Nỗi đau buồn của Emma là một tấm áo bằng sắt, nhưng dần dần nàng phải đương đầu với nỗi đau lòng của mình. Sự thật mà nói nỗi sầu của nàng không thực sự giảm bớt, nàng nhớ Paul và mong mỏi anh thường xuyên, nhưng nàng làm chủ được xúc động của mình, những tuần lễ qua đi, nàng bắt đầu hoạt động như xưa. Vả lại, nỗi khổ não của nàng bị câm nín bởi hoàn cảnh đời nàng và cuộc khủng hoảng của thế giới.
Nàng bị choáng bởi những vấn đề cấp bách khi nước Anh nhào vào cuộc xung đột châu Âu, do đó nghị lực của nàng phải dồn vào, không còn thì giờ và sức lực cho suy nghĩ riêng tư. Các con trai nàng vào quân ngũ, Kit vào bộ binh, Robin vào không quân.
Elizabeth ghi tên học ở Hàn lâm viện nghệ thuật kịch mùa hè năm 1936 đã lặng lẽ lấy Tony Barkstone trong mùa Giáng Sinh. Mặc dù Elizabeth mới mười tám tuổi và hãy còn quá phù phiếm để mà lấy chồng, nhưng theo ý của Emma, nàng không đủ can đảm để mà phản đối. Mỗi người đều phải nắm bắt hạnh phúc khi họ có thể, đặc biệt là trong cái thời gian khủng khiếp này, và mặc những mối nghi ngại của mình, nàng cũng vẫn ban phước. Đôi bạn trẻ này rõ ràng là phải lòng nhau. Emma đồng ý Tony, bạn của Robin ở trường Cambridge và cũng là phi công của không lực hoàng gia Anh.
Mặc dù tình thế khẩn trương, không khí vui vẻ vẫn ngự trị trong đám cưới và cả gia đình lại có một thời gian ngắn ngủi để đoàn tụ, trừ Edwina, vẫn ghẻ lạnh với Emma, và Kit không được phép về. June, vợ mới cưới được một năm của cậu cũng tới London để dự đám cưới và ở lại với Emma đến hết năm mới. Tháng giêng năm 1940, Elizabeth bỏ Hàn lâm Hoàng Gia để trở thành y tá của hội Hồng thập tự, trước sự ngạc nhiên của Emma. “Mẹ cứ nghĩ con luôn mơ ước trở thành một diễn viên nổi tiếng và được đọc tên con trên ánh đèn quảng cáo”, nàng thốt lên khi nghe được tin này. “Ồ, giã từ tất cả những trò nhảm nhí ấy”. Elizabeth vội trả lời. “Con cảm thấy con cũng phải là một bộ phận của những cố gắng chiến tranh mẹ ạ”, Emma có ấn tượng tốt đẹp đối với sự nghiêm chỉnh của Elizabeth và lòng tận tụy của cô đối với công việc y tá, nàng bắt đầu nghĩ rằng cuộc hôn nhân sẽ có một ảnh hưởng làm ổn định đứa con ương bướng nhất của nàng.
Tin tức ngày một xấu đi, và đến tháng ba, Emma đã nghĩ đến chuyện cho Daisy đi Mỹ để sống với gia đình Nelson ở điền trang Hudson River của họ. Nhưng càng nghĩ đến chuyện này, nàng cảm thấy nản lòng, nàng thừa nhận việc vượt đại dương có thể nguy hiểm, nàng quyết định là chỗ ở hiện nay của đứa bé trong trường nội trú ở Ascot có lẽ là chỗ an toàn nhất.
Những tháng tiếp theo, Emma lao vào công việc một cách hăm hở, nhưng nàng cũng tiếp nhận thú tiêu khiển. Henry Rossiter trước đây phụ trách một số công việc kinh doanh của nàng. Bây giờ làm cố vấn tài chính chủ chốt, bởi vì bây giờ nàng phải cai quản tất cả tài sản của McGill cũng như của nàng. Nàng tiếp xúc thường xuyên với Mel Harrison ở Sydney và Harry Marriott ở Texas, ngày của nàng dài hơn và căng thẳng hơn bao giờ hết bởi vì trách nhiệm của nàng nhiều hơn. Nàng là máy phát điện như trước đây hồi còn trẻ và hồi thế chiến lần thứ nhất khi nào cũng phải đơn thương độc mã với đời. Nếu như qua năm tháng nét mặt của Emma có nghiêm nghị hơn thì tất cả những khuôn mặt khác ở nước Anh cũng vậy, bởi vì cả đất nước đang ở trong sự tuyệt vọng khi cuộc tấn công ồ ạt như vũ bão của Hitler tiếp tục không giảm.
Khoảng cuối tháng năm, ngay sau ngày sinh thứ năm mươi tư, David Kallinski tới London để bàn về lãi suất chung của anh với Emma. Anh vẫn là một con người đẹp trai, đôi mắt xanh sắc sảo của anh vẫn không bị mờ đi, mặc dù tóc anh đã điểm bạc và bụng đã hơi to. Lòng tận tụy của anh đối với Emma không thay đổi qua năm tháng và anh luôn luôn quan tâm đối với nàng. Anh nhẹ nhõm trong lòng khi nàng đón anh tại ngôi nhà ở quảng trường Belgrave, anh thấy ngay rằng khuôn mặt ấy đã mất vẻ hốc hác và nhan sắc của nàng đã trở lại và nàng cũng béo ra được một chút. Một lát sau, Blackie cũng đến và sau một bữa ăn tối nhẹ, họ dời sang thư viện để uống cà phê.
- “Các anh có nghĩ rằng chúng ta có khả năng đưa lũ thanh niên ra khỏi bãi biển không?”. Emma hỏi, nàng không phải chỉ nghĩ tới Kit hay Ronnie và Mark Kallinski mà là tới hàng ngàn binh lính Anh đang mắc cạn ở Dunkirk.
- “Nếu như có người nào có thể làm được việc đó, thì lạy Chúa, người đó chính là Winston Churchill”. Blackie khẳng định. Anh cựa mình trên ghế và nói tiếp: “Ông tập hợp một đội tàu mà thế giới chưa bao giờ có, mặc dù là một đội pha tạp. Nhưng do được gắn bó với nhau trong cùng một mục đích – đưa những thanh niên của chúng ta an toàn về Deal và Ramsgate trước khi bị bọn Đức tiến qua những nước thấp về Pháp tiêu diệt”.
- “Tôi đọc thấy họ tới từ khắp nước Anh để yểm trợ cho tàu khu trục của Hải quân hoàng gia”, David vừa lập bập điếu cigar vừa nói xen vào. “Những người tình nguyện của mọi giai tầng xã hội với đủ các loại thuyền, thuyền mái chèo, thuyền đánh cá, thuyền du lịch và ngay cả sà lan nữa. Đó là một sự biểu lộ của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng tốt đẹp nhất chưa từng thấy suốt cuộc đời tôi”.
Blackie gật đầu. “Ừ, đúng thế, David. Bảy trăm chiếc thuyền đủ mọi hình dáng, kích thước, tất nhiên là gồm cả khu trục. Hình như những người tình nguyện đã đón các thanh niên và đưa họ vào những con tàu lớn hơn không thể đến gần bãi biển. Những con người thật là dũng cảm không biết mệt mỏi”.
- “Các anh nghĩ rút đi phải mất bao lâu?”, Emma hỏi khẽ, nàng hết nhìn Blackie lại đến David một cách kinh hoàng.
David nói ít nhất cũng phải vài ngày nữa. Có đến hàng trăm ngàn quân Anh và Pháp phải đưa ra.
- “Hôm nay em đọc báo thấy không quân Đức vẫn tiếp tục oanh tạc dữ dội vùng bờ biển”, Emma nói, “Em lo sợ khi nghĩ đến những tổn thất”.
- “Nhất định là phải chút ít tổn thất, Emma”, Blackie nói. “Nhưng không lực hoàng gia đã cất cánh trên những chiếc phi cơ chiến đấu, giáng những đòn chí tử cho…” “Bryan, Robin và Tony ở trong số đó, Blackie”, Emma nói xen vào và nhìn đi chỗ khác.
- “Tất cả chúng ta ngồi ở London này đều cảm thấy thất vọng và khổ sở. Nhưng chúng ta chỉ còn biết cầu nguyện cho con cái chúng mình. Và chúng ta phải vui vẻ lên", Blackie nói: “Nào thôi, chúng ta uống một chút nữa. Như vậy tốt đấy”. Trong khi Emma pha rượu, con mắt Blackie nhìn vơ vẩn lên chiếc đồng hồ trên bệ lò sưởi. “Chúng ta vặn radio được không, Emma? Winston Churchill sắp sửa nói”.
- “Vâng, tất nhiên”. Emma cũng muốn nghe ông ấy nói. Nàng đứng lên, mở nút, dò đài BBC, một phút sau, giọng nói quen thuộc mạnh mẽ vang lên: ‘Chào các quí vị. Đây là đài Thủ tướng”. Ba người bạn cũ, những người đã chia sẻ với nhau rất nhiều trong ba mươi năm qua, ngồi lại nghe, họ càng gắn bó với nhau trong nỗi lo sợ cho những đứa con trai của nước Anh. Khi Thủ tướng nói xong, mắt Emma cay cay, giọng nàng run run khi nói: “Con người ấy đã đem lại cho chúng ta một sự truyền cảm to lớn làm sao. Nếu không có Churchill thì chỉ có Chúa mới giúp nổi chúng ta thôi”.
Thiên anh hùng ca Dunkirk đã làm choáng ngợp trí tưởng tượng của nước Anh và các đồng minh của nó. Như từ địa ngục trở về, những con thuyền nhỏ và những thuyền có mái chèo, những con tàu du lịch đã đưa những người sống và những người bị thương trở về.
Cuộc rút đi đã diễn ra trong mười một ngày và 340,000 quân đội Đồng minh đã được cứu lúc quân Đức chiếm thành phố biển của Pháp. Chỉ còn 40,000 hầu hết là người Pháp còn đọng lại phía sau. Emma và David may mắn. Trong số những người được đưa vào bờ có Tony và Mark, và ngày 3 tháng sáu, Kit đã bước ra khỏi sà lan đưa cậu đến Deal qua biển Manche bập bềnh sóng vỗ và chất lên thuyền những vật đổ nát. Sau đó Kit nói với Emma khi cậu nghỉ phép về: “Thật là hút chết, mẹ ạ. Chắc con phải có một thiên thần hộ mệnh phù hộ cho con”. Cậu ôm chặt mẹ. Bám lấy con, nàng nghẹn ngào nghĩ đến cha nó đã chết ở Pháp năm 1816, rõ ràng là vô ích.
Ngày 4 tháng sáu, Winston Churchill tới Hạ nghị viện và đọc một bài diễn văn về Dunkirk. Có một đoạn, ông nói: “Chúng ta sẽ chiến đấu, trên bãi biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên bãi hạ cánh của máy bay, chúng ta sẽ chiến đấu ngoài cánh đồng, trong các phố, chúng ta sẽ chiến đấu trên đồi, chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”.
Sáu ngày sau đó, chính phủ Pháp và bộ chỉ huy quân sự bỏ chạy khỏi Paris khi quân đội Quốc xã tiến đến gần hơn. Bốn ngày sau đó, thủ đô Pháp bị Đức chiếm đóng mà không tốn một viên đạn. Nước Pháp thất thủ.
Anh đứng một mình.
Mùa hè ấy là mùa hè tồi tệ nhất mà Emma có thể nhớ được. Tháng bảy, cuộc chiến ở Anh bắt đầu khẩn trương. Hitler đã ra lệnh tổng tấn công không lực hoàng gia Anh, đặc biệt là các nhà máy, máy bay của Anh, và những căn cứ chiến đấu chung quanh London.
Ngày qua ngày, đêm qua đêm những tốp máy bay ném bom khổng lồ Dornier và Heinkel lướt qua biển Mache để tán vụn nước Anh, trong khi những chiếc máy bay chiến đấu Messerschmitt đánh bại những chiếc Hurricane và Spitfire của không lực hoàng gia Anh.
Ban đêm thức giấc vì tiếng còi báo động phòng không rú lên, Emma trở dậy đứng bên cửa sổ trong căn phòng ngủ tối tăm của nàng, nhìn ra bầu trời đêm lấp lánh sao và chiếu sáng bởi những ánh đèn pha rọi máy bay và tiếng ầm ĩ vang lên không ngớt của máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, tim nàng đau đớn khi nghĩ đến Robin, Tony, và Bryan cùng những phi công trẻ khác ở trên cao kia, tính mạng đang bị đe dọa. Một vài đêm, Elizabeth cũng ở bên nàng, cô đã bỏ ngôi nhà nhỏ cô ở những ngày ở Hàn lâm Hoàng Gia để ở nhà. “Mẹ thức đấy hở mẹ?”, cô luôn luôn thì thào như vậy và lướt vào phòng trong chiếc áo ngủ. “Ừ, con à”, Emma trả lời và cả hai đứng bên nhau, hai tay vòng ôm nhau, nhìn máy bay gầm rú bay qua.
Một đêm, Elizabeth nắm lấy cánh tay mẹ một cách dữ dội, giọng cô khàn khàn một cách khác thường khi cô kêu lên. “Tại sao, tại sao? Tại sao cuộc chiến tranh kinh khủng này lại cứ phải xảy ra? Mục đích của nó là cái gì? Tất cả sẽ bị giết chết! Tony, Robin, Bryan, và tất cả những thanh niên khác của chúng ta!”.
Emma không có câu trả lời nào cho con gái, hay cho chính mình. Elizabeth trở nên điên cuồng, cô khóc nức nở không sao kìm được. Emma ôm vai Elizabeth và dẫn con tới bên giường. “Họ sẽ không bị giết chết đâu, con ạ”, nàng an ủi, “họ sẽ không làm sao đâu. Mẹ hứa với con như thế. Chúng ta phải dũng cảm lên. Vào giường mẹ và ngủ với mẹ đêm này. Chúng ta sẽ làm bạn bên nhau”.
- “Vâng, con nghĩ thế, mẹ ạ”, Elizabeth nói và chui vào trong chăn. Emma ôm chặt con y như hồi còn nhỏ và sợ bóng tối. “Đừng khóc và hãy cố đừng lo lắng Elizabeth”.
- “Nếu Tony bị giết thì con sẽ không thể nào chịu được đâu”, Elizabeth nói qua những dòng nước mắt. “Con yêu anh ấy lắm. Và nếu Robin…”
- “Im đi con. Cố ngủ đi. Con phải nghỉ ngơi”.
- “Vâng, con sẽ cố. Cám ơn mẹ. Chúc mẹ ngủ ngon”.
- “Chúc con ngủ ngon”.
Emma nằm trong bóng tối, đợi cho thân thể căng thẳng của Elizabeth trùng xuống và mềm rũ ra trong giấc ngủ. Nhưng nó không và Emma hiểu rằng con gái nàng sẽ qua một đêm mất ngủ nữa lo lắng về chồng và đứa em trai cũng như chính nàng.
Emma có thói quen đi bộ tới cửa hàng Knightsbridge hàng ngày và khi mùa hè bồng bềnh trôi đi, nàng vẫn đi như vậy trong tiếng súng phòng không, tiếng còi báo động rền rĩ, những đống đổ nát những tấm kính vỡ. Nàng chùn bước khi thấy một mốc đường nào đó bị phá hủy, những nơi nàng và Paul hay lui tới ngày trước bị san bằng. Thế nhưng mặc dù nét hoang tàn của London, vẻ lạnh lẽo của nó, dáng mệt mỏi trên những nét mặt đi qua trên phố, Emma kinh ngạc trước cái kiên cường, bất khuất của đồng bào nàng cả nam lẫn nữ. Thường thường một giọng Cockney vui vẻ lại cất lên một bài ca, có lẽ là một người lính cứu hỏa đang vun một đống gạch bốc khói, hoặc một người công nhân đang dọn một đống hoang tàn, hoặc một người lái taxi buông một lời đùa bỡn và họ làm trái tim nàng thêm dũng cảm. Vào những lúc như thế này nàng lại nhớ đến những lời ca của Churchill: “Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”, và sức mạnh của nàng lại phục hồi, dáng đi nhảy nhót, lưng thẳng lại, đầu ngẩng cao tự hào. Và những gánh nặng của nàng hình như nhẹ hơn, dễ mang hơn.
Mùa hè đã gần hết. Tháng chín, phần lớn những vũng tàu đậu ở miền cuối Đông bị phá hủy trong một trận oanh tạc khổng lồ. Những trận ném bom hàng ngày vẫn tiếp tục, các phi công của không lực hoàng gia đã dốc hết sức lực, hay những phi vụ không ngừng nghỉ. Những hạn nghỉ phép hai, ba ngày bị bãi bỏ và đã hàng tuần nay Emma không nhìn thấy Robin. Không lực hoàng gia là khâu phòng ngự cuối cùng của Anh, và mặc dù là một tróc ba, các chiến sĩ áo xanh trong những chiếc Spitfire và Hurrican của họ đã vượt lên những chiếc Luftwaffe. Đến tháng mười thì kế hoạch của quốc trưởng tiêu diệt không lực hoàng gia và bẻ gãy tinh thần của dân Anh, đã tỏ ra là một thất bại. Sự thật, Hitler đã chịu thất bại to lớn đầu tiên. Nhưng máy bay ném bom của Đức vẫn tiếp tục những trận ném bom đêm trên những thành phố lớn, san phẳng nhiều thành phố và những năm đen tối kéo dài vô tận. Những năm của những trận oanh tạc dữ dội: phiếu mua hàng, phiếu thực phẩm và xếp hàng, khan hiếm và thiếu thốn, sầu não, buồn khổ khi những người bạn cũ bị giết hoặc có tên trong danh sách những người mất tích trong chiến đấu. Nhưng ở giữa đống hoang tàn vẫn có sự tái sinh kỳ diệu. Năm 1942, June vợ của Kit sinh một đứa con gái. Emma yêu June và sung sướng có một đứa cháu thứ hai, nàng lên Leeds để dự lễ rửa tội cho đứa bé được đặt tên là Sarah.
Cùng năm ấy, mỗi học kỳ mùa hè, Daisy rời nội trú, về nhà sống với mẹ và Elizabeth ở quảng trường Belgrave. Giờ đây ngôi nhà dường như không còn hiu quạnh, và thậm chí có những giây phút vui vẻ và tiếng cười, đặc biệt khi Robin từ Bigginhill, nơi cậu đóng quân trở về. Bao giờ cậu cũng đem theo một hoặc hai chiến hữu của không lực hoàng gia đội bay 111 về và giải thích với Emma: “Các cậu này sẽ ở lại với chúng ta mẹ ạ. Được chứ mẹ? Tất cả các khách sạn đều chật ních cả rồi”. Emma đồng ý. Sự thật, nàng sẵn lòng mở rộng cửa và trái tim mình cho những phi công trẻ tuổi bất khuất này.
Vào ngày Giánh sinh, Robin may mắn được nghỉ ba ngày vào phút cuối và cậu trở về không báo trước vào đêm Noel, như thường lệ, đem theo ba người bạn. Lúc David Amory bước vào phòng khách, Emma thót tim. Cậu cao lớn da ngăm đen, đôi mắt xanh sáng và nụ cười lóe sáng, một cái gì trong dáng vẻ và điệu bộ của cậu làm nàng nhớ đến Paul McGill. David không đẹp trai như Paul trước đây khi còn trẻ, cậu cũng không có được vóc dáng đồ sộ hoặc sự táo tợn của anh, nhưng cậu vẫn gợi kỷ niệm của Paul trong Đệ nhất thế chiến, David hai mươi tư tuổi, mới đến Bigginhill mà đã có vẻ như một người hùng trong chiến đấu. Với một vẻ chân thật đáng mến, cậu đã làm cho Emma mến ngay.
Mùa Giáng sinh ấy thật là vui, ngôi nhà vang lên tiếng cười. Những người đùa nghịch tuy thân ái nhưng rất gay gắt giữa các thanh niên của không lực hoàng gia và các cô con gái của nàng, tiếng nhạc không ngớt của máy quay đĩa và tiếng cốc chạm nhau.
Emma tiếp đãi rất vui vẻ, che chở tất cả cho mọi người, nàng cũng thích thú y như bọn trẻ. Nhưng dù nàng chiêu đãi mọi người, hoặc lặng lẽ ngồi một góc nhìn hoặc đan mũ len, nàng vẫn để ý tới David Amory. Nụ cười của nàng nhân từ, nhưng đôi mắt nàng cảnh giác khi nàng quan sát cô con gái mười bảy tuổi Daisy đang bị quyến rũ, bị bùa mê của chàng sĩ quan không quân đẹp trai. Và David hình như cũng mê đắm Daisy như cô mê đắm chàng và cậu không lúc nào rời xa cô. Emma nín thở, biết rằng hai đứa yêu nhau và nàng không thể làm gì để ngăn chặn điều ấy. Nàng cũng không chắc là mình có muốn can thiệp hay không. Sau kỳ nghỉ, David Amory trở thành khách thường xuyên ở quảng trường Belgrave hoặc đến với Robin hoặc đi một mình và qua nhiều tháng, Emma đã yêu quí cậu. Cậu xuất thân từ một gia đình Gloucestershire cổ, có giáo dục, được học hành, đang học luật thì chiến tranh bùng nổ. Emma nhanh chóng thấy cậu tính tình cương trực, đầu óc thông minh và một sự dịu dàng, nàng sửng sốt và rất tán thành cậu cho Daisy. Nàng không ngạc nhiên khi David xin phép nàng cho cậu được lấy con gái út của nàng. Cậu đã cưới Daisy tháng năm năm 1943, ngay sau ngày sinh thứ mười tám của cô. “Nhưng nó còn trẻ quá mà. David thân yêu”. Emma thốt lên, định bụng thuyết phục hai người chờ đợi thêm chút nữa. Nhưng thay vào đó, nàng lại thấy mình nói: “Bao giờ hai con định làm đám cưới?”
Daisy lúc này đang đi lại một cách hồi hộp quanh quẩn lò sưởi, ôm lấy mẹ một cách điên cuồng khiến Emma nhăn mặt. Mặt Daisy rạng rỡ, mắt cô long lanh: “Cuối tuần sau, mẹ ạ, nếu mẹ đồng ý”.
Đám cưới lặng lẽ, đúng như đám cưới Elizabeth trước đây do điều kiện thời chiến và Emma cũng không muốn phô bày sự giàu có của mình trong thời buổi nhiễu nhương này. Daisy mặc chiếc áo lụa xanh, đội mũ và mang một bó hoa mùa hè. Winston đưa dâu, Robin phù rể và Elizabeth là phù dâu. Bố mẹ của David từ Gloucestershire lên dự cưới và sau đó ở nhà có một bữa tiệc chiêu đãi nhỏ. Đôi vợ chồng trẻ hưởng tuần trăng mật một đêm ở khách sạn Ritz trước khi David trở về Bigginhill và Daisy trở về nhà mẹ.
Và sau đó, hầu như trước khi Emma kịp thở, Robin cưới Valerie Ludden, một cô bạn y tá của Elizabeth, vào tháng giêng năm 1944 và một vài tuần sau đó, Elizabeth sinh một con trai, cô đặt tên là Alexander. Elizabeth muốn ở gần Tony, đã tìm được một ngôi nhà nhỏ gần sân bay và chuyển tới đó khi đứa bé được một tháng.
- “Hầu như không thể tin được rằng, tất cả bọn nó đã lấy vợ lấy chồng”, Emma nói với Winston một ngày mùa xuân khi hai người cùng ăn trưa. “Cũng không tin là em đã có ba cháu gọi bằng bà. Em cảm thấy quá già nua”.
- “Vớ vẩn”, Winston nói: “Em là một người đàn bà đẹp nhất chưa bao giờ anh được thấy. Và em sẽ không bao giờ già. Em có một nhan sắc không gì tàn phá nổi”. Anh nhìn nàng cười trìu mến. “Hơn nữa, Frank nói với anh là anh chàng thiếu tá người Mỹ em gặp ở nhà cậu ấy mê em lắm đó. Em sẽ thấy có một người theo đuổi mình mà em không biết đâu”.
- “Anh đừng có vớ vẩn, anh Winston”, Emma buông xõng nhưng nàng mỉm cười khi nói.
- “Anh không vớ vẩn đâu”, Winston đáp. “Mà xét cho cùng, tháng tới em cũng chỉ mới năm mươi lăm. Vả lại trông em trẻ hơn tuổi nhiều lắm”. Anh dừng lại nhìn nàng một cách cẩn thận. “Và Paul mất đã được gần năm năm rồi”.
Emma yên lặng, Winston thay đổi chủ đề. Anh và Frank luôn luôn nói đến khả năng Emma có thể kết hôn với một người khác và họ đã giới thiệu nàng với những người bạn có đủ tư cách của họ. Nhưng quả thực nàng không hề quan tâm. Nàng không bao giờ thay thế Paul trong đời mình, nàng không muốn như vậy.
Năm 1945 bắt đầu một cách thuận lợi cho Emma. Daisy sinh đứa con đầu lòng vào tháng giêng. Đó là bé gái.
- “Con thấy thế nào?”, Emma hỏi khi nàng bước vào phòng riêng của Daisy ở bệnh viện London.
- “Yếu”, Daisy nói và cười. Cô ôm lấy Emma: “Con may mắn ghê gớm. Con đẻ dễ”.
- “Ừ, mẹ biết. Bác sĩ đã nói với mẹ”. Emma vuốit một mớ tóc xòa xuống mặt Daisy và hôn con. “mẹ vừa mới nói chuyện với David ở Bigginhill. Nó sướng run người. Ăn mừng với các bạn ở đội bay, lên mặt ông bố. Chút nữa nó sẽ gọi điện cho con. Và có tin mừng nữa đây này. Nó được phép nghỉ hai mươi bốn tiếng. Ngày mai chồng con sẽ có mặt ở thành phố”.
- “Ôi, tuyệt vời quá, mẹ. Con nóng lòng muốn gặp anh ấy”. Daisy chun mũi: “Con cũng không biết đứa bé giống ai. Nó rúm ró và đỏ hon hỏn tội nghiệp. Nhưng tóc nó đen và con nghĩ kiểu tóc của nó thì rồi sau này sẽ giống kiểu của mẹ. Mà mắt nó màu tím. Mẹ nghĩ là rồi nó sẽ đổi màu không?”.
- “Có thể”, Emma nói và ngồi xuống. “Thường là như vậy. Nhưng mắt của con vẫn là màu xanh”.
- “Con đã chọn hai tên đầu cho cháu, mẹ ạ”. Daisy tuyên bố.
- “Con sẽ gọi cháu là Paula McGill. Đặt theo tên bố con”.
Nét mặt của Emma vốn là không thể thăm dò, nhưng lần đầu tiên trong đời nó có thể đọc được và Daisy bật cười. “Mẹ đừng choáng váng như vậy. Thành thật mà nói, đối với một người phụ nữ tinh tế như mẹ, đôi khi mẹ cũng rất là ngây thơ. Mẹ nghĩ rằng con không biết Paul là cha con chắc?”.
Emma nói: “Mẹ… mẹ…” và dừng lại…
Daisy lại cười nhưng là một cái cười hiền lành và đầy tình thương mến. “Ngay cả khi con còn bé tí con đã nghĩ rằng Paul là ba con. Xét cho cùng, ba luôn luôn đi với chúng ta và chúng ta đi khắp mọi nơi với ba. Thế rồi khi con lớn hơn, con nhận ra con giống ba đến thế nào. Và chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật, con không bao giờ biết Arthur Ainsley, người mà con mang tên là ai”, Daisy ngừng lời, đôi mắt xanh trong sáng của cô nhìn chăm chú vào Emma. “mà, khi con mười hai tuổi, chính Paul đã nói với con điều ấy”. Quai hàm Emma trễ xuống. “Paul bảo với con ông ấy là cha con sao? Mẹ không thể tin được điều ấy!”.
Daisy gật đầu. “Vâng, đúng thế. Ba nói ba muốn con biết và con đã đủ lớn khôn để có thể hiểu được. Nhưng ba nói hãy để là điều bí mật trong vài năm. Ba lo là mẹ sẽ sầu muộn. Ba giải thích tất cả mọi điều với con một cách trực tiếp, cẩn thận và hết sức dịu dàng. Ba nói vì sao ba và mẹ không thể lấy nhau và ba hy vọng một ngày nào đó sẽ giải quyết được vấn đề này. Ba cũng nói với con ba chính thức nhận con, ba nói ba yêu cả hai mẹ con hơn bất cứ cái gì trên đời”. Mắt Daisy ươn ướt. Cô hắng giọng và nói nốt. “Sự thực, con không lấy gì làm ngạc nhiên hết, mẹ ạ, bởi vì đến lúc đó con đã đoán được rồi. Con nói với ba như thế và ba đã cười. Ba nói ba biết công chúa của ba là cô gái thông minh nhất đời”.
- “Con có… bây giờ con có phiền lòng khi biết mình là con tư sinh không?”. Emma gượng hỏi.
- “Ồ, mẹ, đừng cổ hủ như thế. Tất nhiên là không. Con thà là tư sinh của Paul McGill còn hơn là con hợp pháp của Arthur Ainsley cho dù chỉ là một ngày”.
Nước mắt dâng lên mắt Emma, nàng loay hoay tìm khăn tay. “Mẹ… mẹ… không biết nói như thế nào”, nàng ngập ngừng.
Daisy nghiêng người về phía trước, giơ tay về phía Emma. “Con yêu mẹ, mẹ ơi. Và con yêu Paul. Nếu cho con tự chọn con cũng không chọn được bố mẹ như thế. Và mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất trên đời”.
- “Nhưng tại sao con không nói với mẹ là con biết trước điều đó?”, Emma hỏi giọng tắc nghẹn, mặt nàng áp vào vai Daisy. “tại sao con không nói với mẹ khi Paul chết?”.
- “Con nghĩ đó không phải lúc. Nỗi quan tâm chính là cố gắng làm giảm nhẹ nỗi đau khổ của mẹ”.
Emma ngồi ngả trong ghế, hỉ mũi. Nàng mỉm cười yếu ớt với Daisy, mặt đầy yêu thương. “Mẹ sung sướng là con đã biết, con yêu. Đáng lẽ tự mẹ phải nói với con. Nhưng mẹ cứ nghĩ là con sẽ phản ứng như… con sẽ buồn và ghét mẹ và Paul”.
- “Mẹ ngốc nghếch quá, mẹ ơi. Con không bao giờ có thể ghét hoặc chỉ trích mẹ hoặc ba con vì việc hai người đã làm. Bố mẹ yêu nhau”. Daisy cầm lấy tay Emma và nắm chặt lấy. “Con tự hào được làm con của mẹ”. Daisy nhìn Emma cái nhìn dò hỏi: “Mẹ có chắc là không phiền lòng con lấy tên ba đặt cho cháu?”.
- “Mẹ thấy rộn ràng”, Emma nói.
Y tá vào làm họ ngắt quãng. Emma ôm đứa bé trong tay, mặt nàng rạng rỡ khi nhìn xuống cái bọc nhỏ nép bên vai nàng. Đây là cháu ngoại đầu tiên của Paul, nàng nghĩ, tim nàng đập rộn ràng. Phải chi anh còn sống để nhìn thấy nó. Paula McGill Amory thế hệ mới đầu tiên của giòng họ McGill.
Một tuần sau, Daisy về nhà ở quảng trường Belgrave. Hầu như ngay lập tức, đứa bé trở thành trung tâm thế giới của Emma, thỉnh thoảng nó làm đảo lộn vai trò làm mẹ của Daisy, cô không lấy thế làm phiền lòng chút nào. Cô sung sướng thấy Emma vui vẻ, tươi cười. Cô nhiệt liệt khuyến khích mẹ khi bà nói tới kế hoạch của mình cho Paula và tương lai của con bé.
- “Hình như Paula sinh ra là điềm may”. Một buổi sáng tại bữa ăn sáng, Emma đã nói, tay chỉ về phía tờ báo đang đọc. “Đồng minh đấ thực sự chọc thủng trận tuyến, mẹ nghĩ chiến tranh sắp kết thúc”.
Nàng đã đúng trong giả định này. Khi năm mới chuyển qua mùa xuân khắp nước Anh rộn ràng. Tháng ba, đội quân thứ nhất của Mỹ vượt qua sông Rhine qua cầu ở Remagen lập một mũi tấn công ở Đức. Khoảng từ 20 đến 25 tháng tư, người Nga vào Berlin, năm ngày sau đó, Hitler và Braun tự tử. Đế quốc thứ ba mà quốc trưởng nói là sẽ kéo dài một ngàn năm đã tan rã trong thất bại nhục nhã. Ngày 7 tháng năm, Đức đầu hàng vô điều kiện tại Reims ở Pháp.
Emma ở Leeds ngày 8 tháng năm, đó là ngày chiến thắng ở Anh. Tối hôm ấy, nàng ăn cùng Winston, Charlotte và họ uống hai chai champagne để ăn mừng. Nhưng mặc dù cờ treo ngòai cửa sổ, phần phật trên những cột cở khắp Leeds, và hội hè tiếp nối chung quanh họ, Emma cảm thất nhẹ nhõm hơn là vui sướng. Và nàng thở hơi nhẹ nhõm đầu tiên trong sáu năm. Các con trai của nàng đều an toàn, kể cả con rể, các con trai của anh nàng và của những người bạn thân thiết nhất của nàng, Blackie O’Neill và David Kallinski. Không có một mất mát gì trong gia đình của họ, và Emma hết sức biết ơn vì điều đó.
Rồi dần dần tất cả đều về nhà.
*
* *
- “Anh chỉ tạt vào để chúc mừng em thôi, Emma”. Blackie O’Neill vừa nói vừa sải bước vào trong phòng khách ở Pennistone Royal. “Winston nói với anh là Công ty báo Yorkshire đã kiểm soát được tờ Yorkshie Morning Gazette. Như vậy là cuối cùng em đã thắng”.
Emma mỉm cười yếu ớt với anh. “Vâng, em đã thắng. Nhưng mà từ trước anh cũng biết là em sẽ thắng cơ mà”.
- “Có, anh biết”. Anh nhìn nàng sắc sảo và hỏi: “Em làm như thế nào vậy, Emma? Anh rất tò mò muốn biết”.
- “Kiên nhẫn, và một địch thủ yếu”. Nàng đặt tay vào lòng, nhìn xuống chiếc nhẫn lục bảo McGill rồi nói tiếp nhanh nhẹn. “Những tờ báo của em là những tờ báo thành công nhất ở Yorkshire và dần dần chiếm lĩnh được tất cả mọi số phát hành của tờ Gazette. Tờ báo đó đã thất thu từ sau chiến tranh. Thành thật mà nói, em cố đẩy tờ Gazette xuống bùn đen và em làm như vậy không hề hối tiếc. Edwin Fairley không phải là người kinh doanh tốt. Đáng lý anh ta phải bám vào luật pháp”. Nàng cười khô khan: “Và anh ta đã mắc một vài sai lầm nghiêm trọng, một trong những sai lầm đó là bán một cổ phần của anh ta hai năm trước đây. Anh ta đã làm suy yếu vị trí của mình. Từ lâu anh ta đã không còn đứng ở thế mạnh để giải quyết công việc rồi”.
- “Nhưng anh ấy vẫn là chủ tịch hội đồng”, Blackie xen vào.
- “Vâng, đúng thế. Nhưng anh ta không nhận ra cái tinh tế, vị trí của mình và anh ta cũng đánh giá thấp những cổ đông khác cả cũ lẫn mới. Anh ta hình như không hiểu rằng sự trung thành cũng bay ra ngoài cửa sổ khi một sô tiền lớn đang rình rập. Ban giám đốc đã lo lắng về sự thua thiệt của những tờ báo trong nhiều năm nay và khi các Công ty Harte xáp vô để mua các cổ phần của họ thì họ sẵn sàng bán ngay không một chút do dự. Em đã thu thập được các cổ phần ở công ty trong nhiều năm, những cái đó cùng với những lần mua cuối của em đã đem lại cho em nhiều quyền lực. Những người cổ phần lúc đầu không bán cho em, sau lại quăng gánh nặng của họ cho em. Hết sức đơn giản. Edwin Fairley bị thua phiếu ở cuộc họp lãnh đạo lần cuối và phải thôi không làm chủ tịch nữa. Công ty Harte đề nghị mua cổ phần còn lại và thật ngạc nhiên, anh ta đã bán”.
- “Thật là một đòn cho anh ta, Emma hả?”, Blackie nhận định. “Nhưng anh ngạc nhiên em không có mặt ở cuộc họp lãnh đạo đó để mà chứng kiến sự chuyển nhượng của anh ấy. Winston nói chính anh ấy đại diện cho em”.
Nét mặt của Emma thay đổi thật nhanh và một sự lạnh lùng len vào đôi mắt của nàng. Nàng nói: “Bốn mươi lăm năm trước đây em đã nói với Edwin chừng nào em còn sống em sẽ không gặp anh ta nữa và em đã không gặp. Anh không nghĩ là bây giờ em lại muốn để mắt tới anh ta chứ?”.
Blackie nhún vai: “Anh chắc là không”, anh trả lời lặng lẽ. Winston có kể cho em nghe Edwin đã phản ứng như thế nào khi anh ấy biết em là người đứng sau mọi chuyện không?”.
Emma gật đầu: “Rõ ràng anh ta mặt phớt tỉnh. Tất cả các trạng sư đều là những diễn viên giỏi mà”. Rồi anh nói: “Anh hiểu. Nhưng Winston kể với anh là Edwin có nét mặt rất đặc biệt khó mà có thể hiểu được là thế nào”. Anh dừng lại và nhìn thẳng vào mặt Blackie. “Winston nói anh nghĩ Edwin có vẻ hài lòng. Lạ, phải không nhỉ?”.
- “Ừ, đúng thế. Anh không hiểu tại sao Edwin Fairley lại hài lòng khi em chiếm đoạt tờ báo của anh ấy”. Anh lắc đầu, bàng hoàng. “Tờ báo thuộc về gia đình anh ấy đã ba thế hệ nay”.
- “Có Trời biết”, Emma nói: “Đó là một điều huyền bí đối với em. Winston nói hình như được chứng kiến thấy Edwin nhẹ người”, nàng cười một cách hài hước. “Đúng về một mặt nào đó, anh có thể nó được rằng em đã nhấc một gánh nặng khỏi vai Edwin”.
- “Đúng thế, em gái”. Blackie nói, nét mặt anh không thể đọc được khi anh châm một điếu xì gà. Có lẽ nàng nói đúng, anh nghĩ. Có lẽ Edwin Fairley nhẹ nhõm trong người, nhưng không phải với lý do nàng nghĩ đâu.
Emma đứng lên: “Em phải đi tìm Paula đây. Đã đến giờ cho cháu ăn trưa rồi. Em quay lại ngay. Blackie, xin lỗi”.
Blackie gật đầu và theo nàng ra ngoài sân hiên. Anh nhìn nàng bước vội xuống vườn, mắt anh dõi theo và nheo lại vì mặt trời tháng tám sáng chói. Emma đứng sững bên ao hoa huệ ở cuối vườn và cúi xuống nói chuyện với Paula đang chơi con búp bê. Emma vẫn đẹp dáng như bao giờ, và xa xa, trong chiếc áo dài mùa hè mỏng nhẹ, mớ tóc vẫn còn óng mượt điểm ánh vàng- đỏ của thời trẻ trung, trông nàng như cô gái trẻ anh đã gặp lần đầu tiên trên đồng hoang từ những ngày xa xưa và trong một khoảng khắc, những năm tháng trôi đi. Anh nhớ lại một cách rõ ràng cô hầu gái nhỏ bé của Fairley Hall, và một nụ cười chậm chạp nở trên mặt anh. Gần một nửa thế kỷ đã qua, bao nhiêu điều đã xảy đến, những điều anh không bao giờ mơ có thể xảy ra. Cuộc sống thật lạ kỳ. Và Emma cứ tiếp tục đi mãi, giờ đây vẫn bất khuất như bao giờ. Anh chớp chớp và lấy tay che mắt. Anh thấy nàng đang xoa đầu đứa bé, rồi nàng đứng thẳng lên và quay về sân hiên, bước đi mạnh mẽ.
Blackie mỉm cười trìu mến với nàng: “Rõ ràng em là người bà đẹp nhất trên đời này”, anh nhận xét và cười “còn đứa nhỏ kia, nó đã trở thành cái bóng của em”.
- “Em nghĩ bà cháu em là một đôi lạ lùng, một bà già và đứa bé lên năm, nhưng chúng tôi hiểu nhau”. Nàng quay lại nhìn đứa bé, mặt nàng dịu lại. “Tất cả những mơ ước, những hy vọng, những mong chờ của em đều tập trung vào nó, Blackie ạ. Nó là tương lai của em”.