Châu Mỹ đã được khám phá ra từ năm 1492 và hầu như ngay sau đó các chính quyền Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ra công khai phá và khai thác. Sự khai thác này đã rất thành công, nếu ta không nghĩ đến chính sách diệt chủng của những đoàn conquistadors đầu tiên. Châu Mỹ được coi như một kho của vô tận. Ngày nay nếu được hỏi về nước Peru, đa số chúng ta sẽ chỉ biết mang máng rằng đó là một nước ở Nam Mỹ, có một ông tổng thống người Nhật tên là Fujinori gì đó, không lớn lắm, không giàu lắm và khá lộn xộn. Hơi giản lược nhưng mà đúng. Vậy mà cho tới thế kỷ 19, Peru đồng nghĩa với thiên đường hạ giới. Trong tiếng Pháp, thành ngữ trouver le Pérou (tìm thấy nước Peru) vẫn được coi là đồng nghĩa với may mắn và đạt ước mơ.
Sự khai thác châu Mỹ tiến tiến mạnh ngay sau khám phá của Columbus, nhưng chỉ giới hạn ở vùng châu Mỹ La Tinh thuộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Vùng đất phía Bắc thuộc Hoa Kỳ và Canada hiện nay vẫn bị bỏ hoang. Anh và Pháp cạnh tranh nhau khai phá vùng đất này nhưng cả hai nước đều gặp nhiều vấn đề nội bộ, và lại còn bận chống nhau nữa, nên không đặc biệt chú ý đến châu Mỹ. Việc di dân và khẩn hoang vùng đất này không nằm trong một chính sách quốc gia nào mà do sáng kiến của những công ty tư nhân. Từng đoàn người lẻ tẻ trên những con tàu mong manh kéo nhau tới đó. Trong tuyệt đại bộ phận họ là những người bị phân biệt đối xử nên phải ra đi chứ không phải vì Pháp hay Anh thiếu đất. Nước Pháp vào thế kỷ 16 tuy là nước đông dân hạng nhì thế giới (sau Trung Quốc nhưng trước ấn Độ) nhưng chỉ có khoảng 20 triệu dân mà thôi. Nước Anh lúc đó không có tới 4 triệu dân. Những người ra đi đều là thành phần nghèo khổ và bị hắt hủi, phần lớn là người Anh; nước Pháp trong suốt tiến trình di dân chỉ gởi qua Québec sáu ngàn người và một số ít hơn tới Louisiana.
Cho tới ngày 9 tháng 6 năm 1620, khi con tàu Maynower cập bến, với một trăm người di dân, trên cả lãnh thổ Hoa Kỳ bao la chỉ có khoảng hai ngàn người da trắng. Những người di dân tới đây không sống dưới một chính quyền nào, họ ít quá để triều đình Anh chú ý, những người chủ bỏ tiền cho họ vượt đại dương thì ở quá xa và cũng chỉ quan tâm lấy lại vốn cộng thêm lời của số tiền đầu tư bỏ ra, còn lại thì để mặc họ muốn làm gì thì làm. Khoảng 40 người trên tàu Mayflower rủ nhau đi lập nghiệp tại Provincetown, trong bang Massachussetts. Đến nơi họ thảo chung với nhau một kết ước sống chung, Kết Tóc Mayflower (The Mayflower Compact). Không biết họ có ý thức được không, nhưng những con người thô sơ và mỏng manh đó (phân nửa đã chết trong mùa đông giá lạnh đầu tiên) đã làm một trong những hành động sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Đó là tuyên ngôn thành lập một xã hội tự do, dân chủ và pháp trị:
[ ] Chúng tôi thỏa thuận thành lập với nhau một tập thể.
[ ] Mỗi khi thấy cần thiết cho phúc lợi chung, chúng tôi sẽ làm ra và ban hành các luậ t lệ đúng đắn và đồng đề u cho tất cả, và chúng tôi sẽ tuân phục nhưng luật lệ đó .
Tinh thần Mayflower đã mau chóng trở thành tinh thần nền tảng của xã hội Hoa Kỳ. Hoa Kỳ có một đặc điểm nổi bật: đó là quốc gia ngay từ lúc thai nghén đã không hề biết một chế độ nào khác ngoài tự do và dân chủ. Đó quả là đất nước của những con người tự do (land of the frees). Năm 1776, khi tuyên bố độc lập, dù đã tiến bộ rất nhiều, họ mới chỉ có hai triệu rưỡi dân nghèo đói, trình độ văn hóa thấp, phần lớn không biết đọc biết viết và hơn nữa rất xa lạ với nhau. Dân chủ và tự do đã dần dần đem đến sự gắn bó, ý thức quốc gia, sáng kiến và sức mạnh. Tân quốc gia Hoa Kỳ đã lôi cuốn những người yêu chuộng tự do dân chủ tại châu Âu. Lòng tin vào tương lai đã cho họ một tỷ lệ sinh đẻ cao. Một thế kỷ sau, năm 1890, họ là quốc gia tiến bộ nhất và hùng mạnh nhất thế giới với 63 triệu dân. Bước vào thế kỷ 2 1và thiên niên kỷ thứ ba, họ là siêu cường độc nhất của thế giới với gần 300 triệu dân. Thế kỷ 21 sẽ còn là thế kỷ Hoa Kỳ, sự hơn hẳn sẽ còn gia tăng lên chứ không giảm đi trong nhiều thập niên. Trường hợp Hoa Kỳ chứng tỏ tự do và dân chủ không đòi hỏi một trình độ văn hóa hay kinh tế nào, trái lại còn là lý do thúc đẩy phát triển kinh tế và văn hóa.