Có bầy chuột được đẻ ra ngay trong lòng một cây đàn pianô. Thừa lúc các con ngủ, mẹ chuột tạm xa cái nhà hộ sinh vĩ đại ấy và rêu rao khắp các lối cống rằng, những chuột con thần đồng đã được hạ sinh trong một nhạc viện
Mẹ chuột không nói ngoa, bầy chuột còn đỏ hỏn đã tỏ ra có năng khiếu thanh nhạc, đã chí chí hát được với nhau mỗi khi những cái mõm xinh xinh không bận bú tí mẹ. Và vừa đến tuổi dứt sữa, chúng đã bắt đầu học nhạc cùng một lúc với môn gặm nhấm
Cữ ngỡ rằng, mọi thứ âm nhạc trên đời đã có sẵn trong các cây đàn nên chúng nhai ngấu nghiến những gì nhai được, hòng thuộc lòng, từ nhạc xa xừ xê cống tới nhạc tây đồ mi phá. Những bộ răng hiếu học thi đua với nhau nên ngay buổi học đầu tiên, sợi dây vải vẫn kéo cây búa dạ gõ ra nối phá mủn rồi dứt.
Chiều hôm ấy, chủ nhân của cây đàn phụng phịu ngồi vào trước hàng phím ngà, đầu ngoẹo ngoẹo, vai lệnh lệnh, lưng gù gù, tay khuỳnh khuỳnh ... tư thế của một thằng lười. Khi cậu bé đàn câu te tò te đây là ban kèn hơi, cả nhà lại chỉ nghe thấy tò là kèn!
Cha của cậu bé giật thót mình, ông mở tung thùng đàn và thấy ngay cái lớp nhạc bừa bộn của loài chuột. Ông vội vung cao cây thước vẫn giữ nhịp cho câu bé tập đàn. Những tiếng chi chí chia làm nhiều bè rồi chạy cả vào cái nốt tròn lỗ cống dưới bếp.
Người cha vừa lúi húi nối lại sợi dây âm nhạc, vừa nói với đứa con:
- Ba không ép buộc đâu nghe, tụi chuột tự tìm đến học với con. Chưa biết ai hơn ai, mèo nào cắn miêu nào.
Cậu bé lại ngồi vào đàn, tư thế khác hẳn trước đó. Te tò te đây là ban kèn hơi, tò tò tò tò te... tiếng đàn cũng khác hẳn, vững, và nhịp nhàng như bước chân của một ban kèn người.