Phạm Lãi thúc ngựa chạy suốt đêm, hối hả trở về Đô Thành nước Việt là Cối Kê. Việt Vương vừa trông thấy Phạm Lãi, liền vội vàng nói: - Nhanh lên ! Binh mã chuẩn bị cho khanh đã sẵn sàng. Vậy chúng ta hãy xua quân cùng đánh một trận sống chết với quân xâm lược của Ngô Quốc ! Thì ra, kẻ thù truyền kiếp của nước Việt ở phương Bắc là Ngô Vương Phù Sai, đích thân chỉ huy hai cánh quân do tướng quốc Ngũ Viên và Thái tổ Bá Bỉ gồm một vạn binh mã, ồ ạt đánh vào nước Việt. Mục đích cuộc chiến tranh này của Ngô Vương là để trả thù tiên vương Hạp Lư của nước Ngô trước đây đã bị quân Việt đánh bại, mang thương tích và đã từ trần. Sau khi Phạm Lãi hỏi rõ địch tình, suy xét tình thế lúc bấy giờ, bèn nói : - Theo thần thấy, chi bằng nên cầu hòa với Ngô Quốc, cắt cho họ một ít đất, thưởng cho họ một ít tài vật, rồi sau này sẽ tìm cách đối phó. Việt Vương Câu Tiễn lắc lư chiếc mão vua đỉnh bằng đang đội trên đầu nói : - Không được ! Không được ! Lời nói của nhị vị đại phu sẽ giúp cho khí thế của quân địch thêm cao, uy phong của ta thêm nhục. Ngô Quốc là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta. Nay họ đã kéo binh đánh ta, thì chúng ta không thể có thái độ sợ địch như sợ cọp. Tục ngữ nói : "giặc đến thì chống, nước đến thì chận". Binh mã của Ngô Quốc không có gì đáng sợ. Vậy hãy đánh, quả nhân đã quyết tâm đánh chúng rồi! Việt Vương Câu Tiễn bác bỏ tất cả những lời bàn của các đại thần chung quanh, đích thân chỉ huy ba vạn binh mã, được Phạm Lãi và Văn Chủng cùng một số văn võ đại thần khác theo hộ vệ, bắt đầu lên đường nghênh chiến. Thủy quân của hai nước đã giao phong tại phù Tiêu, thuộc vùng Thái Hồ. Ngô Vương phù Sai đứng trên thuyền chỉ huy. Ông ta là một nhà vua trẻ tuổi, tinh thần đang hăng, mình mặc khôi giáp, chính tay đánh trống chiến để thúc quân. Do vậy, tất cả tướng sĩ của Ngô Quốc đều tỏ ra hết sức dũng cảm. Họ lại nhờ gió thổi xuôi, nên trương buồm cho chiến thuyền xông thẳng vào đội ngũ của quân Việt. Mặc dù quân Việt liều chết chống trả, nhưng vì binh mã quá ít, đã bị đánh đại bại. Đại tướng Linh Như Thuần, và Tư Ngạn của quân Việt đều bị thương và bị chết trận. Phạm Lãi và Văn Chủng dẫn tinh binh, một người ở phía trái, một người ở phía phải bảo vệ Câu Tiễn, mở đường máu chạy thoát vòng vây. Nhưng quân Ngô bỏ thuyền đổ bộ, truy kích tới cùng. Câu Tiễn chạy đến núi Cối Kê thì cố thủ, không ra nghênh chiến. Quân Ngô bèn vây kín cả khu núi, dù nước cũng không thể chảy lọt. Câu Tiễn kiểm điểm lại binh mã, thấy số quân giữ núi chỉ còn năm nghìn người. Ông ta hết sức hối hận vì lúc ban chịu không chịu nghe theo lời khuyên của Phạm Lãi, nên mới lâm vào tình thế bi đát như thế này. Nhà vua nhìn cờ xí của quân Ngô san sát như rừng ở dưới chân núi, cũng như nghe tiếng hò reo vang rền của họ, không khỏi cuống cuồng cả lên, hoàn toàn không thể nghĩ ra được cách đối phó hay ho nào, mà chỉ biết than vắn thở dài mà thôi. Lúc bấy giờ Phạm Lãi mới nói : - Bẩm Đại vương, bây giờ nếu giảng hòa tuy đã muộn, cũng như người bị mất dê rồi mới sửa chuồng, nhưng vì sự tồn vong của quốc gia, chúng ta dù phải cắt đất bồi thường cũng không tiếc. Nhất là Đại vương còn phải nghĩ đến việc sang tận Ngô Quốc để dâng lễ vật và tạ tội với họ nữa. Câu Tiễn mếu máo, nói : - Quả nhân thấy chỉ còn cách đó mà thôi. Nhưng liệu Ngô phù Sai có chịu ký hòa ước với ta, trong khi hắn đắc thắng như thế này không ? Văn Chủng đứng bên cạnh, cũng nói : - Chìa nào thì mở ổ khóa nấy. Giờ đây chúng không nên đi gặp Phù Sai ngay, mà nên tìm gặp Bá Bỉ trước. Câu Tiễn trừng mắt tỏ ra không hiểu, lên tiếng hỏi: - Tại sao phải làm như vậy ? Văn chủng đáp : - Phù Sai có hai vị đại thần được xem là cánh tay mặt, cánh tay trái của ông ta. Ngũ Viên là một đại thần trung kiên, dũng cảm, còn Bá Bỉ là một tên tham lam háo sắc. Vậy chúng ta nên đi tìm Bá Bỉ, tặng cho lễ vật trọng hậu để mua chuộc ông ta trước, rồi nhờ ông ta khuyên Phù Sai ký hòa ước với mình. Phạm Lãi cũng nói : - Kế đó rất tốt, vậy mong Đại vương nên nghe theo. Câu Tiễn gật đầu đồng ý. Phạm Lãi bèn nhờ Văn Chủng mang hai vạn lạng vàng và hai mỹ nữ, thừa đêm tối lẻn đến doanh trại của Bá Bỉ. Quả nhiên Bá Bỉ là một người ham của háo sắc, vừa trông thấy vàng và gái thì tươi cười ngay. Đêm đến, ông ta tới trướng trung quân của Ngô Phù Sai, uốn ba tấc lưỡi khuyên Phù Sai nên làm một ông vua có nhơn nghĩa, biết tích đức, đừng dồn người vào bước đường cùng, nên cho phép nước Việt được xin cầu hòa. Qua ngày hôm sau, khi Phù Sai tiếp kiến Văn Chủng, thì Văn Chủng đã dùng những lời nói hạ mình, khiêm tốn, hứa hẹn với Ngô Phù Sai, sẽ đem tất ca tiền tài gấm vóc cũng như thiếu nữ xinh đẹp ờ nước Việt sang cống hiến cho Ngô Quốc. Ngoài ra, vợ chồng của Việt Vương còn đích thân tới Ngô Quốc để nghị hòa và xin tội, bằng lòng làm nô bộc cho Ngô Vương. Phù Sai nghe thế đã mềm lòng, bèn đồng ý ngay. Khi Ngũ Viên biết được đã ra mặt phản đối, Ngô Phù Sai không bằng lòng nghe theo, làm cho Ngũ Viên tức tối giậm chân nói : - Làm như vầy thì có khác nào thả cọp trở về rừng đâu ! Ngô Vương Phù Sai đã nhanh chóng tháo vòng vây tại núi Cối Kê. Câu Tiễn dẫn tàn binh của mình trở về đô thành. Ông ta cho người kiểm lại số vàng bạc châu báu cất trong quốc khố, cũng như chọn người mỹ nữ tuyệt đẹp ở hậu cung đưa sang dâng hiến cho Ngô Quốc Phù Sai. Sau đó, ông rơi lệ nói : - Này Phạm ái khanh, quả nhân biết ngài là người kinh luân đầy bụng, có tài năng an bang trị quốc. Nay quả nhân và phu nhân phải sang tận Ngô Quốc để xin tội, vậy ngài hãy ở lại thay quả nhân lo liệu đất nước đã rách nát này. Phạm Lãi thấy Đại vương tín nhiệm mình như vậy, trong lòng rất cảm động. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, ông nói: - Vi thần xin cảm tạ lòng tín nhiệm của Đại vương. Nhưng, việc cai trị quốc gia, phủ dụ bá tánh, thần không bằng Văn Chủng. Trái lại, đối phó với địch quốc, biết tùy cơ ứng biến, thì Văn Chủng không bằng thần, vậy theo ý thần chi bằng đề cho thần theo Đại vương sang Ngô Quốc, còn Văn Chủng ở lại cai trị nước nhà được chăng ? Câu Tiễn đáp : - Lần sang nước Ngô này là phải sống lâu dài bên cạnh kẻ thù. Sống bên cạnh kẻ thù thì có khác gì sống bên cạnh cọp dữ, vô cùng nguy hiểm đấy ! Phạm Lãi nói : - Không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con. Vì nước nhà, vì Đại vương thần dù có chết vạn lần cũng không từ chối ! Câu Tiễn thấy thái độ và lời nói của Phạm Lãi đều rất khẩn thiết, không có một tí gì gọi là miễn cưỡng, nên rất cảm động, nói: - Nhà nghèo mới thấy con thảo, nước loạn mới thấy tôi trung. Này Phạm ái khanh, ngài chính là một đại trung thần đấy !