- Đường hòe, dặm liễu: theo anh Lê Ngọc Trụ, dặm là một chặng đường xa chừng 576 mét trái lại dặm của Pháp dài đến 4 cây số ngàn; một dặm hú là chặng đường còn nghe tiếng hú tiếng gọi. Cây liễu, ngày nay trẻ em được biết, vì có chỗ, liễu có trồng, duy hoè, theo Hán Việt từ điển là một thứ cây lớn, hoa vàng quả dài mà bẹp, hột dùng làm thuốc, cây hoè ngoài Bắc có nơi dùng đặt tên cho con. Đào Vắn Hoè, Nguyễn Đình Hoè, nghe rất thanh, nhưng trong Nam, có tật nói không sửa, lại tránh tiếng hoè, vì lầm với què, trong Nam, máu què là máu lúc có kinh nguyệt.
Ngày xưa trông cây hoè cây liễu hai bên đường vừa che mát vừa đánh dấu chỗ tiễn đưa nhau, và viết đến đây, tôi nhớ câu: “Một cây cù mộc, một cây quế hoè” (Kiều). Cù lại cũng là một cây to cành cong xuống, để cho dây bìm dây sắn leo, gốc lại thường không thằng, có u có nầng, lấy đó dùng nghĩa bóng, tượng trưng người vợ cả, che chở cho các vợ bé mọn, nhưng che chở làm sao: “Nam khi mười hoạ có khi không” và ráng lắm, nhịn nhục lắm, té ra “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm”, phải mà, lựa cây cù tượng trưng biểu hiện bà vợ lớn có u có nầng là thậm phải.
Và đường thông cù lại là đường đi suốt bốn mặt, thấu đến nhiều nơi (Pháp gọi avenue, boulevard, đều được). Ngày xưa, khi Pháp qua đây, dò dẫm đủ cách mà vẫn còn lầm và kết quả là nay về chúng ta gánh chịu. Biết làm đường cho xe chạy, nhưng vì không thấy xa và vì ít tiền, chỉ viết kéo dài, ham con đường chạy xa, nhưng vẫn hẹp bề ngang, ngày nay cây trồng hai bên đường, vừa che mát là chặt bỏ mở đường ra rộng và không còn còn cây che mát. Bên xứ họ, khí tiết mát họ trồng cây lê, cây táo đến mùa trổ hoa, xem rất nên thơ, khi qua đây ban đầu họ trồng xoài, tiện lợi là xoài cho trái sinh ra hoa lợi, đến mùa, đấu giá bán, lấy tiền nộp kho, lúc ấy xe chỉ có xe kiếng, xe tờ ngựa kéo, trẻ nít ra lộ lượm xoài có thể tránh xe dễ, sau nầy xe ô tô thường con trẻ lượm vì xe chạy quá mau, rủi ro khó tránh, nên đốn xoài, trồng me, (vẫn chưa bỏ hoa lợi nhỏ nhặt) nhưng lá me đọng nước, gọi mưa me, tạnh đã lâu mà khách qua đường vẫn ướt đầu ướt áo, bèn thay me và chọn cây dầu, lá lớn, dễ quét hốt, và chọn cây sao, lá bền và gỗ, khi cây lớn nếu đốn sẽ dùng làm ván cầu và sườn rui tiện lợi. Cây điệp, bông đỏ rất đẹp, lá cộng dài tủa ra hai bên như đuôi phụng, nên cũng gọi cây phượng vĩ, điệp gỗ quá giòn, nhánh thường gãy khi có gió lớn, và nay trồng cây điệp Tây, có khi cũng gọi cây ô môi, và vẫn còn trong vòng lẩn quấn, vì lá nhỏ chứa nước mưa như me, thêm nhiều sâu bọ. Cây dương (dương liễu) lá khua xào xạc, chí hợp với bãi biến và chỗ nào có cát nhiều. Cây tòng (cây thông, cây ngo) chỉ hạp với xứ lạnh. Cây dầu gió (camphrier) chỉ thấy ở Huế có trồng hai bên đường, lá to gốc trổ u nầng, và cây lâu lớn. Có nên dịch hoặc sắp một loại với cây “chương” để nhớ câu “Khi về hỏi liễu Chương đài, cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay” và câu dẫn giải: “Chương đài liễu, Chương đài liễu, tích nhật thanh thanh kin tại phủ”, (Liễu Chương đài, liễu Chương đài, ngày nọ xanh xanh nay còn không?) và quả Liều thị bị tướng Phiên cướp và được có người đoạt lại để trả về người tình xưa làm vợ hay sao? Nếu quả có thì quả là duyên nợ.
Cây bàng, lá rất lớn, khi già lá đỏ rụng bắt nhớ câu “trận thu phong của Tản Đà” tôi chỉ thấy trồng dài theo bãi và trên vài đường nơi Vũng Tầu, Ô Cấp..
Cây dừa lá bền, phái nỗi trái rụng xuống, khách sơ ý, tránh không kịp, không đợi chết cha vì chính mình chết trước, thêm rễ lồi lên cao, lớp ăn sâu xuống đất choán và chiếm, không cây nào mọc gần bên được, tuy vậy hay là nhờ đó, dừa gặp bão hay có gió lớn, ít khi trốc gốc, ít khi thấy trồng dừa hai bên lề đường, và ở Gia Định có đường gọi Thốt nốt, vì có trồng cây nầy. Thốt nốt, thân cây to hơn cây dừa, lá khác đôi chút và cây mọc rất cao rất khoẻ, nhưng chỉ hợp đất Cao Miên, và tôi không dám quả quyết những cây nơi đường gần chợ Bà Chiều và cây nơi trước sân miếu Tả quân, có từ đời nào, duy biết trồng thốt nốt chung quanh miếu là một ý kiến hay, vì Tá quân từng nhiều phen che chở bảo hộ vua Miên và biết đất Miên rất nhiều. Thốt nốt làm ra đường ngọt, vì leo cây nguy hiểm nên xưa được miễn thuế.
Một cây nên thơ nhứt, thẳng cao như cột trụ, trên cao có chòm lá xanh tròn xoe tán, như tàn lọn, trái hái xuống ăn chung với lá trầu thêm đó môi gái, và hoa rất thơm, người Cao Miên, dùng quảy hoa trong lễ cưới hỏi, tượng trưng cho sự trinh bạch thơm tho của cô dâu, đó là cây cau. Cây thân ngay, lá lơ thơ trên tàn, tôi tưởng tượng trưng sự che chở cho cây trầu, nghe thi vị hơn cây cù gấp mây. Tôi chép lại đây bài thơ cũ, của ông Đỗ Minh Tâm, cũng gọi “Nhiêu Tâm” là một tay thơ cừ lớp xưa chia đất Nam, nay ít người biết tiếng. Thơ “Ghẹo gái bán cau” như vầy:
Hỡi cau ai bán, tiếng nghe rao
Tốt vóc mà trong biết thế nào
Giấu để trong buồng e đóng đục,
Bày ra trước mặt thấy ngon dao
Quyết mua nên phải coi từ vú
Có bán thì cho thử coi nào!
Chuốt ngót của mình ai dám chắc
Biết lòng, biết ruột xỉa tiền trao! Ông Đỗ Minh Tâm là người xưa, mà sao ý nghĩa ác ôn đến thế. Đọc thơ ông, nhớ Henri Miller, Baudelairs và bao nhiêu bọn tân thời thiếu đàn bà và ham nói tục. Nói tục như ăn ớt cay, khi xé miệng mới gọi là ngon.
Các nước giàu dầu hôi như Iran, lại không có nước, vì ít có mưa, phải lập bộ trướng chuyên coi về nước, ai xài phí nước bị phạt, không như nước mình, mưa đến không lu không mái để chứa nước và trái lại, không dầu đế đốt đế chạy xe. Iran là nước Y lan trong sách Tàu, và Djibouti là một nơi tàu đi biển ghé để lấy thêm nhiên liệu và lương thực, nhưng Djibouti, nóng cháy da, không cây nào mọc được và phải lấy kẽm giá cây cho ít thấy khô khan, và ngày nào các xứ “vua dầu lửa” (Ả rập, Koweit) một ngày nào đây mỏ dầu cạn, tiền vàng không chỗ để mà không một giọt nước uống.
Giàu như vậy, tưởng không bằng nước ta, nhất là Sài gòn Phật địa, ngày trước, nhà thảo mộc học, ông Pierre, làm chủ vườn bách thảo đầu tiên, ông có sáng kiến trồng trên các con đường trong thành phố, từng dãy cùng một loại cây như nhau, biến thành phố thành một bach thảo tập (herlier) riêng biệt, tiếc thay người kế tiếp nay trồng xen kẽ loạn xị, ra bộ sưu tập hoá ra phức tạp Có một đường trồng toàn cây cao su, và vì không ai lấy mủ, nân cày u nầng xấu xí. Riêng đường Phan Đình Phùng cũ nơi trước cửa hai học viện có hai cây dầu cổ thụ, tôi cho là dấu tích Sài gòn xưa sót lại, và bài nầy tôi vẫn viết rồi nay viết lại cho đỡ buồn ( ngày 23-10-1983).