Sau khi Văn Vương mời được Khương Tử Nha, cảm thấy chẳng khác nào như lúc gặp hạn lại được mưa xuân, cá mắc cạn lại gặp được nước sông lai láng, hết sức vui mừng, nhưng cũng hết sức nôn nóng. Nhà vua bèn phong cho Khương Tử Nha chức Thái Sư, và trao quân quyền của nhà Châu cho ông chưởng quản. Nhà vua hy vọng Khương Tử Nha sẽ bày mưu hiến kế, giúp cho nhà Châu nhanh chóng cường thịnh lên, để sớm tiêu diệt nhà Thương, thống nhất thiên hạ, hoàn thành sự nghiệp lớn của mình. Do vậy, Văn Vương thường tới phủ riêng của Thái Sư, chủ động bàn bạc các vấn đề quốc gia đại sự, và nghiêng tai lắng nghe nhưng ý kiến hay của Khương Tử Nha. Văn Vương là một nhà vua có hoài bão lớn. Mục đích của Văn Vương là thống nhất thiên hạ. Riêng Khương Tử Nha là một bậc hiền tài, kinh luân đầy bụng, thao lược hơn người, nên luôn muốn báo đáp cái ơn tri ngộ với Văn Vương, một lòng một dạ phụ tá cho nhà Châu để tiến lên lật đổ sự thống trị của Trụ Vương hung bạo. Chính vì vậy mà ý chí của họ rất giống nhau, lòng dạ của họ đều hướng về một phía. Mỗi khi gặp nhau, đôi bên nói tất cả những ý nghĩ trong lòng mình, và tỏ ra rất tương đắc. Chỉ một thời gian ngắn, giữa nhà vua và Khương Tử Nha đã trở thành một đôi bạn tri kỷ. Có một đêm nọ, sau khi dùng cơm tối xong, Châu Văn Vương bèn bước ra sân sau tản bộ. Lúc bấy giờ là mùa Thu, trời trong gió mát. Trên nền trời một vành trăng sáng đang treo lơ lửng, tỏa ra ánh sáng màu bạc rực rỡ khắp mọi nơi. Văn Vương ngước mặt nhìn bầu trời đang nhấp nháy vô số những vì sao, trong lòng tình cảm lai láng. Nhà vua đang nghĩ đến việc nhà Châu nhiều năm qua tuy được nghỉ ngơi dưỡng sức, đời sống của bá tánh ngày càng sung túc hơn, nhưng nếu đem so sánh giữa triều đình nhà Châu với triều đình nhà Thương, thì triều đình nhà Châu chỉ có một vùng đất bé nhỏ, sức nước lại yếu kém. Nếu không nhanh chóng đưa nhà Châu tiến lên thành một nước cường thịnh thì không mong chi lật đổ được triều đình nhà Thương để thống nhất thiên hạ. Nhưng phải làm sao để đẩy nhanh tốc độ phát triển của nhà Châu, đến đất nước ngày càng thêm giàu mạnh ? Vấn đề này chính là một vấn đề luôn luôn gay gắt trong lòng của Văn Vương. Khi nghĩ tới đây, tâm trạng của nhà vua bỗng thấy rối bời như cuộn tơ vò không biết đâu là đầu mối Nhà vua bèn ngửa mặt nhìn trời thở dài, buồn bã. Bỗng nhiên từ trên bầu trời cao, có một ngôi sao băng xẹt từ phía Tây sang phía Đông, rồi mất hút giữa bầu trời xanh thẳm. Hiện tượng này đã làm cho Văn Vương vô cùng xúc động. Phải đời người có khác chi một giấc mộng, chỉ trong nháy mắt là đã một trăm năm trôi qua. Nay ta đã bảy mươi tuổi rồi, vậy biết đâu có ngày nào đó cũng giống như ngôi sao băng kia, bay xẹt qua bầu trời rồi vĩnh viễn không còn tồn tại? Một ngôi sao băng trước khi tiêu diệt, nó cóthể phát lên một thứ ánh sáng chói mắt. Vậy ta đâu chịu lẳng lặng ra đi, mà phải làm nên một sự nghiệp gì trong giai đoạn tuổi già. Cho dù không chính mắt trông thấy được triều nhà Thương bị diệt vong, ít nhất ta cũng phải đặt một cơ sở tốt cho con cháu sau này phát triển được thuận tiện. Nhà vua không muốn tản bộ nữa, mà muốn đến ngay phủ riêng cua Thái Sư để đôi bên cùng nhau bàn bạc những chuyện quốc gia đại sự. Trước khi đi, nhà vua bỗng nghĩ tới Thái tử cơ Phát, nên liền gọi Thái tử đi theo đến viếng phủ Thái Sư ngay trong đêm. Thấy Văn Vương và Thái tử đang đêm tới viếng, Khương Thái Công hết sức kinh ngạc. Chờ cho Văn Vương và Thái tử ngồi yên xong, Thái công mới vội vàng hỏi : - Văn Vương ngài nửa đêm tới đây, không biết có điều gì chỉ dạy ? Văn Vương đáp : - Vừa rồi tôi tản bộ ở sân sau, thấy có một ngôi sao băng bay xẹt qua nền trời, gợi lên một số tâm sự, khiến tôi không sao ngủ được, nên mới đến đây tìm gặp Thái Công để cùng nói chuyện giải khuây. Thái Công nghe qua, bèn hiểu ý, nói : - Lão thần cũng đang có nhiều ý nghĩ muốn nói cho chúa công biết, vậy là dù đôi bên không hẹn nhau trước, nhưng lại gặp nhau ở đây. Dứt lời, Thái Công sai người hầu dâng trà và các loại trái cây lên Văn Vương, rồi vừa uống trà vừa nói chuyện. Văn Vương nói : - Trụ Vương của nhà Thương là một hôn quân vô đạo tất nhiên không tránh khỏi trời tru đất diệt. Nhưng triều đình nhà Thương đã có cơ nghiệp hơn sáu trăm năm, lại có một đạo quân hơn mười vạn người. Trong khi đó, Kỳ Châu chỉ là một bang quốc bé nhỏ, nếu đem so sánh với triều đình nhà Thương thì chênh lệch nhau một trời một vực. Vậy xin hỏi Thái Sư làm thế nào để thay đổi tình huống đó, giúp cho Kỳ Châu của trẫm có thể mau chóng cường thịnh lên ? Khương Thái Công suy nghĩ một lúc, đáp : - Triều đình nhà Thương có đất đai rộng rãi, truyền qua nhiều đời. Nhưng những gì mà họ tích lũy được, rốt cục rồi sẽ tan thành mây khói. Trong khi đó Châu Quốc đang âm thầm chuẩn bị, ánh sáng của nó rồi đây sẽ chiếu rọi khắp bốn phương. Đức hạnh của thánh nhân là cái gì độc đáo, và sẽ dần dần cảm hóa được bá tánh, quy tụ được nhân tâm. Vấn đề mà một thánh nhân luôn luôn suy nghĩ tới, chính là phương pháp để thu phục nhân tâm. Văn Vương vội vàng hỏi : - Phải áp dụng phương pháp nào, thì mới có thu phục được nhân tâm trong thiên hạ ? Thái Công bắt đầu nói thao thao : - Thiên hạ là thiên hạ của mọi người trong thiên hạ, chứ không phải thiên hạ của một cá nhân. Nếu có thể cùng hưởng chung lợi ích của thiên hạ với mọi người trong thiên hạ, thì có thể lấy được thiên hạ. Độc chiếm lợi ích trong thiên hạ, thì sẽ bị mất thiên hạ. Điều có thể cùng hưởng chung với bá tánh trong thiên hạ, chính là nhân ái. Ai có nhân ái, thì thiên hạ sẽ thuộc về người đó. Phải giúp cho bá tánh thoát khỏi nguy nan, giải thoát cho bá tánh khỏi mọi sự khốn khổ, tiêu trừ cho bá tánh tất cả những tai họa xảy đến, cứu mọi người ra khỏi chỗ hiểm nguy, thì đó là ân đức. Người thi ân ban đức thì thiên hạ sẽ thuộc về người đó. Mọi người ai cũng chán ghét sự chết chóc mà yêu quý sự sinh tồn, hoan nghênh ân đức và theo đuổi mọi lợi ích. Cho nên giúp cho mọi người trong thiên hạ được lợi ích, thì đó chính là Vương Đạo. Ai có thể thi hành Vương Đạo, thì thiên hạ sẽ thuộc về người đó. Văn Vương vui vẻ nói : - Lời nói của Thái Sư quá đúng. Trẫm nhất định sẽ ghi nhớ những lời nói này. Nhưng trẫm còn muốn biết thêm đạo lý cơ bản trong việc trị quốc. Muốn biết cách phải làm sao để một vị quân vương được mọi ngươi tôn kính, và bá tánh được một cuộc sống yên ổn vui tươi ? Thái Công đáp : - Chỉ có cách duy nhất là biết thương dân. Văn Vương lại hỏi : - Phải làm như thế nào mới gọi là biết thương dân ? Thái Công đáp : - Phải biết xúc tiến việc sản xuất của lê dân, không bao giờ phá hoại họ. Phải biết bảo hộ lê dân, không bao giờ tùy tiện gây tổn thương cho họ. Phải mang đến cho lê dân những quyền lợi thiết thực và không bao giờ tước đoạt của họ. Phải giúp cho lê dân được an cư lạc nghiệp, không bao giờ làm cho họ phải đau khổ. Phải làm cho lê dân luôn được vui vẻ, không làm cho họ phải phẫn nộ. Văn Vương gật đầu nói: - Phải ! Phải ! Thế còn gì nữa ? Thái Công lại nói tiếp: - Làm một vị quân vương, cũng giống như phần đầu của một con rồng, luôn nhìn xa thấy rộng, quan sát tinh tường, tìm hiểu sâu sắc tất cả mọi vấn đề, và phải lắng nghe ý kiến của mọi người, biết xét đoán tình thế. Riêng nghi biểu thì phải trang nghiêm đường hoàng, bình tĩnh không hấp tấp, khiến mọi người có cảm giác nhà vua là một vị hoàng đế cao siêu như bầu trời không ai với tới, thâm sâu như đáy biển không ai có thể dò được. Một vị quân vương còn phải có khí chất tỉnh táo ôn hòa, đứng trước mọi việc bao giờ cũng sẵn sàng quyết đoán. Nhất là phải biết cùng bàn bạc với thần dân, không cố chấp ý kiến của riêng mình. Đối với mọi người, luôn phải khiêm tốn vô tư, xử sự luôn phải công bình, không thiên lệch. Văn Vương nghe xong, gật gù liên tiếp, nói : - Lời nói của Thái Công đúng lắm! Đúng lắm! Nhưng Trụ Vương triều nhà Thương là người vô cùng tàn bạo, lạm sát không biết bao nhiêu người vô tội, nhân dân đang sống trong cảnh nước sôi, lửa bỏng, vậy hiền sĩ hãy giúp trẫm tiêu diệt ông ta, cứu nguy cho thiên hạ. Vậy, hiền sĩ cảm thấy thế nào ? Thái Công đáp : - Nhà vua trước tiên phải tự tu dưỡng đức hạnh, biết chiêu hiền đãi sĩ, biết ban ân huệ cho nhân dân, lấy đó thu phục nhân tâm, rồi bình tĩnh quan sát sự thay đổi của đạo trời và đạo người. Khi đạo trời chưa có dấu hiệu thì không thể nói đến việc cử binh chinh phạt. Khi đạo người chưa xuất hiện sự loạn lạc thì chưa thể sách hoạch việc hưng binh, cần chờ khi có thiên tai và nhân họa xuất hiện, thì mới có thể sách hoạch việc chinh phạt. Hiện nay Trụ Vương triều nhà Thương tuy u mê bạo ngược, nhưng vẫn chưa tới trình độ chỉ cần xô là ngã. Riêng về phía chúng ta thì lực lượng vẫn chưa đủ sức lật đổ triều đình nhà Thương. Do vậy, tuyệt đối không thể nôn nóng, không thể hành động liều lĩnh được. Văn Vương gật đầu cho là phải, rồi lại hỏi : - Xin Thái Sư nói thêm phải làm sao để ban hành chính lệnh ? Khương Thái Công đưa tay vuốt nhẹ hàm râu, nói : - Việc ban hành chính lệnh phải được tiến hành từ trong sự cảm hóa âm thầm. Điều đó cũng giống như sự chuyển biến của thời gian là rất âm thầm, không ai cảm thấy được. Nhà vua cần phải suy nghĩ thật chín chắn tư tưởng "Vô vi nhi trị”. Cũng giống như trời và đất, không hề tuyên cáo quy luật của chính mình, nhưng vạn vật đều sinh trưởng đúng theo quy luật đó. Thánh nhân cũng không cần thiết phải tuyên cáo tư tưởng “vô vi nhi trị” của mình. Nhưng nó tự nhiên sẽ bộc lộ được thành tựu huy hoàng của nó. Nên chính trị tốt đẹp nhất, chính là nền chính trị biết thuận theo lòng dân. Đề cao những ý thức chính trị tốt đẹp để cảm hóa người dân, khiến người dân từ trong sự cảm hóa đó biết phục tùng chính lệnh. Như vậy thì thiên hạ sẽ được yên ổn. Đó chính là "đức chính" (sự cai trị phù hợp với đạo đức) của một thánh nhân. - Đúng ! Đúng ! - Văn Vương buột miệng khen liên tiếp - Thế thì tại sao nhà vua lại để mất đi khả năng khống chế đối với quốc gia ? - Đó là do dùng người không đúng ? - Thái Công nói thẳng vào vấn đề - Nhà vua cần tuyển chọn những người có đầy đủ sáu tiêu chuẩn, và phải nắm chắc ba sự kiện trọng đại, thì mới không dẫn tới tai họa mất nước. - Sáu điều tiêu chuẩn đó có nội dung ra sao? - Văn Vương vội vàng lên tiếng hỏi. - Một là Nhân, hai là Nghĩa, ba là Trung, bốn là Tín, năm là Dũng, sáu là Trí - Thái Công đáp. - Phải làm thế nào mới tuyển chọn được những người phù hợp với sáu tiêu chuẩn nói trên ? - Tạo điều kiện cho họ trở thành giàu có, xem phải chăng họ có thái độ bất chấp lễ giáo và pháp luật. Nếu không, thì đó là người Nhân. Ban cho họ địa vị, xem họ phải chăng trở thành kiêu ngạo. Nếu không thì đó là người Nghĩa. Giao cho nhiệm vụ trọng đại, xem họ phải chăng có thể kiên quyết hoàn thành mà không thay đổi ý chí. Nếu có thể, thì đó là người Trung. Giao cho họ xử lý vấn đề, xem họ phải chăng có thủ đoạn dối trên gạt dưới. Nếu không, thì đó là người Tín. Dồn họ vào một hoàn cảnh nguy hiểm, xem họ phải chăng đứng trước sự nguy hiểm thì tỏ ra sợ sệt. Nếu không, thì đó là người Dũng. Giao cho họ xử lý những việc chuyển biến bất ngờ, xem họ phải chăng ứng phó một cách bình tĩnh. Nếu có, thì đó là người Trí. Văn Vương lại hỏi : - Ngoài việc dùng người, còn phải chú ý đến vấn đề gì khác nữa ? Thái Công trịnh trọng đáp : - Không nên trao quyền xử lý ba sự kiện trọng đại cho người khác. - Đó là ba sự kiện trọng đại nào. - Văn Vương hỏi. - Nông, Công, Thương. Tổ chức tất cả nông dân lại rồi cho họ tập trung ở vào một làng, để họ cùng nhau hợp tác, thì lương thực tự nhiên sẽ đầy đủ. Tổ chức những người công nhân lại để họ quần cư tại một nơi, cùng nhau giúp đỡ hợp tác, thì đồ dùng tự nhiên sẽ đầy đủ. Tổ Chức những thương nhân lại và tập trung cho họ ở vào một chợ, để họ có thể trao đổi với nhau những gì mình có, thì việc tài chánh và mậu dịch tự nhiên sẽ sung túc. Không bao giờ nên làm rối loạn những khu vực kinh tế này, cũng không nên tách rời gia tộc của họ ra. Đó gọi là "Tam bảo". - ... - Những người có đầy đủ sáu điều kiện tiêu chuẩn nói trên được trọng dụng, cũng như ba đại sự nói trên được hoàn thiện, thì sự nghiệp của nhà vua sẽ hưng thịnh, quốc gia sẽ được yên ổn lâu dài. - Một vị quân vương nên tôn sùng ai, nên áp chế ai, sử dụng ai, loại trừ ai, nghiêm cấm việc gì, chặn đứng việc gì ? - Văn Vương lúc đó nôn nóng muốn đem hết tất cả những vấn đề thắc mắc từ bấy lâu nay trong lòng mình để hỏi Khương Tử Nha. - Một vị quân vương nên tôn sùng những người có đầy đủ tài đức và áp chế những người bất tài lại thiếu đức. Nên trọng dụng những trung thần, biết giữ chữ tín và có thái độ thành thực, trừ đi những phường gian trá, hư ngụy. Nghiêm cấm tất cả những hành vi bạo loạn, và chặn đứng nếp sống xa hoa. - Tại sao một vị quân vương thường cố gắng hết sức để tuyển chọn người hiền tài, nhưng trong thực tế thì lại không thu được hiệu quả tốt đẹp như mong muốn ? - Nhà vua thường cho rằng, một người được nhiều người khen ngợi là hiền nhân, còn người thường bị mọi người chê trách là không phải hiền nhân. Do vậy, những người có vây cánh đông thì thường được trọng dụng, người ít vây cánh thì bị bài xích. Thế lực gian tà bao giờ cũng kết thành bè đảng để mưu cầu tư lợi, nên hiền nhân luôn bị mai một, còn trung thần vô tội thì bị dồn vào chỗ chết. Bọn gian thần luôn lấy hư danh của họ để dối gạt bên trên, tranh thủ được chức tước lớn. Một xã hội như vậy, tất nhiên sẽ dẫn đến hỗn loạn. Quốc gia chắc chắn sẽ bị diệt vong. - Phải làm thế nào để giữ được đầu óc tỉnh táo giúp cho quốc gia luôn được yên ổn và được trường tồn ? - Trụ Vương triều nhà Thương chỉ biết quốc gia mình đang tồn tại, chứ không biết nó sắp diệt vong; chỉ biết vui chơi thỏa mãn, chứ không biết tai họa sắp giáng xuống đầu. Quốc gia được trường tồn hay không, là do khi sống trong hoàn cảnh yên vui, có biết nghĩ tới lúc nguy cấp hay không. Một nhà vua phải chăng có thể được vui vẻ lâu dài, là xem nhà vua đó trong khi vui vẻ thì có nghĩ đến lúc buồn lo hay không. Ngài đã có thể nghĩ với nhiều vấn đề cơ bản đối với sự tồn vong của một quốc gia như thế, vậy đâu sợ còn có chuyện gì xảy ra nữa ? Nghe đến đây, Văn Vương đã hiểu mọi lý lẽ. Bao nhiêu điều thắc mắc cũng được giải tỏa rõ ràng. Nhà vua cảm thấy hết sức khâm phục Khương Thái Công, cho nên quên mất cái lễ giữa quân thần, vội vàng quỳ xuống trước mặt vị Thái Sư của mình sụp lạy, miệng nói: - Lời nói của Thái Sư hết sức tinh tường, hết sức sâu sắc, hết sức chính xác. Trẫm nhất định sẽ không bao giờ quên, và sẽ dùng nó làm nguyên tắc để cai trị thiên hạ - Nói tới đây nhà vua quay sang Thái tử Cơ Phát nói tiếp - Con phải ghi nhớ mãi lời nói của Thái Sư. Đây chính là chân lý mà nghìn năm không bao giờ thay đổi! Khương Thái công thấy cha con của Văn Vương đều quỳ xuống trước mặt mình, nên cũng vội vàng quỳ theo, nói : - Chúa công và Thái tử xin mau đứng dậy, làm như thế khiến lão thần thật bối rối. Văn Vương đứng lên, nói: - Nghe qua lời nói trên của ngài, còn hơn đọc mười năm sách vở. Trẫm có một ý nghĩ, là muốn để cho Thái tử Cơ Phát lạy ngài làm Thượng phụ, không rõ Thái Sư có cho phép không ? Khương Thái Công từ chối liên tiếp, nhưng thấy Văn Vương vẫn kiên quyết yêu cầu, nên đành phải bằng lòng. Thái tử Cơ Phát liền thi lễ phụ tử trước mặt Thái Công. Thái Công tiếp nhận Thái tử quỳ lạy xong, nói : - Thần nguyên chỉ là một người quê mùa lưu lạc, nay được chúa công và Thái tử hậu ái như thế này, thần nguyện sẽ suốt đời làm thân trâu ngựa, cúc cung tận tụy cho đến chết mới thôi, để đền đáp lại với triều đình nhà Châu ! Vừa nói, hai hàng nước mắt của Khương Thái Công cũng trào ra ướt cả mặt. Văn Vương xúc động nói : - Trẫm được Thái Sư, thật chẳng khác nào cọp lại thêm cánh, cá được nước sâu ! Lúc bấy giờ, chân trời phía Đông đã bắt đầu sáng. Vầng thái dương màu đỏ đang từ từ nhô cao. Những tia nắng bình minh rọi thẳng vào khung cửa sổ, và chiếu sáng lên gương mặt đầy xúc động, hết sức vui tươi của Văn Vương, Thái tử, và Thái Công.