Việc làm của người trí thức yêu nước Ý thức được nỗi đau mất nước, với tinh thần hiếu học và động cơ học tập vì dân vì nước, cùng với trí thông minh cha tôi đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ về đời sống và học tập của một sinh viên Việt nam nghèo trên đất Pháp. Cho nên cha tôi đã quyết tâm cần mẫn học tập và đạt kết quả xuất sắc: Tháng 7 năm 1927 đỗ Tú tài phần I Tháng 7 năm 1928 đỗ Tú tài phần II Tháng 7 năm 1929 đỗ cử nhân Văn chương Tháng 7 năm 1931 đỗ cử nhân Luật học Tháng 2 năm 1934 đỗ Tiến sĩ Văn khoa (Bộ môn Sử Địa). Kể từ năm 1932 đến năm 1935, cha tôi vừa giảng dạy tại trường Đại học Ngôn ngữ Phương Đông vừa tiếp tục học. Thứ 7 ngày 17 tháng 2 năm 1934, tại Đại học Sorbonne, Thủ đô nước Pháp lần đầu tiên trong lịch sử của trường có một sinh viên Việt nam đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa: “Đó là sự kiện lớn lao đáng ghi nhớ trong lịch sử trường đại học Sorbonne” - Lời nhận xét của ông Vendryes, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo. Năm ấy cha tôi 26 tuổi. Thành quả tốt đẹp này đã chứng tỏ ý nguyện sâu sắc của cha tôi từ khi vừa đặt chân lên đất Pháp. Ngay sau khi đỗ hai bằng cử nhân Luật và tiến sĩ Văn chương, cha tôi trở về với cái nhìn của một người muốn góp sức mình cho dân cho nước. Trước khi về nước, cha tôi đã trao đổi cùng ông Nguyễn Mạnh Tường: “… nhất định không làm quan, chỉ dạy học và nghiên cứu khoa học”. Về thời gian này cha tôi đã viết trong Bản tự thuật lý lịch: “Trước Cách mạng có dạy học, sau chuyên nghiên cứu về “Chính sách ngoại giao của Pháp trong giai đoạn lịch sử thời Napoleon III”, vì giai đoạn này có liên quan tới nước ta và tiền đồ của Pháp. Sau Chính phủ Pháp không cho phép sử dụng tài liệu nên phải bỏ. Rồi hướng về lịch sử văn hoá dân tộc, đặc biệt là sự hình thành và phát triển nông thôn. Lấy dó là noi ẩn thân, giữ được “thanh danh”, rèn luyện mình, huấn luyện người, giành cho Việt nam một cương vị khoa học. Tôi làm nhân viên khoa học thường trực của Viện Bác cổ, rồi vào Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Đông Dương và bắt đầu xây dựng Bộ môn “Lịch sử Văn minh Việt nam” ở Trường Đại học Luật khoa. Nhưng trong tổ chức của Viện thì bị chèn ép; mặt khác thì nghiên cứu trong tài liệu mà trong xã hội nông thôn (sau 10 năm sống xa Tổ quốc) thấy sức sáng tạo của dân tộc rất to lớn, thấy dưới chế độ thực dân mà phong kiến nhân dân thật thống khổ. Nhưng bất lực và mơ hồ, chỉ thấy mặt cần phải phát triển giáo dục, nâng cao trình độ văn hoá nhân dân, đào tạo nhiều chuyên gia, mặt khác phải phân phối lại ruộng đất, bãi bỏ chế độ phong kiến và thực dân. Nhưng bằng cách gì, thì vì lập trường giai cấp, đời sống lẻ loi nên rất mơ hồ. Lờ mờ như vậy thì chiếu tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Tôi chuyển sang nghiên cứu về đời sống thực tại của xã hội hơn trước, chuẩn bị một cuốn sách về người “Nông dân Việt nam”.