Ăn uống ở đây thì toàn là cá nấu với măng chua và ớt hồ tiêu, ớt chỉ thiên rừng. Măng thì ngâm bằng nước mưa cất trong bương to. Mỗi khúc ống bương to quá bắp đùi người lớn. Dân vùng này dùng dể gánh nước, còn nhà tôi có đến 5 - 6 ống bương lúc nào cũng đầy măng ngâm. Chúng tôi vào rừng hái ớt đỏ, nhỏ tí thả vào các ống bương trộn với măng. Nên khi nấu canh ai không ăn cay được chỉ có nhịn!
Ông Thiết, anh Bửu Triều luôn ở cùng chúng tôi. Anh Triều sau này trở thành giáo sư bác sĩ đầu ngành về phẫu thuật tiết niệu của Bệnh viện Việt Đức Hà Nội. Các anh đều là người miền Trung nên ăn món này rất hợp khẩu vị. Đêm đêm từ cửa sổ sau nhà nhìn sang bìa rừng là một vùng đầm lầy tối như bưng. Trẻ con chúng tôi cũng thường theo người lớn ngóng xem “ma chơi” chập chờn từ đầm lầy như đám đuốc, như chùm bóng đèn bay bổng xa dần ra đến bãi tha ma. Mẹ tôi bảo rằng đó là lân tinh. Thế nhưng bọn chúng tôi vẫn thích xem và thích nghe chuyện “ma gà”, “ma cà rồng”.
Hồi đầu mới lên Việt Bắc, đêm ngủ trên nhà sàn nghe trâu thở phì phò dưới gậm rồi cũng quen dần. Gần 20 con người chăng màn nằm la liệt trên hai gian nhà sàn. Trước khi đi ngủ thường cử một người đọc truyện cho cả nhà nghe. Dưới ánh sáng đèn dầu đĩa chúng tôi nằm nghe “Tam quốc”, “Tây du”. Chả biết của ai cho mượn. Sau đó hết truyện đọc chúng tôi bắt đầu nghe người lớn đọc thơ, đố các câu đố. Cô Di tôi hay đố thơ Hồ Xuân Hương. Chẳng cần sách mà cô tôi thuộc vanh vách. Ai nằm “giường” người ấy. Hai mươi con người màn kề màn nằm nghe cô tôi đố và thi nhau nghĩ cách giải. Về sau này học văn được thầy nhắc đến những vần thơ của Hồ Xuân Hương tôi nhớ ngay những câu đố của cô tôi. Đọc xong người này lại truyền khẩu người kia nhẩm đi nhẩm lại “Vừa bằng ngón tay…” để tìm ra câu giải. Thế là chẳng mấy chốc chúng tôi thuộc hết và cũng biết cả giải đố nào là con sâu dóm, câu đố nào là ăn mía… nhưng chả hiểu hết những câu thơ ấy, chỉ thấy người lớn cười chảy nước mắt. Nhà sàn cứ rung lên và nan nứa kêu cót két. Sách đọc không có, con trẻ lại ham muốn hiểu biết, được mấy anh sinh viên đố vài câu như: “Kiến tổ vừa đố vừa giải”. Có anh dạy bài thơ rất dài về hai con mắt:
“Hai cô ở trong phòng
Ai ai trông thấy một lòng cấm cung
Ngày ngày mở cửa ra trông…”Thế là chúng tôi thuộc bao nhiêu là câu đố để lại đi đố các anh Tỷ, Trác, Phúc, Hoán… Mỗi anh lại tặng thêm một câu đố khác: nào là đố con ốc, cái lược thưa, lược bí, cái nón, cái áo, buồng chuối, mặt trăng…
Rồi chúng tôi học “lỏm” được vài câu thơ anh Tùng ru Bách, con trai lớn của anh hồi đó mới một tuổi, như những câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:
“… Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc.
Thương nhà mỏi miệng cái da da…”.Cứ mỗi lần trời mưa, anh ôm Bách vào lòng rung đùi đọc: “Trời mưa trời gió đùng đùng. Cha con “thằng Tùng” đi gánh cứt trâu. “Ông Sùng” thì anh lại đọc là “thằng Tùng” làm cho trẻ con thích theo mà đọc. Cứ nghĩ anh tự sáng tác, bài thơ “cha Tùng và cu Bách đi gánh cứt trâu, mang về trồng bí trồng bầu…”. Đó là vào năm 1947.
Trẻ con khao khát có sách đọc, học thơ nhưng người lớn cũng chưa có thì giờ đâu mà lo cho chúng tôi, thành ra chúng tôi sống rất “mung lung”. Đó là thời kỳ đầu mới bước lên Chiêm Hoá. Không bao lâu chúng tôi theo chú Di sang làng Quãng chơi. Rồi các anh sinh viên trong nhóm xung phong lại dọn sang ở cùng nhà dân với anh Tùng, như anh Trác, sau này là những người đầu ngành về giải phẫu bệnh lý ở Bệnh viện Bạch Mai; anh Kỳ, anh Hoán Đại tá Quân Y là Bệnh viện trưởng, Bệnh viện phó của các Bệnh viện quân đội. Anh Viện bác sĩ X quang của Bệnh viện 108, anh Võ Như Tỷ không những là bác sĩ mà còn là “kiến trúc sư tre nứa lá” của các công trình Bệnh viện dựng ở Chiêm Hoá, Trung Giáp…
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh Tỷ sung vào đội ngũ Giải phóng quê hương và anh đã hy sinh, chúng tôi có nhiều kỷ niệm về anh. Anh Thìn về sau là bác sĩ đầu ngành phụ sản. Khi chúng tôi sinh các cháu, mẹ tôi đều đến gửi anh. Anh Phúc còn là thầy tiếng Anh của Thề Lan và tôi hồi trên Việt Bắc. Thỉnh thoảng anh đến dạy chúng tôi ở Phong Lan Đình. Anh trở thành phó giám đốc Bệnh viện Sanh Pôn Hà Nội. Được tin cha tôi mất anh đến trước bàn thờ khóc như một đứa trẻ.
Mỗi ngày sinh viên mỗi đông. Phố Quãng bắt đầu sầm uất. Như quán cà phê cụ Phán Tảo dựng ngay ở bến đò, sau này tôi còn gặp lại con cháu cụ Phán Tảo, anh con trai của cụ dạy ở trường Đại học Giao thông, vợ anh là bạn học thiếu sinh quân là kỹ sư hoá. Đến đời con anh lại làm bí thư chi đoàn của lớp Lân Hiếu học. Chúng tôi vẫn có mối quan hệ khăng khít. Hồi đó sinh viên sang chơi lại kéo nhau đi “ăn khao” ở quán cụ Phán Tảo và mọi người hay hát bài:
1 người, 2 người, 3 người phải vui
4 người, 5 người, 6 người phải vui
7 người, 8 người, 9 người phải vui
10 người cũng phải vui”.
Đoàn tàu càng đông, đầu tàu càng phải chịu mọi chi phí, vì thế là “cũng phải vui” để hò nhau ra quán: uống cà phê, ăn ga-tô.
Sau khi Pháp rút năm 1947, tại bến đò này đã được xây cất một chiếc cầu vượt bằng tre xoá đi con đò của ông Cai Lãng, nối liền Bệnh viện và Trường Y với dân bản, với khối phố đông đúc bên này sông. Nhiều hàng tạp hoá, vải vóc của dân tản cư, của người Hoa từ huyện Chiêm Hoá ở tỉnh Tuyên Quang được dọn về và mở ra san sát như hàng ông Vinh An, ông Vĩnh Phát, hàng phở cực ngon của chú Tám. Mỗi lần gia đình chúng tôi ra quán là chú Tám lại có món “tặc biệt” phở chua, bánh bò mời anh Tùng ân nhân mổ dạ dày cho chú Tám.