Có một điều đáng để ta ngạc nhiên và suy nghĩ là tại sao một nước lớn như Trung Quốc lại thường bị đánh bại rất dễ dàng? Các nước thời Xuân Thu Chiến Quốc phải xây tường ngăn chặn các sắc tộc phương Bắc thay vì chinh phục họ. Tần Thủy Hoàng binh hùng tướng mạnh như thế, gồm thâu cả lục quốc mà sau khi thống nhất Trung Quốc cũng không làm gì hơn là tiếp tục xây Vạn Lý Trường Thành ngăn chặn thay vì tiến công. Như thế thì cái sức mạnh đó cũng đáng đặt một dấu hỏi lớn. Người Mông Cổ ở thế kỷ 12 chắc không tới một triệu dân mà đánh chiếm được Trung Quốc. Trước đó nhà Tống cũng đã bị nước Kim nhỏ bé ở phía Đông Bắc khuất phục. Người Mông Cổ chiếm Trung Quốc lập ra nhà Nguyễn mà không gặp chống đối. Nhà Nguyễn sụp đổ sau hơn một thế kỷ thống trị Trung Quốc không phải do một cuộc kháng chiến quốc gia nào mà chỉ vì quan lại Mông Cổ về sau tham tàn dồn dân chúng tới tình trạng không chống lại cũng chết đói. Giặc giã nổi lên khắp nơi, Chu Nguyên Chương, sáng tổ nhà Minh, là thủ lãnh một trong những nhóm nổi dậy đó. Chu Nguyên Chương giành được ngôi bá chủ phần lớn là vì ông ta không chống quân Nguyên, trái lại ông ta để cho các nhóm khác đánh nhau với quân Nguyên cho đến khi kiệt quệ rồi đột kích tiêu diệt họ. Chu Nguyên Chương không có mục đích đánh đuổi quân Nguyên giành lại độc lập cho Trung Quốc mà chỉ lo lập nghiệp đế cho mình, ông không đặt vấn đề dân tộc. Dưới mắt ông ta, quân Nguyên hay các nhóm khác đều là những đối thủ như nhau. Thắng lợi của Chu Nguyên Chương. không phải là thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng, mà chỉ là thắng lợi của một thủ lãnh tham vọng nhất và khôn lỏi nhất trong một thời mà Trung Quốc phân lán. Người Trung Quốc chống lại triều Nguyên một cách bất đắc dĩ vì bị ức hiếp quá chứ không phải vì tinh thần dân tộc.
Ba thế kỷ sau, Trung Quốc, dưới triều Minh lại bị nước Mãn Châu nhỏ bế thôn tính, và lần này mọi nhóm chống đối đầu bị tiêu diệt. Cuộc nổi loạn lớn nhất do Hồng Tú Toàn lãnh đạo đã bị chính những nho sĩ Trung Quốc phục vụ nhà Thanh đánh bại. Nhà Thanh đã chỉ sụp đổ trước sức công phá của phương Tây và trước trào lưu dân chủ.
Xét trong dòng lịch sử thì tinh thần dân tộc của người Trung Quốc rất yếu, nếu không muốn nói là không có. Kẻ nào mạnh nhất trong số những cường hào lãnh chúa kẻ đó làm chủ Trung Quốc, bất luận ông ta là người Hoa hay không.
Năm 1778, khi nước Anh đã chinh phục được ấn Độ, toàn quyền Anh tại ấn cử một cộng sự viên là Chapman sang điều nghiên về tình hình Việt nam. Lúc đó anh em Tây Sơn đã diệt được chúa Nguyễn, thanh thế kinh động cả nước. Tám năm sau Tây Sơn diệt Trịnh dễ như trở bàn tay. Chapman đi tham quan khắp nơi và được anh em Tây Sơn tiếp đón ân cần nên có dịp nhìn thấy rõ lực lượng của các phe, đặc biệt là phe Tây Sơn mạnh nhất lúc đó. Chapman phúc trình cho toàn quyền Anh tại ấn Độ như sau: quân đội của Nguyễn Nhạc không đáng kể, giá trị quân sự rất kém. Tôi có thể nói chắc chắn là độ một trăm người có kỷ luật sẽ đánh bại toàn bộ quân lực của ông ta
Cái gì đã khiến Chapman đánh giá lực lượng Tây Sơn thấp quá như vậy. Không phải chỉ là sự tin tưởng vào vũ khí công hiệu hơn, vả lại Chapman chỉ nói tới kỷ luật. Những người nô lệ da đen nổi lên tại Hai ti đã đánh tan cả một quân lực hùng hậu của Napoléon I quân đội Anh tinh nhuệ như vậy mà cũng đã bị tiêu diệt toàn bộ một lữ đoàn trước một số bộ lạc Nam Phi chỉ trong một trận đánh. Vũ khí không quyết định tất cả như ta có thể nghĩ. Sự yếu kém của một quân đội chủ yếu là vì nó thiếu lý do để chiến đấu, và vì thế thiếu tổ chức và gắn bó.
Một thế kỷ sau, người Pháp đỗ bộ vào Việt nam và cũng đánh bại quân Việt nam dễ dàng. Tại miền Nam, Phan Thanh Giản tự vẫn thay vì chống lại, để quân Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây không tốn một viên dạn. Phan Thanh Giản đã tuân tiết thì chắc chắn không phải là người thiếu dũng cảm, ông đã chỉ thấy tình hình tuyệt vọng mà thôi. Tại miền Bắc, vài trăm quân Pháp đã có thể hai lần đánh bại quân Việt nam trong chớp mắt. Cả Nguyễn Tri Phương lẫn Hoàng Diệu đều là những tướng có thừa dũng cảm nhưng họ không làm gì được bởi vì quân đội nhà Nguyễn tuy đông nhưng không có sức mạnh. Để chiếm các tỉnh miền Bắc có khi Pháp chỉ cần mười người lính bắn vài phát súng thị uy là tổng đốc bỏ chạy hoặc tự trối ra hàng. Nếu bảo rằng đó là do vũ khí tối tân thì tại sao vài ngàn quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc lại đánh bại được quân Pháp?
Lý do thực sự là vì chúng ta thiếu tinh thần quốc gia dân tộc.
Và một khi đã thiếu tinh thần quốc gia dân tộc thì sức mạnh của quân đội chỉ dựa trên quyết tâm và bản lãnh của người thủ lãnh. Khi chúng ta có những thủ lãnh giỏi như dưới thời Lý, Trần hay trong cuộc khơi nghĩa của Lê Lợi thì ta có sức mạnh, khi ta không có tướng giỏi thì quân đội ta không có giá trị. Các triều đại Trung Hoa và Việt nam có thể suy sụp rất nhanh chóng vì một ông vua dở bởi vì vua là tất cả. ý niệm quốc gia dân tộc không có, do đó không có một sức mạnh quốc gia độc lập với nhà vua. Cái lô-gích về sức mạnh tại Trung Quốc và Việt nam rất giản dị: một người, nhờ bản lãnh hay địa vị, qui tụ quanh mình một đội ngũ nhỏ, rồi dùng đội ngũ đó để khống chế dân chúng, bắt dân chúng phải phục tùng mình và chiến đấu cho mình chứ không dựa trên một ý chí chung. Chính vì thế mọi lực lượng có thể thay đổi rất mau chóng tùy theo người thủ lĩnh.
Trong một bài báo tôi có phát biểu rằng ý niệm quốc gia dân tộc rất mới đối với chúng ta, các cụm từ yêu nước hay ái quốc hoàn toàn không có trong ngôn ngữ Việt nam trước thế kỷ 20. Nhận định này đã bị một số người phản đối, họ quả quyết sẽ tìm được bằng cớ ngược lại. Gần bốn năm đã trôi qua vẫn chưa ai tìm được. Có thể sau này có vị sẽ tìm thấy trong một tài liệu nào đó, nhưng một thí dụ hiếm hoi cũng sẽ không phản bác được nhận xét của tôi là tinh thần quốc gia của chúng ta chỉ mới xuất hiện trong thế kỷ này. Các quân tướng và sĩ tử của ta trước đây chỉ biết có vua chứ không biết tới nước.
Tại sao tôi dám quả quyết như vậy mặc dù chưa đọc hết các tài liệu và tác phẩm Việt nam? Đó là vì khái niệm nước như là một thực thể khác với vua, của chung mọi người và mọi người có bổn phận phục vụ và bảo vệ, chưa có. Mà nước đã không có thì làm gì có chuyện yêu nước. Văn hóa Khổng Giáo, độc tôn trên đất nước ta cho tới thế kỷ 20, không nhìn nhận sự hiện hữu của quốc gia. Đó là một điều chắc chắn.
Khi Khổng Tử dạy các sĩ tử nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, nước có đạo thì ra ra làm quan, nước vô đạo thì ta ở ẩn rõ ràng ông không nhìn nhận bất cứ một bổn phận nào đối với nước cả, ông chỉ coi nước là của một chủ, kẻ sĩ thấy phục vụ ông chủ đó có lợi thì làm không có lợi thì thôi. Cái triết lý ở ẩn mà Khổng Tử nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong Luận Ngữ và sau này đã trở thành cả một đạo sống của nho sĩ, là gì nếu không phải là sự phủ nhận quốc gia và sự khước từ mọi nhiệm vụ đối với cộng đồng? Thái độ của kẻ sĩ rất rõ rệt: chỉ mưu lợi cho mình và sống trung thành với nghề sĩ, nghĩa là nghề đi học và làm quan của mình. Phải nói rằng các nho sĩ rất có đạo lý nghề nghiệp. Họ trung thành tuyệt đối với người chủ đã dùng họ và dù được làm quan hay thất nghiệp họ vẫn hãnh diện với nghề của mình và tôn trọng những giá trị của nó. Những nhà nho không có tổ quốc, họ chỉ biết tới các tổ nghề, nghĩa là các thánh hiền của họ, và người chủ tuyển dụng họ, nghĩa là nhà vua.
Quốc gia là một ý niệm trừu tượng cần được nuôi dưỡng bởi những người có văn hóa, nhưng trong xã hội Khổng Giáo những người có văn hóa duy nhất là các nho sĩ lại không nhìn nhận quốc gia, như thế thì không thể có quốc gia theo ý nghĩa một thực thể riêng biệt được. Trong xã hội Khổng Giáo, nước chỉ là vùng đất thuộc quyền sở hữu của nhà vua mà thôi, những con người sống trên vùng đất đó chỉ là những nô lệ của vua, vua muốn cắt đất nhường dân cho ai tùy ý. Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt mà chúng ta coi là một bài thơ yêu nước cũng chỉ nhắc lại quan niệm đó: Nam quốc sơn hà Nam đế cư (núi sông nước Nam là của vua nước Nam).
Cái gương Khổng Tử đi hết nước này sang nước khác để xin làm quan (có lúc ông định vượt biển sang phò vua Cao Ly) đã chứng minh rõ ràng kẻ sĩ không có tổ quốc. Vả lại cho đến khi người phương Tây sang chinh phục vấn đề quốc tịch không hề đặt ra; ai sống ở đâu thì là dân của ông vua nơi đó, có thể làm quan cho ông vua đó, nhưng nếu đi nước khác cũng có thể làm quan và tuyệt đối trung thành với một ông vua khác, ngay cả nếu phải cầm quân đi đánh nước cũ. Ngũ Tử Tư đời chiến quốc bị trách là rước voi về dày mả tổ bởi vì tổ tiên ông và chính ông đã làm quan nước Sở mà sau này ông lại dẫn quân Ngô về dày xéo lăng miếu nước Sở. Sẽ không ai trách ông nếu trước đó tổ tiên ông và chính ông chỉ là thường dân nước Sở. Trong lịch sử Trung Hoa, không thiếu những người nước này sang làm tướng quốc nước khác. Trong lịch sử Việt nam, Đàng Trong (miền Nam) và Đàng Ngoài (miền Bắc) được coi là hai nước riêng biệt, Nguyễn Nhạc và vua Lê Hiển Tông khi đối đáp với nhau gọi lãnh thổ của nhau là quí quốc một cách rất tự nhiên.
Khi quân Thanh sang Việt nam năm 1789, để rồi bị Nguyễn Huệ đánh bại, dân Bắc Hà thấy gần gũi với quân Thanh hơn là quân Tây Sờn và cầu mong cho quân Thanh thắng. Dĩ nhiên cuộc chung đụng trong hàng ngàn năm phải làm nảy sinh ra một tình cảm cộng đồng, nhưng nó chỉ là tình cảm của những người cùng chung và cùng chịu một số phận (bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn), nó còn ở rất dưới điều mà ta có thể gọi là tinh thần quốc gia dân tộc hay lòng yêu nước. Điều đó dễ hiểu, kẻ sĩ, những kẻ còn được hưởng một vinh quang nào đó của chế độ chính trị, đã không có tổ quốc thì người dân, những người nô lệ, lại càng không có lý do gì để có tổ quốc. Nước là vua, mà vua là cái gông cùm. Không có tội nhân nào yêu gông cùm cả. Những kẻ không có gì thì cũng không có bổn phận nào. Khi người Mông Cổ, Mãn Thanh và những nước phương Tây xâm chiếm Trung Quốc, họ đã không đụng độ với nhân dân Trung Quốc, mà chỉ đụng độ với cấc vua nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh. Khi người Pháp sang chinh phục Việt nam, họ đã không đụng độ với dân tộc Việt nam mà chỉ đụng độ với các vua nhà Nguyễn. Chính vì thế mà họ đã thắng lợi dễ dàng. ý niệm quốc gia dân tộc đã ra đời một cách chậm chạp tại phương Tây cùng với sự tăng trưởng của tự do và sự hình thành của xã hội dân sự. Người dân có tự do hơn và làm chủ cuộc sóng của mình hơn nên đã bắt đầu cảm thấy mình có một chỗ đứng nào đó trong xã hội, rồi dần dần cảm thấy gắn bó và có bổn phận với cộng đồng trong đó mình đang sống. Càng có chỗ đứng họ càng đòi hỏi một chỗ đứng lớn hơn. ý niệm quốc gia dân tộc nảy sinh như thế và ngày một mạnh, càng mạnh nó càng đẩy lùi quyền lực của các vua chúa. Sau vài thế kỷ thai nghén, sự thành lập một nước cộng hòa tại Hòa Lan, sự hình thành của Hoa Kỳ và cuộc cách mạng Pháp đã chính thức khai sinh ý niệm quốc gia. Đó là ý niệm đất nước của mọi người thay vì là của một dòng họ. Người dân làm chủ đất nước và vì thế yêu nước và có bổn phận với đất nước. ý niệm quốc gia dân tộc ra đời với cao vọng tận dụng tinh thần trách nhiệm, sinh lực, ý kiến và sáng kiến của mọi người. Niềm tin nền tảng của nó là những con người tự do mạnh hơn và cống hiến nhiều hơn là những con người nô lệ, xã hội của những con người tự do mạnh hơn là một tập thể nô lệ. Một guồng máy nhà nước mới ra đời và có sức mạnh hơn hẳn bởi vì được sự hỗ trợ của moi người. Khi đi chinh phục thế giới, sức mạnh chính của các nước phương Tây là bộ máy nhà nước hiện đại chứ không phải là vũ khí hiện đại.
Như thế phải hiểu rằng ý niệm quốc gia dân tộc liên hệ mật thiết với dân chủ và tự do. Không có dân chủ và tự do thì không thể có quốc gia, hay cùng lắm chỉ có quốc gia ở dạng bò sát thấp kém. Tại Việt nam, một cách nghịch lý, tinh thần quốc gia đã xuất hiện dưới thời Pháp thuộc do ba yếu tố:
1. Người Pháp giáo dục trí thức Việt nam theo văn hóa của họ, trong đó tinh thần quốc gia là một thành tố quan trọng;
2. Vai trò của vua nhà Nguyễn trở thành mờ nhạt, họ không còn là chủ đất nước nữa, đất nước trở thành một tài sản chung của mọi người Việt đang bị người nước ngoài chiếm đoạt; và
3. Chính sách phân biệt đói xử xấc xược của người Pháp khiến người Việt nam ý thức được rằng mình là một khối dân tộc cùng một tổ tiên và cùng chia sẻ một sự tủi nhục. Cùng với thế kỷ 20 bắt đầu xuất hiện một số trí thức được gọi là các nhà ái quốc. Trong tuyệt đại đa số, nếu không muốn nói là lất cả các nhà ái quốc này đều kêu gọi canh tân, bỏ cũ theo mới.
Trong một bài báo (Một cách nhìn cuộc chiến, Thông Luận số 82, tháng 05/95), tôi có viết rằng lòng yêu nước của người Việt nam có thể chỉ là một ngộ nhận. Nhiều vị đã xúc động và lên tiếng phản đối. Tôi hiểu tình cảm của các vị đó và tôi rất kính trọng tình cảm đó, tôi không mong gì hơn là mình đã nhận định sai. Nhưng quả là chúng ta đã ngộ nhận.
Chúng ta ngộ nhận khi nói rằng ý thức quốc gia dân tộc đã có từ lâu trong khi thực ra nó chỉ là một khái niệm mới xuất hiện từ thế kỷ 20, nghĩa là còn rất non trẻ so với chiều dài lịch sử của ta. Chúng ta ngộ nhận khi nghĩ rằng lòng yêu nước của người Việt rất cao trong khi thực ra nó rất thấp. Chính vì nó thấp mà khi người Pháp xâm chiếm nước ta đã chỉ có một thiểu số trí thức thực sự dấn thân đấu tranh vì nước còn đại đa số vẫn đứng ngoài cuộc, và thái độ đứng ngoài cuộc đó của những Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Tản Dà, Trần Tế Xương, v.v... hoàn toàn không khiến họ bị chê trách. Chính vì nó thấp mà một số nhỏ người Pháp đã có thể cai trị được cả khối người Việt, dùng chính người Việt để thống trị người Việt. Đặc biệt là trong giai đoạn thế chiến II, một nắm nhỏ người Pháp đã thua trận và đã mất nước vẫn thống trị được Việt nam một cách tàn bạo.
Tôi tình cờ sinh ra trong một gia đình Việt nam Quốc Dân Đảng. Giáo dục gia đình đã khiến tôi thù ghét và khinh bỉ một cách thậm tệ những người hợp tác với Pháp; tôi coi họ là đồ hèn hạ, lưu manh. Lớn lên, tôi được tiếp xúc với nhiều người như thế, tôi nhận ra họ là những người cũng lương thiện và tử tế như những người đấu tranh cách mạng, chỉ có một điều là họ không có ý thức dân tộc đủ mạnh để chấp nhận chịu gian khổ hay hy sinh quyền lợi. Càng trưởng thành tôi càng thấy không nên trách họ bởi vì dù đã hấp thụ nhiều kiến thức mới của phương Tây, về mặt tâm tính họ vẫn thuộc hệ văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vô tổ quốc.
Cũng chính vì lòng yêu nước của người Việt nam không mạnh mà đảng cộng sản đã thắng lợi. Về bản chất, phong trào cộng sản không những vô tổ quốc mà còn chống tổ quốc, nó là một phong trào thế giới, nhắm thăng tiến giai cấp vô sản trên toàn thế giới. Nếu không quá lạm dụng bạo lực chủ nghĩa cộng sản có thể là một chủ nghĩa cao quí, dù chỉ là một ảo tưởng, nhưng phong trào cộng sản không phải là một phong trào yêu nước. Khẩu hiệu của nó là người vô sản không có tổ quốc. Tiếng gọi đấu tranh giai cấp, trong khuôn khổ của một nước, là một lời kêu gọi nội chiến. Phong trào xô Viết Nghệ Tĩnh, cái nôi của đảng cộng sản Việt nam, nổi lên với lời tung hô: vạn tuế Sô Nga và tiếng thét: trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ hoàn toàn không phải là một phong trào dân tộc. Nhưng người cầm đầu đảng cộng sản và những đảng viên trung kiên nhất không phải là những người yêu nước mà chỉ là những người cộng sản Có thể đa số những người theo đảng cộng sản đã theo vì lòng yêu nước, nhưng khi nhận định bản chất của một tổ chức ta nên xét theo chủ trương, đường lối của nó và lý tưởng của những người cầm đầu nó chứ không nên dựa trên những người đi theo.
Hoàn cảnh đất nước sau ngày 30-4- 1975 đã khiến tôi có dịp tiếp xúc với vô số người cộng sản thuộc đủ mọi cấp bậc và tôi đã có thể kiểm chứng một điều: trong hàng ngũ cộng sản, một người có thể nói một cách quả quyết rằng quốc gia chỉ là một ý niệm vớ vẩn lạc hậu cần vất bỏ mà vẫn không hề bị trở ngại trong việc thăng tiến, trái lại nếu anh ta dám nói chủ nghĩa cộng sản chỉ là một chủ nghĩa tồi tệ chắc chắn anh ta sẽ lâm nguy, có thể mất mạng luôn. Bằng cớ rằng đảng cộng sản không phải là một tổ chức yêu nước cũng có thể tìm thấy trong các chính sách liên tục của họ. Suốt 30 năm chiến tranh, tôi chưa bao giờ ghi nhận một quan tâm thực sự nào của họ trước những đỗ vỡ kinh khủng về tinh thần, vật chất và nhân mạng cho đất nước. Họ có thể tiêu diệt thẳng tay những người Việt nam, yêu nước hay không, không đồng quan điểm với họ, có khi họ sẵn sàng tiêu diệt cả một số thành phần dân tộc. Trong cuộc cải cách ruộng đất 1955-1956, họ chủ trương tiêu diệt toàn bộ giai cấp địa chủ. (Chính sách này, vì nhưng hậu quả tai hại của nó, sau đó được coi là một sai lầm nhưng không bị coi là một tội, những người cầm đầu và phát động nó chỉ bị kiểm điểm).
Sự thù ghét lẫn nhau và ác độc đối với nhau của người Việt nam là điều không ai có thể chối cãi, nhưng để cố bào chữa cho lòng yêu nước nói chung của người Việt, lại có một nhận định giảm khinh: chúng ta yêu nước, nhưng không yêu nhau. Như vậy yêu nước là gì? Đất nước là lãnh thổ, là lịch sử, là con người và là một dự án tương lai chung. Trong các yếu tố đó, con người có tầm quan trọng vượt hẳn. Đất nước, lịch sử đều là của người, dự án tương lai cũng là của người. Nếu đồng hóa nước Việt với người Việt thì cũng không sai (và trên thực tế đã có những học giả đồng hóa quốc gia và dân tộc). Mà người Việt không phải là một ý niệm trừu tượng mà là từng người và mọi người. Không yêu nhau là không yêu nước. Chấm.
Nếu mức độ quốc gia quá cao để ta có thể nhận định một cách rõ rệt thì hãy lấy thí dụ khuôn khổ gia dình. Ta có thể coi một người là yêu gia đình được không, khi người đó lúc nào cũng sẵn sàng đốt nhà, đập phá, ẩu đả và sát hại mọi anh chị em không vừa ý mình? Nếu anh ta tự nghĩ anh ta là người yêu gia đình thì anh ta chỉ là người điên. Và nếu có ai coi anh ta là người yêu gia đình thì người đó cũng nên ghé thăm một bác sĩ tâm thần.
Nếu phải nhận định một cách thực vắn tắt đại hội VIII của Dâng Cộng Sản Việt nam, tháng 6- 1996, thì ta có thể nói đó là một đại hội chống tổ quốc. Đảng cộng sản, sau nhiều thất bại thê thảm, nhất là khi khối cộng sản tan vỡ, đã đổi mới về kinh tế thị trường và đời sống một phần dân chúng đã được cải thiện; sinh hoạt đất nước bắt đầu khởi sắc, nhưng vị trí độc tôn và độc quyền của họ bị lung lay. Họ bèn lấy quyết định chặn đứng đà phát triển để cũng cố lại quyền lực của họ mặc dầu biết rõ làm như vậy đất nước sẽ bị thiệt hại nặng. Đại hội VIII là biến cố trong đó một đảng cầm quyền cố tình lấy quyết định có hại cho đất nước vì quyền lợi của riêng mình. Tuy vậy cũng không nên quá khe khắt đối với những người lãnh đạo cộng sản. Thực ra họ cũng không khác với đa số người Việt.
Yêu nước tại Việt nam là một ngoại lệ chứ không phải là một thông lệ. Chúng ta là một dân tộc được nhào nặn trong suốt dòng lịch sử bằng văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vô tổ quốc, lòng yêu nước của ta yếu kém là lẽ dĩ nhiên. Chúng ta chớ nên nghĩ rằng mình đã ra khỏi văn hóa Khổng Giáo. Chúng ta vẫn còn chịu ảnh hưởng Khổng Giáo một cách nặng nề lắm, ngay cả khi chúng ta không ý thức được và không nhìn nhận như vậy. Cứ lấy thí dụ triết lý ở ẩn, xem ra rất xa lạ đối với trí thức ngày nay. Có thể một người khoa bảng thời nay sẽ phản đối: tôi có biết triết lý ở ẩn là cái quái gì đau, anh chỉ nói lẩm cẩm, nhưng chính anh ta đang theo triết lý ở ẩn và, tuy không nói ra, rất tán thành triết lý đó.
Ông Hoàng Xuân Hãn là một thí dụ rất điển hình. Ông có kiến thức uyên bác trên rất nhiều lãnh vực và có đạo đức cá nhân rất cao. Ông theo đúng triết lý Khổng Giáo nước loạn không ở, nước nhiễu nhương thì ở ẩn. Mặc dầu là một nhân vật rất có uy tín và đã có thể đóng góp thay đổi số phận đất nước, ông đã chọn bỏ nước ra đi vào giữa lúc đất nước đang chuyển động lớn. Ông sang Pháp ở ẩn cho tới lúc qua đời. Ông Hãn là một người sáng suốt và lương thiện, ông hiểu rõ hậu quả của chọn lựa này. Trong một bài phỏng vấn mà tôi được đọc trên tờ báo Bulledingue (một tờ báo tiếng Pháp, nay đã đình bản, rất có giá trị của một nhóm trí thức Việt nam tại pháp từng ủng hộ đảng cộng sản), ông trả lời về tương lai của cộng đồng người Việt hải ngoại như sau: Tôi sợ rằng rồi cũng như người Việt tại Trung Quốc, thế hệ đầu tha thiết với đất nước, thế hệ sau không còn nói thạo tiếng Việt nữa và thế hệ thứ ba quên là mình có gốc Việt. Ông Hoàng Xuân Hãn dư biết về lâu về dài ra đi là từ bỏ đất nước, nhưng vẫn ra đi bởi vì ở ẩn là cả một đạo lý cao thượng đối với người Việt nam và ông Hãn dù đã du học phương Tây và đậu những bằng cấp cao nhất vẫn là người Việt nam. Khi ông Hãn qua đời, trí thức Việt nam trong nước cũng như ngoài nước đồng loạt lên tiếng ca ngợi ông như một người mẫu mực, không thấy ai bày tỏ sự phiền lòng rằng một người lỗi lạc như ông đáng lẽ phải có một chọn lựa tích cực hơn đối với đất nước. Thế hệ trước đã ca tụng Nguyễn Khuyến, thế hệ sau ca tụng Hoàng Xuân Hãn. Những Nguyễn Khuyến của thế hệ trước đã rất đông đảo, những Hoàng Xuân Hãn của thế hệ sau còn đông đảo hơn, ngay cả về tỷ lệ. Xem ra, dù đã kinh qua nhiều biến cố trọng đại, tâm lý người Việt ván chưa thay đổi bao nhiêu, tránh gian nguy và ở ẩn vẫn còn là một nhân sinh quan rất phải đạo. Người Việt nam vẫn còn chưa mất gốc, họ vẫn còn là những người Việt nam chân chính, nghĩa là không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách không tốn kém. Đọc tới đây xin độc giả đừng nghĩ rằng tôi có một dụng ý mỉa mai nào. Tôi thực sự quí trọng những người như Nguyễn Khuyến và Hoàng Xuân Hãn. Họ cao thượng thực sự, nhưng họ là sản phẩm của một nền văn hóa cam chịu và ẩn dật, họ đã sống phù hợp với nền văn hóa đó và họ là những mẫu người cao quí của nền văn hóa đó.
Tôi quen biết, hoặc được biết, khá nhiều trí thức Việt nam trong nước. Tất cả đều đồng ý chế độ hiện nay là tồi dở và độc hại, tất cả đều mong nó chấm dứt càng sớm càng hay, nhưng chỉ một số rất nhỏ chấp nhận rủi ro đứng lên đòi dân chủ, tuyệt đại đa số còn lại chỉ lo sống và tồn tại. Và để tồn tại họ phải chấp nhận thỏa hiệp với chế dộ, hợp tác với nó, và như thế giúp nó tiếp tục tồn tại, điều mà họ hoàn toàn không muốn. Mà những đặc ân mà họ được hưởng có lo lớn gì cho cam, chúng chỉ là những chức phó vụ trưởng, ủy viên hội đồng nhân dân tỉnh, v.v..., với lương và phụ cấp không quá 200 đô-la mỗi tháng. Hay một cửa hàng nhỏ của vợ con, hay khả năng được xuất bản vài tập truyện ngắn vô hại, hay được vẽ và bán vài bức tranh kiếm sống, được xuất ngoại vài năm một lần. Hoặc chỉ giản dị là cuốn sỗ lương hưu hai chục đô-la mỗi tháng. Hoặc giản dị hơn nữa là khỏi bị phiền hà. Tất cả đều hiểu những ân huệ đó chẳng có gì đáng kể, tất cả đều tin rằng nếu chế độ này chấm dứt thì không những đất nước sẽ khá hơn nhiều mà chính bản thân họ cũng khá hơn hẳn. Nhưng họ không chấp nhận một hy sinh, dù là tạm thời và nhỏ bé, nào cả bởi vì lòng yêu nước, nghĩa là sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng dân tộc, của họ không đủ mạnh. Mỗi người có cách riêng để luồn lách và tồn tại. Tất cả đều khôn, không ai chịu dại cả. Kết quả tổng hợp là đất nước vẫn tiếp tục quằn quại trong độc tài và lạc hậu. Một dân tộc gồm toàn những người khôn là một dân tộc rất đần độn. Chỉ có thể coi là yêu nước những người sẵn sàng chấp nhận một sự dại dột nào đó cho đất nước.
Trong cuộc xung đột dài và đẫm máu vừa qua, yêu nước đã là một khẩu hiệu được mọi phe phái sử dụng để giành giật hậu thuẫn. Hô mãi hoặc nghe mãi, khẩu hiệu đó trở thành một sự khủng bố tinh thần rồi chúng ta đã ghi nhận nó trong tiềm thức như một ngôn ngữ bắt buộc. Nhưng chúng ta cường điệu và dối trá, chúng ta đeo mặt nạ và sử dụng ngôn ngữ của lưỡi gỗ với nhau, khi xưng mình là người yêu nước. Và chúng ta sai lầm lớn khi nghĩ rằng đa số người Việt nam yêu nước. Chỉ cần bình tĩnh quan sát sự thờ ơ bao trùm chung quanh chúng ta để nhận được một cải chính dứt khoát. Người Việt nam rất khó yêu nước. Trong vòng hơn hai ngàn năm chúng ta được nhào nặn bởi văn hóa Khổng Giáo, một văn hóa vong thân, vị ky và phủ nhận đất nước. Từ gần một nửa thế kỷ nay chúng ta bị áp đặt văn hóa cộng sản không khác với Khổng Giáo bao nhiêu về bản chất. Cả hai đều là những văn hóa kỳ thị, đặt nền tảng trên một giai cấp chứ không phải trên tinh thần dân tộc. Một kẻ sĩ Việt nam ngày xưa gắn bó với một kẻ sĩ Trung Hoa hơn là một thứ dân Việt nam. Một bần cố nông Việt nam gần đây được nhoi sọ để coi mọi người vô sản thế giới là anh em và coi người tư sản Việt nam là kẻ thù.
Đã thế, người ta còn nhân danh tổ quốc để phạm tội ác, để hạ sát hàng ngàn hàng vạn nạn nhân vô tội. Những nạn nhân bị ghép tội phản quốc trong đại đa số lại chính là những người yêu nước hiếm hoi. Người ta còn cưỡng đoạt tổ quốc và cố gắng hòa tan nó trong một chủ nghĩa (yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu đa số người Việt chọn lựa đứng ngoài mọi hệ lụy với đất nước.
Quốc gia chỉ mạnh nếu là đất nước của những con người tự do, tận dụng được hết sinh lực, thi thố được mọi tài năng, phát huy được mọi ý kiến và sáng kiến của mình. Nhưng quốc gia cũng không thể mạnh nếu không có lòng yêu nước, cũng như một gia đình không thể có hạnh phúc nếu không có tình yêu.
Thuận vợ thuận chồng tát biền Đông cũng cạn không ai ngờ vực mãnh lực ghê gớm của tình yêu, chúng ta cần ý thức rằng lòng yêu nước cũng có mãnh lực tương tự trong việc xây dựng một tương lai chung cho dân tộc. Chúng ta rất cần một sức bật của lòng yêu nước. Nhưng chúng ta cũng cần ý thức rằng lòng yêu nước của chúng ta rất non yếu và tật nguyền cần được điều trị và gây dựng, chứ không phải một vốn đã sẵn dồi dào để sử dụng và lạm dụng. Lòng yêu nước ấy, những người dân chủ phải xây dựng ra chứ không thể mong chờ gì ở chế độ độc tài này. Mọi chế độ chuyên chế, dù là chế độ quân chủ ngày xưa hay chế độ độc tài cộng sản ngày nay, đều có chung một chủ trương là tiêu diệt mọi ý thức cộng đồng và mọi liên hệ gắn bó trong xã hội để có thể thống trị một đám đông cô đơn. Họ không cần người dân yêu nước, họ chỉ cần người dân khuất phục. Họ không cần người dân yêu họ, họ chỉ cần người dân đừng yêu nhau. ý niệm quốc gia dân tộc do dân chủ mà có, chỉ có dân chủ mới có thể giúp ta gây dựng và phát huy nó. Cuộc đấu tranh cho dân chủ cũng là cuộc đấu tranh nhằm đem lại cho người Việt lý do để yêu nước.
Những người dân chủ phải khẳng định dự án xây dựng một nhà nước khiêm tốn phục vụ thay vì khống chế xã hội dân sự, đặt mình dưới người dân thay vì trên người dân, một nhà nước tối thiểu để nhường không gian tối đa cho sinh lực, ý kiến và sáng kiến của công dân. Và họ cũng cần khẳng định: người dân không có bổn phận phải yêu nước; chính nhà nước và thành phần ưu tú của đất nước, nghĩa là thành phần trí thức, phải làm cho đất nước trở thành đáng yêu. Đất nước không được hạch hỏi người dân đã làm gì cho mình, trái lại phải tự hỏi mình đã có ích lợi gì cho người dân. - Có lẽ chính vào lúc lòng yêu nước không còn là một cưỡng bách nữa mà chúng ta sẽ có được lòng yêu nước thực sự, hay ít ra nhận diện được những người thực sự yêu nước, và nhờ đó có thể kết nghĩa với nhau để cùng nhau đưa đất nước ra khỏi bế tắc.