Người Việt nam rất hiếu học. Tính hiếu học của người Việt là có thực. Điều này mọi người đều đồng ý và chính tôi cũng có thể kiểm chứng trong những môi trường mà tôi đã sống và những người mà tôi đã biết, ngay cả trong gia đình tôi.
Tại trung học Trần Lục, nơi tôi theo học từ đệ thất (lớp 6 bây giờ) tới đệ Tứ (lớp 9), các học sinh phần lớn là di cư từ ngoài Bắc vào, chính trường Trần Lục cũng là một trường di chuyền từ Phát Diệm vào. Trường do các linh mục Phát Diệm thành lập và mang tên linh mục Trần Lục, còn gọi là cha Sáu, một tu sĩ có đức hạnh và rất tha thiết với văn hoá Việt nam. Ông Trần Lục có làm một tập thơ, mà tôi không nhớ tên, giáo huấn về đạo đức. Ông cũng xây dựng một nhà thờ lớn theo kiến trúc cổ truyền Việt nam được coi là rất thành công về nghệ thuật. Nhìn trên ảnh, nhà thờ này giống như một ngôi chùa. Tôi vào học trường Trần Lục vì một lý do tình cờ. Anh em tôi sau tiểu học định thi vào trường Chu Văn An, trường mà mẹ tôi vẫn ca tụng là hay và mơ ước chúng tôi sẽ học tại đấy. Nhưng năm đó, bà có ý định mua một căn nhà trong một ngõ hẻm gần Tân Định nên chúng tôi thi vào Trần Lục để đi học cho gần. Về sau tuy việc mua nhà này không thành chúng tôi vẫn tiếp tục học ở đó. Lúc đó là những năm 1955-1956, các học sinh trừ một hai ngoại lệ, đều rất nghèo, gia đình họ vốn đã không giàu có lại mất hết của cải trong đợt di cư nên càng nghèo. Đã thế, trường Trần Lục lại là một thứ trường tầm gửi, một thứ trường không có trường, phải học nhờ trường tiểu học Đồ Chiểu. Giải pháp tìm ra là học buổi trưa. Trường tiểu học Đồ Chiểu học sớm đi một chút buổi sáng và trễ một chút buổi chiều. Trường Đồ Chiểu tan học buổi sáng, vào lúc 10g30, trường Trần Lục học từ 10g30 đến 14g30, rồi trường Đồ Chiểu lấy lại trường sau đó. Học buổi trưa là cả một cực hình dưới trời nóng gay gắt. Cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi, học sinh phần lớn đều không có tiền mua sách, có khi còn thiếu cả tiền mua vở và bút. Một cây bút chì, một quyển vở đều quí báu cả. Hầu hết các gia đình chúng tôi đều ở trong những căn nhà lụp xụp, nhiều nhà không có điện, tối phải thắp sáng bằng đèn dầu, vừa học vừa đập muỗi. Những buổi tập thể dục mặc quần xà lỏn để lộ đùi ra thì thấy đứa nào cũng đầy dấu muỗi chích. Vậy mà cả trường đậu học hành chăm chỉ và đậu giỏi cả.
Trong khu tôi ở cũng có nhiều học sinh, họ không sáng dạ lắm nhưng học chăm chỉ một cách kỳ lạ, họ học tới khuya, nhiều người uống thuốc Maxiton cho đỡ buồn ngủ. Tờ mờ sáng họ đã thức dậy, học to tiếng để chống buồn ngủ, tiếng họ học đánh thức anh em tôi dậy. Có nhưng anh đã bắt đầu luyện thi tú tài khi tôi mới lên trung học, đến khi tôi đậu xong tú tài họ vẫn rớt dài dài, nhưng vẫn tiếp tục học. Có chí thì nên, khi tôi ở Pháp về, sau 12 năm vắng mặt, phần lớn đậu đã tốt nghiệp đại học làm giáo sư, luật sư, được sĩ. Điều không may cho họ là trong thời gian 12 năm ấy xã hội miền Nam đã đổi mới, nhưng nghề trí óc không còn vinh hiển nữa và họ không sung túc bao nhiêu sau những cố gắng thật phi thường. Người khá nhất trong bọn họ là một anh thi mãi không đậu tú tài đi làm bánh mì, sau trở thành chủ. Những lần đi ăn nhậu với nhau anh ta đều trả tiền.
Tôi học xong đệ tứ thì bỏ trường Trần Lục đi làm ban ngày, buổi tối theo học lớp Khuyến Học Bổ Túc của Hội Bình Dân Giáo Dục và lại gặp một loại người khác. Họ là công chức, quân nhân, muốn lấy thêm một mảnh bằng để thăng tiến, là những người đã di làm, và phần lớn đã có gia đình, muốn có thêm học vấn, hay những học sinh nghèo ban ngày phải đi làm kiếm tiến. ở hàng đầu là các cô phần lớn đã đi làm, có người đã có chồng con. Trong một lớp bên cạnh có ông Cao Văn Viên, sau này là đại tướng tổng tham mưu trưởng Quân Lực Việt nam Cộng Hòa. Họ học say mê, miệt mài mặc dầu học rất khó khăn.
Lớp học của tôi sau này có nhiều người khá thành công. Trương Văn Vân sau học khoa học rồi tình nguyện đi sĩ quan Dà Lạt, làm tiểu đoàn phó binh chủng Dù, vợ Vân là Thúy, do tôi giới thiệu làm được sư, con một thương gia giàu có, học trò cũ của tôi lúc tôi đi dạy kèm để kiếm tiền. Vân đi học tập cải tạo 12 năm sau ngày 30-4-1975. Vân và Thúy hiện định cư ở Seattle, Hoa Kỳ. Nguyễn Thiện Tường sau làm luật sư. Tường thi rớt tú tài 1, tôi phải dành cả mùa hè năm đó đễ kèm Tường. Chúng tôi hẹn nhau ở mái hiên sau của Thư Viện Quốc Gia, bên cạnh trường Petrus Ký và Chu Văn An, nơi có một số bàn ghế vứt bỏ. Tôi đem theo tiễu thuyết đễ đọc Tường ngồi học bên cạnh, có gì bí thì hỏi tôi. Anh của Tường là Nguyễn Thiệu Hùng cũng là một gương hiếu học. Anh đậu tú tài trước chúng tôi và đi dạy trung học vừa học văn khoa. Không những thế, anh còn làm thơ và làm thơ hay. Tập thơ Bốn Mươi Bài Thơ của Hùng (bút hiệu Mai Trung Tĩnh) làm chung với Lê Đức Vượng (bút hiệu Vương Đức Lệ) được giải nhất Thơ Văn Toàn Quốc năm 1960. Nguyễn Thiệu Hùng và Lê Đức Vượng gần đây tham gia nhóm Diễn Dàn Tự Do với Đoàn Viết Hoạt và bị bắt. Tháng 7- 1993, Hùng bị kết án bốn năm tù, Vượng bị năm năm. Ra trước tòa, Vượng chỉ xin chính quyền trả lại cho anh tập thơ hai mươi ngàn bài mà anh đã sáng tác trong gần hai mươi năm qua, nhưng chính quyền trả lời là tập thơ đã thất lạc.
Trịnh Văn Thi sau này tốt nghiệp cử nhân luật, làm thiếu tá cảnh sát, không biết bây giờ ở đâu. Đinh Văn Hoạt cũng tốt nghiệp cử nhân khoa học, vừa làm giáo sư vừa dạy võ Việt nam.
Một hôm đi ăn tiệm ở Paris, ông chủ nhận ra tôi, rồi tự giới thiệu là Nguyễn Văn Ngọ, học lớp bên cạnh, cùng với ông Cao Văn Viên. Ông ta sau này cũng đậu cử nhân luật, làm tham vụ ngoại giao và ở nước ngoài nên thoát nạn ngày 30-4-1975. Chính ông Viên, sau khi đậu tú tài và làm tướng vẫn tiếp tục học và đậu cử nhân văn chương.
Mỗi lần hồi tưởng lại thời gian ấy, tôi vẫn cảm thấy một sự cảm phục xâu xa và một niềm hãnh diện vô cùng về tính hiếu học của người Việt. Tôi còn nhớ mãi đôi mắt quầng thâm của chị bạn ngồi bàn trên tôi. Có lẽ chị đã thức đêm nhiều lắm để học. Tôi vẫn tin tính hiếu học là hy vọng lớn nhất của dân tộc ta để vươn lên.