Ông nầy lớn tuổi hơn Georges, uy danh kém hơn Bạch công tử, vì ăn nói hơi khinh người, ưa “mầy tao mi tớ” duy xài tiền thì “cảng” không thua. Ghe cảng là ghe đi biển, ăn xài cảng là ăn xài lớn. Cậu ta là người xứ cá mặn, tôm khô, ruộng muối, da cậu ngâm ngâm đen, hình thù vằm vỡ to xương, y như con gà cù lự chuyên đá đòn, bình thường cậu thích xe sport, mắt kiếng đen gọng đồi mồi to, cổ quấn khăn lông thứ người Âu châu dùng trong nhà tắm, mình mặc áo thun thể thao dày, khi nào bước xuống xe mới cặp nách thêm một cái áo nỉ sport mà ít khi choàng vào hai vai, khiêu vũ có điệu vào sòng bạc dám ăn thua bạc ngàn bạc muôn, chữa me cho cậu chơi mới thấy tiền lâu to tác, bữa me nào xui, có thân phụ cậu lẹp xẹp dưới lầu bước lên, cậu chuồn cửa sau mất dạng, thì bữa ấy chết cha tiền xâu, chủ chứa lỗ nặng vì ông hội đồng quản hạt kiệm hội đồng cố vấn thời Pháp thuộc, (huý là Trạch) chỉ chuyên đánh nhỏ, ăn thua ít ít đủ mua vui, một đêm me có cậu dự, xâu lên đến bạc ngàn, một đêm có ông hội đồng vừa giúp xâu chưa tới bạc trăm, và các tay khác cũng rút lui sớm, chủ chứa lỗ tiền hồ là vì vậy, trở lại nghề lái xe, hễ cậu ngồi vào cầm volant thì chạy hết tốc lực, trừ khi cậu đi với “bồ” ngồi băng sau thì cũng phải biết ý cậu, bác tài phải đường trường không cho xe nào qua mặt, và xe của cậu, thứ tám máy (huit cylindres) là để được có tiếng có xe hạng chiếng chớ tánh tình y như trong “Năm chục năm mê hát” đã tả, mất một tờ giấy năm đồng nơi rạp hát, cậu bỏ coi diễn để lo mò kiếm “tờ giấy bạc con công” (5$00), trong khi Bạch công tử ngồi kế bên, hay được Hắc công tử kiếm tờ năm đồng, Georges miệng cười hề hề, tay móc túi đốt tờ giấy hai chục (20$00) dùng làm đuốc rọi... Tư Phước ngọt với em út bao nhiêu thì cậu Ba cũng ngọt với bồ bịch bấy nhiêu, duy “chiến lược” mỗi chàng mỗi khác. Phước chuộng người phải cho đẹp, cậu Ba chọn người phải cho “ngon”, phần đông tuyển trong hàng gái vườn, tập khiêu vũ chơn chưa rửa sạch phèn. Cậu Tư cho tiền không bao giờ lấy lại. Cậu Ba lúc gặp buổi đầu, thường dắt bồ lên lầu hãng Chamer tha hồ lựa nước hoa đắt tiền, phấn son mua bao nhiêu cũng được, gặp cô nào biết nghề già giặn, kéo cậu lại nhà bán kim cương Giuntoli, lựa mua cậu cũng không từ chối, nhưng khi cậu chán chê thì cậu giờ ngón đểu, giả đò thua me, mượn cầm đỡ vào tiệm mà không bao giờ chuộc lại và cậu cũng lánh mặt luôn với chiếc xe chạy ngày mấy trăm cây số ngàn, có giỏi lội bộ theo mà bắt? Lỡ khóc lỡ cười, gái nào biết khôn thì vơ vét cho đã và sớm phải học thuộc bài “tẩu mã”. Vỏ quít dày, móng tay nhọn!
Một hôm tôi nghe cậu Ba phân trần với ông Kính: “Mình lâu ngày kiếm cho ổng một “con mèo” cho ổng vui, không dè ổng bị bà ấy làm cho ông suyễn luôn trót tháng, tưởng đã không xong? (Ôi tình cha con trong giới nhà giàu!) câu nầy dùng hạ màn tả hình dạng cậu Ba. Hết đảo chánh qua phong trào xôi thịt, mãi về lâu, Tư Phước hết tiền, chết trước, cậu Ba còn tồn tại sau trào Diệm vẫn còn...
* * *
Một ông trưởng giả sắm một cảnh hoa viên phụ để thỉnh thoảng vào vườn hái trái, bỗng bị hai bợm hái trộm đào non, nói cách khác bác thầy thuốc vì gởi cục cưng nhà ra vô cờ bạc, bị hai đứa nó chơi lú lận, lén chớ nàng xinh tốt kia đi một vòng xuống Hậu giang... Hết sức bị một mụ tú đầm lai dụ dỗ mời về nhà hơn ở nhà má Tư Ăng lê, Trà về học lại má, hai người đấu khẩu đến sanh giận hờn, bác thầy thuốc hay được mới dọn phố riêng đường Richaud gần đường Lareynière cho Trà về ở, nhưng ở chưa lâu đã bị hai công tử đứa đốc, đứa lói, đứa xúi giục, đứa mời mọc, cùng nhau bộ ba đưa nhau xuống miền Tây kiếm me vườn để gỡ gạt, cô nghe ham, nhưng me đâu không thấy chỉ thấy hai cậu trổ tài hào hoa phong nhã, mướn phòng khách sạn Bangalow đánh bài tay ba, chia xong dành nhau chung tiền, cô Ba gom tiền không hết, nhưng đụng chạm nói chơi thì có mà không có chuyện kia, vì mãng kỳ đà vần công, cả hai đều tốn tiền để ăn trét!
Cô Ba chuyến về có tiền xọc xạch trong túi, sắm thêm bàn ghế, tuy chưa hề bị ai nhám hiểm” nhưng bác thầy sanh nghi.
Đến đây là một khúc quanh gay cấn: ghen thì đổ vỡ, chặt quá thì đứt dây, lỏng quá thì bị trút lọp, lấy xâu thêm tức. Con lừa của lão Buridan đứng giữa thùng nước và thùng thóc, thì phân vân lưỡng ước, khát cũng có mà uống làm sao nhơi thóc, nhược bằng xơi thóc thì uổng thùng nước ngon lành, bộ ba nầy cũng vậy: cô Ba thấy đức ông chồng quá biết điều, cô Ba thêm kính, nhưng thèm thuồng tự do giữa Georges xứng đào xứng kép vì “anh ta” quá đắt mèo, vì cậu Ba tuy đen đúa mà nghe nói bồ lúa no lắm tràn trề đến xúm nhau moi móc mà cha hiền không hay hoặc hay mà không nói, vì rầy la, cậu Ba khai thiệt số nợ thâm thủng càng thất công “bán lúa trả” thà để nó lắm lét sợ tránh mặt mình mà ít tốn hơn. Giữa lúc ấy, Tư Phước không ham me bài nên bỏ lảng đay qua đào biết ca êm tài thêm sắc đẹp có thua gì cô Ba, còn cậu Ba vì nóng tánh, đeo theo hoa, bị gai cho trầy trụa khá bộn mà chưa được chấm mút mật ngon nào nên cũng bớt hăng hái. Gay cấn và khó xử nhứt là bác tôi, như đã nói “già néo thì đứt dây”, nhưng lúc ở nhà bị tiếng bấc tiếng chì, nhẹ thôi của bác gái, cũng lâu ngày sanh bực, một hôm bác tôi dỗ ngọt em cưng: và hai người nói với nhau như đánh dây thép:
- Ba tuần nay không thấy mặt em ở nhà dì Tư (Tư Ăng lê)?
Làm thinh, không trả lời.
- Em đi đâu và ở đâu?
- Không ở đâu hết!
- Bộ em ngủ ngoại trời hay sao?
- Dạ không! Tôi ngủ tại nhà bồi của dì Tư.
- Sao anh ghé tại đó mà không thấy?
- Tại tôi dặn bồi nói như vậy!
- Vì lẽ nào em nói dối với anh?
- Vì tôi sợ người ta biết mà nom theo.
- Ai?
- Các chủ nợ?
- Em làm gì đến thiếu nợ?
- Tôi giấu anh, tôi thua me ở đường Testard và nay mắc nợ khá nhiều.
- Khá nhiều là bao nhiêu?
- Ba ngàn, ủa bốn ngàn.
- Em trốn chủ nợ rồi trốn anh nữa hay sao? Hay là em có mèo? Em lỡ thương ai, cứ nói thiệt cho anh biết đi.
- Tôi buồn, tôi có đi chơi với họ, mà tôi không thương ai hết!
(Một câu quá trống trải, không thương luôn bác tôi hay sao?)
Nhưng sự thật, bao nhiêu gái buổi đầu lỡ chơn trái đều bước một thứ như nhau, làm quen với cậu Tư, cọ dĩa với Hắc công tử, nhưng lòng luôn luôn gởi đám mây Hằng, thỉnh thoảng nhớ mẹ, chập chôn nhớ chồng, người anh rộng lòng tha thứ như biển Ô Cấp, tuy chưa thương về xác thịt nhưng cảm phục về nét quân tử hải hà.
Thoạt nghe tiếng kèn ô tô ngoài cửa, bác tôi vụt nói:
- Kìa xe cậu Tư!
Vô tình cô Ba chạy ra cửa coi có quả vậy không, nếu như ai đã tam bành nổi lên, nhưng bác tôi tỉnh như trước bàn phé gay cấn, chờ cô trở vô, hỏi tỉnh bơ:
- Nếu không có tiền em làm sao? Có ở nhà không?
- Thưa không?
- Còn nếu có tiền?
- Tôi sẽ ở nhà.
Không nói gì, bác tôi từ giã ra về sau khi căn dặn cô tạm lánh mặt trong hai ngày, mà cho đến nay cô Ba nói với tôi không hiểu vì sao lại dặn lánh hai ngày, tiền nhà ông dư dật, muốn lấy bao nhiêu có sẵn, hay là để đủ ngày giờ ông quơ ở ngoài chớ không đụng chạm tủ két trong nhà, e chị lớn hay!
Và quả đúng hai ngày, ông đem ba ngàn đưa cho em càng khuyên đừng đánh bài, đừng chơi bạc nữa... nhưng con vụ đã quay thì phải lăn, lời khuyên như nước đổ vào hàng “lá môn” không thấm vào đâu, được tiền đã không trả nợ lại quyết gỡ, gỡ đâu không thấy, thấy thua sạch số tiền ba ngàn kia. Mắc nợ ba ngàn đến phải “trốn”, nay dồn dập thêm ba ngàn nầy nữa, thì còn lối thoát nào? Đến đây mới thấy cái hại của cô bạc và cái hại vì quá tin và có lòng tốt tha thứ không nhằm chỗ, nhứt là thiếu người để theo kiềm con ngựa hay chứng “ưa đâm đầu vào hàng rào”!
Chớ chi bác tôi già tay ấn, đưa nàng đi một vòng miền Trung hay lục tỉnh sau khi dứt khoát nợ nần, thì hoạ may con chim không cơ hội vẫy cánh tung bay, chớ bác quá tốt nơi dây thì con diều kia gặp gió dữ làm sao không đứt chỉ!
Trong khi đang khủng hoảng tinh thần, ma dắt lối quỷ đưa đường, không ma quỷ gì cả mà Phước Georges lù lù đem xe lại rủ đi một vòng xuống Cần Thơ ăn cá cháy.
Đi thì đi. Mặc cho con Tạo... đến đâu hay đó?
Xe chạy rồi nước mắt bỗng cầm không đậu, khóc ăn năn vì thương anh thầy quá tốt, - xin anh hỉ xả cho em phen nầy, - khóc vì hối hận sao quá xui lấy cái phản bội trả ơn một người nếu đáng trách chỉ là đã có vợ rồi! Từ buổi ấy hai người xa nhau và để kỷ niệm mối tình lỡ khóc lỡ cười, cô Ba giữ biệt hiệu, của bác thầy nhơn xem chớp bóng thấy cô đào trên màn bạc giống cô Ba bèn mượn tên Yvette gọi luôn và Yvette Trà rất xứng với Georges Phước.
Diều đứt dây, chim sổ lồng! Cô Ba từ đây bay với cánh của mình, có khác. Cặp nhơn tình vừa xuống tới quán khách Bungalow Cần Thơ, xe chưa nguội máy thì chiếc tám máy của cậu Ba cũng vừa xuống tới, cả ba nhập bọn, đôi bên cười thầm “chạy đường trời cũng không khỏi nắng”! Nắng và mưa còn dễ tránh, dễ gì thoát khỏi tay một người không biết tiếc tiền và đương ham lấy cho được người đẹp tức cậu Ba. Nhưng ái tình có nhiều cái bất ngờ. Vả lại cậu Ba muốn chưa phải lúc. Lúc đó cậu Tư Georges cung cấp cho cô Ba đầy đủ quá, không làm phật lòng một mảy mai nào thì làm sao con cá nầy ăn câu của cậu Ba cho được! Một hôm Phước lột chiếc cà rá nhận hột xoàn trị giá trên ba ngàn thời đó để trên bàn bước vô phòng tắm, bận ra thấy cô Ba đã đeo cà rá vào tay vừa cười, vừa nói:
- Anh Tư, coi vừa ngón tay em quá nè!
- Vừa thì em đeo luôn đi, anh cho em đó! (ấy tánh cậu Tư là vậy, bình sanh từ nhỏ không màng vật gì, dẫu quí đến đâu cũng thế, gặp lúc cậu hứng ai xin gì đều được toại lòng). Chuyện trở về Sài Gòn bộ ba đưa cô Trà về phố cũ của bác thầy mướn, buổi chiều là Trà đã khoe với dì Tư chiếc cà rá của cậu Georges tặng. Ít hôm sau, cậu Ba hay được vội biếu cô Ba một chiếc khác hột còn to xấp hai chiếc kim cương của Phước, nhưng cái số cô Ba không phải là tay “cầm của”, chẳng bao lâu cả hai chiếc cá rá hột xoàn đều được gởi vào tiệm cầm đồ, và có bao nhiêu tiền cô đều thua vào sòng của thầy Bảy Phương đường Testard hết ráo.
Bây giờ cái thuyết “ái tình không đi đôi với đổ bác” vẫn có người không tin rằng có thật, nhưng sự thật là cô Ba vừa cho “mò tỳ” đêm đó thì sáng ngày thua trút túi không còn một xu teng? Bởi vậy bợm cờ bạc rất sợ mèo chuột, chủ cái lập ngành thầu, rủ nhau hùn vốn hốt me, tuỳ người đẹp, nhưng đem theo để trưng chơi nhử chưng hoa kiểng và tuyệt nhiên không dám mó đến, vì sợ xui lây. Trừ khi nào đánh ăn, định nghỉ đánh mới dám “tả xíu quảy” (đả tiểu hoa) mò chút ít chớ không dám đi sâu sợ xúi quảy?
Ba Trà đạp vào vòng đổ bác, ban đầu tưởng đánh ăn để có bạc đền ơn lòng tốt dì Tư, nhưng nghề cờ bạc, xem cho cùng thua nhiều ăn ít, khi ăn thì ăn xài cho lớn, cho chác mua sắm hời hợt, bao nhiêu cũng hết, khi thua vơ vét, bán sạch không tiếc, khi trắng tay thì đã muộn rồi. Chừng nợ nần lút đầu hút cổ, dì cháu bàn bạc, mới nghĩ đến việc tìm một chỗ buôn bán cho có đồng ra đồng vào, và vì vậy mà dì Tư Ăng lê mới bày sẵn ông Lý Kỳ Quân tính sang nhà hàng bán cơm Việt ở đường d’Espagne, giữa nhà hàng Quảng Thạp bán cơm Tây và nhà hàng Cửu Long giang ở góc đường d’Espagne và Aviatsut Garros, chiều thứ bảy có đờn ca điệu tài tử nay chạy tiền “từng” nhà Đông Pháp lữ quán của họ Lý, con Ba mầy ngồi két (caisse), không lo gì khách hai nhà kia tựu sang đây “để ngó mầy”!
- Nhưng tiền đâu có mà sang mà làm vốn sau nầy?
- Thì vay bạc chà sét ty là có tiền, lo gì!
Và vài hôm sau Đông Pháp lữ quán được thay chủ mới, ông Lý Kỳ Quân lấy vốn, lỗ lã cũng bộn, lui về tỉnh nhà là Rạch Giá, trở lại nghề cũ là khẩn đất làm ruộng vùng kinh xáng mới khai rừng Phước Long, Vĩnh phú, cô Marie Huệ, ngồi kết, cũng là một tay nhan sắc đương thời nhưng đã trộng tuổi nay nhường chỗ cho Ba Trà là phải điệu. Lúc ấy tôi học còn một năm nữa là thi ra trưởng, và nhờ lấy năm nầy làm mốc mà biết được năm 1923, Đông Pháp lữ quán được dì Tư Ăng lê đứng điều khiển, cô Ba Trà đứng két.
Đó là chiêu bài chánh thức, chớ bề trong là thỉnh thoảng chứa một “sòng me chạy” mới chịu nổi với sở phí nhà nầy. Mỗi chúa nhựt tôi đã từng làm khách đến đây dùng một bữa cơm trưa, vì khi học, tôi không có người thay mặt bảo lãnh (correspondant), tôi phải nhờ bạn học ra trường đứng tờ bảo lãnh nhưng anh Từ Văn Chấn nhà quá xa, tôi thường mướn phòng khách sạn Đỗ Văn Bình đường Amiral Courbert làm nơi nghỉ chân và luôn luôn ăn cơm quán, nhưng rất vừa túi tiền, khi mua một trăn bánh hỏi thịt bò nướng gần khách sạn thì giá tiền không hơn hai cắc bạc (0$20), bữa nào cao hứng lại Đông Pháp lữ quán để ngắm hoa biết nói, thì một bữa cơm mắm ruột rau sống chỉ tốn bốn cắc (0,$40), bữa nào thịnh soạn con gà ba món hay cua xào giấm thì cũng lối bảy cắc mà bữa ấy hoặc đãi bạn hoặc bạn đãi mình, tức ăn hai đứa mới ăn hết ba món kia và một chúa nhựt xài không quá hai đồng (2$00) mà có đủ ciné trong ấy.
Lúc đó Sài Gòn trổ ngón ăn chơi, nhà Quảng Thạp là của một anh Hải Nam, trước nấu bếp cho thống đốc Cognacp, sau có vốn lập quán cơm Tây nầy là danh tiếng đang thời tôi đã nói buổi café sáng vừa bánh mì vừa bơ lạt, vừa café moka thơm ngát mà giá chỉ có hai cắc bạc, tha hồ quết bơ lên bánh mì lút bánh mà chủ nào có nói gì, nhà hàng Cửu Long Giang là nơi tựu hội các ông già viết tuần báo Nguyễn Tử Thức, Lê Sum (Trường Mậu) và Lão Ngạc Nguyễn Viên Kiều, v.v.., còn nhà Đông Pháp lữ quán từ ngày về tay cô Ba, ban ngày là quán cơm ban đêm là ổ me ổ cờ bạc và nơi tụ hội các tay ăn chơi lục tỉnh thường đến đây để gầy sòng và hút xách(1).
Nhưng như đã thành thông lệ lúc đó nảy ra một thành ngữ mới, mọc ra có mấy năm đó rồi lặn luôn không nghe nhắc tới là muốn đến Đông Pháp lữ quán nhắp một ly khai vị hay ăn sò nướng hoặc đông nướng, nhộng chiên, thường nói “Đi lại Yvette chơi!” đủ biết cái đẹp của cô Ba quyến rũ thế nào?
Sự thật cái nhà hàng Đông Pháp lữ quán đúng ra mới là cái lò đào tạo Ba Trà, từ một gái quê thiếu học, biến ra một ả tứ thời đẹp vì còn mơn mởn đào tơ, và đẹp thêm cũng nhờ tay dì Tư Ăng lê và Marie Huệ dạy cho từ cách giồi làm sao, trau trìa làm sao cho phấn hiệu nào ăn với da mặt, cây son nào ăn với làn môi, không đỏ choẹt giả tạo vì son rẻ tiền, cũng không đỏ mét vì lấy giấy bao nhang thấm ướt mượn màu hường dợt thoa môi má hồng men mét tai tái mà khoe làn thu thuỷ, nét thu ba sao được. Vì muốn đền đáp dì Tư cái ơn tái tạo sanh ấy, mà cô Ba đạp nhằm cái tật đeo theo bài bạc me sòng, và thua mãi công tử chưa thấy sự nghiệp ông cha tan tành, mà cô đã thấy tài làm đổ quán xiêu đình chỉ đem lại bản thân nợ nần lút đầu lút cổ đến sau nầy “sập tiệm”. Ăn xài huy hoát, tiền vô không đếm xiết mà tiền ra cũng tuông như cầm chĩnh mà đổ, đưa tiền mua món nào, bồi bếp đem về tiền lẻ, cô Ba không bao giờ lấy lại, hoặc nói “để đó mà xài”, tức là cho anh cho mầy luôn đó, hoặc những lúc thua thiếu, chỉ dạy bỏ vào một rổ con để gần bàn phấn, đứa nào thèm chè cháo chút đỉnh cứ lấy đó mà chi tiêu, cô không bao giờ tra hỏi cũng không nói một lời khi thấy rổ đang đầy bỗng hoá rổ không, vì tiền hoang chuột chù cứ khoét!
Tội nghiệp cho mấy tay chủ điền nửa mùa muốn học làm sang, đưa con lên Sài Gòn, chạy chọt lo lót cho con vào học trường Chasseloup khỏi thi nhập học, tức nhiên phải biết cửa mà đút sáp, khi học ban quartier européen dành cho bọn Tây lai côi cút hay cho bọn con nhà giàu gộc khách trú hay con đại điền chủ có Pháp tịch, sinh viên được ăn cơm Tây và mặc âu phục, giờ chơi cũng như giờ học phải dùng Pháp ngữ làm gốc, nhờ vậy mà mau giỏi mau rành tiếng Tây, không nữa thì xin vào học ban quartier indigène, gọi ban bổn quốc, ăn cơm Việt, được tha hồ nói tiếng mẹ đẻ nhưng thầy dạy vẫn là thầy lang sa chung cả hai ban. Nếu không xin vô trường Chasseloup được thì đóng tiền xin học nội trú trưởng nhà dòng là trường Taberd, dạy dỗ cho các thầy dòng, ép buộc kinh thánh quá nhiều và dụ dỗ hay thế nào mà anh nào vô học Taberd mười anh nhiễm đạo Gia-tô đến gần nửa chục, tuy học có kém Chasseloup nhưng số thi ra trường lại đông hơn vì ở Taberd là học gạo, còn ở Chasseloup giáo sư Pháp chuyên dạy về học thức, thể dục, âm nhạc cho ra người lịch duyệt sau nầy, còn phần hồn vẫn để tự do, ai theo đạo nấy, không ép buộc, thậm chí lối 1922-1923 giáo sư Goupillon còn lập ra phái Patronage laique, chiêu dụ sinh viên nhập phái, đóng tiền nguyệt liễm mỗi tháng sáu cắc bạc (0$60) mà ngấm ngầm là chống đạo Gia-tô. Tội nghiệp cho mấy ông đại điền chủ dắt con và đem tiền lên trên nầy lo cho con có chỗ ăn học, chuyến về nhà, con thì gởi “tại trường lớn”, nói với má bù trẻ làm vậy mà nào dám nói thật bao nhiêu tiền đem theo, lớp trả tiền mướn phòng ngủ sang trọng nơi Hôtel des Nations (lữ quán vạn quốc) cho thêm sang, đó là tiền xài chính đáng, má bù trẻ nào nói gì, duy tiền không lổ gởi vào áo túi Ba Trà, mẹ ai dám nói. Con lên đây ăn học, cha lên đây tập làm sang, tứ sắc năm cắc một lện (0$50) nếu tính ra tiền ngày nay biết là mấy trăm mấy ngàn, hoặc me hoặc bài cào, thét vô rồi cậu Năm B. chủ rạp chớp bóng ở Cần Thơ đề nghị, và có ông hội đồng Th. tỉnh Rạch giá tán thành, đánh bài chung tiền không sướng bằng đánh “tứ sắc ăn hôn”, thua thì thua thiệt có dấu hiệu Banque de l‘Indochine (ngân hàng Đông Dương), còn thắng thì được phép “hôn” mà trời đất ôi, chớ chi được hun ngay vào má cô Ba thì còn sung sướng chút nào, gần hơi hương hít hơi hương (hay hơi gì đó) tưng an ủi phần nào, đàng này lập lệ người thắng, bài ăn 7/10 thì cho hôn mo bàn tay cô Ba một cái, nhược bằng thắng lớn, ăn quan tỷ dụ 17/40 thì bốn cái hun trót trót trên da trơn trợt, hoặc đúng máu con cháu họ Bùi (Bùi Kiệm), thì được phép gởi một cái hôn lại kỳ thắng sau.
Ông hội đồng Rạch giá và cậu nhà giàu Cần Thơ ở trên nầy trót tháng, rốt lại phải từ giã cô Ba, để mạnh ai về xứ nấy, kẻ luyện phi đao, người luyện phi bạc, chỉnh tu binh mã để kỳ bãi trường tới rước con về sẽ chiến đấu tranh nhau hôn cái da non của bàn tay mềm mại của cô Ba, thành ngữ đổ quán xiêu đình, vào khoảng 1920-1945 nên đổi lại “xiêu điền nát ruộng” cũng vì đua nhau tranh tiếng hảo “có ngủ có gần cô B. người đẹp số “dách” đất Sài gòn”.
Lúc khách ở Đông Pháp lữ quán bắt đầu thưa, vì đến mùa gieo mạ các chủ điền phải rút về đốt đồng làm mùa mới, khi ấy cô Ba bèn nhớ lại người ân là bác thầy thuốc của tôi. Hai người gặp nhau, ông sẵn lòng tha thứ, con chim biết nói trở về, thì cứ mở lồng cho chim được “kim ốc trử chi”. Phen nầy bác thầy tổ chức lấy xe nhà đưa đứa em lạc đàng tắm biển để hưởng lại tuần trăng tái hợp
Tưởng đưa cưng ra Cấp để hàn gắn mối thương lòng, dở lò hương cũ, nối lại tình xưa, té ra đại thất vọng, cô Ba ra tới Ô Cấp, thấy biển xanh non thắm, bỗng vụt khóc oà, bác sĩ A. thất kinh lật đật hỏi, cô trả lời: “Tôi nhớ nhà!”
Bác sĩ hoà hưởn hỏi tiếp:
- Nhà gì? Ở đâu?
- Thú thật với anh, tôi nhớ chồng tôi lắm!
- Chồng nào nữa?
- Dạ thưa, người chồng ở Phan Rang.
- Tại sao em ra đi với anh, em lại nhớ chồng Phan Rang?
- Tại vì ra đây thấy núi thấy biển, tôi nhớ anh Toàn, chồng của em! Tôi tưởng chỉ ngoài ấy mới có núi có biến, ngờ đâu ở đây cũng có núi có biến y như ngoài ấy.
Thế là đổ vỡ. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên. Duyên em nằm trong vòng tay anh mà em mơ tưởng người khác, chi cho bằng...
Dầu tốt đến bực nào, Phật trên bàn có khi cũng phải đứng nhỏm dậy vì ngồi lâu đã mỏi? Đề huề trở lại Sài Gòn, dẹp bỏ chuyện tái trùng phùng nối lại duyên xưa. Về tới Chợ Bến Thành, ghé xe đường d’Espagne trả cô về Đông Pháp lữ quán mặc dầu trong bụng rất là không bằng lòng, bác sĩ A. dạy xe về nhà ở gần lối đó, dối với bác gái rằng biển động mưa gió lu bù, Ô Cấp lúc này ở không được nên về sớm ở nhà nghỉ khoẻ hơn.
Lên võng nằm, ôn lại chuyện cũ: tại mình quá tốt. Đi sai một nước cờ, tâm lý cao thượng quá cũng không xong. Phép nuôi chim, phải khéo giữ giữ, chẳng bao giờ để chim sút lồng. Chim sút lồng ra ngoài không khí tự do, nếm được hột trái rừng, uống được nước suối trong nguồn chảy ra, bao giờ chim ưng trở lại lồng xưa với gạo giã quá trắng mất ngon, nước cũng vậy, nước nhà máy dẫu sạch cách mấy cũng còn chút mùi khử độc, không mùi thuốc tím thì mùi canh ty dót, tức mùi nhà thương, bác sĩ A. dầu ngọt thế nào, sao bằng anh Tư G. bảnh trai hoặc sao bì anh Ba H. đen đúa thật mà lúa bồ lúa ghe chài, một người tốt thật, rộng rãi thật là ông A., nhưng quen nghề quen tật, mỗi mỗi đều đo lường, có cho thì cân đúng mấy chỉ hay là nhiểu từng giọt đếm không cho thiếu và chẳng bao giờ cho dư, sao bì hai anh hẩu tố dành (hảo đa nhơn) nầy, cà rá xoàn khen chơi một tiếng là cho luôn không tiếc.
Tử đây, con chim sống theo cánh chim tự do, thiếu chi mai mối, nào ông hội đồng xứ nước mắm nhỉ, ruộng cò bay thẳng cánh kiếng, nào anh Năm B. chủ rạp hát ở Cần Thơ, tiền xài như nước, nào Hắc công tử đang đút đơn mà mình chưa thâu nhận, nào Bạch công tử, mình chưa trả ơn nghĩa đền... Bác sĩ anh ôi, em xin chịu lỗi anh tốt với em thật, nhưng ngồi xe anh, em vẫn ngại ngại sợ ngày nào chị cả không bằng lòng, thì cơ hội tốt của em cũng qua rồi, em hối sao kịp. Bác sĩ anh ôi! Có thương thì đừng giận, nếu giận thì đã hết thương, chi cho bằng anh trả tự do cho em kiếp nầy, và nói theo truyện Tàu và theo tâm lý quân tử Tàu, anh với em, xin chớ liếp tái sanh, kết cỏ ngậm vành em sẽ trả!
Nghĩ cho cùng, việc đời đưa tới với cô Ba chớ cô nào muốn. 14 tuổi đụng thằng Tây sồn sồn, không khác hoa lan vừa chởm nở, gặp dông tố phũ phàng, may sao chàng về Tây, kế 18 tuổi gặp anh Toàn, anh cho mặc áo xẩm, lại càng thêm lạ mắt? Bơ vơ sau cơn đau mắt tưởng đến mù, vớ được ông bác sĩ biết điều, như người đang đau gặp người giỏi khoa điều trị thêm được mát tay, mặc sức đoá hoa rừng tươi thắm. Ai dạy cô đánh bạc? Dì Tư hay chính bác sĩ đã có vợ đẹp sẵn tại nhà? Nhưng từ khi lỡ tay thua sạch và sẩy chân khỏi lồng độc chiếc (lấy Tây, lấy Toàn, lấy A., đều là đánh một sức một nêu cũng gọi đánh độc chiếc), sau nầy cọ dĩa hắc bạch - nhị công tử, tập tành so sánh chơi bài tay ba, rồi đụng Năm B. Cần Thơ, hội đồng H. Rạch giá, ngồi sòng me đụng chạm nhiều tay nhiều hơi đàn ông khác, khiến nên khi chồng ơn chồng nghĩa chớ ra Vũng Tàu, cổ thèm khát tự do cỏ mượn cớ nhớ núi nhớ biển mà nhắc lại Toàn, và một một hai hai cô vẫn nài trở về Sài Gòn cho bớt nhớ. Bực quá bác tôi trả chim về ổ cũ, mặc tình nhớ cảnh nhớ rừng.
Đông Pháp lữ quán sau khi hết sức tấp nập dập dìu công tử vương tôn, đến hồi vắng khách, may sao có một chàng Huê kiều có máu Việt, ở Chợ Lớn họ Lương, làm nghề mại bản, triệu phú, ngoài gọi Lương mái chính, gặp nàng và thích ý, bằng lòng bao bọc quyết chuyện trăm năm, nhưng với điều kiện kiếm chỗ khác cho được yên tịnh để xây tổ uyên ương, chớ Đông Pháp lữ quán quá ồn ào, gần chợ gần chỗ đông người, y không muốn. Thiệt là buồn ngủ mà gặp chiếu manh, chớ Đông Pháp lữ quán đã động ổ rồi, cò bót khởi sự dòm ngó, lại nữa chủ nợ tới lui khó chịu! Nhưng chỗ tôi muốn nói là “bầu tròn ống thẳng”, cô Ba Trà là gái thiếu học, lúc thanh xuân thiệt thà như cục đất, vừa hiếu mẹ vừa biết sợ chồng, duy xấu là xã hội tập cho xấu, ở ngay ổ cờ bạc là nhà dì Tư Ăng lê, không khác cô Ba Pho bị công tử Bích dạy cho giải buồn bằng đánh me hốt cái hoặc chơi tay con, và cái bông đẹp tự nhiên từ Cần Đước dời qua Sài Gòn, chớ xuống Vĩnh Long, Cần Thơ, bắt mùi giang hồ lưu lạc, dì Tư dạy cho trang điểm, ông bác sĩ dạy cho cầm nĩa dao tay, nào xắt thịt ăn cá cơm Tây lấy xương làm sao, nhứt là tập ăn thịt bò còn máu cho thêm bổ, ban đầu cho ăn bít tết, sau cho ăn thịt bò con chiên kiểu Chateaubriand, thưởng thức biết ngon rồi, ép trở lại nếm bít tết dầu ngon cách mấy cũng chê lợm giọng, bèn giả chước nhớ nhà nhớ biển, để cho tui sống theo tui, anh à.
Dịp may, cô đi dự đám cưới của Tuyết, con của thầy Ba Kính, đến căn phố lầu mà tôi từng được ở mấy tháng và làm lễ tân hôn tại đây, cô Ba chíp bụng, nên khi ông Bô của tôi đề huề dọn xuống phố ông hội đồng Trạch 69 đường Taberd, nơi tiền hơn (80 đồng mỗi tháng), lầu 260 Richaud vừa trống, không rõ ai chỉ đường dọn nẻo, cô đến mướn (lúc chúng tôi ở là 160$ mỗi tháng và chủ phố là trưởng toà Tư ở Vĩnh long), không treo bảng hiệu không đánh trống rinh rang, nhưng đó là NGUYỆT TIÊN CUNG đã tả rồi trong báo Tiếng Dội năm 1952 và nay tôi nhắc lại:
Mấy năm sau nầy, tôi nói đây là chuyện trước năm 1975, phố xá Sài Gòn mọc lên như nấm, đẹp to cao tốt, phố cũ ví làm sao được nhưng vào năm 1928, căn 260 Richaud là xinh bực nhứt rồi. Mặt tiền độ sáu thước bề ngang, một từng lầu thôi, nhưng thênh thang chắc chắn, và bề tiện nghi, không chỗ chê, vì dài thấu ra mặt hậu là đường Colombier (nay là đường Hồ Xuân Hương), cửa sau là cửa nhà chứa xe, rồi trở lên tới nhà bồi nhà bếp, còn phía trước day mặt ra Richaud là lầu năm ngăn bảy nắp, gọi cho rôm là “Nguyệt tiên cung” nghe cho kêu, chớ thật không biết thâm ý của kiến trúc sư hay của chủ nhà thế nào, chớ nhà nầy dành chứa me đánh bài thì tuyệt diệu, vì có ngả hậu để lui binh, có thang lầu riêng biệt để khi tấn khi thối, khi xuất khi hiện, đố lính tráng nào theo kịp bước lúc có báo động Tây gọi là alerte! Tôi được ở nhà nầy mấy tháng trước khi kết hôn nơi đây với cô Tuyết, nên vẫn biết được bề trong của Nguyệt tiên cung nầy, không đến bí ẩn như Tiếng Dội từng viết, nhưng khi lọt vào tay cô Ba, ông thợ bà thợ nào đây sắp đặt thiệt là kín đáo, nhưng theo tôi, cái khéo nhứt chốn nầy là cô Ba mượn nhà nầy mà “thỉnh” cựu phu quân Toàn đến đây cho thưởng thức một đêm ở trong nguyệt mà chẳng bao giờ được gần người nguyệt và trả thù lúc trước bị hất hủi bỏ rơi, trả thù như vầy tôi cho là tuyệt khéo. Ăn năn như Toàn, ỷ y như Toàn, ao ước ong cũ nút nhuỵ xưa không được, chớ mãi đến sáng thì mới hay “tình xưa” vẫn ở trên lầu, một đêm gần trong gang tấc chớ nào phải “cô tôi vô Chợ Lớn ăn tiệc, có lẽ mắc lỡ tay đánh bài, xin cậu rán chớ”, chờ đến sáng, tức giận lui binh, thì một tiếng kêu “anh Toàn” từ trên câu lơn lầu kêu xuống, - bị thoa mỡ bò cho tuột dên cách ấy, ai bày kế nầy, tôi cho là khéo và sướng không biết lá gan của cô Ba lúc ấy nở đến bực nào)
Còn cái chuyện câu khách làng chơi từ nạp tiền lễ ra mắt 1.000 bạc chẵn chòi mà phải lựa toàn giấy xăng giấy lớn (nạp tiền lẻ tiền nhỏ, tỏ ra vét tủ và keo kiết) cô cho ra rìa, về không, rồi khi được nhập hội, qua khỏi cửa có hạch gác, có chuông reo sang qua tay á múi mời vào phòng khách có chén trà sâm giải khát, chuyền qua phòng kế một xẩm con tiếp mời một chén yến nấu đường phèn hay yến chưng cách thuỷ với bồ câu ra ràn, rồi chuyền tay một phen nữa qua phòng có tiểu mỹ nữ Tàu mời tắm nước nóng và thay y phục nhẹ, bao nhiêu ấy để rồi tốt số thì may gặp nàng Trà, xấu số thì thâu bửu bối ra ngả sau chuồn về với bao nhiêu tức ấm ách vì người dẹp nàng tiên cho leo cây, những chi tiết tôi đã đọc trong Tiếng Dội 1952, tôi không dám tin hoàn toàn là có. Theo tôi nghe nói, thì quả vô nhà Trà rất khó vì là chỗ chứa me, thang lầu trên dưới đều có đèn báo động... nay chỉ còn dư âm, mỗi người thuật lại tuỳ theo trí tưởng tượng của mình, duy cái bóng giai nhân, mỗi lần có dịp đi ngang chốn cũ, trước 1975 thì lúc ấy phòng mạch bác sĩ Hồ Văn Nhựt cố nhân vẫn ở sát vách cung xưa mấy lúc sau nầy, cũng còn dịp trở lại đây, cảnh thì còn đó, phố lầu trơ trơ vô tri vô giác, biết với ai mà nhắc chuyện vang bóng một thời!
Tôi còn nhớ năm 1928, vào làm rể ông Kính, lúc ấy dãy ngang số 260 còn là đất trống cây mọc che khuất một vuông nhà lụp xụp bằng gỗ đã cũ kỹ, dường như là trại cưa súc ván, chung quanh chưa có dinh thự xinh tốt như bây giờ, mỗi ngày tôi đi làm nơi trường máy, một cuốc xe kéo tay phải trả 0$15 vì đường xa khá đến, chiều chiều là tôi được ngồi ghế strapontin (ghế phụ) trên chiếc Peogeot mui trần, băng sau danh dự là ông Kính chễm chệ ngồi giữa, bên tả là cô Tuyết, ái nữ con riêng của phu nhơn, và bà Kính vẫn ngồi bên hữu, xe đảo mấy vòng hết chợ cũ qua chợ mới Bến Thành rồi đảo xuống Nhà Rồng lăng tô (láng thọ), ghé các tay bài quen để hỏi tối me hốt nơi đâu, rồi trở lộn về nhà xơi cơm tối hối hả rồi ngồi xe trở lại để kiếm sòng gầy tụ, hoặc tôi xin ở lại nhà, hoặc tôi phải đi theo vào các nhà xét trong Chợ Lớn cho đến khuya lơ khuya lắc, may đánh ăn thì về sớm, thua thì ở lại trông mong gỡ gạc, khi thì: như ngày thứ bảy và ngày lễ có tổ chức đờn ca tại nhà, thức muốn lòi con mắt, và thân làm rể nhờ hột cơm, vẫn ngủ ghế bố bày ra nơi câu lơn lầu trong, không mùng, trị muỗi cắn bằng nhang khoanh hiệu Nhựt bổn, ấy ai thì như tiên đến đây để giỡn tiền cho biết thế nào là người đẹp, duy tôi nằm tại đó mà nào biết đó sau trở thành Nguyệt tiên cung là cái cung động gì? Tôi chỉ nhớ nhà nầy đối với tôi là xui xẻo nhứt, muốn cưới Tuyết nên phải lăn vào lửa, thân xếp ve cân không tới 40 kí, làm ra tiền khá đến, thơ ký hạng tư lương mỗi tháng 80 đồng, kiếm thêm được 60 đồng nữa nhờ dạy Việt văn cho ba ông Tây chủ sở, nhưng những 140 đồng ấy tương đương với lương tri phủ chớ phải ít ỏi gì sao, nhưng nào đủ cho tôi ngồi nhà hàng và hút thuốc thơm con mèo nguyên hộp.
Khi cô Ba Trà thuật và nhắc lại cảnh cũ, cũng làm cho tôi hồi hộp nhớ lại kỷ niệm riêng buổi nào, và lúc nầy cô Ba mới thật là xinh tốt như hoa, tuy biết bề trong thì ắt đó là hoa đã nở từ sáng, xiết bao ong bưởm đã mở đàng đi lối về, nhưng bọn đàn ông nào ai xét chi chỗ đó, chỉ biết cô còn nheo nhẻo như nữ học sinh áo tím vừa ra trường, mỗi chiều cô ngồi xe trần mặt hoa da ngọc, đàn ông nào lại chẳng muốn nhào vô, đâu phải lấy cô mà chỉ muốn được danh là biết cô cũng đủ. Duy tôi thanh minh một lần nữa, nhiều người không được gần rồi tra tiếng oán, chớ cô biết giữ gìn danh tiếng, không phải hễ có tiền là được gần cô đâu!
Ngày hội đồng Th. Rạch giá và cậu Nam B. Cần Thơ từ giã cô Ba để về xứ làm cho cô lấy làm lạ, hỏi:
- Coi! Hai anh sao về đi? Ở lại đây chơi mà!
Cả hai như sắp đặt trước, đồng trả lời một lượt:
- Chúng tôi có nguyện ngày nào cô mặc trở lại chiếc áo lần đầu khi ba ta gặp nhau, thì chúng tôi rút lui, kể như đã công thành duyên mãn. Hôm nay cô mặc trở lại bộ com lê (complet) nữ sinh trường áo tím, ấy cũng là ngày chúng tôi tự bãi trường.
Cô nghe nói mới sực nhớ lại, y phục quá nhiều, cô mặc chiếc áo còn lằn xếp đã trót bốn tháng mới lấy từ trong tủ ra... Bắt tay từ giã, xe chạy nghe cái vù, cậu Cần thơ văng luôn rạp hát bóng đang ăn khách, ông Rạch giá bay luôn mấy sở ruộng luôn và năm sáu đìa cá đồng, tuy không cánh mà biết đằng vân, phép cô Ba hay thật. Cái hại mê nữ sắc!
Và nhan sắc cô Ba lúc ấy thật là quyến rũ: hai chàng về tỉnh chưa được bao lâu, kẻ ngứa ngáy hai chơn, người động lòng bốn phương, cả hai tom góp “gió máy” được vừa nặng túi, không hẹn mà đồng hè trở lên Đông Pháp lữ quán, ông Hội quyết dâng đủ sính lễ cưới nàng, cậu Bích (không phải Bích Trà Vinh) cũng quyết dâng trái tim mặc cho nàng mổ xẻ, miễn nàng ừ một tiếng nhìn nhận làm chồng, và cả hai đều đưa đơn nhờ dì Tư Ăng lê chuyển đạt. Thấy việc khó xử, bà mai nói phân hai:
- Việc ấy nói thẳng với Ba, chớ qua tính là tính làm sao được?
Đến đây ta mới thấy cái ma lực của ái tình. Chính chuyên, chung tình thì xuýt bị thằng ghiền Sáu Mão bày đặt chuyện rà lưỡi trị mắt nhặm để trước hôn má, sau sẽ viếng động tiên, qua khỏi truông chị Sáu toa rập với chồng, vì quá thua me, sổ lồng ông A. thì bị kế hắc bạch hai chàng, chớ đi giáp vòng Hậu Giang Ba Thắc, nay đến lượt chồng sờ sờ đó mà hai người nầy đòi cưới là cưới làm sao? Đơn lên tới cô Ba, cô lạnh lùng trả lại: “Tôi là gái có chồng?” Rồi đúng một cái, không thắng không bại mà sòng me Hắc Bạch Cần Rạch tự nhiên xên: cậu Ba đeo mà không được đành làm con ong già bay qua bông khác, cậu Tư bị mấy cô đào cải lương thu hồn vì xem tích Hồ nguyệt cô bị Tiết Giao đoạt ngọc, đến lượt hai anh công tử vườn nầy, hốp tốp, đơn đưa cô Ba quyết định, bỗng bị một tay triệu phú Huê kiều, như đã nói nơi đoạn trước là Lương H., đóng vai Thúc sinh quen thói bốc rời, ra lịnh dẹp Lữ quán Đông Pháp và lập cho cô một động mới: Nguyệt tiên cung. Lương thắng cuộc, chiếm được mỹ nhân, cuộc thi đua giữa các công tử tạm chấm dứt, vì giỡn tiền không lại mái chính triệu phú Tàu.
Chú thích:
(1) Ngày nay các tay viết Bắc thường viết "hút sách", tôi không biết dựa vào điển tích nào và tôi vẫn giữ chính tả của riêng tôi viết “hút xách” dựa theo điển nầy: có mặt ông già thần tinh Sốc, xứ tôi, linh ứng lắm, không ai dám nói xúc phạm hay có cử chỉ bất nhã nào với ngài, một hôm đạp đồng lên dặn người từ coi miếu dặn không nên cho bợm hút vào miễn bất cứ sang hèn cũng vậy, các đạo lấy làm lạ, hỏi duyên cớ, ngài để tên ngồi đồng đáp: "Làng nầy người nào cũng tốt, duy bợm hút phải coi chừng, vì khi nó ghiền, lư lương tao nó cũng xách!”.
Hút xách đi đôi đi cặp với nhau là vì diễn nầy. Tôi nói cho tôi và ai muốn viết sao mặc ý.