Báo chí trong nước hồi năm 1992 thuật lại một cuộc thảo luận được coi là sôi nổi và hào hứng nhất từ xưa đến nay. Đó là cuộc tranh cãi về lời nói đầu của hiến pháp 1992, đúng ra là tranh cãi về câu đầu của lời nói đầu. Các đại biểu quốc hội không đồng ý nên viết Trải qua bốn ngàn năm lịch sử hay Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, hay Trải hơn bốn ngàn năm lịch sử. Kết quả là ban lịch sử của Trung ương Đảng cộng Sản Việt nam quyết định chọn câu: Trải hơn bốn ngàn năm lịch sử và các đại biểu quốc hội đã vâng lời. Họ không bao giờ là đại biểu. Họ chỉ là những người được đảng chỉ định vào quốc hội.
Cuộc tranh cãi này đáng chú ý về sự hời hợt của họ. Nó xoay quanh một con số, mà ai cũng biết là không chính xác, về chiều dài của lịch sử chứ không đi vào nội dung của lịch sử. Lịch sử dĩ nhiên là rất quan trọng. Nó là một kho kinh nghiệm và một nguồn suy tư. Nó cho phép một dân tộc, hiểu theo nghĩa là sự sống liên tục của những đời người ngắn ngủi kế tiếp nhau và gắn bó với nhau trong một số phận chung, nhìn lại mình và hiểu mình để tiếp tục sống và tiến lên.
Quan tâm tới lịch sử đánh dấu sự hình thành của ý niệm quốc gia. Hiểu như thế thì tuy đất nước Việt nam (hiểu theo nghĩa đen là đất và nước) đã có từ hàng chục triệu năm và những con người Việt nam cũng đã có từ hàng chục ngàn năm và đã dần dần sống thành xã hội có tổ chức nhưng ý niệm về quốc gia Việt nam chỉ mới xuất hiện rất gằn đây, vào đầu thế kỷ thứ 13 khi Lê Văn Hưu soạn ra bộ Đại Việt Sử Ký. Điều này tự nó cũng đầy ý nghĩa. Nước Việt đã thành lập xong rồi, ý thức quốc gia của người Việt nam mới bắt đầu xuất hiện. Sự kiện này nói lên đặc tính của dân tộc Việt nam: ý niệm đi rất sau thực tiễn, hành động đi trước ý thức. Nhược điểm tổ tông truyền này vẫn còn có thể nhận thấy rất rõ rệt ngay trong thời đại chúng ta: cứ làm mà không cần suy nghĩ về tinh thần và cái trở thành của việc mình đang làm. Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn thụ động để cho thực tế xô đẩy chứ không chủ động việc tổ chức tương lai của mình.
Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ, mãi đến đời Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên mới soạn lại lần thứ hai bộ Đại Việt Sử Ký. Điều đáng ngạc nhiên là nhà Trần đã không cảm thấy cần chép lại chiến công hiển hách phá quân Nguyên của mình. Như thế phải hiểu rằng người Việt nam không quan tâm lắm về đất nước của mình. Bản Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo chỉ thúc dục các tướng chịu ơn vua phải chiến đấu cho vua chứ không nói đến dân tộc và đất nước. ý thức quốc gia chỉ thể hiện một cách mạnh mẽ rõ rệt trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi. Vì thế nếu coi Bình Ngô Đại Cáo là tuyên ngôn lập quốc cũng không phải là quá đáng. Lúc đó đã là thế kỷ thứ 15.
Muốn có ích, nghĩa là muốn làm một nguồn kinh nghiệm cho phép rút ra những bài học chung cho dân tộc, lịch sử phải chính xác và đầy đủ. Lịch sử là một tài liệu để làm việc. Lịch sử không đầy đủ và không chính xác có nghĩa là chúng ta làm việc trên một tài liệu vừa thiếu vừa sai. Như thế làm sao có thể rút ra những kết luận đúng đắn? Nhưng lịch sử của ta rất sơ sài, lại rất thiếu chính xác. Các nhà viết sử đều là những bày tôi ăn cơm vua, mặc áo chúa phải viết cho vừa lòng chủ chứ không viết theo sự thực. Bước vào thời đại mới, chúng ta lại chỉ có những chính quyền thiển cận coi lịch sử là dụng cụ tuyên truyền cho chế độ. Lịch sử, kể cả lịch sử cận đại của ta, không những thiếu sót mà còn bị xuyên tạc. Đã thế, vô số lý luận hồ đồ lại còn được tung ra với mục đích giải thích lịch sử theo chiều hướng có lợi cho một phe phái. Người Việt nam, kể cả trí thức, vốn đã thiếu óc phê bình, lại còn bị khủng bố bởi cả một phong trào khai thác lịch sử.
Cuối cùng chúng ta không những không biết rõ lịch sử của mình, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc. Chúng ta là một dân tộc mất ký ức tập thể. Điều đó có thể giải thích một phần tại sao một dân tộc khá tốt bụng, khá sáng dạ, khá siêng năng, có một địa lý khá thuận lợi lại không vươn lên được và vẫn quằn quại mãi trong nghèo khó và lạc hậu.