Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Tổ quốc ăn năn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 123559 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tổ quốc ăn năn
Nguyễn gia Kiểng

Chấp nhất kỷ chi kiến
Giai đoạn Pháp đánh chiếm Việt nam là một giai đoạn lịch sử có tài liệu khá đầy đủ nhưng lại là giai đoạn khó học nhất. Hồi còn là học sinh tôi rất chán học giai đoạn này, dù khá mê sử. Lý do là vì chán nản quá. Chỉ thấy tháng này bị thua to ở chỗ này, tháng tới bị đại bại ở chỗ khác. Năm này mất tỉnh này, năm sau mất tỉnh khác. Và thua một cách rất nhục nhã. Năm 1772, Francis Garnier đem 170 lính tới Hà Nội, yết bảng bãi bỏ luật lệ nước ta, ban hành luật của riêng mình, các quan quân cũng không dám phản ứng. Đã thế cũng chưa yên, Garnier còn bắt Nguyễn Tri Phương đầu hàng vô điều kiện, phải tự đến nộp mình. Nguyễn Tri Phương không chịu, Garnier đánh thành, chỉ trong chớp nhoáng là xong, mấy ngàn quân Việt vất vũ khí mà chạy. Các tướng Việt, người chết, người bị bắt sống. Kế đó một thiếu úy Pháp đem bảy người lính tới chiếm Ninh Bình, quan quân đem lọng ra đón xin hàng, các quan bị bắt trói, quân đội phải quì xuống hạ khí giới. Chỉ lúc đã trưởng thành tôi mới có đủ kiên nhẫn và chịu đựng để đọc lịch sử về giai đoạn này. Bây giờ đã ngoài năm mươi tuổi, đã đọc đi đọc lại nhiều lần, mà mỗi lần đọc vẫn thấy nhục nhã quá chừng.
Tinh hình nguy ngập như vậy, nhưng các vua quan nhà Nguyễn hoàn toàn không ý thức được. Họ hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài cũng như về tình hình bi đát của đất nước. Bất lực và thờ ơ trước cuộc xâm lăng từ bên ngoài bao nhiêu họ tỏ ra quan tâm và hiệu lực bấy nhiêu trong việc cấm đạo. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức rất ít khi ra khỏi thành phố Huế, trừ một vài lần ngự giá đi săn.
Quân Pháp bắt đầu thực sự đánh chiếm Việt nam từ năm 1858. Họ đánh chiếm Đà Nẵng, sau đó vào chiếm miền Nam, rồi ra đánh Bắc Việt, áp đặt nền đô hộ vào năm 1883.
Cuộc chinh phục đã kéo dài 25 năm. Thời gian đó tương đối dài, không phải vì do sức kháng cự mạnh mẽ của Việt nam mà vì sự do dự của nước Pháp. Nếu quả thực có quyết tâm muốn chiếm Việt nam, có lẽ người Pháp không cần quá một năm. Sức kháng cự của quân Việt nam không đáng kề. Cần đính chính một quan điểm rất phổ biến nhưng rất sai là nước Pháp, cũng như mọi đế quốc thực dân châu Âu trong thế kỷ 19, có âm mưu khuất phục và chiếm đóng Việt nam. Sở dĩ chúng ta dễ nghĩ hoặc tin như vậy là vì chúng ta quen với lịch sử châu á trong đó mọi chinh phục đều do các nhà nước khởi xướng và thực hiện. Nhưng đó không phải là tình trạng của châu Âu. Các nước châu Âu quả nhiên đã tranh giành nhau chiếm đóng châu Mỹ vì họ coi đó là phần đất vô chủ mạnh ai nấy chiếm. Nhưng chính sách của họ đối với châu á lại khác. Việc chinh phục châu á chủ yếu do các công ty tư phát động. Các công ty này chỉ có đủ lực lượng để chiếm những phần đất chưa có chủ quyền, như tại ấn Độ, Mã Lai, Indonesia. Việc Tây Ban Nha chiếm Phi-líp-pin là một ngoại lệ, nhưng Phi-líp-pin là một quần đảo vô chủ vào lúc đó. Các chính quyền châu Âu không có chính sách khuất phục và chiếm đóng các nước đã có tổ chức nhà nước. Cùng lắm họ chỉ can thiệp để bảo vệ các hoạt động thương mại hay truyền giáo, và ngay trung trường hợp này họ cũng rất thận trọng. Họ thường liên kết với nhau chứ không ra tay một mình. Nói chung họ nhắm tìm thị trường và thường cố thỏa hiệp để tránh chiến tranh và thiệt hại. Việc Pháp đánh chiếm Việt nam là một ngoại lệ lớn mà nguyên nhân là chính quyền nhà Nguyễn vừa quá ngoan cố lại vừa quá yếu.
Lý do chính khiến người Pháp đánh chiếm Việt nam là việc cấm đạo, lý do phụ là Pháp muốn bành trướng thương mại tại Viễn Đông. Cũng vì lý do chính khiến người Pháp chiếm Việt nam là do chính sách cấm đạo mà cho tới nay nhiều người ghét đạo Công Giáo, vẩn đỗ tội cho đạo Công Giáo đã làm Việt nam mất nước. Đó là một luận điệu rất ngây ngô. Cấm đạo là một chính sách xằng bậy, tàn sát dã man người Công Giáo là một tội ác đối với loài người. Nhà Nguyễn làm bậy để mất nước là lỗi tại nhà Nguyễn, sao lại buộc tội người Công Giáo, chỉ là nạn nhân mà thôi? Nếu chúng ta không thích người hàng xóm, xách súng sang giết họ rồi bị đi tù thì có thể đổ lỗi rằng vì người hàng xóm mà mình bị đi tù được không?
Nối rằng lý do chính là cấm đạo cũng chưa đúng. Phải nói rằng lý do chính là sự ngoan cố quá đáng và sự tàn nhẫn quá đáng trong việc cấm đạo thì đúng hơn.
Vua Minh Mạng lên ngôi năm 1820, thì năm 1825 ra dụ cấm đạo Lúc này nước Pháp hoàn toàn vắng mặt tại Việt Nam và còn đang khốn đốn vì xung đột nội bộ và những tàn phá do những cuộc chiến thảm khốc của Napoléon I để lại. Lý do cấm đạo trong dụ là đạo Phương Tây là tà đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục. Cùng năm ấy, một dụ cấm đạo khác gay gắt hơn nữa được ban hành và kèm thêm biện pháp treo giải thưởng cho những ai bắt được giáo sĩ đem nộp. Chính biện pháp này đã gây ra một phong trào bắt đạo và giết đạo tại khắp nơi. Chia rẽ lương giáo bắt đầu trầm trọng từ đó. Hận thù trong dân tộc tăng cao. Bắt đạo và giết đạo trở thành một phong trào dân gian, cho nên sau các hiệp ước Nhâm Tuất (1862) và Giấp Tuất (1874), mặc dù triều đình chấp nhận không cấm đạo nữa nhưng các phong trào Văn Thân vẫn đi đánh phá các làng Công Giáo. Vua Minh Mạng tỏ ra rất ngây thơ khi sai một phái bộ sang Pháp yêu cầu Pháp ngừng việc truyền giáo tại Việt Nam. Làm sao chính quyền Pháp có thề thỏa mãn yêu cầu vô lý này?
Việc cấm đạo tiếp tục qua thời Thiệu Trị rồi trở nên đặc biệt gay gắt dưới thời Tự Đức. Vua Tự Đức vừa lên ngôi năm 1848 là ra ngay một dụ cấm đạo, và năm 1851 lại có thểm một dụ cấm đạo khác khắc nghiệt hơn nữa. Mải tới năm 1862, sau khi phải ký hiệp ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp, triều đình nhà Nguyễn mới chính thức công nhận quyền giảng đạo và theo đạo.
Tuy triều đình chấp nhận ngoài mặt như vậy nhưng việc cấm đạo vẫn tiếp tục trên thực tế do các nhóm Văn Thân chủ trương. Sau hiệp ước Giáp Tuất, vua Tự Đức phải ra dụ truyền cho đảng Văn Thân không được giết hại giáo dân nữa, nhưng họ vẫn tiếp tục, bất chấp cả lệnh vua. Việc cấm đạo đã tạo ra một cuộc nội chiến giữa các toán quân Văn Thân đánh phá các làng đạo và dân Công Giáo cố thủ để tự vệ.
Từ khi vua Minh Mạng cấm đạo năm 1825 đến năm 1858, khi Pháp bắt đầu đánh Việt nam, 33 năm đã trôi qua. Trong thời gian ấy người Pháp, và cả người Tây Ban Nha, tuy rất bất bình về việc cấm đạo vẫn còn do dự không muốn gây chiến với Việt nam. Các tài liệu của người Pháp về giai đoạn này khá đầy đủ và cho thấy chính phủ Pháp đã chịu rất nhiều áp lực của dư luận Pháp, phẫn nộ trước việc cấm đạo và đòi can thiệp.
Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã đem một chiến thuyền tới làm áp lực gay gắt đòi bỏ dụ cấm đạo, nhưng rồi lại đi dù không kết quả. Tuy vậy, năm 1856, chính phủ Pháp chỉ cử chiến hạm Catinat đến đòi bỏ dụ cấm đạo. Vua quan ta không chịu tiếp. Tàu Catinat bắn phá Đà Nẵng cảnh cáo rồi bỏ đi. Mấy tháng sau, họ lại quay lại xin bỏ cấm đạo, quan quân nhà Nguyễn đã không coi sự cảnh cáo trước đây là nghiêm trọng còn lên mặt đòi Pháp phải xin lỗi. Họ xin lỗi, nhà Nguyễn vẫn cứ tiếp tục cấm đạo. Vào lúc đó, người Pháp nhận thấy rằng không còn giải pháp nào khác: hoặc họ phải để nhà Nguyễn tiếp tục tàn sát người Công Giáo trước sự công phân ngày càng lẽn cao của dư luận quần chúng Pháp, hoặc họ phải dùng võ lực thực sự. Việc dùng võ lực vừa dễ vì nhà Nguyễn tuy hung bạo nhưng lại không có lực lượng nào đáng kể lại vừa phù hợp với quyền lợi thương mại của Pháp nên cuối cùng Pháp đi đến quyết định đánh Việt nam.
Năm 1858, Pháp liên kết với Tây Ban Nha đem chiến thuyền bắn phá và đổ bộ đánh chiếm Đà Nẵng rồi sau đó quay vào Nam đánh chiếm Nam Kỳ. Năm 1860, tình hình đã nguy ngập lắm, Pháp đang đánh Nam Kỳ mà vua Tự Đức vẫn chỉ lo cấm đạo. Lại một dụ khác. Lần này nhà Nguyễn ra lệnh phá tất cả các làng Công Giáo, bắt giáo dân thích hai chữ tà đạo vào mặt rồi phân phối đi các làng khác. Cứ năm người không có đạo được cử canh giữ một người có đạo. Thế rồi năm 1862 triều đình phải ký hiệp ước nhường đứt ba tỉnh miền Đông và đảo Côn Lôn cho Pháp, phải bỏ dụ cấm đạo và bồi thường chiến tranh nặng nề cho Pháp. Chẳng bao lâu sau, Pháp lấy nốt ba tỉnh miền Tây Nam Phan. Sự mù quáng của vua quan nhà Nguyễn đã làm mất đi miền trù phú nhất của đất nước.
Dù đã bị thiệt hại nặng nề, vua quan nhà Nguyễn vẫn chưa sáng mắt ra để nắm lấy một hy vọng cuối cùng. Nước Pháp, sau khi chiếm được Nam Kỳ, đã thỏa mãn và có ý ổn định tình thế ở đó. Năm 1872, có vụ Francis Garnier ra Bắc lộng hành rồi bị quân Cờ Đen giết chết, nhưng việc đó không nằm trong chính sách can thiệp của chính phủ Pháp. Nước Pháp muốn hòa nên đã ký với triều Nguyễn hiệp ước Giáp Tuất (1874), với những điều khoản tương đối có lợi cho Việt nam, trong đó có cả không điều khoản giúp cho Việt nam 5 chiến hạm với đầy đủ súng đạn và 1.000 khẩu súng. Pháp còn cam kết gởi huấn luyện viên giúp Việt nam đào tạo quân đội.
Chỉ cần sáng suốt một chút thôi triều Nguyễn đã phải hiểu rằng mình hoàn toàn không đủ sức để chống lại với Pháp, chọn lựa duy nhất là khai dụng triệt để hiệp ước Giáp Tuất để gia tăng sức mạnh, khi nào có sức mạnh rồi mọi việc sẽ trở thành dễ dàng, kể cả việc lấy lại Nam Kỳ. Nhưng triều đình Nguyễn lại phá hoại hiệp ước Giáp Tuất, kiếm đủ cách để làm khó dễ. Đến sứ thần Pháp xin yết kiến vua mấy lần cũng không cho. Để rồi di đến đâu? Chín năm sau (1883) phải ký hiệp ước chấp nhận sự bảo hộ của Pháp trên toàn lãnh thổ, và từ đó ngay việc lên ngôi của vua cũng phải được Pháp cho phép và tấn phong. Nước ta hoàn toàn mất chủ quyền. Ngôi vua của nhà Nguyễn chỉ còn là hư vị.
Ai đọc những trang sử này mà không thấy giận cho sự mù quáng kinh khủng của vua quan nhà Nguyễn? Vua quan chỉ biết ngâm vịnh, kiến thức không ngoài Tứ Thư, Ngũ Kinh, Nghiêu Thuấn, Xuân Thu, Tam Quốc. Sử gia Trần Trọng Kim than: Việc mấy nghìn năm trước cứ đem làm gương cho thời hiện tại rồi cứ nghễu nghện xưng mình là hơn người, cho thiên hạ là dã man? Biết bao nhiêu người đã dâng sớ canh tân mà không được nghe, thấy nước mất chắc chắn mà không làm gì được. Ngày nay nhớ lại quãng thời gian đó ta cũng không khỏi bùi ngùi cho những Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Nguyễn Hiệp, Lê Đình, Phan Liêm, Bùi Viện. Có lẽ họ chết không nhắm mắt được.
Nhưng có phải quả thực là vua quan nhà Nguyễn ngu dốt, hèn nhát như nhiều người vẫn phê phán hay không? Điều đáng buồn là không, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức không phải là những hôn quân, bạo chúa. Trừ những sai lầm trong cách giao tiếp với người Phương Tây, những biện pháp khác của họ không phải là dở. Mặc dầu gặp rất nhiều khó khăn, văn học của ta chưa bao giờ thịnh bằng thời Nguyễn. ở vào một thời đại khác, các vị vua ấy, nhất là vua Tự Đức, có thể đã là những bậc anh quân.
Nhà Nguyễn cũng không thiếu những bầy tôi có tài lương đống: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Kế Viêm, Phạm Đăng Quế, Nguyễn Đình Giản, Phạm Phú Thứ, Phan Thanh Giản, Trần Đình Túc, v. v... ở một thời đại khác chắc các vị này đã để tên trong lịch sử như những con người lỗi lạc tận trung báo quốc. Điều đã khiến các vua nhà Nguyễn và các đại thần thất bại là họ không ý thức được rằng thế giới đã thay đổi và họ đang sống trong một khúc quanh lịch sử lớn. Những cố gắng và hy sinh của họ đều đã vô ích chỉ vì không còn hợp thời nữa. Lên án họ là mù quáng, thiển cận thì cũng đúng thôi, nhưng họ có phải là nhưng con người thiển cận một cách bất thường hay không?
Tôi nghĩ là không. Thiển cận và thiếu giác quan về chuyển hóa và thời đại không phải là của riêng họ, mà là một hằng số của chính trị Việt nam. Chúng ta không có tư tưởng, và càng không có tư tưởng chính trị. Và hình như chúng ta vẫn chưa thức tỉnh để nhận ra điều đó.
Các vua quan nhà Nguyễn quả là không hiểu gì về thời thế. Sức mạnh áp đảo của người Pháp đã quá rõ rệt mà họ cứ ngoan cố chống lại và đôi khi còn khiêu khích. Đi từ thất bại này đến thết bại khác phải chấp nhận ngày hôm nay những nhượng bộ bốn lần lớn hơn nhưng gì mà dối phương đòi hỏi ngày hôm qua mà họ vẫn không mở mắt. Nước Tàu đã khốn khó, bị đánh tả tơi mà triều đình Nguyễn vẫn tôn sùng và tin là có thể nhờ cậy được. Giặc ngoài đáng sợ như vậy mà cứ quay về đàn áp những người dân Công Giáo bên trong. Sự thiển cận của họ thật là kinh khủng, nhưng nó cũng khó so sánh được với sự thiển cận của các lực lượng chống cộng hải ngoại sau 1975.
Rõ ràng là sau năm 1975 không thể có giải pháp võ trang nữa nhưng tổ chức nào cũng chủ chiến, cũng hô hào bạo lực. Sự mê muội của triều đình Nguyễn khi trông đợi vào nước Trung Hoa đã suy kiệt có lẽ không lớn bằng sự mê muội của chủ trương tái lập chế độ Việt nam Cộng Hòa đã chết hẳn rồi, và đã chết một cách thực hổ nhục. Thái độ châu chấu đá voi của triều Nguyễn chống Pháp tới cùng xét ra không lố bịch bằng thái độ của những người đã thảm bại và thua chạy nhưng vẫn nhất định đòi những người cộng sản phải tỉnh ngộ quay về với chính nghĩa quốc gia. Vua quan nhà Nguyễn tuy thủ cựu nhưng cũng không ngược đãi những người chủ trương canh tân bằng các lực lượng chống cộng đối xử với những người chủ trương dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc, bất bạo động. Nếu vấn đề đặt ra cho triều Nguyễn lúc đó là canh tân, tôn trọng lự do tín ngưỡng, tránh đụng độ với người Pháp để tập trung mọi cố gắng mà tiến lên và mạnh lên, thì vấn đề của đối lập Việt Nam sau 1975 là phải tận dụng sự thức lỉnh của những người cộng sản tiến bộ để hòa giải với họ và cùng họ hình thành một kết hợp dân chủ mới. Cùng một vấn dề và cũng cùng một thái độ cố chấp. Ngày nay có hơn gì ngày xưa đâu. Chỉ khác ở chỗ các vua quan nhà Nguyễn còn có thể hưởng sự giảm khinh vì họ không được nhìn thấy thế giới bên ngoài.
Chính quyền cộng sản có sáng suốt gì hơn vua quan nhà Nguyễn không? Ngày hôm nay vấn đề là bảo vệ chủ quyền dân tộc, đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước. Nhưng họ đã làm gì? Họ đã cố bám lấy chủ nghĩa Mác-Lênin như nhà Nguyễn ngày xưa cố bám vào Nho Giáo. Họ quy luỵ trước một Trung Quốc đang bối rối như các vua nhà Nguyễn quỵ lụy với Thiên Triều đang khốn khổ ngày xưa. Họ bách hại những người dân chủ như các vua Nguyễn ngày xưa cấm đạo. Và họ cũng cấm đạo thực sự. Họ đàn áp Phật Giáo, Công Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo. Họ có khác gì nhà Nguyễn? Có khác chăng là ở chỗ các vua Nguyễn không có đủ phương tiện, không có báo chí, radio, truyền hình, không có các tòa đại sứ ở khắp nơi để thấy được sự thay đổi của thế giới như họ.
Nhưng sự thiển cận không phải là tất cả. Còn một lý do khác khó chấp nhận hơn. Nếu thực sự yêu nước, nếu suy nghĩ một cách lương thiện về quyền lợi của đất nước và chỉ quan tâm tới quyền lợi của đất nước mà thôi, thì đường đi về tương lai không có gì khó, tất cả mọi vấn đề trở thành sáng sủa. Nhưng một lần nữa, phải nhìn nhận ràng đại đa số chúng ta bất chấp đất nước. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta yêu nước thì thực ra chúng ta đang yêu một cái gì khác. Chúng ta yêu chỗ đứng, quyền lợi hay lòng tự ái của chúng ta. Chúng ta yêu các thành kiến của chúng ta mà chúng ta cho là ý kiến, chúng ta yêu sự cố chấp của chúng ta mà chúng ta tạm coi là sự kiên trì. Chúng ta yêu chính mình và yêu sự mê muội của mình.
Chấp nhất kỷ chi kiến giá họa ư tha nhân, chỉ biết ý kiến mình mà thôi, lúc nào cũng sẵn sàng buộc tội người khác. Câu viết lạc lõng của Nguyễn Trãi trong bài Bình Ngô Đại Cáo vô tình nói lên nhận định của ông về con người Việt nam. Gần sáu thế kỷ đã trôi qua rồi mà sao Nguyễn Trãi vẫn còn đương thời đến thế.

<< Cho những người đã nằm xuống | Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 760

Return to top