Người Pháp khởi sự bắn phá Đà Nẵng năm 1858 rồi bỏ đi. Vài năm sau họ trở lại với một ý chí chinh phục thực sự. Năm 1862 họ đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, sau đó chiếm hoàn toàn miền Nam rồi tiến ra Bắc. Nếu tính từ cột mốc 1862 này đến khi Việt nam tuyên bố độc lập năm 1945 thì cuộc đô hộ của người Pháp đã kéo dài 83 năm. Tuy nhiên, chỉ từ năm 1884 trở đi sự thống trị của người Pháp mới được thiết lập trên toàn lãnh thổ. Nếu lấy cột mốc 1884 thì cuộc đô hộ của người Pháp kéo dài 61 năm. Thực ra hiệp ước Patenôtre trên lý thuyết cũng không đặt toàn bộ lãnh thổ Việt nam dưới ách đô hộ của người Pháp. Nó chia Việt nam làm ba phần. Nam Phần là thuộc địa hẳn hoi của Pháp, Bắc Phần vẫn là lãnh thổ của triều đình Nguyễn nhưng đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Còn Trung Phần vẫn hoàn toàn thuộc chủ quyền nhà Nguyễn. Nhưng người Pháp đã nhanh chóng lấn chiếm thêm chủ quyền Việt nam trước sự bất lực của triều Nguyễn. Đến năm 1888, vua Thành Thái lên ngôi ký thêm một hiệp ước nhượng bộ nữa, đặt toàn lãnh thổ Việt nam dưới sự đô hộ của Pháp. Từ đó người Pháp tha hồ phế lập các vua nhà Nguyễn. Những sự kiện này mọi người đọc qua lịch sử Việt nam đều biết. Sự kiện cần được nhấn mạnh là nói chung, trừ một số sĩ phu bất khuất, người Việt nam đã hoan hô sự thống trị của Pháp, hay ít nhất đã ưa chính quyền thuộc địa Pháp hơn là triều đình nhà Nguyễn. Tại miền Bắc, các cô tôi kể chuyện các bà có thai cố gắng đi vào Hà Nội để để con vì Hà Nội, không giống như các tỉnh miền Bắc khác, được coi là thuộc địa từ năm 1888 và những người ra sinh ra tại Hà Nội được coi là thần dân Pháp (sujet francais).
Tới đây có lẽ cũng nên mở một ngoặc đơn để nhận xét một đặc tính của người Pháp. Tại sao lại thần dân mà không phải là công dân (citoyen francais)? Lại là một trò chơi chữ và phân biệt tinh vi của người Pháp. Người Pháp có biệt tài lấp lửng và mơ hồ để bắt cá hai tay, vừa thủ lợi vừa tránh né trách nhiệm khi cần. Năm 1948 lại vịnh Hạ Long, Pháp thỏa thuận với Bảo Đại để Việt nam được độc lập, nhưng lại bắt buộc Việt nam ở trong khối Liên Hiệp Pháp. Bình thường ra đã độc lập thì phải có quyền gia nhập hoặc không gia nhập một khối nào, nhưng chính quyền Pháp đã ràng buộc hai vấn đề với nhau. Pháp thừa nhận Việt nam độc lập, nhưng độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp, có nghĩa là nếu Quốc Gia Việt nam quyết định rút ra khỏi khối Liên Hiệp Pháp thì Pháp cũng không còn nhìn nhận nền độc lập của Việt nam nữa. Người Pháp chia rẽ nhau trên một giải pháp cho Việt nam và họ chọn một giải pháp nửa chừng và mâu thuẫn. Chưa hết, người Pháp còn đẩy trò chơi chữ đến một mức độ lố bịch, khôi hài. Câu nhìn nhận Việt nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp chỉ được viết bằng tiếng Việt chứ không được dịch ra tiếng Pháp trong hiệp ước Hạ Long. Người Pháp không có óc minh bạch của các dân tộc Anglo-saxon. Phải nói ngay rằng trong tiếp xúc với phương Tây ta đã không được tiếp xúc với phần tinh hoa nhất của họ, đó là điều đáng tiếc.
Tuy nhiên, mặc dầu những khổ nhục của tình trạng ngoại thuộc tám mươi năm Pháp thuộc đã đem lại cho đất nước ta những tiến bộ rất trọng đại. Đó là giai đoạn mà nước ta phát triển mau chóng nhất. Người Pháp đã xây dựng ra nhiều thành phố lớn, trong đó có hai cảng Hải Phòng và Sài gòn, đã xây dựng phần lớn các trục lộ giao thông lớn. Họ cùng đã đem văn hóa, nếp sống, cách tổ chức và những giá trị phương Tây vào đất nước ta. Có thể nói Pháp đã còng tay Việt nam và dẫn vào thời đại mới. Đóng góp của người Pháp cho nước ta không thể chối cãi, ngay cả dưới mắt một người Việt nam yêu nước. Năm 1936 khi chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp của thủ tướng Lon Blum có ý định trở lại hiệp ước 1884, nghĩa là trả lại miền Bắc và miền Trung cho triều đình Nguyễn họ đã bị ngay những trí thức Việt nam tiến bộ phản đối dữ dội. Các trí thức này không phải không muốn độc lập, nhưng họ không muốn lập lại sự cai trị của triều đình Huế. Không ai, kể cả vua Bảo Đại và các cận thần, ngạc nhiên trước sư phản đối này. Chúng ta đã bị ngoại thuộc nhiều lần trong quá khứ, nhưng lần này là một ngoại thuộc hoàn toàn khác. Từ trước kẻ xâm lăng đến vò vét tài sản, tàn phá đất nước và đẩy dân chúng vào cảnh cơ cực.
Làn này kẻ thống trị ngoại bang mở mang đất nước, nâng cao mức sống và trí tuệ của dân ta. ách đô hộ của người Pháp, với sự du nhập của văn hóa và các giá trị phương Tây còn có giá trị giải phóng của nó. Chính từ giai đoạn này mà chúng ta hoàn toàn không còn lệ thuộc Trung Quốc về mặt chính trị nữa và cũng có luôn khả năng ra khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đá quá lỗi thời. Không những bảo vệ Việt nam đối với Trung Quốc, người Pháp còn đủ sức mạnh để buộc Trung Quốc chấp nhận những thỏa hiệp có lợi cho Việt nam, chẳng hạn như hiệp ước về vịnh Bắc Phần.
Người Pháp còn cho Việt nam một cơ hội mở rộng không gian sinh hoạt. Họ thành lập ra Liên Hiệp Đông Dương gồm ba kỳ của Việt nam, Lào và Cam-bốt. Hai nước Lào và Cam-bốt vừa quá ít dân so với Việt nam, lại vừa ở mức độ phát triển thấp hơn nên Đông Dương thực ra là Việt nam. Chỉ trong vài thập niên, phần lớn các công chức cao cấp tại hai nước này đã là người Việt. Điều nghịch lý là sau thế chiến II, khi người Pháp bằng lòng trả độc lập cho các nước Đông Dương nhưng đòi duy trì Liên Bang Đông Dương trong khối Liên Hiệp Pháp, chính phủ cách mạng Việt nam, do ông Hồ Chí Minh cầm đầu, đã phản đối dữ dội làm cho hội nghị Đà Lạt năm 1946 thất bại. Dĩ nhiên, tại Hội Nghị Đà Lạt, Pháp còn đưa nhiều đòi hỏi bắt chẹt khác, thí dụ như đòi tách Nam Kỳ ra riêng, nhưng điều đáng để ý là chính phủ Hồ Chí Minh đã phản đối dữ dội Liên Bang Đông Dương mà sau này họ đòi lập lại. Điều này chứng tỏ rằng những người làm chính trị của Việt nam thiếu hẳn viễn kiến. Nhiều người Việt nam ngày hôm nay vẫn còn tiếc cơ hội đó. Nhưng tiếc hay không cũng là sự đã rồi. Vấn đề là Liên Bang Đông Dương không nên nhắc lại nữa. Nó chỉ gây ngờ vực và lo âu cho hai nước Lào và Cam-bốt đối với Việt nam mà thôi. Điều chúng ta cần mưu tìm là một hợp tác bình đẳng trong tinh thần tương kính với hai nước láng giềng này. Một sự hợp tác như thế sẽ có lợi cho cả ba dân tộc. Chính vì sự thành công của chính quyền thuộc địa Pháp mà thái độ đối với nó đã gây chia rẽ trầm trọng giữa người Việt nam. Có những người cho chế độ thuộc địa Pháp là hay và nên tiếp tục cũng có những người cho rằng độc lập là cần thiết nhưng cần phải tiếp tục hợp tác với người Pháp để mở mang dân trí và dân sinh trước đã, trong số những người này có hai trí thức lỗi lạc nhất đầu thế kỷ 20 là Phan Chu Trinh và Phạm Quỳnh. Sau cùng cũng có những người cho rằng phải đánh đuổi người Pháp để chấm dứt cái nhục bị đô hộ và giành lại chủ quyền ngay tức khắc. Các khuynh hướng này thay vì thảo luận bình tĩnh với nhau đã mạt sát và kết án lẫn nhau. Người này gọi người kia là ngu dốt, người kia gọi người này là phản quốc bán nước.
Vấn đề thực là phức tạp. Điều phức tạp hơn nữa là giữa những người chủ trương giành độc lập ngay tức khắc cũng không có đồng thuận Có những người chỉ chủ trương giành độc lập, nhưng cũng có những người chủ trương đánh đuổi người Pháp để thiết lập một chế độ cộng sản. Và hai khuynh hướng này cũng sẵn sàng tàn sát nhau.
Chúng ta đã không biết ra khỏi ách đô hộ của người Pháp một cách tốt đẹp bởi vì chúng ta đã thiếu hẳn một đồng thuận dân tộc. Đồng thuận dân tộc không phải là dễ, nó đòi hỏi một tư tưởng quốc gia và nó cũng đòi hỏi những khuôn mặt uy tín để có thể thuyết phục và qui tụ mọi người trên những chọn lựa quan trọng. Nhưng tư tưởng của chúng ta vốn đã rát kém, nếu không muốn nói là không có gì. Tư tưởng Khổng Giáo đã sụp đổ, nhưng thời gian tiếp xúc với phương Tây vẫn còn quá ngắn nên chưa xuất hiện được những nhà lý luận mới. Phan Chu Trinh là một nhân vật đã có thể góp phần tốt đẹp vàn cuộc chuyển hóa tư tưởng trọng đại của đất nước ta, nhưng tiếc thay ông đã qua đời quá sớm, năm 1925, lúc mới vừa 52 tuổi