Nhà có lũ thằn lằn vui như có đội xiếc thú. Cứ mỗi khi đèn bật sáng, chúng lại diễn đủ trò. Leo lên bờ tường dốc đứng. Dán mình băng qua trần nhà. Đấu võ. Phổng mang nuốt sống một con dế cơm to hơn đầu mình. Hứng lên, có con ngắt hẳn cái đuôi của mình, ném xuống nền gạch bông rồi từ trên trần nhà điều khiển cái đuôi ấy vẫy rối rít như đuôi một con chó mừng chủ.
Có một con thằn lằn chơi trội đã thử làm một trò hơn hẳn chúng bạn mình.
Đó là vào đêm giao thừa. Bà ngoại bưng từ ngoài vườn vào một mâm cỗ cúng. Ông ngoại dốc ngược chai ba xị vào mấy cái lý hạt mít. Ông nâng lý nói với cả nhà:
Nào! Uống ly rượu mừng năm mới.
Bữa tiệc bắt đầu và chẳng mấy chốc bị bỏ dỡ vì chương trình xiếc Liên Xô kéo cả nhà tới bên cái ti vi. Cho tới khi hết xiếc, mọi người trở lại bàn tiệc thì, kìa, trong chai rượu của ngoại có một con thằn lằn. Nó nằm dưới đáy chai đã cạn, mắt lờ mờ, toàn thân đỡ đẫn. Trông nó khác hẳn với lũ thằn lằn bạn đang rối rít trên trần nhà nhìn người lâm nạn. Chắc là cô cậu cậu tài, trèo lên cái chai dốc đứng, rồi khom mình qua miệng chai, nếm thử cái thứ nước mà người lớn vẫn dùng để cuốn sạch các bữa tiệc long trọng, rồi hoa mắt, nặng đầu, nặng bụng không lên được. Kể như mọi bữa, trèo ngược lên thì dư sức, nhưng đêm nay, cái thứ nước vừa thơm, vừa ngọt, vừa cay, vừa đắng ấy khiến thằn lằn nhấc chân, nhấc tay không nổi.
Ba đưa cái chai cho tôi rồi nói:
Mù chữ là khổ thế đấy! Người ta đề rượu thuốc nó lại tưởng xirô. Ngộ thiệt. Tết nhất, đến con thằn lằn cũng say rượu. Này, con để ra ngoài cửa sổ, cho nó uống sương đêm mà tỉnh lại.
Tôi quên không lấy mực tím đánh dấu con thằn lằn say rượu. Bởi vậy tôi không biết nó đã trở lại với cánh bạn xiếc, hay mắc cỡ bỏ đi đâu rồi.
Nhưng đội xiếc thú trong nhà thì vẫn còn. Nhà nào cũng có một đội xiếc như thế nếu trong nhà có đèn sáng và không có một cậu bé ác căng giây thun bắn chết các nghệ sĩ ấy.
Sa Đéc Mùa bông điên điển 1987