Tại vùng núi Lục Bàn Sơn nằm về phía Bắc Tây Kỳ, có một nước nhỏ tên gọi Mật Tu Quốc. Người Mật Tu lấy nghề chăn nuôi làm chính, giỏi việc cỡi ngựa bắn cung. Thường vượt qua khu núi phía Bắc xâm nhập vào Kỳ Châu để cướp lương thực, bắt tráng đinh. Họ đến rất nhanh và rút lui cũng rất nhanh, rất khó đối phó, trở thành mối họa đáng lo cho Châu Văn Vương. Mùa Thu năm nay, khi đến thời điểm lúa mạch chín, có tin ngoài biên ải báo về cho biết, hai Vương tử của Mật Tu Quốc là Tây Cát và Hải Nguyên, dẫn một toán binh mã vượt qua quan ải, tiến sâu vào lãnh thổ nhà Châu, rồi tiếp tục tiến về hướng Tây Kỳ. Châu Văn Vương vội vàng tìm Khương Thái Công để bàn kế hoạch phá địch. Khương Thái Công nói : - Kình địch của Kỳ Châu tại biên cương phía Tây Bắc là Mật Tu, còn kình địch ở phía Đông chính là Sùng Quốc. Hai mối hại này nếu không trừ thì không thể khống chế được vùng đất Quan Trung. Một khi không thể khống chế được Quan Trung thì cũng không thể tiến hành đông chinh để phạt Trụ. Nếu không phạt Trụ, thì ý chí muốn tiêu diệt nhà Thương của đại vương cũng không thực hiện được. Đối với việc công phạt nước Mật Tu cũng như Sùng Quốc, thần đã có suy nghĩ đến từ lâu rồi. Cho dù họ không chủ động tìm tới xâm phạm ta, ta cũng phải tìm họ để đánh. Nay chúng chủ động kéo tới cửa ta, thì đấy quả là dịp may trời cho. Khương Thái Công bèn kề miệng sát tai Văn Vương nói nhỏ một lúc. Văn Vương nghe qua cả mừng, nói : - Thượng phụ đúng là người tính toán như thần, vậy cứ theo kế sách đó mà hành sự. Khương Thái Công biết hai Vương tử của nước Mật Tu kéo binh đến xâm phạm, mục đích chủ yếu là cướp lương thực tại lãnh thổ nhà Châu. Do vậy, ông bèn dặn dò Đại tướng Nam Cung Thích và Võ Cát, đối với việc chống lại Tây Cát và Hải Nguyên, không nên dàn binh đánh nhau, cũng không nên giết hại họ, mà phải tập trung lương thực lại, rồi phái bộ đội bảo vệ, giả vờ rút lui để dụ chúng tiến sâu vào khu vực bình nguyên của nhà Châu rồi bày mưu bắt sống chúng. Nam Cung Thích và Võ Cát tuân lệnh lui đi. Trong khi đó, Khương Thái Công dẫn binh mã đến cửa núi mà quân đội của Tây Cát và Hải Nguyên phải đi ngang, đào hầm làm bẫy, ngụy trang rất khéo léo, rồi cho bênh sĩ mai phục trong rừng hai bên núi, chờ đợi binh mã của nước Mật Tu kéo tới. Ít hôm sau, Nam Cung Thích và Võ Cát dẫn binh mã bảo vệ những cổ xe lương thực rút lui đến trước cửa núi. Tây Cát và Hải Nguyên thúc binh mả đuổi theo không buông tha. Lúc bấy giờ Nam Cung Thích bèn xuống lệnh cho bộ đội dàn trận chặn quân địch. Chờ cho từng cỗ xe chở lương thực vượt qua hẻm núi, xong thì cánh quân chận đường này cũng nhổ trại rút lui theo. Tây Cát và Hảí Nguyên không biết đây là mưu kế, nên vẫn tiếp tục thúc quân đuổi theo. Khi họ vừa xông vào cửa núi thì Tây Cát và Hải Nguyên cũng như binh sĩ tùy tùng của chúng đều rơi cả xuống hầm sâu. Quân đội Mật Tu thấy thế, rối loạn cả hàng ngũ. Trong khi họ chưa biết ất giáp gì, thì quân đội nhà Châu mai phục hai bên rừng núi, vừa hò reo vừa tràn ra sát phạt. Quân Châu còn dùng câu liêm để móc Tây Cát và Hải Nguyên kéo lên, bắt sống họ trói lại. Số binh sĩ của hai Vương tử Mật Tu này lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt sống, chỉ còn một thiểu số tuôn rừng chạy được trở về Mật Tu. Tây Cát và Hải Nguyên bị giải đến quân trướng của nhà Châu để gặp Khương Thái Công. Hai người thấy Khương Thái Công, không chịu quỳ xuống, mà to tiếng mắng chửi Khương Thái Công đã đùng gian kế để bắt họ, không kể là hảo hán. Khương Thái Công cũng to tiếng quát nạt họ một lúc, rồi sai người áp giải cả hai nhốt vào đại lao. Riêng đối với những tù binh bị bắt sống khác, Khương Thái Công ra lệnh thả cho họ về nước để gọi quốc vương của nước này đến xin lổi. Bằng không, thì nhà Châu sẽ giết chết hai Vương tử của họ. Quốc vương Mật Tu được binh sĩ bại trận chạy trở về báo cho biết hai vương tử đã bị nhà Châu bắt sống, thì trong lòng hết sức lo sợ, định đưa toàn lực binh mã còn lại ở trong nước, tiến đánh Tây Kỳ để cứu hai Vương tử. Nhưng vị quân sư của Mật Tu bèn lên tiếng can ngăn: - Vương tử tuy đã bị bắt sống, nhưng người Châu không giết họ ngay đâu. Vậy kế hay nhất hiện nay là Đại vương nên chọn một nghìn con ngựa tốt, một nghìn bò dê, lại mang theo vàng bạc, châu báu, đến Tây Kỳ để nài nỉ, không chừng người Châu sẽ nể tình Đại vương mà thả hai vị Vương tử ra. Riêng tôi sẽ dẫn theo ngàn tinh binh đi tập hậu, để bảo vệ Đại vương, đề phòng bất trắc. Quốc vương nghe qua lời nói của quân sư, thấy có lý nên cấp tốc sai người chọn ngựa, bò, dê, và vàng bạc châu báu, chờ ngay hôm sau sẽ đưa đến Tây Kỳ. Thám tử của quân Châu sau khi dò xét biết được chuyện này, bèn báo với Khương Thái Công. Thái Công lấy làm vui mừng, nói: - Kế ta đã thành công rồi ! Chỉ một vài hôm sau, Quốc vương Mật Tu đã đến Tây Kỳ. Văn Vương và Khương Thái Công đích thân ra thành nghênh đoán ông ta, mở tiệc khoản đãi rất thạnh tình. Trong khi dự tiệc, Quốc vương Mật Tu nói với Văn Vương : - Hai tên khuyến tử của tôi không kể chi phép nước, riêng tôi lại không biết dạy con, nên đã gây ra đại họa như thế này. Nay đích thân tôi tới để xin lỗi với Văn Vương, mong Văn Vương mở lượng khoan hồng, thả hai thằng khuyến tử của tôi ra. Được vậy, thì từ nay trở đi, tôi bằng lòng vĩnh viễn kết làm đồng minh với người Châu. Văn Vương chưa kịp nói gì thì một vị võ tướng có mặt tại bàn tiệc, đã tuốt gươm nghe một tiếng rẻng gằn giọng nói : - Mật Tu Quốc đã bao phen xâm phạm bờ cõi Kỳ Châu, quấy nhiễu bá tánh của nhà Châu ở vùng biên cảnh, cướp đoạt nhiều lương thực cửa chúng tôi. Những tội lỗi đó chính bản thân Quốc vương Mật Tu cũng khó chạy chối ! Vậy hôm nay hai tên thảo tặc đã bị bắt sống, thì cần phải mang ra chém đầu, có đâu lại tha một cách dễ dàng như vậy ? Vị võ tướng lên tiếng nói đó chính là Võ Cát. Các tướng có mặt nghe Võ Cát nói có lý, cũng đồng thanh nói to : - Hai tên thảo tặc này phải đem ra chém đầu mới được ! Họ vừa nói vừa tuốt kiếm ra cầm chặt trong tay, đôi mắt trợn tròn giận dữ, gầm hét rung chuyển cả buổi tiệc, ánh kiếm lập lòe, đằng đằng sát khí, khiến vua Mật Tu không khỏi sợ hãi đến toát mồ hôi, hai chân phát run, miệng há hốc, liếc mắt theo dõi thái độ của Văn Vương, chờ đợi nhà vua quyết định. Văn Vương nói : - Không phải tôi không nể tình Đại vương, nhưng vì quí quốc trong nhiều năm qua thường kéo quân tới quấy nhiễu, khiến nhân dân tề quốc vô cùng phẫn nộ. Nếu không trừng trị hai vị công tử của quý quốc, thì e rằng nỗi bực tức của bá tánh khó xóa bỏ được ! Quốc vương Mật Tu nghe Văn Vương nói như vậy, đang định to tiếng cãi lại, thì bỗng có một thủ hạ của ông ta nhẹ chân đi vào báo cho biết, năm trăm binh mã tinh nhuệ mà quân sư dẫn theo, đã lọt ổ mai phục của quân Châu và đại bại, bỏ chạy trở về nước hết rồi. Quốc vương Mật Tu nghe vậy, không khỏi kinh hoàng thất sắc, vội vàng quỳ mọp trước mặt Văn Vương, van xin : - Tiểu nhân thật đáng chết, vậy xin Đại vương tha thứ. Nếu tôi bị mất đi hai công tử này, thì có thể nói hậu duệ của Mật Tu sẽ không còn nữa. Vậy xin ngài hãy niệm tình, từ nay nước Mật Tu chứng tôi bằng lòng trở thành một nước phụ thuộc của Kỳ Châu, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh của Đại vương sai khiến. Đến chừng đó Văn Vương mới đỡ Quốc vương Mật Tu đứng lên, ngỏ ý bằng lòng cùng nhau thương lượng. Khương Thái Công thấy thời cơ đã đến, bèn sai người lấy giấy bút để Quốc vương Mật Tu viết lại những lời mình đã nói, ký tên, lăn tay để làm bằng chứng, rồi mới nói với Quốc vương Mật Tu : - Không phải tệ quốc ép uổng chi ngài, mà thực ra vì thái tử của quý quốc đã hành sự quá đáng. Nay Đại vương đã bằng lòng ký kết làm đồng minh với Kỳ Châu, thì đôi bên trở thành người một nhà, vậy chúng tôi đâu lại làm hại quý công tử nữa ? Tuy nhiên, muốn thả hai người ra, mong Đại vương sẽ giúp cho Kỳ Châu một chuyện nhỏ. Quốc vương vội vàng hỏi: - Giúp cho chuyện gì ? Xin nói rõ ! Thái Công nói : - Sùng Quốc là nước từ bấy lâu nay giao hảo với quý quốc Vậy xin ngài hãy thuyết phục Sùng Quốc, để nước này giữ thái độ trung lập trong mối tương quan giữa nhà Châu với triều đình nhà Thương, đừng xem chúng tôi như thù địch. Được vậy, chúng tôi sẽ thả hai vị công tử ra ngay. Quốc vương Mật Tu nói : - Quốc quân của Sùng Quốc là Sùng Hầu Hổ, tánh tình hung bạo, lại có mối quan hệ rất mật thiết với Trụ Vương triều nhà Thương. Trụ Vương ra lệnh cho ông ta theo dõi mọi hành động của quý quốc, đồng thời, cho phép ông ta được quyền cử binh thảo phạt quý quốc bất cứ lúc nào. Nếu tôi đến đấy du thuyết, ông ta chẳng những không bằng lòng, mà còn xem tôi như là thù địch, vậy tôi làm sao dám đi ? Khương Thái Công nói : - Chuyện đó chẳng sao. Tôi sẽ phái ba nghìn tinh binh gia làm quân nước Mật Tu, và dẫn luôn một nghìn con ngựa tốt, hai nghìn bò dê và tất cả những vàng bạc châu báu của quý quốc mang đến tặng cho chúng tôi, sang tặng lại cho Sùng Quốc, xem đó là lễ vật ra mắt. Ngài đến đó sẽ báo cho họ biết, là muốn kết làm đồng minh với họ, rồi chờ tình hình cụ thể mà hành sự. Quốc Vương Mật Tu nghe đến đây, đã biết Khương Tử Nha muốn mình đi làm chuyện gì. Nhưng giờ đây mình đang là một tên tù binh của họ, hơn nữa, hai công tử cũng đang ở trong tay họ, vậy nếu không tuân lệnh thì tính mạng của cha con sẽ khó bảo toàn. Cho nên Quốc vương Mật Tu đành phải nghe theo. Quốc vương Mật Tu dẫn ba ngàn tinh binh được cải trang thành quân đội của Mật Tu, mang theo cả ngàn con ngựa tốt và hai ngàn con bò dê, cũng như tất cả châu báu vàng bạc, cùng lên đường đi tới Sùng Quốc. Người tiên phong đã đến báo với Sùng Quốc trước, báo là Quốc vương Mật Tu đích thân đưa lễ vật đến để giao hảo. Sùng Hầu Hổ trước đây đã biết quốc vương Mật Tu là người đôn hậu, thành thực, nên không có ý hoài nghi chi cả. Riêng đối với ba nghìn binh mã mà ông ta dẫn theo, Sùng Hầu Hổ cũng cho rằng vì đường xa, phải đi ngang nhiều vùng của người Châu thống trị, nhất là phải hộ tống một nghìn con ngựa tốt, hai nghìn bò dê, cũng như bao nhiêu vàng bạc châu báu, vậy họ dẫn theo binh mã như thế này cũng là hợp lý thôi. Nhưng, Sùng Hầu Hổ chỉ cho phép một nghìn trong số ba nghìn binh mã của Quốc vương Mật Tu, được vào thành, còn hai nghìn kia thì đóng ở bên ngoài. Quốc vương Mật Tu đành phải tuân theo sự sắp xếp của Sùng Hầu Hổ. Võ Cát lẫn lộn trong số ba nghìn binh sĩ đi theo. Ông ta nghe Sùng Hầu Hổ cho phép một nghìn binh sĩ được vào trong thành thì hết sức vui mừng, vội vàng trao hai nghìn binh sĩ còn lại cho tướng lĩnh khác chỉ huy, còn mình chọn một nghìn binh sĩ tinh nhuệ đi vào trong thành, chờ thời cơ mà hành sự. Ba hôm sau, quân thám báo bỗng về báo lại với Sùng Hầu Hổ, cho biết Tây Kỳ đang phái chừng một vạn binh mã kéo đến Sùng Thành. Sùng Hầu Hổ cả kinh, ra lệnh cho tướng sĩ lo giữ chặt cửa thành, tăng cường tuần tiễu, cảnh giác quân Châu tấn công thành. Công việc bố trí vừa xong, thì quân Châu đã kéo tới dưới chân thành. Khương Thái Công đích thân chỉ huy toán quân này, nhưng ông không ra mặt, chỉ để cho Đại tướng quân Nam Cung Thích lên tiếng khiêu chiến, và đòi Sùng Hầu Hổ phải giao trả Quốc vương Mật Tu, vì nước Mật Tu đã cướp đi một số lương thảo của Tây Kỳ. Nhưng, Sùng Hầu Hổ làm sao chịu nghe theo ? Ông ta lên mặt thành, mắng chửi Tây Kỳ không biết tôn trọng pháp chế của nhà Thương, tùy ý xua quân thảo phạt các chư hầu, và hăm dọa quân Châu nếu không sớm rút trở về, thì ông ta sẽ báo lên Trụ Vương, cử đại binh của Vương thất đến chinh phạt Tây Kỳ. Nam Cung Thích không hề để ý chi tới những lời nói của Sùng Hầu Hổ, chỉ xuống lệnh cho binh sĩ ở dưới thành liên tục mắng chửi ông ta. Khương Thái Công bí mật liên hệ với hai nghìn binh sĩ đang đóng sẵn ở bên ngoài Sùng Thành, lại phái người lẻn vào để liên lạc với Võ Cát, hẹn canh ba đêm nay, đốt lửa làm hiệu, tấn công chiếm Sùng Thành bằng cách ngoại công nội ứng. Binh sĩ của Sùng Quốc đã chửi lộn với quân Châu suốt cả một ngày, đêm đến cảm thấy quá mệt mỏi nên trời vừa sụp tối là họ đã tìm chỗ nghỉ ngơi, vì cho rằng quân Châu đã lui ra xa mười dặm, hạ cờ im trống, chỉ còn để lại một thiểu số quân tuần tiễu, chắc chắn trong đêm nay sẽ không có hành động gì. Sau nửa đêm, do mọi người quá mỏi mệt, nên đã buông lơi sự cảnh giác. Trong khi đó, thì quân Châu đã âm thầm kéo tới sát chân thành. Một vạn binh mã của quân Châu cộng thêm hai nghìn binh mã đã kéo tới trước vây chặt lấy bốn cửa thành. Khi gần với canh ba, thì toàn quân hò reo dữ dội, rung chuyển cả bầu trời. Quân dân của Sùng Quốc đều hoảng kinh. Sùng Hầu Hổ vội vàng phái người đi lo việc phòng thủ khắp bốn cửa thành. Nhưng các tướng sĩ đều bảo là không đủ người để bố trí phòng thủ. Do vậy, Sùng Hầu Hổ vội vàng bảo Quốc vương Mật Tu cho một ngàn binh sĩ dẫn theo, phụ lo việc canh phòng bốn cửa thành. Quốc vương Mật Tu đồng ý ngay và trong bụng nghĩ thầm : Phen này thì Sùng Hầu Hổ sẽ không còn manh giáp. Thế là ông ta bí mật chuẩn bị, kế thoát thân cho mình. Võ Cát nghe nói Sùng Hầu Hổ sử dụng một ngàn binh mã của mình để giữ thành, trong lòng không khỏi thầm vui mừng. Ông lập tức chia một nghìn binh mã ra giữ ở bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc cả ngôi thành. Cứ mỗi cửa được cắt cử hai trăm năm chục người để hợp sức phòng thủ. Đồng thời, ông cũng giao kết trước với quân Châu ở bên ngoài, là sẽ đốt lửa làm hiệu, mở toang cửa thành để cho quân Châu tràn vào. Đến canh ba, quân Châu ở bên ngoài bốn cửa thành đồng loạt đốt lửa. Ngọn lửa bốc cao ngất trời, soi sáng bên ngoài lẫn bên trong thành như ban ngày. Quân Châu có mặt trong thành bèn giết chết quân giữ thành của Sùng Quốc, rồi mở toang bốn cửa thành ra để quân Châu ở bên ngoài tiến vào. Tiếng hò reo sát phạt rung chuyển cả bầu trời. Chờ khi Sùng Hầu Hổ biết sự thật, thì khắp cả ngôi thành đâu đâu cũng là quân Châu. Ông ta vội vàng đi tìm Quốc vương Mật Tu, nhưng không thấy quốc vương đâu cả, đoán biết chuyện này có điều khả nghi. Nhưng ông ta hối hận cũng không còn kịp nữa. Trong khi Sùng Hầu Hổ tuốt gươm chuẩn bị tự sát, thì Võ Cát đã nhanh nhẹn xông tới, đoạt lấy thanh gươm, rồi bắt sống ông ta trói lại. Khương Tử Nha tiến vào Sùng Thành, lập tức xuống lệnh cho tam quân dập tắt ngay ngọn lửa rồi dán bản yết thị để trấn an dân chúng, và xuống lệnh cho quân Châu không được khuấy phá bá tánh trong thành, không được lạm sát những người vô tội. Sáng sớm ngày hôm sau, Văn Vương cũng dẫn Thái tử Cơ Phát và những người hộ vệ Vương thất cùng tiến vào Sùng Thành. Sau khi tiến vào thành, nhà vua xuống lệnh đem chém Sùng Hầu Hổ để thị uy chúng, rồi ra lệnh mở kho lương thực cứu tế cho bá tánh trong thành. Tất cả bá tánh của Sùng Quốc, không ai là không vui mừng. Họ vỗ tay hò reo, tung hô vạn tuế inh ỏi. Văn Vương, Thái tử Cơ Phát và Khương Thái Công thấy thành trì của ngôi Sùng Thành cũng như hoàn cảnh chung quanh rất đẹp, đúng là một địa điểm nhân kiệt địa linh. Nếu so với Tây Kỳ, thì tốt hơn rất nhiều. Hơn nữa, Sùng Thành lại cách kinh đô Triều Ca của triều nhà Thương gần hơn Tây Kỳ, dễ dàng nghe ngóng tin tức. Đối với việc chuẩn bị chinh phạt Trụ Vương là rất có lợi. Do vậy, Văn Vương và Cơ Phát bèn thương nghị với Khương Thái Công, dời kinh đô của nhà Châu từ Tây Kỳ đến Sùng Thành. Do Sùng Thành nằm sát bờ sông Phong Thủy, nên cũng có tên là Phong Đô. Từ đó, Kỳ Châu đã khống chế toàn bộ Trung Nguyên, oai danh nổi như cồn.