Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Sài Gòn Tạp Pín Lù

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 60596 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sài Gòn Tạp Pín Lù
Vương Hồng Sển

3.

Về chưa tới nhà, vừa bước chân vô cổng, nghe tử trong dội ra tiếng má tôi chửi có dây có nhợ, không thua các bà các chị chuyên môn ngoài Bắc. Tôi nói bây giờ vẫn không mọt ai tin, nhưng ngày nay nhớ lại biết thương má tôi thì đã quá muộn, và trong máu huyết tôi biết đâu không có tiêm nhiễm vưởng víu của nỗi oan nghiệt cũ, tôi để má tôi mặc tình kể lể, nào đồ gì đồ gì đủ thứ, hỏi: “Sao bữa nay là ngày mấy, chớ mốt nầy là mùng bảy tháng mười ta là ngày giỗ ông nội mày, mà hồi sớm mới nầy vừa thoát ra khỏi nhà, mày đã te te mất dạng, tao vừa trực nhớ cho trẻ chạy theo kêu, thì nó nói mày đã đi xa lắc xa lơ, vậy chớ mày đi rượt ai đâu mà te rẹt như vậy hử?” Tôi không trả lời, đưa tay nhận thêm sáu đồng bạc dặn mua bột mua đường thêm mua mấy món đồ nấu. Tôi đi thẳng vào trong lục ba hột cơm nguội dằn bụng, chờ má tôi bớt giận đi ngủ, sẽ lén tom góp áo quần cần thiết, gói làm một gói chờ canh khuya sẽ đem trước xuống xuồng, kẻo sáng ôm ra, kẻ ăn người ở thấy, thì lộ hành tung, hư chè hư xôi việc lớn.




Trời vừa hé mắt bửng tưng, tiếng gà gáy còn nhựa, tôi đã thức dậy, chải gỡ gọn ghẽ, hối con nhỏ lấy xuồng đưa tôi ra chợ. Tới nơi, tôi để nó ở lại coi xuồng, lo lót nó một đồng xu xôi nếp than đỡ dạ, còn tôi thì đi tuột một mạch vô nhà cô chủ sự. Cô lật đật biểu tôi vào phòng của cô ngồi đó chờ cô sửa soạn bươn bả, chờ tàu lục tỉnh đến thì chị em cùng đi với nhau. tôi hỏi đi đâu, cô đáp đi Sài Gòn chớ đi đâu mà hỏi. Cha chả, lo quá, từ đó đến giờ tôi lên có một lên khi được bảy tám tuổi, năm ấy (1913) vừa xây cất xong Chợ Mới Bến Thành, có ăn lễ khai thị lớn lắm, năm đó tía tôi trúng mùa dư được mấy chục giạ, ao ước sắm một bộ đồ trà hiệu Đào Ngọc, trong Chợ Lớn, nên thừa dịp cho mẹ con tôi đi theo cho biết đèn dầu, đèn khí đá ra sao, và thứ đèn mới có, không tim mà vẫn sáng hơn hai thứ đèn kia, duy dùng điện lực mà sao gọi lả “đèn khí” là khí gì, ác thật. Tôi nhớ thấy chưng cô Bảy Bang bắt từ miếu ông Quan Đế (Thất phủ miếu) kéo ra, hình bát tiên là nhi đồng bảy tám tuổi như tôi, cho ăn mặc như hát bội và cột ghịt cả ngày trối kệ nắng mưa, lúc đó ghe tía tôi đậu ở gần nhà ông Tổng Đốc Phương, nay kinh đã lấp trở nên chỗ Bưu diện Chợ Lớn bây giờ, cha chả, nhớ Sài Gòn rộng lớn bằng mấy chục lần cái làng Kim Sơn của mình, mình đến đó có một lần hồi nhỏ tối ba chớp ba sáng, thấy được sao chổi (sau biết tên gọi sao Halley) mọc năm đó, năm sau xảy ra trận giặc Đức 1(1914-1918). Tôi chỉ lo chân ướt chân ráo cô nầy đưa mình lên trển, dấn thân sấn bước giang hồ, phó thác cho vận mạng và cho cô chủ sự định đoạt. Duy vững bụng vì năm còn nhỏ, đi Chợ Lớn năm đó tía tôi có bắt đến ông thầy Vi Kỉnh Trang, ở một gác nhỏ đường Jaccaréo (nay là Tản Đà, ổng ăn có năm cắc bạc mà vừa coi tướng vừa coi chỉ tay, nói trúng phong phóc, biểu tôi bước đi vài bước rồi ông đoán sau nầy số tôi ở lầu các, có người phục hạ, nhứt hô bá ứng, nhớ vậy nên cũng vững bụng phần nào. Rồi nhớ bâng quơ qua câu “đi lang thang trên đường phiêu bạt, vái Phật trời phò hộ lưu ly”, câu nầy của ai và chữ Tây viết ra sao, mà ông cử Pháp Diệp Văn Kỳ, con ông Diệp Văn Cương, dịch lại làm vậy mà trúng vào bộ vận và tâm sự mình hôm nay quá đỗi. Ờ mà phải, phải lên đó trốn ít ngày cho tía má tôi tìm kiếm không ra, rồi cô nầy hứa sẽ lựa chỗ giàu mà gả tôi, cho tôi nhờ tấm thân, rồi sẽ trở về thú phạt thì tía tôi cũng bỏ qua và má tôi hết giận chớ gì. Nghe hai tiếng Sài Gòn thì muốn thật, mà mãi còn lo cha mẹ bà con ở đâu trên ấy, một thân cô độc rồi mới làm sao đây? Nghĩ gần nghĩ xa, trong bụng đang bấn loạn bỗng nghe tiếng cô dứt “lo cái gì mà lo, trước lạ sau quen chớ lo gì!” Thấy cô nầy hứa chắc ăn, thêm cô lấy chiếc kiềng ao ước cho đeo, thì trăm phần lo cũng đổ sông hết sợ!


Tảu lục tỉnh cặp bến, bộ hành lên hết, cô chủ sự biểu theo cô xuống tảu, dặn ban bù đưa hành lý lại ca bin hạng nhì. Tôi bước chân vô cái buồng gì sang quá, thấy mà ngợp! Giường sắt lót hai bên, tuy không rộng mà nệm gòn rất êm, trải ra trắng phếu, nào chậu rửa mặt, nào quạt máy đèn điện có đủ rồi để nữa đây tiền tàu phỏng độ là bao, sang chi lắm, liệu cô chủ sự có đem theo đủ mà bao bọc cho mình, sao không ở nhà cho yên thân, trăm mối ngổn ngang, rối ôi là rối. Mặt trời đã chênh chênh ngã bóng, kiến đã cắn bụng, bụng càng bào chọt, phải bậm môi ma chịu, nghĩ dại rằng tàu lo chạy cho mau tới, ai đâu dưới nầy lo bán cơm, bán cháo cho mình nhờ. Nhưng cô chủ sự đi guốc trong bụng mình mà mình không hay, cô kéo tay tôi qua phòng kế bên, rộng gần bằng một căn phố, giữa phòng bày sẵn một bàn đủ sáu người, nắp bàn rất sạch, có đủ dao nĩa và ly đĩa trong ngần trắng tinh, thêm một bình hoa hông đỏ chói làm trung tim chứng giám. Cô chủ sự và tôi vừa bước vào, kế ông cò tàu, có hai dòng máu Tây Nam đề huề, cùng đi với ba ông Tây viên chức đi công cán, da đỏ như tôm luộc lông mọc-xù xì đen cá cổ tay vả cườm tay, trông như ba con dã nhơn sở thú đi lạc. Sau mấy cái bắt tay giới thiệu, họ ép cô chủ sự ngồi giữa tôi ngồi đối diện, hai bên chúng tôi là bốn ông giống đực, tuy ngôn ngữ bất đồng nhưng nhờ giàu máu 35 cho nên cái gì cũng qua, duy chữ tình khó lọt. Họ châm nhau những gì tôi không hiểu, nhưng cả thảy đều vồn vã lo cho tôi tứ chút, khiến tôi ngượng nghịu, còn cô chủ sự thì ba xí ba tú, họ cười giòn như nắc nẻ, không biết châm biếm hay phục tài. Tôi nào biết tiếng Tây tiếng u gì phòng tiếp chuyện, đành đánh chữ làm thinh. Lát lát liếc đưa tình, lâu lâu nhé răng cười nụ. May nhờ tía má không bịnh tật nên sanh tôi lành lẽ, răng trắng và đều như hột bắp non, môi đỏ tươi đến son còn kém, gẫm lại gái có sắc như con sóng lượn, đứa trai nào cũng không khác chiếc thuyền nan, dầu ông Tây nào làm tới thống đốc, cũng chứa một nòi tình, ba thằng nầy mà sức mấy, đỏng đưa chơi mày hay chúng bay cung cheo. Họ luân phiên dành rót rượu mời, cô chủ sự bẻ bánh mì giúp tôi, tôi gượng gạo nâng ly, vừa nuốt chưa qua khỏi cổ, lửa từ đâu bừng bừng cháy dỏ, đỏ từ môi đến cặp chân mày, đôi má hồng hồng chứa chan tình tứ ở nhả má tôi nào có dạy, mà nói xin lỗi má, con đã hư làm vầy?


Từ đó tôi không còn biết gì nữa, nhưng càng làm thinh họ càng chiều chuộng, định cho tôi, đẹp như vầy ắt tiếng Tây sạch lắm, chẳng qua sầu tình hay chúng đang làm trái ý điểu gì nên tôi làm thái đó thôi. Bữa tiệc mãn, lui về phòng, lên giường nằm sang tàu Nam Vang lần thứ nhứt, phần sóng đánh tàu lắc lư, phần rượu ngà ngà say tôi mơ màng chiêm bao quyết ra đi phen nầy quyết làm sao có tên có tiền có sóng có gió như vầy mới chịu về cùng tía má, nhưng giấc mộng chưa nghĩ trọn tôi đã đánh một giấc quên đầu quên đuôi, trời sáng bét, tôi mở mắt ra đã đến bến Sài Gòn hồi tang tảng sáng.


Bước lên bở, cô chủ sự kêu xe kéo tay, hai đứa ngồi chung xe, chúng tôi vòng vo tới chợ nào không rõ, ghé một nhà trông quả là nhà có của, bàn ghế cẩn, ngựa gõ, tu bàn đều bằng cây danh mộc bóng láng. Bà chủ nhà đã già nên cô chủ sự gọi bằng “má” và ép tôi cũng gọi theo. Cổ để tôi ngồi đàng nhà trước một mình, còn hai người đưa nhau vào trong nói chi không rõ, giây lát trở ra căn dặn tôi hãy ở lại đây với má Tư Hớn ít ngày, chẳng hề gì đâu mà sợ rằng đã gởi gấm yên bài, ở đây với má, má sẽ thương như qua đây thương em vậy, lời lời ngọt lịm như đường phèn. Bà già ấy cũng tiếp đưa lời, “chị em với con Bảy Chủ sự thì cũng như con ruột một nhà, vậy con cứ ở, đừng ngại ngùng chi cả”. Rồi đó bả biểu dọn cơm nước cho hai tôi ăn, trong bữa cơm, cô chủ sự dặn dò tôi mọi việc ráng sao sao cũng phải tin cậy và nghe lời má Tư, thì mới hòng nên thân đặng. Nội Sài Gòn đây có ai lanh lợi và quen lớn với nhiều ông nhiều thầy cho bằng má Tư, như chị đây năm xưa cũng xuất thân cũng nhờ má Tư sắp đặt cho nên ngày nay mới rỡ ràng sung sướng và có địa vị như ngày hôm nay làm vậy.


Nói ba điều bốn chuyện cho qua tang lề, rồi cô chủ sự hôn vào hai má tôi mà tử giã, rằng hãy để cô vô Chợ Lớn mua vài món, và ở luôn nơi nhà quen trong ấy cho đặng sáng sớm đáp tàu về cho tiện và đỡ tiền xe. Cô chủ sự ra về, Má Tư Hớn lấy trong tủ ra một chiếc kiềng vàng chạm kiểu khác và hai chiếc vàng dạy tôi đeo vào thử, xem có vừa vặn không. Đôi vàng quả có rộng một tí, tôi không dám nói: thì má Tư đã bảo cái cô sáu nào đó ở trong buồng, hãy đổi đôi vàng cho tôi, cũng y đồng cân đồng lượng và cùng một kiểu chạm “nhứt cách nhứt chiếu”, một khúc tám bông hoa kế tiếp một khúc chạm câu thi văn vận với đoá hoa (lan cúc trúc mai) đã chạm nơi khúc trước. Má rằng: “Con đã lớn rồi, đeo dầu có rộng chút ít cũng không sao, thêm cổ tay của con nhiều xương, đeo rộng ít thấy, phải để cho em của con đây, đeo cho vừa khít cho thấy cổ tay tròn ống chỉ, vừa khéo vừa đẹp, vừa xứng với vóc đạc, cho má xem cho mãn nhãn thêm vui lòng già”. Y cái bà, trông cục mịch mà lời nói ngọt tợ mía rim! Tôi đang ngồi ngắm nghía mấy món nữ trang mới, không làm gan xa tía xa má làm gì có như vầy, bỗng có một tốp mấy ông mấy thầy kéo nào nhà, ông nào ông nấy xem đã ba ngù, nói với nhau tiếng Tây bốp thiên, kẻ kêu “dì”, người gọi “má”, om sòm bát nhã. Má Tư lật đật biểu chị Sáu dắt tôi theo vòng cửa sau bước qua nhà kế cận mà gởi tôi ngồi chút chơi, vì má nói tôi còn như nai không nên cho lũ say nầy thấy, và dặn tôi chờ giây lát chúng về sẽ lại về nhà.


Ở đây chưa được đúng tuần, vừa quen nước quen cái, một hôm cơm rồi má Tư gọi tôi lại gần rồi nói nhỏ: “Nay có thằng Hạch, quản gia trong nhà máy xay lúa lớn trong Chợ Lớn, giàu lắm, nó muốn cưới con về làm vợ, với một cây kiềng đúng một lượng và hai lượng chuỗi hột quấn tay, con nên ưng nó đi mà lập thân, chỗ nầy được lắm, nên nghe lời má, thuở nay má ăn chay niệm Phật, tạo lập không biết bao nhiêu gia đình như vầy, tụ thiểu thành đa, không nên già kén, mà bỏ qua dịp tốt”. Tôi lúc nầy tứ cố vô thân, bụng đều không muốn cũng chẳng dám nói không. Huống chi mụ nầy, giọng kèn tiếng quyển, thật dễ xiêu lòng, lại nghe có kiềng có chuỗi thì còn chê bai gì nữa. Vậy nên tôi cũng đánh liều gật đầu ưng đại.

<< 2. | 4. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 245

Return to top