Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Tổ quốc ăn năn

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 123620 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tổ quốc ăn năn
Nguyễn gia Kiểng

Yêu nước
Ta không cố tự hào dân tộc, mà đã không có tự hào dân tộc thì không thể yêu nước. Làm sao có thể yêu một cái gì mà ta coi thường? Cho nên lòng yêu nước của người Việt, mà mọi người quả quyết là mạnh, có thể chì là một sự hiểu lầm.
Có một lập luận mà cả hai phe cộng sản và quốc gia đều đồng ý nhưng rất sai, là những người cộng sản đã chiến đấu dũng cảm vì lòng yêu nước chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản. Lập luận này tiện cho cả đôi bên. Đảng cộng sản dĩ nhiên phải nói rằng họ tranh đấu vì lòng yêu nước, có như thế họ mới tranh thủ được sự hưởng ứng của những người chưa vào đảng cộng sản, mới có thể kết tội những đối thủ của họ là phản quốc, là bán nước, mới tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận các nước không cộng sản. Còn bên chống cộng dĩ nhiên cũng phải nói rằng đa số những người theo phe cộng sản đã chỉ theo vì lòng yêu nước mà thôi. Có như thế họ mới có thể buộc tội đảng cộng sản là đã lừa bịp những người yêu nước nhẹ dạ, là tiếm đoạt hy sinh xương máu của nhân dân vì độc lập dân tộc; có như thế họ mới nói được chủ nghĩa cộng sản phi nhân bất nghĩa, chẳng ai theo nếu biết thực chất. Gần đây những người công sản ly khai cũng lại sử dụng lập luận này vì nó cũng tiện cho họ. Họ đã đoạn tuyệt với đảng cộng sản, đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản rồi thì tự nhiên họ phải biện minh cho hoạt động trong quá khứ của mình bằng điều mà họ nghĩ mọi người chấp nhận, nghĩa là lòng yêu nước.
Kết quả là một sự dối trá khổng lồ từ cả mọi phía. Và cứ thế cuộc tranh cãi thiếu lương thiện này tiếp tục gây ngộ nhận trong đầu óc mọi người.
Tôi đã nghiên cứu, quan sát, và tâm tình với rất nhiều người cộng sản ở mọi trình độ và đi tới kết luận quả quyết rằng đại đa số những đảng viên cộng sản dã theo đảng vì chủ nghĩa chứ không phải vì lòng yêu nước. Người cộng sản cũng yêu nước như mọi người Việt nam khác, không kém nhưng cũng không hơn. Lòng yêu nước có thực nhưng chỉ đóng một vai trò rất thứ yếu trong chọn lựa của ho. Nó đã chỉ được dùng làm một chiêu bài, nó không phải là động cơ.
Vả lại lòng yêu nước làm sao có thể là động cơ dược, nếu nó không mạnh? Độc giả sẽ tự nhận ra nhưng tôi cần cảnh giác trước hết rằng tôi hoàn toàn không có ý định làm một cáo trạng đối với người cộng sản và đảng cộng sản. ở đây tôi chỉ muốn nhận diện đất nước, điều tôi muốn làm sáng tỏ là lòng yêu nước rất mờ nhạt trong lòng người Việt nam, dù là cộng sản hay không cộng sản. Đã đến lúc chấm dứt sự ngộ nhận này để đem lại cho cuộc thảo luận về đất nước sự nghiêm túc phải có.
Chúng ta cần thắng một đặc tính rất kỳ lạ của người Việt là thường đặt nền tảng quan hệ và trao đổi trên một căn bản giả dối, không ai thực sự nghĩ nhưng mọi người đều muốn người khác tin là mình nghĩ. Thí dụ các tổ chức chống cộng hải ngoại đều kêu gọi ngồi lại với nhau nhưng trong thâm tâm không ai thực sự muốn ngồi lại với nhau cả, mà chỉ muốn ngồi lên đầu nhau. Kết quả tất nhiên là rất khó đồng ý với nhau. Tôi mong độc giả lưu ý cái dân tộc tính này trước khi đọc những dòng kế tiếp.
Ai đã có dịp vào thăm Viện Bảo Tàng Cách Mạng đều có thể nhìn thấy lá cờ lịch sử của Phong Trào xô Viết Nghệ Tĩnh, cái nôi tình cảm của đảng cộng sản Việt nam. Lá cờ màu đỏ này chỉ có tám chữ Vạn Tuế Sô Nga, Sô Nga Vạn Tuế, chỉ có thế. (Chữ Sô viết bắt đầu bằng chữ S trên lá cờ). Vả lại cái tên Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã đủ nói lên bản chất của phong trào. Cái gì đã thực sự làm nức lòng người, không phải là lòng yêu nước mà là giấc mơ cộng sản, giấc mơ được giải phóng khỏi sự áp bức, bóc lột và chà đạp. Giấc mơ ấy đã khiến những người nông dân cùng khổ miền Nghệ Tĩnh vùng lên, chấp nhận chết chứ không chấp nhận tiếp tục cuộc sống tôi đòi. Phong Trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã thẳng tay tàn sát những kẻ thù của giai cấp vô sản, bất luận họ có yêu nước hay không yêu nước. Nó đã bị đàn áp trong một biển máu, sau khi đã làm đổ ra một biển máu. Sự dũng cảm của những con người của Phong Trào xô Viết Nghệ Tĩnh đã rất phi thường, nhưng nó hoàn toàn không do lòng yêu nước mà đã chỉ được thúc đẩy bởi giấc mơ một cuộc sống không còn áp bức.
Tôi đã nói chuyện với vô số người cộng sản và cố gắng vượt qua cái vỏ bề ngoài của họ, tôi luôn luôn tìm thấy giấc mơ đó đằng sau cái bình phong yêu nước. Đó mới chính là lý tưởng đã khiến họ chấp nhận mọi gian khổ, nếu cần hy sinh cả tính mạng. Tôi cũng đã quan sát và trao đỗi với các trí thức cộng sản. Điều tôi có thể quả quyết là không ai lầm lần cả. Tất cả đều đã tán thành chủ nghĩa cộng sản, hay ít ra đã chấp nhận nó. Không có một người nào đã theo phong trào cộng sản vì tưởng rằng nó không phải là cộng sản cả.
Đảng cộng sản cũng không hề giấu mục tiêu của họ. Họ sử dụng danh nghĩa giải phóng dân tộc song song với lý tưởng cộng sản chứ không phải thay cho lý tưởng cộng sản. Lúc nào họ cung đề cao đấu tranh giai cấp, ngay cả khi họ giải tán một cách tượng trưng Đảng cộng sản Đông Dương. Vả lại, ngay cả cái tên Đảng cộng Sản Đông Dương cũng đủ để nói lên rằng yếu tố Việt nam không hề có trong ưu tư của họ. Không thể nói là họ đã lường gạt. Sự bội ước này có thực, nhưng không phải ở chỗ họ đã đem áp dụng chủ nghĩa cộng sản, mà ở chỗ đảng cộng sản đã không thực hiện được lý tưởng công bằng xã hội mà chủ nghĩa cộng sản đã hứa hẹn, thay vào đó là một chế độ đầy rẫy bất công và tham nhũng. Cũng có những người đã thất vọng vì nhận ra chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng không có ai không biết ngay từ đầu rằng mục đích của mặt trận Việt Minh là để thiết lập một chế độ cộng sản cả. Nói như vậy là không thành thực.
Vả lại, năm 1976, khi, sau chiến thắng, Đảng Lao Động được đỗi tên thành đảng cộng sản và chế độ cộng sản được chính thức tuyên bố, tôi hoàn toàn không thấy ai ngạc nhiên hay phẫn nộ cả. Tất cả nhưng người đã đóng góp cho thang lợi của đảng cộng sản đều hân hoan, hay ít ra không thất vọng. Thất vọng chỉ đến sau đó khi chế độ trở thành tham nhũng và đất nước bị suy thoái, đời sống nhân dân trở thành cơ cực.
Tôi không lên án người cộng sản là không yêu nước, tôi chỉ muốn nói là lòng yêu nước của người Việt mình nói chung là rất yếu. Trong thời kỳ Pháp thuộc, có lẽ chỉ có Việt nam Quốc Dân Đảng và một số hệ phái Đại Việt là thực sự chỉ lấy lòng yêu nước làm nền tảng. Nhưng Việt nam Quốc Dân Đảng đã không mạnh lên được, một phần vì thiếu tổ chức, một phần bị mọi thế lực đánh phá, nhưng lý do căn bản, theo tôi, vẫn là vì lòng yêu nước, lý tưởng duy nhất của Việt nam Quốc Dân Đảng, không đủ mạnh trong lòng người Việt nam để có thể động viên được sự hy sinh của nhiều người, như lý tưởng cộng sản.
Để đối đầu với đảng cộng sản, các chính quyền quốc gia đều chủ yếu do những người không yêu nước cầm đầu. Các chính quyền Bảo Đại, Nguyễn Văn Xuân, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, ngoại trừ một vài nhân vật của Đại Việt và Việt nam Quốc Dân Đảng xuất hiện ngắn ngủi trong một thỏa hiệp giai đoạn, gồm toàn bộ những người đã hợp tác với chính quyền thuộc địa Pháp. Nhưng họ đã thất bại vì tham ô, kém cỏi chứ không phải vì không được coi là những người yêu nước.
Ông Ngô Đình Diệm xuất hiện đột ngột vào chính trường Việt nam và cầm quyền. Ông cũng không phải là một người yêu nước trái lại ông có một quá khứ dài hợp tác với người Pháp và đàn áp các phong trào yêu nước. Nhưng ông đã suýt nữa thành công. Ông thất nhân tâm vì vụng về, thiển cận chứ không phải vì bị lên án là không yêu nước. Yêu nước chưa bao giờ là một yếu tố quyết định để tranh thủ lòng người tại Việt nam. Người Việt nam hoặc không yêu nước, hoặc chỉ yêu nước một cách rất tương đối. Người cộng sản yêu chủ nghĩa của họ hơn đất nước. Người Công Giáo coi trọng tôn giáo của họ hơn đất nước. Những người cầm quyền phe quốc gia đặt quyền lợi của họ trên đất nước. Nhóm Phật Giáo ấn Quang tranh đấu để giành quyền lực và ảnh hưởng cho họ hơn là cho đất nước. Quần chúng Việt nam lo âu quyền lợi và sự yên ổn của mình hơn là cho tương lai đất nước. Tại sao và làm thế nào để khắc phục là những câu hỏi mà ta cần đặt ra. Nhưng ít nhất phải nhìn nhận sự thực đó, phải coi nó là một dữ kiện trong đầu đề của bài toán đất nước, để đừng tiếp tục cường điệu với nhau, đeo mặt nạ và nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của lưỡi gỗ.
Lòng yêu nước của người Việt nam không phải là không có nhưng rất mờ nhạt. Nó đã chỉ được thổi phồng lên do sự chia rẽ trầm trọng của dân tộc Việt nam. Nó không phải là một tình yêu vì người ta chỉ nhân danh tổ quốc để giết nhau chứ có bao giờ nhân danh tổ quốc để tha thứ và nhường nhịn nhau đâu. Sự xung đột đã khiến mọi phe phái đều phải đề cao một điều duy nhất mà mọi người có thể chấp nhận, đó là lòng yêu nước. Nhưng sự xung đột này tự nó cũng là bằng cớ rằng người Việt nam không yêu nước. Nếu thực sự yêu nước thì người Việt nam trước hết phải thương yêu nhau đã, chứ không thể phủ nhận, mạt sát, lên án, tiêu diệt nhau một cách dề dàng như vậy. Có thể nào tưởng tượng được một gia đình trong đó mọi người đều tha thiết yêu gia đình, nhưng lại xung đột, xâu xé nhau và sẵn sàng giết nhau hay không?
Một bằng cớ khác chứng tỏ người Việt nam không yêu nước lắm là có một số đông vẫn chống lại tinh thần hòa giải dân tộc. Vấn đề giản dị như thế này: khi một dân tộc đã có xung đột gay gắt thì chỉ có hai chọn lựa, một là hòa giải với nhau để quốc gia tiếp tục tồại và đi tới hai là không hòa giải và chấp nhận tan vỡ.
Nhưng dầu sao thì lòng yêu nước cũng vẫn là mẫu số chung của dân tộc này để tồại và tiến lên. Lòng yêu nước đó chưa có ở một mức độ cần có, chúng ta phải tạo ra hay phát minh lại. Trong khi chờ đợi, không nên lợi dụng và nhảm nhí hóa nó, vì nó vẫn là hy vọng thoát nguy duy nhất của ta.

<< Một dân tộc bất khuất và tự hào? | Ils ne s aiment pas >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 588

Return to top