Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Tổ quốc ăn năn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 123650 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tổ quốc ăn năn
Nguyễn gia Kiểng

Mười triệu năm đánh đu
Ngày nay khi nói loài người từ giống khỉ mà ra chúng ta không còn xúc phạm tới tín ngưỡng nào cả. Sự kiện này đã được chứng minh rõ ràng tới mức không ai có thể phủ nhận. Các tôn giáo tin ở một thượng đế tạo ra trời đất và con người, hay tin ở một vòng luân hồi huyền bí, không còn phản bác lập luận loài người từ giống khỉ mà ra nữa mà chỉ cố thuyết phục để các tín đồ hiểu kinh sách một cách tượng trưng thay vì một cách từ chương. Dầu sao đi nữa thì chính sự tiến hóa từ loài khỉ lên loài người cũng là một phép màu mở cửa cho mọi suy luận.
Một cách thực tiễn chúng ta có thể coi thủy tổ của loài người là con khỉ đầu tiên (đúng hơn phải gọi là cụ khỉ đầu tiên) nghĩ ra việc đập hai hòn đá vào nhau để đẽo thành dụng cụ. Cử động này đã khai sinh ra loài người bởi vì chính vào giây phút đó con khỉ đó biến thành người và dần dần giúp những con khỉ chung quanh thành nhưng con người đầu tiên.
Từ đó loài người đã bước nhiều bước tiến vĩ đại, đã biết dùng lửa, biết chăn nuôi, trồng trọt, đắp đê ngăn nước, chế tạo vật dụng bằng kim loại, khám phá ra bánh xe, thuyền bè, đặc biệt là biết phát minh và sử dụng ngôn ngữ để trao đổi. Những khám phá đó đã cải thiện một cách trọng đại đời sống con người và đã giúp cho tổ chức của xã hội con người dần dần hình thành. Nhưng đó không phải là những tiến bộ có chủ ý. Đó chỉ là một sự gặp gơ tình cờ giữa một trí tuệ sơ sinh và cuộc sống hằng ngày. Một hiện tượng tự nhiên - lửa cháy do sấm sét, những trái cây tròn lăn trên mặt đất, những thân cây nổi trên sông, v.v... rồi một lúc nào đó một ánh sáng vụt lóe lên trong đầu óc đơn sơ, con người biết lặp lại điều mình đã thấy nhiều lần và đem ứng dụng cho cuộc sống.
Đó là giai đoạn mà trí tuệ mộc mạc chưa ý thức được sự hiện hữu của chính mình. Những tiến bộ, vì là sự gặp gỡ tình cờ và mầu nhiệm của rất nhiều yếu tố, đã chỉ đến một cách vô cùng chậm chạp. Thí dụ, từ ngày mà vị thủy tổ của loài người xuất hiện, loài người đã phải chờ đợi gần hai triệu năm mới tìm ra lửa. Nhờ biết dùng lửa để sưởi ấm loài người mới dám rời bỏ châu Phi nóng ấm để lấn tràn qua châu á và châu Âu. Con người đã săn thú và lượm trái cây ăn ngay từ khi chưa thành con người nhưng phải đợi mãi đến cách đây khoảng 20.000 năm mới bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt. Ta có thể coi giai đoạn đầu tiên của loài người như là một bóng đêm mênh mông và dày đặc, con người sờ soạng tiến tới có khi rơi vào vực thẳm, có khi đụng đầu vào đá, nhiều khi di giật lùi. Phải sau ba triệu năm người bộ hành mỏng manh nhưng ngoan cố đó mới may mắn tìm được vùng có ánh sáng. Đó thực sự là một phép mầu không ai giải thích nỗi. Nếu bảo đó là mầu nhiệm của tạo hóa thì cũng không phải là không có lý do. Giai đoạn đầu tiên này thực ra đã kéo dài quá 99% lịch sử loài người. Chỉnh nhờ chăn nuôi và trồng trọt mà xã hội loài người đã thay đổi lớn về mặt tổ chức và các tiến bộ đã đến với một nhịp độ hơn hẳn. Lần này trí tuệ ý thức được mình, con người suy nghĩ và biết mình suy nghĩ, con người động não tìm cách chinh phục thiên nhiên, cải thiện đời sống của mình và cải thiện liên hệ giữa các thành phần trong xã hội một cách có chủ ý. Trong giai đoạn thứ hai này, loài người đã phát minh ra các mô hình tổ chức xã hội và cũng đã đặt những viên đá đầu tiên cho hầu hết các bộ môn của kiến thức: triết học, chính trị học, vật lý, toán, cỏ khí, y khoa, kinh tế, luật pháp, v.v...
Những xã hội xuất hiện đầu tiên lẽ dĩ nhiên đều là những xã hội nông nghiệp với những đặc tính khác nhau theo môi trường thiên nhiên. Tuy nhiên với thời gian hai kiểu mẫu xã hội chính đã trở thành áp đảo.
Kiểu mẫu thứ nhất là một xã hội tản canh dành một trọng lượng đáng kể cho chăn nuôi và ngư nghiệp, và trong đó việc trồng trọt không tập trung vào một loại cây lương thực. Các xã hội này, hình thành tại châu Âu, đã rất chật vật lúc ban đầu, nghĩa là trong gần hết dòng lịch sử kể từ ngày thành hình. Dân số không tăng trưởng mạnh vì luôn luôn thiếu thực phẩm. (Châu Âu đã chỉ tạm giải quyết được nạn đói từ thế kỷ 17 nhờ cây ngô đem từ châu Mỹ về) chính sự sống còn cũng là một công trình phấn đấu thường ngày để cải thiện kỹ thuật nuôi trồng và trao đổi các hàng hóa giữa các cụm sản xuất nhỏ và đa dạng. Các xã hội đa dạng này không khuyến khích sự ra đời của những cơ cấu quyền lực lớn, trái lại thuận lợi cho tự do cá nhân và sự tồn tại của những cộng đồng nhỏ trong đó bạo lực và sự khống chế không phải là nét đậm nhất, bởi vì bạo lực chủ yếu là sản phẩm của sự bất lực trong việc điều hành đúng đắn một tập thể lớn. Sau buổi đầu chật vật, chính mô hình này đã vươn lên chinh phục và chế ngự toàn thế giới và thúc đẫy thế giới đi những bước thực nhanh chóng.
Kiểu mấu thứ hai là các xã hội phù sa tại châu á và Trung Đông, thành lập trên lưu vực những con sông lớn, nặng về trồng ngũ cốc. Các xã hội này sống nhờ dòng sông và lệ thuộc dòng sông. Dòng sông trước hết đem lại hoa màu - lúa gạo và tôm cá - dồi dào. Chính nhờ thế mà các xã hội phù sa đã mau chóng đạt tới mức độ tạm đủ về thực phẩm và vượt hẳn các xã hội thuộc kiểu mẫu thứ nhất về mọi mặt. Ngày nay không thiếu những người Trung Đông nhắc lại rằng khi thành phố Babylone rực ánh sáng với những lâu đài nguy nga thì toàn châu Âu vẫn còn chìm đắm trong sự man mọi. Cũng không thiếu người châu á nhắc lại rằng người Trung Hoa đã biết xem thiên văn và làm ra lịch từ rất lâu trước khi người châu Âu khám phá chữ viết.
Nhưng nếu dòng sông đem lại hoa màu và sự sống thì nó cũng thường xuyên để dọa cuốn đi cả hoa màu lẫn cuộc sống. Con người phải thường xuyên đắp đê ngăn nước lũ; công trình này đòi hỏi những cố gắng rất to lớn của toàn thể xã hội, nếu cần nó đòi hỏi hy sinh cả một phần của cộng đồng để cuộc sống có thể tiếp tục với phần còn lại. Các xã hội phù sa cần một bạo quyền để áp đặt những hy sinh rất phi thường. Dần dần nền tảng của các xã hội này chính là một khế ước bạo quyền, trong đó một bạo chúa có nhiệm vụ áp đặt những hy sinh mà quần chúng phải phục tùng một cách không bàn cãi. Đó là cái giá phải trả để xã hội có thể tiếp tục. Bạo quyền được chính đáng hóa. Những người bị hy sinh có thể nguyền rủa bạo chúa nhưng con cháu họ sẽ cảm ơn bạo chúa. Dần dần chính những người bị hy sinh cũng không còn nguyền rủa bạo chúa nữa, họ chấp nhận cái chết như một định mệnh. Bạo quân được bình thường hóa.
Cũng tương tự như dòng nước, các bạo quân một mặt bảo đảm sự tồn tại của các xã hội phù sa, một mặt tiêu diệt tự do và sáng kiến và trói buộc chúng tại chỗ. Các xã hội phù sa tiến rất mau chóng đến một mức độ văn minh khá cao, rồi đứng lại ở đó. Chúng gần như trưởng thành ngay sau khi thành hình rồi không tiến hóa nữa.
Trước khi thảo luận thêm về hai kiểu mẫu xã hội chính này, xin mở một dấu ngoặc để nói về một vài kiều mẫu xã hội khác. Trên bờ Địa Trung Hải, tại thành phố Tyr và vùng phụ cận thuộc nước Lebanon hiện nay, một sắc dân đã tìm ra một nếp sống độc đáo ngay từ hơn sáu ngàn năm về trước: đó là nền văn minh hàng hải và thương mại. Trái với cuộc sống trên trái đất, nếp sống này đòi hỏi một sự can đảm rất lớn, có thể là quá lớn đối với những con người còn chưa nắm được hết những bí mật của thiên nhiên. Giữa trời nước và sóng gió, con người chỉ còn trông cậy vào sự khôn ngoan và liều lĩnh của chính mình. Sắc dân Phénicien này đã là nhưng con người đầu tiên dám chinh phục biển cả. Để hình dung sự dũng cảm của họ nên nhận định cách ứng xử của người á Đông, nhất là Việt nam, trong nhiều ngàn năm đã đứng bên bờ biển nhìn Thái Bình Dương với con mắt kính sợ. Nhưng người Phénicien không phải chỉ phát minh ra ngành hàng hải, họ còn phát minh ra cả sự buôn bán, yếu tố cốt lõi của giàn mạnh. Chính nhờ sự khôn ngoan và liều lĩnh của kẻ đi biển và buôn bán mà sắc dân Phénicien ít ỏi đã mau chóng chế ngự được cả vùng Địa Trung Hải. Nhưng có lẽ vì những cố gắng đã quá lớn đối với họ mà người Phénicien đã gục ngã. Họ đã dám chinh phục biển cả nhưng sự liều lĩnh trong bất trắc và bao la đã khiến họ thờ nhiều thần linh, trong đó có thần Baal-Hammon, vị thần độc hại nhất đã đưa họ tới tiêu diệt. Mỗi gia đình phải đem chặt đầu để cúng cho Hammon đứa con trai đầu tiên vừa đủ 12 tuổi để đền đáp lại những chiến thắng và ân huệ của Hammon. Những hy sinh gớm ghiếc cho thần Hammon dần dần khiến họ thiếu chiến sĩ trong khi niềm tin ở thần Hammon lại thường thôi thúc họ gây chiến. Cuối cùng họ bị người La Mã tiêu diệt sau khi đã hấp thụ được những kiến thức hàng hải của họ.
Trên các cao nguyên hoang vu tại miền Bắc châu á, Mông Cổ và Tân Cương, đã hình thành những xã hội du mục dựa trên bộ tộc, bạo lực và đẳng cấp. Các xã hội này đã phát triển khá mạnh dưới thời Trung Cỗ nhưng ngày nay kiều mẫu xã hội này kể như đã bị tiêu diệt. Có thể nói khẩu súng mà người phương Tây chế tạo ra đã ban chết nền văn minh cao nguyên này. Khẩu súng của người phương Tây và nhất là những con vi trùng mà họ đem tới cũng đã tiêu diệt những nền văn minh gần giống như nền văn minh này tại châu Mỹ, từ thế kỷ 16.
Ngoại trừ năm nước da trắng ở phía Bắc, lục địa châu Phi, cái nôi của nhân loại, đã lạc vào một lối đi hoàn toàn khác, đó là phủ nhận mọi tình cảm có thể có giữa người với người. Các bộ lạc hoàn toàn được xây dựng trên huyết thống. Chế độ nô lệ ra đời cùng với trí thông minh và khiến trí thông minh không phát triển được. Ngoài quan hệ huyết thống, liên hệ giữa các cá nhân và các bộ lạc hoàn toàn dựa trên sức mạnh. Những nô lệ bị đánh đập, giết bỏ, mua bán, và sau này xuất nhập cảng như thể vật và đồ vật. Lục địa châu Phi hoặc không có khái niệm về giống người hoặc không cho khái niệm này một tầm quan trọng nào. Chính vì thế mà châu Phi đã dừng lại ở sự dã man. Nếu cố dịp tôi sẽ còn trở lại vấn đề châu Phi trong phần sau của cuốn sách này. Nhưng ở đây ta có thể tạm rút ra một quan sát: các xã hội dành cho cá nhân sự kính trọng lớn nhất cũng là những xã hội dễ tiến lên nhất. Châu Phi đã khinh miệt con người một cách tuyệt đối nên châu Phi cũng lạc hậu một cách tuyệt đối. Trước khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khó có thể nói lục địa châu Phi Da Đen có một nền văn minh.
Trở lại với hai kiểu mẫu xã hội chính, ta có thể nói trong gần như cùng một thời điểm, hai nền văn minh Đông và Tây đã đạt tới cao điểm tương đương, châu Âu với Hy Lạp, châu á với Trung Quốc của thời Xuân Thu. Cùng một trình độ nhưng hai hướng đi khác nhau. Phương Tây đã mò mẫm theo hướng tự do, mạo hiểm và sáng kiến trong khi phương Đông lạc vào ngõ cụt của tự mãn và thủ cựu. Nền văn minh Hy Lạp là một điểm khởi hành trong khi nền văn minh Thương Chu là một điểm tận cùng. Sau gần hai ngàn năm, từ thế kỷ 15 trở đi, tuy tương quan lực lượng không thay đổi nhưng phương Tây tìm thấy hướng đi đến nền văn minh hiện đại trong khi phương Đông vẫn chỉ nhìn thấy chỗ ngồi cũ. Phương Tây bắt đầu chuyển động và bỏ xa phương Đông.
Tôi xin lỗi đã làm mất thì giờ của độc giả qua một tóm lược thô vụng về lịch sử loài người, một điều mà một lần nữa tôi xin nhắc lại là tôi không có kiến thức nào đáng nói. Mục đích của phần trên chỉ là để độc giả ghi nhận hai điều.
Một là, cho đến một ngày rất gần đây, nghĩa là trong hầu như tất cả lịch sử của thể giới, tất cả mọi tiến bộ đều đã đến một cách rất tình cờ. Do một sự tình cờ mà bàn tay một vài giống khỉ đầu tiên đã biến đổi, do một sự tình cờ mà một con khỉ đầu tiên đã đẽo đá thành dụng cụ; do tình cờ mà có lửa, có các nghề chăn nuôi, trồng trọt, có thuyền bè. Cũng do sự tình cờ của điều kiện thiên nhiên mà các xã hội phù sa đã chọn sự bất động trong khi các xã hội châu Âu đã được xô đẩy tới hướng đi của tự do và tiến bộ. Chúng ta có thể lấy làm tiếc cho nguồn gốc của chúng ta nhưng không có lý do gì để phải hổ thẹn. Mặt khác cũng không có lý do gì để cảm thấy có bổn phận phải gắn bó với truyền thống. Truyền thống chỉ là kết quả tình cờ của những sờ soạng trong bóng đêm dày đặc. Người phương Tây cũng sờ soạng trong bóng đêm như chúng ta; họ chỉ đã may mắn mà tìm được lối thoái ra ánh sáng. Chính từ lúc này, khi mọi dân tộc đã có thể nhìn ra con đường phải đi, sự vinh nhục mới đặt ra. Cái vinh là ở chỗ nhìn thấy, cái nhục là ở chỗ không nhìn thấy hay nhìn thấy mà không dám đi vào. Các dân tộc thông minh là các dân tộc biết mau chóng nhìn ra và bước lên lối đi của tiến bộ. Các dân tộc đần độn là các dân tộc tự bịt mắt để ngoan cố trong bế tắc. Hai là, những hơn kém giữa phương Tây và phần còn lại của thế giới chỉ là một hiện tượng rất gần đây thôi, khoảng ba, bốn trăm năm vừa qua. Ba trăm năm trong ba triệu năm chỉ là một vài giây trong một ngày. Nếu có đôi khi chúng ta cảm thấy tủi nhục thì chúng ta cũng nên tự an ủi rằng đó chỉ là một hiện tượng nhất thời và có thể chấm dứt rất mau chóng. Nhật Bản đã cho chúng ta một bằng cớ.
Tôi xin phép được nhấn mạnh: kinh nghiệm sống, học hỏi và làm việc với người phương Tây đã cho tôi tin chắc chắn là con người phương Tây không hơn con người phương Đông. Sở dĩ các nước phương Tây phát triển và giàu mạnh hơn các nước khác là vì xã hội của họ được xây đựng trên những giá trị đúng mà họ tình cờ được đẩy tới gần và sau đó nhờ cố gắng mà đạt tới. Họ đã tìm ra lối đi ra khỏi sự nghèo khó và dẫn tới sự phồn vinh, tại sao chúng ta không nhanh chóng chọn lựa lối đi đó?
Cần chấm dứt một kịch bản đã lặp lại quá nhiều lần và trở thành nhàm chán: phương Tây đi trước, phương Đông chạy theo sau và làm những cố gắng phi thường để bắt kịp. Đến khi phương Đông tưởng sắp qua mặt được phương Tây thì phương Tây lại tìm ra một khám phá mới, lao vút về phía trước và bỏ phương Đông lại đàng sau. Cứ như thế mà tiếp diễn. Lần duy nhất mà phương Đông tưởng rằng mình đã đi trước phương Tây là khi một số nước phương Đông đi theo chủ nghĩa cộng sản, tưởng rằng mình đã tìm ra cách tổ chức xã hội tương lai của nhân loại để rồi vỡ mộng nhận ra rằng đó chỉ là một ảo tưởng đẫm máu. Lý do của sự thua kém dai dẳng này là một khác biệt về văn hóa. Văn hóa phương Tây tôn trọng cá nhân và do đó phát triển được tối đa ý kiến và sáng kiến, trong khi các văn hóa phương Đông đều coi thường con người và làm thui chột trí tuệ. Điều mà phương Đông phải học hỏi trước hết của phương Tây lại là điều họ cố phủ nhận: chủ nghĩa cá nhân tự do.
Vả lại mọi thái độ thủ cựu xét cho cùng đều ngây ngô. Tiến bộ là gì nếu không phải là sự từ bỏ không ngừng nếp sống cũ và khám phá không ngừng những nẻo đường mới? Nếu những người tiền sử cùng khư khư giữ nguyên văn hóa của họ chắc chắn ngày nay loài người vẫn chỉ là những bộ lạc ăn thịt lẫn nhau.
Nhân nói chuyện ăn thịt người, cách đây không lâu lắm, vào cuối tháng 11- 1998, tôi được xem một phim tài liệu về một hòn đảo trong quần đảo Nam Dương (Indonesia). Trên đảo có một số bộ lạc làm nhà trên cây và ăn thịt người. Ngày nay họ đã khá tiến bộ, đã biết mặc quần áo của các tổ chức từ thiện cấp cho nhưng vẫn còn giao chiến giữa các bộ lạc và ăn thịt tù binh. Viên lãnh chúa bộ lạc giải thích việc ăn thịt tù binh là chính đáng, bởi vì nó thể hiện ý chí tiêu diệt tội ác và các tù binh là biểu tượng của tội ác. Viên lãnh chúa này chắc chắn coi việc ăn thịt người là một văn hóa cần phải gìn giữ. Cũng như các dân tộc thuộc văn minh Trung Hoa coi cái ách tam tòng quàng lên đầu phụ nữ là một truyền thống tốt đẹp.

<< Mười triệu năm đánh đu | Cái tuổi dại khờ >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 588

Return to top