Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 103101 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc
nhiều tác giả

- 7 -

Ngụy Vương biết tin Tần Vương mới dùng Trương Lộc làm Thừa tướng, nay muốn cử binh phạt Ngụy, nên cấp tốc triệu tập quân thần để bàn bạc cách đối phó.
Tín Lăng Quân Vô Kỵ nói:
- Binh Tần đã nhiều năm không xâm phạm biên cảnh của nước Ngụy, nay vô cớ lại cử binh tiến đánh, rõ ràng xem khinh ta không thể chống cự nổi với họ. Nếu vậy, ta nên đắp thành cao, đào hào sâu, dàn trận chờ đợi họ đến.
Tướng quốc Ngụy Tề nói :
. - Không thể được. Tần mạnh, Ngụy yếu, nếu đánh chắc chắn sẽ bị bại trận. Nghe đâu Trương Lộc Thừa tướng của nước Tần vốn là người Ngụy, vậy chả lẽ ông ấy không nghĩ đến một chút tình cố hương hay sao ? Nếu ta sai người mang vàng bạc châu báu, sang đút lót cho Thừa tướng Trương Lộc trước, rồi sau đó vào bái kiến Tần Vương, chịu nạp con tin, triều cống của cải gấm vóc rồi xin cầu hòa, thì hy vọng bảo toàn được cho nước Ngụy.
Lúc bấy giờ Ngụy Chiêu Vương đã chết, con là Tử An Ly Vương mới lên nối ngôi, chưa quen trận mạc, sợ chiến tranh, nên dùng kế sách của Ngụy Tề, sai Trung Đại Phu Tu Dã đi sứ nước Tần.
Tu Dã phụng mệnh nhà vua chở đầy vàng bạc châu báu nhắm kinh đô Hàm Dương xuất phát. Phạm Thư biết được tin này, vui mừng nói :
- Tu Dã đến đây, chính là một dịp tốt để ta trả mối thù xưa.
Ông bèn thay đổi y phục bình dân, làm ra vẻ hàn vi rách rưới, rồi lén rời khỏi phủ riêng, đến dịch quán nơi Tu Dã tạm nghỉ. Ông đi bộ vào dịch quán xin yết kiến Tu Dã.
Tu Dã vừa nhìn thấy Phạm Thư, không khỏi giật mình nói :
- Té ra Phạm tiên sinh được bình an vô sự sao ? Tôi nghĩ rằng tiên sinh đã bị Ngụy Tướng quốc đánh chết rồi, cớ sao lại có thể trốn được sang đây ?
Phạm Thư đáp:
- Trước kia tôi bị đánh đến chết ngất, nên bị bó xác đem ném ngoài đồng hoang. Ngày hôm sau tôi tỉnh lại may mắn gặp được một thương nhân đi qua nghe tiếng rên rỉ, nên đã cứu tôi. Tôi không dám trở về nhà, mà trốn tránh tìm đường lặn lội tới nước Tần này. Không ngờ hôm nay lại gặp được ngài Đại phu ở đây.
Tu Dã hỏi :
- Muốn đi du thuyết nước Tần chăng ?
Phạm Thư đáp :
- Trước kia tôi đã đắc tội với nước Ngụy phải trốn sang đây, được sống kể là hân hạnh quá rồi, có đâu nói đến chuyện quốc sự nữa ?
Tu Dã lại hỏi :
- Phạm tiên sinh sống ở đất Tần, làm nghề gì để sinh nhai ?
Phạm Thư đáp :
- Tôi đi làm đầy tớ cho người ta để kiếm cơm sống qua ngày.
Tu Dã bỗng cảm thấy thương hại, nên bảo ở lại ngồi chơi. Lúc bấy giờ đang mùa Đông, Phạm Thư mặc áo mỏng lại rách, nên có vẻ lạnh run. Tu Dã lên tiếng than :
- Phạm tiên sinh lại sa sút đến như vầy ư ?
Dứt lời, Tu Dã bèn sai người lấy một chiếc áo dài may bằng lụa dầy ra, trao cho Phạm Thư mặc, đồng thời lại mời Phạm Thư uống rượu và ăn uống. Phạm Thư nói :
- Tôi là người không xứng đáng mặc áo của đại phu.
Tu Dã nói:
- Giữa mình với nhau là người quen biết cũ, hà tất phải quá khiêm tốn như vậy ?
Phạm Thư bèn mặc chiếc áo vào, và đa tạ liên tiếp rồi hỏi :
- Đại phu tới đây có chuyện chi ?
Tu Dã đáp :
- Nay vị Thừa tướng họ Trương của nước Tần mới vừa lên điều hành chính sự, tôi muốn đến gặp gỡ. Nhưng chỉ đáng tiếc là không có ai quen để giới thiệu. Ông ở đây lâu ngày, vậy biết có ai quen với Trương Tướng quốc hay không. Nếu có, dẫn tôi vào gặp Trương Tướng quốc có được không ?
Phạm Thư đáp:
- Chủ nhân của tôi có mối quan hệ rất thân mật với Trương Thừa tướng. Tôi cũng có lần theo chủ nhân vào phủ Thừa tướng. Thừa tướng là người thích nói chuyện, nên thường hỏi chủ nhân tôi một số vấn đề. Nhưng có khi chủ nhân tôi không trả lời được. Thấy vậy, tôi liền mạn phép thay thế chủ nhân để trả lời. Thừa tướng cho rằng tài ăn nói của tôi rất tốt, nên thường ban cho tôi rượu và thức ăn. Sau một thời gian lâu, tôi và Thừa tướng cũng có mối quan hệ rất thân cận. Nếu ngài muốn gặp Thừa tướng, tôi có thể hướng dẫn ngài vào, và cùng đi chung với ngài đến đó.
Tu Dã nghe qua rất vui mừng, nói với Phạm Thư :
- Nếu vậy, thì xin phiền ông vào Tướng phủ hẹn ngày giờ trước giúp tôi.
Phạm Thư đáp:
- Thừa tướng hằng ngày rất bận rộn. Nhưng hôm nay Thừa tướng lại có rảnh, vậy tại sao chúng ta không đi ngay bây giờ.
Tu Dã nói :
- Cỗ xe to bốn ngựa kéo của tôi, bây giờ đang bị gãy trục, và một con ngựa cũng bị què chân, nên không thể đi ngay được, vậy biết làm sao ?
Phạm Thư đáp :
- Không sao, chủ nhàn của tôi có xe, có thể mượn để tạm dùng, vậy xin đại phu chờ giây lát, tôi sẽ về đánh xe tới đây.
Không chờ Tu Dã nói gì thêm, Phạm Thư liền cáo từ trở về phủ, lấy một cỗ xe lớn bốn ngựa kéo, rồi tự mình đánh thẳng đến trước cửa dịch quán, nói với Tu Dã :
- Xe ngựa đã chuẩn bị xong, vậy mời ngài lên xe, tôi sẽ đánh xe đưa đường cho ngài.
Tu Dã không nói chi thêm, vui vẻ bước lên xe. Phạm Thư cầm cương đánh xe đi về hướng Tướng phủ. Trên đường đi, mọi người nhìn thấy Thừa tướng tự đánh xe thì ai ai cũng ngó, và cung kính đứng nép hai bên đường, hoặc vội vàng lánh mắt. Tu Dã tưởng đâu những người đó kính nể mình, nào biết họ tỏ ra kính nể Phạm Thư.
Đến trước cửa Tướng phủ, Phạm Thư nói với Tu Dã :
- Đại phu hãy ngồi trên xe chờ tôi giây lát, để tôi vào bẩm báo giúp ngài một lời. Nếu Thừa tướng bằng lòng thì có thể vào yết kiến.
Nói xong, Phạm Thư bèn đi thẳng vào cổng Tướng phủ.
Tu Dã xuống xe đứng trước cổng chờ đợi thực lâu, chỉ nghe trong phủ có tiếng trống đánh, rồi có người ra trước cửa huyện lệnh :
- Thừa tướng thăng đường!
Các quan viên trong Tướng phủ đi lại rộn rịp, nhưng không thấy có tin tức gì về Phạm Thư cả.
Tu Dã bèn tới hỏi thăm người gác cửa :
- Một người cố tri của tôi là Phạm Thúc (tên tự của Phạm Thư) vừa đi vào Tướng phủ để thông báo, sao lâu quá không thấy trở ra, vậy ngài có thể giúp tôi vào gọi ông ấy chăng ?
Người gác cửa hỏi :
- Phạm Thúc mà tiên sinh nói đã vào phủ từ lúc nào ?
Tu Dã đáp
- Người đánh xe cho tôi khi nãy chính Phạm Thúc đấy.
Người gác cửa nói :
- Người đánh xe khi nảy chính là Trương Quân, Tướng quốc của nước chúng tôi. Ông ấy đi một mình đến dịch xá để thăm bạn, nên ăn mặc theo bình dân, tại sao lại có một Phạm Thúc nào xuất hiện nữa ?
Tu Dã nghe nói như bị sét đánh giữa giấc mộng, quả tim nhảy rộn lên, mồ hôi toát ướt cả áo, cất tiếng than rằng :
- Ôi ! Ta đã bị Phạm Thư dối gạt, như vậy là ngày chết của ta đã tới nơi rồi!
Lời tục thường nói : "Cô dâu dù xấu tới đâu cũng không thể tránh không ra mắt cha mẹ chồng". Tu Dã nghĩ bụng : Việc đã đến nước này, vậy chỉ còn cách là hạ mình xin tội mà thôi. Biết đâu Phạm Thư sẽ khoan dung tha ta khỏi chết ?
Do vậy, ông ta bèn cởi áo dài, bỏ dải lụa cột lưng, bỏ cả mão đội trên đầu, đi chân không, quỳ xuống ngay trước cổng Tướng phủ, rồi nhờ người vào báo và nói:
- Tội nhân ở Ngụy Quốc là Tu Dã đang quỳ ở ngoài để chờ chết !
Một lúc lâu sau, bên trong có lệnh của Thừa tướng truyền cho vào. Tu Dã càng thêm sợ hãi, gục đầu đi bằng hai đầu gối, theo cửa hông vào trong, và tiếp tục đi bằng hai đầu gối cho tới trước bệ, rồi dập đầu liên tiếp, miệng nói :
- Tội đáng chết !Tội đáng chết !
Phạm Thư với vẻ oai phong lẫm liệt ngồi trên ghế cao, lên tiếng hỏi :
- Này Tu Dã, ngươi biết tội ngươi chưa ?
Tu Dã phủ phục xuống đất, nói :
- Tôi biết tội rồi ! Tôi biết tội rồi !
Phạm Thư hỏi :
- Nhà ngươi biết nhà ngươi có mấy tội ?
Tu Dã đáp :
- Tội của Tu Dã tôi dù có nhổ tóc cũng khó đếm hết.
Phạm Thư nói :
- Nhà ngươi có ba tội : Mộ tổ tiên ta đều ở nước Ngụy, cho nên ta không muốn ra làm quan tại nước Tề. Thế mà ngươi đứng trước mặt Ngụy Tề đã ăn nói bừa bãi, làm điên đảo sự thật, bảo ta nào là cung cấp tin tức bí mật của nước Ngụy cho nước Tề, nào là ta làm gián điệp cho nước Tề, khiến Ngụy Tề cả giận. Đó là tội thứ nhất của ngươi. Khi Ngụy Tề nổi giận, dùng cực hình đối với ta, đánh ta đến đỗi da tan thịt nát, rụng bao nhiêu chiếc răng, mà nhà ngươi vẫn bình chân như vại, không hề lên tiếng can ngăn đó là tội thứ hai của nhà ngươi. Kịp khi ta bị đánh ngất lịm, bị vứt vào cầu xí, nhà ngươi lại dám dẫn tân khách đến đái trên mình ta. Đấy là tội thứ ba của nhà ngươi. Nay nhà ngươi đến đây, đáng lý ta phải chém đầu ngươi cho ngươi chịu đổ máu tại đất Tần, để rửa mối hận thù trước kia. Nhưng ta không làm như vậy, chủ yếu là vì thấy ngươi còn nghĩ tình cố nhân. Hồi sáng này ngươi còn tặng cho ta một chiếc áo dài bằng lụa dầy để mặc cho ấm, nên ta tha chết cho ngươi. Ngươi có biết không nào ?
Tu Dã dập đầu tạ ơn liên tiếp. Phạm Thư giũ tay áo đuổi hắn đi. Tu Dã vội vàng đi bằng hai đầu gối để trở ra ngoài. Kể từ đó, trong triều đình cũng như ngoài dân gian mới biết Thừa tướng Trương Lộc chính là Phạm Thư, người nước Ngụy.
Ngày hôm sau, Phạm Thư vào bái kiến Tần Vương, nói :
- Nước Ngụy sợ hãi, nên sai sứ là Tu Dã sang cầu hòa, để tránh động can qua. Đấy là do uy phúc của Đại vương cả.
Tần Vương nghe qua hết sức vui mừng, Phạm Thư tâu :
- Thần có một tội khi quân, xin Đại vương tha thứ thần mới dám nói thật.
Tần Vương hỏi :
- Khanh có tội khi quân gì. Vậy cứ nói ra, quả nhân không bắt tội đâu.
Phạm Thư tâu :
- Thần thực ra không phải có tên là Trương Lộc, mà thần chính là Phạm Thư, người nước Ngụy. Thần thuở bé mồ côi, nên phải đến xin vào làm xá nhân ở cửa Tu Dã. Có lần thần cùng đi với Tu Dã sang sứ nước Tề, Tề Vương đã bí mật tặng cho thần nhiều vàng bạc, nhưng thần cương quyết không nhận. Chẳng ngờ Tu Dã đem việc này báo lại cho Tể tướng của nước Ngụy là Ngụy Tề, bảo thần làm gián điệp, bán tin tức bí mật của nước Ngụy cho nước Tề. Ngụy Tề không cần biết phải quấy, trắng đen đánh đập thần cho đến chết. Cũng may mạng thần lớn, nên đã tỉnh lại, rồi đổi tên thành Trương Lộc bỏ trốn sang Tần, may mắn được sự hậu ái của Đại vương, cất nhắc lên giữ chức Thừa tướng. Nay Tu Dã phụng mệnh đi sứ sang Tần, nên tên thật của thần đã bị lộ. Vậy thần xin dùng lại tên cũ của mình, và mong Đại vương tha thứ.
Tần Vương nói :
- Quả nhân không biết khanh lại chịu hàm oan đến thế. Nay Tu Dã đến đây, có thể chém đầu hắn để hả cơn giận cho khanh.
Phạm Thư đáp:
- Tu Dã đến đây là vì chuyện chung giữa hai nước. Tự cổ, hai nước đã đánh nhau cũng không bao giờ chém sứ, huống hồ chi hiện nay ông ta đến đây để cầu hòa, như vậy thần nào dám lấy chuyện riêng để làm tổn hại tới chuyện công. Hơn nữa, kẻ nhẫn tâm giết thần chính là Ngụy Tề, không liên quan gì tới Tu Dã cả.
Tần Vương nói :
- Khanh biết đặt chuyện công lên trên chuyện tư có thể nói đấy là người đại trung rồi. Mối thù đối với Ngụy Tề, quả nhân nhất định sẽ trả giúp cho khanh. Riêng sứ giả của nước Ngụy tới đây thì tùy nghi khanh giải quyết.
Phạm Thư tạ ân lui ra. Tần Vương chấp nhận cho nước Ngụy được cầu hòa.
Sau mấy hôm, Tu Dã đến tạ từ Phạm Thư. Phạm Thư nói :
- Cố nhân đến đây, không thể không thết tiệc khoản đãi trọng hậu.
Dứt lời, Phạm Thư bảo xá nhân giữ Tu Dã ở lại, rồi ra lệnh cho thủ hạ bày tiệc thịnh soạn. Tu Dã thầm cảm ơn trời đất. "Thực xấu hổ ! Thực xấu hổ ! May mắn được Thừa tướng khoan hồng đại lượng, không nghĩ tới mối thù xưa. Thế mà còn được khoản đãi như thế này, đúng là thủ lễ thái quá”.
Phạm Thư lui vào trong, Tu Dã ngồi một mình ở đấy nhưng vì có lính canh gác, nên không dám đi đâu.
Chờ đến trưa, Tu Dã cảm thấy trong bụng trống rỗng. Nghĩ thầm : “Hôm trước tại dịch quán, ta mời Phạm Thúc dùng rượu thịt, nay tới phiên khách đãi lại để tỏ tình cố nhân. Nhưng, hà tất phải quá long trọng như thế này ?".
Một chốc sau, tiệc đã bày xong tại gian phòng to. Trong phủ phát ra thiệp mời để mời tất cả sứ thần các nước, và tân khách trong bản phủ, nhưng không thấy có thiệp nào đưa tới cho mình. Tu Dã nghĩ bụng :
- Có lẽ những người khách này mời đến dự tiệc cùng ta, nhưng không rõ họ là người nước nào ? Vậy chốc nữa đây, trong vấn đề vị trí ngồi, ta cũng phải kỹ lưỡng, không thể ngồi sai vị trí được.
Tu Dã đang suy nghĩ, thì thấy sứ thần và tân khách kéo đến đông đảo, và cùng bước lên bậc tam cấp. Người chủ quan buổi tiệc liền lên tiếng báo:
- Khách đã đến đủ!
Phạm Thư bước ra bàn tiệc để tương kiến. Sau khi thi lễ xong thì mạnh ai ngồi vào chỗ nấy. Tiếng nhạc hai bên hành lang cùng trỗi lên, nhưng không thấy ai đến mời Tu Dã cả. Lúc bấy giờ Tu Dã cảm thấy vừa đói vừa khát, lại vừa buồn rầu, xấu hổ, bực tức. Có thể nói sự phiền muộn trong lòng ông ta không thể hình dung ra được. Sau ba tuần rượu, Phạm Thư lên tiếng :
- Còn có một cố nhân ở đây, vừa rồi lại quên mất !
Tất cả khách khứa cùng đứng lên, nói :
- Thừa tướng có cố nhân tới, vậy chúng tôi cần phải lấy lễ để hầu.
Phạm Thư nói :
- Tuy đây là một cố nhân, nhưng không dám cùng ngồi chung bàn với các vị.
Phạm Thư bèn sai tôi tớ bày một chiếc bàn nhỏ ở phía dưới, rồi cho gọi sứ giả của nước Ngụy là Tu Dã vào. Ông lại sai hai bên tội đồ bị xâm mặt, ngồi kẹp hai bên. Trên bàn không để rượu và thức ăn, mà chỉ có một đĩa đậu rang chín. Hai tội nhân xâm mặt dùng tay bưng dĩa lên để đút cho Tu Dã ăn, giống như đút cho ngựa. Mọi người thấy thế cảm thấy khó hiểu, bèn hỏi :
- Tại sao Thừa tướng lại làm như vậy ?
Phạm Thư bèn kể rõ mọi việc cho tất cả mọi người nghe. Nghe xong, tất cả đều nói :
- Chuyện như vậy, thực khó trách tại sao Thừa tướng đã tỏ ra giận dữ.
Tu Dã mặc dù bị nhục, nhưng cũng không dám cãi lệnh, đành phải nhẫn nhịn ăn hết đĩa đậu rang để cho đỡ đói. Ăn xong, còn phải dập đầu cảm ơn.
Phạm Thư trừng mắt, giận dữ nói :
- Bớ Tu Dã, hãy nghe cho rõ lời nói của ta đây. Tần Vương mặc dù cho ngươi cầu hòa, nhưng mối thù của ta đối với Ngụy Tề là không thể không trả. Ta tha chết cho cái mạng kiến của nhà ngươi, để nhà ngươi trở về nói lại với Ngụy Vương, hãy mau chóng đem đầu Ngụy Tề sang đây dâng lên, và đưa cả gia quyến của ta sang Tân Quốc, thì hai nước mới giao hảo trở lại. Bằng không, ta sẽ đích thân dẫn quân sang tàn sát Đại Lương. Đến chừng đó, thì có hối hận cũng muộn đấy ?
Câu nói trên đã làm cho Tu Dã sợ đến bay hồn, vâng vâng dạ dạ liên tiếp rồi lui ra.
Tu Dã sau khi được Tần Vương bằng lòng cho nghị hòa, ngay đêm đó nhanh chóng trở về Đại Lương, đem những lời nói của Phạm Thư dặn dò, tâu lại cho Ngụy Vương nghe. Việc đưa cả gia quyến của Phạm Thư sang Tần là việc nhỏ, nhưng việc chém đầu Tướng quốc đưa sang Tần là việc làm tổn thương đến thể diện của đất nước. Do vậy, Tu Dã ấp úng thật lâu mới dám nói ra. Ngụy Vương nghe qua, đắn đo suy nghĩ. Riêng Ngụy Tề được tin này, vội vàng vứt bỏ quả ấn Tể tướng, ngay trong đêm bỏ trốn sang nước Triệu, đến tá túc tại nhà của Bình Nguyên Quân Triệu Thắng.
Sau đó, Ngụy Vương đã dùng xe sang trọng, chở theo vàng ròng hai trăm lạng, gấm vóc hằng nghìn xấp đưa gia quyến của Phạm Thư cùng đến Hàm Dương. Sứ giả nói rõ việc Ngụy Tề nghe tin đã bỏ trốn, nay tá túc tại phủ riêng của Bình Nguyên Quân, không can hệ chi đến nước Ngụy.
Phạm Thư đem việc đó tâu lên cho Tần Vương biết. Tần Vương nói :
- Triệu và Tần bấy lâu nay kết giao thân mật. Tại cuộc họp ở Mãnh Trì đã kết nghĩa làm anh em, lại đưa vương tôn là Dị Nhân sang làm con tin ở Triệu, để củng cố tình giao hảo giữa hai nước. Trước đãy, Tần cử binh đánh Hàn, vây Hàn tại Yên Dữ, Triệu phái tướng Lý Mục sang cứu Hàn, đánh bại quân Tần, quả nhân còn chưa hỏi tội, thế mà nay lại dám chứa kẻ thù của Thừa tướng. Kẻ thù của Thừa tướng tức là kẻ thù của quả nhân, vậy quả nhân nhất định sẽ cử binh phạt Triệu, một là để rửa hận bị bại binh tại Yên Dữ, hai là để đòi Ngụy Tề.
Tần Vương bèn xuống lệnh cử Vương Tiễn làm Đại tướng, chỉ huy hai mươi vạn binh mã kéo đi phạt Triệu, và đã liên tiếp chiếm được ba thành.
Triệu Vương nghe tin binh Tần tiến sâu vào đất mình, rất lo sợ. Lúc bấy giờ Lạn Tương Như bị bệnh nên đã cáo lão về hưu. Ngu Khanh được cử thay làm Tướng Quốc, bèn phái Đại tướng Liêm Pha dẫn binh chống giặc, đôi bên giằng co không ai thắng ai.
Ngu Khanh bèn nói với Huệ Văn Thái hậu :
- Sự tình rất khẩn cấp, vậy thần xin Trường An Quân đi sang làm con tin ở Tề, để xin Tề ra quân cứu Triệu.
Huệ Văn Thái hậu bằng lòng. Thế là nước Triệu đưa Trường An Quân là con nhỏ của Huệ Văn Thái hậu sang làm con tin tại nước Tề. Tề liền cử Điền Đơn làm Đại tướng, chỉ huy mười vạn quân đi cứu Triệu.
Được tin Tề cử binh cứu Triệu, tướng Tần là Vương Tiễn bèn tâu lên Tần Vương :
- Nước Triệu có rất nhiều tướng giỏi, lại có người hiền tài như Bình Nguyên Quân, không dễ chi đánh bại họ. Nay viện binh của Tề đã sắp tới nơi, vậy chi bằng rút quân về nước chờ có cơ hội sẽ tính sau.
Tần Vương nói :
- Không bắt được Ngụy Tề, quả nhân làm sao ăn nói với Ứng Hầu đây ?
Tần Vương bèn sai sứ sang gặp Bình Nguyên Quân, nói :
- Nước Tần cử binh phạt Triệu lần này, không có nguyên nhân chi khác, mà chỉ muốn đòi nước Triệu phải giao trả Ngụy Tề mà thôi. Nếu bằng lòng đưa Ngụy Tề ra, thì nước Tần sẽ lui quân tức khắc.
Bình Nguyên Quân nói với sứ giả :
- Ngụy Tề hoàn toàn không có ở tại nhà tôi, xin nói lại với Tần Vương đừng nghe lời đồn đại không đáng tin.
Sứ giả đi lại ba lần, nhưng Bình Nguyên Quân vẫn một mực không nhận nuôi giấu Ngụy Tề. Tần Vương không có cách nào, trong lòng cảm thấy kém vui, muốn tiếp tục đánh Triệu nhưng lại sợ Tề Và Triệu liên hợp chống trả, thắng bại không biết ra sao. Nhà vua cũng muốn rút quân trở về, nhưng vì chưa bắt được Ngụy Tề nên cảm thấy mất mặt. Trong cơn bối rối, nhà vua bỗng nẩy ra một ý, bèn viết thư tạ lỗi với vua Triệu, đại khái nói : "Quả nhân và ngài là anh em, quả nhân đã nghe lầm tin đồn đại, Ngụy Tề đang trốn trong nhà Bình Nguyên Quân, nên mới hưng binh để đòi giao ông ta lại cho nước Tần. Nếu không phải vậy, quả nhân há dám tùy tiện xâm phạm biên cảnh của Triệu ? Nay quả nhân bằng lòng trả lại ba thành đã chiếm của Triệu để giữ tình giao hảo như xưa, đôi bên qua lại như bình thường”.
Vua Triệu cũng phái sứ mang thư trả lời, cảm tạ việc Tần rút quân và trả lại thành trì đã chiếm. Điền Đơn nghe tin quân Tần đã lui, cũng rút quân trở về nước Tề.
Khi Tần Vương về đến Hàm Cốc Quan, lại sai người đưa thư đến cho Bình Nguyên Quân Triệu Thắng. Bình Nguyên Quân xé thơ ra xem, thấy viết : "Quả nhân được biết ngài là người có khí tiết trong sạch, cao quý, nên muốn cùng ngài kết bạn áo vải. Nếu ngài tin ở quả nhân, thì quả nhân bằng lòng cùng uống rượu với ngài suốt mười hôm, cho say mèm mới thôi".
Bình Nguyên Quân sau khi được thư, liền cầm bức thư vào ra mắt Triệu Vương. Triệu Vương cũng không biết phải làm thế nào để cho thích hợp, bèn triệu tập quần thần bàn qua kế hoạch đối phó. Tướng Quốc Ngu Khanh nói :
- Tần là một nước dữ như cọp, như sài lang. Trước kia Mạnh Thường Quân vào nước Tần suýt nữa không trở về được, huống chỉ bây giờ Tần Vương đang nghi Ngụy Tề trốn ở nước Triệu, vậy Bình Nguyên Quân đi vào Tần chắc chắn sẽ gặp rủi nhiều may ít, không thể đi được.
Liêm Pha nói:
- Trước kia Lạn Tương Như mang viên ngọc bích Hòa Thị đơn thân độc mã đi vào nước Tần, thế mà vẫn đem được viên ngọc trở về nước Triệu. Tần không dối gạt nước Triệu. Nếu không đi, thì sẽ bị Tần nghi ngờ thêm.
Triệu Vương nói :
- Quả nhân cũng thấy đó là ý tốt của Tần Vương, vậy không thể làm trái.
Nhà vua bèn sai Triệu Thắng đi cùng sứ thần đến Hàm Dương. Tần Vương vừa trông thấy Triệu Thắng thì tỏ ra rất vui mừng, ngày ngày bày tiệc cùng uống rượu với ông ta. Sau mấy hôm, Tần Vương nhân lúc uống rượu cao hứng, đưa cao ly rượu lên nói với Triệu Thắng :
- Quả nhân có một việc muốn nhờ ngài giúp cho, nếu ngài hứa thì xin uống cạn ly rượu này.
Bình Nguyên Quân đáp :
- Nếu Đại vương có lệnh, Thắng này nào dám không nghe.
Dứt lời, Triệu Thắng uống một hơi cạn ly rượu. Tần Vương bèn nói tiếp:
- Xưa kia Châu Văn Vương vừa được Khương Thượng liền phong làm Thái Công. Tề Hoàn Công được Quản Trọng liền phong làm Trọng Phụ. Nay Phạm Quân cũng là Thái Công, Trọng Phụ của trẩm. Phạm Quân có một người thù là Ngụy Tề, hiện đang ở trong nhà ngài, vậy ngài có thể sai người về lấy đầu ông ta, để rửa mối thù cho Phạm Quân, thì quả nhân sẽ hết sức vui mừng, nhất định sẽ ban cho ngài nhiều tiền tài, bảo vật.
Bình Nguyên Quân đáp:
- Thần nghe nói : "Sau khi phú quý mà vẫn còn giữ được tình bạn, là do giữa họ có mối tương giao trong hoạn nạn với nhau” . Ngụy Tề là bạn của thần, cho dù thật sự ông ta đang ở trong nhà thần đi nữa, thần cũng không nỡ bán đứng ông ta, huống hồ chi hiện giờ ông ta hoàn toàn không có ở trong nhà thần ?
Tần Vương thay đổi sắc mặt, nói :
- Nếu ngài không trao Ngụy Tề ra, thì quả nhân sẽ không cho ngài được ra khỏi quan ải !
Bình Nguyên Quân đáp :
- Việc cho ra khỏi quan ải hay không đó là quyền của Đại vương. Đại vương cho gọi thần đến bảo là để cùng uống rượu, thế mà lại dùng uy quyền để bắt ép thần, chả lẽ không sợ thiên hạ chê cười hay sao ?
Tần Vương biết Bình Nguyên Quân không chịu trao Ngụy Tề ra, nên vẫn giữ ở lại Hàm Dương, và giam lỏng tại dịch quán. Đồng thời, nhà vua sai người mang thư cho vua Triệu, đại khái nói : "Em trai của Vương là Bình Nguyên Quân đang ở tại nước Tần. Phạm Quân có kẻ thù là Ngụy Tề hiện đang trốn tại nhà Bình Nguyên Quân. Vậy, nếu sáng sớm ngày nay đưa đầu của Ngụy Tề sang Tần, thì chiều lại Bình Nguyên Quân sẽ trở về Triệu Quốc. Bằng không, quả nhân sẽ cử binh tiến sang nước Triệu, đích thân đòi cho được Ngụy Tề, và cũng không cho Bình Nguyên Quân ra khỏi quan ải. Vậy xin Vương nên cân nhắc kỹ lưỡng, rồi hồi âm nhanh chóng".
Triệu Vương xem thư xong vô cùng sợ hãi, bèn cho tập hợp quần thần lại, nói :
- Quả nhân có đâu lại bảo vệ cho một đại thần đang bỏ trốn của nước khác, để đánh đổi một vị "Trấn công tử" (tức công tử Trấn Quốc) của quả nhân ?
Dứt lời, nhà vua bèn phát binh đi bao vây phủ riêng của Bình Nguyên Quân, lục soát để tìm Ngụy Tề.
Các tân khách ở trong nhà của Bình Nguyên Quân có mối giao hảo tốt với Ngụy Tề, nên khi nghe tin, họ bèn để cho Ngụy Tề giữa đêm bỏ trốn, đến phủ riêng của Tướng quốc Ngu Khanh tạm trú. Ngu Khanh bèn nói với Ngụy Tề :
- Triệu Vương sợ Tần chẳng khác chi sợ cọp, không thể dùng lời nói để làm thay đổi ý định của nhà vua được. Vậy chi bằng hãy đến Đại Lương để nương nhờ Tín Lăng Quân. Tín Lăng Quân là người luôn chiêu hiền đãi sĩ. Những người bỏ trốn một tai họa gì đó khắp trong thiên hạ, thường đến nương nhờ, và được Bình Nguyên hậu đãi, che chở. Nhưng tất nhiên ngài không thể bỏ trốn một mình, mà tôi sẽ cùng đi với ngài.
Nói dứt lời, Ngu Khanh bèn cởi chiếc ấn đeo trong mình ra, viết thư tạ lỗi với Triệu Vương, rồi cùng Ngụy Tề lén ra ngoại ô. Ngu Khanh an ủi Ngụy Tề :
- Tín Lăng Quân là người đại trượng phu, hào phóng, chúng ta đến đó nương nhờ chắc chắn sẽ được nghênh đón ngay, tuyệt đối không bao giờ để cho chúng ta chờ đợi lâu cả.
Ngu Khanh đi bộ đến trước cửa phủ Tín Lăng Quân, nhờ người vào trong thông báo. Tín Lăng Quân thấy khách đến là Thừa tướng của nước Triệu, hết sức kinh ngạc, vội vàng mời vào phủ bày tiệc tẩy trần. Đồng thời, hỏi Ngu Khanh đến Ngụy là có chuyện chi. Ngu Khanh đang nôn nóng, nên kể đại lược chuyện Ngụy Tề đắc tội với nước Tần và chính mình đã bỏ ấn Thừa tướng để đưa ông ta tới đây cho Tín Lăng Quân nghe. Nghe xong, vì sợ nước Tần, nên Tín Lăng Quân có vẻ khó xử. Ông không muốn để cho Ngụy Tề được vào phủ riêng của mình, nhưng lại thấy Ngu Khanh đã từ nghìn dặm tìm tới đây, thật không tiện từ chối. Vì thế mà Tín Lăng Quân tỏ ra do dự, chưa quyết định dứt khoát.
Ngu Khanh nhìn thấy sắc mặt của Tín Lăng Quân có vẻ khó xử, không muốn tiếp nhận mình, nên cả giận bỏ đi. Tín Lăng Quân bèn hỏi các xá nhân trong phủ:
- Ngu Khanh là người như thế nào ?
Một xá nhân là Hầu Sinh đang đứng bên cạnh, cười to nói :
- Chả lẽ công tử không nhận ra hay sao ? Ngu Khanh đã dùng tài ăn nói của mình, tranh thủ được chức vị Thừa tướng của nước Triệu, lại được phong làm Vạn Hộ Hầu. Nay Ngụy Tề vì cùng đường nên phải tới nương nhờ Ngu Khanh, được Ngu Khanh không màn tước vị lợi lộc, cởi bỏ ấn Thừa tướng ra đi để tìm cách giúp đỡ cho Ngụy Tề. Thử hỏi trong đời này có mấy ai được như thế ? Công tử chả lẽ không nhận ra ông ấy là người hiền hay không hiền sao ?
Tín Lăng Quân nghe qua lấy làm xấu hổ, vội vàng vén tóc đội mão, rồi bảo người đánh xe đuổi theo ra ngoại ô.
Trong khi đó, Ngụy Tề nhóng cổ trông chờ thực lâu nhưng không thấy tin tức gì. Ông ta nghĩ bụng : “Ngu Khanh bảo Tín Lăng Quân là người đại trượng phu, hào phóng, nếu tới nương nhờ thì sẽ được nghênh đón tức khắc, thế tại sao đi lâu như vậy mà không thấy trở về. Chắc là chuyện không thành rồi !". Một chốc sau, Ngụy Tề thấy Ngu Khanh trở lại với đôi mắt ứa lệ, nói :
- Tín Lăng Quân không phải là người đại trượng phu. Ông ta sợ nước Tần trả thù nên đã có ý từ chối tôi. Vậy tôi sẽ cùng ngài tìm đường tắt đi vào nước Sở.
Ngụy Tề nói :
- Trước đây do nhất thời tôi không chú ý, nên đã đắc tội với Phạm Thúc, làm liên lụy đến Bình Nguyên Quân, rồi lại liên lụy đến tiên sinh nữa. Tiên sinh đã vì tôi mà không ngại gian khổ, vượt núi vượt sông đến Đại Lương, nhưng không ngờ bị người ta từ chối. Nay nếu tiếp tục đi sang nước Sở là nước mình chưa biết rõ nội tình, để tìm người che chở, để sống hết kiếp tàn thì chi bằng chết quách đi cho xong.
Nói dứt lời, Ngụy Tề rút thanh gươm ra tự sát. Ngu Khanh vội vàng bước tới đoạt lấy thanh gươm, nhưng không ngờ lưỡi gươm bén đã cắt đứt cổ họng Ngụy Tề rồi. Ngu Khanh đang hết sức đau đớn, thì cỗ xe của Tín Lăng Quân cũng đuổi theo kịp. Ngu Khanh nhìn thấy, vội vàng tìm cách lánh mặt, không gặp Tín Lăng Quân. Khi Tín Lăng Quân trông thấy xác chết của Ngụy Tề, bèn ôm xác khóc to, nói :
- Đây chính là cái lỗi của Vô Kỵ (tên tự của Tín Lăng Quân)
Lúc bấy giờ Triệu Vương chưa bắt được Ngụy Tề, lại hay tin tướng quốc Ngu Khanh đã bỏ đi, đoán biết hai người sẽ dẫn nhau sang nước Hàn hoặc nước Ngụy. Nhà vua bèn sai bốn phi kỵ tức tốc đuổi theo để bắt lại. Khi những sứ giả này đến ngoại ô kinh thành của nước Ngụy, được biết Ngụy Tề đã tự sát bèn vào tâu lại cho vua Ngụy biết, muốn cắt lấy đầu của Ngụy Tề để mang đi đánh đổi cho Bình Nguyên Quân được trở về nước Triệu. Tín Lăng Quân sai thủ hạ tẩn liệm xác Ngụy Tề, trong lòng cảm thấy rất bất nhẫn. Sứ giả nước Triệu bèn nói :
- Bình Nguyên Quân cũng giống như ngài vậy. Bình Nguyên Quân đối với Ngụy Tề rất có tình cảm không khác hơn ngài bao nhiêu. Ngụy Tề nếu còn sống, thì thần không bao giờ dám nói những lời nói này. Nhưng nay Ngụy Tề đã chết, vậy với một xác chết vô tri mà lại khiến cho Bình Nguyên Quân phải bị Tần bắt giữ, chả lẽ ngài nhẫn tâm hay sao ?
Tín Lăng Quân bất đắc dĩ, phải cắt lấy thủ cấp của Ngụy Tề, dùng một chiếc hộp đựng gọn, rồi phong kín trao cho sứ giả nước Triệu. Riêng xác của Ngụy Tề, ông cho mai táng ở ngoại ô thành Đại Lương.
Ngu Khanh sau khi cáo biệt thi thể của Ngụy Tề, cảm thấy cuộc đời quá nhiều điều hiểm ác, nên ngao ngán cho cuộc sống ở hồng trần, không muốn tiếp tục làm quan nữa. Rốt cục, Ngu Khanh đã đến núi Bạch Vân quy ẩn, và viết sách để phổ biến học thuyết của mình, với nội dung thường mỉa mai chê trách thế sự.
Sách này được gọi là “Ngu Thị Xuân Thu”. Có người làm thơ khen rằng :
Bất thị cùng sầu khẳng trước thư,
Thiên thu cao thượng thuyết Ngu hề.
Khả lân hữu dụng văn chương thủ,
Tướng ấn khinh phao tuần Ngụy Tề!
Dịch:
Không phải quá buồn đau viết sách ?
Nghìn thu cao thượng ấy Ngu hề.
Đáng thương người giỏi văn chương ấy,
Bỏ ấn từ quan theo Ngụy Tề !
Triệu vương bèn đem thủ cấp cửa Ngụy Tề cấp tốc đưa đến Hàm Dương. Tần Vương đem chiếc thủ cấp này tặng lại cho Phạm Thư. Phạm Thư hết sức cảm kích.
Sau khi mang thủ cấp về phủ riêng, Phạm Thư ra lệnh cho thợ làm đồ sơn chế tác chiếc thủ cấp thành một cái bô để tiểu đêm, và nói :
- Trước đây nhà ngươi sai xá nhân tiểu lên mình ta, vậy nay ta cho ngươi ở dưới cửu tuyền, luôn phải ngậm nước tiểu của ta mãi mãi!
Tần Vương thấy đã thực hiện được lời hứa, bèn dùng nghi lễ tiễn đưa Bình Nguyên Quân trở về nước Triệu. Một trận phong ba đã lắng đi từ đó.
Sau khi Phạm Thư rửa được mối thù, bèn nghĩ tới những ân nhân của mình là Vương Kê và Trịnh An Bình, bèn tâu lên vua Tần:
- Thần nguyên là một kẻ trốn chui trốn nhủi ở nước Ngụy, nếu không nhờ Vương Kê có lòng trung thành với Đại vương, chịu cho thần lánh nạn sang nước Tần, cũng như nếu không được sự anh minh của Đại vương, thì thần làm sao có được một đời sống phú quý như ngày hôm nay. Thế nhưng cho tới bây giờ, Vương Kê vẫn còn là một Yết Giả, cũng như Trịnh An Bình trước kia đã cứu thần ra khỏi nước sôi lửa bỏng, thế mà bây giờ vẫn chưa được trọng dụng. Vậy xin Đại vương gia ân cho hai vị này, để giúp thần có thể ơn đền nghĩa trả, dù thần có chết cũng không còn chi ân hận.
Tần Vương nói:
- Nếu Thừa tướng không nhắc thì quả nhân như quên mất.
Sau đó, vua Tần bèn cử Vương Kê đi làm Thái thú tại Hà Đông, còn Trịnh An Bình được cử làm Thiên Tướng Quân. Từ đó Tần Vương luôn luôn sử dụng những mưu lược của Phạm Thư, trước tiên tấn công nước Hàn và nước Ngụy, rồi sai sứ đi giao hảo với nước Tề và nước Sở.
Một hôm, Phạm Thư nói với vua Tần:
- Thần nghe Vương hậu của nước Tề là người hiền thục lại có mưu trí. Thần có một kế, vậy có thể phái người đến đây để thử. Nếu Vương hậu nước Tề làm được, thì ta không thể xâm phạm nước họ.
Tần Vương bằng lòng. Phạm Thư bèn sai sứ giả mang đôi vòng ngọc dính liền vào nhau, đến hiến lên cho Vương hậu nước Tề nói:
- Nếu nước Tề có người lấy được hai vòng ngọc này rời ra, thì vua Tần sẽ bái phục.
Vương hậu nước Tề bèn sai người đem búa sắt đến, rồi đập vỡ một vòng ngọc, để lấy vòng ngọc kia ra, nói với sứ giả của nước Tần :
- Xin sứ giả hãy về tâu lại với Tần Vương, là mụ già này đã mở được hai vòng ngọc ra rồi đấy !
Sứ giả về báo lại, Phạm Thư nói :
- Vương hậu của nước Tề đúng là bậc hào kiệt trong nữ giới, ta không thể xâm phạm nước họ.
Qua đó, nước Tần bèn ký kết liên minh với nước Tề, đôi bên không ai xâm phạm ai, giúp cho Tề sống được những ngày yên ổn.
Riêng Thái tử của nước Sở là Hùng Hoàn đến nước Tần để làm con tin. Nước Tần đã giữ Hùng Hoàn ở lại mười sáu năm mà chưa cho về. Nhân dịp có sứ giả nước Tần sang nước Sở để giao hảo, sau khi xong việc, sứ giả nước Sở là Chu Anh bèn theo sứ giả nước Tần đến Hàm Dương. Châu Anh cho biết Sở Vương hiện nay bệnh nặng, e khó qua khỏi, vậy xin Thái phó Hoàng Yết nói lại với Thái tử Hùng Hoàn :
- Sở Vương bệnh nặng mà Thái tử ở xa tận nước Tần, vạn nhất Sở Vương giá băng, không có Thái tử ở bên cạnh, các công tử khác sẽ lập mưu lên nối ngôi, thì xã tắc của nước Sở e không phải là của Thái tử nữa. Vậy thần xin Thái tử yết kiến Thừa tướng của nước Tần là Phạm Thư, để xin Tần cho Thái tử trở về Sở.
Thái tử đồng ý, Hoàng Yết liền đến phủ Thừa tướng, nói lại với Phạm Thư :
- Thừa tướng có biết Sở Vương đang bị bệnh nặng không ?
Phạm Thư nói :
- Sứ giả nước Sở có nói cho tôi biết rồi.
Hoàng Yết lại nói :
- Thái tử nước Sở đã ở làm con tin tại nước Tần từ lâu, có mối tương quan mật thiết với các đại thần ở nước Tần, nếu nay Sở Vương giá băng mà Thái tử lên nối ngôi, thì chắc chắn sẽ nhất mực cung kính nước Tần và trở thành nước bạn bè với Tần. Nếu Tướng quốc có thể nhân lúc này cho Thái tử trở về Sở để lên nối ngôi, thì Thái tử chắc chắn sẽ vô cùng cảm kích Tướng quốc. Trái lại, nếu không tha Thái tứ trở về, để những vị công tử khác lên nối ngôi nước Sở, thì Thái tử tiếp tục ở nước Tần sẽ chỉ là một người bình dân mà thôi. Hơn nữa, nếu người Sở thấy Thái tử của họ không được trở về, sau này sẽ không bao giờ đưa Thái tử đến Tần làm con tin nữa. Vậy thay vì để Thái tử Hùng Hoàn trở thành một người bình dân áo vải, từ đó mất thiện cảm với nước Sở, thì chi bằng nên kịp thời để Thái tử trở về Sở là hơn. Không rõ ý của Tướng quốc như thế nào ?
Phạm Thư gật đầu bằng lòng, nói:
- Lời nói của ngài đúng lắm
Bèn dựa vào lời của của Hoàng Yết tâu lên vua Tần. Tần Vương nói:
- Có thể bảo Thái phó là Hoàng Yết trở về Sở để xem bệnh tình của vua Sở trước. Nếu đúng là bệnh nặng, thì mới trở qua rước Thái tử.
Hoàng Yết nghe tin Thái tứ không thể đi cùng mình trở về nước Sở ngay, bèn bàn riêng với Thái tử :
- Tần Vương giữ Thái tử mà không chịu trả, tức muốn giở lại trò cũ. Như trước đây Hoài Vương vì quá nôn nóng, nên chịu cắt đất để cầu hòa. Vậy, nếu nước Sở cử người sang đây đón Thái từ thì lại trúng kế của nước Tần. Còn như không cử người sang đón Thái tử, thì Thái tứ sẽ vĩnh viễn trở thành tù binh của nước Tần?
Thái tử quỳ xuống đất, nói:
- Vậy theo ý Thái phó thì chúng ta phải tính sao ?
Hoàng Yết đáp :
- Với ngu kiến của thần, chi bằng Thái tử cải trang thành người bình dân rồi bỏ trốn. Hiện nay sứ giả của nước Sở sắp trở về nước, vậy không nên bỏ lỡ cơ hội quý báu này. Thần sẽ một mình ở lại nước Tần, mọi hậu quả do thần gánh hết ?
Thái tử nói :
- Nếu chuyện này mà thành, thì Thái phó sẽ là người làm chủ phân nửa giang sơn của nước Sở.
Hoàng Yết bèn tự mình đi gặp Chu Anh, đem kế hoạch Thái tử bỏ trốn nói cho. Chu Anh biết. Chu Anh hoàn toàn tán đồng. Thế là Thái tử Hùng Hoàn liền cải trang như bình dân, ngồi đánh xe rồi cùng sứ giả của nước Sở là Chu Anh vượt ra khỏi Hàm Cốc Quan. Lính canh giữ quan ải của nước Tần không hề phát giác được.
Hoàng Yết ở lại một mình tại lữ quán, Tần Vương ra lệnh cho ông ta trở về nước Sở để xem bệnh tình của vua Sở ra sao, nhưng Hoàng Yết bèn tâu :
- Thái tử đang có bệnh, không ai trông nom, vậy chờ Thái tử bình phục thì thần mới trở về Sở để thăm bệnh vua Sở được.
Nửa tháng sau, Hoàng Yết đoán biết Thái tử đã vượt ra khỏi Hàm Cốc Quan rồi, nên vào xin ra mắt Tần Vương, dập đầu tạ tội nói :
- Thần Hoàng Yết vì sợ Sở Vương giá băng bất ngờ, Thái tử sẽ không được nối ngôi, sau này sẽ không thể phụng sự cho nước Tần, nên đã tự mình để Thái tử trở về nước Sở. Nay chắc là Thái tử đã ra khỏi Hàm Cốc Quan, vậy thần có tội khi quân, vậy xin Đại vương xét xử, thần dù có chết cũng không oán hận.
Tần Vương cả giận nói :
- Người nước Sở đúng là xảo trá đa đoan, lại dám cả gan làm như thế ư ?
Tần Vương bèn sai tả hữu bắt Hoàng Yết mang đi chém. Tướng quốc nước Tần là Phạm Thư can rằng :
- Dù có chém Hoàng Yết thì cũng không thể bắt Thái tử nước Sở trở về. Trái lại vì đó mà hai nước sẽ tuyệt giao, không còn giữ được tình hòa hiếu nữa. Vậy chi bằng khen thưởng ông ta là người có lòng trung thành, rồi thả cho trở về Sở. Một khi Sở vương chết, Thái tử lên nối ngôi, Hoàng Yết chắc chắn sẽ được cử làm Thừa tướng. Như vậy, vua tôi của nước Sở sẽ cảm tạ ân đức của nước Tần, tất nhiên họ cũng sẽ một lòng vì nước Tần, và luôn chịu nghe theo mạng lệnh của nước Tần.
Tần Vương cảm thấy có lý, nên đã ban thưởng trọng hậu cho Hoàng Yết, rồi để ông ta được trở về nước Sở. Sau khi Hoàng Yết trở về được ba tháng thì vua Sở giá băng, Thái tử Hùng Hoàn lên nối ngôi vua, tức là Sở Khảo Liệt Vương, cử Thái phó Hoàng Yết làm Tướng quốc, và lấy vùng đất Giang Đông làm đất phong cho Hoàng Yết, ban hiệu là Xuân Thân Quân.

<< - 6 - | - 8 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 577

Return to top