Tự do, dân chủ đi trước và tạo ra phát triển kinh tế chưa phải là một niềm tin phổ cập. Cho tới nay vẫn có một số khá đông người cho rằng phát triển kinh tế tạo ra dân chủ, với hệ luận là các dân tộc đang chịu ách độc tài hãy cứ tạm gác những đòi hỏi về tự do dân chủ để tập trung cố gắng phát triển kinh tế, sau đó chính phát triển kinh tế sẽ mang lại tự do dân chủ. Đây là một lý luận rất tiện nghi cho các chế độ độc tài như Việt nam; không có gì ngạc nhiên nếu họ sử dụng nó. Điều đáng tiếc là nhiều người khao khát tự do dân chủ cũng hoài nghi và không thể phản bác luận điệu kinh tế đi trước chính trị một cách thực dứt khoát.
Những phân vân về tương quan giữa dân chủ và phát triển có ít nhất ba nguyên nhân.
Một là, trên thực tế phát triển kinh tế cũng thúc đẩy dân chủ và tự do vì thế mà chúng ta dễ lẫn lộn hậu quả với nguyên nhân. Hai là do chính hiệu lực nhanh chóng của tự do dân chủ: nó lập tức đưa đến tiến bộ về mặt kinh tế, do đó một số người không nhận ra cái gì trước cái gì sau. Ba là, vì nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là sự kháng cự của những người lãnh đạo không chịu từ bỏ lập tức những đặc quyền đặc lợi, dân chủ và tự do không tới toàn bộ cùng một lúc mà thường tới từng đợt một, dưới sức ép của thực tại xã hội theo từng mức độ phát triển người quan sát thiếu chăm chú khó thấy được rằng ở mỗi giai đoạn một mức độ dân chủ tự do lớn hơn đã cho phép một mức độ phát triển lớn hơn. Trong cuộc kháng cự lồng lộn để cố giữ nguyên quyền lực của họ, các chế độ độc tài dùng đủ mọi lập luận, nhiều khi dựa vào những giải thích gian trá của chính hiện tượng phát triển tại các quốc gia đang dân chủ hóa. Những kinh nghiệm thường được viện dẫn để phản bác những đòi hỏi dân chủ và nhân quyền là trường hợp của những nước được mệnh danh là các con rồng châu á như Đài Loan, Nam Hàn, Mã Lai, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Brunei, và đói khi ngay cả Hồng Kông. Các chế độ độc tài châu á, nhất là Việt nam, thường căn cứ vào đó để nói rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ và chính phát triển kinh tế sẽ đem lại dân chủ. Sự thực như thế nào? Chúng ta lại thử làm một vòng khảo sát.
Cần loại bỏ ngay trường hợp Hồng Kông. Đó là một nhượng địa của nước Anh cho tới ngày 30-6-1997. Một toàn quyền người Anh đại diện cho nước Anh, giao toàn bộ việc quản lý đời sóng hàng ngày cho một guồng máy hành chính người Hồng Kông. Vị toàn quyền không ở đó để áp đặt một ách thống trị, vai trò của ông là đảm bảo các quyền tự do theo quan niệm của nước Anh. Trong những năm cuối cùng trước khi trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh, toàn quyền Chris Patten còn xuất hiện như một người luật sư của tự do, dân chủ và nhân quyền tại châu á. Ông bị nhiều chế độ châu á đả kích như một nhân vật giáo điều nhân quyền.
Dưới sự giám sát và bảo vệ của nước Anh, Hồng Kông là một mẫu mực thành công của khuôn mẫu dân chủ tư bản phương Tây. Hồng Kông không những không chứng minh rằng có thể phát triển mà không cần dân chủ, trái lại nó còn là bằng chứng đầu tiên tại châu á về phép mầu dân chủ tư bản.
Cũng phải loại bỏ trường hợp của Brunei trong cuộc thảo luận về tương quan giữa dân chủ và phát triển. Đúng là vương quốc nhỏ bé này không có dân chủ, chế độ của nó là một chế độ quân chủ tuyệt đối mặc dầu vậy nó vẫn có một mức sống rất cao. Những trước hết Brunei chỉ giàu chứ không phát triển. Brunei là một quốc gia giàu có lạc hậu. Hãy cứ nhìn trong những phim tài liệu những rác rưởi trôi lềnh bềnh và ngập ngụa dưới chân những làng cất trên cọc cao bên mé sông, mé biển. Brunei cũng không phải là một quốc gia mà chỉ là một giếng dầu. 260.000 dân sống trên một diện tích nhỏ xíu chưa đầy 6.000 km2, trong đó quá ba phần tư là rừng hoang. Brunei không muốn độc lập mà đã bị nước Anh bắt phải độc lập và đã tự an ủi bằng cách xây một hoàng cung tốn kém 350 triệu USD, tốn kém này nếu đem chia cho dân số thì mỗi người phải đóng góp 1500 USD. Muốn hình dung sự hoang phí này phải tưởng tượng nước Mỹ bỏ ra 350 tỷ USD để xây tòa Bạch ốc. Sự giàu có của Brunei không do con người làm ra mà đã phun từ lòng đất lên. Con người ở đây không cần làm gì cả, cũng không phải đóng một loại thuế nào, mà được chu cấp tất cả một cách dồi dào. Chắc chắn họ có thể chấp nhận bỏ qua dân chủ và tự do với giá này. Nhưng thực ra là họ cũng không mất gì cả. Họ sống quá sung túc và không cần tranh đấu đòi hỏi bất cứ gì, do đó không có ý định chống lại nhà vua, và ngược lại nhà vua cũng không cần kiểm soát họ. Nhà vua cũng không cần cấm đoán họ đi đâu vì đi đâu họ cũng không sung túc như ở chính nước họ. Cũng không có một quốc gia nào ngăn cản những du khách Brunei tới nước họ để tiêu xài. Kết quả là do sự sung túc cực kỳ người Brunei có tất cả mọi quyền tự do, trừ quyền tự do trai gái hôn nhau ngoài đường do phong tục Hồi Giáo. Brunei vẫn thiếu mở mang.