Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 103094 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc
nhiều tác giả

- 2 -

Tào Tháo kể từ ngày chiếm được Cổn Châu và Dự Châu, xây dựng căn cứ địa tại hai nơi này, đã tiến hành hằng loạt chiến dịch, lần lượt đánh bại một số quần hùng, xóa đi nỗi lo sát nách, để tương lai có thể phóng tay đánh nhau một trận quyết định với Viên Thiệu.
Trước đây, hồi năm công nguyên 193, phụ thân của Tào Tháo từ Hoa Huyện trở về quê, đã bị quân binh của thủ hạ Đào Khiêm, vị Châu mục Từ Châu sát hại. Tào Tháo nghe tin hết sức giận dữ, cử binh đi báo thù và đã hạ liên tiếp mười thành. Đào Khiêm bại trận phải lui đến Đàm Thành. Mùa hè năm sau, Tào Tháo lại cử binh đánh Từ Châu lần thứ hai, và chôn sống mấy vạn người tại Tứ Thủy. Ít lâu sau, Đào Khiêm vì quá lo buồn nên đã bệnh chết. Lúc tiến hành hai cuộc hành quân này, Quách Gia chưa đến gia nhập vào đội ngũ của Tào Tháo. Nhưng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa" đã miêu tả Quách Gia là người đã sách hoạch hai cuộc hành quân nói trên, đó là lời nói của những nhà viết tiểu thuyết, không cần phải bàn đến.
Tiếp theo là trận tấn công tiêu diệt Lữ Bố. Lữ Bố tự là Phụng Tiên, người Cửu Nguyên (nay là địa phương nằm về phía tây bắc thành phố Bao Đầu tại khu tự trị Nội Mông Cổ), thuộc quận Ngũ Nguyên. Lữ Bố nguyên là bộ tướng của Đinh Nguyên, Thứ sử Tỉnh Châu, nhưng hắn đã bán chủ cầu vinh, bằng cách giết Đinh Nguyên để đầu hàng Đổng Trác. Sau đó Lữ Bố lại giết Đổng Trác chạy theo Vương Doãn. Đây là một con người "cứng rắn nhưng vô lễ, chỉ có cái dũng của kẻ thất phu” là một nhân vật điển hình thường phản phúc về mặt chính trị. Lữ Bố bị Lý Giác, Quách Phiếm đánh đuổi bỏ chạy ra khỏi Trường An, chẳng khác chi một con chó chết chủ, đi lang thang khắp mọi nơi. ông ta trước tiên tìm đến nương nhờ Viên Thuật, sau đó lại chạy theo Trương Dương, rồi lại chạy theo Viên Thiệu.
Khi Tào Tháo thảo phạt Từ Châu, thì không ngờ tại vùng hậu phương Cổn Châu xảy ra phản loạn.  Trương Mạc, nghe theo lời khuyên của Trần Cung, nghênh đón Lữ Bố, có ý đồ nhân cơ hội Tào Thao vắng mặt, tấn công chiếm lấy Cổn Châu. Cũng may có Tuân Vực, Trình Dục đã cố thủ Quyên Thành, Phạm Huyện, và Đông An, khiến Tào Tháo vẫn còn căn cứ để tiến thoái. Tào Tháo nghe tin đồn dẫn quân trở về cứu. Sau khi trận đánh tại Định Đào và Cự Dã, đại bại Lử Bố, mới cứu vãn được tình thế hết sức nguy cấp.
Sau khi Lữ Bố bị đánh bại, đã bỏ chạy tới Từ châu để nương nhờ Lưu Bị. Sau đó, Lữ Bố lại bất ngờ đánh chiếm Hạ Phi (nay là Phi Huyện, tỉnh Giang Tô) của Lưu Bị, tự xưng là Từ Châu Mục. Sau khi Lưu Bị mất đất đứng chân, bèn dẫn bộ hạ đến đầu Tào Tháo. Trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" hồi thứ 6 có viết : “Tháo đã dùng cái lễ đối với thượng khách để chiêu đãi, Huyền Đức bèn đem chuyện Lữ Bố nói cho Tào Tháo nghe. Tào Tháo bảo : "Bố là con người bất nghĩa, vậy ta và hiền đệ phải ra sức giết nó". Huyền Đức lên tiếng cảm tạ. Tháo thết tiệc khoản đãi, cho tới tối mới đưa ra cửa. Tuân Vực vào yết kiến Tào Tháo, nói : “Lưu Bị là một anh hùng, vậy cần phải sớm giết đi, nếu không thì sẽ có hậu hoạn". Tháo không trả lời. Sau khi Tuân Vực bước ra, thì Quách Gia bước vào, Tháo hỏi : "Tuân Vực khuyên ta nên giết Huyền Đức, vậy phải làm sao ?". Gia đáp : "Không được. Chúa công hưng binh là vì nghĩa, nhằm trừ bạo cho bá tánh, vậy phải dựa vào sự tín nghĩa mà chiêu mộ những bậc hào kiệt, như vậy mà vẫn còn sợ họ không chịu đến. Nay Huyền Đức là người có tiếng anh hùng, vì khốn cùng nên tới đây nương nhờ, nếu giết đi thì sẽ có hại đến việc chiêu mộ người hiền tài. Tất nhiên những kẻ sĩ có trí mưu trong thiên hạ hiện nay, nghe được sẽ hoài nghi, không ai dám tìm tới nữa. Như vậy, chúa công sẽ lấy ai mà bình định được thiên hạ ? Lấy việc giết một người bảo là trừ hậu hoạn, để gây ra sự nghi ngờ cho tất cả mọi người, thì sự an nguy đối với ta là điều không thể không nhận xét cho kỹ". Tào Tháo cả mừng, nói : "Lời nói của khanh thật đúng với ý ta". Ngày hôm sau, Tào Tháo bèn viết biểu tiến cử Lưu Bị làm Châu Mục Dự Châu. Trình Dục can rằng : “Lưu Bị không bao giờ chịu ở dưới quyền người khác, vậy chi bằng nên sớm giết đi". Tháo đáp : "Hiện nay là giai đoạn phải dùng tới những vị anh hùng, vậy không thể giết một người mà làm mất nhân tâm trong khắp thiên hạ. Đó chính là ý kiến giống nhau giữa ta với Qưách Phụng Hiếu, nên không nghe theo lời của Dục khuyên".
Đối với chuyện này, trong "Quách Gia Truyện" của “Tam Quốc Chí", phần chú giải của Bùi Tùng dẫn từ “Ngụy Thư", thì đại để không giống nhau. Đối với một việc nhỏ như thế, đã phản ánh tầm nhìn chiến lược của người có mưu lược và có quyền hành, thì Tào Tháo và Quách Gia đều giống nhau. Ngay đến Tuân Vực, Trình Dục và những nhân vật được gọi là "túi khôn" nổi tiếng đương thời cũng không bì kịp.
Mặc dù tạm thời lung lực được Lưu Bị, nhưng hoàn cảnh của Tào Tháo vẫn không phải là một hoàn cảnh lý tưởng. Lúc bấy giờ phía Bắc có Viên Thiệu, Công Tôn Toản, phía Nam có Viên Thuật, Lưu Biểu, Tôn Sách, Lưu Chương, Trương Lỗ, phía Tây có Mã Đằng, Hàn Toại, Trương Dương, phía Đông có Lữ Bố. Riêng Cổn Châu và Dự Châu là hai vùng đất nằm tại khu vực tứ chiến. Đúng ra Tào Tháo đang ở vào hoàn cảnh bốn bề đều có thế lực kình chống nhau. Cho nên Tào Tháo và các mưu sĩ của ông, ngày đêm phân tích tình hình, nghiên cứu xem phải làm thế nào để đánh bại quần hùng ở Trung Nguyên. Họ nhận thức mình là người đang ở vào thế chiến nội tuyến, lại đứng trước tình hình địch mạnh ta yếu. Viên Thiệu tất nhiên là kẻ thù chủ yếu nhất, còn Lữ Bố là kẻ thù hung ác nhất. Qua đó, cuối cùng họ đã xác định được phương châm chiến lược là "yếu trước mạnh sau, lần lượt đánh bại từng kẻ thù một".
Mùa Thu năm Kiến An thứ ba (công nguyên 198) Tào Tháo quyết định đánh Lữ Bố ở phía Đông. Đối với việc này, trong quân ngũ của Tào Tháo từng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số tướng lãnh cho rằng Lưu Biểu, Trương Tú ở phía sau lưng, nếu viễn chinh Lữ Bố e rằng sẽ gặp nguy hiểm. Trước đó, Tào Tháo thường hỏi ý kiến của Tuân Vực và Quách Gia :
- Nay ta muốn thảo phạt kẻ bất nghĩa, nhưng sức mạnh của ta không đủ đối địch, vậy phải làm sao ?
Tuân Vực chủ trương đánh Lữ Bố. Ông cho rằng :
- Không đánh Lữ Bố trước thì Hà Bắc (chỉ Viên Thiệu), cũng sẽ khó chinh phục.
Quách Gia cũng nói :
- Viên Thiệu hiện đang vây đánh Công Tôn Toản ở phía Bắc, vậy có thể nhân cơ hội này cử binh sang phía Đông đánh Lữ Bố. Nếu không tiêu diệt Lữ Bố trước, một khi Viên Thiệu kéo quân tới xâm phạm, Lữ Bố sẽ cử binh chi viện cho ông ta, thì hậu hoạn sẽ vô cùng to lớn.
Một mưu sĩ khác là Tuân Du cũng cho rằng :
- Lữ Bố là tướng vô cùng kiêu dũng, lại ỷ mình được Viên Thuật giúp đỡ, nếu để mặc cho hắn tung hoành giữa vùng Hoài Thủy và Tứ Thủy, thì một số hào kiệt tất nhiên sẽ hưởng ứng. Bây giờ nên thừa lúc Lữ Bố mới tạo phản, nội bộ còn chưa đồng tâm nhất trí với nhau, ta tiến đánh tức khắc, nhất định sẽ được thành công.
Được sự trù hoạch của các mưu sĩ, mùa Thu năm đó, Tào Tháo đích thân chỉ huy đại quân tiến vào phía Đông để thảo phạt Lữ Bố. Tháng mười đánh chiếm được Bành Thành, Lữ Bố lui về giữ Hạ Phi. Quân Tào lại bao vây Hạ Phi và Tào Tháo lại viết thư khuyên Lữ Bố đầu hàng. Lữ Bố vốn có ý đầu hàng, nhưng mưu sĩ Trần Cung khuyên nên tử thủ Hạ Phi, rồi lại phái người phá vòng vây đi cầu cứu với Viên Thiệu.
Do tướng sĩ của Lữ Bố liều chết giữ thành, nên quân Tào dù đã tấn công mãnh liệt suốt hai tháng, mà thành Hạ Phi bé nhỏ vẫn đứng trơ trơ. Tào Tháo thấy đánh lâu mà không hạ được thành, trong lòng rất bực bội. Thêm vào đó, quân đội đã tác chiến liên miên không được nghỉ ngơi, tướng sĩ đều mệt mỏi, lương thảo tiếp tế cũng gặp khó khăn, nên chuẩn bị rút lui trở về Hứa Đô, để chỉnh đốn đội ngũ, rồi sẽ tìm dịp tấn công sau.
Một đạo binh mệt mỏi, mà lại đưa đi viễn chinh, là điều tối kỵ của binh gia. Đại quân hạ trại đóng dưới chân một ngôi thành kiên cố, nếu kéo dài thời gian mà không hạ được thành, thì lại càng bất lợi. Giờ đây, binh mã của Tào Tháo và Lữ Bố đều vô cùng mệt mỏi. Vậy, nếu ai có thể tiếp tục kiên trì cuộc chiến đấu, thì người đó sẽ có hy vọng thắng lợi. Trong giờ phút quan trọng này, các mưu sĩ nghe tin Tào Tháo chuẩn bị rút quân đều hết sức hốt hoảng. Tuân Du lập tức đến khuyên ngăn Tào Tháo đừng rút quân. Quách Gia cũng nói :
- Trước kia, cả đời Hạng Võ đã đánh hơn bảy mươi trận lớn nhỏ, chưa từng bị bại, thế mà chỉ một trận đánh tại Cai Hạ, ông ta đã sa vào thế thân chết nước mất. Nguyên nhân chính vì ông ta quá ỷ mình kiêu dũng thiện chiến, nhưng lại thiếu mưu lược. Giờ đây Lữ Bố cũng là người hửu dũng vô mưu, lại liên tiếp bị bại trận, nhuệ khí đã mất, dũng khí đã tiêu tan. Cho nên oai lực của Lữ Bố tuyệt đối không làm sao bì kịp Hạng Võ. Trong khi đó hoàn cảnh bại trận khốn khó của ông ta hiện nay càng trầm trọng hơn Hạng Võ xưa kia nhiều hơn. Vậy, nếu chúng ta thừa thắng tấn công mạnh lên, thì thành Hạ Phi nhất định sẽ chiếm được, Lữ Bố nhất định sẽ bị bắt sống.
Tào Tháo nghe qua lời khuyên của hai người rất có lý, nên tiếp tục chỉ huy quân đội của mình tấn công vào thành Hạ Phi.
Việc khuyên ngăn Tào Tháo đừng rút lui là chuyện không khó. Mà khó ở chỗ tướng sĩ và bá tánh trong thành Hạ Phi, do ai ai cũng sợ thành bị hạ thì tất cả sẽ bị chém giết, nên họ đá quyết tâm cố thủ. Như vậy, phải làm thế nào để hạ được thành, mới là vấn đề chủ yếu. Tất nhiên chỉ một mực tấn công, rõ ràng không phải là thượng sách. Trong thời điểm này, đúng là thời điểm có đất dụng võ của các mưu sĩ. Họ chủ trương dùng nước của hai con sông Tứ Thủy và Nghi Thủy để nhận chìm thành Hạ Phi. Dùng nước để thay thế binh sĩ.
Tào Tháo đang cảm thấy bí lối, nên khi được diệu kế này tất nhiên là vui mừng ngoài sức tưởng tượng. ông ta lập tức xuống lệnh cho binh sĩ đào kinh dẫn nước hai con sông nói trên, chảy cuồn cuộn vào chân thành Hạ Phi. Thế là ngôi thành vững chắc như sắt thép kia, lại không chịu đựng nổi sự công phá của dòng nước. Chỉ trong chốc lát, nó đã ngập sâu xuống nước mấy xích. Quân dân trong thành thấy không còn hy vọng, bèn tự tìm đường sống cho mình, không còn nghĩ tới chuyện giữ thành nữa. Thế là mạnh ai nấy bỏ chạy.
Những viên đại tướng của Lữ Bố như Hầu Thành, Tống Hiến, Ngụy Tục liền làm binh biến, để tìm sống trong cái chết, bắt trói Trần Cung và một số nhân vật quan trọng khác, kéo ra đầu hàng Tào Tháo. Riêng Lữ Bố thì dẫn tàn quân lui về giữ Bạch Môn Lâu tại thành Hạ Phi, nhưng rốt cục cũng phải bó tay chịu trói. Tào Tháo liền triệu tập văn võ bá quan tại Bạch Môn Lâu - để xử trí Lữ Bố. Lúc bấy giờ Lữ Bố còn càu nhàu là đã trói mình quá chặt. Tào Tháo cười nói :
- Trói cọp mà không trói chặt sao được ?
Lữ Bố ngụ ý muốn đầu hàng, và xin tha mạng cho mình. Tào Tháo thấy Lữ Bố là người phản phúc vô thường, hết sức căm ghét, nên xuống lệnh thắt cổ giết chết ông ta. Tào Tháo lại gạt lệ giết người ân nhân là Trần Cung, rồi cho mai táng đúng theo lễ nghi. Từ đó, Tào Tháo đã khống chế được một vùng đất rộng lớn tại phía Nam sông Hoàng Hà.
Sau cùng, Tào Tháo lại tiến hành một cuộc càn quét các thế lực cát cứ trong vùng. Năm Kiến An nguyên niên (công nguyên 196), Trương Tú Nguyên là bộ hạ của Đổng Trác, đã chạy theo người chú là Trương Tế từ Quan Trung kéo về vùng Nam Dương. Sau khi Trương Tế chết, Trương Tú dẫn binh đội của mình đến nương nhờ Lưu Biểu. Nam Dương ở gần Hứa Xương, đối với Tào Tháo là một cái gai đâm vào sau lưng mình. Do vậy, vào mùa Xuân năm Kiến An thứ hai, Tào Tháo trước tiên nhắm Trương Tú để tấn công. Trương Tú chiến bại, mang cả quân đội đầu hàng. Nhưng ít lâu sau hắn lại hối hận, nên thừa dịp đêm khuya đánh lén vào doanh trại của Tào Tháo, gây thương vong nặng nề. Con trai cả của Tào Tháo là Tào Ngang, và cháu là Tào An đều bị chết trận. Do vậy Tào Tháo đành phải lui quân.
Năm sau, một lần nữa Tào Tháo lại xua quân thảo phạt Trương Tú. Trương Tú cầu cứu với Lưu Biểu. Tháng năm, quân Tào Tháo thụ địch cả phía trước lẫn phía sau, nên buộc phải rút lui. Đến năm công nguyên 199, qua lời khuyên của mưu sĩ Giả Hử. Trương Tú dẫn binh mã của mình đến Hứa Xương đầu hàng Tào Tháo, được Tào Tháo phong làm Dương Võ Tướng quân.
Trước đó, tức vào năm Kiến An thứ hai, Viên Thuật tự xưng đế tại Thọ Xuân. Đấy chính là sự biểu hiện cụ thể đối với việc chống lại triều đình nhà Hán. Tào Tháo liền dừng danh nghĩa "Tuân lệnh Thiên tử đi thảo phạt kẻ phản thần" cử binh tiến đánh Viên Thuật. Đến tháng chín, trước áp lực của Tào Tháo, Viên Thuật phải bỏ chạy về phía Nam sông Hoài. Chỉ ít lâu sau thì Viên Thuật bệnh chết.
Trong khi quân Tào tiến đánh Lữ Bố, Trương Dương ở Hà Nội đã kéo quân ra Dã Vương (nay là Tẩm Dương), lên tiếng ủng hộ Lữ Bố. Nhưng không bao lâu sau, Trương Dương bị bộ tướng của mình là Dương Sửu giết chết. Tiếp đó, Huy Cố lại giết chết Dương Sửu, kéo quân đi nương tựa Viên Thiệu. Tháng tư năm Kiến An thứ tư (công nguyên 199), Tào Tháo phái Đại tướng Tào Nhân đánh chiếm Xạ Khuyển (nay là địa phương nằm về hướng Đông Bắc Tẩm Dương, tĩnh Hà Nam), giết chết Huy Cố, khống chế được quận Hà Nội.
Trong khoảng thời gian hơn hai năm, Tào Tháo đã lần lượt đánh bại Viên Thuật, Trương Tú, tiêu diệt được Lữ Bố, Huy Cố, cải thiện tình thế chiến lược, và từng bước một chuyển từ thế yếu sang thế mạnh, sáng tạo điều kiện thuận lợi đề sau này đánh nhau với Viên Thiệu. Trong quá trình đó. Quách Gia đã nhiều lần đi theo quân đội xuất chinh, và đã hiến nhiều kế hay, phát huy tác dụng đầy đủ của một viên tham mưu cao cấp phụ tá cho Tào Tháo.

<< VIII. Quách Gia - 1 - | - 3 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 545

Return to top