Cuốn sách này dĩ nhiên không thể có tham vọng lố bịch là viết lại lịch sử. Nó đã mời độc giả theo dòng lịch sử mà nghĩ lại một số nhân vật và sự kiện với một dụng ý khác.
Cách mà một dân tộc đánh giá các triều đại và các nhân vật lịch sử nói lên rất nhiều về tâm lý của dân tộc đó. Chính qua cách chọn lựa và tôn vinh các anh hùng mà mỗi dân tộc bộc lộ hon tính của mình.
Một mặt, việc luận công và tội trong lịch sử tùy thuộc ở các giá trị mà mỗi dân tộc đề cao hơn là ở những sự kiện đã thực sự xảy ra, và vì thế có thể thay đối với thời gian. Một thí dụ là hoàng đế Napoléon I của nước Pháp. Napoléon là một thiên tài về quân sự, đã đánh bại và chế ngự gian hết châu Âu. Ông cũng là một nhân vật hào hoa phong nhã, có sức truyền cảm khó bì và không những chỉ đem vinh quang quân sự cho nước Pháp, ông còn làm ra luật pháp, đặt ra những định chế quan trọng mà nước Pháp tới nay vẫn còn gìn giữ và tự hào. Thời đại của ông cũng để lại những công trình lớn, vĩ đại cả về tầm vóc lẫn mỹ thuật. Có một dạo người Pháp tôn sùng ông như một thần tượng, nhưng ngày nay, nếu được hỏi, ít có người Pháp nào còn bày tỏ sự ái mộ với Napoléon. Không phải vì Napoléon đã thay đổi mà vì tâm lý và cách nhìn lịch sử của người Pháp đã thay đổi.
Mặt khác, những nhận định và đánh giá rõ ràng là sai lầm mà lại kéo dài quá lâu cũng tố giác sự hời hợi và sự thiếu óc phê phán của một dân tộc.
Đặt lại một số vấn đề lịch sử như vậy cũng là chất vấn tâm lý tập thể của một dân tộc và rà soát lại các giá trị nền tảng, các giá trị đã góp phần quyết định tạo ra số phận của dân tộc đó. Các nhà tư tưởng hiện nay đều đồng ý trên một điểm: tâm lý và các giá trị là tất cả đối với một dân tộc; địa lý, tài nguyên thiên nhiên và ngay cả bối cảnh quốc tế chỉ là thứ yếu. Các dân tộc như Mỹ, Đức, Nhật, dù ở hoàn cảnh nào, dù có bị tàn phá đến đâu cũng vẫn nhanh chóng phục hồi và vươn lên trong khi nhiều dân tộc khác dù được thiên nhiên và hoàn cảnh ưu đãi tới đâu cũng vẫn thua kém. Một dân tộc vì thế chỉ thay đổi được số phận của mình nếu thay đổi tâm lý và các giá trị, nghĩa là thay đổi văn hóa, thay đổi cách suy nghĩ, hành động và ứng xử.
Cuộc hành trình qua lịch sử mà cuốn sách này mời độc giả cùng đi đã không thoải mái. Tôi hiểu là những phân tích không khoan nhượng đã làm phiền lòng không ít độc giả. Những gì mà chúng ta đã biết hoặc đã tin là một phần của chính chúng ta, và dĩ nhiên chúng ta cảm thấy như bị xúc phạm và bị đả thương khi có người bác bỏ. Tôi mong các độc giả đó hiểu cho rằng chính tôi đã rất đau nhức khi phải xét lại những gì mà chính mình trong một thời gian dài đã cho là đúng và lấy làm nền tảng cho nhiều lý luận khác. Nhất là khi tôi phải làm việc đó tự mình và một mình, trong một cuộc xung đột với chính mình.
Nhưng đó là việc phải làm. Chúng ta phải nhận định lại lịch sử để nhận diện lại chính chúng ta và thay đổi số phận của chúng ta. Hoàn cảnh bi đát của chúng ta hiện nay không cho phép chúng ta thỏa mân. Khi chúng ta nhìn lịch sử của mình một cách khác cũng là lúc chúng ta nghĩ về mình một cách khác, để từ đó chấp nhận một cách ứng xử khác và tiến tới một tương lai khác.
Cuộc hành trình này đã dẫn chúng ta tới lịch sử hiện đại, nghĩa là phản lịch sử còn đang diễn ra mà chúng ta còn có thể tác động. Phần lịch sử này chúng ta sẽ phải đề cập một cách khác. Nhưng tới đây chúng ta đã có thể rút ra một vài nhận định quan trọng.
Một là đất nước ta đã hình thành như một phần của Trung Quốc, rồi do hoàn cảnh địa lý mà tách rời ra, nhưng chỉ tách rời về mặt hành chánh chứ không tách rời về mặt văn hóa. Như vậy ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa trên chúng ta rất lớn, ngay cả khi chúng ta không ý thức được. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà các vua quan nhà Nguyễn vẫn cố bám vào Trung Quốc giữa lúc chính Trung Quốc cũng đang rất khốn đốn. Cũng không phải là một ngẫu nhiên mà sau khi đã bị Pháp đô hộ và đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp, Việt nam Quốc Dân Đảng mà những người chủ xướng đều có Tây học, vẫn chủ trương rập khuôn Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Cũng không phải là một ngẫu nhiên mà đảng cộng sản Việt nam luôn lếch thếch chạy theo Đảng cộng sản Trung Quốc, dù có lúc hai bên đã thù ghét nhau thậm tệ. Cho dù thương nhau hay ghét nhau, cùng một văn hóa thì vẫn cùng một cách hành động. Chúng ta còn muốn tiếp tục đi theo và đi sau người Trung Hoa nữa không, hay chúng ta đã nhìn thấy những khuôn mẫu khác và những lộ trình khác tốt đẹp hơn? Nếu không muốn theo mô hình Trung Quốc nữa thì chúng ta cần một cố gắng cởi trói, vượt thoát và khai thông rất trọng đại.
Hai là trong quá trình lịch sử chúng ta đã bị ngoại thuộc nhiều hon là độc lập, chúng ta đã chịu đựng quá nhiều chiến tranh và chỉ được hưởng quá ít hoà bình, đã bị chia cắt nhiều hơn thống nhất. Đó là một lịch sử rất chật vật và vì thế chúng ta là một dân tộc bị chấn thương nặng. Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta chắc chắn là không bình thường. Do đó cần rất dè dặt trong các phân tích và các dự đoán chính trị. Có những sự kiện đáng lẽ phải xảy ra lại không xảy ra và cũng có những biến cố đáng lẽ không thể có lại vẫn có. Trong nhưng trường hợp như thế, một nhận định bình thường, nghĩa là không kể đến tình trạng bất bình thường của dân tộc ta, rất dễ khiến chúng ta lý luận gượng ép, khen chê một cách sai lạc và gây khó khăn thêm cho sự tìm kiếm một giải pháp đúng đắn. Trong hoàn cảnh phức tạp và khủng hoảng tinh thần này, chúng ta cần rất nhiều bình tĩnh và sáng suốt.
Sau cùng, tuy chúng ta có một lịch sử dài nhưng lại là một quốc gia mới hình thành xong. Chúng ta đã không ngừng đón nhận nhiều đóng góp về đất đai và chủng tộc. Cấu tạo địa lý và nhân văn của chúng ta mới chỉ rõ rệt từ nửa sau thế kỷ 18. Từ đó đến nay lại là giai đoạn đầy rẫy những thảm kịch nội chiến, ngoại xâm, ngoại thuộc, chia cắt, xung đột ý thức hệ, v. v... Chúng ta là một quốc gia chưa ổn vững, cần được cũng cố, xây dựng và gìn giữ với tất cả thận trọng, nhất là vào giữa lúc mà ý niệm quốc gia đang bị công phá khắp nơi trên thế giới. Nguy cơ tan rã có thực. Trong khi dù muốn hay không chúng ta vẫn cần có một quốc gia để làm không gian liên đới cho cố gắng xây dựng một tương lai chung. Vì nhiều lý do, mà lý do giản dị nhất là không ai muốn hòa nhập với một dân tộc nghèo khó như chúng ta.