Phạm Thư ( ? - 255 trước công nguyên), tự Thúc, là người nước Ngụy thời Chiến Quốc. Phạm Thư phụ tá cho Tần Chiêu Vương, đối với trên ông là người kế thừa thành quả của Hiếu Công và Thương Ưởng đã thay đổi pháp luật để đưa đất nước trở thành cường thịnh, đối với dưới ông là người đã tạo nền tảng cho Tần Hoàng và Lý Tư hoàn thành sự nghiệp thống nhất cả nước. Ông là một mưu lược gia có thành tích về hai mặt chính trị và ngoại giao. Ông làm Thừa tướng cho nước Tần mười năm, đối nội đã củng cố triều đình, chặn đứng mọi tiêu cực, củng cố chế độ trung ương tập quyền vừa mới nảy sinh. Đối ngoại ông cực lực chủ trương chính sách "giao hảo với nước xa, tấn công nước gần", để xây dựng nền tảng vững chắc cho nước Tần thống nhất cả thiên hạ sau này. Ông chẳng những là một vị Thừa tướng giỏi trong lịch sử của nước Tần, mà còn là một nhà chánh trị thời cổ hiếm có của nước Trung Quốc. 1. Đi Sứ Tề Bị Vu Cáo Phạm Thư thuở nhỏ nhà nghèo, muốn đi khắp thiên hạ để du thuyết các chư hầu, thi triển kinh luân đầy bụng của mình, nhưng khổ nỗi nhà ông chỉ có bốn tấm vách trống trọn, trong túi thì trống rỗng, không tiền bạc, nên không có thể đi đâu được. Do vậy, ông đành phải ôm ấp chí lớn, ngồi bó gối trong nhà để tiêu ma thời gian. Sau đó, ông vốn có ý phụ tá cho Ngụy Vương để giúp nước nhà trở thành một quốc gia có binh lực cường thịnh, có một nền kinh tế sung túc. Nhưng vì không ai tiến cử, lại không có tiền để mua chuộc người có quyền thế, tìm cách ngoi lên, nên cũng đành chịu. Nhưng, ông không cam tâm để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đến xin làm môn hạ tại phủ của quan Trung đại phu là Tu Dã, để chờ đợi thời cơ tìm đường tiến thân. Ít lâu sau, Ngụy Vương phái Tu Dã đi sứ nước Tề. Phạm Thư với tư cách là xá nhân tùy tùng cùng đi theo. Năm đó, Tề Dẫn Vương là một ông vua vô đạo, nên đại tướng nước Yên là Lạc Nghị đã quy tụ bốn nước, cùng kéo binh đánh Tề, trong đó có cả nước Ngụy. Dưới sự chỉ huy của tướng Lạc Nghị, liên quân các nước tiến tới đâu thắng tới đó, liên tiếp hạ được ngoài bảy mươi thành của nước Tề, và đã nhanh chóng chiếm được quốc đô của nước này là Lâm Tri. Chỉ riêng có hai thành Cứ và Tức Mặc thì không hạ được. Về sau, do tướng Tề là Điền Đơn đã sứ dụng trận “hỏa ngưu” đại phá được liên quân của năm nước, nên nước Tề mới được phục hưng. Sau khi vua Tề Tương Vương lên nối ngôi, đã gắng sức chấn chỉnh đất nước, khiến nước Tề càng cường thịnh. Vua Ngụy lo sợ nước Tề sẽ trả thù, nên mới phái Tu Dã đến Tề để giao hảo. Sau khi Tu Dã đến nước Tề. Vua Tề đối với ông hoàn toàn không vị nể, đã lên tiếng quở trách thẳng thừng. Nhà vua bảo nước Ngụy là nước phản phúc vô thường, lại bảo cái chết của tiên vương là Tề Dẫn Vương có liên quan tới nước Ngụy, làm cho mọi người đều căm hận Ngụy quốc. Đối với những lời chỉ trích mạnh mẽ của vua Tề, Tu Dã chỉ trố mắt líu lưỡi, không biết tìm chỗ nào để trốn, hoàn toàn không thể đối đáp chi được. Phạm Thư thấy vậy đã ung dung biện bác, nghiêm giọng nói rõ : - Tề Dẫn Vương là người kiêu ngạo lại tàn bạo. Sau khi đánh bại nước Sở và Tam Tấn cũng như tiêu diệt được nước Tống, thì còn muốn sát hại thiên tử nhà Châu để thay thế địa vị đó. Bản thân Tề Dẫn Vương không biết tự lượng sức, nên mới trở thành kẻ thù của năm nước, chứ nào phải một mình nước Ngụy đâu. Nay Đại vương là người anh hùng cái thế, vậy nên tiếp nối thành tích huy hoàng của Tề Hoàn Công, Tề Uy Vương, để chấn chỉnh nước Tề thì mới tốt. Nếu chỉ biết so đo về những ân oán trong thời Tề Dẫn Vương, luôn trách cứ người khác mà không biết tự kiểm điểm mình, thì e rằng Đại vương lại đi vào vết xe đổ của Tề Dẫn Vương trước kia thôi. Tê Tương Vương từ lâu đã nghe nói Phạm Thư là người ăn nói hoạt bát, kiến thức rộng rãi, lại có chí an bang định quốc, nay trực tiếp nghe những lời hùng biện không tự ti mà cũng không tự cao, có tình có lý của Phạm Thư, trong lòng nhà vua không khỏi kính nể. Ngay đêm đó, nhà vua phái người đi du thuyết Phạm Thư, có ý muốn giữ ông ở lại nước Tề, và hứa sẽ phong làm Khách Khanh. Phạm Thư nghe qua, với một thái độ đầy chính nghĩa, nghiêm giọng từ chối: - Tôi cùng sứ giả của nước Ngụy đi sứ sang nước Tề, nếu không cùng họ trở về nước, thì đó là người thiếu tín nghĩa. Như vậy, về sau tôi còn mặt mũi nào để làm người ? Viên thuyết khách trở về báo lại với Tề Vương. Nghe qua, Tề Vương lại càng kính trọng Phạm Thư hơn, nên đã ban cho ông mười cân vàng, còn ban thêm cả bò và rượu. Phạm Thư lần đầu tiên đi sứ, trên vai có trách nhiệm nặng nề, vậy làm sao dám nhận lễ vật riêng của nước Tề ? Do vậy một lần nữa ông lại từ chối. Tu Dã là người giữ vai trò chính sứ, thế mà bị vua Tề cư xử với một thái độ lạnh nhạt. Trong khi đó, vua Tề lại ban nhiều ân huệ cho người tuỳ tùng, trong lòng ông ta cảm thấy thật bất mãn. Sau khi nghe Phạm Thư báo cáo mọi việc đúng sự thật, Tu Dã ra lệnh cho Phạm Thư niêm phong số vàng để trả lại cho vua Tề, riêng bò và rượu thì giữ lại. Phạm Thư không nói gì, chỉ tuân theo lệnh của Tu Dã. Nhưng ông không làm sao ngờ được, mình đi sứ sang nước Tề không hề bị lợi lộc quyến rũ, giữ khí tiết một cách trong sạch, luôn đứng trên lập trường chính khí, thế mà lại bị kẻ tiểu nhân hại ngầm, suýt nữa mất mạng. Sau khi trở về nước Ngụy, Tu Dã đã báo cáo lên Thừa tướng của nước Ngụy là Ngụy Tề, bảo Phạm Thư sang Tề đã tự ý nhận hối lộ, và đã bán rẻ tin tức mật của nước Ngụy cho Tề, làm nhục sứ mạng của người đi sứ. Ngụy Tề nghe qua cả giận, không cần biết trắng đen phải trái, ra lệnh cho người bắt Phạm Thư rồi dùng cực hình để tra tấn. Phạm Thư vô cớ bị cực hình, tất nhiên là không tâm phục. Ông đã bị tra tấn đến cả người bầm dập, máu me đầy mình, thịt nát răng rụng, hết sức bi thảm. Phạm Thư vốn là người ôm ấp chí lớn, muốn thi thố tài năng của mình với đời, thế mà nay chưa làm được gì, há lại chịu chết oan như thế hay sao ? Khi nghĩ tới đây, ông bèn giả vờ chết, để chờ cơ hội thoát thân. Nghe tin Phạm Thư đã chết, Ngụy Tề đích thân xuống xem qua, thấy thân thể Phạm Thư máu me đầm đìa, không còn một chỗ da lành lặn, nằm thẳng chân dưới đất không cử động, bèn sai tôi tớ dùng chiếu bó xác Phạm Thư lại, rồi đem vứt ra cầu xí. Lại bảo những tân khách ở trong nhà thay nhau đái lên xác chết của Phạm Thư, để ông dù có thành ma thành quỷ, cũng bị nhơ nhớp. Ngụy Tề muốn lấy hành động đó để răn đe những người chung quanh. Trời mỗi lúc càng tối, Phạm Thư từ trong chiếu mở mắt ra lén nhìn, thấy bên cạnh có một người tôi tớ ngồi canh giữ. Ông bèn nói khẽ với người này : - Tôi bị trọng thương đến như vầy, dù vẫn còn tỉnh táo nhưng chắc chắn không sao sống được. Vậy xin ngài hãy thương tình cho tôi được chết ở trong nhà, để người nhà tôi tiện việc tẩn liệm. Như vậy người nhà tôi sẽ tạ ân cho ngài. Người tôi tớ này trông thấy cảnh ngộ của Phạm Thư cũng thương hại, lại tham lam tiền bạc mà Phạm Thư đã nói đến, nên vào báo dối với Ngụy Tề rằng : - Bẩm ngài, Phạm Thư đã chết từ lâu rồi. Ngụy Tề lúc đó đang dự tiệc với các tân khách, uống rượu đã say, nên không có thì giờ đi kiểm tra lại xem đúng sự thật hay không, bèn ra lệnh cho người tôi tớ mang xác Phạm Thư vứt ra đồng hoang. Chờ cho người tôi tớ bỏ đi, Phạm Thư cắn răng chịu đau, cố bò trở về nhà, rồi bảo người nhà đem chiếc chiếu vứt trở lại chỗ cũ, để che mắt thiên hạ. Sau đó, Phạm Thư lại đi tìm gặp một người bạn thân là Trịnh An Bình nhờ người này giấu mình vào nhà dân, rồi đổi tên thành Trương Lộc. Phạm Thư dặn dò người nhà sáng sớm ngày hôm sau thì phát tang. Quả nhiên đúng như mọi sự tiên liệu của Phạm Thư, qua ngày hôm sau, khi Ngụy Tề tỉnh rượu, bèn có lòng nghi ngờ Phạm Thư chưa chết, nên lại sai người ra đồng hoang để xem qua, thấy chỉ còn một manh chiếu nên lại cho người đến nhà Phạm Thư để dò xét. Người này tới nơi, thấy gia đình Phạm Thư đang làm lễ tang, nên tin Phạm Thư đã chết thực, còn xác thì bị chó hoang tha đi ăn hết rồi. Từ đó, Ngụy Tề mới không còn nghi ngờ chi nữa.