Hai năm sau khi duyệt binh tại Mạnh Tân, Châu Võ Vương cho rằng thời cơ các mặt đã chín mùi, có thể phát binh. Đông chinh để tiêu diệt triều Thương Trụ. Nhà vua bèn cho mời Thái Sư và những văn võ đại thần trong triều đình như Châu Công, Thiệu Công, Nam Cung Thích, đến để cùng thương nghị. Khương Thái Công nói trước tiên : - Trước kia lão thần từng nói với Văn Vương, một vị quân vương trước tiên phải thể hiện đạo đức phải chiêu hiền đãi sĩ, phải thi ân đối với nhân dân, làm cho quốc gia mỗi ngày thêm cường thịnh. Đồng thời, phải quan sát sự cát hung của thiên đạo, phải chờ cho có thiên tai xảy ra, và lại có những nhân họa xuất hiện, thì mới có thể sách hoạch việc chinh phạt được. Giờ đây Trụ Vương đã cho xây “Nhục Lâm Tửu Trì” tạo ra những dụng cụ cực hình như "Bào lạc, Sai bồn" (bồn đựng bọ cạp để cắn tội nhân), mổ tim vị trung thần Tỷ Cang, bắt ép người huynh trưởng là Vi Tử phải ra đi, làm cho cả triều đình lẫn ngoài dân gian không đâu được yên, lòng dân oán hận sôi sục. Hiện nay Trụ Vương đang lâm vào tình thế người thân xa lánh, bá tánh sẵn sàng đứng lên làm phản. Chẳng riêng người trong nước gồng gánh nhau bỏ trốn đi nơi khác, mà ngay đến Vương công quý tộc cũng trở mặt xa lìa ông ta. Gần đây nhất, Đông Di và một số bang quốc ở phía Nam đã đua nhau đứng lên chống lại Thương Trụ, khiến ông ta phải điều động đại quân đi đàn áp. Thậm chí, ông ta đưa cả ngự lâm quân gồm “ba trăm sáu chục người" của ông ta đi về phía Đông Nam để đánh giặc. Do vậy, tại Triều Ca đã hoàn toàn trống rỗng. Triều đình nhà Thương hiện nay nguy khốn như vậy mà Trụ Vương vẫn một mực lo hoang dâm sa đọa. Đấy chính là dấu hiệu mất nước đến nơi. Tôi từng quan sát đồng ruộng của ông ta, thấy cỏ hoang mọc phủ cả mạ mới cấy. Tôi cũng từng quan sát quần thần của ông ta, thấy bọn dua nịnh áp đảo những người ngay thẳng công bình. Tôi cũng từng quan sát quan lại của ông ta, thấy chúng đều là một phường bạo ngược tàn nhẫn, tùy tiện giết người, không coi pháp luật ra gì. Thế mà bọn chúng vẫn u mê không thức tỉnh, vậy đúng là thời điểm diệt vong của chúng đã đến rồi. Cho nên tôi hết sức tán thành duyệt binh để thảo phạt Thương Trụ. Châu Công, Thiệu Công, Nam Cung Thích và một số đại thần khác đều tán thành ý kiến của Khương Thái Công. Võ Vương thấy mọi người đều nhất trí nên hết sức vui mừng, bèn ra lệnh cho Thái sư bói toán để biết cát hung. Thái sư liền bày bàn hương án, khấn vái trời đất, rồi lắc ống xăm để bói toán. Mọi người đều tập trung tia mắt theo dõi kết quả cuộc bói toán đang tiến hành. Quẻ bói của Thái Sư là quẻ "Sư quái lục ngũ chi hào". Thái Sư mở lời bàn ra xem, thấy lời bàn chỉ viết tám chữ : "Trưởng tử soái sư, đệ tử dư thi" có ý nghĩa là, nếu Võ Vương chỉ huy binh mã xuất chinh, thì sẽ dùng xe chở xác chết của tướng sĩ trở về. Thái Sư không khỏi kinh hoàng thất sắc. Võ Vương xem qua lời bàn, sắc mặt cũng sa sầm nguy. Châu Công, Thiệu Công, Nam Cung Thích cũng nhìn nhau ngơ ngác, không biết nói gì hơn. Một bầu không khí lo âu khiến cho mọi người cảm thấy hết sức ngột ngạt, khác hẳn sự vui vẻ phấn khởi lúc ban đầu. Bầu không khí đó kéo dài khá lâu. Châu Công thấy ý trời như vậy, biết không thể cãi lại được, bèn nói : - Chi bằng hãy tạm hoãn việc xuất binh, chờ sau này rồi sẽ tính. Võ Vương vốn đang nôn nóng cử binh phạt Trụ, nghe Châu Công nói thế, giận dữ hỏi : - Chúng ta đa chuẩn bị nhiều năm qua, chỉ chờ có ngày hôm nay. Hiện giờ Trụ Vương vẫn tàn bạo ngang ngược, khiến cho trời hờn người oán, ai ai cũng căm thù, vậy chả lẽ trời xanh còn bảo vệ cho ông ta hay sao ? Lời nói của Võ Vương vừa dứt, thì trên trời bỗng sấm nổ ầm ầm, điện chớp sáng ngời, gió to cuốn tới. Một trận mưa to trút xuống như cầm tỉnh đổ. Trong trận mưa to này, còn mang theo cả những hạt đá to bằng quả trứng gà, đánh vỡ cả ngói, làm gãy cả nhành cây. Mới đầu Đông mà đã xảy ra hiện tượng này thật là quái lạ. Đứng trước hiện tượng thiên nhiên bất ngờ trên, bá quan văn võ đều vô cùng lo sợ. Ngay đến Võ Vương cũng sợ đến mặt mày tái mét. Chả lẽ ông trời thật sự đang nổi giận hay sao ? Chả lẽ Trụ Vương là một nhà vua tàn ác nhưng không thể chinh phạt được hay sao ? Lúc bấy giờ chỉ có Khương Thái Công vẫn bình tĩnh như thường, ung dung nói : - Gió, tuyết, mưa, mưa đá, là chuyện thường tình của trời đất, không có chi mà phải sợ hãi. Việc nước ta cử binh chinh phạt ân Trụ, chính là thế thiên hành đạo, làm theo ý trời, chinh phạt kẻ hung tàn để cứu dân đen là một nghĩa cử. Như vậy, chắc chắn trời cao sẽ phù hộ cho chúng ta được thành công. Vậy, tôi có một kiến nghị, chọn một ngày hoàng đạo cát nhật khác, thỉnh Võ Vương đứng ra tế trời, rồi chính nhà vua bói một quẻ xem việc hung cát ra sao. Đến chừng đó sẽ tùy nghi định đoạt. Không rõ các vị thấy thế nào ? Võ Vương và các đại thần nghe qua lời của Thái sư, trong lòng tạm thấy ổn định, bèn bàn bạc việc chọn ngày cát nhật, để Võ Vương tế trời rồi đích thân xem bói. Hôm ngày tế trời, Võ Vương bước lên đàn tế, thấp nhang lâm râm khấn vái : - Cơ Phát tôi cử binh phạt Trụ, tuân hành theo ý của trời, chinh phạt kẻ có tội để cứu dân, mong trời xanh phù hộ cho tôi được thành công ? Khấn xong, đích thân nhà vua tiến hành việc bói toán. Khi mở ra xem, thấy đó là quẻ “Thái quái sơ cửu hào”. Lời bàn nói : “Bạt mao như, dĩ kỳ hói, chinh cát”, nghĩa là mọi việc dễ dàng như nhổ cỏ, xuất chinh sự gặp đại cát. Võ Vương hết sức vui mừng, bèn đưa lời bàn cho quần thần xem. Xem xong, tất cả các đại thần đều vui mừng nhảy nhót. Võ Vương cảm thấy như trút được gánh nặng, bèn xuống lệnh: - Hãy nhanh chóng chuẩn bị xuất sư, đồng thời, thông tri cho chư hầu bốn phương, vào ngày Giáp Tý hội sư tại Mạnh Tân, để tiến hành thảo phạt Thương Trụ. Mùa đông, tháng mười hai, Võ Vương đích thân chỉ huy ba trăm cỗ binh xa, ba nghìn Hổ Bôn, bốn vạn năm nghìn giáp sĩ. Nhà vua lại sai Khương Thái Công làm Đại tướng tiên phong, rồi ồ ạt kéo binh về hướng Đông. Sau khi đại binh tới Mạnh Tân, thì chừng mười vạn quân sĩ của tám chư hầu gồm các bang quốc như Thục, Dung, Khương, Lư, Vi, Bành, Bộc v.v... đã tập hợp chờ đợi sẵn ở đó. Võ Vương đích thân tiến hành nghi lễ “Thái thệ” để cổ xúy tinh thần binh sĩ của mình, cũng như binh sĩ của tám trăm chư hầu, kêu gọi họ đồng tâm đoàn kết để chiến đấu. Việc dụng binh quý ở chỗ nhanh chóng. Hơn mười vạn đại quân đi bất kể ngày đêm. Sáng sớm ngày Giáp Tý, họ bất ngờ xuất hiện tại Mục Dã, một địa điểm cách ngoại ô kinh đô của nhà Thương hơn một trăm bốn chục dặm. Võ Vương một lần nữa cử hành đại hội thệ sư tại Mục Dã, và tuyên đọc bản “Mục thệ” hài rõ từng tội danh của vua Trụ, cổ xúy toàn quân đem hết tinh thần ra quyết chiến. Lúc bấy giờ mười vạn đại quân đều hết sức phấn khởi, người nào người nấy tinh thần rất cao, sẵn sàng chiến đấu để lập công diệt Trụ. Đại tướng tiên phong là Khương Thái Công dẫn bốn vạn quân giáp sĩ, đánh ập vào trận địa của quân đội nhà Thương một cách bất ngờ, với khí thế mạnh như một bầy cọp từ trên núi tràn xuống, như những con giao long từ dưới nước vươn mình vọt lên. Trụ Vương vì trở tay không kịp, nên chỉ còn cách hối hả điều binh khiển tướng. Nhưng đáng tiếc là bộ đội tinh nhuệ của ông ta đã được phái đi chinh phạt Đông Di rồi, trong thành hiện nay đang trống rỗng. Trụ Vương bắt buộc phải sử dụng những tên nô lệ ở trong thành đi tác chiến. Triều đình Ân Thương đúng là một đại quốc, với sự chấp vá bằng những tên nô lệ trong thành, họ cũng tổ chức được một đạo quân đến mười bảy vạn người, nghinh chiến với đại quân của Võ Vương. Nhưng, Khương Thái Công đã cho binh sĩ của mình cải trang thành quân đội triều đình Ân Thương, trà trộn vào đối phương từ lâu, tiến hành phao tin đồn nhảm, làm tan rã tinh thần binh sĩ của Thương Trụ. Khi họ trông thấy quân đội nhà Châu kéo tới nơi, nhất là họ biết rõ những người nô lệ bị bắt buộc, không có ý chí chiến đấu, nên đua nhau la to: - Võ Vương đã đánh vào Triều Ca rồi ! Trụ Vương đã tự sát rồi ! Bọn binh sĩ nô lệ của Ân Trụ nghe thế, liền khởi nghĩa ngay mặt trận, trở giáo chạy theo quân đội nhà Châu. Họ hướng dẫn quân đội của Võ Vương đánh thẳng vào Triều Ca. Thế là cánh quân gồm có quân đội của Võ Vương, kết hợp với quân nô lệ khởi nghĩa, ào ạt tiến đánh như chẻ tre, đến đâu thắng đó. Binh sĩ của Trụ Vương bị giết chết đầy đồng, máu chảy thành sông. Riêng Trụ Vương chẳng khác gì một con chó chết chủ, ngay trong đêm bỏ trốn khỏi Triều Ca. Ông ta thấy đại cục đã tiêu tan, bèn mặc áo mão nhà vua rồi lên Lộc Đài, nổi lửa tự thiêu. Lộc Đài là một kiến trúc do Thương Trụ bóc lột tiền tài của nhân dân xây dựng suốt bảy năm dài mới xong. Đài này cao hằng trăm trượng, khi ngọn lửa bốc cháy thì chẳng khác chi một bó đuốc khổng lồ, soi sáng khắp cả vùng kinh thành Triều Ca. Bá tánh ở trong thành cũng như ở ngoài thành, ngay trong đêm kéo ra ngoại ô, lập bàn hương án, quỳ lạy đón tiếp Võ Vương tiến vào thành. Võ Vương đứng lên tuyên bố để trấn an bá tánh, rồi ra lệnh cho hầu hết quân đội hạ trại đóng yên tại ngoài thành, còn mình và Khương Thái Công thì dẫn ba ngàn Hổ Bôn tiến vào Triều Ca. Võ Vương và Khương Thái Công cho quân đội dập tắt những đám cháy, rồi cùng bước lên Lộc Đài. Khương Thái Công nhìn thấy Trụ Vương đã bị lửa cháy sạm đen, hai mắt mở trừng trừng như hãy còn nuối tiếc, liền đưa tay chỉ thẳng vào xác Trụ Vương, mắng lớn : - Bớ tên hôn quân vô đạo ! Nhà ngươi đã hạ chết không biết bao nhiêu lê dân bá tánh, ta phải chặt lấy đầu ngươi để báo thù cho bá tánh trong thiên hạ, mà cũng để báo thù cho cha mẹ và cửu tộc ở Đông Di trước kia! Nói dứt lời, Khương Thái Công tuốt kiếm chém lấy thủ cấp của Trụ Vương. Võ Vương ra lệnh cho binh sĩ mang thủ cấp Trụ Vương treo lên sào cao, rồi đích thân mình lấy cung tên ra bắn vào chiếc thủ cấp đó ba phát để đánh dấu sự thống trị của triều nhà Thương đã chấm dứt từ đây.