Ngay từ năm 333 trước công nguyên, khi Tần sử dụng Công Tôn Diễn thì nước Ngụy đã bắt buộc phải hiến vùng Âm Tấn (nay là huyện Hoa âm, thuộc tỉnh Thiểm Tây) cho nước Tần. Tần đổi tên đất này là Ninh Tần. Kể từ đó, Tần xây dựng nơi này thành một đầu cầu để tiến về phía Đông. Năm 330 trước công nguyên, Công Tôn Diễn dẫn binh đánh bại quân Ngụy tại Điêu Âm (nay là vùng đất nằm về phía nam huyện Cam Tuyền, tỉnh Thiễm Tây), bắt sống được tướng Ngụy là Long Dã, và chiếm được đất Hà Tây của Ngụy. Năm 329 trước công nguyên, quân Tần lại đánh chiếm Phần Âm, Bì Thị, thuộc vùng Hà Đông, và chiếm Tiêu, Khúc Ốc, thuộc vùng Hà Nam của Ngụy. Trương Nghi sau khi làm Thừa tướng cho nước Tần, bèn bài xích Công Tôn Diễn, nên ông này phải ra đi. Công Tôn Diễn không có cách nào khác hơn, đành phải trở về nước Ngụy làm tướng. Đối với Ngụy, Trương Nghi đã áp dụng phương châm ban ân lẫn uy hiếp, quân sự lẫn ngoại giao. Một mặt Trương Nghi muốn liên tục cướp đoạt đất đai của Ngụy, nhưng mặt khác, lại hy vọng Ngụy cầm đầu nhiều chư hầu khác khuất phục nước Tần. Năm 328 trước công nguyên, Trương Nghi và công tử Hoa xua quân tiến chiếm vùng Bồ Dương (nay là Thấp Huyện, thuộc tỉnh Sơn Tây) của nước Ngụy, nhưng sau đó lại giả ân giả nghĩa, trả lại Bồ Dương cho Ngụy. Ngụy Huệ Vương không biết đó là mưu kế, trái lại tỏ ra hết lòng cảm kích đem mười lăm huyện ở Thượng Quận (bao gồm cả Thiếu Lương, tức Hàn Thành thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay) hiến dâng cho nước Tần. Thế là, Tần không tốn một tí sức lực nào, đã lấy được vùng đất chiến lược Thượng Quận mà họ hằng mơ ước. Đến năm 327 trước công nguyên, nước Tần lại trao trả cho Ngụy các vùng đất Tiêu và Khúc ốc, là những vùng đất không quan trọng lắm về mặt chiến lược. Ngụy Huệ Vương lại tỏ ra cảm kích. Nhưng nào ngờ đến năm 324 trước công nguyên, thì Trương Nghi lại xua quân tấn công Ngụy, chiếm Thiểm Thành, và lập đồn trại để giữ. Đến đây, Tần đã chiếm được những vùng đất như Hà Tây, Thượng Quận, đồng thời cũng chiếm được một số đất đai ở vùng Hà Đông và Hà Nam. Tại bờ Tây sông Hoàng Hà, quân Tần đã lập nhiều căn cứ địa, tiến có thể công, thoái có thể thủ, đoạt được những thắng lợi chưa từng có. Sau đó, để đối phó với các nước “Hợp tung" chống Tần ở phía Đông, Trương Nghi từng đại biểu cho nước Tần, mở một cuộc hội họp với các đại thần của nước Tề, Sở, tại Nghiết Tang. Đến năm 322 trước công nguyên, nước Ngụy đã khuất phục nước Tần và mời Trương Nghi sang làm Tướng quốc cho Ngụy, đuổi nhà chánh trị trứ danh là Huệ Thi ra đi. Trương Nghi đòi nước Ngụy Quốc phải công khai rời bỏ "hợp tung", đơn độc “liên hoành” với nước Tần. Ngụy Huệ Vương không nghe. Do vậy, Tần lại ra quản đánh chiếm hai thành mà trước kia đã trả lại cho Ngụy là thành Khúc Ốc tại Hà Đông (nay là địa phương nằm về phía Đông Văn Hỷ, tỉnh Sơn Tây), và thành Bình Châu (nay là địa phương nằm về phía Tây huyện Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây). Năm 319 trước công nguyên, năm nước Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, liên hợp chi viện cho Ngụy đánh bại quân Tần. Ngụy Huệ Vương được năm nước trên ủng hộ. Trương Nghi bị đuổi trở về nước Tần, và Công Tôn Diễn lại được Ngụy sử dụng làm Thừa tướng. Công Tôn Diễn chủ trương hợp tung để đánh Tần. Vào năm 318 trước công nguyên, năm nước Sở, Triệu, Yên, Hàn và Ngụy liên hợp nhau đánh Tần. Sở Hoài Vương được đề cử làm "Tung Trưởng". Nhưng, do giữa các nước liên hợp đều có những mưu tính riêng, không thể đồng tâm hiệp lực, nên quân đội của năm nước đều bị quân Tần đánh bại tại hàm Cốc Quan, phải rút trở về. Tuy sự liên hợp của năm nước bị thất bại, nhưng nước Tần vẫn chịu một áp lực rất lớn. Năm 317 trước công nguyên, dưới sự xúi bẩy của Công Tôn Diễn, một quốc gia thuộc dân tộc thiểu số là nước Nghĩa Cù, đã thừa cơ đứng lên tấn công và đánh bại quân Tần tại Lý Bạch. Mưu đồ phát triển sang phía đông của Tần gặp trở lực. Từ đó trở đi, Tần đã quay mũi giáo tấn công về Ba Thục, ở phía Tây Nam.