Người Việt nam nào hình như cũng biết câu ca dao Nước non nghìn dặm ra đi. Cụm từ nước non nghìn dặm cũng đã là đầu đề của nhiều tác phẩm, và được dùng trong vô số bài hát, bài thơ. Nó đã làm cho nhiều người nghĩ đất nước ta rộng rãi, bao la. Sự thực thì chúng ta rất thiếu đất. Với 78 triệu người (năm 2000) trên một diện tích 330.000 km2, nghĩa là 237 người trên một kilômét vuông, chúng ta là một trong những nước có mật độ cao ngất, gần gấp đôi Trung Quốc (120 người / km2) và xấp xỉ bằng ấn-độ (270 người / km2), hai nước được coi là có nạn nhân mãn trầm trọng.
Nhưng không phải chỉ có thế. Tình trạng thiếu đất thật ra còn trầm trọng hơn nhiều. Nếu núi đã giúp ta giữ nước, thì núi và đồi cũng đã chiếm mất của ta ba phần tư lãnh thổ. Tại miền Bắc và Bắc Trung Bộ, đồi và núi chiếm hơn 80% lãnh thổ. Tỷ lệ đất đai canh tác được của ta không tới 25 %. Nếu trừ đi thành phố, nhà cửa, đường sá sông ngòi thì diện tích còn lại để trồng lúa tối đa của ta không quá 7 triệu héc-ta.
Nói đến thiếu đất người ta nghĩ ngay đến hạn chế sinh đẻ. Chính quyền hiện nay theo đuổi một chính sách hạn chế sinh đẻ vừa rời rạc vừa hung bạo.
Trong truyện ngắn nỗi tiếng Tướng về hưu, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện một vị tướng cộng sản về hưu đã phải bỏ ra đi tìm lại đơn vị cũ của mình đề rồi thiệt mạng vì không thể chịu đựng được cảnh cô con dâu, một bác sĩ sản khoa, đem những thai nhi đã bị phá về nhà làm thức ăn nuôi chó béc-giê kỹ nghệ. Trong cuộc Hội Luận Dân Chủ Đa Nguyên tháng 10-1990, nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Pháp, vừa từ Việt nam sang sau một chuyến nghiên cứu dài ba tháng về đời sống nông thôn, đã lên diễn đàn mô tả lại cảnh mà ông đã nhìn thấy, cảnh ba bốn phụ nữ bị bắt buộc phá thai trong các trạm y tế. Họ nằm trần truồng bên nhau, dạng cẳng cố trục xuất thai nhi ra, sau khi đã nhận thuốc phá thai. Vì thiếu phương tiện, việc phá thai được phối hợp giữa thuốc và các biện pháp tay chân. Đinh Trọng Hiếu vừa kể vừa khóc.
Đọc báo trong nước, người ta cũng vẫn thường gặp những bài nói về các cán bộ, đảng viên bị phê bình, hay có khi bị kỷ luật vì có tới ba con.
Nhưng mặc dầu vậy, dân số nước ta vẫn tiếp tục gia tăng xấp xỉ 2%, tức khoảng một triệu rưỡi người mỗi năm. Các biện pháp hạn chế dân số dã man đã chỉ làm xuống cấp con người chứ không ngăn chặn được nạn nhân mãn. Có lẽ vì con người trở thành rẻ rúng mà chính quyền không còn quan tâm tới sức khỏe. Sách báo không thầy đăng (hay có đăng mà tôi không đọc được?) tỷ lệ người chết hàng năm. Tôi tìm được một cuốn sách địa lý trung học (Địa lý lớp 9 - Nguyễn Trọng Điều, Nhà xuất bản Giáo Dục, 1989) hai con số: tỷ lệ người chết là 6,3 phần ngàn năm 1979 và 6,95 phần ngàn năm 1986. Như thế có nghĩa là trong vòng 7 năm tỷ lệ người chết đã tăng lên 10%. Năm 1986 là năm bắt đầu chính sách mở cửa theo qui luật kinh tế thị trường. Từ đó hệ thống y tế của nước ta bị bỏ rơi và xuống cấp không ngừng. Hiện nay, năm 2000, y tế của ta có thể nói là đã sụp đổ hoàn toàn. Theo thống kê của nhà nước, số trẻ em chết trước khi được một tuổi đã tăng 10% trong năm 1998.
Hạn chế đà gia tăng dân số chắc chắn phải là ưu tư lớn của bất cứ một chính quyền Việt nam nào. Nhưng trước hết phải nhìn vấn đề một cách đúng đắn, phải nhận định rằng vấn đề sinh đẻ nhiều trước hết là một vấn đề văn hóa, xã hội và nhân sinh quan chứ không phải là một vấn đề thuần túy kinh tế, và do đó không thể giải quyết bằng những quyết định hành chánh, duy ý chí chính quyền cộng sản đã có một thái độ thiếu lương thiện trên vấn đề này. Trước năm 1975, đảng cộng sản hoàn toàn không đặt ra vấn đề hạn chế sinh đẻ. Lúc đi cải tạo sau ngày 30-4-1975, tôi còn được nghe một bài học tập lên án gay gắt ngụy quyền Sài gòn là đã tiếp tay cho chính sách diệt chủng bằng cách hạn chế sinh đẻ. Chỉ sau Đại hội IV, năm 1976, vấn đề mới đặt ra. Và sau đó những dụng cụ và thuốc ngừa thai mới được khuyến khích, cùng với những quyết định hành chánh rất thô bạo.
Cũng cần phải phân biệt hai vấn đề hạn chế sinh đẻ và giải quyết tình trạng dân số cao. Có lẽ tất cả vấn đề là ở chỗ đó. Nếu chỉ hạn chế sự gia tăng dân số mà thôi thì phải nói rằng đó là một cố gắng vô ích ngay cả nếu thực hiện được. Bởi vì ngay bây giờ với 78 triệu dân, chúng ta đã tuyệt vọng rồi nếu vẫn cứ là một nước nông nghiệp. Tỷ lệ đất canh tác của ta hiện nay là 10 người một héc-ta. Với tỷ lệ này thì dù có tăng năng suất tối đa và dù có luôn luôn mưa thuận gió hòa, chúng ta vẫn sẽ là một nước nghèo khổ
Vấn đề thực sự đề giải quyết nạn đất hẹp người đông là phải thay đổi chức năng của đất nước từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp. Trong dài hạn, nông nghiệp của Việt nam chỉ có thể đảm bảo đời sống xứng đáng cho khoảng 10 triệu người, trong khi chúng ta sắp có 80 triệu dân. Phần còn lại phải chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Cuộc chuyển hóa này sẽ phải được coi là cố gắng vĩ đại nhất vì từ ngày lập quốc và sẽ chỉ có thể giải quyết bằng một cố gắng liên tục trong nhiều thập niên. Ngay từ bây giờ những người làm chính sách phải luôn luôn có trong đầu viễn ảnh này.
Cho tới nay, chính quyền cộng sản luôn luôn có một chính sách cư trú mâu thuẫn. Đại hội IV của đảng cộng sản (năm 1976) chủ trương tiến lên sản xuất công nghiệp lớn xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời đảng lại thi hành chính sách đuổi dân ra khỏi thành phố, đưa dân về nông thôn hay đi các vùng kinh tế mới. Cho đến ngay bây giờ chuyển hộ khẩu về miền quê vẫn là chuyện dễ đàng, ngược lại chuyền hộ khẩu từ nông thôn ra thành phố vẫn là chuyện đội đá vá trời.
Nông thôn Việt nam từ lâu đã dư người rồi và càng ngày càng dư người hơn nữa. Thêm người ở nông thôn chỉ có tác dụng chuyển sự nghèo khổ từ thành thị về nông thôn, cho khuất mắt các vị lãnh đạo chứ không giải quyết được gì cả. Không những không giải quyết được gì cả mà còn làm giảm năng suất nông nghiệp. Đông người quá thì không thể cơ giới hóa và còn phải hạ thấp mức cơ giới hóa đề sử dụng lao động dư thừa, mà đã không cơ giới hóa thì năng suất dĩ nhiên là thấp. Năng suất trung bình của ngành trồng lúa chỉ là 3,5 tấn hàng năm cho một héc-ta trong khi ruộng đất Việt nam có thể đạt năng suất 6 tấn.