ nhiều trong bốn bức tường của Bệnh viện và trong nhà xác: dân ta khổ vì ta bị đế quốc xâm lược và bóc lột, không phải tài năng mổ xẻ của tôi sẽ cứu dân ta mà phải xoá bỏ chế độ thực dân bóc lột. Đi vào khoa học như tháp ngà để giải sầu cho sự tủi nhục vì mất nước, khoa học lại đưa tôi trở lại sự tủi nhục vì mất nước. Con đường đi vào cách mạng đã hé mở cánh cửa cho tôi, một thanh niên làm công tác khoa học vào thời ấy…”.

Cùng một tâm hồn, cha tôi và anh đều mượn lời của Paul Valéry làm lời tựa: cha thì cho luận văn Tiến sĩ của mình: “Gió đã nổi lên!… Phải cố mà sống!”, còn anh Tôn Thất Tùng trong “Lời cuối” của cuốn sách “Con đường vào khoa học của tôi” cho rằng: “Bền bỉ, bền bỉ trong lòng xanh, mỗi hạt nhân về trầm lặng có thể sinh quả chín cành”.
Trong suốt 9 năm Kháng chiến và sau này khi hoà bình lập lại, ba anh em, chú cháu Huyên, Di, Tùng luôn sát cánh bên nhau cùng trí thức đương thời của ngành Y tế và Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ xây dựng 2 ngành trở thành hai bông hoa sáng giá của vườn hoa xã hội chủ nghĩa”.

Mối tình giữa ba anh em chú cháu cha tôi; đã viết trong Bản tự thuật lý lịch: Vợ tôi sinh ra trong một gia đình Tổng đốc, hai chị em nhỏ tuổi nhất lớn lên sau thế gian chiến tranh thứ nhất, trong thời kỳ giai cấp tư sản và tiểu tư sản Việt Nam đương ngoi lên vượt ra ngoài giai cấp phong kiến, có anh đi học Pháp, nên đều ghét quan lại, khinh bọn trí thức: muốn ngoi lên làm quan. Chúng tôi gặp nhau ở đó. Em thì lấy bác sĩ Hồ Đắc Di. Sau này vợ chồng tôi và vợ chồng Di và Tôn Thất Tùng chơi với nhau thân mật cũng do đó. Không ai có bạn nào trong đám quan lại địa chủ. Nề nếp sinh hoạt ảnh hưởng Âu Tây nhiều; chỉ dính líu đến gia đình lớn với mức độ tối cần thiết thôi; cố gắng giúp đỡ nhau không làm sai trái; còn công việc trong gia đình đều uỷ thác anh em cả”.

<< Trưng thu độc lập | Nơi dừng chân đầu tiên Vân Đình >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 653

Return to top