Còn dân tộc? Cho đến nay mọi người Việt nam có kiến thức Tây học đều đã đồng ý dân tộc tương đương với từ peuple của tiếng Pháp và people của tiếng Anh. Dân luôn luôn phải là người và chỉ có thể là người. Chưa thấy ai đặt lại cách dịch này. Vấn đề là một số học giả cũng dùng tiếng dân tộc để dịch chữ nation. Cách dịch này chắc chắn là sai vì trong tiếng Pháp nation và peuple là hai ý niệm rất khác nhau về mặt lý thuyết (trong tiếng Anh, sự khác biệt giữa people và nation không rõ rệt bằng). Chúng ta đều hiểu dân tộc là tiếng dùng để chỉ toàn bộ những con người của một quốc gia, nghĩa là những người chấp nhận đảm nhiệm cùng nhau một di sản và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Mặc dầu sự hiện diện của chữ tộc, dân tộc không mang một nội dung huyết thống chủng tộc nào. Trong những yếu tố cấu tạo của quốc gia (lãnh thổ, nhà nước, lịch sử, di sản văn hóa, dân tộc và dự án tương lai chung) chắc chắn dân tộc là yếu tố hữu hình quan trọng nhất (cũng như dự án tương lai là yếu tố vô hình quan trọng nhất), nhưng không phải là tất cả. Đồng hóa dân tộc với quốc gia có thể là gần đúng về mặt sinh hoạt thường ngày nhưng rất sai về mặt lý thuyết như ta sẽ trở lại trong phần sau, khi đề cập đến chủ quyền.
Cần lưu ý là dân tộc, cũng như peuple, không phải chỉ là những công dân hiện có, mà còn có ý nghĩa vượt thời gian, ngược về quá khứ và nối dài về tương lai, để chỉ chung những con người đã, đang và sẽ thuộc về quốc gia. Khi ta nói đến cuộc Nam tiến của dân tộc Việt nam thì dân tộc là để chỉ chung một khối người từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18.
Một danh từ tương đương với dân tộc là nhân dân. Cho đến nay nhân dân vẫn được dùng để chỉ dân tộc trong trường hợp ta muốn nhấn mạnh tới những người đang sống. Đôi khi nhân dân cũng được dùng kèm với một địa danh để chỉ tập thể những người dân trong một vùng. Chẳng hạn như nhân dân Thái Bình. Đây có thể coi là một sự phong phú của tiếng Việt, nhưng về nội dung dân tộc và nhân dân không khác nhau.
Dân và dân chúng dùng để chỉ mọi người hay toàn bộ những con người sống dưới sự quản lý của một nhà nước. Quần chúng chỉ có nghĩa giản dị là khối đông người, thường được dùng để đối lại với một thiểu số chọn lọc.
Cần lưu ý một sự cẩu thả của chế độ cộng sản Việt nam là họ dùng cả danh từ dân tộc để chỉ các sắc tộc, như dân tộc Kinh dân tộc Tày, dân tộc Dao , v.v... để rồi đi đến nhận xét lúng túng dân tộc Việt nam gồm nhiều dân tộc , trong khi trong nhiều trường hợp họ lại quả quyết dân tộc Việt nam là một. Sự cẩu thả còn để ra một quái thai về ngôn ngữ: người dân tộc, được dùng để chỉ những người thuộc một trong những sắc tộc ít người.