Tôi ngồi đò dọc ba mươi cây số Sa Đéc
Lấp Vò để có được đoạn mở đầu bài văn "cây hoa nhà em"
Chiều thứ bảy về quê tôi gặp cây bông hồng ngoại trồng ở mảnh vườn trước cửa.
Nhưng tàu đò ghé cửa thì trời sập tối. Bụi hồng, bụi dạ lý, bụi mẫu đơn trông không khác gì nhau, đành để dở dang bài văn.
Hôm sau, trời còn mù sương tôi đã có mặt ngoài vườn. Giáp Tết, gió bấc xào xạc trên các tàu dừa. Lạnh quá, tôi nhảy mũi liên tục ba bốn cái, khiến cây hồng giật mình, rung rinh, những giọt sương từ mặt lá rơi xuống nách hoa. ý văn cũng như sương lã chã.
Thân hoa to bằng ngón cẳng cái. Cành hoa nhỏ như ngón tay út, xòe ra nhiều lá hình trái tim viền răng cưa. Sương như những hòn bi ve tí xíu tụt từ lá xanh xuống bông đỏ, đi tìm mùi thơm ngào ngạt núp đâu giữa những cánh hoa.
Tới đây thì bí thù lù! Tôi chạy lại bậc thềm tính lấy cuốn Tiếng Việt để xem lại câu hỏi gợi ý. Cuốn sách mới đặt đó đã biến đâu mất. Tôi đưa mắt tìm kiếm và thấy con Mực ngoạm cuốn sách đứng nhún nhảy bên cây hồng. Tôi tức giận chạy tới, dẹp hoa, dẹp lá giành lấy cuốn sách. Con Mực cong đuôi chạy mất, để lại cho tôi cuốn sách cùng những vết xước gai cào rớm máu trên cánh tay. Hóa ra cây hồng còn có gai. Quên xuýt xoa, tôi nghĩ tiếp về bài văn của mình.
Hồng không phải mít mà cũng có gai. Gai hồng không lể được ốc luộc như gai bưởi. Gai hồng giữ cho bông hồng thả sức đẹp...
Tới đây có thể kết luận được rồi. Tôi đọc câu hỏi gợi ý cuối cùng trong sách: "Em đã chăm sóc bảo vệ cây hoa đó như thế nào?". Khó ác! Bà ngoại trồng, ông ngoại tưới, mình có chăm sóc gì đâu. Nhưng còn kịp. Tôi bước vội vào bếp lấy cái thùng vòi rồi chạy xuống mé sông. Nước vừa rút, để lại lớp phù sa mỏng, láng như miếng bánh da lợn. Tôi hăm hở bước theo ý văn của mình và té cái ạch vào đoạn kết.
Từ tay tôi, cái bình tưới như chú voi con dễ thương đung đưa vòi, rắc lên cây hồng một cơn mưa rào nhỏ.