Tháng hai năm 206 trước công nguyên, Hạng Võ tự lập làm Tây Sở Bá Vương định đô tại Bành Thành (nay là thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô). Hạng Võ và Phạm Tăng muốn hạn chế sự phát triển của Lưu Bang, bèn lấy cớ đất Thục cũng là đất Hán Trung, đem phong cho Lưu Bang làm Hán Vương, thống lãnh vùng đất Ba và Thục ở xa xôi, xây dựng kinh đô tại Nam Trịnh (nay là Hán Trung, tỉnh Thiểm Tây). Để kiềm chế Lưu Bang, chận đường ông tiến ra phía Đông. Hạng Võ lại chia vùng Quan Trung ra làm ba : phong hàng tướng của triều nhà Tần là Chương Hàm làm Ung Vương, thống lãnh vùng đất phía Tây Hàm Dương, xây dựng kinh đô tại Phế Khưu (nay là vùng đất đông nam Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây). Phong Tư Mã Hân làm Tái Vương, thống lãnh vùng đất phía Đông Hàm Dương và phía Tây Hoàng Hà, xây dựng kinh đô tại Lịch Dương (nay là vùng đất đông bắc Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây), phong Đổng Ế làm Địch Vương, thống lãnh Thượng Quận (nay là vùng đất phía Bắc của tỉnh Thiểm Tây), xây dựng kinh đô tại Cao Nô (nay là thành phố Diễn An thuộc tỉnh Thiểm Tây). Ngoài ra, Hạng Võ còn cắt đất Quan Đông ra để phong cho mười bốn Chư Hầu Vương. Riêng Hạng Võ thì tự xưng Tây Sở Bá Vương xem là bá chủ trong thiên hạ. Lưu Bang thấy Hạng Võ làm trái minh ước, trong lòng hết sức bất bình, muốn cử binh tiến đánh Hạng võ. Nhưng Tiêu Hà cho rằng thời cơ chưa chín mùi, nên ra sức can ngăn : - Đất Ba Thục mặc dù là đất hiểm ác, nhưng dầu sao cũng còn khá hơn là ngồi chờ chết ? Lưu Bang không đồng ý như vậy, bèn hỏi : - Tại sao lại gọi là chờ chết ?. Tiêu Hà phân tích : - Hiện nay địch đông ta ít, binh sĩ của Hạng Võ rất tinh nhuệ. Trong tình trạng đó mà tác chiến, thì chắc chắn bị bại chứ không còn chi phải hoài nghi. Như vậy, không phải tự tìm lấy cái chết hay sao ? Thay vì làm như vậy, tại sao Đại ương không kiên nhẫn chịu lép hơn một người, để tranh thủ niềm tin của hàng vạn người. Cũng như xưa kia Châu Vương nên tạm cư trú tại vùng Ba và Thục, để nuôi quân dưỡng sức, chiêu hiền đãi sĩ, chờ khi cơ hội chín mùi rồi xua quân bình định Tam Tấn, tranh thư hùng với Hạng Võ. Các võ tướng như Châu Bột, Quán Anh, Phàn Khoái cũng đua nhau tới khuyên giải. Riêng Trương Lương cũng ủng hộ ý kiến của Tiêu Hà. Chừng đó Lưu Bang mới dằn được cơn giận, không nói đến chuyện tấn công Hạng Võ nữa. Để biểu dương Trương Lương, Hán Vương Lưu Bang đặc biệt ban cho Trương Lương một trăm dật vàng (mỗi dật từ hai chục đến hai mươi bốn lạng), trân châu hai đấu. Trương Lương chỉ vì sự nghiệp của Lưu Bang, nên đem hết số báu vật này tặng lại cho Hạng Bá. Lưu Bang biết được lại ban thêm cho Trương Lương nhiều báu vật nữa, để Trương Lương mang đi mua chuộc Hạng Bá, nhờ Hạng Bá nói tốt cho Lưu Bang trước mặt Hạng Võ, và xin vùng đất Hán Trung. Hạng Bá thấy lợi quên nghĩa, bèn tận tình nói giúp Lưu Bang. Quả nhiên Hạng Võ đã bằng lòng. Như vậy, Hán Vương đem ba quận ở phía Nam Tần Lãnh và vùng đất mình được chia, hợp lại thành một vùng rộng lớn, định đô tại Nam Trịnh (nay nằm về phía Đông Bắc Nam Trịnh, tỉnh Thiểm Tây). Vùng Ba, Thục và Hán Trung, đất đai rất phì nhiêu, sản vật rất phong phú, cư dân đông đảo. Tuy nhiên, vì có sự cách trở về mặt địa lý, giao thông bế tắc, ra vào rất khó khăn nên vùng đất này muốn tiến về phía Đông sẽ gặp nhiều điều bất tiện. Chính vì vậy, những vị chúa có hoài bão lớn trong lịch sử, khi thực lực có đầy đủ rồi, thì họ không bao giờ ở yên tại vùng đất này cả. Hạng Võ không cho Lưu Bang làm Hán Vương, chính là muốn hạn chế không cho Lưu Bang phát triển về phía Đông. Nhưng, vùng đất Ba Thục và Hán Trung, cũng có ưu thế địa lý của nó dễ giữ, khó tấn công. Nếu quân lực yếu kém chưa đủ sức tranh bá với thiên hạ, thì lui vào đây ở yên để tự bảo vệ, xúc tích lực lượng dần dần, thì vùng đất này đúng là một vùng đất quý báu. Hán Vương Lưu Bang lúc bấy giờ là người đang ở vào thế yếu, nên Lưu Bang, Tiêu Hà và Trương Lương mới quyết tâm xin phong vùng đất phía Tây này. Tháng tư năm này, các chư hầu vương đều kéo quân trở về đất phong của mình. Hạng Võ cấp cho Lưu Bang ba vạn binh mã, nhưng riêng số người tự nguyện chạy theo Lưu Bang cũng lên đến mấy vạn. Trương Lương luôn nhớ tới Hàn Vương Thành, nên không thể theo Lưu Bang đến Nam Trịnh, nhưng ông lại tỏ ra lưu luyến, không thể rời xa. Cho nên ông quyết định tiễn đưa Lưu Bang trước rồi sau đó mới đi Dương Địch. Họ vượt qua Đỗ Huyện (nay là địa phương ở phía Đông Nam thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây) và chuyển về hướng Nam để vào Thực Trung (tức Tử Ngọ Cốc, nằm về phía Nam thành phố Tây An). Trương Lương tiếp tục đưa Lưu Bang đi đến Bao Cốc (nay là Bao Thành, thuộc tỉnh Thiểm Tây). Bao Cốc còn gọi là Bao Tà Đạo, nằm giữa những dãy núi chớm chở, chung quanh là núi cao hố sâu, vách núi lại thẳng đứng, ngoằn ngoèo kéo dài hằng trăm dặm. Giữa dãy núi này có con sông Bao Thủy chảy qua. Đây là con sông chảy từ Thiểm Tây xuống đến Tứ Xuyên, được xem là thủy lộ ăn thông Nam Bắc. Do vậy, nó chính là con đường mà các nhà quân sự từ xưa tới nay đều dốc sức tranh giành. Do vách núi cao lại đứng, không có đường đi, nên người ta phải dùng gỗ bắc đường đi trên lưng chừng vách núi, gọi là Sạn Đạo. Sự hiểm trở của nó đúng như câu "chỉ cần một người giữ, là có thể chống lại hàng vạn người”. Lưu Bang thấy đường đi hiểm trở, khuyên Trương Lương đừng đưa tiễn nữa. Trương Lương đành phải nghe theo. Trước khi chia tay, Trương Lương chỉ vào con đường Sạn Đạo trên lưng chừng vách núi, nói với Lưu Bang : - Sau khi ngài đi qua rồi, hãy đốt cháy con đường Sạn Đạo này đi. Làm như vậy, một là đề phòng các chư hầu có thể đánh vào Ba Thục, lại có thể chứng tỏ với Hạng Võ, là ngài sẽ không bao giờ trở lại vùng đất phía Đông nữa. Từ đó, khiến Hạng Võ sẽ chểnh mảng ý chí chiến đấu của ông ta. Kế hoạch này, chính là kế hoạch “công khai đốt cháy Sạn Đạo” mà người đời sau thường tán tụng. Lưu Bang thi hành theo diệu kế của Trương Lương, sau khi đoàn quân qua xong, bèn ra lệnh đốt cháy con đường Sạn Đạo này. Trương Lương sau khi trở về đến đất Hàn, mới được biết do mình đi theo phụ tá cho Lưu Bang, khiến Hạng Võ oán ghét, nên không cho Hàn Vương Thành đến đất phong của mình, mà lại bắt ông ấy theo Hạng Võ đi về Bành Thành. Sau khi tới Bành Thành, Hạng Võ lại giáng chức Hàn Vương Thành xuống làm Vương Hầu, và chẳng bao lâu sau giết chết ông ta. Lúc bấy giờ, do sự cắt đất phong vương cho các chư hầu của Hạng Vô có chỗ bất công, khiến mối mâu thuẫn giữa các chư hầu càng thêm gay gắt. Điền Vinh trước tiên cử binh chống Hạng Võ tại nước Tề. Trần Dư do không được phong vương, nên cũng bất mãn Hạng Võ, bèn liên hợp với Điền Vinh để đối phó với Tây Sở Bá Vương. Tháng tám năm này, Hán Vương Lưu Bang tiếp nhận kiến nghị của Hàn Tín, thừa cơ "bí mật vượt qua Trần Thương”, xua quân ra vùng Quan Trung, đánh bại Ung Vương Chương Hàm. Riêng Tái Vương Hân, Địch Vương Ế, cũng lần lượt đầu hàng Lưu Bang. Lưu Bang lại xua quân ra Võ Quan. Hạng Võ nghe tin cảm thấy hết sức lo ngại, nên một mặt đưa quân tới Dương Hạ (nay là Thái Khương, thuộc tỉnh Hà Nam) một mặt phong Trịnh Xương làm Hán Vương, để đối phó với Lưu Bang. Trương Lương lo ngại Hạng Võ sẽ đưa binh đánh Lưu Bang, nên đã viết một phong thơ gởi đến Hạng Võ nói: “Do Hán Vương trên danh nghĩa không phù hợp với thực tế, nên mới chiếm Quan Trung. Chỉ cần ông ấy chiếm được vùng đất Quan Trung đúng như sự giao kết đầu tiên, sẽ không phát triển về phía Đông nữa”. Trương Lương còn đem việc Điền Vinh và Trần Dư liên hợp vơi nhau, đang có ý đồ chống lại Hạng Võ, báo cho Hạng Võ biết, để xoay sự chú ý của Hạng Võ về phía Điền Vinh, buông lơi sự đề phòng đối với Lưu Bang. Tháng mười năm 205 trước công nguyên, Trương Lương trở về đến Hán Trung, được Lưu Bang phong làm Thành Tín Hầu. Lúc bấy giờ Lưu Bang đã khôi phục được Quan Trung, xây dựng kinh đô tại Lịch Dương (nay là vùng đất nằm về phía bắc Lâm Đồng, tỉnh Thiểm Tây). Điền Vinh bị thất bại trong cuộc khởi binh, nên bị giết chết. Con của Điền Vinh là Điền Quảng thay cha lên làm Tề Vương, tiếp tục chống lại Hạng Võ. Hạng Võ được biết Hán Vương Lưu Bang đang phát triển thế lực về hướng Đông, nhưng không có cách nào để đưa binh đối phó, vì Hạng Võ muốn đánh bại Điền Quảng trước để bình định đất Tề, rồi mới xua quân đánh Lưu Bang sau. Điều đó làm cho Lưu Bang có thời cơ để lợi dụng. Tháng tư cùng năm, Lưu Bang xua năm mươi sáu vạn đại quân vượt qua Lạc Dương đến Ngoại Hoàng (nay là vùng đất nằm về phía Đông Nam Lan Khảo, tỉnh Hà Nam). Bành Việt trước đây từng liên hợp với Điền Vinh để chống Lưu Bang nay cũng dẫn ba vạn quân về quy phục Lưu Bang. Lưu Bang phong ông ta làm Tướng Quốc nước Ngụy và đánh nhau với Hạng Võ tại vùng đất Lương, còn Lưu Bang thì dẫn đại quân thọc thẳng xuống Bành Thành. Sau khi Hạng Võ nghe tin, vội vàng tuyển chọn ba vạn tinh binh quay trở về Bành Thành. Với mưu lược của Phạm Tăng, Hạng Võ dùng ba vạn tinh binh đánh bại mấy mươi vạn quân của Lưu Bang. Quân Hán chết và bị thương ngoài hai chục vạn người. Lưu Bang chỉ dẫn theo mấy chục kỵ binh bỏ chạy đến Hạ ấp (nay là Đảng Sơn, thuộc tỉnh Giang Tô). Qua trận đánh trên, chẳng những làm cho chủ lực của Lưu Bang bị tổn thất nặng nề, mà còn khiến cho các chư hầu trước đây đã đầu hàng Lưu Bang, thấy vậy cũng đua nhau trở mặt, chạy sang đầu hàng Hạng Võ. Lưu Bang không còn cách nào khác, bèn nói : - Vùng đất Quan Đông ta không cần nữa. Vậy ai có thể phá Sở lập được đại công, thì ta sẽ tặng cho người đó! Trương Lương nói : - Cửu Giang Vương Kình Bố là mãnh tướng của nước Sở. Nhưng, giữa ông ta và Hạng Võ có sự bất đồng rất sâu xa. Riêng Bành Việt cũng đã liên hợp với Tề, đánh nhau với quân Sở tại đất Lương. Hai người này đều có thể lợi dụng được. Còn các tướng lĩnh của Hán Vương, chỉ có Hàn Tín là người có thể giao cho trọng trách hoạt động độc lập một mình. Nếu đem đất Quan Đông chia cho ba người trên, thì họ nhất định sẽ đánh bại được quân Sở. Lưu Bang nghe qua đổi buồn làm vui, một mặt phái người đi du thuyết Cửu Giang Vương Kình Bố, một mặt đi liên hệ với Bành Việt. Về sau, Lưu Bang đã nhờ vào sức của ba người này để đánh thắng Hạng Võ. Tháng năm năm 205 trước công nguyên, Lưu Bang chuyển quân về Huỳnh Dương, thu thập những lực lượng còn sót lại để củng cố đội ngũ. Tiêu Hà cũng từ Quan Trung đưa tới nhiều binh sĩ mới để bổ sung, cũng như nhiều vật tư để tiếp tế. Quân Hán nhờ đó mà khôi phục sức mạnh trở lại, chặn Hạng Võ ở về phía Đông của Huỳnh Dương. Lưu Bang còn xuống lệnh xây đường giữa Huỳnh Dương và Ngao Thương, để tiện vận tải lương thực từ Ngao Thương đến để dùng. Nhằm làm suy yếu Hạng Võ, Lưu Bang phái Hàn Tín vượt qua sông Hoàng Hà để tấn công An Ấp (nay là Hạ Huyện, tỉnh Sơn Tây). Tháng chín, Hàn Tín bắt sống được Ngụy Vương Báo, rồi tiếp tục xua quân đánh Yên, Đại, tạo thanh thế ủng hộ cho Lưu Bang, cô lập Hạng Võ. Tháng mười năm 204 trước công nguyên, Hàn Tín lại đánh bại được quân Triệu tại Tỉnh Hình, bắt sống được Triệu Vương Yết. Ít lâu sau, Cửu Giang Vương Kình Bố kéo quân về đầu hàng nhà Hán, Lưu Bang để cho ông ta trấn giữ Thành Cao. Lúc bấy giờ, Hạng Võ cũng ra sức tiến đánh Lưu Bang, và bao vây Lưu Bang lớp lớp tại Huỳnh Dương, cắt đứt đường vận lương của quân Hán. Lưu Bang rầu lo, không an tâm, bèn cho gọi mưu sĩ Lệ Thực Kỳ để bàn kế hoạch đối phó. Lệ Thực Kỳ cho rằng xưa kia triều đại Thương Thang phạt Kiệt, Võ Vương phạt Trụ, đã từng phong vương cho tất cả hậu duệ của những nước đã bị tiêu diệt. Tàn Thủy Hoàng gồm thu lục quốc, đã thẳng tay chém giết, làm cho hậu duệ của nước chư hầu đều không còn một mảnh đất cắm dùi. Chính vì vậy nên nhà Tần mới bị thất bại. Lệ Thực Kỳ kiến nghị Lưu Bang nên cắt đất phong vương cho hậu duệ của sáu nước. Ông cho rằng làm như vậy thì mới tranh thủ được bá tánh, tranh thủ được các chư hầu ủng hộ mình, để cuối cùng xưng bá trong thiên hạ. Lưu Bang nghe qua luôn miệng khen ngợi là hay, xuống lệnh đúc ấn tín, để Lệ Thực Kỳ đi tiến hành kế hoạch trên. Lúc bấy giờ Trương Lương vừa bước vào triều kiến Lưu Bang. Lưu Bang đang ăn cơm, thấy Trương Lương vào bèn đem kế hoạch trên nói cho Trương Lương nghe, và trưng cầu ý kiến Trương Lương. Trương Lương nghe qua cả kinh, hỏi Lưu Bang: - Ai đã hiến một kế tồi tệ với ngài như vậy ? Nếu làm thế thì sự nghiệp của ngài xem như phủi tay ! Lưu Bang vội vàng hỏi: - Tại sao vậy ? Trương Lương bước tới trước, cầm lấy một chiếc đũa múa may trong không khí và phân tách rành mạch. ông cho rằng : xưa kia triều Thương Thang phạt nhà Hạ, cắt đất phong con cháu của Hạ Kiệt làm Vương, còn Châu Võ Vương phạt Thương, lại phong cho con cháu của Ân Trụ làm Vương. Đó là vì họ có thể khống chế được những người đó. Còn bây giờ Lưu Bang có thể khống chế được Hạng Võ hay không ? Sau khi Châu Võ Vương phạt Trụ, từng biểu dương những bậc lương thần hiền tướng, lại lo sửa sang lăng mộ cho các thánh nhân, mở kho lương thực ở Quy Kiều và kho tiền tài ở Lộc Đài để cứu tế cho bá tánh nghèo khó. Còn bây giờ quân Hán đang gặp khó khăn về mặt lương thảo, vậy làm sao có đủ điều kiện để làm những việc như thế đó ? Hơn nữa, sau khi Châu Võ Vương tiêu diệt nhà Thương, để bày tỏ là mình sẽ không tiếp tục đánh giặc nữa, giúp nhân dân có thể an cư lạc nghiệp, nên mới đem ngựa chiến thả rong nuôi tại núi Nam Sơn, và thu gom binh khí lại cất giữ. Còn nay Lưu Bang đang đứng trước việc Hạng Võ xua quân bao vây lớp lớp thắng bại chưa biết ngã ngũ về ai. Nhất là, bộ hạ của Lưu Bang phải xa rời xứ sở, phải đi chinh chiến khắp nơi, là chỉ có ý muốn kiếm được một số đất đai do Lưu Bang phong cho. Nếu đem đất đai phong hết cho những hậu duệ của lục quốc trước đây, thì những người này đâu còn hy vọng chi nữa. Như vậy, chắc chắn họ sẽ bỏ rơi Lưu Bang trở về quê hương xứ sở, phục vụ cho chủ cũ của mình. Như vậy, còn ai theo Lưu Bang để giành thiên hạ nữa ? Nhất là hiện nay nước đang mạnh nhất là Sở. Cho dù hậu duệ của sáu nước có được phong vương, thì với thế lực yếu kém của họ, chắc chắn cũng sẽ lần lượt chạy hết về với Sở, còn ai theo Lưu Bang nữa ? Sự phân tích của Trương Lương hết sức tinh tế và chính xác. Trước tiên ông cho rằng hoàn cảnh thời xưa và hiện nay hoàn toàn khác nhau, nên đã phản đối việc học theo cách cũ của các thánh nhân tiên hiền hồi trước. Kế đó, ông cũng thấy sở dĩ trước đây, Thang Võ phong vương cho hậu duệ của Hạ Thương, là khi đại cục đã hoàn toàn ổn định, nhà vua có thể khống chế trong toàn thiên hạ. Còn nay thì Sở và Hán đang phân tranh, thắng bại chưa biết ngã ngũ về ai. Trước hết, ông cho rằng trước kia Võ Vương đem tiền bạc, lương thực của địch quốc cất giữ, để xoa dịu vết thương chiến tranh của bản thân mình, còn nay Hán Vương đang bận rộn trong việc quân sự, thì có rảnh đâu mà lo tới chuyện cứu tế người khác. Ông cũng cho rằng xưa kia sở dĩ nhà vua mang vũ khí cất hết vào kho, thả ngựa chiến chăn nuôi tại Nam Sơn, để cho bò trâu được ngơi nghỉ trong vườn đào là do tình hình đã chuyển sang thời đại thanh bình. Còn bây giờ khói lửa chiến tranh mịt mù khắp bốn phía, vậy tuyệt đối không thể nào bãi bỏ vũ lực mà lo văn trị được. Điều quan trọng nhất, là Trương Lương chủ trương cắt đất và đem tước vị phong cho những tướng lãnh có công to, để tất cả mọi người trong thiên hạ đi theo Hán Vương chinh chiến, xem đó là một cách quan trọng để lôi kéo các tướng sĩ. Ngoài ra, Trương Lương cũng thấy được con cháu của các vương trong lục quốc, hiện nay đều sa sút hủ bại, nếu cắt đất để phong cho họ, thì sẽ làm phân tán lực lượng chống Hạng Võ, và cuối cùng sẽ bị quân Sở đánh bại từng người một. Cho dù có người giỏi tái xuất hiện đi nữa, thì họ cũng đứng riêng một mình, chứ nào chịu lệ thuộc vào Lưu Bang. Sự phân tách trên của Trương Lương, nếu so với việc trước đây xin lập lại Hàn Vương, thì kể là một sự tiến bộ rất nhanh về mặt tư tưởng, đóng góp một trang quan trọng trong lịch sử phát triển về tư tưởng chính trị cổ đại của nước Trung Quốc. Lưu Bang nghe qua, đã hiểu được mọi lẽ, vội vàng để chén đũa xuống, và nhả những gì đang nhai trong miệng. ra, lên tiếng mắng liên tiếp : - Thằng nhóc con đó suýt nữa đã làm hỏng đại sự của ông rồi ! Nói dứt lời, ra lệnh hủy bỏ tất cả những ấn tín đã chuẩn bị xong. Trước đây, khi Trần Thắng khởi nghĩa, thì các quý tộc cũ cũng muốn lật đổ triều đại nhà Tần. Mục tiêu chống Tần của họ đều nhất trí với nhau. Trần Thắng cắt đất phong cho hậu duệ của lục quốc, tạm thời còn có thể có tác dụng lôi kéo, xây dựng vây cánh cho mình, và cô lập triều đại nhà Tần. Hơn nữa, đất trong thiên hạ lúc bấy giờ chưa phải thuộc về Trần Thắng, cho nên Trần Thắng lấy đất của triều đại nhà Tần để phong cho hậu duệ lục quốc cũ, vừa được tiếng tốt lại vừa có ân huệ thực tế. Nhưng nay đối với Lưu Bang mà nói thì hoàn toàn khác hẳn. Sở và Hán đang tranh thiên hạ. Sở mạnh hơn Hán, thắng bại chưa biết ngã về ai, nhất là lục quốc, cũng không phải ai ai cũng muốn chống lại Hạng Võ. Nếu Lưu Bang lấy đất của mình chiếm được chia cho hậu duệ của lục quốc, thì cũng có nghĩa là tự mình làm suy yếu mình, giúp cho kẻ địch dễ dàng thắng lợi hơn. Cũng là cắt đất phong vương cho lục quốc, nhưng tình thế khác nhau thì cũng có hiệu quả khác nhau. Nhưng sau khi triều đình nhà Tần bị diệt vong, Hạng Võ cắt đất phong vương cho các chư hầu, thì kết quả là các chư hầu đều đứng lên chống lại. Đó là một bài học đau thương. Trương Lương mặc dù là quý tộc của nước Hàn, nhưng ông đã đứng trên góc độ toàn quốc, nên đối với tình thế lúc bấy giờ có một sự hiểu biết thấu đáo và có sự phân tích khách quan chính xác, bộc lộ ông là người có kiến thức cao và có hùng tài đại lược. Tháng năm, năm 205 trước công nguyên, Hạng Võ bao vây Huỳnh Dương. Quân đội của Sở và Hán đã đánh nhau giằng co tại Huỳnh Dương, Thành Cao, Quảng Võ kéo dài hơn một năm. Để đánh lạc hướng Hạng Võ, dụ cho Hạng Võ lui quân, Lưu Bang sử dụng kế của Trương Lương đề xuất việc nghị hòa. Điều kiện là lấy Huỳnh Dương làm ranh giới. Vùng đất phía Tây của Huỳnh Dương thuộc Hán, vùng đất phía Đông của Huỳnh Dương thuộc Sở. Hạng Võ cũng muốn nghị hòa, nhưng Phạm Tăng đã khuyên Hạng Võ : - Hiện nay ưu thế trước mắt không phải thuộc về Hán, vậy Đại vương nên đem quân đánh vỡ phòng tuyến Thành Cao của Hán, thì sẽ đối phó với Lưu Bang một cách dễ dàng. Trận đại thắng tại Bành Thành là cơ hội trời cho, nếu không thừa thắng tiêu diệt Lưu Bang, thì sau này sẽ hối hận không còn kịp nữa. Hạng Võ chấp nhận đề nghị của Phạm Tăng, xua quân tấn công mạnh vào quân Hán, và đã có dạo hạ được Thành Cao, Lưu Bang suýt nữa bị bắt sống. Lưu Bang bị thua, hết sức giận dữ, bèn vấn kế Trương Lương và Trần Bình. Trương Lương nói: - Mưu thần giỏi nhất của Hạng Võ là Phạm Tăng, Chung Ly Muội. Hạng Vương là người có tính khoan dung nhân hậu ngoài mặt, nhưng kỳ thực thì bên trong lại dễ nghi kỵ, dễ tin lời gièm pha, chỉ dùng người thân tín chứ không dùng người tài. Vậy nếu chúng ta bằng lòng bỏ ra một số vàng bạc châu báu lớn, để tiến hành kế phản gián, khiến vua tôi của Sở nghi ngờ nhau, khiến Phạm Tăng, Chung Ly Muội và những người giỏi mưu lược bị thất thế, thì việc đánh bại nước Sở, tiêu diệt Hạng Võ, nhất định sẽ thành công. Lưu Bang nói : - Kế này rất tuyệt, vậy hãy theo ý kiến của khanh mà tiến hành. Trương Lương nói. - Trần Bình là người hiểu rõ doanh trại của Sở, vậy kế này ngoài Trần Bình ra, không ai có thể tiến hành được. Lưu Bang phấn khởi, sai người mở phủ khố lấy ra mấy vạn lạng vàng và vô số châu ngọc trao cho Trần Bình nhận lãnh, để tiến hành kế ly gián. Trần Bình nguyên là người ở trong hàng ngũ của Hạng Võ, do sau một thời gian dài thấy không được trọng dụng, lại biết tánh Hạng Võ thường làm theo ý mình, chỉ sử dụng người thân, nên mới bỏ Hạng Võ chạy sang đầu hàng Lưu Bang. Trần Bình đã dùng số vàng và châu báu nói trên, đi mua chuộc quân Sở, để họ loan tin đồn nhảm khắp mọi nơi : - Chung Ly Muội, Phạm Tăng đã bán mạng cho Hạng Vương, công lao hiển hách, thế mà vẫn không được cắt đất phong vương. Chính vì vậy mà số người này đang liên kết với quân Hán, để chung sức tiêu diệt Hạng Võ, được Lưu Bang cắt đất phong vương. Do số người đồn tin nhảm rất đông, nên chẳng mấy chốc tin này lọt vào tai Hạng Võ, khiến Hạng Võ đối với Chung Ly Muội, Phạm Tăng và những mưu sĩ chung quanh mình, tỏ ra không còn tín nhiệm như trước kia nữa. Giữa lúc Hạng Vương bắt đầu có lòng nghi ngờ, thì nhân dịp Hạng Võ phái sứ giả đến doanh trại quân Hán, Trương Lương bèn nảy ra một mưu kế. Ông đem mưu kế này nói rõ cho Lưu Bang nghe, được Lưu Bang hết sức tán thưởng. Chờ khi sứ giả của Sở tới, Lưu Bang bèn sai người mang những món ăn làm từ tam sinh là bò, dê, heo, đội mâm trên đầu cung kính chuẩn bị để chiêu đãi sứ giả của quân Sở. Khi những sứ giả này tới gần số người mang thức ăn trên bỗng buột miệng kêu lên : - Ôi chao ! Chúng tôi đã chuẩn bị suốt cả buổi, nhưng nay các vị tới đây lại là sứ giả của Hạng Vương phái đến, chứ nào phải là sứ giả của Á Phụ như chúng tôi được nghe tin. Nói dứt lời, những người này mang tất cả những thức ăn đó trở vào nhà bếp, và đổi lại một số thức ăn hết sức tồi tệ để chiêu đãi sứ giả của quân Sở. Số sứ giả này sau khi làm xong công việc thì trở về doanh trại cửa quân Sở, đem chuyện mình bị làm nhục nói lại cho Hạng Vương nghe. Do vậy, Hạng Vương càng nghi ngờ hơn đối với Phạm Tăng, và dần dần không còn tín nhiệm Phạm Tăng nữa. Cho nên khi Phạm Tăng đề nghị nên chụp lấy cơ hội này đánh chiếm thành Huỳnh Dương, thì Hạng Vương do nghi kỵ Phạm Tăng, nên không nghe theo kế hoạch của ông ta. Khi Phạm Tăng biết Hạng Vương có lòng nghi kỵ mình, không còn tin dùng mình nữa, thì vừa phẫn nộ, vừa đau lòng, bèn nói với Hạng Vương: - Nói chung, đại cục trong thiên hạ đã định, vậy xin ngài hãy tự lo liệu. Nay tôi đã già rồi, xin ngài cho phép tôi cáo lão, trở về quê. Hạng Vương đồng ý với một thái độ bạc bẽo. Phạm Tăng do tuổi đã cao, nên đi mới nửa đường thì do nhọc mệt và buồn khổ, sau lưng nổi lên một mục ghẻ độc, và đã chết trước khi trở về tới nhà. Năm đó ông đã bảy mươi bốn tuổi. Ít lâu sau, Chung Ly Muội cũng bị tước bớt binh quyền. Từ đó, bên cạnh Hạng Võ chẳng những không còn mưu thần, mà cũng không còn tướng giỏi. Hạng Võ chỉ dựa vào tính tình nóng nảy, nông cạn của mình để hành động, nên đã bị mắc mưu của đối phương liên tiếp, khiến tình thế ngày một tuột dốc. Rốt cuộc, mọi người đã quay lưng lại với Hạng Võ, khiến ông ta bị vây tại Cai Hạ, không ai tiếp ứng, đành phải tự sát. Đó là chuyện sau này. Riêng quân Hán tuy có Trương Lương, Trần Bình hiến nhiều kế hay, giành được thắng lợi liên tục. Nhưng hoàn cảnh bị bao vây một cách khốn đốn vẫn chưa giải tỏa được. Thành Huỳnh Dương vẫn bị quân Sở bao vây kín mít, dù nước cũng không chảy lọt. Trong thành lương thực mỗi ngày một cạn, tướng sĩ mỗi ngày một mệt mỏi. Thấy vậy, Trương Lương bèn hiến kế, bảo Lưu Bang trá hàng, rồi nhân đêm tối ông mở cửa thành phía Đông cho hai nghìn phụ nữ đi ra dụ địch, còn bản thân mình và Lưu Bang, thì mở cửa thành phía Tây thoát đi. Tháng mười năm 203 trước công nguyên, quân Sở dùng phục binh bắn trúng ngực Lưu Bang bị thương, nhưng Lưu Bang giả vờ ôm chân mình nói to : - Quân địch bắn trúng ngón chân của tôi rồi ! Lưu Bang vừa la vừa lui vào hậu trướng. Trương Lương thấy vậy không khỏi khen ngợi sự lanh trí của Lưu Bang, vừa che mắt được quân Sở, lại vừa giấu kín việc bị thương của mình đối với quân Hán. Nhưng thương thể của Lưu Bang không phải nhẹ, ông nằm trên giường thực lâu mà không dậy nổi. Nếu một khi binh sĩ biết được, chắc chắn sẽ hoang mang. Trái lại, nếu để quân Sở biết tin, thì sĩ khí của quân Sở sẽ lên cao nguy. Suy nghĩ đến đây Trương Lương bèn đi gặp mặt Lưu Bang, khuyên ông nên cố gắng ngồi dậy, cưỡi ngựa đi kiểm duyệt quân đội, để trấn an binh sĩ của mình. Hạng Võ thấy Lưu Bang vẫn tiếp tục chỉ huy bình thường, thì không dám thừa cơ để mở cuộc đại tấn công. Cuộc chiến giằng co kéo dài tại vùng Huỳnh Dương, Thành Cao mà Hạng Võ không hạ được thành Huỳnh Dương, nên đã nghe theo kế của Phạm Tăng, mang người cha, Lữ Trĩ, và hai đứa con của Lưu Bang ra trước chân thành Huỳnh Dương, rồi to tiếng kêu gọi lên đầu thành : - Bớ thằng con nít Lưu Bang hãy nghe đây! Nếu nhà ngươi không chịu dầu hàng, thì trắm sẽ nấu cha và vợ nhà ngươi đấy ! Nói dứt lời, liền thấy mấy tướng sĩ của quân Sở xúm nhau bắc một chảo dầu to lên, rồi đốt lửa cho bùng cháy. Kế đó, lại thấy hai tên lính dẫn Thái Công và Lữ Trĩ ra trước trận tiền. Lưu Bang nghe tin, cùng mọi người lên lầu thành xem qua, thấy thế không khỏi rơi lệ. Trương Lương vội vàng lên tiếng an ủi : - Đại Vương đừng quá đau khổ. Đấy là kế của Phạm Tăng, Thái Công không bao giờ bị đem nấu đâu mà sợ! - Lưu Bang vội vàng hỏi lý do tại sao? Trương Lương nói : - Hạng Võ bí quá, nên muốn dùng cách này để ép chúng ta phải đầu hàng. Nếu kế này không thành mà chúng thật sự muốn đem nấu Thái công, thì trong quân Sở còn có Hạng Bá, chắc chắn sẽ đứng ra ngăn cản. Hơn nữa, đối với con người của Hạng Võ mà chúa công tỏ ra khiếp sợ, thì sẽ trúng kế hắn. Hắn được voi sẽ đòi tiên. Chúng ta phải tỏ ra thật cứng rắn, đừng để cho hắn nắm được chỗ nhược. Như vậy mới mong cứu được Thái công ra khỏi miệng cọp. Nói dứt lời, Trương Lương lại kề miệng sát tai Lưu Bang nói nhỏ một hồi. Lưu Bang có vẻ bình tĩnh hơn, bèn to tiếng nói với Hạng Võ ở dưới chân thành : - Bớ thằng con nít Hạng Võ nghe đây! Ta và nhà ngươi cùng phụng sự Nghĩa Đế, kết minh làm anh em. Vậy, cha ta cũng tức là cha ngươi, nếu ngươi muốn nấu cha ngươi thì trên tình cảm anh em, hãy cho ta một chén canh để uống ! Nói dứt lời, Lưu Bang quay lưng bỏ đi. Hạng Võ nghe xong, tức tối nói: - Hứ ? Nhà ngươi đúng là một tên tiểu nhân vô liêm sỉ, là một con người vong ơn phụ nghĩa. Bay đâu! Hãy ném Thái công và Lữ Trĩ vào chảo dầu cho ta ! Bốn tên lính cùng khiêng Thái công, Lữ Trĩ định ném vào chảo dầu. Quả nhiên không ngoài sự tiên liệu của Trương Lương, giữa lúc nghìn cân treo sợi tóc đó, Hạng Bá đã dõng dạc bước ra, to tiếng nói : - Chậm đã ! - Hạng Bá quay sang Hạng Võ thi lễ nói tiếp - Bẩm Đại vương, không thể làm như vậy được! - Hả ? - Hạng Võ lộ sắc không vui, hỏi tiếp - Tại sao lại không được ? Hạng Bá đáp: - Bẩm Đại vương, Hán - Sở tương tranh không tương quan gì tới họ cả. Nay nếu đem nấu cha và vợ của Lưu Bang, thì mối thù giữa Hán Sở lại càng thêm sâu đậm, người trong thiên hạ sẽ chê cười Đại vương, bảo chúng ta là những người bất nhân bất nghĩa, bất trung bất hiếu. Hơn nữa, thần nghe nói Lưu Bang từ trước tới nay không hề quan tâm tới gia quyến cửa mình. Vừa rồi chẳng phải Đại vương đã nghe hắn nói đấy sao ? Hắn còn đòi Đại vương cho hắn một chén canh để uống nữa đấy! Đối với một con người như vậy, dù có giết cha, giết vợ của hắn cũng không bổ ích gì, chỉ có hại là bản thân mình bị tiếng đời nguyền rủa mà thôi. Thần thấy chỉ bằng cứ giữ hai mạng sống của họ lại, để sau này còn dựa vào đó uy hiếp Lưu Bang. Hạng Võ nghe xong cảm thấy cũng có lý. Đối với việc đem nấu cha và vợ của Lưu Bang, Hạng Võ vốn không đồng tình, dù kế ấy có thành công chăng nữa, Lưu Bang chịu quy hàng mình, thì khi chư hầu biết được một Tây Sở Bá Vương đường đường như thế này, lại không thể dùng vũ lực để chiến thắng, mà lại phải dùng cách đem nấu cha và vợ của người ta, để uy hiếp người ta phải đầu hàng. Như vậy, thì còn mặt mũi nào nữa ? Hạng Võ bèn xuống lệnh : - Hãy giải cha và vợ Lưu Bang trở về doanh trại, chờ ngày sau sẽ xử. Trong khi Hán Vương Lưu Bang gặp bao nhiêu điều nguy khốn như vậy, thì Hàn Tín lại đang hết sức đắc ý vì lần lượt Hàn Tín đã chiếm được các vùng đất của Yên, Triệu và Đại. Sau đó, lại chiếm được cả đất của Tam Tề. Lúc bấy giờ Lưu Bang đang đóng quân tại Quảng Võ. Hàn Tín phái người đưa thơ đến Lưu Bang. Trong thơ đại khái nói : "Tề Quốc là một nước gian trá, lật lọng, lại ở sát nách nước Sở, vậy xin phong tôi làm Tề Giả Vương, để tiện thu phục nước Tề". Lưu Bang xem qua bức thư, lửa giận trong lòng liền bốc lên, to tiếng mắng trước mặt người sứ giả: - Ta bị vây khốn ở đây từ bấy lâu nay, trông sớm trông chiều mong nhà ngươi đến đây tiếp cứu, thế mà nhà người lại ở đấy đòi tự lập làm vương ! Lúc bấy giờ, Trương Lương cũng đang ngồi bên cạnh Lưu Bang. Ông tỉnh táo xét đoán, thấy việc Hàn Tín bỏ rơi hoặc ngã về ai, sẽ có tác dụng quyết định sự thắng bại của người đó trong cuộc chiến tranh Hán Sở. Nếu ông ta quy thuận Lưu Bang, thì Lưu Bang sẽ thắng lợi. Trái lại, nếu ông ta quy thuận Hạng Võ, thì Hạng Võ sẽ đánh bại Lưu Bang. Vậy nếu muốn chiến thắng Hạng Võ thì phải lợi dụng Hàn Tín. Hơn nữa, Hàn Tín tự lập làm vương ở tận đất Tề xa xôi, Lưu Bang không thể can thiệp được, cơ bản là không có cách nào để ngăn ông ta cả. Là một nhà mưu lược chính trị, cần phải kịp thời ứng biến trước tình thế thay đổi nhanh chóng. Trương Lương nghe Lưu Bang to tiếng mắng, vội vàng lấy chân mình khều nhẹ chân của Lưu Bang, rồi kề tai nói nhỏ : - Hán đang bị thất lợi, chả lẽ có thể chận không cho Hàn Tín xưng vương hay sao ? Chi bằng cứ thuận tiện lập ông ta làm vương, để ông ta tự giữ yên phần mình. Bằng không, e sẽ sinh bất trắc. Lưu Bang cũng là người lanh trí, giỏi ứng biến, nên cảm thấy lời nói của mình vừa rồi là bất lợi nên thay đổi ngay thái độ, to tiếng mắng tiếp : - Người đại trượng phu sau khi đã bình định được chư hầu, thì phải lên làm Chân vương, chứ có đâu lại xin làm Giả vương ? Lưu Bang gần đây vẫn thường mắng mọi người, nên việc to tiếng mắng của ông không cớ chi lạ. Nhất là câu mắng trước và câu mắng sau lại khớp ý với nhau một cách tài tình, không ai có thể nhận ra sơ hở. Tháng hai năm đó, Lưu Bang sai Trương Lương cầm ấn tín đi sứ sang nước Tề, phong Hàn Tín làm Tề vương. Qua hành động có tình cảm thuận theo ý muốn của đối phương đó, quả nhiên đã giữ được Hàn Tín tiếp tục đứng trong đội ngũ của mình, chuẩn bị về mặt tổ chức để sau này hợp sức đánh bại Hạng Võ. Đối với kế hoạch thuận theo tình thế như trên, Tuân Duyệt thời Đông Hán đã có bài bình luận rất hay : "Lấy cái không phải của mình (chỉ đất Tề không phải là đất của Lưu Bang) để ban cho người khác, trên hành động chỉ là một ân huệ vu vơ, nhưng lại thu được cái phúc thực sự”. Ý muốn nói, Lưu Bang dùng một vùng đất vốn không phải của mình để ban cho Hàn Tín, một hành động ban ơn mà không tổn hại gì tới mình cả. Nhưng về sau lại thu được những điều lợi ích thực sự cho mình. Lúc bấy giờ, sau khi trải qua một thời gian giằng co lâu dài, tình thế chiến tranh giữa Sở và Hán đã dần dần có sự chuyển biến. Nếu so sánh về mặt thực lực thì mỗi lúc càng có lợi cho Lưu Bang hơn, trái lại, rất bất lợi cho Hạng Võ. Do vậy, Hạng Võ cũng cố gắng lôi kéo Hàn Tín. Ông ta phái Võ Thiệp đi ly gián mối quan hệ giữa Hàn Tín và Lưu Bang, khuyên Hàn Tín nên chia ba thiên hạ, xưng bá ở một phương. Hàn Tín không bằng lòng. Sau đó, mưu sĩ Khoái Triệt thấy Võ Thiệp không thuyết phục được Hàn Tín, cũng khuyên Hàn Tín nên tạo thành thế chân vạc, xưng vương một cõi, nhưng Hàn Tín khôn khéo từ chối. Điều đó cho thấy, tầm nhìn cao xa và xác thực của Trương Lương quả hơn người một bậc. Trong tình hình như vậy, nếu không giữ Hàn Tín đứng yên trong đội ngũ của mình, thì ưu thế của Hán quân sẽ không duy trì được và hậu quả của chiến tranh Sở-hán không biết sẽ kết cục ra sao. Do Hàn Tín đã đứng vững chân tại Trung du sông Hoàng Hà, uy hiếp Hạng Võ từ đông bắc. Trong khi đó số người của Bành Việt lại tiếp tục quấy rối quân Sở ở phía nam, làm cho quân Sở bị yếu dần, và khiến Hạng Võ bốn bên thù địch. Thêm vào đó, Hạng Võ đang bị cô lập, không ai chi viện, lương thực lại khiếm khuyết, nên bất đắc dĩ phải nghị hòa với Lưu Bang. Đôi bên lấy Hồng Câu làm ranh giới để chia thiên hạ. Vùng đất phía tây Hồng Câu thuộc Hán, vùng đất phía đông Hồng Câu thuộc Sở. Đến tháng chín, để biểu lộ sự chân thành trong việc hòa giải, Hạng Võ sau khi thả Thái Công và Lữ Hậu bị bắt trước đây, bèn rút quân trở về hướng đông. Lưu Bang từ khi chống Tần trở lại đây, liên tục chiến đấu suốt mấy năm dài, vào sanh ra tử, mấy lần may mắn thoát nạn. Giờ đây thấy đã nghị hòa với Sở, nên cũng có ý định rút quân đi về phía Tây. Nhưng, Trương Lương lại cho rằng đây chính là một cơ hội tốt nhất để tiêu diệt Hạng Võ, giành lấy thiên hạ. Nếu hưu chiến giữa chừng, thì bao nhiêu công lao trước đây xem như bị phế bỏ. Ông chỉ rõ : hiện nay Lưu Bang đang chiếm quá nửa giang san, chư hầu khắp các nơi đều quy phục, nếu không thừa cơ hội này đánh mạnh thêm, để cho Hạng Võ có thời gian nghỉ ngơi, thì cũng giống như để cho cọp dưỡng sức, hậu hoạn rất to lớn. Lưu Bang tiếp nhận ý kiến của Trương Lương, thay đổi ý định, xé bỏ hòa ước, quay đầu ngựa trở lại tiếp tục tấn công về hướng đông. Tháng mười năm 202 trước công nguyên, Lưu Bang truy kích Hạng Võ đến Cố Lăng (nay là địa phương nằm về phía nam Thái Khương, tỉnh Hà Nam). Trước đó, Lưu Bang đã hẹn với Hàn Tín và Bành Việt, cùng hội sư tại Cố Lăng để vây đánh Hạng Võ. Thế nhưng Hàn Tín, Bành Việt không tới nơi đúng kỳ hẹn. Quân Sở thừa cơ quân Hán tiến sâu một mình vào đất Sở, phản công mãnh liệt, khiến quân Hán bị đại bại. Lưu Bang đành phải đắp lũy cao để cố thủ, trong lòng hết sức nôn nóng. Ông hỏi Trương Lương phải đối phó như thế nào ? Trương Lương phân tách nói : - Hiện nay quân Sở sắp bị đánh bại, thế mà Hàn Tín và Bành Việt đều chưa được định rõ ranh giới đất phong của mình. Do vậy, tất nhiên là họ không đến để trợ chiến. Nếu ngài bằng lòng cùng chia thiên hạ với họ, thì họ sẽ kéo quân đến ngay. Hàn Tín mặc dù đã được phong làm Tề Vương, nhưng điều đó không phải là bản ý của Đại vương, cho nên tới nay Hàn Tín vẫn còn nghi ngại. Riêng Bành Việt vốn bình định được đất Lương, cần phải thụ phong, do khi Ngụy Vương Báo còn sống, ngài mới phong cho ông ấy chức Tướng Quốc thôi. Bây giờ Ngụy Vương Báo đã chết rồi, vậy Bành Việt cần phải được phong Vương, thế mà ngài vẫn chưa phong cho ông ta. Vậy xin ngài hãy lấy đất từ Trần (nay là Hoài Dương, tỉnh Hà Nam) chạy về phía đông cho tới Đông Hải, phong cho Hàn Tín. Và lấy đất ở phía Bắc Tuy Dương (nay là vùng phía nam Thương Khưu, tỉnh Hà Nam) chạy dài cho tới Cốc Thanh (nay là vùng đất phía đông A Nam, tỉnh Sơn Đông) phong cho Bành Việt. Quê hương của Hàn Tín ở tại đất Sở từ lâu ông ta đã muốn có được đất đai ở vùng quê hương của mình. Vậy, nếu Đại vương mang số đất đai đó phong cho họ, thì họ sẽ hài lòng, và sẽ kéo quân tới để trợ chiến ngay. Như vậy, thì việc đánh bại nước Sở sẽ rất dễ dàng. Lưu Bang tiếp nhận kiến nghị của Trương Lương. Quả nhiên Hàn Tín, Bành Việt đều kéo quân tới để hội sư. Tháng mười hai năm đó, quân Hán dưới sự chỉ huy của Hàn Tín, đã bao vây Hạng Võ tại Cai Hạ (nay là khu vực nằm về phía nam Linh Bích, tỉnh An Huy). Hạng Võ muốn phá vòng vây, nên đã phát động một cuộc phản kích tại Cai Hạ. Đích thân Hạng Võ chỉ huy tinh binh của mình, để chiến đấu mãnh liệt với quân Hán bao vây. Hàn Tín trá bại để kéo dài trận tuyến, rồi mới dùng kỵ binh đánh kẹp hai bên hông, tiêu diệt từng đoạn quân Sở, đánh bại cuộc phản kích phá bao vây của Hạng Võ. Trong lúc đánh nhau, cứ tối lại thì quân Hán cất tiếng hát những bài hát của nước Sở ở khắp bốn bên, làm Hạng Võ hết sức hoang mang. ông ta hốt hoảng hỏi: - Quân Hán đã chiếm lĩnh kinh đô của nước Sở rồi sao ? Tại sao trong quân Hán có nhiều người hát những bài hát của nước Sở như vậy ? Thực ra, đó chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý của Trương Lương, muốn dùng những bài hát này làm tan rã ý chí chiến đấu của quản Sở. Hiện tượng “bốn bên đều hát" quả nhiên đã thu được hiệu quả to lớn. Quân Sở không còn ý chí chiến đấu nữa, ngay đến Hạng Võ cũng cảm thấy tâm trí bấn loạn, ngồi buồn uống rượu một mình. Cuối cùng, quân Sở đã bị tiêu diệt toàn bộ. Hạng Võ chỉ dẫn theo một ít binh sĩ thân tín, mở đường máu thoát ra khỏi vòng vây, nhưng vì cảm thấy không còn mặt mũi nào gặp lại phụ lão ở Giang Đông nữa, nên Hạng Võ đã tự sát bên bờ sông ô Giang. Cuộc chiến tranh Hán Sở kéo dài bốn năm, đã kết thúc qua sự thắng lợi của Lưu Bang. Sau đó, Lưu Bang phong cho Tề Vương Hàn Tín làm Sở Vương, định đô tại Hạ phi. Phong Bành Việt làm Lương Vương, định đô tại Định Đào. Năm 202 trước công nguyên, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, xây dựng triều đại nhà Hán.