Paul McGill đi đi lại lại trong căn phòng khách của Emma ở Wilton Mews, lòng bồn chồn, đôi tay anh đút sâu trong túi, hai vai gồ lên. Anh dừng lại bên cửa sổ, nhìn ra ngoài, và cuối cùng khi anh quay đầu lại, đôi mắt anh chăm chú nhìn Emma. Anh quan sát nàng vẻ ngẫm nghĩ nét mặt bối rối.
Cuối cùng anh nói. “Anh không hiểu tại sao em không đề nghị với Arthur ly hôn, Emma. Quả thực anh không hiểu nổi. Anh nhgĩ chúng ta đã đồng ý với nhau là em sẽ tìm tự do của em ngay lập tức. Tại sao em còn trùng trình? Có phải bởi vì Constance không ly dị với anh không? Em không tin anh sao? Em không biết rằng anh có ý định ở với em mãi mãi sao? Anh muốn một lời giải thích, Emma?”.
- “Anh hãy đến ngồi bên cạnh em, anh yêu”, Emma nói dịu dàng.
Paul ngồi bên cạnh nàng trên sofa, anh cầm tay nàng trong tay anh. “Tất nhiên em tin anh, Paul. Quyết định của em không liên quan gì tới trường hợp của anh. Em biết anh đang làm tất cả mọi điều để sửa chữa lại. Và em sẽ ly hôn Arthur. Nhưng sau khi đứa bé sinh, đăng ký và làm lễ rửa tội đã. Em muốn đứa bé có một tên, Paul. Em không muốn giấy chứng sinh ghi là con tự sinh”.
- “Có phải em thực sự muốn nói là em muốn con anh được nuôi dưỡng dưới danh Ainsley không? Anh không thích điều ấy, Emma. Không chắc anh có chịu điều đó không!”.
Emma nhìn anh ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên anh nói nặng với nàng. Nàng phải làm cho anh hiểu lý do của mình. “Em biết anh cảm thấy như thế nào”, nàng xoa dịu. “Nhưng chúng ta phải nghĩ đến đứa bé, anh Paul. Anh thấy không…”.
- “Chính anh đang nghĩ đến đứa bé. Anh muốn nó có tình yêu và sự che chở của anh và tất cả những thứ khác anh có thể cho nó và anh không muốn nó lớn lên mà không biết anh. Hơn nữa anh muốn con anh được nuôi dạy dưới ảnh hưởng của anh chứ không phải của một đàn ông khác. Anh sẽ không để nó sống dưới mái nhà của Ainsley trong bất cứ hoàn cảnh nào. Em biết ý kiến của anh về hắn ta rồi đó. Anh nghĩ anh đã nói rõ ý anh về chuyện này, Emma”.
- “Vâng, đúng thế, anh yêu. Em đã nói với anh là đứa bé sẽ ở London. Nhưng em phải che chở đứa bé. Không được để cho nó mang điều ô nhục làm đứa con tự sinh suốt đời”.
Paul thở dài thiếu kiên nhẫn: “Tiền của anh sẽ cho chở cho đứa bé, Emma. Làm nó miễn dịch khỏi sự bêu diếu. Hơn nữa, anh đã nói với em là anh sẽ công nhận nó ngay tức thì Emma, xin em, em phải nghĩ tới việc lấy tên anh làm cha của đứa bé trong giấy chứng sinh. Anh mong muốn nhận quyền làm cha”.
- “Không! Chúng ta không thể làm thế được!”, Emma thét lên dữ dội, mắt nàng bốc lửa. Nhận thấy nét đau đớn thoáng hiện trên mặt anh, nàng nâng tay anh lên môi hôn. Nàng nhìn Paul thật lâu và chăm chú. Nàng hít một hơi dài và rất thong thả, bằng một giọng chắc chắn, nàng đã kể anh nghe.
Trước tiên nàng kể cho anh cuộc đụng độ với Edwina ngày hôm trước và cách nàng giải quyết với Arthur. Nàng kể anh nghe cuộc đời làm đứa ở tại Fairley Hall. Nàng kể về Edwin Fairley, nàng có mang, việc anh ta cự tuyệt nàng, và chuyến đi đầu đau đớn của nàng tới Leeds lúc còn là một cô bé khiếp đảm. Nàng kể cho anh sự vật lộn và cảnh đói nghèo sự thiếu thốn, những ngày lao động cực nhọc nàng đã trải qua. Nàng kể cho anh nghe Gerald Fairley đã toan cưỡng hiếp nàng như thế nào. Nàng kể cho anh nghe mọi chuyện, nàng nói một cách bộc trực và hùng biện, không tỏ vẻ hoặc bi thảm hóa. Rất đơn giản, nàng chỉ đưa ra những sự kiện không biểu lộ xúc cảm.
Paul lắng nghe chăm chú, mắt anh nhìn chằm chằm vào mặt nàng, anh cảm động như chưa bao giờ trong đời anh. Khi nàng nói xong, anh ôm lấy nàng, vuốt mái tóc nàng, kéo nàng lại gần anh hơn, tràn ngập một tình cảm che chở và thương yêu.
- “Kẻ nào lại có thể đưa ra một câu chuyện khôi hài, là thế giới chúng ta đang sống đây là một thế giới văn minh?”. Anh thì thầm trong tóc nàng và hôn lên trán nàng. Anh yên lặng rồi nói một cách nhẹ nhàng. “Ồ, Emma, Emma. Anh phải đền bù thật nhiều… tất cả những nỗi đau khổ em đã chịu đựng bao nhiêu năm trời. Và anh sẽ làm điều ấy. Anh hứa với em như vậy”.
Paul giơ nàng ra xa và nhìn sâu vào mắt nàng. “Tại sao trước đây em không kể cho anh tất cả những điều đó?”. Khi nàng cúi mặt không trả lời, anh nhẹ nhàng nói tiếp. “Em cho rằng anh sẽ nghĩ khác đi ư?”. Anh cúi xuống hôn lên đôi môi nàng. Em không hiểu rõ anh nếu em nghĩ rằng quá khứ của em là điều hệ trọng đối với anh. Anh càng yêu em hơn vì những điều em đã làm, những cái em vượt qua để trở thành như bây giờ. Và vì tính cách bất khuất và sức mạnh to lớn của em. Em là một người phụ nữ rất đặc biệt, Emma!”.
- “Không phải em cố tình tránh không nói với anh”, Emma lặng lẽ nói. “Hình như không bao giờ em có dịp thuận lợi”.
Paul nhìn nàng, trái tim đầy yêu thương. Anh nghĩ: “Ôi, em yêu, biết bao nhiêu sự tàn nhẫn và nhục nhã mà em hẳn đã phải chịu đựng và biết bao dũng cảm em đã đương đầu với cuộc đời”.
Emma nói: “Bây giờ anh hẳn đã hiểu rồi, phải không Paul? Em định nói về chuyện em chưa ly dị Arthur. Em không muốn con của chúng ta một ngày nào đó sẽ chống lại chúng ta. Em không thể chịu nổi sự lặp lại của cảnh hôm qua với Edwina”.
- “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Không phải với con chúng ta”. Nhưng đúng, bây giờ anh hiểu, anh nói: “Anh sẽ làm bất cứ cái gì em muốn, Emma”.
Đứa con của họ, một đứa bé gái, sinh vào đầu tháng năm, năm 1925 tại một nhà hộ sinh tư ở London. Chính Paul là người đi đi lại lại ở ngoài phòng đợi. Chính Paul là người đã ôm Emma trong tay sau khi nàng ở cữ. Chính Paul là người đã chọn tên cho đứa bé. Nó được đặt tên là Daisy theo tên của mẹ anh.
Ngày hôm sau, Paul đến thăm Emma, vẻ mặt anh rạng rỡ, hai tay ôm đầy hoa và quà tặng: “Con gái của tôi đâu?”, anh hỏi.
- “Cô ý tá sẽ mang nó vào ngay bây giờ”, Emma nói và mỉm cười tươi.
Anh ngồi xuống mép giường, ôm lấy Emma: “Còn em yêu của anh thế nào?”.
- “Em khỏe mạnh lắm, Paul. Nhưng anh không được làm hư em”.
- “Rồi em sẽ quen với những việc như thế này. Từ nay về sau sẽ luôn luôn là như thế”. Anh cầm tay nàng trong tay anh và trước sự ngạc nhiên của nàng, anh tháo chiếc nhẫn cưới của nàng trước khi nàng kịp phản kháng, mở cửa sổ và ném nó ra ngoài.
- “Trời ơi, Paul, anh làm gì vậy?”
Anh không trả lời. Anh thò tay vào túi lấy ra một chiếc nhẫn bạch kim. Anh lồng nó vào ngón tay nàng và thêm viên ngọc lục bảo McGill vuông lớn vốn của mẹ anh và bà anh trước đó.
- “Chúng ta có thể không có đạo, nhưng em là vợ của anh”. Anh nói: “Từ ngày hôm nay cho đến khi chết chúng ta mới lìa nhau”.
Từ khi trở lại Anh quốc năm 1923, Paul McGill đã để lộ tình cảm của mình với Emma rõ rệt. Anh yêu nàng say đắm. Anh còn thán phục nàng, và rất tự hào vì những thành tựu của nàng. Sau khi đứa con gái của họ ra đời, tình cảm của họ càng sâu đậm thêm. Nàng và đứa con của họ trở thành cốt lõi của đời anh, lý do của sự sống của anh. Nó tạo nên hình thù và ý nghĩa cho tất cả những cái anh làm, cho phương thức anh sống, cho công việc kinh doanh khổng lồ của anh. Tất cả những nỗi thất vọng và thất bại ngày xưa, những vết thương chồng chất qua bao năm tháng đã bị cuốn đi, và lòng anh tràn đầy những niềm hy vọng nở hoa. Daisy có thể không mang tên anh, nhưng nó là con anh, máu anh và trong nó anh nhìn thấy sự tiếp nối của giòng họ nhà McGill và triều đại do ông anh thành lập, người đại úy hải quân Tô Cách Lan đã định cư ở Coonumble năm 1852.
Sự thật mà nói, anh tôn thờ Emma và Daisy, anh không có ý định để cho bất cứ ai trong hai người xa anh, hoặc anh xa họ lâu mặc dù sự phức tạp của cuộc đời họ và những trở ngại gây ra bởi những mối ràng buộc về hôn nhân. Anh nắm chắc công việc trong tay vào cuối mùa hè năm 1925 khi anh mua một dinh thự cực kỳ lộng lẫy ở quảng trường Belgrave và lập tức trao quyền sở hữu cho Emma.
Sau đó anh tu sửa lại thành hai ngôi nhà, không hề tiếc tiền. Khu nhỏ hơn ở tầng trệt anh dành cho mình. Ba tầng trên trở thành một căn nhà xinh cho Emma, Daisy, người trông trẻ, người giữ nhà, người hầu gái. Đối với một người quan sát bình thường, hai căn hộ này hoàn toàn tách biệt, riêng tư, mỗi căn hộ có lối đi riêng. Nhưng thực sự nó được nối bằng cầu thang riêng bên trong.
Họ cùng chung sống nhưng kín đáo thận trọng, đúng với mọi khuôn phép bởi vì Emma không muốn phô trương những mối quan hệ của họ trước những đứa con khác của nàng, và trách nhiệm làm mẹ của nàng. Paul luôn luôn ngạc nhiên trước tính chất hai mặt trong bản chất của nàng. Anh trêu nàng, gọi nàng là một mớ mâu thuẫn và nói rằng nàng, một con người không biết sợ là gì trong công việc và coi khinh những gì cuộc đời nghĩ về nàng thì lại nhạy cảm đến kỳ lạ đối với dư luận về đức hạnh cá nhân của nàng. “Khi nào ly dị rồi thì em chẳng cần quái gì hết”, nàng trì hoãn, Paul chỉ mỉm cười , anh nhận ra rằng sự cẩn tắc về cuộc sống của họ, nảy sinh từ những kinh nghiệm của cuộc sống thiếu thời của nàng.
Sự thể là, việc ly hôn đến sớm hơn người ta mong đợi. Vào tháng sáu, nhận thức được lòng ao ước của Emma muốn che chở đứa con của họ, Paul đã đồng ý để Emma đưa Daisy đi Yorkshire với Frank và Natalie. Với tư cách là người bạn lâu năm của gia đình, sự có mặt của anh không có điều gì là bất tiện và, bởi vì sự kiện thay đổi bất ngời cho nên nó diễn ra không ai chú ý tới. Vài ba hôm trước ngày làm lễ đặt tên thánh, bà mẹ của Arthur Ainsley bị quị và chết vì một cơn đau tim. Lễ đặt tên thánh tiếp diễn với đám tang là một niềm đau. Frederich Ainsley và Arthur đau buồn cũng chẳng thiết tha gì đến chuyện này. Daisy đã được rửa tội một cách đầy đủ không có sự cố gì và ngày hôm sau, nàng đưa con trở lại London. Ba tháng sau, Frederich Ainsley, già nua, gầy gò và ốm yếu từ lâu đã đi theo vợ ông xuống mồ. Arthur được quyền thừa kế và với vẻ hào hiệp xưa nay chưa hề có, anh ta đã cho phép nàng ly dị mình vì có thông dâm. Emma không ngạc nhiên. Nàng đã mua cái hào hiệp của Arthur mười nghìn pound.
Khi quyết định ly hôn được đưa ra, cuộc đời của Emma thay đổi về căn bản. Nàng đem hai đứa sinh đôi, Robin và Elizabeth sống cùng với nàng ở quảng trường Bengrave và đúng như nàng đã đoán trước, Arthur không phản đối gì. Không những sung sướng vì cuối cùng đã thoát nổi anh ta, nàng cũng rất thích khi hai đứa bé này lớn lên không có ảnh hưởng của anh ta.
Kit, sống ở ký túc đã về nghỉ hè với Emma, nó không hề giấu giếm ý nghĩ tán thành Paul và yêu mến anh, nó cũng chẳng nhỏ một giọt nước mắt nào về sự mất dạng thình lình của Arthur Ainsley ra khỏi cuộc đời thơ dại của nó. Emma cũng tổ chức lại công việc làm ăn của nàng về cơ bản, để có thể sống hầu hết thời gian ở London. Winston được chỉ định làm giám đốc điều hàng của những cửa hàng Yorkshire và các nhà máy, còn Emma giám sát những công nghiệp miền Bắc từ trụ sở của nàng ở cửa hàng Knightsbridge, mỗi tháng đi Leeds một lần, ở đó nàng sống năm ngày hoạt động sôi nổi, làm việc nhiều tiếng với Winston.
Nàng và Paul thận trọng đến mức, đặc biệt là trước mặt lũ trẻ, nhưng thời gian qua đi, và hình như không ai để ý tới sự sắp xếp cánh sống không bình thường của họ và ngôi nhà đầy những đứa con khác bố của nàng. Rất nhanh, Paul đã trở thành người chủ hộ danh nghĩa, và với sức mạnh của mình cộng với sự hòa nhã vốn có, anh vừa được lũ trẻ kính trọng vừa được yêu mến và chẳng mấy chốc anh đã là người cha tinh thần của tất cả bọn trẻ. Dần dần Emma thấy thư thái. Paul đã kiên nhẫn giải thích với nàng là của cải kết hợp của hai người làm cho họ vượt lên những qui ước thông thường, làm cho họ được an toàn với xã hội và nàng đã thừa nhận điều anh nói. Sự tự tin và lòng dũng cảm của nàng đã thắng được những điều nghi ngại trước đây.
Paul và Emma không rời nhau một bước. Anh mua cho nàng những đồ trang sức lộng lẫy, áo lông và áo ngủ xa hoa. Anh tiêu cho nàng không tiếc. Họ đi xem hát, nhạc kịch, hòa nhạc, đi ăn, hội hè. Họ giao thiệp với những người giàu có và thế lực nhất ở London và ở những thành phố khác trên khắp thế giới – các nhà chính trị, các tài phiệt, những người giao thiệp rộng, các nhà văn học nghệ thuật của ba lục địa. Anh đưa nàng tới những thủ đô của châu Âu, những nơi anh đi hoặc đi công chuyện hoặc đi chơi. Nàng đi với anh tới New York và Texas nơi anh có những mỏ dầu, và hai lần nàng đi cùng anh trong những chuyến đi hàng năm của anh tới Úc. Paul vẫn cố gắng để tìm tự do, nhưng anh liên tục gặp sự phản đối khăng khăng một mực của Constance, chị không đồng ý ly dị. Đó là điều duy nhất làm phương hại đến hạnh phúc của anh. Mặc dù anh đã nhận Daisy theo đúng pháp luật, đã cung cấp cho cả hai mẹ con nàng nhưng anh vô cùng muốn lấy Emma và sắp xếp cuộc đời họ ổn định. Tuy nhiên, Emma thấy rất an toàn trong quan hệ hiện nay của hai người, hàng không thấy tình hình này có gì phải bận tâm và cố gắng làm giảm bới nỗi lo ngại của Paul. Giờ đây lại chính nàng là người bảo anh cứ bình tâm, đừng bực dọc như vậy, nàng nhận định một cách lạc quan rồi cuối cùng mọi việc sẽ đâu vào đấy, nàng nhắc lại tình yêu của mình đối với anh và cam đoan với anh là nàng hạnh phúc.
Chỉ có một điều duy nhất day dứt Emma là thái độ tiếp tục xa lánh của Edwina, bởi vì nàng vẫn chưa lấp được hố ngăn cách giữa hai mẹ con. Sự giao lưu hãn hữu của nàng với đứa con cả là thông qua Winston người thay mặt Emma lo việc tài chính của Edwina. Sau hai năm để kết thúc trung học ở Thụy Sĩ, Edwina đã sống trong một căn hộ ở Mayfair và đã sống một cuộc sống xã hội hối hả đến chóng mặt với các bạn bè thân thuộc tầng lớp trên của cô ta, hưởng cái mức sống của một cô con gái nhà giàu. Emma không cắt bỏ chi tiêu của Edwina và đã lập một quĩ tín dụng cho cô với nguồn thu nhập hàng năm không nhỏ. Emma mong muốn được nhìn thấy Edwina để lôi nó trở về trong lòng gia đình, nhưng nàng cũng đủ khôn ngoan để kìm mình không làm bước dạo đầu, nàng hiểu rằng bước thứ nhất nhất thiết phải do con gái nàng bắt đầu.
Và như vậy, nói chung Emma hài lòng, hơn bao giờ hết. Tình yêu tận tụy của Paul, và tình yêu của nàng đối với anh đã nâng đỡ nàng trong mọi lúc, Emma cũng tìm được sự an ủi lớn lao trong Daisy, nó là niền tự hào đặc biệt của nàng, và mặc dù nàng không muốn thừa nhận điều đó với chính mình, nàng yêu Daisy hơn bất cứ đứa con nào khác của nàng. Đây là một đứa con của tình yêu, đứa con duy nhất nàng vui mừng mang ở trong lòng. Có một sự gần gũi giữa hai mẹ con mà nàng không cảm thấy đối với những đứa con trước, với thời gian nó chỉ càng mạnh mẽ thêm. Có lúc khi nàng nhìn vào đứa bé đang lớn, trái tim Emma thắt lại với những tình cảm dịu dàng, thấy Paul phản chiếu trong đứa bé. Bởi vì Daisy đúng là con gái của bố nó, giống cha đủ đường. Luôn luôn bên cạnh bố, vô thức nó đã sao chép nhiều điệu bộ cử chỉ của bố, khi cười, mặt nó trở nên nghịch ngợm và thân thương. Về bản chất, Daisy dịu dàng dễ thương và vì sự trìu mến và chăm sóc của bố mẹ nên nó là một cô bé tự tin và cởi mở, nhưng nó hoàn toàn không phải là một đứa trẻ hư hỏng, và rất tự nhiên đối với mọi người. Nó có tính cách vui vẻ, hoạt bát của mẹ, tính lạc quan và ý chí kiên cường của nàng.
Khi Daisy lên năm, Paul đã khăng khăng đòi nó và Emma đi cùng anh về Úc. Sau một tuần ở Sidney, anh đưa họ tới Coonumble và họ ở Dunoon bốn tuần. Một sự thông cảm lẫn nhau kỳ lạ đã nảy sinh giữa cô bé thông minh lanh lợi và cậu anh trai cùng bố khác mẹ, Howard khiến cả Emma và Paul đều cảm động vì mối quan hệ của hai anh em. Daisy hình như đến với anh của mình một cách khác hẳn những người khác trước đây, sự tận tụy của cô bé đối với anh và sự phụ thuộc của cậu anh đối với cô em làm ấm lòng họ. Từ đó về sau, hàng năm hai mẹ con trở về cùng với Paul, anh không muốn tước đi niềm vui của Howard mà cô em cùng bố khác mẹ đã đem đến cho cuộc đời bị thu hẹp của cậu.
Năm tháng trôi đi quá nhanh khiến Emma thường tự hỏi cái gì đã xảy ra với thời gian. Các con nàng đều lớn lên và rời ngôi nhà ở quảng trường Bengrave. Kit, chàng thanh niên đẹp trai rất giống Joe Lowther đi học tại trường Đại học Leeds còn hai người con sinh đôi thì đi học tại trường nội trú riêng của từng người, lần đầu tiên phàn nàn vì phải sống xa nhau. Nếu như Daisy là đứa con được yêu thương nhất của Emma thì Robin rõ ràng là đứa con trai được yêu thích nhất của nàng và nàng nhớ nó hơn là nàng tưởng trong các học kỳ, Robin không hề có một thói quen hoặc một tính cách khó chịu nào của Arthur Ainsley và lại hết sức giống Winston. Đó là một cậu bé gầy đầy sức sống, trí tuệ, thông minh, duyên dáng bẩm sinh. Cậu là một học sinh xuất sắc và Emma đặt nhiều hy vọng nơi cậu.
Cô em gái sinh đôi, Elizabeth cũng giống phía nhà họ Harte. Thỉnh thoảng Emma nhìn con gái và nín thở, nàng thấy tiếng vang vọng của mẹ nàng trong đứa con gái này, và thỉnh thoảng nàng bắt gặp một thoáng của Olivia Wainwright trong khuôn mặt yêu kiều của Elizabeth. Lúc ấy nàng lại trầm ngâm nhớ về quá khứ, gợi một sự giống nhau huyền bí giữa hai người đàn bà từ hai thế giới biết bao là khác nhau làm nàng giật mình. Trong số tất cả các con của Emma, Elizabeth thật là một trang nhan sắc, dáng liễu, yêu kiều, khuôn mặt thanh tú trong như ngọc với mớ tóc mây màu đen. Cô cũng được tạo hóa phú cho sự quyến rũ. Không may, Emma còn phát hiện ra những nét khác ở cô mà nàng cảm thấy nản lòng. Elizabeth tính tình nóng nảy, đồng bóng và thường là khó kiềm chế, Paul đồng ý với Emma là cô bé cần một bàn tay kiên quyết, và họ hy vọng kỷ luật ở nhà trường ký túc sẽ làm cho cô ta dịu lại mà vẫn không làm mất tinh thần của cô.
Công việc kinh doanh của Emma vẫn tiếp tục phát triển. Cửa hàng Knightsbridge trở nên nổi tiếng thế giới, những cửa hàng Yorkshire trở thành tên cửa miệng của các gia đình, ở miền Bắc: các nhà máy mở mang; cả các nhà máy quần áo Kallinski cũng vậy; công ty Emeremm bây giờ là cơ sở kinh doanh Harte phát triển nở rộ thành một tổ chức có nhiều chi nhánh trên khắp thế giới. Theo bản năng khôn ngoan của mình và nghe theo lời khuyên của Paul, Emma đã đầu tư tiền một cách khôn ngoan và tăng vốn của mình lên nhiều lần, cũng như tiền của Winston, Frank, nàng cũng trông nom công việc tài chính của cả hai người này. Đến năm nàng bốn mươi sáu tuổi Emma đã là một triệu phú của nhiều triệu phú và là một thế lực phải tính đến, không phải chỉ ở London và miền Bắc nước Anh mà còn ở phạm vi thế giới nữa.
Mặc dù hạnh phúc của nàng và Paul và gia đình nàng, bận rộn như vậy với những công việc kinh doanh khổng lồ những mối quan tâm của Emma đối với gia đình nhà Fairley vẫn không giảm đi một mảy may. Công việc của họ vẫn tiếp tục ám ảnh nàng như bao giờ. Gerald Fairley, sau khi nàng đã làm cho phá sản năm 1923, đã sống một vài năm khốn khổ của cuộc đời anh ta nhờ ở sự hào phóng của Edwin, vì lò gạch của anh ta không còn kiếm được lời lãi gì nữa. Anh ta chết năm 1926, rõ ràng vì bản chất thái quá của anh ta, Emma đã nhận xét với Blackie như vậy khi nghe tin, và những năm tiếp theo đó, cái nhìn lạnh lùng của nàng chỉ nhằm vào Edwin. Nàng theo dõi công việc của anh ta một cách chăm chú. Nàng mong cho anh ta thất bại! Nhưng anh ta đã làm cho tên tuổi của mình được nổi vì là một luật sư xuất sắc bảo vệ cho những kẻ phạm tội, và tin đồn luôn loan là anh sẽ được chọn là làm luật sư cho nhà vua, mặc dù điều này vẫn chưa xảy ra. Anh sống và tập nghề ở London, nhưng anh vẫn không hoàn toàn cắt đứt liên hệ của anh với Yorkshire. Anh thường ở Leeds nơi anh đã dành cố gắng và nghị lực cho tờ Yorkshire Morning Gazette, đúng như Adam Fairley đã làm trước đó. Anh là chủ tịch hội đồng là người góp cổ phần lớn và như vậy anh nắm quyền hàng ở tòa báo.
Emma muốn tờ báo ấy, và nàng không từ một điều gì để chiếm đoạt nó. Cả Winston và Blackie đã chỉ ra rằng nàng đã làm đủ để phá ảnh hưởng của nhà Fairley ở Yorkshire rồi, và khuyên can nàng hãy thôi chuyện phục thù và quên chuyện tờ báo đi. Nhưng Emma, bao giờ cũng khăng khăng làm theo ý mình và luôn mang chí phục thù với nhà Fairley. Nàng quyết tâm đoạt tài sản duy nhất còn lại của họ. Dần dần nàng bắt đầu các cổ phần chung làm theo cách nhẹ nhàng thầm lặng của nàng và kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi tìm được cơ hội thuận tiện để tấn công Edwin. Mặc dù tờ báo hụt tiền, bằng cách nào đó Edwin vẫn làm nó hoạt động, anh bám lấy các cổ phần của mình, trước sự bực bội của Emma. Trừ phi cho đến khi nào nàng giật được những cổ phần ấy từ nơi anh, nàng không tài nào có thể tiến vào và chiếm lĩnh được nó. Nàng mơ ước tới cái ngày nàng sẽ hẩy được Edwin ra. Chỉ khi đó sự trả thù của nàng mới hoàn hảo.
- “Và em thì có đủ sự kiên nhẫn của Job(1)” nàng nói với Winston một ngày mùa hè năm 1935. “Em vẫn không được nghỉ ngơi chừng nào em chưa làm chủ được tờ Yorkshire Morning Gazette, và thế nào cũng có ngày em làm chủ nó”.
- “Anh biết em sẽ làm như vậy”, Winston nói và cựa mình trên ghế. Anh châm một điếu thuốc và nói tiếp: “Hôm qua Joe Fulton gọi điện cho anh. Ông ta sẵn sàng bán cho em những cổ phần còn lại trong tờ Ngôi sao Sheffield. Nếu em mua, em sẽ kiểm soát được. Em có muốn những cổ phần ấy không?”. “Có chứ”, Emma tuyên bố, mặt nàng sáng lên. “Em cũng nghĩ rằng anh nên hỏi chuyện lại với Harry Metcalfe. Ông ta thèm bán tờ Quan sát Yorkshire buổi sáng từ lâu. Em nghĩ em muốn làm chủ nó. Chắc chắn em có thể dùng nó làm phương tiện chống lại Edwin Fairley. Nếu chúng ta mua các cổ phần ở cả hai tờ báo thì em thực sự có chỗ đứng trong công việc in ở miền Bắc”. Mắt nàng sáng lên. “Chúng ta hãy bắt đầu một công việc nữa, Winston. Chúng ta sẽ gọi nó là gì nhỉ? Chẳng hạn như Công ty Báo chí hợp nhất Yorkshire chăng?”, nàng gợi ý và nói tiếp trước khi Winston có thể trả lời, “phải đó, nghe cái tên được lắm. Chúng ta hãy làm như vậy!”.
- “Anh không hiểu lý do nào em không chiếm lĩnh cả hai tờ báo, Emma”, Winston nói, đột nhiên bị lan lây cái nhiệt tình của nàng. Chúng ta có thể chuyển qua một cách dễ dàng. Chỉ cần quản lý tốt, có tiền và một vài nhà báo thượng hạng để thổi một nguồn sinh khí mới. Có lẽ Frank có thể tiến cử được đúng người. Ngày mai anh sẽ tiến hành ngay việc này”.
- “Giá như chúng mình nghĩ đến điều này từ trước”, Emma thốt lên, nàng không kìm được sự thích thú trước cái viễn cảnh trở thành giám đốc nhà xuất bản bước vào cạnh tranh với Edwin Fairley.
- “Những ý nghĩ thực sự rõ rệt lại là những điều mà chúng ta nghĩ đến sau cùng, em ạ”, Winston nhận xét một cách ngẫu nhiên và đứng lên.
Anh chầm chậm bước đi qua phòng khách tráng lệ ở Pennistone Royal, ngôi nhà lớn gần Ripon, mà Emma đã mua ba năm trước và đứng ở cửa sổ nhìn xuống mảnh đát phía dưới. Đó là một ngày chủ nhật tháng tám đẹp trời, bầu trời xanh trong ngăn ngắt, trên thảm cỏ cắt tỉa gọn gàng, những hàng rào tạo hình cây cảnh, những bui cây sum suê, tươi tốt óng ánh trong trời hè. Những mảnh vườn thật ngoạn mục, sắp xếp theo thời Elizabeth và hết sức Anh với màu xanh bát ngát và những luống hoa tươi rực rỡ.
Xa xa, anh nghe thấy tiếng bồm bộp của những quả bóng tennis và ngạc nhiên không hiểu sao Paul có thể chơi ba séc trong một ngày mệt mỏi như thế này. Những ý nghĩ của anh hướng về cái tin mà anh phải báo cáo cho Emma biết, tìm một cách đơn giản nhất nói với nàng. Anh nhìn Emma đang ngồi trên ghế sofa đẹp thanh thoát trong chiếc áo trắng lụa và mái tóc màu hung đỏ rũ xuống hai vai. Ồ, anh có thể phải nói với nàng. Anh nói, “Hôm qua anh đã nói chuyện với Edwina. Nó sắp lấy chồng”.
- “Lấy chồng!” Emma nhắc lại và ngồi thẳng dậy trên sofa. Nàng đặt sổ chi thu nàng đang đọc xuống, và chú ý nghe. “Lấy ai thế?”.
Winston hắng giọng. “Lấy Jeremy Standish”. Emma há hốc miệng nhìn. ‘Jeremy Standish? Bá tước Dunvale?”.
- “Đúng rồi. Hai tuần nữa sẽ tổ chức đám cưới. Tất nhiên ở Ireland, tại điền trang của ông ta, Clonloughlin.”
- “Nhưng ông ta hơn nó rất nhiều tuổi, Winston”, Emma nói. “Em không dám chắc về đám cưới này”. Nàng cau mặt. “Theo ý em, nó không phải là hôn nhân thích hợp cho lắm”. “Hoàn toàn không thể làm được gì về chuyện này đâu, Emma”. Winston nói, anh nhẹ người vì phản ứng hiền lành như vậy của em gái. “Xét cho cùng, nó cũng hai mươi chín tuổi rồi. Hơn nữa có lẽ nó cũng cần có được một ảnh hưởng vững vàng. Và ông ta quả là có nhiều tiền”.
- “Có lẽ anh nói đúng”, Emma trầm ngâm. Nàng nhìn Winston.
- “Có lẽ nó không mời ai trong gia đình?”.
Winston lắc đầu. “Đúng. Anh sợ là nó không mời ai. Nhưng nó có nói với anh đưa nó về nhà chồng. Em thấy thế nào? Em có phiền lòng không, cưng?”.
Emma nghiêng người nắm lấy tay anh. “Ồ, anh thân mến, tất nhiên là không. Em nghĩ để nó đề nghị anh như vậy thật là tuyệt vời. Em hết sức vui. Nếu anh có mặt ở đó thì nó sẽ không cảm thấy cô đơn”. Emma dừng lại rồi hỏi một cách ngập ngừng. “Nó có nhắc gì đến em không?”.
- “Không, Emma ạ, không. Anh xin lỗi”.
- “Tất nhiên em sẽ gửi một quà tặng thật đẹp”. Emma lái câu chuyện sang hướng khác, nàng nhận ra rằng không cần phải nói thêm điều gì nữa, nhưng đôi mắt nàng tư lự trong khi nàng vẫn bàn tiếp công việc kinh doanh với anh trai.
Khi Winston từ Ireland trở về, Emma đầy những câu hỏi về Edwina, bá tước Dunvale và về đám cưới. Winston làm thỏa tính tò mò của em và làm dịu bớt nỗi lo ngại của nàng về đám cưới của Edwina với con người hơn nó hai mươi tuổi. Anh thấy Edwina sung sướng mê cuồng, mặc dù anh không biết chắc có phải vì cô đã trở thành bá tước Dunvale và trở thành thành viên của một gia đình Anh-Ireland cổ và nổi tiếng hay là bởi vì cô thực sự yêu chồng. Dunvale về phần mình choáng váng vì Edwina và Winston không có hoài nghi nào về tình cảm của cô dâu và chú rể.
Một năm sau, Emma trở thành bà ngoại khi Edwina sinh con trai, đặt tên là Anthony George Michael. Vì là con đầu lòng, đứa bé có tước hiệu Lord Standish và là người thừa hưởng tước hiệu. Emma viết thư cho con gái chúc mừng cô, và gửi cho con một món quà như nàng đã gửi nhân dịp cưới. Emma nhận được một lời cảm ơn lịch sự nhưng lạnh lùng của Edwina, nàng hy vọng nó sẽ dẫn tới một sự hòa giải hoàn toàn một ngày nào đó. Và nàng quyết định cần tới sự giúp đỡ của Winston. Kit không có tinh thần xây dựng cho lắm. Cảm thấy bị coi thường vì không được mời tới dự tiệc cưới chị, cậu đưa ra những nhận đinh chê bai là chị coi thường gia đình, sĩ diện mỗi khi có một dịp nào đó. Paul luôn luôn khuyên răn cậu, và cuối cùng anh bực tức cấm cậu không được nói về Edwina với mẹ nữa. Bản thân anh vẫn khuyến khích niềm tin của Emma là rồi đây nàng sẽ lại hòa thuận trở lại với đứa con gái lớn, anh hiểu đó là cái khả năng duy nhất có thể được nàng chấp nhận, và anh không dám phá niềm hy vọng ấy.
Một trong những khả năng lớn lao nhất của Emma là bỏ xó những vấn đề không thể giải quyết được, và cuối cùng nàng đã để Edwina ra khỏi trí óc mình. Hiện tại là ưu tiên hàng đầu của nàng, là mối quan tâm cấp bách của nàng. Cuộc sống của chính nàng luôn luôn là điều thôi thúc. Còn công việc của nàng, mối quan hệ của nàng với Paul và những đứa con khác. Nàng không còn điều gì phàn nàn về chúng và nói chung yên ổn, hòa thuận. Kit làm việc ở nhà máy và học việc kinh doanh len. Robin trong những năm cuối cùng ở trường nội trú, đang chuẩn bị lên Cambridge để học luật. Elizabeth bày tỏ ý muốn theo bước chân Edwina và đang ở trong một trường sang trọng ở Thụy Sĩ. Cuối cùng đến ngày Daisy rời nhà lên đường vào nội trú, Emma và Paul lần đầu tiên còn lại một mình trong ngôi nhả ở quảng trường Belgrave.
- “Anh sợ là bây giờ em phải gắn với anh, và chỉ với anh thôi”, anh trêu nàng một buổi tối khi họ uống champage trong thư viện.
- "Em nhớ tất cả chúng nó, đặc biệt là Daisy, nhưng em cũng sung sướng vì cuối cùng chúng ta đã có những thời gian bên nhau, Paul. Chỉ hai ta”.
- "Và chúng ta có nhiều thời gian, Emma. Biết bao là năm tháng trải dài trước mắt”. Anh cười. “Anh không biết em cảm thấy như thế nào, em yêu, nhưng anh thích nghĩ tới cái viễn cảnh già cùng với em”.
Đó là tuần đầu tháng chín năm 1938. Họ ngồi trong thư viện đẹp đẽ và êm dịu, trò chuyện nhẹ nhàng trong hoàng hôn buông xuống làm đầy căn phòng với những chiếc bóng nhẹ nhàng trôi, Emma và Paul không bao giờ nghĩ rằng có một cái gì có thể xảy ra phá tan sự yên ấm của họ. Họ thanh thản với chính mình và với nhau, vẫn yêu đương say đắm, trò chuyện hồi lâu về tương lai bên nhau, lập những kế hoạch cho những ngày nghỉ Giáng Sinh ở Pennistone Royal và chuyện đi Mỹ năm mới. Sau đó họ đi ăn tối ở Quaglino, cười và nắm tay nhau như một đôi tình nhân trẻ, và đó là một trong những buổi tối vô tư lự nhất bên nhau từ bao tháng nay.
Nhưng bóng đêm của bọn phát xít đang trải dài qua Trung Âu. Hitler giành được quyền lực ở Đức sau khi đốt Reichstag năm 1933, đang tiến quân. Chiến tranh là không thể tránh được. Chỉ còn là vấn đề thời gian.
Chú thích của người dịch:
(1) – (Theo Cựu ước) một tộc trưởng người Do Thái phải chịu đựng bao nhiêu thử thách của Chúa, vẫn giữ vững lòng tin.