Nửa năm sau, cũng vào năm 44 vua Châu Noãn Vương (năm 271 trước công nguyên), Tần Chiêu Vương phái sứ thần là Vương Kê sang nước Ngụy. Nước Tần kể từ ngày Thương Ưởng cải cách pháp luật trở đi, có một chính sách truyền thống : “Người tiến cử hiền tài thì cùng được thưởng như người được tiến cử. Ai tiến cử những người không tốt thì cũng có tội liên đới". Nói cụ thể, phàm ai tiến cử người có tài năng (bất luận người đó ở đâu, xuất thân cao sang hay bần tiện), chỉ cần lập được đại công cho nước Tần, hoặc có những cống hiến xứng đáng, thì sẽ được Tần Vương tưởng thưởng. Và, người đã tiến cử trước đây cũng được tưởng thưởng y như vậy. Trái lại, nếu tiến cử người không có tài năng, hoặc là kẻ xấu, làm điều có hại cho nước Tần, phạm phải trọng tội, thì người tiến cử cũng bị liên đới, cũng bị hình phạt giống như người mình đã tiến cừ. Kể từ ngày ban bố chánh sách đó, những người hiểu biết ở trong nước Tần, luôn luôn lưu ý để tìm người có tài năng. Trong nhất thời, nhiều kẻ sĩ có tài năng khắp trong sáu nước, đều đua nhau đi về phía Tây để tới nước Tần. Do vậy, nước Tần tập họp được người tài đông đảo, và đã tiến nhanh trên con đường nước giàu binh mạnh. Từ chỗ là một tiểu quốc không được mọi người trọng thị ở Tây Nhung, nước Tần dần dần vươn lên đứng trong hàng ngũ của những cường quốc. Trước tiên, Tần trở thành một trong Ngũ bá đời Xuân Thu. Kế đó, lại trở thành nước đứng đầu trong thất hùng thời Chiến Quốc. Và, cuối cùng thì thống nhất được thiên hạ, xây dựng được một đế quốc đại Tần chưa từng có. Đấy là chuyện sau này. Nhắc lại, Trịnh An Bình nghe nói có sứ giả cửa nước Tần đến Ngụy, cho rằng thời cơ đã tới, bèn giả người hầu để tới công quán phục dịch Vương Kê. Trịnh An Bình là người nhanh nhẹn, nên tranh thủ được sự yêu thích của Vương Kê. Chỉ một thời gian ngắn, mối quan hệ giữa hai người tỏ ra rất dung hòa, và dần dần không có gì lại không nói cho nhau nghe. Một hôm, Vương Kê bí mật hỏi riêng Trịnh An Bình : - Ở quý quốc phải chăng có người hiền tài, nhưng chưa có dịp đi làm quan ? Những người đó có bằng lòng theo tôi đến nước Tần hay chăng ? Trịnh An Bình chính vì việc này mà tới đây. Cho nên khi nghe sứ giả hỏi, cố đè nén sự vui mừng trong lòng, bình tĩnh đáp : - Hiện nay trong nhà của thần có một tiên sinh tên gọi Trương Lộc, trí mưu hơn người, do trong nước có người thù, nên không thể xuất đầu lộ diện. Bằng không, thì chắc đã ra làm quan từ lâu rồi, đâu phải chờ cho tới ngày hôm nay ? Vương Kê vội vàng ngỏ ý cho Trịnh An Bình biết, nếu người đó ban ngày không tiện gặp nhau, thì có thể chờ đêm khuya tới đây gặp ông ta. Trịnh An Bình bèn bảo Trương Lộc cải trang thành một người nô bộc, lợi dụng đêm khuya lén tới công quán để gặp Vương Kê. Hai người ngồi cạnh nhau bàn luận đại cuộc trong thiên hạ. Phạm Thư ăn nói thao thao, những lời hay ý đẹp tuôn ra như suối, phân tích mọi vấn đề cụ thể như phơi bày trước mặt. Không chờ Phạm Thư nói hết lời, Vương Kê đã tin Phạm Thư là một nhân tài hiếm có, bèn hẹn với Phạm Thư, chờ khi ông làm việc công xong xuôi, thì xin Phạm Thư đến “Tam Đình Cương" ở gần biên giới nước Ngụy, chờ đợi để theo ông ta về nước Tần. Vương Kê làm xong công việc của vua Tần giao phó, bèn từ biệt Ngụy Vương và quân thần của nước này, lên xe trở về nước Tần. Khi cỗ xe đi đến “Tam Đình Cương" thì thấy trong rừng bước ra hai người, chính là Trương Lộc và Trịnh An Bình. Vương Kê cả mừng, sau mấy câu hàn huyên, vội vàng mời họ lên xe cùng đi về phía Tây.